Dạy Trẻ Tự Kỷ Tại Nhà Cha Mẹ Nên Lưu Ý Gì?
Dạy trẻ tự kỷ tại nhà chưa bao giờ là điều dễ dàng nên gia đình cần thực sự kiên trì với con, tuyệt đối không nên la hét hay quát mắng con. Phụ huynh nên tham gia các khóa học dành cho cha mẹ có con tự kỷ để biết cách can thiệp hỗ trợ trẻ chính xác hơn. Tình yêu và sự kiên nhẫn của cha mẹ chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ tự kỷ có một cuộc sống tốt nhất.
Dạy trẻ tự kỷ tại nhà cha mẹ nên lưu ý gì?
Hiện nay nguyên nhân tự kỷ vẫn chưa được xác định rõ ràng, tạm thời chỉ biết rằng có liên quan đến một số tác động trong quá trình mang thai, chẳng hạn như dùng thuốc quá mức, môi trường ô nhiễm.. Đây là một dạng rối loạn phát triển bẩm sinh, không thể điều trị mà chỉ có thể can thiệp để giảm nhẹ dấu hiệu, giúp trẻ sớm tăng cường tương tác xã hội, có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Một vấn đề trong can thiệp cho trẻ tự kỷ mà nhiều gia đình gặp phải hiện nay chính là thực hiện quá muộn, lỡ mất giai đoạn vàng của trẻ. Mặt khác một số phụ huynh sau khi phát hiện con mắc chứng tự kỷ thường phó mặc tất cả cho các trung tâm giáo dục đặc biệt và ít dành sự quan tâm cho con.
Tất nhiên việc đưa con vào môi trường giáo dục đặc biệt sẽ giúp bé cải thiện được các kỹ năng xã hội nhưng nếu thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ thì việc can thiệp có thể không được hiệu quả. Dù vậy việc cha mẹ dạy trẻ tự kỷ tại nhà lại không hề dễ dàng chút nào bởi con cực kỳ nhạy cảm, dễ kích động, la hét khiến phụ huynh cũng vô cùng mệt mỏi. Vậy làm thế nào để có thể dạy trẻ tự kỷ tại nhà hiệu quả?
Hiểu rõ về tự kỷ
Muốn gỡ một nút thắt thì trước tiên phải phải tìm được điểm mấu chốt khiến nó trở nên bị rối như vậy, do đó để có thể dạy và giúp con mắc tự kỷ thì trước tiên phụ huynh cần phải hiểu rõ về rối loạn này. Chẳng hạn tìm hiểu về nguyên nhân, tâm lý, suy nghĩ và xu hướng hành động của con, qua đó biết cách hỗ trợ trẻ tốt hơn, tránh các hành vi không phù hợp.
Nhiều phụ huynh thường luôn đổ lỗi rằng mình tại do mình nên con mới mắc chứng tự kỷ nhưng hoàn toàn không phải. Người mẹ nếu mang tâm lý này sẽ luôn cảm thấy tội lỗi, tiêu cực khiến việc dạy trẻ tự kỷ tại nhà sẽ không thể mang đến những giá trị tốt được. Trẻ tự kỷ cần được tiếp thu sự lạc quan, tích cực, bình tĩnh của người mẹ để tránh các rối loạn cảm xúc không đáng có.
Khi hiểu rõ về tự kỷ mẹ cũng có thể học được “ngôn ngữ đặc biệt” của con để biết khi nào con đang tức giận, khi nào con vui vẻ, con đang muốn điều gì. Nhờ đó dần dần mẹ có thể tiến sâu vào thế giới quan của con, giúp con hiểu hơn về cuộc sống này.
Hiện nay cũng có rất nhiều các chương trình, khóa học hỗ trợ cho phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ được tổ chức bởi các chuyên gia, bác sĩ uy tín rất đáng để cha mẹ tham gia nhằm hiểu hơn về tự kỷ. Thực tế thì tình yêu thương của cha mẹ rất quan trọng nhưng nếu không có kiến thức, không am hiểu thì rất khó để có thể dạy con tại nhà.
Phụ huynh cũng có thể tham gia vào các hội nhóm phụ huynh có con tự kỷ để chia sẻ với mọi người, tìm hiểu về cách chăm sóc con từ những bậc cha mẹ có kinh nghiệm. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các hội nhóm này trên Facebook hoặc thông qua mỗi khóa học, hội thảo có liên quan đến chăm sóc và giáo dục cho trẻ tự kỷ.
Dạy trẻ tự kỷ tại nhà cần luôn kiên nhẫn
Mặc dù tỷ lệ trẻ tự kỷ ở Việt Nam khá cao nhưng không có quá nhiều trung tâm hỗ trợ can thiệp cho trẻ bởi việc chăm sóc, giáo dục nhóm đối tượng này không chỉ cần có chuyên môn là được mà còn cần thực sự kiên nhẫn. Trẻ tự kỷ rất dễ kèm theo các vấn đề như tăng động, trầm cảm nên rất khó kiểm soát cảm xúc, dễ kích động, la hét hay làm đau bản thân mình.
Khả năng biểu đạt cảm xúc hay hiểu được cảm xúc của người khác ở trẻ tự kỷ cũng khá hạn chế, bởi thế nếu không đủ tình thương, đủ sự kiên nhẫn sẽ rất khó hiểu và kết nối được với con. Chỉ có cha mẹ mới là người luôn có tình yêu bao la, luôn yêu thương con trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống ra sao. Bởi thế mà nếu quá trình dạy trẻ tự kỷ tại nhà diễn ra thuận lợi thì khả năng cải thiện của trẻ sẽ cực kỳ rõ rệt.
Phụ huynh trong quá trình dạy trẻ tự kỷ tại nhà tuyệt đối không được la hét đột ngột, cáu gắt hay đánh con, dù là đánh nhẹ. Sự kích động của cha mẹ sẽ khiến con sợ hãi, la hét nhiều hơn, cảm thấy sợ hãi và không muốn tiếp xúc hay gần gũi như trước. Mặt khác nếu phụ huynh quá nghiêm túc, luôn ép con phải thực hiện theo ý mình thì cũng không đem đến hiệu quả khi dạy trẻ tự kỷ tại nhà.
Trẻ tự kỷ thường rất bám cha mẹ nên nếu lúc này con không hợp tác với phụ huynh sẽ làm việc can thiệp khó khăn hơn rất nhiều. Hãy luôn tạo cho con một môi trường học tập hay vui chơi thoải mái, không nên quá o ép con phải làm điều gì mà cần kiên trì khuyến khích để con chủ động làm, tạo sự hứng thú cho con.
Nếu cảm thấy mất kiên nhẫn và tức giận, hãy thử hít thở thật sâu rồi thở ra từ từ để dần lấy lại sự bình tĩnh, sau đó mới tiếp tục trò chuyện cùng con để tránh các hành vi, lời nói không phù hợp lúc này. Ngoài ra phụ huynh cũng nên thực hành các liệu pháp giúp thư giãn tinh thần, học cách kiểm soát cảm xúc thông qua thiền hay yoga để tinh thần luôn lạc quan, tích cực, giữ bình tĩnh tốt.
Lên kế hoạch và dạy con một cách nghiêm túc
Theo các chuyên gia, để việc dạy trẻ tự kỷ có hiệu quả tại nhà rất cần phụ huynh lên kế hoạch về thời gian học tập, nghỉ ngơi cho con một cách khoa học. Trẻ tự kỷ khi đã quen với lịch trình này sẽ có ý thức tự thực hiện, chủ động làm mà không cần cha mẹ phải nhắc nhở. Điều này cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình cải thiện sự tự lập và chăm sóc cho bản thân mình của con.
Chẳng hạn cha mẹ đặt thời gian biểu cần dậy lúc 7 giờ, ăn uống, vệ sinh cá nhân cần hoàn thành lúc 7 giờ 45 và học tập lúc 8 giờ. Hay thời gian nghỉ ngơi, đi ngủ cũng cần được sắp xếp khoa học, hợp lý. Kể cả khi con học ở nhà hay học trên trường cũng cần đảm bảo thực hiện đúng thời khóa biểu này để duy trì tính nhất quán cho con.
Dù vậy trong một vài trường hợp nếu chuỗi hoạt động của con nếu không đúng lịch trình thì con cũng dễ tức giận và kích động. Chẳng hạn nếu bình thường ở nhà con thường ăn trưa lúc 11h nhưng khi đi học 11h vẫn chưa được ăn thì con có thể có các hành vi tức giận, cáu gắt, kích động, không chịu học.
Bởi thế mà cha mẹ cũng nên trao đổi với giáo viên hay người hướng dẫn khi con đến các môi trường mới mà không phải học tập tại nhà. Trẻ tự kỷ cần phải mất một thời gian dài mới thích ứng được với môi trường mới, do đó việc tạo cho con một không gian tương tự sẽ giúp trẻ nhanh chóng chủ cố được những gì đã học, đã ghi nhớ.
Tận dụng học tập bất cứ lúc nào
Kết hợp giữa học mà chơi, chơi mà học cũng là một biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ hiệu quả cho cho mẹ khi ở nhà. Trẻ tự kỷ thường rất thích những hình ảnh, màu sắc tươi sáng và con sẽ tiếp thu nhanh hơn với những thứ sinh động, hiện hữu hơn là những gì trên lý thuyết. Vì vậy thay vì ngồi một chỗ và dạy trẻ tự kỷ con vật này, cái cây này trên hình ảnh thì hãy đưa con tiếp cận gần hơn với thế giới bên ngoài.
Chẳng hạn mẹ có thể đưa con ngay ra vườn nhà để biết con gà như thế nào, kêu như thế nào. Hay tranh thủ lúc đi chợ thì có thể chỉ con xem về những cây hoa trong siêu thị. Hoặc khi đi về quê gặp họ hàng hãy hướng dẫn con cách chào hỏi và trả lời người lớn sao cho lễ phép. Chính những hoạt động thực tế này sẽ giúp trẻ tự kỷ chủ động hơn, dễ thích nghi hơn và nhanh ghi nhớ hơn.
Trẻ tự kỷ có thể không hứng thú ngay từ những lần đầu, đặc biệt khi chỉ được dạy học tại nhà thông qua sách vở. Vì vậy hãy luôn tận dụng những cơ hội thực tế để dạy và giúp con tiếp thu những kiến thức cơ bản trong đời sống một cách dễ dàng nhất.
Khen ngợi khi dạy trẻ tự kỷ học tại nhà
Bất cứ đứa trẻ nào cũng luôn thích được khen ngợi, kể cả trẻ tự kỷ nên cha mẹ cũng cần chú ý khi dạy con tại nhà. Phụ huynh hãy tuyên dương hay thưởng cho con một món quà nào đó mà con thích để tuyên dương mỗi khi dạy và con học được kỹ năng mới hay chủ động làm một điều gì đó như tự đi lấy nước. Con khi được cha mẹ khen ngợi có thể làm lại nhiều lần để lấy được sự tán thưởng đó.
Tuy nhiên cách hiểu của trẻ tự kỷ sẽ không giống với những đứa trẻ bình thường, không phải cứ nói con làm tốt lắm là bé có hiểu rằng mẹ đang khen. Để giúp con hiểu rằng mình đang được khen ngợi thì chỉ lời nói thôi là không đủ mà mẹ cần phải sử dụng ánh mắt, hành động, tông giọng hay các hành vi cơ thể.Chẳng hạn như vỗ tay, xoa đầu, mỉm cười, tông giọng nhấn nhá đúng vị trí..
Phụ huynh cần thực hiện các hành vi này tương tự trong nhiều lần, mỗi khi khen ngợi để dần dần bé sẽ hiểu được rằng là mình vừa làm được một việc tốt, vừa được tuyên dương. Nếu mỗi lần bố mẹ làm một biểu cảm, một hành động, một tông giọng khác nhau thì con sẽ rất khó xác định được rằng điều bố mẹ vừa làm thể hiện điều gì.
Xây dựng một “xã hội thu nhỏ” khi dạy trẻ tự kỷ tại nhà
Trẻ tự kỷ rất dễ mắc chứng sợ giao tiếp xã hội, rối loạn lo âu, trầm cảm hay rất nhiều vấn đề tâm lý khác. Một phần bởi con không biết cách giao tiếp, kết bạn nên luôn cảm thấy đơn độc; một phần vì cha mẹ thường xuyên bảo bọc con quá mức, không cho con ra ngoài nên nếu đi đến những nơi đông người con sẽ dễ rơi vào hoảng loạn, sợ hãi, không biết cách đối phó với những tình huống ngoài đời sống.
Để giúp con có thể tiến gần hơn với cuộc sống thực tại, phụ huynh khi dạy con tại nhà cũng có thể tạo ra một “xã hội thu nhỏ” ngay trong chính gia đình của mình. Chẳng hạn mẹ có thể đóng vai này vai kia, thay đổi ngữ điệu, lời nói, thái độ để giúp con hiểu hơn về tình huống. Từ đó theo dõi hướng giải quyết của con như thế nào rồi từ từ điều chỉnh cách hành xử sao cho đúng đắn.
Dạy trẻ tự kỷ tại nhà cần thực hiện từng bước một
Dạy trẻ tự kỷ không phải ngày một ngày hai là con có thể cải thiện mà là một quãng đường dài, thậm chí là suốt đời. Nếu thực hiện đúng cách có thể giúp trẻ dần gia tăng các kỹ năng xã hội, biết cách tự lập, tự chăm sóc bản thân nhưng nếu can thiệp quá muộn và không đúng cách thì trẻ thậm chí chỉ có thể biết đến việc vệ sinh cá nhân, không thể làm các công việc khác.
Chính do đó, để việc dạy trẻ tự kỷ tại nhà có hiệu quả, phụ huynh tuyệt đối không nên vội vàng, thực hiện bước từng bước một. Cần rèn luyện cho con kỹ năng nào là chắc kỹ năng đó để con áp dụng lúc nào cũng được. Không nên khi thấy con vừa biết đánh răng đã chuyển sang dạy con nấu ăn thì con sẽ nhanh chóng quên mất phải đánh răng như thế nào.
“Chậm mà chắc” chính là lời khuyên dành cho những phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ. Không nên vì tâm lý muốn chứng minh con bình thường, con có thể làm tất cả những điều như những đứa trẻ bình thường mà vội vàng nhồi nhép, ép buộc con làm đủ mọi thứ bởi chắc chắn không có hiệu quả.
Khuyến khích sự chủ động
Nhiều phụ huynh thường luôn lo lắng rằng trẻ tự kỷ sẽ gặp nguy hiểm, sẽ không thể làm được điều gì nên luôn tìm cách bao bọc, chở che con hết sức có thể, chăm sóc cho con từ A-Z. Bởi thế mà không ít người tự kỷ đến khi trưởng thành vẫn chưa thể tự đánh răng, rửa mặt, không thể tự chăm sóc cho bản thân mình.
Để rèn luyện các kỹ năng xã hội, cải thiện sự tự lập để trẻ tự kỷ có thể tự chăm sóc cho bản thân thì phụ huynh ngay từ khi dạy con tại nhà hãy luôn khuyến khích, rèn luyện cho con sự chủ động. Phụ huynh có thể trực tiếp cầm tay chỉ việc sau đó dần dần để con thực hiện một mình.
Chẳng hạn để hướng dẫn con cách đánh răng thì phụ huynh nên đánh răng cho con xem, sau đó cầm tay giúp con đánh răng cho chính bản thân mình. Nếu con đã bắt đầu thực hiện được từ những bước nhỏ nhất, chẳng hạn như lấy kem đánh răng, phụ huynh cũng nên vỗ tay khen ngợi. Lặp đi lặp lại tương tự nhiều lần như vậy vào mỗi ngày sẽ giúp con biết tự đánh răng cho bản thân.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con và chính bản thân mình
Thực tế thì dạy trẻ tự kỷ tại nhà không hề dễ dàng một chút nào, đây là một con đường đầy chông gai nhưng lại chẳng biết bao giờ mới có thể thấy đích. Mỗi người chỉ biết cố gắng, cố gắng và không ngừng cố gắng hơn để đem đến cho con một cuộc sống hạnh phúc nhất. Ngay cả những chuyên gia, những người am hiểu về trẻ tự kỷ đôi khi cũng thấy mệt mỏi.
Quãng đường chiến đấu với tự kỷ không hề đơn giản và trong đó người chiến sĩ chỉ chốt chính là cha mẹ, những đứa con chính là thành lũy cần được bảo vệ. Bởi thế nếu những người chiến sĩ không có đủ sức khỏe, đủ tinh thần, đủ dũng cảm thì không thể nào có thể bảo vệ được thành trì.
Song song với quá trình dạy trẻ tự kỷ tại nhà, phụ huynh cũng cần hướng đến các biện pháp chăm sóc cho chính mình. Một số phương pháp có thể giúp ích như sau
- Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày, trung bình từ 7-8 tiếng. Chỉ khi cơ thể nạp đủ năng lượng thì tinh thần mới khỏe mạnh, có thể giữ được sự bình tĩnh và kiên nhẫn khi giảng dạy cho con
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao, vận động hằng ngày. Cha mẹ cũng có thể lựa chọn các hoạt động có thể tham gia cùng con, chẳng hạn như bơi lội, chạy bộ..
- Thực hành thiền bag yoga hằng ngày, nên kết hợp song song với con để nâng cao tinh thần, kích thích máu huyết lưu thông, tốt cho trí nhớ, giấc ngủ, tăng khả năng kiểm soát cảm xúc cùng rất nhiều lợi ích khác
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cả gia đình. Tuy nhiên một số thực phẩm mà người tự kỷ không nên dùng như sữa có nguồn gốc động vật, đồ ăn nhiều dầu mỡ, bánh mì ngũ cốc, ngô, nước ngọt nhân tạo và các món ăn từ đậu nành.. Tăng cường các nhóm thực phẩm lành mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, điều chỉnh các gia vị sử dụng trong món ăn hằng ngày sẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực về sức khỏe cho cả gia đình
- Thư giãn cơ thể và tâm trí bằng các biện pháp như nghe nhạc, bơi lội, đọc sách, đi dạo..
- Sẽ có những lúc cha mẹ cảm thấy nản lòng và bức bối, điều này là khó tránh khỏi bởi việc có cố gắng thế nào con cũng không tương tác khiến ai cũng dễ nản lòng. Tuy nhiên phụ huynh hãy tìm kiếm những người để có thể trò chuyện và chia sẻ, loại bỏ nhanh những cảm xúc tiêu cực, tránh giữ trong lòng quá nhiều sẽ cảm thấy mệt mỏi và khó chịu hơn
- Gặp gỡ chuyên gia tâm lý trong các trường hợp cần thiết để tránh các tình huống xấu xuất hiện. Những người có con mắc tự kỷ, đặc biệt là người mẹ thường gặp rất nhiều áp lực, stress do ảnh hưởng từ những lời bàn tán của những người xung quanh, cảm giác tội lỗi kết hợp với việc chăm sóc con gặp nhiều khó khăn, nếu không được giải tỏa sẽ có nguy cơ cao gặp các vấn đề tâm lý, đặc biệt là trầm cảm. Bởi thế mà nếu cha mẹ nêu cảm thấy tâm trạng lúc nào cũng trong trạng thái tiêu cực, không thể ngủ được, dễ kích động, cảm thấy tuyệt vọng hay nghĩ đến cái chết cần đến gặp các chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt.
Phụ huynh nên kết hợp đồng thời cả việc dạy trẻ tự kỷ tại nhà và đưa con đến các trung tâm giáo dục phù hợp để được hỗ trợ tốt nhất, tăng cường các kỹ năng xã hội cần thiết nhất cho con. Phụ huynh cần thực sự kiên trì trên hành trình khó khăn này. Chính tình yêu bao la, sự hy sinh và kiên nhẫn của cha mẹ sẽ giúp trẻ tự kỷ có được cuộc sống tốt nhất, sớm trở thành một người có ích cho xã hội.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ tự kỷ nên kiêng gì tốt nhất?
- 10 Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tự kỷ và hướng chữa trị
- Hậu quả của áp lực gia đình nguy hiểm hơn bạn tưởng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!