Hướng dẫn chăm sóc trẻ tự kỷ đúng cách cha mẹ nên biết

Chăm sóc trẻ tự kỷ là điều không đơn giản, tốn rất nhiều năng lượng và thời gian. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cần có sự kiên trì và cố gắng để giúp con có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi tự kỷ là căn bệnh sẽ đi theo trẻ suốt cả cuộc đời.

chăm sóc trẻ tự kỷ
Chăm sóc trẻ tự kỷ là một quá trình dài đòi hỏi phải có cả kiến thức và sự kiên nhẫn

Hướng dẫn chăm sóc trẻ tự kỷ chi tiết từ A – Z

Bệnh tự kỷ (Rối loạn phổ tự kỷ – ASD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh đề cập đến tình trạng trẻ bị khiếm khuyết và gặp khó khăn trong giao tiếp, tương tác, kiểm soát ngôn ngữ, cảm xúc, hành vi khi tiếp xúc với thế giới xung quanh.

Tự kỷ kiến cho trẻ khó hòa nhập, tự cách ly và tách biệt với mọi người để sống trong thế giới riêng. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm sinh lý của trẻ. Hiện chưa có thuốc chữa cho căn bệnh này. Việc điều trị chỉ mang ý nghĩa nâng đỡ và giúp trẻ đa dạng hóa kỹ năng, tự chăm sóc bản thân, dễ hòa nhập hơn.

Chăm sóc tốt cho một đứa trẻ tự kỷ có thể giúp chúng vượt qua các thử thách của bệnh. Nếu bạn nghi ngờ con mình có điều gì đó không ổn, có thể mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức.

Trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) được giúp đỡ càng sớm thì cơ hội điều trị càng thành công. Can thiệp sớm chính là cách hiệu quả nhất để làm tăng tốc độ phát triển của trẻ và làm giảm các triệu chứng của bệnh tự kỷ trong suốt cuộc đời.

Dưới đây là cách chăm sóc trẻ tự kỷ giúp trẻ phát triển tốt mà cha mẹ nào cũng nên biết:

1. Cho con cảm giác an toàn

Bạn nên tìm hiểu bất cứ những gì có thể về chứng tự kỷ và tham gia vào việc điều trị của con mình. Càng trang bị nhiều kiến thức về chứng bệnh này sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định tốt hơn cho con mình.

lập thời gian biểu cho trẻ tự kỷ
Cha mẹ nên lập sẵn thời gian biểu cho trẻ tự kỷ để con có thể hoạt động tốt hơn

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp con có được cảm giác an toàn:

  • Hãy kiên định: Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc áp dụng những gì chúng học được trong một môi trường. Bạn hãy cố gắng tạo sự nhất quán trong môi trường của con để củng cố việc học. Hãy tìm hiểu những gì nhà trị liệu của con bạn đang làm. Đồng thời tiếp tục các kỹ thuật này tại nhà. Ngoài ra khám phá khả năng thực hiện trị liệu ở nhiều hơn nhằm khuyến khích con chuyển những gì đã học từ môi trường này sang môi trường khác. Điều quan trọng là bạn cần nhất quán trong cách mà bạn tương tác với con và đối phó với các hành vi thách thức.
  • Lập thời gian biểu cho con: Trẻ tự kỷ có xu hướng hoạt động tốt nhất khi chúng có sẵn một lịch trình. Bạn hãy lập thời gian biểu cho con với thời gian đều đặn cho các bữa ăn, liệu pháp, trường học và giờ đi ngủ. Cố gắng giảm thiểu sự gián đoạn đối với các thói quen này. Nếu có sự thay đổi lịch trình không thể tránh khỏi thì bạn cần chuẩn bị trước cho con.
  • Khen thưởng hành vi tốt: Bạn hãy cố gắng yêu cầu trẻ làm bất cứ điều gì đó tốt. Việc củng cổ sự tích cực là rất quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ. Bạn cần khen ngợi trẻ khi chúng hành động phù hợp hay học một kỹ năng mới. Ngoài ra hãy tìm những cách khác để thưởng cho chúng khi có hành vi tốt. Chẳng hạn như để chúng chơi với một món đồ chơi yêu thích.
  • Tạo không gian an toàn: Hãy tạo một không gian riêng trong nhà, nơi mà con bạn có thể thư giãn, cảm thấy yên tâm và an toàn. Điều này liên quan tới việc tổ chức và thiết lập ranh giới theo cách mà trẻ có thể hiểu được. Đặc biệt với những trẻ dễ nổi cơn thịnh nộ hay có các hành vi tự gây thương tích thì việc tạo không gian an toàn là rất cần thiết.

2. Giao tiếp phi ngôn ngữ

Kết nối với một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ có thể là một thách thức. Tuy nhiên bạn không cần phải nói chuyện hay chạm vào con để giao tiếp và gắn kết. Thay vào đó bạn có thể giao tiếp bằng cách nhìn con, bằng giọng nói và ngôn ngữ cơ thể.

  • Tìm kiếm các tín hiệu phi ngôn ngữ: Nếu tinh ý bạn có thể học cách nhận biết các tín hiệu phi ngôn ngữ mà một đứa trẻ tự kỷ sử dụng để giao tiếp. Hãy chú ý đến loại âm thanh chúng tạo ra, nét mặt và cử chỉ của chúng khi mệt mỏi, đói hoặc muốn thứ gì đó.
  • Tìm căn nguyên đằng sau cơn giận dữ: Việc bạn cảm thấy khó chịu khi bị phớt lờ hay hiểu lầm là điều tự nhiên. Và đối với một đứa trẻ bị ASD cũng vậy. Khi trẻ bị ASD biểu hiện ra ngoài thường là do bạn không nắm bắt được các tín hiệu phi ngôn ngữ của chúng. Giận dữ là cách chúng thể hiện sự thất vọng và để thu hút sự chú ý của bạn.
  • Chú ý đến sự nhạy cảm giác quan của trẻ: Nhiều đứa trẻ tự kỷ quá nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, vị giác, xúc giác và khứu giác. Trong khi đó một số trẻ khác lại kém nhạy cảm với các kích thích giác quan. Bạn cần tìm ra hình ảnh, âm thanh, mùi,… kích hoạt các hành vi xấu hoặc gây rối của con. Đồng thời nắm được điều gì tạo ra phản ứng tích cực. Nếu bạn hiểu rõ điều gì ảnh hưởng tới con mình thì sẽ có thể khắc phục sự cố tốt hơn.
  • Dành thời gian giải trí cùng con: Bạn có thể gặp khó khăn khi tìm hiểu xem con mình thích làm gì để giải trí. Bởi những đứa trẻ bị tự kỷ không có khả năng thư giãn như những đứa trẻ khác. Điều quan trọng là bạn cần sắp xếp thời gian để thư giãn và vui chơi cùng với con.
chăm sóc trẻ tự kỷ
Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khi một đứa trẻ tự kỷ tỏ ra tức giận

3. Tìm cho trẻ một kế hoạch điều trị phù hợp

Với rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau hiện có thì rất khó để tìm ra cách tiếp cận nào phù hợp với con bạn. Việc nghe quá nhiều khuyến nghị khác nhau có thể làm cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn.

Lập kế hoạch điều trị cho con cũng được cho là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ bị tự kỷ. Bạn hãy nhớ rằng, không có phương pháp điều trị duy nhất nào là hiệu quả cho tất cả mọi người.

Việc điều trị của con bạn nên được điều chỉnh theo đúng nhu cầu cá nhân của chúng. Bạn chính là người hiểu con mình nhất. Do đó việc đảm bảo những nhu cầu của con được đáp ứng là tùy thuộc vào bạn.

Một số câu hỏi có thể giúp bạn hiểu rõ con hơn, chẳng hạn như:

  • Điểm mạnh và điểm yếu của con tôi là gì?
  • Những hành vi nào gây ra vấn đề nhiều nhất?
  • Con tôi đang thiếu những kỹ năng quan trọng nào?
  • Làm thế nào để con tôi học tốt nhất?
  • Con tôi thích thú với những điều gì?

Một kế hoạch điều trị tốt sẽ đáp ứng được các yếu tố sau:

  • Xây dựng dựa trên sở thích của con bạn
  • Đưa ra một lịch trình có thể đoán trước được
  • Dạy các nhiệm vụ theo các bước đơn giản
  • Tích cực thu hút sự chú ý của con bạn vào các hoạt động có cấu trúc
  • Cung cấp sự củng cố thường xuyên về hành vi
  • Có sự tham gia của phụ huynh

Cuối cùng bạn cần nhớ rằng, với bất cứ lựa chọn kế hoạch điều trị nào thì sự tham gia của bạn là rất quan trọng để thành công. Bạn có thể giúp con có được hiệu quả điều trị tốt bằng cách hợp tác cùng nhóm điều trị và theo dõi quá trình điều trị tại nhà của con.

4. Chăm sóc trẻ tự kỷ với chế độ ăn uống

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ tự kỷ có độ nhạy cảm giác quan cao hơn nhiều so với trẻ bình thường. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ tự kỷ xử lý thông tin giác gian khác thường. Chúng cực kỳ nhạy cảm với hương thơm, mùi vị, màu sắc và đặc điểm của thực phẩm. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao trẻ tự kỷ thường kén ăn.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn cho thấy, trẻ tự kỷ thiếu khả năng hấp thụ một số dưỡng chất do bị rối loạn chức năng tiêu hóa. So với trẻ khỏe mạnh thì trẻ tự kỷ có nguy cơ bị rối loạn dạ dày – ruột cao hơn gấp 8 lần. Do đó khi chăm sóc trẻ tự kỷ cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống.

Chế độ ăn uống cho trẻ tự kỷ cần chú ý đến một số vấn đề sau:

chế độ ăn uống của trẻ tự kỷ
Chế độ ăn uống phù hợp là yếu tố rất quan trọng trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ
  • Không cho trẻ sử dụng sữa động vật hay các thực phẩm được làm từ sữa. Thay vào đó, bạn có thể bổ sung nguồn đạm từ thực vật cho trẻ với các loại đậu.
  • Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiêu thụ các món ăn được làm từ bột mì, đồ ăn đóng hộp, thức ăn nhanh.
  • Hạn chế hoặc cẩn trọng khi cho trẻ ăn đồ biển, đồ hải sản như cá ngừ, cá thu, sò, ngao,… Bởi các loại thực phẩm này có nhiều nguy cơ bị nhiễm thủy ngân ở nồng độ cao.
  • Cho trẻ uống nước phù hợp với độ tuổi và thời tiết. Không cho trẻ uống quá ít hay quá nhiều nước.

5. Hoạt động hằng ngày

Không nên để trẻ tự kỷ nhàn rỗi. Bạn cần hướng dẫn cho con những việc có thể làm. Nhất là những việc tự phục vụ cho bản thân mình như đánh răng rửa mặt, rửa tay, gấp quần áo, mang giày,… Hoặc cũng có thể hướng dẫn con làm những công việc nhẹ để phụ giúp người thân trong gia đình.

Bạn nên cho bé đi bộ thường xuyên, chia ra thành nhiều lần trong ngày. Nên căn cứ vào độ tuổi và thể trạng của trẻ để lựa chọn quãng đường đi bộ phù hợp. Tuyệt đối không đi một lần quá xa hay quá lâu khiến cho trẻ bị mất sức.

Hướng dẫn con tập bơi sớm. Cần áp dụng phương pháp dạy bơi lội cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển tâm thần. Bơi lội là một liệu pháp hỗ trợ giúp phục hồi cho trẻ chậm phát triển tương đối hiệu quả.

6. Phương pháp luyện tập tại nhà cho trẻ tự kỷ

Cha mẹ biết cách can thiệp đúng lúc, đúng cách và dùng đúng đồ dùng trực quan có thể giúp đỡ trẻ tự kỷ kiểm soát bệnh để có cuộc sống tốt hơn. Phụ huynh cần ghi nhớ các thói quan sau đây:

  • Chơi và dạy con mọi lúc, mọi nơi, ít nhất là 3 giờ mỗi ngày
  • Hạn chế cho con xem TV
  • Gọi tên, nhìn mắt, gây sự chú ý của trẻ và tạo nhu cầu cho trẻ
  • Dạy con chỉ ngón trỏ vào bộ phận cơ thể, tranh ảnh, đồ vật
  • Dạy con cách chơi đồ chơi và chơi cùng người khác
  • Dạy các cử chỉ giao tiếp như bắt tay, hoan hô, chào, tạm biệt, vâng dạ, xin,…
  • Bắt chước động tác môi miệng, nét mặt, tiếng kêu của các con vật, đồ vật và học từ đơn giản
  • Nói ngắn, rõ và nhấn mạnh từ chính kèm theo cử chỉ, điệu độ, đồ vật, tranh ảnh
  • Giao tiếp bằng tranh để đổi lấy thứ mà trẻ cần
  • Sai việc đơn giản và tập cho trẻ thực hiện mệnh lệnh
  • Vận động tinh: tô vẽ, cắt dán, xếp, ghép, cắm, xâu,…
  • Vận động thô: đi bộ, nhảy, bò, lăn, trượt, đạp xe, thể dục
  • Kích thích các cảm giác khác nhau vào da, cơ, khớp: massage, xoa bóp, ép khớp,…
  • Tự tập xúc ăn, cầm cốc, mặc quần áo, đi dép, đi vệ sinh
  • Khuyến khích con chơi cùng những đứa trẻ khác
  • Dứt khoát với hành vi sai và lờ đi khi trẻ ăn vạ
  • Luôn khuyến khích, khen ngợi, động viên với những tiến bộ nhỏ nhất của trẻ
phương pháp tập luyện tại nhà cho trẻ tự kỷ
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tự kỷ chơi với các trẻ khác để tăng cường sự tương tác

Các loại đồ chơi và trò chơi phù hợp cho trẻ tự kỷ:

  • Đồ chơi hấp dẫn về thị giác: Các loại đồ chơi này có chuyển động và âm thanh kết hợp với vận động của tay, từ đó giúp thu hút sự chú ý của trẻ tự kỷ. Một số ví dụ như chong chóng, thổi bóng xà phòng, vòng lò xo ngũ sắc, đàn gõ, ô tô có dây cót âm thanh và ánh sáng, tranh ảnh, bóng gai phát sáng, ghép hình,…
  • Đồ chơi giả vờ: Các loại đồ chơi này giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng cũng như khả năng tương tác với người khác. Chẳng hạn như thú bông, búp bê, bộ cốc chén nấu ăn, bộ cắt hoa quả, nhà, ô tô, bàn chải, bát thìa,…
  • Đồ chơi vận động tinh: Giúp phát triển kỹ năng bắt chước, vận động phối hợp tay mắt, sự kiên trì cũng như điều hòa rối loạn cảm giác. Các ví dụ bao gồm lô gô, lắp ghép, đất nặn, bảng từ, giấy, bút sáp và chì màu, xâu chuỗi hạt,…
  • Các trò chơi tạo sự uyển chuyển: Giúp tạo không khí vui nhộn, tương tác, điều hòa vận động. Có thể tập cho trẻ bài hát đồng giao kết hợp cùng các động tác cơ thể, bài hát về cơ thể hoặc về con vật kết hợp với động tác.
  • Đồ chơi vận động cơ thể: Đây là những trò chơi trẻ thích tham gia hơn vì ít phải dùng ngôn ngữ và óc tưởng tượng. Các trò chơi này giúp định hình và cải thiện điều hòa vận động. Chẳng hạn như bập bênh, cầu trượt, ném bóng, xích đu, kéo dây chun, xe lắc, bàn nhún, cầu thăng thằng,…

7. Phòng tránh trẻ tự kỷ bị bắt nạt

Những đứa trẻ bị tự kỷ thường khó hòa nhập và không thân thiết được với bạn bè. Do đó trẻ rất dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường. Điều này khiến cho các vấn đề tâm lý, sức khỏe và cuộc sống của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi chăm sóc trẻ bị tự kỷ, cha mẹ cần hết sức chú ý nếu con có những biểu hiện bị bắt nạt. Chẳng hạn như:

  • Thâm tím, trầy xước trên cơ thể hoặc bị đau không rõ ràng (đau đầu, đau bụng,…)
  • Trẻ lo âu, sợ hãi, tức giận và sợ đến trường
  • Có những hành vi gắt gỏng, bực tức, quấy khóc hay bỏ ăn
  • Cắn móng tay, khó ngủ, tiểu dầm
  • Kết quả học tập giảm sút, thường xuyên mất dụng cụ học tập, mất tiền

Trong những trường hợp này, bạn cần kiên nhẫn và nhẹ nhàng tâm sự với con để tìm hiểu vấn đề. Những điều mà bạn nên làm bao gồm:

  • Quan sát và lắng nghe trẻ, không được tự ý suy diễn suy nghĩ cũng như hành vi của con.
  • Xây dựng bản đồ những nơi an toàn và nguy hiểm cho trẻ. Trong đó lớp học và sân chơi là nơi an toàn thì dùng màu xanh dương đánh dấu. Còn nhà vệ sinh là nơi nguy hiểm thì đánh dấu màu đỏ.
  • Hướng dẫn trẻ phản ứng và có hành động đúng khi bị bắt nạt.
  • Kết nối với giáo viên và nhà trường để bàn bạc, trao đổi cũng như quan sát tình hình của trẻ.
  • Thực hiện giáo dục học đường, nên nhẹ nhàng khuyên nhủ và khuyến khích các bạn trong lớp quan tâm tới trẻ tự kỷ.
phòng tránh trẻ tự kỷ bị bắt nạt
Cha mẹ cần chú ý đến các biểu hiện trẻ tự kỷ bị bắt nạt để có sự can thiệp kịp thời

8. Tìm kiếm sự hỗ trợ để chăm sóc trẻ tự kỷ tốt hơn

Chăm sóc một đứa trẻ bị tự kỷ đòi rất rất nhiều năng lượng và thời gian. Có thể có những ngày bạn cảm thấy thật sự quá tải, stress hoặc chán nản. Việc nuôi dạy con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng. Và việc nuôi dạy một đứa trẻ bị tự kỷ lại càng khó khăn hơn.

Để trở thành bậc cha mẹ tốt nhất có thể thì điều cần thiết bạn cần làm là chú ý chăm sóc bản thân mình song song với việc chăm sóc con. Đừng cố gắng làm mọi thứ một mình. Bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ để việc chăm sóc trẻ ASD trở nên dễ dàng hơn.

  • Nhóm hỗ trợ ASD: Tham gia nhóm hỗ trợ ASD được cho là một cách tuyệt vời để bạn gặp gỡ các gia đình khác cũng đang có con bị tự kỷ. Cha mẹ có thể chia sẻ thông tin, nhận lời khuyên và dựa vào nhau để hỗ trợ tinh thần. Điều này giúp bạn giảm bớt sự cô lập mà nhiều phụ huynh cảm thấy sau khi nhận được chẩn đoán về tình trạng ASD của trẻ.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi: Bất cứ ai cũng cần có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng. Và đối với những bậc cha mẹ đang đương đầu với sự căng thẳng gia tăng khi có con bị tự kỷ thì điều này đặc biệt đúng. Bạn có thể tìm kiếm một dịch vụ chăm sóc trẻ tự kỷ tạm thời. Điều này sẽ cho phép bạn có thời gian nghỉ ngơi trong vài giờ, vài ngày hay thậm chí là vài tuần.
  • Tư vấn cá nhân hoặc gia đình: Nếu căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm đến với bạn thì việc tìm kiếm một nhà trị liệu là cần thiết. Đây là một giải pháp an toàn giúp bạn thành thật chia sẻ về mọi thứ mà bạn đang cảm thấy. Liệu pháp hôn nhân hoặc gia đình cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề mà những thách thức trong cuộc sống với trẻ tự kỷ đang gây ra cho mối quan hệ vợ chồng hoặc với các thành viên khác trong gia đình.

Sự hỗ trợ tốt từ cha mẹ chính là chìa khóa giúp cho những đứa trẻ tự kỷ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Chăm sóc trẻ tự kỷ mặc dù sẽ tốn nhiều năng lượng và thời gian nhưng bạn cần cố gắng kiên trì. Nếu gặp phải bất cứ khó khăn nào, hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý để được chia sẻ và hỗ trợ.

Tham khảo thêm:

1/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *