Stress vì bố mẹ la mắng và những hệ lụy khó lòng đong đếm

Stress vì bố mẹ la mắng thường xuyên là tình trạng đang diễn ra rất phổ biến hiện nay. Nhiều khi việc bố mẹ la mắng cũng chỉ xuất phát từ tình yêu dành cho con và mong muốn con tốt lên. Tuy nhiên những lời chì chiết từ bố mẹ lại khiến cho trẻ rơi vào căng thẳng, buồn chán và gián tiếp dẫn tới những hệ lụy đáng buồn.

stress vì bố mẹ hay la mắng
Stress vì bố mẹ hay la mắng là tình trạng rất phổ biến cần sớm có biện pháp khắc phục

Tại sao trẻ bị stress vì bố mẹ hay la mắng?

Đa số các bậc phụ huynh đều đã từng la mắng con cái do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này thường diễn ra khi con lười biếng, phạm lỗi hoặc có thành tích học tập kém. Nhiều bố mẹ tin rằng, việc la mắng sẽ giúp con ý thức được sai lầm, khuyết điểm để nỗ lực cải thiện bản thân tốt hơn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, rất nhiều phụ huynh la mắng con cái theo thói quen. Họ không quan tâm đến cảm xúc của con hoặc chưa tìm hiểu kỹ xem sự việc xảy ra có phải là hoàn toàn do lỗi của con hay không. Thường xuyên quát mắng con cái vô căn cứ hoặc thái quá có thể khiến tinh thần con bị ảnh hưởng nặng nề.

Khi bị bố mẹ la mắng thường xuyên, phản ứng chung của các con thường là chán nản, buồn bã và tự dằn vặt bản thân. Trong đó, không ít trẻ rơi vào trạng thái stress kéo dài khiến cho sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Stress vì bố mẹ hay la mắng có thể do một số nguyên nhân sau:

  • Bị tổn thương tâm hồn: Khi nóng giận, các bậc phụ huynh có thể trách móc và chì chiết con cái bằng những ngôn từ không phù hợp. Điều này khiến tâm hồn con bị tổn thương. Trẻ thường chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực như chán nản, bi quan, buồn bã,… Lâu dần trẻ có thể bị stress, tách biệt, xa cách với gia đình, thậm chí là bị trầm cảm.
  • Cảm thấy bản thân yếu kém, vô dụng: Trẻ bị bố mẹ la mắng thường xuyên sẽ có xu hướng trở nên tự ti và nhút nhát. Nguyên nhân là do trẻ luôn nghĩ bản thân yếu kém và vô dụng nên mới bị quát mắng. Điều này kéo theo tâm lý dằn vặt, trách móc bản thân và rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng.
  • Lo sợ làm bố mẹ thất vọng: Tâm lý chung của trẻ khi bị la mắng là sợ làm bố mẹ thất vọng. Đây là nỗi lo sợ thường trực khiến trẻ bị áp lực trong mọi việc. Lâu dần sẽ dẫn tới stress, lúc này trẻ thường phải đối mặt với sự nặng nề và ngột ngạt về tâm lý.
  • Không được lắng nghe và thấu hiểu: Hay la mắng con cái là một trong những biểu hiện của cha mẹ độc hại. Những bậc phụ huynh này thường nghiêm khắc quá mức và không tôn trọng con cái. Với những trẻ vị thành niên và người trẻ, nếu không nhận được sự lắng nghe, quan tâm và thấu hiểu từ gia đình thì rất dễ rơi vào tình trạng stress. Hơn nữa còn có thể đưa ra những quyết định sai lầm trong cuộc sống.
  • Không khí gia đình ngột ngạt: Bố mẹ hay la mắng con cái có thể khiến bầu không khí gia đình trở nên nặng nề và ngột ngạt. Tình trạng này khiến trẻ khó tránh khỏi cảm giác mệt mỏi và căng thẳng. Ngoài ra còn khiến cho khoảng cách giữa trẻ và bố mẹ trở nên xa cách hơn.
vì sao bố mẹ la mắng nhiều khiến con bị stress
Bố mẹ la mắng quá nhiều khiến con mệt mỏi, chán nản, cảm thấy bản thân vô dụng và rơi vào trạng thái stress

Dấu hiệu trẻ bị stress vì bố mẹ hay la mắng

Như đã đề cập, việc bố mẹ la mắng con cái thường xuyên sẽ khiến cho bầu không khí gia đình luôn trong trạng thái căng thẳng và ngột ngạt. Hơn nữa còn khiến con trẻ dễ bị stress hay gặp phải các vấn đề tâm lý khác. Tuy nhiên bố mẹ lại thiếu quan tâm nên không phát hiện ra điều này.

Trẻ bị stress vì bố mẹ hay la mắng thường có những biểu hiện sau đây:

  • Trẻ luôn cảm thấy nặng nề và mệt mỏi khi trở về nhà
  • Cảm thấy bi quan, uể oải và mất hy vọng
  • Luôn tự tạo áp lực cho bản thân để có thể cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên do bị stress nên cả học tập và công việc đều không có được kết quả tốt.
  • Luôn lo sợ bị bố mẹ trách móc, chì chiết và la mắng. Nhất là khi kết quả học tập kém hay công việc không ổn định, có mức thu nhập thấp.
  • Khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống thường không muốn chia sẻ với bố mẹ. Rào cản là sợ bị đánh giá, chê bai hay cấm đoán.

Ngoài ra, những người bị stress vì bố mẹ hay la mắng còn có thể gặp phải các triệu chứng thể chất đi kèm. Chẳng hạn như khó ngủ, mất ngủ, căng cơ, ăn uống kém, sụt cân,… Thậm chí, một số người còn xuất hiện những phản ứng quá khích như run rẩy, sợ hãi, ngất xỉu,… do thi trượt hay trượt phỏng vấn.

Stress vì bố mẹ la mắng có thể khiến trẻ “nghĩ quẩn”

Hiện nay, áp lực học tập, nỗi lo về điểm số hay việc chọn trường, chọn lớp cộng thêm việc bố mẹ thường xuyên la mắng có thể khiến cho các chứng rối loạn tâm lý ở học sinh không ngừng gia tăng. Thậm chí, tình trạng trẻ bị trầm cảm hiện nay đang lên tới con số đáng báo động.

Về phía quan điểm của phụ huynh thì phần đa các bậc phụ huynh cho rằng việc la mắng con cái là mong muốn con nhìn ra được khuyết điểm và cố gắng hoàn thiện bản thân. Thậm chí việc bố mẹ so sánh con với bạn bè đồng trang lứa cũng là vì muốn con tốt như các bạn. Tuy nhiên vấn đề lại không đơn giản như bố mẹ nghĩ.

Bố mẹ hay la mắng có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng. Thậm chí nhiều trẻ còn bị bố mẹ ép phải học quá nhiều dẫn đến sự mất cân bằng giữa hoạt động trí tuệ và hoạt động thể lực. Điều này còn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt và ăn uống thất thường.

Stress vì bố mẹ kéo dài sẽ khiến cho trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, giảm sức chịu đựng và gặp nhiều khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc. Trạng thái trầm cảm, buồn chán và mất hứng thú với mọi thứ có thể khiến trẻ nảy sinh ý định tự tử.

Bố mẹ nên nhớ rằng, ranh giới giữa những lời mắng và lời mạt sát rất mong manh, dường như không thể nhìn thấy đường kẻ. Đối với bố mẹ lời nói của mình có thể bình thường và xuất phát từ sự quan tâm nhưng với con trẻ thì nó lại rất tồi tệ và đáng sợ.

Vết thương cơ thể rồi sẽ có ngày lành sẹo nhưng vết thương tinh thần thì không biết khi nào mới nguôi ngoai. Ảnh hưởng tâm lý có thể đi theo trẻ suốt cả chặng đường dài phát triển. Thậm chí còn làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh tâm lý – tâm thần ở trẻ với những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.

Bị stress vì bố mẹ thường xuyên la mắng cần làm gì?

Trên thực tế, con cái rất dễ bị stress vì bố mẹ hay la mắng. Điều này gây ra sự mệt mỏi và nặng nề về mặt tâm lý. Tình trạng này kéo dài không sớm có biện pháp khắc phục có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý. Đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất học tập cũng như làm việc.

Đặc biệt là đối với những trẻ trong giai đoạn vị thành niên, bố mẹ thường xuyên la mắng có thể gây ảnh hưởng tới việc phát triển nhân cách của con. Hơn nữa còn làm tăng nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn tâm lý – tâm thần nghiêm trọng.

Dưới đây là một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng bị stress vì bố mẹ hay la mắng:

1. Nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ

Khi bị bố mẹ la mắng thường xuyên thì việc đầu tiên mà bạn cần làm là nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ về tình trạng này. Trong cuộc trò chuyện, bạn cần giữ thái độ bình tĩnh. Đồng thời chú ý kiểm soát tốt lời nói của bản thân.

Tuyệt đối không bộc lộ cảm xúc quá khích khi trao đổi với bố mẹ. Bởi điều này có thể khiến bố mẹ cho rằng bạn đang nóng giận và hỗn láo. Do đó họ sẽ khó lòng chấp nhận những đề nghị của bạn. Ngoài ra cần suy nghĩ thật kỹ trước khi trao đổi với bố mẹ.

stress vì bố mẹ la mắng thường xuyên
Nên trao đổi thẳng thắn với bố mẹ để họ có thể suy nghĩ lại và thay đổi cách dạy con quá cứng nhắc

Khi trò chuyện, bạn cần cho bố mẹ hiểu rằng bạn đã lớn và có khả năng ý thức được đúng sai, phải trái. Đồng thời biết rõ việc gì nên làm và không nên làm. Bố mẹ có thể cho bạn lời khuyên nhưng không nên quát mắng con vô vớ. Đặc biệt là khi chưa hiểu rõ ngọn ngành sự việc.

Thực tế cho thấy, do quan niệm giáo dục cứng nhắc từ trước nên không ít phụ huynh Việt Nam duy trì thói quen kiểm soát con cái quá mức và thường xuyên quát mắng. Tuy nhiên khi con đề nghị một cách nghiêm túc thì rất nhiều phụ huynh lại có xu hướng lắng nghe và điều chỉnh cho phù hợp.

Bạn hãy cố gắng trò chuyện và thay đổi suy nghĩ của bố mẹ mình trong cách dạy con. Nhưng nếu sống chung với cha mẹ độc hại thì điều này thường không mang lại hiệu quả. Lúc này, bạn hãy bình tĩnh và tìm kiếm các giải pháp khác.

2. Chia sẻ cùng thầy cô và bạn bè khi bị stress vì bố mẹ

Chia sẻ chính là thói quen tốt giúp bạn giải tỏa căng thẳng và hạn chế sự dồn nén các cảm xúc tiêu cực. Nếu thường xuyên bị bố mẹ la mắng, bạn có thể chủ động chia sẻ với thầy cô và bạn bè. Sự quan tâm từ họ sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Đồng thời tiếp thêm cho bạn động lực để cố gắng học tập và làm việc đạt kết quả tốt hơn.

Đặc biệt, khi chia sẻ với những người có kinh nghiệm sống dày dặn như thầy cô thì bạn thường sẽ nhận về được rất nhiều lời khuyên bổ ích. Từ đó tìm ra giải pháp tốt cho vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Nhất là sẽ biết cách để đề nghị bố mẹ dừng việc quát mắng và chì chiết con cái.

Nếu bạn đang phải sống chung với cha mẹ độc hại thì sự quan tâm từ thầy cô và bạn bè sẽ giúp bạn có được nhiều động lực hơn nữa. Khi đã có khả năng tự lập về tài chính thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn ra ở riêng để thoát khỏi stress vì bố mẹ hay la mắng.

3. Thực hiện các biện pháp làm giảm stress

Bạn sẽ rất khó tránh khỏi tình trạng stress khi bị bố mẹ la mắng thường xuyên. Đôi khi đã rất cố gắng nhưng bạn vẫn không thể thay đổi được suy nghĩ và cách nuôi dạy con của phụ huynh. Tốt nhất hãy chủ động học cách đối mặt với stress.

mẹo giảm stress vì bố mẹ hay la mắng
Nghe nhạc và viết nhật ký có thể giúp giải tỏa stress vì bố mẹ hay la mắng

Các biện pháp giúp bạn giải tỏa stress hiệu quả bao gồm:

  • Hít thở sâu: Tâm trạng buồn bã xen lẫn tức giận là những gì mà bạn thường phải trải qua khi bị bố mẹ la mắng. Lúc này, bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh, tuyệt đối không được nổi nóng. Bởi sự cáu giận của bạn có thể khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Bạn cần hít thở sâu để kiểm soát cơn giận và điều hòa nhịp thở cũng như nhịp tim.
  • Nghe nhạc: Đây là sở thích của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên để giải tỏa stress hiệu quả thì bạn nên chọn những bản nhạc vui tươi. Tuyệt đối không nghe các bài nhạc có tiết tấu buồn bã, u sầu. Âm nhạc đã được chứng minh là có thể giúp tinh thần thoải mái và thư giãn.
  • Uống trà thảo mộc: Một số loại trà thảo mộc như hoa cúc, quế, hương thảo, bạc hà,… rất tốt cho sức khỏe tinh thần. Chúng có chứa mùi hương tự nhiên và hàm lượng cao các chất chống oxy hóa. Từ đó giúp giải tỏa căng thẳng, thư giãn đầu óc và hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn.
  • Viết nhật ký: Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng trước những lời chỉ trích, trách móc và la mắng của bố mẹ bạn có thể viết nhật ký. Đây là cách đơn giản giúp loại bỏ cảm xúc tiêu cực rất hiệu quả. Tuy nhiên, bạn không nên đọc lại những trang nhật ký này sau khi viết, có thể xé bỏ chúng để giải tỏa cảm xúc tốt hơn.

4. Nỗ lực khẳng định bản thân để tránh bị bố mẹ la mắng

Rất nhiều bậc phụ huynh đã lấy lý do con cái kém cỏi và không có năng lực để trách móc, chì chiết. Do đó, để khắc phục tình trạng bị stress vì bố mẹ hay la mắng thì bạn cần nỗ lực để khẳng định bản thân mình. Từ đó khiến cho bố mẹ không còn lý do để trách mắng bạn nữa.

Nếu đang ngồi trên ghế nhà trường, hãy cố gắng nỗ lực học tập để có thể nhận về kết quả tốt. Chú ý lên kế hoạch học tập, cân bằng giữa thời gian học tập, vui chơi và nghỉ ngơi. Có thể học nhóm để dễ dàng khắc phục những điểm yếu của bản thân và giúp nhau cùng tiến bộ.

Trường hợp bạn đã đi làm thì hãy nỗ lực làm việc, luôn học hỏi và cầu tiến. Mức lương ban đầu có thể thấp, công việc có thể chưa ổn định nhưng bạn không nên bi quan và chán nản. Mọi sự nỗ lực của bạn trong hôm nay sẽ được trả giá xứng đáng bằng thành quả vào ngày mai.

Bạn có thể sắp xếp thời gian để tham gia thêm một số khóa học nhằm nâng cao năng lực chuyên môn. Đồng thời chú ý đến việc tự bổ sung kỹ năng mềm cần thiết. Nỗ lực để khẳng định bản thân là một quá trình dài bạn cần kiên định và không ngừng cố gắng.

5. Tự chăm sóc và trau dồi sức khỏe

Stress kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn khiến thể chất sa sút. Do đó, ngoài việc nói chuyện với bố mẹ để giải quyết các khúc mắc thì bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe cho bản thân thật tốt.

cách giải tỏa stress vì bố mẹ la mắng
Ngay cả khi thường xuyên bị bố mẹ la mắng thì bạn vẫn cần chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt

Đặc biệt chú ý đến các vấn đề sau đây:

  • Đảm bảo ăn uống điều độ, tuyệt đối tránh tình trạng nhịn ăn, bỏ bữa hoặc ăn uống qua loa. Cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Đặc biệt là các thành phần tốt cho não bộ và thần kinh. Chẳng hạn như thực phẩm giàu kẽm, sắt, magie, vitamin nhóm B,…
  • Cân đối giữa thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi. Chú ý chăm sóc tốt giấc ngủ. Nên đi ngủ trước 23 giờ và đảm bảo giấc ngủ ban đêm kéo dài ít nhất 6 tiếng. Hãy ngủ đủ 7 – 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
  • Dành tối thiểu 30 – 45 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất. Tập thể dục đều đặn ngoài giúp tăng cường sức khỏe tổng thể thì còn giúp giải tỏa stress, thư giãn và đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực.

Dù bố mẹ có la mắng hoặc đối xử không tốt với bạn thì bạn cũng cần phải luôn yêu thương và biết cách tự chăm sóc cho bản thân mình. Đây chính là một kỹ năng rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống giúp cho bạn có được nền tảng sức khỏe tốt.

6. Tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị stress vì bố mẹ

Trong nhiều trường hợp, bố mẹ bạn không thể nào giữ được bình tĩnh khi la mắng. Thậm chí họ đã từng có tiền sử trong việc kiểm soát cơn giận hay bạo lực gia đình.

Nếu bạn cảm thấy rằng hành động quát mắng của bố mẹ sẽ có nhiều khả năng trở thành bạo hành thể chất hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Có thể là từ ông bà, thầy cô hoặc thậm chí là hàng xóm. Điều này rất cần thiết khi bạn thấy rằng bố mẹ mình là “cha mẹ độc hại”.

Tại Việt Nam, hiện đã có đường dây nóng Phím số Diệu kỳ 19001567 được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp với mục đích bảo vệ trẻ em và phụ nữ bị bạo hành. Bạn có thể liên lạc tới số này trong các trường hợp nhận thấy thật sự cần thiết.

 

Bị stress vì bố mẹ hay la mắng là tình trạng đang rất phổ biến. Cần sớm có biện pháp khắc phục để giảm thiểu các vấn đề rủi ro phát sinh. Bởi stress kéo dài kèm theo việc bị bố mẹ quát mắng thường xuyên có thể dẫn tới trầm cảm và nhiều vấn đề sức khỏe tâm lý – tâm thần khác.

Tham khảo thêm:

4.6/5 - (10 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *