Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là gì? Cách vượt qua nỗi sợ

Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) đặc trưng bởi nỗi sợ thái quá về hôn nhân và sự gắn kết lâu dài trong một mối quan hệ. Hội chứng này thường gặp ở những người có trải nghiệm tiêu cực về hôn nhân, gia đình trong quá khứ.

hội chứng sợ kết hôn
Hội chứng sợ kết hôn là tình trạng sợ hãi thái quá khi nghĩ về hôn nhân và sự gắn kết lâu dài trong một mối quan hệ

Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là gì?

Hội chứng sợ kết hôn (Tiếng Anh: Gamophobia/ Fear of Commitment/ Fear of Marriage) là một dạng rối loạn tâm lý ít gặp. Hội chứng này đặc trưng bởi nỗi sợ thái quá, vô lý về việc cam kết lâu dài cho một mối quan hệ (thường là hôn nhân). Gamophobia được xếp vào nhóm rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (ám ảnh sợ đặc hiệu) như chứng sợ độ cao, sợ côn trùng, sợ máu,…

Những ý nghĩ về việc kết hôn hoặc sự ràng buộc lâu dài trong một mối quan hệ khiến bệnh nhân trở nên lo lắng, bất an, sợ hãi và căng thẳng. Thậm chí một số người trở nên hoảng loạn và mất kiểm soát. Có rất nhiều dạng ám ảnh sợ đặc hiệu nhưng Gamophobia ít được nghiên cứu hơn. Chính vì vậy, không ít người cảm thấy hoang mang, lo lắng khi bản thân có nỗi sợ vô lý về việc gắn kết lâu dài hay cụ thể hơn là kết hôn.

Hiện tại, chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ người mắc hội chứng sợ kết hôn. Tuy nhiên, theo ước tính có khoảng 12.5% người Mỹ mắc phải chứng ám ảnh sợ, trong đó phổ biến nhất là sợ kim tiêm, sợ máu, sợ nhện,… Tỷ lệ người mắc hội chứng Gamophobia không cao, ước tính khoảng dưới 1% dân số.

Tương tự như các dạng ám ảnh đặc hiệu khác, Gamophobia có thể đi kèm với những nỗi sợ vô lý khác như nỗi sợ bị bỏ rơi, sợ thân mật và sợ phải tin tưởng người khác. Dù chưa có thống kê chính xác nhưng các chuyên gia nhận thấy, tỷ lệ người mắc hội chứng này tăng lên đáng kể trong 15 năm qua và nguy cơ cao hơn ở nữ giới trẻ tuổi.

Nhận biết hội chứng sợ kết hôn

Tương tự như các rối loạn ám ảnh sợ khác, hội chứng sợ kết hôn đặc trưng bởi nỗi sợ vô lý, thái quá và không tương xứng với vấn đề. Chúng ta thường có nỗi sợ với những thứ nguy hiểm, chẳng hạn như các hành vi man rợ hoặc tai nạn bất ngờ. Tuy nhiên, người mắc hội chứng sợ kết hôn lại có nỗi sợ vô lý về hôn nhân và sự gắn kết lâu dài trong một mối quan hệ.

Gamophobia chỉ được xác định khi các triệu chứng trên kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Biểu hiện của hội chứng này khá giống với các ám ảnh đặc hiệu khác – ngoại trừ nguyên nhân của nỗi sợ.

hội chứng sợ kết hôn
Người mắc hội chứng sợ kết hôn liên tục từ chối lời cầu hôn và chấm dứt mối quan hệ khi đối phương muốn tiến xa hơn

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ kết hôn:

  • Cảm thấy sợ hãi, bất an, lo lắng khi nghĩ về việc kết hôn hoặc gắn kết lâu dài trong một mối quan hệ
  • Cảm thấy chán nản, lo lắng về các mối quan hệ
  • Đã từng chấm dứt nhiều mối quan hệ vì đối phương muốn sự lâu dài hoặc đề nghị kết hôn
  • Nỗi sợ về việc kết hôn khiến bệnh nhân chọn lọc các mối quan hệ và thậm chí không muốn yêu đương vì không muốn gắn kết lâu dài với bất kỳ ai
  • Một số người trở nên hoảng loạn, mất kiểm soát cảm xúc và hành vi khi nghĩ về việc kết hôn hoặc có ý nghĩ về sự gắn kết lâu dài trong một mối quan hệ.
  • Có những hành vi trốn tránh việc kết hôn, chẳng hạn như không hẹn hò hoặc chỉ hẹn hò với những đối tượng không đòi hỏi sự gắn kết lâu dài, chủ động chấm dứt các mối quan hệ trong một thời gian ngắn,…
  • Người mắc hội chứng sợ kết hôn luôn có những suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân và thường hình dung những viễn cảnh tồi tệ nếu bản thân lập gia đình.
  • Cảm thấy khó chịu, có xu hướng né tránh khi người khác hỏi về vấn đề kết hôn hoặc dự định lâu dài với người yêu. Thậm chí, một số người trở nên cáu kỉnh, tức giận và có các hành vi mất kiểm soát.

Ngoài nỗi sợ thái quá, người mắc hội chứng Gamophobia còn gặp phải một số triệu chứng thể chất khi có ý nghĩ về việc gắn kết lâu dài với một người khác. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Khó thở, thở khò khè
  • Đau thắt ngực
  • Tim đập mạnh
  • Tăng thông khí
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Ru rẩy
  • Đỏ bừng mặt
  • Cơ thể nóng lạnh bất thường
  • Có cảm giác ngứa ran
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn, đau bụng, khó chịu ở vùng thượng vị và các triệu chứng tiêu hóa khác

Người mắc hội chứng sợ kết hôn nhận ra nỗi sợ phi lí của bản thân nhưng không thể nào kiểm soát. Các triệu chứng này sẽ kéo dài trong ít nhất 6 tháng và gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Gamophobia khác với tâm lý lo lắng, băn khoăn khi đứng trước quyết định có nên kết hôn hay không.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ kết hôn

Hiện tại, các chuyên gia chưa thể xác định được nguyên nhân gây hội chứng sợ kết hôn. Tương tự như các ám ảnh sợ đặc hiệu khác, Gamophobia thường là hậu quả do nhiều yếu tố kết hợp. Trong đó, những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ là yếu tố có vai trò quan trọng nhất.

Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây ra chứng Gamophobia:

  • Trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu: Các chuyên gia nhận thấy, những người mắc hội chứng Gamophobia thường có gia đình không hạnh phúc, chứng kiến cha mẹ cãi nhau và có các hành vi bạo lực từ khi còn nhỏ. Điều này tạo nên thái độ tiêu cực của trẻ về việc kết hôn và dần phát triển thành nỗi sợ vô lý, thái quá.
  • Thất bại trong hôn nhân: Ngày nay, việc ly hôn, ly thân không còn là vấn đề quá xa lạ. Sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, cả hai người đều sẽ phải chịu tổn thương về mặt tinh thần. Ngoài ra, chứng kiến những người xung quanh liên tục thất bại trong tình yêu cũng khiến cho nhiều người có suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân. Yếu tố này góp phần thúc đẩy sự phát triển của nỗi sợ vô lý, thái quá về việc gắn kết lâu dài.
  • Ảnh hưởng của nền văn hóa: Ở một số quốc gia, phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi khi kết hôn và nam giới phải có nguồn lực tài chính để chi trả cho những thủ tục cưới xin phức tạp. Những yếu tố này cũng được xem là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển nỗi sợ phi lý, thái quá về việc kết hôn.
  • Di truyền: Tương tự như các ám ảnh sợ đặc hiệu khác, Gamophobia cũng có khả năng di truyền. Ở những bệnh nhân mắc các ám ảnh sợ, chuyên gia nhận thấy hạch hạnh nhân hoạt động quá mức. Cơ quan này chịu trách nhiệm chi phối và kiểm soát nỗi sợ, sự lo lắng và bất an. Hạch hạnh nhân hoạt động quá mức khiến cho một số người sợ hãi thái quá với một số vấn đề không thực sự nguy hiểm.

Theo nhiều chuyên gia, hội chứng sợ kết hôn là hệ quả do di truyền kết hợp với các yếu tố tâm lý – xã hội. Trong đó, thường có liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực về hôn nhân của người thân trong gia đình hoặc chính bản thân người bệnh.

Ảnh hưởng của hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia)

Sợ kết hôn được xếp vào nhóm các ám ảnh sợ đặc hiệu bên cạnh hội chứng sợ máu, kim tiêm, sợ nhện,… Tuy nhiên, Gamophobia ít được quan tâm và nghiên cứu do tỷ lệ mắc bệnh không cao.

Nhiều người nhầm lẫn hội chứng sợ kết hôn với những người theo chủ nghĩa độc thân, muốn sống tự do, thoải mái thay vì gò bó trong mối quan hệ hôn nhân. Sự nhầm lẫn này khiến cho nhiều bệnh nhân không được thăm khám và điều trị sớm. So với các dạng ám ảnh sợ khác, Gamophobia ít ảnh hưởng đến việc học, nghề nghiệp mà chủ yếu ảnh hưởng đến các mối quan hệ.

Nỗi sợ thái quá, phi lý về việc kết hôn khiến người mắc hội chứng này luôn né tránh lời cầu hôn, liên tục thay đổi người yêu và thậm chí không yêu đương vì lo sợ đối phương muốn gắn kết lâu dài. Sự sợ hãi vô lý “vô tình” khiến bệnh nhân đánh mất những người yêu thương mình thực sự.

hội chứng sợ kết hôn
Người mắc hội chứng sợ kết hôn thường phải sống đơn độc vì luôn có những suy nghĩ tiêu cực và nỗi sợ thái quá về việc kết hôn

Hơn nữa, việc phải kết thúc mối quan hệ một cách gượng ép cũng gây ra sự đau khổ cho người bệnh. Người mắc hội chứng Gamophobia vẫn có tình cảm với đối phương. Tuy nhiên, họ không muốn có bất cứ cam kết nào về sự gắn kết lâu dài. Điều này khiến cho đối phương nghĩ rằng họ không thật sự nghiêm tức trong mối quan hệ và quyết định chấm dứt để tìm người phù hợp hơn.

Người mắc hội chứng sợ kết hôn sẽ gặp phải nhiều vấn đề trong các mối quan hệ. Bởi phản ứng thái quá khi người khác hỏi về tình trạng hôn nhân và dự định lâu dài trong mối quan hệ. Mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra khiến bệnh nhân dần thu mình, ít giao tiếp và kết bạn. Việc giới hạn các mối quan hệ cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình học tập, làm việc, sinh hoạt,…

Tương tự như các ám ảnh sợ đặc hiệu khác, bệnh nhân mắc hội chứng sợ kết hôn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như stress, mất ngủ, cao huyết áp, suy nhược cơ thể,… Suy nghĩ tiêu cực, cảm giác đau khổ và tuyệt vọng khi phải chia tay với người mình yêu thương cũng khiến cho người bệnh phát triển các vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống.

Bản thân người mắc hội chứng Gamophobia nhận ra sự thái quá, vô lý về nỗi sợ của bản thân nhưng không thể nào kiểm soát. Để quên đi thực tại, bệnh nhân có xu hướng sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện và khó có thể duy trì được lối sống lành mạnh. Nhiều người lựa chọn các mối quan hệ độc hại để tránh sự áy náy, hối hận khi phải chấm dứt mối quan hệ.

Chẩn đoán hội chứng sợ kết hôn

Hiện tại, Gamophobia chưa được công nhận là một dạng rối loạn tâm lý trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Nếu nghi ngờ mắc hội chứng này, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được chẩn đoán. Gamophobia sẽ được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và đôi khi  bác sĩ cũng sẽ sàng lọc các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Hội chứng sợ kết hôn chỉ được chẩn đoán khi đáp ứng được những tiêu chuẩn sau:

  • Xuất hiện phản ứng lo lắng, sợ hãi, căng thẳng ngay lập tức khi nhắc đến hôn nhân và sự gắn kết lâu dài
  • Có cảm giác đau khổ tột độ bên cạnh nỗi sợ và sự bất an
  • Nỗi sợ vô lý khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống cá nhân – đặc biệt là với các mối quan hệ.

Các triệu chứng kể trên phải kéo dài trong ít nhất 6 tháng và không có liên quan đến rối loạn lo âu xã hội hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Vì chưa được công nhận nên bác sĩ sẽ chẩn đoán hội chứng Gamophobia là chứng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu hoặc rối loạn lo âu.

Tham khảo thêm: Hội chứng sợ có bầu và sinh con ở phụ nữ là bệnh hay ích kỷ?

Cách vượt qua hội chứng sợ kết hôn

Nỗi sợ vô lý về việc kết hôn gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống. Ngoài tình trạng phải sống đơn độc, sự đau khổ, lo lắng và bất an do hội chứng này gây ra cũng khiến cho bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần.

Can thiệp điều trị là điều cần thiết đối với hội chứng sợ kết hôn mặc dù còn tồn đọng nhiều khó khăn và thách thức. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp. Hiện nay, các phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc.

1. Can thiệp liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là lựa chọn ưu tiên khi điều trị rối loạn ám ảnh sợ, bao gồm cả hội chứng sợ kết hôn. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh nhân vượt qua nỗi sợ và học cách khống chế sự sợ hãi vô lý, thái quá.

Về lâu dài, nỗi sợ kết hôn sẽ thuyên giảm và bệnh nhân có thể trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn thay vì thường trực sự lo lắng, sợ hãi như trước đây. Trước khi can thiệp, chuyên gia sẽ đánh giá tình trạng cụ thể và lựa chọn phương pháp phù hợp với từng bệnh nhân.

gamophobia là gì
Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị chính đối với hội chứng sợ kết hôn

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ kết hôn:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT là hình thức trị liệu giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ một cách tích cực hơn, từ đó kiểm soát nỗi sợ và giúp người bệnh phát triển các mối quan hệ lành mạnh. Hiện nay, CBT là phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng phổ biến nhất nhờ mang đến nhiều lợi ích.
  • Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc (liệu pháp phơi nhiễm) được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với nỗi sợ với cường độ tăng dần theo thời gian. Khi bệnh nhân xuất hiện sự sợ hãi và lo lắng, chuyên gia sẽ hướng dẫn các kỹ thuật thư giãn như thư giãn cơ, hít thở sâu,… Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại giúp cho bệnh nhân học cách khống chế nỗi sợ và giảm đi sự sợ hãi vô lý, thái quá.
  • Giải cảm ứng và thiết lập lại bằng chuyển động mắt (EMDR): EMDR là kỹ thuật trị liệu tâm lý được áp dụng khá phổ biến. Kỹ thuật này được thực hiện bằng chuyển động mắt với mục đích xoa dịu tổn thương về mặt tinh thần. EMDR được áp dụng cho những bệnh nhân mắc hội chứng sợ kết hôn sau khi trải qua một cuộc hôn nhân tồi tệ hoặc từng chứng kiến các hành vi bạo lực của bố mẹ.
  • Liệu pháp tâm động học: Liệu pháp này sẽ giúp chuyên gia hiểu rõ hơn về những suy nghĩ, kỳ vọng trong vô thức của bệnh nhân. Khi đã nắm rõ tâm lý người bệnh, chuyên gia sẽ lựa chọn hướng can thiệp phù hợp.

Liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả cao trong điều trị hội chứng sợ kết hôn và các ám ảnh sợ khác. Để tăng hiệu quả, chuyên gia có thể đề nghị bệnh nhân can thiệp trị liệu nhóm, cặp đôi hoặc gia đình bên cạnh trị liệu cá nhân.

2. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc không phải là lựa chọn ưu tiên đối với hội chứng sợ kết hôn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thường xuyên lo lắng, căng thẳng, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc. Trường hợp mắc đồng thời với trầm cảm và các rối loạn lo âu khác sẽ phải sử dụng thuốc lâu dài như một phương pháp điều trị chính.

Dùng thuốc không giúp ích trong việc kiểm soát nỗi sợ phi lý và thái quá. Do đó, bệnh nhân bắt buộc phải kết hợp sử dụng thuốc với can thiệp liệu pháp tâm lý.

Các loại thuốc có thể được sử dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng Gamophobia:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc an thần, giải lo âu
  • Thuốc chẹn beta (được dùng khi bệnh nhân trở nên hoảng loạn)

3. Các biện pháp tự cải thiện

Ngoài các phương pháp y tế, bệnh nhân cũng cần có các biện pháp tự cải thiện để vượt qua nỗi sợ kết hôn và gắn kết lâu dài. Các biện pháp này góp phần giúp giảm nỗi sợ thái quá, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân học cách khống chế cảm xúc và thay đổi những suy nghĩ méo mó về hôn nhân.

gamophobia là gì
Bệnh nhân nên tập thói quen viết nhật ký để giải tỏa tâm lý và nhận ra sự méo mó, tiêu cực trong suy nghĩ của bản thân

Các biện pháp tự cải thiện hội chứng sợ kết hôn:

  • Nên chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân với gia đình hoặc những người bạn thân thiết. Khi được người khác thấu hiểu, bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái và có động lực để điều trị.
  • Tập thói quen viết nhật ký hằng ngày cũng là cách giải tỏa cảm xúc hữu hiệu. Biện pháp này sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát sự lo lắng, căng thẳng, bất an,… Đồng thời có cơ hội đánh giá lại suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, từ đó điều chỉnh hành vi và nhận thức một cách đúng đắn hơn.
  • Hội chứng sợ kết hôn khiến bệnh nhân dễ căng thẳng, bất an, lo lắng, sợ hãi và đau khổ tột độ. Vì vậy, nên thực hiện các biện pháp thư giãn hằng ngày như ngồi thiền, yoga, hít thở sâu, massage, sử dụng tinh dầu thư giãn đầu óc,…
  • Nên trò chuyện, chia sẻ với những người có hôn nhân trọn vẹn để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Năng lượng tích cực từ những người xung quanh sẽ giúp bệnh nhân có thêm niềm tin và hy vọng về hôn nhân, từ đó giảm đi nỗi sợ và sự lo lắng thái quá về việc gắn kết lâu dài.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, không dùng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.
  • Tham gia các hoạt động cộng đồng và thực hiện những hành động có ý nghĩ để gia tăng sự tự tin, lòng trắc ẩn và yêu thương. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt động thiện nguyện giúp giảm đáng kể những cảm xúc tiêu cực và học cách kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân.

Làm gì khi người yêu mắc hội chứng sợ kết hôn?

Hội chứng sợ kết hôn là một dạng rối loạn tâm lý, không phải là chủ nghĩa độc thân đơn thuần. Nếu nhận thấy người yêu có biểu hiện của hội chứng này, bạn cần giữ bình tĩnh để đưa ra hướng xử lý đúng đắn. Thực tế, những hiểu biết về hội chứng Gamophobia còn khá hạn chế. Vì vậy, đa phần bệnh nhân đều không chủ động trong việc thăm khám và điều trị.

Người mắc chứng sợ kết hôn vẫn dành cho đối phương tình cảm chân thành. Tuy nhiên, nỗi sợ về việc gắn kết khiến họ không muốn tiến xa hơn và không bao giờ có những lời nói cam kết lâu dài cho mối quan hệ. Họ thường có xu hướng né tránh khi bạn đề cập đến việc kết hôn hay bàn tính những dự định lâu dài. Thậm chí một số người có thể trở nên căng thẳng, cáu kỉnh và tức giận khi bạn liên tục đề cập đến sự ràng buộc, gắn kết.

Hội chứng sợ kết hôn khác với phản ứng không muốn kết hôn khi chưa sẵn sàng. Nếu nghi ngờ người yêu mắc hội chứng này, bạn nên ở bên cạnh chia sẻ và động viên người yêu tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ/ chuyên gia tâm lý.

Khi có sự hỗ trợ của bạn, bệnh nhân sẽ có động lực khi tham gia điều trị. Ngoài trị liệu cá nhân, cả hai cũng có thể cùng trị liệu cặp đôi. Thông qua liệu pháp này, bạn sẽ hiểu hơn tâm lý của đối phương và biết cách hỗ trợ họ vượt qua nỗi sợ để trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn.

Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là một dạng rối loạn tâm lý khá ít gặp. Nếu nghi ngờ mắc hội chứng này, bạn đọc nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Kiểm soát được nỗi sợ sẽ giúp người bệnh thoải mái hơn trong các mối quan hệ và không phải đối mặt với sự căng thẳng, đau khổ, bất an dai dẳng.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *