Cách Xử Lý Nhanh Khi Gặp Người Lên Cơn Động Kinh

Các cơn co giật do động kinh là hoàn toàn vô hại và có thể tự thuyên giảm sau vài phút. Tuy nhiên, gia đình và những người xung quanh cần biết cách xử lý khi gặp người lên cơn động kinh để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và hạn chế tối đa chấn thương, tai nạn.

Nhận biết cơn động kinh

Cơn động kinh là thực chất là những cơn co giật gây ra bởi bệnh động kinh. Động kinh là một dạng rối loạn thần kinh trung ương xảy ra khi não bộ bị rối loạn khiến cho một nhóm tế bào thần kinh phóng điện quá mức. Kết quả là làm bùng phát cơn co giật đi kèm với những biểu hiện khác nhau như mất ý thức, gồng cứng cơ thể, sùi bọt mép,…

Các cơn co giật sẽ kéo dài khoảng vài giây và tối đa là 2 – 3 phút. Sau các cơn co giật, bệnh nhân sẽ lấy lại ý thức và trở lại trạng thái bình thường. Thực chất, các cơn co giật do động kinh là vô hại. Điều quan trọng là những người xung quanh phải giúp đỡ bệnh nhân tránh tai nạn, va chạm và chấn thương trong các cơn.

Cơn động kinh thường xảy ra đột ngột và không có yếu tố báo trước. Chính vì vậy, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp nên trang bị những hiểu biết về chứng động kinh để giúp đỡ bệnh nhân khi cơn co giật bùng phát. Cơn co giật do động kinh sẽ có biểu hiện khác nhau ở từng trường hợp.

cách xử lý khi gặp người lên cơn động kinh
Gia đình nên chủ động trang bị kiến thức để nhận biết cơn co giật do động kinh

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp những người xung quanh nhận biết cơn co giật do động kinh để có cách xử trí kịp thời và đúng đắn.

Cơn co giật toàn thể:

  • Cơn co giật toàn thể có đặc điểm là xuất hiện rất đột ngột. Bệnh nhân thường kêu lên một tiếng sau đó ngã lăn ra đất và mất ý thức hoàn toàn.
  • Trong một phút đầu tiên, toàn bộ cơ ở thân, tứ chi bị co cứng, hai tay co lại và chân duỗi thẳng. Bệnh nhân có thể cắn vào lưỡi, cơ thể tím tái và ngưng thở.
  • Sau đó, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn co giật cơ kéo dài khoảng một phút với những biểu hiện như hai mắt trợn trừng, miệng sùi bọt mép đôi khi có lẫn máu, mắt nhấp nháy và co giật cơ từng đợt.
  • Sau khi hết cơn co giật, người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê sâu, đái trong quần và thở rống.
  • Khi hết cơn, bệnh nhân tỉnh dậy và lấy lại ý thức. Lúc này, đa số bệnh nhân đều có cảm giác mệt mỏi và đau đầu. Vì mất ý thức hoàn toàn nên bệnh nhân không hề biết được những chuyện gì đã xảy ra trong cơn.

Cơn co giật cục bộ:

  • Cơn co giật cục bộ thường chỉ xảy ra ở một phần hoặc một bộ phận trên cơ thể. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp co giật cục bộ sau đó lan ra toàn thân thành cơn co giật toàn thể.
  • Biểu hiện khá giống với cơn co giật toàn thể nhưng đôi khi chỉ mất ý thức một phần. Do đó, một số bệnh nhân vẫn nhận thức được những gì xảy ra trong cơn động kinh.

Cơn vắng ý thức:

  • Cơn vắng ý thức xảy ra chủ yếu ở trẻ em
  • Trẻ sẽ đột ngột mất ý thức trong khoảng 15 giây. Gia đình có thể phát hiện thông qua các biểu hiện như sững người, trở nên đờ đẫn và ngưng hoàn toàn các hoạt động đang thực hiện.

Cơn co gấp cơ ở trẻ em:

Động kinh tâm thần vận động (động kinh thái dương):

  • Động kinh thái dương là thể bệnh khá đặc biệt khi người bệnh không có biểu hiện co giật mà xuất hiện các cơn rối loạn tâm thần và kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
  • Bệnh nhân nói nhiều, hoang tưởng, kích động và gặp phải ảo giác.
  • Một số trường hợp có phối hợp với các triệu chứng động kinh của những thể bệnh khác.

Động kinh cơn mất trương lực (động kinh vô lực):

  • Bệnh nhân đột nhiên mất hết trương lực cơ, người mềm nhũn, ngồi sụp hoặc ngã khụy xuống
  • Cơn động kinh vô lực sẽ kéo dài khoảng 30 – 60 giây

Cơn động kinh trạng thái:

  • Cơn động kinh trạng thái xảy ra liên tiếp, thay đổi từ cơn này đến cơn khác
  • Động kinh trạng thái được chia thành 2 thể là thể cơn lớn và thể cơn vắng ý thức.
  • Thể cơn lớn đặc trưng bởi tình trạng hôn mê giữa 2 cơn, tăng tiết đờm dãi và có đi kèm với rối loạn thần kinh thực vật.
  • Thể cơn vắng ý thức có đặc điểm là xuất hiện nhiều cơn co giật nhưng giữa hai cơn bệnh nhân vẫn giữ được ý thức nguyên vẹn.

Thực tế, có rất nhiều cơn động kinh nhưng thường gặp nhất là cơn co giật toàn thể và cơn co giật cục bộ. Đây là hai cơn cần phải biết cách xử lý để tránh tình trạng bệnh nhân cắn đứt lưỡi, bị chấn thương và va chạm mạnh trong cơn.

Cách xử lý nhanh khi gặp người lên cơn động kinh

Khi đã biết cách nhận biết cơn động kinh, gia đình và những người xung quanh nên học cách xử lý để giúp đỡ bệnh nhân trong các cơn co giật. Như đã đề cập, co giật do động kinh là hoàn toàn vô hại. Điều quan trọng nhất là giúp bệnh nhân đảm bảo hô hấp và tránh chấn thương, va chạm trong cơn.

cách xử lý khi gặp người lên cơn động kinh
Khi gặp người lên cơn động kinh, nên đặt bệnh nhân trên mặt phẳng và đảm bảo đường thở thông thoáng

Khi nhận thấy bệnh nhân lên cơn co giật, cần bình tĩnh xử trí theo những bước sau đây:

  • Trước tiên, cần giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn và căng thẳng.
  • Ngay sau khi bệnh nhân phát cơn, nên xem đồng hồ để tính toán độ dài của cơn co giật. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc chẩn đoán thể động kinh và xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Nhẹ nhàng đỡ bệnh nhân xuống mặt phẳng như giường hoặc sàn nhà. Nếu không đủ sức, nên nhờ sự hỗ trợ của những người xung quanh.
  • Trong cơn co giật, bệnh nhân có thể mất ý thức và không kiểm soát được hành vi. Do đó, nên đảm bảo bệnh nhân được nằm ở nơi an toàn, loại bỏ các vật cứng, nhọn và sắc để tránh bị chấn thương.
  • Sau đó, nới lỏng quần áo, tháo khăn và mắt kính (nếu có) để đảm bảo bệnh nhân hô hấp dễ dàng.
  • Cho bệnh nhân kê gối hoặc có thể dùng áo khoác gấp lại để dưới đầu nhằm hạn chế chấn thương.
  • Sau đó, cho bệnh nhân nằm nghiêng để dễ hô hấp và giúp dịch từ miệng chảy ra ngoài hoàn toàn. Trong trường hợp có sùi bọt mép, sử dụng khăn mềm đặt dưới miệng bệnh nhân để thấm hút dịch.
  • Ở bên cạnh bệnh nhân cho đến khi người bệnh tỉnh lại và lấy lại ý thức hoàn toàn.

Cơn co giật là triệu chứng điển hình của bệnh động kinh và điều này hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, sau các cơn co giật, người bệnh thường rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm và luôn có cảm giác bản thân là gánh nặng của gia đình. Do đó, sau các cơn, gia đình và những người xung quanh nên động viên để nâng đỡ tinh thần cho người bệnh và giúp họ có động lực điều trị.

Những việc không nên làm với bệnh nhân lên cơn động kinh

Thực tế, nhiều người chưa biết cách xử lý nhanh khi gặp người lên cơn động kinh và thực hành sai cách. Điều này sẽ gây nguy hiểm và gia tăng nguy cơ chấn thương cho người bệnh. Để tránh tình trạng này, cần nắm rõ những việc không nên làm đối với bệnh nhân động kinh đang trong cơn:

  • Tuyệt đối không nên hoảng loạn. Nếu không có kinh nghiệm, nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
  • Không ghì, đè lên cơ thể của người bệnh và không sử dụng tay để giữ tay, chân của bệnh nhân trong các cơn co giật. Bởi điều này có thể gây chấn thương cơ, trật khớp và đôi khi là gãy xương.
  • Nhiều người sợ bệnh nhân sẽ cắn trúng lưỡi nên cố ý nhét các vật cứng vào miệng của bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện nếu đã được bác sĩ hướng dẫn. Thực hiện sai cách có thể khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở và tử vong.
  • Không ép bệnh nhân uống nước, uống thuốc và không vắt chanh vào miệng của người bệnh vì các biện pháp này hoàn toàn không có tác dụng. Ngược lại có thể gây nghẹt thở và ngừng thở.
  • Không ấn vào ngực hay nhân trung của bệnh nhân theo cách dân gian. Cơn co giật do động kinh sẽ tự thuyên giảm nên việc duy nhất nên thực hiện là đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân trong thời gian này.

Khi nào cần gọi cấp cứu?

Các cơn co giật ở bệnh nhân động kinh là hiện tượng phổ biến và thường không đáng lo ngại. Sau khoảng 2 – 3 phút, các cơn sẽ tự thuyên giảm, bệnh nhân lấy lại ý thức và trở lại trạng thái tỉnh táo như bình thường. Tuy nhiên, một số cơn co giật có thể kéo dài và đi kèm với những biểu hiện bất thường.

cách xử lý khi gặp người lên cơn động kinh
Trong trường hợp bệnh nhân không tỉnh dậy sau 2 – 3 phút, nên gọi cấp cứu để bác sĩ xử trí kịp thời

Nên gọi cấp cứu nếu nhận thấy bệnh nhân có những biểu hiện như:

  • Không tỉnh lại sau 2 – 3 phút
  • Cơn co giật kéo dài hơn 5 phút
  • Các cơn co giật xuất hiện liên tiếp và lặp đi lặp lại
  • Bệnh nhân lên cơn động kinh khi đang mang thai hoặc đang bị sốt cao
  • Lên cơn động kinh khi đang ở môi trường nước
  • Bệnh nhân có hiện tượng ngừng thở hoặc bị chấn thương sau cơn động kinh
  • Ngoài ra, nên gọi cấp cứu nếu đây là lần đầu tiên người bệnh lên cơn co giật.

Các cơn co giật do động kinh sẽ xuất hiện khá thường xuyên. Mặc dù tình trạng này là vô hại nhưng bệnh nhân có thể bị chấn thương, té ngã và tắc nghẽn đường thở nếu gia đình không biết cách xử lý. Để đảm bảo bệnh nhân được học tập và làm việc bình thường, gia đình, thầy cô giáo, bạn bè và đồng nghiệp đều nên trang bị cách xử lý khi gặp người lên cơn động kinh.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *