Rối loạn tâm thần là gì? Các loại rối loạn tâm thần thường gặp

Thống kê cho thấy hiện nay có khoảng 30% dân số Việt Nam đang mắc một dạng rối loạn tâm thần nào đó, tuy nhiên không hề dễ phát hiện. Cần xác định sớm và đúng loại rối loạn tâm thần thì mới có thể đưa ra hướng điều trị chính xác nhất.

Rối loạn tâm thần là gì?

Rối loạn tâm thần hay còn được gọi là rối loạn tâm lý hay bệnh tâm thần là một dạng mất cân bằng trong tâm trí dẫn đến những thay đổi về lời nói, hành vi, suy nghĩ, ý tưởng không bình thường. Theo các chuyên gia, có khoảng từ 15 – 20% dân số đều từng mắc các vấn đề rối loạn tâm thần ít nhất một lần trong đời, con số này đang có xu hướng tăng bởi các bệnh lý này cực kỳ phổ biến.

Rối loạn tâm thần
Rối loạn tâm thần được đặc trưng bởi trạng thái ảo giác, ảo tưởng dẫn đến các hành vi, lời nói, suy nghĩ không phù hợp với thực tại

Chứng rối loạn tâm thần thường có liên quan đến những rối loạn thần kinh và tâm lý dẫn đến chức năng của não bộ bị ảnh hưởng. Bản thân những người này thường có cảm thấy như mất liên kết với thực tại và có những trải nghiệm đáng sợ với họ nên mới xuất hiện các hành vi bất thường. Những người xung quanh nếu không hiểu rõ bản chất của rối loạn tâm lý cũng rất dễ có xu hướng xa lánh, kỳ thị những người bệnh.

Các triệu chứng của rối loạn tâm thần vô cùng đa dạng, được biểu hiện trên nhiều mặt, từ hành vi, suy nghĩ, lời nói. Điển hình nhất, hầu hết tất cả các dạng bệnh tâm thần đều xuất hiện hai triệu chứng sau

  • Ảo giác: người bệnh có thể cảm thấy, nghe thấy, nhìn thấy một điều gì đó không đúng với thực tại, dẫn đến các hành vi, lời nói, cảm xúc của họ cũng không phù hợp với thực tế vì sẽ biến đổi theo cách mà họ nhìn nhận sự việc.
  • Ảo tưởng: bản thân người có ảo tưởng sẽ có niềm tin mãnh liệt vào một vấn đề nào đó, tuy nhiên xã hội lại không công nhận hoặc thậm chí là không tồn tại. Cho dù được giải thích hay được đưa ra các bằng chứng nào khác về tính chân thực của vấn đề đó nhưng người đó vẫn không công nhận và luôn duy trì niềm tin bất biến của mình.

Bên cạnh đó, một vài triệu chứng khác của các bệnh tâm thần như

  • Có xu hướng rối loạn giấc ngủ, có thể ngủ quá ít hoặc ngủ quá nhiều nhưng thường kèm theo gặp ác mộng, dễ tỉnh giấc giữa chừng, ngủ khó sâu giấc
  • Cảm xúc có xu hướng tiêu cực hơn, dễ buồn bực, dễ bị kích động và xuất hiện những hành vi bốc đồng
  • Lời nói lộn xộn, thiếu logic, không rõ ràng, khó hiểu
  • Lơ đãng, mất tập trung, không thể học tập hay làm việc tốt
  • Cân nặng thay đổi, da dẻ xanh xao
  • Mất dần hứng thú với các hoạt động, món ăn hay sở thích thường ngày
  • Dễ kèm theo một số vấn đề sức khỏe như đau dạ dày, đau đầu..
  • Khó kiểm soát cảm xúc, có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với những người xung quanh
  • Có xu hướng lạm dụng bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác

Nói chung các triệu chứng rối loạn tâm thần rất đa dạng, được biểu hiện riêng theo từng vấn đề nên rất khó liệt kê hoàn toàn nhưng trên đây đều là những biểu hiện điển hình nhất. Tuy các biểu hiện này thường khá rõ ràng nhưng đa phần các bệnh tâm thần thường rất khó phát hiện sớm, đặc biệt ở trẻ em. Điều này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị và loại bỏ hoàn toàn các vấn đề này.

Nguyên nhân gây rối loạn tâm thần

Hầu hết các vấn đề tâm thần đều chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Các tác nhân này có thể liên quan đến cả các yếu tố bên trong và những tác nhân bên ngoài cuộc sống. Việc xác định được các yếu tố này cũng đóng một vai trò quan trọng để kiểm soát và loại bỏ bệnh tốt hơn.

Rối loạn tâm thần
Tuổi thơ không hạnh phúc là một trong những tác nhân hàng đầu gây các dạng rối loạn tâm thần

Cụ thể, một số yếu tố có nguy cơ cao gây bệnh như

  • Yếu tố sinh học: việc tiếp xúc nhiều với các virus, hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm hay chấn thương sọ não,…cũng có thể là nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai.
  • Di truyền: thống kê cho thấy hầu hết các rối loạn tâm lý không tìm thấy các gen di truyền nhưng nếu trong gia đình có cha mẹ, anh chị em sống cùng thì những người đời sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Điều này có thể bị ảnh hưởng từ xu hướng giáo dục, tương tác của những người có tâm lý bất thường với con trẻ hằng ngày.
  • Rối loạn sinh hóa não: sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như Noradrenaline và serotonin, Dopamine cũng được cho là có liên quan đến các vấn đề tâm lý, tâm thần bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc , tâm trạng và suy nghĩ của mỗi người.  Bên cạnh đó sự mất cân bằng nội tiết tố, đặc biệt ở phụ nữ hay phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh cũng góp phần làm gia tăng các nguy cơ này.
  • Tác động từ cuộc sống: đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra những vấn đề tâm lý – tâm thần, có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Chẳng hạn áp lực từ việc cha mẹ luôn bắt con cái làm theo ý mình, công việc quá nhiều, người có tuổi thơ không hạnh phúc, áp lực tiền bạc hay các vấn đề về tình cảm.. Đây chính là các yếu tố dễ làm tâm lý trở nên tiêu cực nhất, nếu kéo dài sẽ khiến tâm trạng ngày càng trì trệ, xuất hiện các hành vi và những cảm xúc bất thường khác
  • Xu hướng tính cách: đây chỉ là yếu tố nguy cơ góp phần làm gia tăng khả năng mắc các vấn đề tâm lý – tâm thần. Chẳng hạn ở những người vốn có tính cách tiêu cực, sống nội tâm, ít giao tiếp, ít chia sẻ, ít các kinh nghiệm xã hội thường gặp khó khăn nhiều hơn trong việc đối mặt với căng thẳng, nếu không được hỗ trợ kịp thời thường dễ có nguy cơ bị rối loạn tâm lý.

Mỗi vấn đề rối loạn tâm thần đều có thể do một tác động khác nhau gây nên bởi ngưỡng tâm lý của mỗi người đều không giống nhau. Có người dù đứng trước nhiều khó khăn, áp lực nhưng tinh thần vẫn vui vẻ, tích cực nhưng cũng có người chỉ gặp một sự cố nhỏ cũng suy nghĩ quá nhiều dẫn đến khả năng mắc các bệnh lý nguy hiểm này.

Các dạng rối loạn tâm thần phổ biến nhất

Có rất nhiều dạng rối loạn tâm thần, trong đó điển hình nhất phải kể đến là các dạng sau

Trầm cảm

Trầm cảm là một trong những vấn đề tâm lý – tâm thần phổ biến nhất hiện nay, chiếm đến hơn 6% số ca rối loạn tâm thần, trong đó có khoảng 25% là thanh thiếu niên. Con số này cũng không ngừng gia tăng, thường liên quan đến những tác động tiêu cực trong cuộc sống. Bất cứ ai cũng có thể bị trầm cảm, từ người trẻ em, thanh thiếu niên đến người già hay đặc biệt là phụ nữ có thai.

Rối loạn tâm thần
Người bị trầm cảm luôn cảm thấy u uất, buồn phiền, nhìn cuộc sống bằng con mắt tiêu cực

Các triệu chứng trầm cảm thường khá khó phát hiện bởi nhiều người luôn cho rằng những trạng thái buồn phiền, khó chịu đó là rất bình thường. Đây cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử vì trầm cảm, đặc biệt ở trẻ em. Một số biểu hiện điển hình có thể kể đến như

  • Luôn cảm thấy tiêu cực, muộn phiền, buồn bã, sụt giảm khí sắc
  • Mất ngủ, không muốn ra ngoài, chỉ muốn ở trong phòng và không muốn nói chuyện với ai
  • Cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi, mệt mỏi, lạc lõng như bản thân mình không còn giá trị
  • Giảm dần hứng thú với mọi vấn đề xung quanh cuộc sống mặc dù trước kia rất thích
  • Dễ kích động hay bốc đồng hơn, hay khóc một mình
  • Có suy nghĩ tự tử hoặc thực hiện các hành vi làm hại bản thân để giải tỏa cảm xúc

Rối loạn lo âu

Có rất nhiều dạng rối loạn lo âu như rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn ám ảnh sợ xã hội..  nhưng đều có đặc điểm chung là cảm xúc lo âu, sợ hãi thường trực và bộc phát một cách quá mức.Thống kê cho thấy có hơn 10% dân số Việt Nam mắc chứng rối loạn tâm thần này. Nguyên nhân có thể liên quan đến những ám ảnh từ quá khứ mà bản thân người bệnh không thể vượt qua được.

Một số dấu hiệu rối loạn lo âu điển hình như

  • Có nỗi lo âu quá mức với các tình huống bình thường, chẳng hạn người bị ám ảnh sợ xã hội luôn không dám đứng trước đám đông, không dám đến nơi đông người
  • Khi đứng trước các tình huống gây lo âu thường có xu hướng hoảng loạn, kích động tột độ, tim đập nhanh, đau tức ngực, khó thở, toàn thân ửng đỏ thậm chí là bùng phát các triệu chứng dị ứng
  • Có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn để tránh phải tiếp xúc với các tình huống gây lo âu, lâu dần có thể làm giảm các kỹ năng xã hội
  • Tùy dạng lo âu mà triệu chứng có thể bùng phát bất cứ lúc nào, không kiểm soát được làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của mỗi người

Bản thân người bệnh cũng có thể biết được rằng mình có những nỗi sợ vô lý nhưng vẫn không thể nào kiểm soát được.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Ở người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường không thể tự kiểm soát được cảm xúc của chính mình, trạng thái trầm cảm và hưng phấn cứ xuất hiện xen kẽ nhau người người bệnh thậm chí còn không thể hiểu cảm xúc hiện tại của bản thân là gì. Tuy nhiên vẫn có những lúc cảm xúc của người bệnh trở về trạng thái bình thường nhưng so với các giai đoạn cảm xúc rối loạn của họ vẫn là rất hạn chế.

Cụ thể, ở giai đoạn hưng phấn người bệnh thường cảm thấy tất cả mọi thứ đều cực kỳ vui vẻ, đùa cợt quá mức, mua sắm quá tay, xuất hiện ảo giác, ảo tưởng, tăng động, cười nói kể cả trong các tình huống phải buồn. Ngược lại ở giai đoạn trầm cảm người bệnh lại có xu hướng buồn phiền, tiêu cực, u sầu, mất hứng thú với mọi thứ, khóc lóc kể cả trong các tình huống phải vui vẻ.

Tâm thần phân liệt

Thống kê cho thấy cứ 100 người thì lại có 1 người bị tâm thần phân liệt được đặc trưng bằng những bất thường trong nhận thức và phản ứng cảm xúc. Người bệnh thường xuyên có những ảo tưởng, ảo thanh như nghe thấy nhiều tiếng nói thúc giục trong đầu, chính điều này đã ảnh hưởng đến những hành động, cảm xúc, ngôn ngữ, suy nghĩ của họ và gây ra rất nhiều hệ lụy về sau.

Rối loạn tâm thần
Người bị tâm thần phân liệt luôn nghe được những ảnh thanh điều chỉnh hành vi của họ

Theo các chuyên gia dù tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn tâm thần có tỷ lệ mắc cao nhưng các triệu chứng và diễn biến lại cực kỳ phức tạp. Việc điều trị bệnh cũng gặp rất nhiều khó khăn và cần phải được điều trị từ sớm mới có thể đem đến nhiều kết quả khả quan.

Khả năng biểu lộ tình cảm của những người mắc chứng này cũng rất kém. Nếu không có hướng chăm sóc và kiểm soát đúng cách có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách, gia tăng nguy cơ phạm tội của những người mắc bệnh này.

Rối loạn dạng phân ly

Rối loạn dạng phân ly hay còn được gọi là rối loạn đa nhân cách cũng là một bệnh tâm thần cực kỳ nguy hiểm. Đặc trưng của tình trạng này là tồn tại nhiều nhân cách tách biệt nhau trong một cơ thể dẫn tới 1 người có thể có biểu hiện, giọng nói, tính cách, sở trưởng hoàn toàn khác nhau ở nhiều thời điểm. Các nhân cách này có thể biết hoặc không hề biết sự tồn tại của nhau.

Nguyên nhân gây rối loạn đa nhân cách thường liên quan đến những chấn thương tâm lý từ quá khứ khiến người này tự hình thành các nhân cách khác nhau để bảo vệ cho chính mình. Có ít nhất hai trong các nhân cách kiểm soát hành vi của người bệnh, đồng thời cũng có thể xảy ra các xung đột giữa các nhân cách này khiến nhân cách chính không thể kiểm soát được.

Bản thân nhân cách chính không thể biết về những hành vi, sự kiện mà các nhân cách khác đã trải qua. Các nhân cách này có thể mang tính cách xấu hoặc tốt nên có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật hay làm tổn hại chính mình. Đây là một trong những dạng rối loạn tâm thần cực kỳ nguy hiểm và cũng còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong điều trị.

Rối loạn tâm thần do rượu hoặc ma túy

Đúng như tên gọi, rối loạn tâm thần do rượu hoặc ma túy chính là hậu quả của việc lạm dụng các chất này quá mức khiến không chỉ thể chất và tâm thần cũng suy giảm nghiêm trọng. Những người này không thể ngưng sử dụng bia rượu hay các chất kích thích bởi nếu không dùng thì tinh thần của họ sẽ cực kỳ kích động, bức bối, lo âu, bốc đồng, thiếu tỉnh táo,…

Thậm chí nếu có người ngăn việc sử dụng các chất này họ sẽ trở nên cực kỳ hung bạo, làm hại cả những người xung quanh để thỏa mãn cơn “nghiện” của mình. Dù vậy sau khi dùng bia rượu hay ma túy sẽ không làm họ ổn hơn chút nào mà chỉ càng thêm kích động, xuất hiện các hành vi bạo lực, bốc đồng, mất kiểm soát.

Hiện nay tình trạng này đang cực kỳ phổ biến, đặc biệt ở nam giới nhưng thường mọi người chỉ cho rằng đó là nghiện ngập chứ không phải là bệnh tâm lý. Người bị Rối loạn tâm thần do rượu hoặc ma túy có thể phải điều trị trong các môi trường chuyên biệt để có thể kiểm soát được các triệu chứng trong trạng thái bị kích thích hiệu quả nhất.

Chứng chán ăn tâm thần

Chứng chán ăn tâm thần được hiểu rõ hơn là rối loạn ăn uống, được biểu hiện bằng việc người bệnh thường không muốn ăn uống, thậm chí là ăn vào là nôn khan khiến cơ thể ngày càng sụt cân, suy nhược, không còn sức sống. Căn nguyên gây ra vấn đề này thường liên quan đến những ám ảnh về cân nặng, ngoại hình, vóc dáng khiến người này luôn mang tâm lý sợ tăng cân, sợ mập nên không thể ăn uống.

Rối loạn tâm thần
Người chán ăn tâm thần luôn bị ám ảnh cho rằng mình béo mặc dù thực tế cơ thể họ đang rất gầy

Theo thống kê, chứng chán ăn tâm thần thường xảy ra chủ yếu ở nữ giới  trong độ tuổi từ 20- 30, trong đó tỷ lệ nữ mắc bệnh cao gấp 20 lần nam giới. Ngoài ra ở những người từng có ngoại hình quá khổ, từng bị miệt thị về cơ thể cũng dễ mắc chứng rối loạn tâm thần này.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được biểu hiện rõ bằng việc những đối tượng này luôn cảm thấy khó khăn khi chấp hành, tuân thủ các quy định, nguyên tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Đây là một dạng bệnh tâm thần thuộc nhóm rối loạn nhân cách và cũng gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị.

Cụ thể, một số biểu hiện điển hình của chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội như hung hăng, cướp bóc, bạo lực, vô trách nhiệm, coi thường tính mạng… Nguyên nhân gây bệnh được cho là có liên quan đến môi trường sống bạo lực, gia đình kém hạnh phúc, thường bị bắt nạt…

Chậm phát triển trí tuệ

Chậm phát triển trí tuệ là một dạng rối loạn tâm thần với biểu hiện đặc trưng là khả năng trí tuệ của bệnh nhân giảm xuống thấp hơn bình thường. Kéo theo đó là khả năng tư duy, suy luận logic, tự thích nghi, khả năng chịu trách nhiệm với xã hội… cũng dần tụt giảm.

Rối loạn tâm thần
Chậm phát triển trí tuệ gây ra một số ảnh hưởng đến các chức năng xã hội của người bệnh

Các triệu chứng của chậm phát triển trí tuệ thường khởi phát trước năm 18 tuổi, thường liên quan đến các nguyên nhân như viêm màng não, sốt co giật não, các vấn đề khi mang thai và sinh nở khiến thai nhi bị thiếu oxy, suy dinh dưỡng..

Bệnh được chẩn đoán thông qua thang đo IQ, nếu kết quả cho thấy chỉ số dưới 70 điểm thì được tính là chậm phát triển trí tuệ. Trong đó chỉ số IQ dưới 20 được coi là nghiêm trọng nhất nhưng hầu như chỉ chiếm 1 -2% các trường hợp.

Hướng điều trị rối loạn tâm thần

Hầu hết bản thân chính người bệnh khó nhận ra rằng mình đang gặp các vấn đề về tâm lý tâm thần, hầu hết chỉ khi các triệu chứng được biểu hiện một cách quá mức thì gia đình mới bắt đầu nghi ngờ và đưa người bệnh khi khám. Đôi khi chính bản thân người bệnh cũng không chấp nhận rằng mình có vấn đề về tâm thần nên cũng không chịu thăm khám và tiếp nhận điều trị.

Người bệnh cần được khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần cùng các trung tâm tâm lý cùng lúc, tùy tình trạng. Bác sĩ và các chuyên gia tâm lý sẽ yêu cầu người bệnh làm một số bài test tâm lý hay thực hiện các kiểm tra về não bộ để có để đưa ra các chẩn đoán và hướng điều trị chính xác nhất.

Điều trị bằng thuốc

Thực tế chưa có bất cứ loại thuốc nào có thể điều trị hoàn toàn các dạng rối loạn tâm thần, mọi loại thuốc hiện nay hầu hết đều được sử dụng nhằm mục đích kiểm soát tạm thời các triệu chứng, ngăn ngừa các hành vi kích động hay quá khích, xoa dịu thần trí và nâng cao chất lượng giấc ngủ từ đó dần giúp cuộc sống của người bệnh ổn định hơn.

Rối loạn tâm thần
Việc dùng thuốc chỉ giúp cải thiện cảm xúc phần nào, không thể giúp điều trị bệnh hoàn toàn

Tùy từng tình trạng của người bệnh mà các loại thuốc được chỉ định cũng khác nhau, trong đó phổ biến nhất là

  • Thuốc chống trầm cảm: chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) , thuốc chống trầm cảm ba vòng,…
  • Thuốc ổn định tâm trạng: Divalproex (Depakote), lithium (Lithobid), lamotrigine (Lamictal),…
  • Thuốc chống lo âu: Alprazolam (Xanax), lorazepam (ATIVAN),….
  • Thuốc chống loạn thần: Clozapine (Clozaril), olanzapine (Zyprexa)
  • Các nhóm thuốc an thần được dùng để giúp người bệnh ngủ đủ giấc, hạn chế gặp ác mộng

Tuy nhiên đa phần các nhóm thuốc này thường đi kèm rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh, thậm chí có những người phải dùng thuốc trong thời gian dài cũng dần mất đi cảm xúc của chính mình. Do đó việc dùng thuốc cần đảm bảo thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý tăng/ giảm liều dùng vì có thể mang lại những kết quả không mong muốn.

Trị liệu tâm lý

Với những vấn đề tâm lý nói chung và các rối loạn tâm thần nói riêng hiện nay thường được khuyến khích điều trị thông qua tâm lý trị liệu. Mục đích chính của phương pháp này là xoa dịu tinh thần, gỡ bỏ các khúc mắc trong tâm trí, hướng người bệnh về những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn với thực tại, loại bỏ cảm xúc tiêu cực để người bệnh dần hòa nhập trở lại với cuộc sống.

Rối loạn tâm thần
Chăm sóc tâm lý là biện pháp chính được hướng tới cho bệnh nhân rối loạn tâm thần

Tùy tình trạng của thân chủ mà nhà tham vấn có thể áp dụng các biện pháp như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp phân tâm học, liệu pháp phơi nhiễm, thôi miên, liệu pháp cá nhân, liệu pháp nhóm.. Nhà trị liệu sẽ đóng vai trò là người lắng nghe và đánh thức bản ngã trong mỗi con người thức tỉnh để hướng đến những con đường đúng đắn hơn ở tương lai.

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả thực sự của trị liệu tâm lý với những người bị rối loạn tâm thần nhưng thực tế, rất nhiều bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lo âu đã được chữa lành nhờ biện pháp này. Đáp ứng tốt với các biện pháp trị liệu, người bệnh dần cảm thấy tinh thần thoải mái vui tươi hơn, biết cách kiểm soát cảm xúc, trở nên tích cực và vui vẻ hơn.

Bản chất của hầu hết các vấn đề này đều xuất phát từ những điều tiêu cực, áp lực, bức bối trong cuộc sống đã lâu ngày nhưng không được giải tỏa khiến tinh thần ngày càng sa sút. Khi người bệnh có thể chia sẻ hết các vấn đề với nhà trị liệu, tìm được lời giải đáp, hướng đi cho những vướng mắc trong tâm trí sẽ giống như một đống bùi nhùi được gỡ rối trở nên gọn gàng và đẹp đẽ hơn.

Dù vậy với những vấn đề như tâm thần phân liệt hay rối loạn đa nhân cách, việc điều trị không hề dễ dàng, có người phải duy trì việc trị liệu suốt cả cuộc đời nhằm kiểm soát được bản thân, hạn chế các hành vi không chừng mừng có thể gây hại.

Rối loạn tâm thần là một căn bệnh phổ biến và có xu hướng gia tăng mỗi ngày, có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Mỗi người cần học cách sống tích cực lạc quan hơn, biết cách giải tỏa những năng lượng tiêu cực mỗi ngày, cải thiện các kỹ năng xã hội đồng thời yêu thương bản thân hơn mỗi ngày để phòng tránh tối đa nguy cơ này.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *