Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tự kỷ: Nên ăn và kiêng gì?
Chế độ ăn uống cho trẻ tự kỷ tập trung vào việc bổ sung vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng thiết yếu. Dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ cải thiện các triệu chứng của bệnh và kiểm soát một số vấn đề sức khỏe có liên quan.
Mối liên hệ của chế độ dinh dưỡng với bệnh tự kỷ
Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là hội chứng liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh. Bệnh lý này khởi phát từ rất sớm, đa phần đều trước 36 tháng tuổi. Nguy cơ bị tự kỷ cao hơn ở bé trai với tỷ lệ gần gấp 4 lần so với bé gái. Tuy nhiên, nếu nữ giới mắc bệnh, tự kỷ thường có mức độ nặng và tiên lượng xấu hơn.
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của rối loạn phổ tự kỷ. Dù vậy, triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và can thiệp các liệu pháp tâm lý. Quá trình điều trị bệnh còn nhiều hạn chế nên các chuyên gia khuyến khích gia đình nên thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ.
Trong đó, xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ tự kỷ có vai trò quan trọng không kém các phương pháp điều trị chính. Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp trẻ phát triển thể chất và cải thiện một số triệu chứng có liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, điều chỉnh chế độ ăn uống giúp giảm nhẹ triệu chứng của bệnh tự kỷ và các vấn đề sức khỏe có liên quan.
Tự kỷ khởi phát sớm trong những năm đầu đời nên được xác định có liên quan đến những rối loạn trong thai kỳ. Các chuyên gia nhận thấy, đa phần trẻ bị tự kỷ đều không được cung cấp đầy đủ vitamin B9, sắt, đồng và kẽm trong thời gian mang thai. Vì vậy, các chuyên gia tin rằng, chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp cải thiện bệnh đáng kể.
Trẻ tự kỷ thường kén chán và dễ chán ăn, điều này khiến cho trẻ chậm phát triển thể chất hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Nguyên nhân là do giác quan của trẻ cực kỳ nhạy cảm với màu sắc, mùi vị, hương thơm,… khiến trẻ không cảm thấy ngon miệng khi ăn uống.
Ngoài ra, đa phần trẻ bị tự kỷ đều sẽ có các vấn đề tiêu hóa mãn tính như hội chứng ruột kích thích (IBS), táo bón và rối loạn dạ dày – ruột (GI). Trẻ mắc phải các bệnh lý này thường kén ăn do vị giác giảm, thường xuyên đau bụng, táo bón, tiêu chảy. Trong trường hợp này, xây dựng chế độ ăn hợp lý còn giúp kiểm soát triệu chứng của các vấn đề sức khỏe kể trên.
Trẻ tự kỷ nên kiêng ăn gì?
Một số loại thực phẩm có thể khiến trẻ tự kỷ dễ bị kích thích, tăng động hoặc bùng phát các vấn đề sức khỏe có liên quan. Do đó, trong chế độ ăn uống của trẻ tự kỷ, gia đình cần hạn chế các nhóm thực phẩm sau:
1. Thực phẩm chứa nhiều đường
Đường có vị ngọt nên thường được yêu thích hơn so với các món ăn có vị mặn, chua và cay. Khi dùng thức ăn và đồ uống chứa đường, não bộ sẽ sản sinh serotonin giúp tạo sự phấn chấn, thoải mái và vui vẻ.
Tuy nhiên ở những người bị các rối loạn phát triển thần kinh nói chung và tự kỷ nói riêng, đường có thể gây ra chứng tăng động – hành vi hiếu động quá mức. Biểu hiện tăng động thường thấy ở trẻ tự kỷ là cáu gắt, cười liên tục, chạy nhảy, vui đùa,… không rõ lý do.
Nghiên cứu của Đại học Y Ucla (Mỹ) cho thấy, nồng độ đường huyết cao có thể làm chậm hoạt động của não bộ và gây suy giảm trí nhớ. Chính vì vậy, việc hạn chế đường trong chế độ ăn uống của trẻ tự kỷ là vô cùng cần thiết. Các loại thực phẩm chứa đường có thể kích thích vị giác và tăng cảm giác thèm ăn cho bé. Do đó, mẹ vẫn có thể cho trẻ bổ sung đường tự nhiên từ các loại hoa quả.
2. Thực phẩm chứa casein và gluten
Thực phẩm chứa casein (sữa bò, chế phẩm từ sữa) và gluten (lúa mạch, lúa mì) có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của các bệnh đường ruột thường gặp ở trẻ tự kỷ như hội chứng ruột kích thích, hội chứng dạ dày – ruột,… Tình trạng tiêu chảy, táo bón, đau bụng, đầy hơi do các bệnh lý này sẽ khiến cho trẻ chán ăn và thậm chí là sợ ăn uống. Do đó, gia đình nên kiêng các nhóm thực phẩm này trong chế độ ăn uống của trẻ tự kỷ.
Ngoài ra, thực phẩm chứa casein và gluten còn dễ gây dị ứng – đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi. Để hạn chế tối đa các vấn đề sức khỏe cho bé, mẹ nên thay thế lúa mì, lúa mạch bằng gạo trắng hoặc gạo lứt. Bên cạnh đó, nên tránh sữa động vật và thay thế bằng các loại sữa có nguồn gốc thực vật để hệ tiêu hóa hấp thu dễ dàng hơn.
3. Đồ uống có gas và cà phê
Đồ uống có gas và cà phê đều có chứa caffeine. Chất này tác động trực tiếp lên não bộ nhằm tạo trạng thái hưng phấn và kích thích. Trẻ bị tự kỷ thường có thần kinh rất nhạy cảm. Sử dụng đồ uống có gas và cà phê khiến cho trẻ dễ tăng động, khó kiểm soát được hành vi và cảm xúc.
Ở những trẻ bị tự kỷ nặng, sử dụng quá nhiều đồ uống chứa caffeine và đường có thể gia tăng các hành vi tự gây thương tích như tự đánh liên tục vào đầu, cắn, cào cấu hoặc gây hấn với người khác. Hơn nữa, caffeine còn khiến cho trẻ mất ngủ và khó ngủ.
Trẻ có thể thức giấc giữa đêm, sau đó chơi hàng giờ cho đến sáng nhưng không cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ khiến cho thể trạng của trẻ suy nhược và chậm lớn hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
4. Hạn chế trái cây họ cam chanh
Trái cây là nhóm thực phẩm lành mạnh rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ bị tự kỷ nên hạn chế trái cây họ cam chanh. Bởi các loại quả như bưởi, cam, chanh chứa các chất lên men. Khi bổ sung sẽ gây tích tụ khiến trẻ dễ mất ngủ, khó ngủ và không kiểm soát được hành vi.
Trái cây họ cam chanh chứa nhiều vitamin C tốt cho hệ miễn dịch. Nếu phải hạn chế nhóm thực phẩm này, gia đình nên bổ sung cho trẻ các loại rau, quả giàu vitamin C khác để tăng cường sức đề kháng.
Trẻ tự kỷ nên ăn gì?
Ngoài vấn đề trẻ tự kỷ nên kiêng gì, gia đình cũng cần nắm rõ vấn đề trẻ tự kỷ nên ăn gì để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bổ sung nhóm thực phẩm lành mạnh, phù hợp sẽ giúp trẻ nâng cao thể chất và giảm nhẹ triệu chứng do tự kỷ gây ra. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng khoa học còn có thể giảm các vấn đề tiêu hóa thường gặp như hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa,…
Dưới đây là các nhóm thực phẩm nên bổ sung vào chế độ ăn uống của trẻ bị tự kỷ:
1. Thực phẩm giàu lợi khuẩn (probiotic)
Rối loạn phát triển ở hệ thần kinh trung ương phần nào ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh ruột. Đây cũng là lý do phần lớn trẻ bị tự kỷ đều phải đối mặt với các bệnh tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng và hấp thu kém.
Để cải thiện các vấn đề tiêu hóa thường gặp ở trẻ tự kỷ, gia đình nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn (probiotic) vào chế độ dinh dưỡng. Probiotic (lợi khuẩn) có nhiều trong sữa chua và các loại thực phẩm lên men khác.
Lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Khi hệ vi sinh trở lại trạng thái cân bằng, nhu động đường ruột cũng sẽ được điều hòa. Qua đó giúp giảm tình trạng táo bón, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu,… thường gặp ở trẻ tự kỷ.
2. Bổ sung thực phẩm giúp tăng hệ miễn dịch
Trẻ nhỏ thường có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên dễ bị virus, nấm và vi khuẩn tấn công. Khác với trẻ khỏe mạnh, các bệnh truyền nhiễm có thể kích thích thần kinh ở trẻ tự kỷ dẫn đến hành vi tăng động, khó kiểm soát. Do đó, gia đình nên bổ sung thực phẩm giúp tăng miễn dịch tự nhiên vào chế độ ăn cho bé.
Các loại thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ bị tự kỷ:
- Tỏi, hành tây đều chứa sulfur và allicin có tác dụng kháng khuẩn mạnh. Ngoài các món ăn từ nhóm thực phẩm này, mẹ nên trồng hành tây trong nhà để loại bỏ virus, nấm và vi khuẩn trong không khí.
- Các loại dầu như dầu ô liu, dầu dừa, dầu hạt lanh,… chứa nhiều axit béo không bão hòa cũng rất tốt cho hệ miễn dịch của bé.
- Phần lớn các loại hoa quả, củ và trái cây đều chứa các chất chống oxy hóa. Các chất này có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn nên có thể nâng cao sức đề kháng cho trẻ tự kỷ.
- Thêm một số loại gia vị có đặc tính kháng khuẩn mạnh khi chế biến thức ăn cho bé như gừng, nghệ, hành, thìa là,…
Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp bảo vệ cơ thể trước những tác nhân có hại. Thể trạng tốt, ổn định góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển thể chất và kiểm soát bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ.
3. Các loại trái cây chứa vitamin A, B
Vitamin A và B là những thành phần quan trọng đối với hệ thần kinh. Các loại vitamin này tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng ở neuron thần kinh. Thiếu hụt vitamin B trong thai kỳ là yếu tố gia tăng nguy cơ bị tự kỷ và mắc các hội chứng có liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh khác.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, B góp phần cải thiện hoạt động của hệ thần kinh, tăng khả năng tập trung, giảm các rối loạn cảm xúc và hỗ trợ kiểm soát tình trạng kích thích, tăng động ở trẻ bị tự kỷ. Ngoài ra, các nhóm vitamin này còn hỗ trợ cải thiện những vấn đề tiêu hóa có liên quan như đau bụng, đầy hơi, hấp thu kém,…
Bên cạnh những lợi ích đối với thị lực, vitamin A còn giúp tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh. Do đó, gia đình nên chú ý bổ sung thực phẩm giàu vitamin A và B vào chế độ ăn uống của trẻ tự kỷ. Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A và B bao gồm khoai lang, mơ, xoài, táo, bí đỏ, rau ngót,…
4. Tăng cường thực phẩm giàu Omega 3
Omega 3 là axit béo không no rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là não bộ, tim mạch, thị lực và hệ miễn dịch. Omega 3 được xem là liệu pháp hỗ trợ trong điều trị bệnh tự kỷ bên cạnh sử dụng thuốc và các biện pháp tâm lý. Mẹ có thể cung cấp Omega 3 cho bé bằng cách bổ sung các loại thực phẩm như cá trích, cá ngừ, cá thu, cá hồi,…
Trẻ tự kỷ thường có khiếm khuyết về mặt tư duy và ngôn ngữ nên phần lớn đều bị rối loạn học tập. Việc bổ sung Omega 3 vào chế độ ăn có thể giúp trẻ tăng khả năng tập trung, tiếp thu nhanh, hiểu bài tốt, tăng cường trí nhớ và giảm hành vi kích động.
Ngoài ra, Omega 3 còn có thể chống lại tác động tiêu cực của đường đối với não bộ, đồng thời giúp bảo vệ tế bào thần kinh trước tác động của gốc tự do. Bổ sung Omega 3 lâu dài góp phần cải thiện hoạt động của não bộ và giúp trẻ bị tự kỷ tăng chất lượng cuộc sống rõ rệt.
5. Bổ sung thực phẩm giàu kẽm, vitamin C
Kẽm và vitamin C đều có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng và cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Vì vậy, mẹ nên bổ sung nhóm thực phẩm giàu kẽm và vitamin C vào chế độ dinh dưỡng cho bé.
Ngoài việc nâng cao sức đề kháng, vitamin C có thể làm dịu các hành vi quá khích và có tính rập khuôn ở trẻ bị tự kỷ. Mặc dù chưa hiểu rõ cơ chế của vitamin C nhưng với những lợi ích mang lại, các chuyên gia luôn khuyến khích gia đình bổ sung nhóm vitamin này cho trẻ.
Trẻ tự kỷ không thể dùng trái cây nhóm cam chanh. Do đó, có thể bổ sung vitamin C bằng các nhóm hoa quả khác như thanh long, dâu tây, việt quất, ổi, dưa gang, dưa hấu,… Ngoài hàm lượng vitamin và khoáng chất cao, các loại trái cây thường có vị chua ngọt nên có thể kích thích cảm giác thèm ăn và tạo cảm giác ngon miệng hơn.
Một số lưu ý khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc quản lý rối loạn phổ tự kỷ và các bệnh lý có liên quan. Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ, gia đình cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Đảm bảo trẻ ăn đủ 3 – 4 bữa/ ngày. Ngoài các bữa chính, có thể cho trẻ bổ sung các bữa ăn phụ để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất, đạm và những thành phần thiết yếu khác.
- Cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn, không nên bổ sung quá nhiều tinh bột hoặc đạm. Sự cân bằng sẽ giúp trẻ tiêu hóa tốt, hấp thu tối đa chất dinh dưỡng và phát triển đều đặn.
- Khi cho trẻ ăn uống, gia đình cần kiên nhẫn, tuyệt đối không ép trẻ dùng các món ăn mà trẻ không thích. Bản thân trẻ tự kỷ có khứu giác và vị giác rất nhạy cảm nên thường sẽ kén ăn. Bố mẹ nên để trẻ thoải mái ăn những món ăn mà con yêu thích. Việc ép buộc sẽ khiến trẻ nổi cáu, dễ tăng động, mất kiểm soát và dần dần hình thành tâm lý sợ ăn.
- Trẻ bị tự kỷ thường không chịu thử các món ăn mới. Do đó, bố mẹ nên chế biến các loại thực phẩm mới cùng với món ăn mà con yêu thích. Sau đó, tăng dần lên để trẻ có thời gian thích nghi và chấp nhận dùng món ăn này.
- Trẻ tự kỷ rất khó ăn uống đúng giờ như những trẻ khác. Vì vậy, nên chuẩn bị sẵn thức ăn và cho trẻ ăn ngay khi trẻ đòi ăn.
- Khi có vấn đề bất thường như trẻ không ăn uống và phản ứng gay gắt trong bữa ăn, gia đình nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
Chế độ ăn uống cho trẻ tự kỷ có vai trò quan trọng không kém các phương pháp điều trị chính. Do đó, gia đình nên tìm hiểu kỹ vấn đề này để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh và cải thiện các vấn đề sức khỏe có liên quan. Bên cạnh đó, nên kết hợp thêm một số biện pháp hỗ trợ như âm nhạc trị liệu, nghệ thuật trị liệu,… để cải thiện chất lượng cuộc sống của bé.
Tham khảo thêm:
- Tự Kỷ Có Phải Là Bệnh? Có Tự Khỏi Không?
- Dạy trẻ tự kỷ tại nhà cha mẹ nên lưu ý gì?
- Tự kỷ có chữa khỏi được không? Nguy hiểm thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!