Cha mẹ nên làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét?

Nên làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét chắc hẳn là nỗi băn khoăn của rất nhiều bậc làm cha mẹ. Cũng bởi những trẻ tự kỷ thường dễ bị kích động, la hét, cáu gắt hoặc thậm chí là tự làm tổn thương mình. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu và nên làm gì để khắc phục hiệu quả?

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét?
La hét là biểu hiện thường gặp ở nhiều trẻ em mắc chứng tự kỷ

Cha mẹ đã hiểu rõ về chứng tự kỷ ở trẻ?

Tự kỷ là một hội chứng chứ không phải là một căn bệnh nên hiện nay vẫn không có bất kì loại thuốc đặc trị nào dành cho tình trạng này. Được biết, tự kỷ thường khởi phát sớm, đối tượng phổ biến nhất đó chính là trẻ em và tỉ lệ trẻ mắc phải hội chứng này cũng đang ngày càng tăng cao.

Cho đến hiện nay vẫn chưa thể xác định được cụ thể về nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu các bằng chứng để có thể khai thác được một số yếu tố có liên quan. Cụ thể như tính di truyền, những sự bất thường bên trong cấu trúc của não bộ, do người mẹ mắc bệnh trong quá trình mang thai hoặc trong giai đoạn này phải gánh chịu các cú sốc lớn về mặt tâm lý, do tác động từ môi trường, thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại làm biến đổi gen, chức năng của hệ thần kinh.

So với những đứa trẻ bình thường thì những trẻ bị tự kỷ sẽ ít có sự tương tác xã hội, trẻ ít khi giao tiếp hoặc ít có cử chỉ giao tiếp, không thường xuyên chơi đùa cùng các bạn bằng tuổi, không quan tâm hoặc chia sẻ với những người xung quanh. Ngoài ra, trẻ bị tự kỷ còn chậm nói, rất hay nhại lại lời người khác hoặc tự phát ra các âm thanh, tiếng động vô nghĩa và thường có những hành vi khác lại, kỳ quặc,….Một trong các hành vi và biểu hiện thường gặp ở trẻ bị tự kỷ đó chính hay la hét, dễ kích động, ăn vạ mỗi khi có việc gì đó khiến trẻ cảm thấy không hài lòng.

Vì sao trẻ tự kỷ hay la hét?

La hét là một trong các biểu hiện thường gặp ở trẻ bị tự kỷ. Trẻ sẽ có xu hướng trở nên cáu gắt, kích động, nóng giận, phản kháng dữ dội hoặc thậm chí là làm tổn thương bản thân. Triệu chứng này sẽ thường xuất hiện khi trẻ cảm thấy không thích hoặc không vừa ý về một vấn hề nào đó hoặc đây cũng là một trong các dấu hiệu bộc lộ về mong muốn được quan tâm, chú ý, muốn báo với mọi người xung quanh một thông điệp gì đó.

Để có thể khắc phục được tình trạng này thì trước tiên cha mẹ cần phải nắm rõ được nguyên nhân vì sao trẻ tự kỷ lại hay la hét. Việc trẻ thường xuyên la hét, ăn vạ, kích động khiến nhiều người cảm thấy bực bội, khó chịu. Đặc biệt hơn nếu tình trạng này xảy ra ở những nơi đông người, khu vực công cộng sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh trở nên lúng túng khi mọi người dồn sự chú ý vào con  mình.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét?
Trẻ tự kỷ thường xuyên la hét có thể xuất phát từ việc khó khăn trong ngôn ngữ

Vậy nguyên nhân vì sao khiến trẻ bị tự kỷ lại hay la hét?

1. Do trẻ không nói được

Như đã chia sẻ, hầu hết những trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ đều bị hạn chế và gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn tả những nhu cầu và mong muốn của chính mình. Việc không thể dùng ngôn ngữ để giao tiếp và bày tỏ ý muốn sẽ khiến trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu và bức bối. Chính vì thế, để có thể giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực của bản thân thì trẻ sẽ hay dùng các hành vi tiêu cực như ăn vạ, la hét, kích động, cáu gắt,….

Đặc biệt là đối với những trẻ từ 1 đến 3 tuổi, trong giai đoạn này trẻ đang dần hình thành các suy nghĩ, nhận thức và có được sở thích riêng của bản thân. Việc bị hạn chế về ngôn ngữ sẽ khiến trẻ cảm thấy vô cùng bức bối và luôn có xu hướng muốn giải phóng sự khó chịu ra bên ngoài bằng nhiều hành vi khác nhau.

2. Do rối loạn giác quan

Sự hạn chế về việc tiếp nhận và xử lý các thông tin về giác quan cũng là một trong các vấn đề thường xuất hiện ở những trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ. Ở mỗi thời điểm khác nhau, các giác quan của trẻ nhỏ sẽ trở nên nhạy cảm và chỉ cần là một vài yếu tố nhỏ như âm thanh, màu sắc, mùi vị,…cũng có thể khiến trẻ trở nên khó chịu, căng thẳng, bức bối. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân có thể làm khởi phát các hành vi bất thường ở trẻ nhỏ, điển hình nhất là cáu gắt, la hét, tự làm đau bản thân.

3. Do rối loạn cảm xúc

Tình trạng thường xuyên la hét ở trẻ bị tự kỷ còn có thể xuất hiện ở các trường hợp bị rối loạn cảm xúc. Chỉ cần có một sự thay đổi nhỏ trong việc sinh hoạt hàng ngày cũng có thể khiến trở cảm thấy lo lắng, sợ hãi, bất an và cáu gắt. Cũng do các cảm xúc tồi tệ này nên nhiều trẻ bị tự kỷ dần có những hành vi tiêu cực như đập phá đồ đạc, la hét, tự làm tổn thương đến bản thân hoặc thậm chí là những người xung quanh.

4. Cha mẹ không hiểu và thực hiện đúng theo ý muốn của trẻ

Như đã nói, trẻ nhỏ bị tự kỷ sẽ bị hạn chế rất nhiều về khả năng sử dụng ngôn ngữ. Chính vì thế trẻ không thể nói một cách chính xác về những điều mà mình mong muốn cũng như những thứ trẻ không yêu thích. Chính vì thế mà nhiều bậc phụ huynh sẽ không thể hiểu và nắm bắt được tất cả những ý muốn của trẻ, từ đó dễ sinh ra tình trạng làm trẻ không hài lòng hoặc thậm chí là làm ngược lại những điều trẻ đang mong muốn. Chẳng hạn như trẻ đang muốn chơi búp bê nhưng cha mẹ đang cất chúng đi sẽ khiến trẻ trở nên tức giận, cáu gắt và la hét, ăn vạ.

5. Do bản tính của mỗi trẻ

Trong thực tế không phải bất kì đứa trẻ nào mắc chứng tự kỷ cũng đều thường xuyên la hét, cáu gắt, tức giận. Bởi có những đứa trẻ sẽ lầm lì, ít nói, không thích can thiệp quá nhiều vào các hoạt động đời sống. Nhưng cũng có nhiều trẻ có tính nết khó chịu, hay cáu kỉnh, bốc đồng, hung hăng. Điều này cũng một phần bị ảnh hưởng bởi tính cách của mỗi đứa trẻ. Đặc biệt nếu trẻ phải sống trong một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã, xung đột với nhau thì trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tính cách và lối hành xử này.

6. Do trẻ muốn thu hút sự quan tâm của người khác

Đôi khi việc trẻ tự kỷ chơi một mình, xa lánh mọi người xung quanh là do trẻ không biết cách để giao tiếp, kết bạn và xây dựng mối quan hệ cùng với người khác. Chính vì thế, sự la hét của trẻ cũng có thể xuất phát từ lý do trẻ muốn được quan tâm và chú ý nhiều hơn. Hoặc nếu trẻ là một người bám mẹ và mẹ đang bồng bế hoặc cưng nựng một đứa trẻ khác cũng khiến cho trẻ có cảm giác không an toàn, tức giận và muốn thu hút sự chú ý của mẹ nên trẻ bắt đầu la hét.

Biểu hiện la hét ở trẻ tự kỷ có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên dù nó đến từ nguyên nhân nào thì cũng cần có hướng giải quyết thích hợp để tránh gây ra những thói quen xấu cho trẻ và cũng giúp trẻ dần kiểm soát tốt hành vi tiêu cực của bản thân.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét?

Khi trẻ tự kỷ la hét, tức giận hoặc ăn vạ thì nhiều bậc phụ huynh sẽ có xu hướng đáp ứng ngay những điều mà trẻ đang mong muốn. Tuy nhiên, đây không phải là cách giải quyết phù hợp bởi nó có thể hình thành nên thói quen tiêu cực và trẻ sẽ mãi khóc lóc, la hét khi có điều gì đó không hài lòng. Các bậc phụ huynh cần phải thực sự cẩn trọng và bình tĩnh để có thể đối phó và xử lý tốt các tình huống khi trẻ bắt đầu la hét, quậy phá.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét?
Cha mẹ cần phải bình tĩnh, dùng lời nói để trấn an và xoa dịu tinh thần khi trẻ bắt đầu la hét

Vậy cha mẹ nên làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét?

1. Biện pháp xử lý ngay lập tức khi trẻ tự kỷ la hét

Cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kì phương pháp nào được chứng minh cụ thể về công dụng điều trị tự kỷ và đây cũng không phải là bệnh lý để có thuốc đặc trị rõ ràng. Do đó, việc chữa khỏi hoàn toàn các triệu chứng của rối loạn tự kỷ vẫn còn khá khó khăn, trong đó việc trẻ hay la hét, cáu gắt là một trong những biểu hiện khó cải thiện nhất.

Tuy nhiên, nếu có thể kết hợp đồng thời nhiều phương pháp hỗ trợ khoa học với nhau thì cũng sẽ làm thuyên giảm và kiểm soát được hành vi tiêu cực này ở trẻ tự kỷ. Dưới đây là một số cách giúp cha mẹ có thể kiểm soát nhanh khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu la hét, bực tức:

  • Trước tiên, các bậc phụ huynh nên cố gắng giữ bình tĩnh để có thể nhẹ nhàng an ủi và xoa dịu các cơn giận dữ, kích động của trẻ nhỏ. Lúc này cha mẹ có thể áp dụng các chiến lược quản lý hành vi tùy thuộc vào từng tình huống. Chẳng hạn như có thể giả vờ không quan tâm, không để ý đến việc con đang la hét hay ăn vạ nếu biết đó là các hành vi nhằm gây sự chú ý của người khác.
  • Nếu trẻ cảm thấy bất an thực sự về một điều gì đó thì cha mẹ nên vỗ về, ôm con vào lòng và an ủi con. Hãy nói cho con biết rằng cha mẹ vẫn luôn ở cạnh con, mọi chuyện sẽ ổn và không có gì quá nguy hiểm.
  • Hoặc các bậc phụ huynh cũng có thể bắt chước con làm những hành vi như la hét, ăn vạ, khóc lóc để con có thể thấy và hiểu rằng đó là những hành vi vô lý và con nên dừng lại.
  • Sau khi trẻ bình tĩnh trở lại, cha mẹ cũng nên phân tích và nói cho con hiểu về những hành vi chưa đúng của mình để con có thể tự nhận thức và khắc phục chúng tốt hơn.
  • Phụ huynh cần phải cứng rắn trong việc áp dụng các biện pháp cải thiện cho trẻ. Tránh tình trạng mủi lòng và thực hiện theo những điều vô lý mà trẻ đang mong muốn. Cố gắng uốn nắn và điều chỉnh lại hành vi của trẻ cho đúng đắn và phù hợp với lứa tuổi.

2. Hướng giải quyết lâu dài khi trẻ tự kỷ hay la hét

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét luôn là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu. Tất nhiên không thể nào chỉ áp dụng các biện pháp tức thời mà cần có cách khắc phục lâu dài, giúp trẻ thay đổi các hành vi tiêu cực để tránh làm tổn thương đến bản thân và cả những người xung quanh.

Trong thực tế không phải lúc nào trẻ tự kỷ la hét cũng xuất phát từ việc không hài lòng và hoặc muốn đòi một thứ gì đó. Đôi khi sự hoảng loạn và la hét của trẻ cũng đến từ những nỗi căng thẳng, sợ hãi nhưng không thể bộc lộ và biểu hiện bằng lời nói. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý và tìm ra giải pháp lâu dài để giúp trẻ hạn chế được tình trạng này.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét?
Phụ huynh cũng nên tạo điều kiện cho trẻ tự kỷ được tham gia vào các hoạt động, công việc hàng ngày.

Cụ thể một số cách khắc phục lâu dài như sau:

  • Khi trẻ la hét, cáu gắt thì cha mẹ nên giữ sự bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc của mình và tuyệt đối không được sử dụng đòn roi để đánh mắng trẻ. Việc dùng bạo lực đối với những trẻ tự kỷ chỉ khiến trẻ càng gia tăng hành vi chống đối chứ không thể kiểm soát tốt được các triệu chứng bất thường. Cách tốt nhất hãy thể hiện sự quan tâm, dùng lời nói để xoa dịu trẻ, ôm ấp, vuốt ve để trẻ dần ổn định hơn về tâm lý.
  • Cho con cùng tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hoặc những công việc đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. Cha mẹ hãy để con tập làm quen với những điều nhỏ nhặt nhất, cho trẻ học thêm vài kỹ năng cần thiết, gia tăng sự tương tác xã hội, khả năng phản ứng với sự việc.
  • Thường xuyên tán thưởng, khen ngợi và ghi nhận các đóng góp hoặc những việc mà trẻ làm đúng. Đừng tiếc với con trẻ những lời khen, những cái ôm động viên hoặc đôi khi là một vài phần quà nhỏ để trẻ có thêm động lực hoàn thành tốt các việc được giao.
  • Khi có con là trẻ bị tự kỷ và thường xuyên có biểu hiện la hét, tức giận, cáu gắt thì cha mẹ không nên che giấu mà hãy chia sẻ cụ thể với những người xung quanh. Việc nói về tình trạng sức khỏe hiện tại của con cho láng giềng, hàng xóm, giáo viên sẽ giúp mọi người có thể hiểu và thông cảm nhiều hơn cho trẻ. Đồng thời mọi người xung quanh cũng có cách tương tác và giúp đỡ trẻ tốt hơn.
  • Đối với những trường hợp trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ và thường xuyên la hét thì cần cho trẻ hòa nhập tốt với bạn bè cùng trang lứa. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con đến trường, cùng chơi đùa với bạn bè. Tuyệt đối đừng nghĩ rằng con có những biểu hiện lạ mà cố gắng tách con ra khỏi những người xung quanh. Việc trẻ nhỏ được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều với những đứa trẻ khác sẽ giúp tinh thần trở nên thoải mái, gia tăng khả năng giao tiếp, nhận thức, tương tác xã hội và cũng hạn chế được những triệu chứng bất thường.
  • Để có thể giúp con kiểm soát tốt các cơn tức giận và hạn chế tình trạng la hét thì cha mẹ cần phải hiểu rõ về tình trạng của con. Đây là điều vô cùng quan trọng để có thể giúp một đứa trẻ tự kỷ mau chóng phục hồi nhận thức, kỹ năng và hòa nhập tốt với cuộc sống. Vì thế, các bậc phụ huynh nên đọc sách, tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, học thêm nhiều kỹ năng để có thể tự hỗ trợ và giúp con tốt hơn.
  • Phụ huynh có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các Trung tâm điều trị trẻ tự kỷ để được các chuyên viên, giáo viên hỗ trợ tốt hơn. Trẻ cũng có thể được sự can thiệp tốt từ các nhà trị liệu để nâng cao khả năng dùng ngôn ngữ, nhận thức, tương tác xã hội.
  • Cha mẹ cũng nên tạo cho trẻ môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, cho con tham gia vào các hoạt động thú vị ngoài trời. Không nên cứ mãi nhốt trẻ trong nhà và cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử bởi việc dùng điện thoại, tivi, máy tính quá nhiều có thể khiến cho hội chứng tự kỷ càng trở nên nặng nề hơn.

Trẻ tự kỷ hay la hét hoặc những kẻ mắc phải chứng tự kỷ luôn cần có sự quan tâm và hỗ trợ từ phía gia đình, người thân. Hi vọng qua thông tin của bài viết này, các bậc cha mẹ có thể biết được cách chăm sóc và can thiệp phù hợp để giúp con trẻ hạn chế được tình trạng hay la hét và cải thiện sức khỏe một cách tốt nhất.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *