Chứng sợ nha khoa là gì? Nguyên nhân và cách cải thiện
Chứng sợ nha khoa khiến nhiều người dù có đau nhức răng ê ẩm đến mức không thể ăn uống được gì cũng không chấp nhận đi khám răng miệng. Nỗi ám ảnh này có thể được hình thành do những lời hù dọa, tiếng máy khoan răng không mấy dễ chịu hoặc cũng do những trải nghiệm không mấy tích cực trong những lần khám nha khoa trước đó.
Chứng sợ nha khoa là gì?
Hầu hết chúng ta ai cũng phải đi khám răng ít nhất một lần trong đời. Có thể chỉ là kiểm tra răng miệng định kỳ, chữa răng sâu, nhổ răng, cạo vôi răng.. Và một điều hiển nhiên là không có bất cứ ai thích các trải nghiệm mỗi khi khám răng miệng, dù là trẻ em hay người lớn. Thậm chí nhiều người còn hình thành các vấn đề tâm lý liên quan, chẳng hạn như chứng sợ nha khoa.
Hiểu một các đơn giản, chứng sợ nha khoa là trạng thái lo lắng, căng thẳng cực độ được biểu hiện một cách quá mức. Những người này luôn cảm thấy phòng khám nha khoa là nơi nguy hiểm và tìm cách trốn tránh đến đây, kể cả khi họ cảm thấy răng vô cùng ê buốt. Nỗi sợ này xuất hiện ngay cả khi họ thấy bác sĩ nha khoa, các dụng cụ nha khoa hay mới chỉ nhìn thấy phòng khám.
Theo Phó giáo sư lâm sàng Lui Jeen Nee – Trưởng khoa Nha khoa phục hồi tại National Dental Centre Singapore. tâm lý lo lắng căng thẳng khi đến nha khoa là phản ứng bình thường của não bộ nhằm đáp ứng các nghi ngờ về việc đi khám răng miệng, hoặc là hệ quả từ các trải nghiệm tương tự trước đó. Tất nhiên hội chứng sợ nha khoa là mức độ nghiêm trọng hơn của trạng thái này.
Hội chứng sợ nha khoa có thể là một phần của Dentophobia – hội chứng sợ nha sĩ. Bất cứ ai cũng có thể mắc hội chứng này, tuy nhiên gặp phần lớn ở trẻ em và phụ nữ. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến chất lượng răng miệng cùng nhiều khía cạnh sức khỏe khác nên tuyệt đối không được chủ quan.
Biểu hiện chứng sợ nha khoa
Chứng sợ nha khoa thường được biểu hiện một cách rõ ràng khi một người phải đối mặt với các tình huống hay vật dụng có liên quan đến ngành nha khoa. Nhiều người chỉ cần nghĩ đến việc đi khám răng, nhổ răng cũng cảm thấy rùng mình vì sợ hãi. Thậm chí có người miêu tả răng cảm giác khi đứng trước nha sĩ giống như đang “nhảy khỏi vách đá”.
Các biểu hiện của chứng sợ nha khoa xuất hiện trên cả mặt tinh thần lẫn thể chất và gây ảnh hưởng đến kể đến chất lượng sống của người bệnh mỗi khi khởi phát. Chẳng hạn
- Các biểu hiện khi đứng trước các tình huống hay đồ vật có liên quan tới nha khoa gồm run rẩy, toát mồ hôi, nhịp tim nhanh, khó thở, bồn chồn, tăng huyết áp, buồn nôn, nổi da gà, thậm chí là ngất xỉu
- Có thể đến phòng khám nha khoa nhưng sau đó lại bỏ chạy vì quá lo lắng
- Ngay cả việc suy nghĩ đến các thủ thuật nha khoa cũng khiến những người này rơi vào lo lắng và căng thẳng tột độ
- Luôn tìm cách tránh né việc đi qua nha khoa hay đi khám răng miệng
- Người mắc chứng sợ nha khoa nếu bị đau răng họ thường tìm mọi cách để giảm đau, chẳng hạn như ngậm đá, uống thuốc giảm đau thay vì đi khám
- Luôn cảm thấy phòng khám nha khoa không an toàn và làm mọi cách để chứng minh điều đó
Nguyên nhân chứng sợ nha khoa
Các nguyên nhân trực tiếp của chứng sợ nha khoa vẫn chưa được xác định hoàn toàn, tuy nhiên các nhà khoa học cũng đã chỉ ra một vài yếu tố liên quan. Những ám ảnh từ quá khứ, những đánh giá sai lệch về việc khám nha khoa hay một số nỗi sợ liên quan khác có thể là các yếu tố góp phần hình thành vấn đề tâm lý này.
Chứng sợ nha sĩ
Hội chứng sợ nha sĩ – Dentophobia cũng có thể chính là nguyên nhân khiến nhiều người ái ngại, lo âu mỗi khi bước chân đến các phòng khám răng miệng. Nha sĩ chính là người đảm nhiệm việc kiểm tra, khắc phục các vấn đề răng miệng nhưng cũng chính là người “gieo rắc” nỗi sợ hãi cho rất nhiều người.
Một số bệnh nhân đã phân tích các lý do khiến họ cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy các nha sĩ như
- Nha sĩ quá lạnh lùng, nghiêm túc trong quá trình thăm khám hay thực hiện các thủ thuật khiến các bệnh nhân cảm thấy căng thẳng. Thậm chí nhiều người cảm thấy đau đớn cũng không dám kêu vì sợ bác sĩ
- Nha sĩ quá mạnh tay, không khéo léo khiến người bệnh bị chảy máu và đau đớn
- Những lần đi khám răng miệng đều gặp phải nha sĩ có tay nghề kém, non nớt dẫn đến toàn những trải nghiệm không vui
- Hình ảnh bác sĩ trùm kín mặt, đeo những loại kính chuyên dụng đôi khi cũng trở nên đáng sợ với rất nhiều người
Những trải nghiệm tiêu cực từ quá khứ
Nếu một người từng chịu cảm giác đau đớn quá mức, chảy máu quá nhiều trong những lần khám răng trước sẽ khiến họ bị ám ảnh dễ mắc chứng sợ nha khoa. Đặc biệt với trẻ em hay những người có tâm lý sợ đau, họ sẽ tìm cách hạn chế tối đa việc lặp lại những trải nghiệm không mấy tích cực này để bảo vệ chính bản thân họ.
Dù vậy một thực tế rõ ràng là, các dịch vụ nha khoa chưa bao giờ đem đến những trải nghiệm thú vị, cho dù kết quả sau đó có thể khiến bạn hài lòng. Cảm giác ê ẩm, khó chịu, lợn cợn trong miệng thường kéo dài vài ngày khiến họ ăn uống khó khăn, mệt mỏi và bức bối. Tuy nhiên tùy mức độ đau nhức, khó chịu mà cách đánh giá của từng người sẽ diễn biến khác nhau.
Tiếng máy khoan răng
Rất nhiều khảo sát trên thực tế đều cho thấy, nhiều người mắc chứng sợ nha khoa chính là bởi tiếng máy khoan răng. Thường khi thực hiện các thủ thuật răng miệng, chúng ta không cảm thấy đau đớn do đã được tiêm thuốc giảm đau, tuy nhiên tiếng “xè xè” từ máy khoan lại hầu như không được thuyên giảm mà cứ vang vọng mãi bên tai.
Một nghiên cứu được thực hiện bằng các quét não bộ của con người khi đang nghe những âm thanh mà máy khoan hay các dụng cụ nha khoa gây ra, kết quả cho thấy vùng nếp gấp Gyri thái dương phải và trái đều có những phản ứng mạnh mẽ. Các nhà khoa học giải thích rằng các âm thanh này đã tác động đến thính giác, nhất là vùng nhân đuôi bên trái (left caudate nucleus) – cơ quan có chức năng liên quan đến khả năng ghi nhớ và học tập. Bởi thế những âm thanh này dễ ghim sâu vào tâm trí và khiến chúng ta dễ bị ám ảnh lâu dài hơn.
Nhiều người chỉ cần vô tình nghe thấy tiếng máy khoan ở đâu đó cũng bị rùng mình vì liên tưởng tới âm thanh của những chiếc máy khoan răng. Ngoài ra tiếng các dụng cụ nha khoa va đập vào nhau mỗi khi bác sĩ thực hiện các thủ thuật cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với rất nhiều người.
Những hội chứng tâm lý liên quan
Chứng sợ nha khoa cũng được cho là có liên quan đến rất nhiều vấn đề tâm lý khác, điều này góp phần là nghiêm trọng hơn các triệu chứng, thậm chí xuất hiện trên cả những người chưa từng đến nha khoa lần nào. Hầu hết đây là các dạng rối loạn lo âu có liên quan đến các vấn đề y tế, sức khỏe hay một số dạng đồ vật thường dùng trong nha khoa.
Một số hội chứng có thể góp phần hình thành chứng sợ nha khoa bao gồm
- Hội chứng sợ đau: thực tế cảm giác đau đớn không xuất hiện khi đang thực hiện các thủ thuật nha khoa, mà xuất hiện sau khi đã hoàn thành. Trạng thái đau nhức xuất hiện sau khi đã hết thuốc tê không hề dễ chịu chút nào, đặc biệt với những người chịu đựng kém. Mặt khác chỉ việc nhổ răng, chữa tủy răng cũng khiến nhiều người luôn liên tưởng đến cảm giác đau đớn nên mới tìm cách tránh né tối đa việc này.
- Hội chứng sợ kim tiêm ( sợ vật nhọn): Nỗi sợ kim tiêm cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người luôn tránh né nha khoa và bệnh viện nói chung. Trong khi đó các mũi khoan, kim tiêm thuốc gây tê và rất nhiều các dụng cụ, thiết bị dùng trong nha khoa đều có dạng mũi nhọn.
- Hội chứng sợ máu: người mắc chứng sợ máu cũng thường từ chối các hoạt động thăm khám y tế, đặc biệt là nhổ răng. Bên cạnh đó những người mắc các bệnh lý như máu khó đông cũng hạn chế các thủ thuật này nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ.
- Sợ mùi nha khoa: một số người mắc chứng sợ nha khoa cho biết họ cảm thấy căng thẳng, ám ảnh khi đến đây bởi những mùi đặc trưng khi đến nha khoa. Chẳng hạn như mùi thuốc sát trùng, mùi cao su latex hay của các dung dịch tẩy rửa cũng khiến nhiều người rùng mình đến nổi da gà.
- Rối loạn lo âu bệnh tật: nhiều người luôn cảm thấy việc đến bệnh viện, phòng khám có thể lây nhiễm bệnh tật, chẳng hạn như dùng chung kim tiêm có thể mắc HIV nên cảm thấy đây là nơi vô cùng nguy hiểm.
Một số nguyên nhân khác
Tâm lý của mỗi người là khác nhau, vì thế hội chứng sợ nha khoa cũng có thể ảnh hưởng rất lớn từ các yếu tố môi trường bên ngoài. Một số người thậm chí có những góc nhìn sai lệch về nha khoa do ảnh hưởng từ các thông tin tiêu cực bên ngoài, dần dần tích tụ lại trở thành nỗi ám ảnh quá mức. Chẳng hạn
- Thường xuyên bị hù dọa: Việc phụ huynh luôn dùng những lời hù dọa như “nếu con hư mẹ sẽ đưa đi gặp bác sĩ để nhổ răng” có thể trở thành nỗi ám ảnh khiến nhiều đứa trẻ nghĩ rằng đây là nơi rất nguy hiểm và đau đớn. Hay việc một số người thường xuyên đọc các thông tin, nghe những lời hù dọa của những người xung quanh rằng khám răng rất đáng sợ, rất đau đớn cũng sẽ có tâm lý căng thẳng, lo âu hơn bình thường khi nghĩ về nha khoa, ngay cả khi họ chưa từng trải nghiệm cảm giác này.
- Di truyền: những nỗi lo âu, chẳng hạn như hội chứng sợ kim tiêm thường có tính chất di truyền nên nếu gia đình có những người mắc các chứng sợ nha khoa hay hội chứng liên quan phía trên thì con cái cũng rất dễ bị ảnh hưởng.
- Tâm lý ngại ngùng: thực tế việc phải há miệng để một người khác nhìn và khám, cho dù đó là bác sĩ cũng không phải là một điều gì thoải mái và cũng là rào cản lớn khiến nhiều người thà chịu đau chứ không chịu đi đến nha khoa. Hay những người hay sợ người lạ cũng dễ cảm thấy hoang mang và căng thẳng nghiêm trọng hơn khi đến những nơi mà họ chưa hề biết rõ như những phòng khám nha khoa.
- Tiếp xúc với các thông tin tiêu cực về nha khoa: chẳng hạn nếu một người thường xuyên đọc các thông tin như người sau khi nhổ răng tử vong vì mất máu quá nhiều; nhiễm HIV vì điều trị nha khoa.. cũng tạo thành tâm lý sợ hãi trong chứng sợ nha khoa khi phải đến khám răng miệng. Vậy nên họ thà chịu đau hay dùng thuốc chứ nhất quyết không đi đến nha khoa.
Chứng sợ nha khoa và những hệ lụy
Tất nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng gặp phải các vấn đề răng miệng để phải đi khám, tuy nhiên các biểu hiện của chứng sợ nha khoa vẫn có thể xuất hiện ngay cả khi chúng ta mới chỉ nghĩ hay nhìn thấy các hình ảnh có liên quan tới nha khoa. Trạng thái lo âu, sợ hãi, căng thẳng kéo dài trong tâm lý có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến các khía cạnh đời sống của mỗi người.
Chứng sợ nha khoa sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng nếu bản thân người đó đang thực sự gặp các vấn đề về răng miệng. Chẳng hạn một người bị đau răng nếu không đi khám mà chỉ dùng những biện pháp giảm đau tạm thời sẽ không thể nào dứt điểm được. Cơn đau răng âm ỉ thậm chí có thể khiến chúng ta phát sốt, toàn thân mệt mỏi, không thể làm được bất cứ việc gì khác.
Bên cạnh đó, chăm sóc răng miệng định kỳ cũng là một hoạt động cần thiết, cho dù hiện nay vẫn chưa được quan tâm quá nhiều. Chứng sợ nha khoa có thể làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe răng miệng, kể cho cho dù bạn có vệ sinh răng miệng kỹ đến mức nào thì nguy cơ răng ố vàng, sâu răng, có mùi hôi miệng vẫn luôn tồn tại khiến bạn dễ rơi vào tự ti hơn.
Hướng khắc phục chứng sợ nha khoa
Như đã nói, nỗi lo lắng khi đến nha khoa hầu như đều xuất hiện ở tất cả mọi người bởi đây là trạng thái tâm lý tự nhiên. Việc có sự chuẩn bị trước, chia sẻ sự căng thẳng của bản thân với nha sĩ có thể góp phần làm giảm mức độ căng thẳng, lo âu quá mức này. Tuy nhiên, trước đó người mắc chứng sợ nha khoa có thể cần xem xét gặp gỡ nhà trị liệu tâm lý để điều chỉnh là những suy nghĩ, nhận định về nỗi sợ của bản thân.
Chuẩn bị trước về mọi mặt
Xem kỹ các thông tin reviews về nha khoa, về bác sĩ, về các phương pháp, các dụng cụ đang được nha khoa sử dụng có thể giúp bạn an tâm phần nào hơn. Thực tế hiện nay có rất nhiều các phương pháp hiện đại khi thực hiện các thủ thuật nha khoa nhằm giảm tiếng ồn của các dụng cụ, tiếng máy khoan, tiếng ma sát vào răng nếu nếu người mắc chứng sợ nha khoa được ứng dụng các phương pháp này sẽ giảm được đáng kể nỗi sợ.
Mặt khác việc thực hiện các thủ thuật răng miệng cũng chưa bao giờ là điều đơn giản nên bạn càng cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về chất lượng phòng khám. Nên ưu tiên đến các cơ sở nha khoa của bệnh viện hay các phòng khám lớn, có giấy phép hoạt động, bác sĩ có đầy đủ chứng chỉ y tế để bảo vệ chính bản thân mình.
Bên cạnh đó, chất lượng các dịch vụ nha khoa hiện nay, không chỉ về mặt cơ sở vật chất mà còn về thái độ và sự chuyên nghiệp của đội ngũ nha sĩ, y tá hỗ trợ. Các nha khoa uy tín hiện nay đều có đội ngũ chăm sóc khách hàng, các website để khách hàng chia sẻ cảm nghĩ mỗi lần sử dụng dịch vụ, từ đó điều chỉnh thái độ nhân viên phù hợp hơn nên bạn cũng không cần quá lo lắng.
Chia sẻ về nỗi lo lắng của bản thân
Với người mắc chứng sợ nha khoa, hãy chia sẻ ngay với nha sĩ trước khi bắt đầu. Điều này sẽ giúp nha sĩ có thể hành động chậm rãi, nhẹ nhàng hoặc ít nhất là thông báo với bệnh nhân trước khi thực hiện các thủ thuật, điều này giúp bạn có thể ổn định cảm xúc hơn thay vì giật mình và bỏ chạy như trước đó.
Trong một vài trường hợp, nha sĩ cũng có thể kê một vài loại thuốc hay biện pháp hỗ trợ để ổn định cảm xúc cho bệnh nhân, chẳng hạn như nitơ oxit, các nhóm thuốc giảm lo âu (alprazolam) hay thuốc an thần. Mục đích của thuốc chính là duy trì trạng thái bình tĩnh và thư giãn cho bệnh nhân trong suốt quá trình thăm khám hay điều trị, tuy nhiên cũng có thể gây ra vài tác dụng phụ nên thường không được ưu tiên.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy trao đổi ngay với nha sĩ hay y tá, thay vì cứ tự suy diễn, nghi ngờ rồi tự làm bản thân căng thẳng và sợ hãi. Mặt khác bạn cũng nên đi cùng người thân, những người mà bạn cảm thấy tin tưởng để được tiếp thêm động lực, dũng khí, cảm giác an toàn hơn là đi một mình.
Gặp gỡ nhà trị liệu
Thuốc chỉ là một biện pháp tạm thời để xoa dịu sự lo lắng hay kích động của người mắc chứng sợ nha khoa chứ không thể loại bỏ hoàn toàn nỗi ám ảnh này. Nếu không tìm cách thay đổi suy nghĩ sẽ rất khó để những người này dám chủ động đến nha khoa. Do đó trị liệu tâm lý sẽ là biện pháp cần thiết để điều chỉnh lại nhưng suy nghĩ, tư duy sai lệch về nha khoa của người bệnh.
Trị liệu hành vi nhận thức là biện pháp thường được áp dụng để người hiểu rõ về những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân đồng thời tìm cách thay thế tư duy tiêu cực sai lệch trở nên đúng đắn hơn. Người bệnh cần trung thực trong việc chia sẻ, chấp nhận những cảm xúc của bản thân thay vì tìm cách trốn chạy nó mãi mãi.
Phương pháp tự phơi nhiễm được thực hiện bằng cách cho người bệnh tiếp xúc trực tiếp với nỗi sợ của bản thân ( theo nhiều cấp độ) cũng được chỉ định với những người mắc chứng sợ nha khoa. Khi tiếp xúc thường xuyên với nỗi sợ, cơ thể sẽ hình thành một cơ chế thích nghi khiến bạn cảm thấy tình huống đó không hề đáng sợ như mình vẫn tưởng, từ đó dần dần vượt qua được ám ảnh này.
Nhà trị liệu cũng sẽ hướng dẫn người bệnh các biện pháp thư giãn, kiểm soát cảm xúc khi đứng trước các tình huống gây căng thẳng. Dần dần tinh thần người bệnh thả lỏng hơn, dám tham gia các trải nghiệm thăm khám nha khoa từ đơn giản đến phức tạp. Tuy nhiên tiến trình này cũng có thể kéo dài, tùy vào mức độ tâm lý của từng bệnh nhân.
Quyết tâm và chủ động trong điều trị
Không ai có thể giúp người bệnh nếu bản thân họ không thực sự quyết tâm và chủ động. Nỗi sợ hãi sẽ luôn còn mãi nếu chúng ta để nó vượt qua cả ý chí bản thân. Tự điều chỉnh lại suy nghĩ, nhìn nhận các vấn đề một cách tích cực cùng một lối sống lành mạnh có thể giúp ích đáng kể cho những người mắc chứng sợ nha khoa. Chẳng hạn
- Tránh việc đọc quá nhiều các thông tin tiêu cực về nha khoa, chẳng hạn như các sự cố có thể xảy ra, các biến chứng.. Việc tìm hiểu thông tin và không sai, nhưng cần tiếp thu và chọn lọc các thông tin phù hợp, chính thống thay vì chỉ chăm chăm vào những điều tiêu cực để tinh thần bị dao động
- Tìm hiểu về những lợi ích của việc khám nha khoa định kỳ, chẳng hạn như tăng tính thẩm mỹ khi cười, gia tăng sự tự tin, giúp bạn thu hút hơn.. Với những cô gái, đây có thể là động lực to lớn để họ có thể vượt qua nỗi sợ
- Có thể xin phép nha sĩ nghe nhạc khi điều trị răng miệng để làm xao nhãng sự tập trung, tránh việc suy nghĩ đến những tiếng khoan hay nỗi đau quá nhiều
- Tập trung chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách để hạn chế việc phải đến nha khoa thường xuyên
- Hạn chế ăn các thực phẩm không tốt cho răng miệng, chẳng hạn như thực phẩm nhiều đường, nhất là đường nhân tạo có trong bánh kẹo và nước ngọt có gas; trái cây thuộc họ cam chanh; đồ ăn quá cứng; đồ ăn lên men..
- Duy trì lối sống lành mạnh, tích cực, nghỉ ngơi đầy đủ, luôn để tâm trí và cơ thể thư giãn để nhìn nhận các vấn đề một cách nhẹ nhàng, tích cực hơn
Chứng sợ nha khoa co thể gặp phải ở rất nhiều người, tuy nhiên hầu hết mọi người đều chấp nhận sống trong nỗi sợ hãi thay vì tìm cách điều trị. Thay đổi cách nhìn nhận, hiểu về tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng sẽ giúp bạn nhận thấy đến nha khoa sẽ không còn là điều gì quá đáng sợ. Đừng quên việc chăm sóc răng miệng đúng cách hằng ngày để hạn chế đến nha khoa bởi thực tế chi phí cho mỗi lần thăm khám này cũng chẳng hề rẻ chút nào!
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng Lithromantic là gì? Biểu hiện và cách khắc phục
- Rối loạn tâm trạng (Mood Disorder) là gì? Cách chữa hiệu quả
- Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là gì? Cách vượt qua nỗi sợ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!