Người mắc bệnh động kinh nên ăn gì và kiêng gì để hạn chế co giật?
Chế độ ăn uống hợp lý góp phần giảm tần suất các cơn co giật ở bệnh nhân động kinh. Do đó, gia đình nên tìm hiểu người bị động kinh nên ăn gì, kiêng gì để hỗ trợ bệnh nhân xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và phù hợp.
Vai trò của chế độ dinh dưỡng với bệnh động kinh
Động kinh là một dạng rối loạn thần kinh trung ương đặc trưng bởi các cơn co giật xuất hiện bất ngờ, không có yếu tố báo trước và có tính chất lặp đi lặp lại. Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy các cơn co giật sẽ bùng phát khi một nhóm tế bào thần kinh phóng điện quá mức.
Động kinh là bệnh mãn tính và chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, hơn 70% bệnh nhân có thể quản lý các cơn co giật và có cuộc sống ổn định, bình thường nếu tích cực điều trị. Trong đó, chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng của kế hoạch điều trị.
Chế độ ăn hợp lý giúp ổn định các nơ – ron thần kinh trong não bộ và giữ mức năng lượng ổn định cho não bộ. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc giảm tần suất của các cơn co giật, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bệnh.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân động kinh tập trung bổ sung các thực phẩm có lợi cho não bộ, giúp ổn định các tế bào thần kinh và cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể. Bên cạnh đó, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cũng được thêm vào chế độ ăn để loại trừ gốc tự do – yếu tố làm nghiêm trọng bệnh động kinh.
Song song với việc bổ sung các nhóm thực phẩm có lợi, bệnh nhân động kinh cần phải kiêng cữ thực phẩm và đồ uống làm tăng độ nhạy cảm của các nơ-ron thần kinh. Bởi điều này đồng nghĩa với việc các cơn co giật sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Ngoài ra, chế độ ăn không hợp lý sẽ khiến cho sức khỏe suy giảm và làm gia tăng các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần ở người bị động kinh.
Người bị động kinh nên ăn gì?
Bệnh động kinh đặc trưng bởi sự xáo trộn, bất thường ở hoạt động của một nhóm tế bào thần kinh trung ương. Để ổn định hoạt động điện não và làm an dịu thần kinh, bệnh nhân nên bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh. Ngoài ra, chế độ ăn hợp lý còn giúp phục hồi vận động sau các cơn co giật.
Nếu đang băn khoăn người bị động kinh nên ăn gì, bạn đọc có thể tham khảo thông tin trong nội dung sau:
1. Rau xanh, trái cây
Rau xanh, trái cây được khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày. Nhóm thực phẩm này cung cấp chất xơ giúp cân bằng lợi khuẩn đường ruột, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và cải thiện vị giác. Do đó, rau xanh và hoa quả thường được bổ sung vào chế độ ăn để tránh tình trạng chán ăn ở người bị động kinh – đặc biệt là trẻ nhỏ.
Vitamin, khoáng chất như canxi, vitamin C, kẽm, mangan, kali, axit folic,… trong các loại rau củ và trái cây đều là những dưỡng chất tốt cho não bộ. Các nghiên cứu cho thấy, vitamin và khoáng chất từ rau củ giúp điều chỉnh nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Qua đó làm giảm tần suất các cơn co giật và cải thiện những bất thường về cảm xúc, hành vi ở bệnh nhân động kinh.
Đa số các loại thực vật đều chứa nhiều chất chống oxy hóa. Vì vậy, bổ sung rau củ và trái cây thường xuyên sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các chất chống oxy hóa. Các chất này có tác dụng tiêu trừ gốc tự do và giảm sự nhạy cảm quá mức của các nơ-ron thần kinh.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2001 cho thấy, những người bổ sung ít chất chống oxy hóa sẽ có nguy cơ co giật cao hơn. Vì lý do này, bệnh nhân động kinh được khuyến khích bổ sung rau xanh và trái cây vào chế độ ăn hằng ngày.
2. Thực phẩm giàu Omega 3, 6
Omega 3, 6 là chất béo cần thiết cho cơ thể nói chung và não bộ nói riêng. Omega 3 chính là thành phần quan trọng để cấu tạo nên tế bào thần kinh. Vì vậy, bổ sung thực phẩm chứa các chất béo thiết yếu sẽ giúp cải thiện hệ thần kinh và giảm tần suất các cơn co giật.
Omega 3 đã được chứng minh có thể tăng hoạt động của não bộ và giảm bớt sự xáo trộn, bất thường của tế bào thần kinh. Bổ sung Omega 3 đều đặn còn giúp cải thiện trí nhớ, ngủ ngon giấc và ngăn chặn sa sút trí tuệ.
Omega 3 và 6 là những chất dinh dưỡng cơ thể không thể tự tổng hợp mà chỉ có thể bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Người bị động kinh có thể bổ sung Omega 3 thông qua hạt chia, các loại cá béo, tảo biển và một số loại rau. Omega 6 có nhiều trong hạt bí đỏ, đậu hà lan, hạt hướng dương, hạt lanh,…
3. Thực phẩm giàu axit amin
Axit amin là thành phần cấu tạo nên protein (đạm) có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Ngoài việc cung cấp đạm cho cơ thể, các axit amin còn giữ vai trò quan trọng đối với não bộ – đặc biệt là tyrosine và tryptophan.
Axit amin cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, từ đó duy trì năng lượng ổn định cho não bộ. Điều này đã được chứng minh có thể hạn chế và phòng ngừa các cơn co giật ở bệnh nhân mắc chứng động kinh. Ngoài ra, bổ sung thực phẩm giàu axit amin còn giúp cân bằng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine,…
Một số bệnh nhân động kinh buộc phải hạn chế carbohydrate (tinh bột). Do đó, cần phải tăng lượng thực phẩm giàu đạm để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Axit amin có trong hầu hết các loại thịt, cá, các loại đậu, hạt, rau xanh và củ. Tuy nhiên, người bị động kinh nên tập trung bổ sung axit amin từ các loại hạt, đậu và thịt trắng để tránh tăng cholesterol. Ngoài ra, có thể sử dụng viên uống bổ sung nếu có chỉ định của bác sĩ.
4. Bổ sung thực phẩm giàu canxi
Bệnh nhân động kinh thường có hiện tượng thiếu canxi. Cung cấp đủ canxi sẽ giúp duy trì sự ổn định cho hệ thần kinh trung ương và tránh tình trạng nổi cáu, khó ngủ, ngủ không yên giấc ở trẻ bị động kinh.
Các loại thực phẩm giàu canxi như tôm, tép, trứng, các loại đậu, sữa bò,… nên được bổ sung thường xuyên vào chế độ ăn của bệnh nhân động kinh. Bên cạnh canxi, các nhóm thực phẩm này còn cung cấp cho cơ thể hàm lượng đạm cùng với các vitamin và khoáng chất dồi dào khác.
5. Thực phẩm giàu vitamin E
Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng ngăn ngừa lão hóa, dưỡng ẩm và làm đẹp da. Ít người biết rằng, loại vitamin này còn có thể giảm các cơn co giật ở bệnh nhân động kinh.
Vitamin E giúp ổn định độ thẩm thấu của tế bào não, từ đó hạn chế tình trạng các nhóm tế bào phóng điện quá mức và gây co giật. Để quản lý chứng bệnh này, bệnh nhân nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin E như trứng gà, dầu lạc, tảo biển, dầu ô liu, dầu dừa, cà rốt,…
Người bị động kinh nên kiêng ăn gì?
Một số loại thực phẩm có thể làm tăng độ nhạy cảm của tế bào thần kinh và gia tăng tần suất các cơn co giật. Ngoài ra, dùng các nhóm thực phẩm không lành mạnh sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Vì vậy, người bị động kinh phải kiêng cữ một số loại thực phẩm và đồ uống.
Nắm rõ vấn đề Người bị động kinh nên kiêng ăn gì sẽ giúp bệnh nhân xây dựng được chế độ ăn uống hợp lý. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, kiêng cữ các loại thực phẩm, đồ uống sau có thể hạn chế tần suất các cơn co giật tái phát:
1. Hạn chế muối, đường
Bệnh nhân động kinh cần phải hạn chế muối và đường trong chế độ ăn. Ăn quá nhiều muối, đường đều sẽ làm mất cân bằng hoạt động của tế bào thần kinh, từ đó gia tăng tần suất các cơn co giật và những hành vi, cảm xúc bất thường.
Ngoài ra khi ăn ngọt, não bộ sẽ liên tục tiết ra dopamine – chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác vui sướng, thỏa mãn. Tuy nhiên, dopamin tiết ra quá nhiều sẽ khiến cho hệ thần kinh hưng phấn quá mức và kích thích cơn co giật tái phát.
Bên cạnh đó, đường và muối đều không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bệnh nhân động kinh cần kiểm soát lượng đường, muối trong chế độ ăn để quản lý bệnh và bảo vệ sức khỏe của bản thân.
2. Thực phẩm chứa gluten
Gluten là loại protein có trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch,… Mặc dù gluten có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng một số người bị dị ứng hoặc không dung nạp với loại protein này. Bệnh nhân động kinh được khuyến cáo nên kiêng thực phẩm chứa gluten trong chế độ ăn dù có khả năng dung nạp tốt.
Lý do là vì các loại thực phẩm chứa gluten có thể làm tăng độ nhạy cảm của tế bào thần kinh. Kết luận này được rút ra từ nhiều nghiên cứu khác nhau. Các chuyên gia nhận thấy, gluten gây ra những phản ứng bất lợi cho cả tế bào thần kinh trung ương và ngoại vi ở một số người.
Ngoài ra, thực phẩm giàu gluten đều có chứa aspartate và glutamate – hai loại axit amin có thể làm tăng hoạt động phóng điện của não bộ mà đây chính là cơ chế làm bùng phát cơn co giật. Do đó, bệnh nhân động kinh nên tránh thực phẩm chứa gluten để quản lý và kiểm soát bệnh thành công.
3. Sữa và chế phẩm từ sữa
Thực tế, người bị động kinh không nhất thiết phải kiêng cữ hoàn toàn sữa và các chế phẩm từ sữa. Tuy nhiên, để tránh các cơn co giật bùng phát, nên hạn chế dùng nhóm thực phẩm này. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, glutamine trong một số loại sữa chưa tiệt trùng có thể làm gia tăng các cơn co giật và ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị bệnh động kinh.
4. Đồ ăn, thức uống đóng hộp
Các loại đồ ăn, thức uống đóng hộp thường chứa chất tạo ngọt, tạo màu, hương liệu, phụ gia và chất bảo quản. Những chất này đều không tốt cho sức khỏe và có thể làm tăng độ nhạy của tế bào thần kinh trung ương. Nếu sử dụng lâu dài, tế bào thần kinh có thể bị rối loạn, từ đó làm gia tăng các cơ co giật và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Người bị động kinh, đặc biệt là trẻ em nên hạn chế nước ngọt có gas, các loại thịt hộp, pate hộp, xúc xích, thịt xông khói,… Thay vào đó, nên sử dụng thực phẩm tươi để đảm bảo giá trị dinh dưỡng và không làm rối loạn hoạt động của tế bào thần kinh.
5. Kiêng rượu bia và cà phê
Cà phê và rượu bia đều tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương. Tác động từ các loại thức uống này khiến não bộ trở nên hưng phấn và gây ra các cơn co giật. Ngoài ra, dung nạp cồn trong một thời gian dài còn làm rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh, tăng tốc độ thoái hóa tế bào và làm giảm hoạt động của não bộ.
Không chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với quá trình điều trị bệnh động kinh, rượu bia còn có vô số tác hại đối với các cơ quan trong cơ thể. Chính vì vậy, bệnh nhân động kinh nên kiêng cữ rượu bia để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị.
6. Hạn chế bột ngọt khi chế biến món ăn
Bột ngọt là loại gia vị được sử dụng phổ biến ở Châu Á. Bột ngọt giúp món ăn có vị ngọt thanh tự nhiên nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bổ sung quá nhiều. Bản thân người bị động kinh có tế bào thần kinh nhạy cảm hơn bình thường. Do đó, nên tránh sử dụng bột ngọt khi chế biến món ăn.
Bột ngọt chứa nhiều glutamate có thể kích thích tế bào thần kinh, từ đó làm gia tăng hoạt động phóng điện trong não bộ và kết quả là gây ra các cơn co giật. Thay vì dùng bột ngọt, bạn có thể sử dụng các loại củ có vị ngọt tự nhiên như hành tây, củ cải để tạo vị ngọt thanh cho món ăn.
7. Các món ăn chứa chất béo chuyển hóa
Nếu như chất béo không no tốt cho não bộ thì chất béo chuyển hóa gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe nói chung và não bộ nói riêng. Chất béo chuyển hóa có nhiều trong bánh quy, các món chiên, nướng và thức ăn nhanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, dung nạp chất béo chuyển hóa trong thời gian dài có liên quan đến tình trạng viêm tế bào thần kinh, làm rối loạn sự dẫn truyền các tín hiệu thần kinh, giảm trí nhớ và gây teo não.
Để kiểm soát chứng động kinh hiệu quả, bệnh nhân nên hạn chế tối đa món ăn chứa chất béo chuyển hóa. Các món ăn này không chỉ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương mà còn gây ra nhiều vấn đề liên quan đến tiêu hóa, tim mạch, tiểu đường,…
Các chế độ ăn đặc biệt dành riêng cho bệnh nhân động kinh
Như đã đề cập, chế độ dinh dưỡng là một phần trong kế hoạch điều trị bệnh động kinh. Do đó, các chuyên gia đã xây dựng một số chế độ ăn đặc biệt để kiểm soát chứng bệnh này. Các chế độ ăn đặc biệt đã được công nhận về hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe và giảm tần suất các cơn co giật.
Các chế độ ăn đặc biệt dành cho người bị động kinh:
1. Chế độ ăn Keto (Ketogenic)
Ketogenic là một trong những chế độ ăn kiêng được áp dụng khá phổ biến. Chế độ ăn này chủ yếu cung cấp năng lượng cho cơ thể thông qua thực phẩm chứa chất béo tốt và hạn chế lượng carbohydrate (tinh bột) ở mức tối đa. Ketogenic thường được áp dụng cho những trường hợp muốn giảm cân nhờ khả năng giúp cơ thể đốt cháy năng lượng mà không cần phải kiêng khem quá mức.
Ngoài ra, chế độ ăn Keto còn được sử dụng để điều trị chứng động kinh kháng thuốc và đặc biệt hiệu quả ở trẻ em. Trong chế độ ăn này, thực phẩm chứa carbohydrate chỉ chiếm 5% tổng thức ăn.
Vì không phải chuyển hóa carb nên cơ thể sẽ sử dụng năng lượng từ chất béo dự trữ và đường trong máu. Điều này mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe và đặc biệt là với bệnh nhân động kinh. Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2008 cho thấy, chế độ ăn keto giúp giảm khoảng 75% các cơn co giật ở trẻ em.
Liên tục sau đó, các nghiên cứu khác cũng được thực hiện và cho thấy kết quả rất khả quan. Hiện nay, Ketogenic được áp dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như tiểu đường, béo phì và một số rối loạn ở não bộ. Hạn chế của chế độ ăn này là rất khó tuân theo – nhất là với những người đã quen với chế độ dinh dưỡng chứa nhiều tinh bột.
2. Chế độ ăn Atkins
Chế độ ăn Atkins được sử dụng với mục đích ban đầu là giảm cân. Tương tự như chế độ ăn Keto, chế độ này giảm dung nạp tinh bột, thay vào đó bổ sung chất béo tốt và đạm để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Chế độ ăn Atkins mang lại hiệu quả tương tự như chế độ ăn Keto nhưng ít tác dụng phụ và dễ áp dụng hơn. Thậm chí, một số trường hợp giảm 90% các cơn co giật sau khi áp dụng chế độ ăn này.
Tuy nhiên, vì dung nạp nhiều thực phẩm giàu đạm nên một số người sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng cholesterol. Vì lý do này, bệnh nhân động kinh nên ưu tiên dùng thịt trắng thay vì thịt đỏ, đặc biệt là thịt cá, tôm và mực để hạn chế những tác hại đối với sức khỏe.
Các chế độ ăn đặc biệt đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân nên không phải ai cũng có thể thực hiện. Nếu chưa sẵn sàng cho các chế độ ăn này, bệnh nhân vẫn có thể quản lý chứng động kinh bằng việc hạn chế một số thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, nên rèn luyện cơ thể, ngủ nghỉ đúng giờ và hạn chế stress để kiểm soát các cơn co giật.
Hy vọng qua thông tin trên, bênh nhân đã nắm rõ Người bị bệnh động kinh nên ăn gì, kiêng gì? và có hiểu biết cơ bản về các chế độ ăn đặc biệt. Để được tư vấn kỹ hơn, có thể trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa Thần kinh.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn hành vi ở lứa tuổi thanh thiếu niên và cách phòng tránh
- Cần phát hiện sớm các rối loạn tâm thần tuổi học đường
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!