Hội Chứng Sợ Máu (Hemophobia): Biểu Hiện Và Cách Chữa

Hội chứng sợ máu (Hemophobia) đề cập đến nỗi sợ hãi tột độ, vô lý khi nhìn thấy máu hoặc ở trong bất cứ tình huống nào có thể liên quan đến máu. Đây là một dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh cần được chữa trị kịp thời.

Hội chứng sợ máu là gì
Hội chứng sợ máu có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, cần phải được điều trị sớm

Hội chứng sợ máu (Hemophobia) là gì?

Hội chứng sợ máu (Hemophobia) được công nhận là một dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu chính thức. Nó được đề cập trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5) được phát hành bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.

Hemophobia là thuật ngữ đề cập đến nỗi sợ hãi vô lý quá mức có liên quan đến máu. Nó có thể xảy ra khi nhìn thấy máu của chính mình, máu của người khác, dự đoán tình huống phải tiếp xúc với máu hoặc hình ảnh, câu chuyện có liên quan đến máu.

Đôi khi chỉ tiếp xúc với một lượng máu rất nhỏ cũng đủ để khiến cho người bệnh kích hoạt phản ứng sợ hãi tột độ. Người mắc hội chứng sợ máu có thể ngất xỉu khi lấy máu, khi tiêm vaccine hoặc khi cơ thể bị chấn thương gây chảy máu.

Theo ước tính thì chứng ám ảnh sợ máu xảy ra tương đối nhiều trong dân số nói chung. Có khoảng 5% số người mắc phải hội chứng này. Nỗi sợ hãi có thể xảy ra ở bất cứ mức độ nào, từ nhẹ cho đến nặng. Đôi khi nó còn khiến người bệnh ngất xỉu hoặc bất tỉnh khi nhìn thấy máu.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây hội chứng sợ máu

Mặc dù đã có khá nhiều nghiên cứu nhưng đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác của hội chứng sợ máu vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã xác định được một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Các yếu tố được đề cập có thể bao gồm:

1. Yếu tố sinh học

Nguy cơ mắc hội chứng sợ máu sẽ tăng lên đáng kể nếu có một người thân cận huyết mắc chứng rối loạn này hoặc mắc các ám ảnh sợ đặc hiệu có liên quan. Hiện nay cơ chế di truyền chưa được xác định rõ nhưng nhiều giả thuyết cho rằng, gen quy định cấu trúc và hoạt động của não bộ là yếu tố có liên quan.

nguyên nhân của chứng sợ máu (Hemophobia)
Yếu tố di truyền được cho là có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển hội chứng sợ máu

Nếu một người mắc chứng sợ máu nhìn thấy máu thì họ có thể trải qua một số thay đổi sinh học bên trong cơ thể. Những thay đổi này có thể bao gồm:

  • Giải phóng cortisol (một loại hormone gây căng thẳng)
  • Giải phóng insulin (hormone được sản xuất trong tuyến tụy có khả năng biến glucose thành năng lượng)
  • Giải phóng các hormone tăng trưởng
  • Thay đổi hoạt động trong não
  • Tăng huyết áp và nhịp tim

2. Sống chung với những người mắc hội chứng sợ máu

Trẻ sống chung với những người mắc hội chứng sợ máu dù có chung huyết thống hay không thì đều sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Bởi khi nhìn thấy nỗi sợ hãi quá mức của người bệnh với máu thì trẻ cũng sẽ dần hình thành nỗi sợ cũng như có các phản ứng tương tự.

3. Sang chấn tâm lý liên quan đến máu

Sang chấn tâm lý có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rất nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần, bao gồm cả chứng sợ máu. Một số sang chấn tâm lý có thể khiến người bệnh hình thành nỗi sợ phi lý khi nhìn thấy máu bao gồm:

  • Chứng kiến người thân bị tai nạn
  • Bản thân trải qua một cuộc đại phẫu lớn
  • Nằm viện trong thời gian dài
  • Gặp phải biến chứng khi lấy máu hoặc truyền máu

4. Gia đình bao bọc quá mức

Những đứa trẻ được cha mẹ và người thân bao bọc quá mức thường tỏ ra sợ hãi trước các vấn đề rất bình thường. Chẳng hạn như sấm chớp, động vật, kim tiêm, máu,… Trong khi đó, những trẻ được tiếp xúc với môi trường ngay từ khi còn nhỏ thường dạn dĩ hơn. Đồng thời cũng ít có nỗi sợ hãi vô lý trước những vấn đề không thật sự nguy hiểm.

nguyên nhân của hội chứng sợ máu
Trẻ được gia đình bao bọc quá mức có nhiều nguy cơ mắc hội chứng sợ máu hơn những trẻ khác

5. Ảnh hưởng từ phim kinh dị

Hội chứng sợ máu xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ từ 10 – 13 tuổi. Nguyên nhân có thể là do ảnh hưởng khi xem những bộ phim kinh dị có xuất hiện các phân cảnh máu me rùng rợn. Đây cũng là một phần lý do giải thích vì sao những bộ phim kinh dị thường bị giới hạn độ tuổi để tránh khiến cho trẻ nhỏ bị tổn thương tâm lý.

6. Có các dạng ám ảnh sợ khác

Những người mắc các dạng ám ảnh sợ khác như sợ chấn thương, sợ vi trùng, sợ kim tiêm, sợ chết,… sẽ có nguy cơ mắc phải hội chứng sợ máu cao hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hạch hạnh nhân của những người bị ám ảnh sợ hoạt động quá mức. Do đó sẽ tạo ra nỗi sợ hãi thái quá trước các vấn đề không thực sự nguy hiểm. Điều này cũng lý giải vì sao một người có khả năng mắc đồng thời nhiều dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu khác nhau.

Các biểu hiện của hội chứng sợ máu (Hemophobia)

Nhiều triệu chứng của hội chứng sợ máu cũng có thể thấy ở tất cả các chứng ám ảnh sợ khác. Nó có thể bao gồm các phản ứng dữ dội về cảm xúc, thể chất và hành vi đối với nguồn gốc của nỗi sợ.

Đối với chứng sợ máu, mọi người phản ứng với bất cứ hình thức tiếp xúc với máu nào hoặc thậm chí là cả các tình huống có khả năng tiếp xúc với máu. Bao gồm cuộc hẹn với nha sĩ, bác sĩ, xét nghiệm máu, phẫu thuật, các thủ tục y tế khác hoặc giúp đỡ một ai đó có thể bị chảy máu.

biểu hiện của hội chứng sợ máu (Hemophobia)
Người bị Hemophobia thường có phản ứng sợ hãi tột độ khi nhìn thấy máu

Các biểu hiện của chứng sợ máu thường bao gồm:

  • Cảm giác sợ hãi, lo lắng dữ dội xảy ra tức thì khi nhìn thấy máu
  • Các cuộc tấn công hoảng sợ có thể xảy ra
  • Sự sợ hãi và lo lắng không tương xứng so với mức độ đe dọa thực tế
  • Cảm giác ghê tởm tột độ khi nhìn thấy máu
  • Tăng kích thích tố căng thẳng như cortisol
  • Kích động
  • Tăng huyết áp
  • Tăng nhịp tim
  • Đổ mồ hôi
  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Căng cơ
  • Nhận thức được phản ứng của bản thân là thái quá nhưng không thể ngăn chặn nó
  • Hình thành phản ứng né tránh khiến cho cuộc sống bị gián đoạn

Trong chứng sợ máu, ngất xỉu hoặc gần như ngất xỉu là một phản ứng tim mạch được đánh dấu bởi hai phản ứng trái ngược nhau. Ban đầu, tâm lý sợ hãi và lo lắng khiến cho nhịp tim và huyết áp tăng vọt. Tuy nhiên sau đó cả nhịp tim và huyết áp đều giảm đột ngột khiến lượng máu lên não giảm. Điều này có thể dẫn đến mất hoặc gần như mất ý thức.

Trên thực tế, vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn để giải thích vì sao ngất xỉu lại là một phần rất phổ biến của hội chứng sợ máu. Người ta tin rằng, cảm giác ghê tởm mạnh mẽ cùng với sự lo lắng tột độ là hai yếu tố góp phần vào phản ứng ngất xỉu “về mặt cảm xúc”.

Tác hại nghiêm trọng của hội chứng sợ máu

Không dễ dàng để sống chung với nỗi ám ảnh bởi nó rất khó chịu và thường xuyên gây ra các hành vi né tránh. Những người sống chung với chứng sợ máu có thể cố gắng hết sức để tránh bất cứ hình thức tiếp xúc nào gây ra nỗi sợ của họ.

Việc né tránh có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe và tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Nó ảnh hưởng đến cả mối quan hệ, sự lựa chọn nghề nghiệp, các hoạt động giải trí và nhiều hơn thế nữa.

Những người bị Hemophobia luôn sống trong trạng thái sợ hãi, căng thẳng và bất an. Họ có thể từ chối đến bệnh viện thăm khám khi có các vấn đề sức khỏe. Thậm chí, nhiều người né tránh cả việc tiêm ngừa, từ chối các thủ thuật nha khoa và phẫu thuật do sợ hãi quá mức.

tác hại của hội chứng sợ máu (Hemophobia)
Người mắc hội chứng sợ máu có thể né tránh tiêm ngừa, để lại hậu quả rất nghiêm trọng

Việc tránh tiêm insulin ở bệnh nhân tiểu đường và tiêm B12 ở bệnh nhân thiếu máu ác tính có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Ngoài ra, những người bị Hemophobia còn né tránh việc chăm sóc những người thân yêu bị thương, bao gồm cả con cái của họ.

Hậu quả của việc né tránh chứng sợ máu thường rất nghiêm trọng, ngoài dẫn đến sức khỏe thể chất kém thì còn gây ra các thách thức về sức khỏe tâm thần. Các hành vi né tránh có thể khiến cho người bệnh bị cô lập, tách biệt với những người xung quanh.

Số liệu thống kê ghi nhận, những người mắc chứng ám ảnh cụ thể nói chung và chứng sợ máu nói riêng có thể phát triển các vấn đề tâm lý khác. Điển hình như rối loạn lo âu xã hội, trầm cảm hoặc rối loạn hoảng sợ do bị cô lập hoặc bất lực, đau khổ trước sự sợ hãi phi lý của bản thân.

Chẩn đoán hội chứng sợ máu (Hemophobia)

Nếu bạn nghi ngờ mình có thể mắc chứng sợ máu thì hãy đặt lịch hẹn sớm với bác sĩ. Chẩn đoán sẽ liên quan đến việc bạn trò chuyện với bác sĩ về các triệu chứng và thời gian bạn đã trải qua nó. Ngoài ra, bạn cũng có thể cung cấp lịch sử sức khỏe cá nhân và gia đình để giúp bác sĩ chẩn đoán.

Hội chứng sợ máu (Hemophobia) đã được công nhận là một chứng rối loạn tâm lý chính thức. Chứng bệnh này sẽ được chẩn đoán bằng cách sử dụng 7 tiêu chí được nêu rõ trong DSM-5. Bao gồm:

  • 1. Nỗi sợ hãi dai dẳng, được coi là phi lý hoặc quá mức. Sự sợ hãi này có thể xảy ra khi bị chảy máu hoặc nhìn thấy máu.
  • 2. Luôn luôn có phản ứng lo lắng khi nhìn thấy máu. Điều này có thể bao gồm một cuộc tấn công hoảng sợ. Ở trẻ em, phản ứng có thể ở dạng nổi cơn thịnh nộ, khóc lóc hoặc bám víu.
  • 3. Người mắc chứng sợ máu biết rằng nỗi sợ của họ là quá mức (điều này có thể không đúng ở trẻ em).
  • 4. Người đó né tránh máu hoặc trải qua cảm giác lo lắng dữ dội và đau khổ trong các tình huống có liên quan đến máu.
  • 5. Chứng sợ máu làm gián đoạn đáng kể cuộc sống hằng ngày của người đó. Nó có thể ảnh hưởng tới công việc, học tập, các mối quan hệ hoặc cả các hoạt động xã hội. Họ có thể rất lo lắng về chứng sợ máu của họ.
  • 6. Chứng sợ máu thường kéo dài trong vòng ít nhất sáu tháng.
  • 7. Cảm giác lo lắng hoặc hành vi có liên quan đến chứng sợ máu không thể được giải thích thông qua các rối loạn khác. Chẳng hạn như rối loạn hoảng sợ, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…
chẩn đoán hội chứng sợ máu
Chẩn đoán hội chứng sợ máu thường dựa trên việc phân tích triệu chứng của người bệnh

Không phải ai mắc chứng sợ máu cũng đều được chẩn đoán chính thức. Nhiều người mắc căn bệnh này đã biết rõ rằng họ mắc bệnh nhưng lại chọn cách sống cả đời mà không cần chẩn đoán. Những người này có thể cố gắng hết sức để tránh máu hoặc các tình huống có liên quan đến máu. Tuy nhiên cách này không được khuyến khích, bởi tránh máu có thể khiến cho chứng sợ máu trở nên trầm trọng hơn.

Cách chữa hội chứng sợ máu (Hemophobia) hiệu quả

Như đã phân tích, chứng sợ máu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà còn gây ra vô vàn phiền toái cho cuộc sống. Do đó bạn cần sớm tìm cách để điều trị. Việc thăm khám kịp thời và làm theo chỉ dẫn từ bác sĩ là đặc biệt quan trọng.

Đối với chứng sợ máu, đáng mừng là các lựa chọn điều trị khác nhau có thể đáp ứng và giúp bạn vượt qua. Dưới đây là các phương pháp được áp dụng phổ biến.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu cho chứng sợ máu giúp người bệnh hiểu thêm về nỗi sợ hãi của mình và tích cực hỗ trợ để giảm bớt nỗi sợ. Liệu pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp sẽ giúp ngăn ngừa các phản ứng tức thời như lo lắng, sợ hãi hoặc hoảng sợ khi tiếp xúc với máu.

Có nhiều cách tiếp cận hữu ích với chứng sợ máu, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp giải mẫn cảm, liệu pháp thực tế ảo, liệu pháp căng cơ, liệu pháp thư giãn luyện tập,… Cụ thể như sau:

– Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT):

Thông qua, liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn xác định, kiểm tra niềm tin và suy nghĩ tiêu cực của bạn về chứng sợ máu. Điều này sẽ giúp bạn hiểu một cách sâu sắc về suy nghĩ của mình.

Ngoài ra, chuyên gia tâm lý còn giúp phát phát triển các kỹ năng đối phó hữu ích nhằm làm giảm bớt lo lắng về máu. Khi học cách nghĩ khác về máu, bạn có thể làm gián đoạn phản ứng sợ hãi tự động của mình. Thay vào đó là phản ứng chủ ý hơn khi tiếp xúc với máu.

– Liệu pháp giải mẫn cảm:

Đối với liệu pháp giải mẫn cảm, chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ dần dần để người bệnh đối mặt với nỗi sợ hãi về máu theo từng bước tăng dần. Chuyên gia có thể bắt đầu bằng cách đề cập đến máu trong bối cảnh, làm việc với các hình ảnh về máu có cường độ khác nhau và cuối cùng là tiếp xúc với máu thực.

Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được khám phá những suy nghĩ cũng như cảm xúc của bản thân về máu để giúp phát triển phản ứng lành mạnh. Liệu pháp giải mẫn cảm được xem là một trong những cách tiếp cận hiệu quả nhất đối với các chứng ám ảnh sợ hãi, trong đó có chứng sợ máu.

cách chữa hội chứng sợ máu
Tâm lý trị liệu được cho là phương pháp có khả năng đáp ứng rất tốt với hội chứng sợ máu

– Liệu pháp tiếp xúc thực tế ảo:

Liệu pháp tiếp xúc thực tế ảo về cơ bản tương tự như liệu pháp tiếp xúc. Tuy nhiên nó sử dụng công nghệ để cho phép bạn trải nghiệm tiếp xúc với máu ở định dạng mô phỏng thay vì tiếp xúc trong thế giới thực.

– Liệu pháp căng cơ:

Đây là liệu pháp được áp dụng rất phổ biến để làm giảm chứng ngất xỉu do sợ máu, tiêm chích và ám ảnh chấn thương. Riêng đối với chứng sợ máu, nó liên quan đến việc tiếp xúc với máu, đồng thời làm căng và thư giãn các cơ ở chân, tay và thân một cách có hệ thống. Mục đích là để tăng huyết áp và lưu lượng máu não nhằm ngăn ngừa ngất xỉu. Liệu pháp căng cơ cũng đã được kết hợp thành công với CBT.

– Liệu pháp thư giãn luyện tập:

Nỗi sợ hãi quá mức và phi lý về máu có thể khiến cho người bệnh bị lo lắng, căng thẳng và bất an dai dẳng. Ngoài các phương pháp kể trên thì người bệnh có thể được yêu cầu áp dụng thêm liệu pháp thư giãn luyện tập để làm giảm nhanh các triệu chứng đi kèm.

Liệu pháp thư giãn luyện tập thường bao gồm một số tư thế yoga, thiền định và thở kiểu khí công. Mục đích là giúp thư giãn cơ, giải tỏa căng thẳng và lấy lại sự thoải mái, bình tĩnh. Nhờ đó sẽ làm giảm đáng kể các triệu chứng cảm xúc và thể chất do chứng sợ máu gây ra.

2. Sử dụng thuốc

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để điều trị chứng sợ máu. Tuy nhiên nó không được dùng như một phương pháp điều trị độc lập mà cần kết hợp với tâm lý trị liệu. Mục đích là để làm giảm các triệu chứng và giúp liệu pháp đáp ứng tốt hơn

Các loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa bao gồm:

  • Thuốc chống lo âu, có thể là benzodiazepines hoặc thuốc an thần khác.
  • Thuốc chẹn beta, thuốc điều trị huyết áp cao ngăn chặn adrenaline để cải thiện các triệu chứng lo âu sinh lý.
  • Thuốc chống trầm cảm như SSRI hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng.

Đối với bất cứ loại thuốc nào cũng cần đảm bảo sử dụng đúng chỉ dẫn từ bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý tăng/ giảm liều hoặc thay đổi kế hoạch điều trị. Nếu gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời. Riêng với thuốc chống trầm cảm tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột.

3. Các biện pháp hỗ trợ khác

Sống chung với chứng sợ máu có thể khiến bạn gặp rất nhiều khó khăn và phiền toái. Tuy nhiên bạn có thể thực hiện một số giải pháp để cuộc sống của mình không còn phải bị giới hạn bởi chứng bệnh này.

vượt qua hội chứng sợ máu
Chăm sóc sức khỏe thật tốt đem lại nhiều lợi ích cho quá trình kiểm soát hội chứng sợ máu

Dưới đây là các mẹo giúp bạn đối phó với chứng sợ máu hiệu quả hơn:

  • Trong các chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể, trung tâm cảm xúc của não (hạch hạnh nhân) phản ứng quá mức. Áp dụng các chiến lược chánh niệm, thiền, yoga và thư giãn mang lại rất nhiều lợi ích.
  • Chăm sóc thật tốt cho bản thân sẽ giúp nuôi dưỡng trí não và cơ thể của bạn. Do đó nên chú ý ăn uống hợp lý, bổ sung đủ nước và dành thời gian cho hoạt động thể chất. Đồng thời chú ý thêm đến giấc ngủ để giúp cho toàn bộ hệ thống cơ thể hoạt động tốt.
  • Có thể tham gia vào các nhóm hỗ trợ cho những người mắc chứng sợ máu. Điều này giúp bạn cảm thấy mình không đơn độc. Đồng thời có thể học được các kỹ năng đối phó với máu và nỗi sợ hãi hiệu quả.
  • Nên tâm sự với những người thân yêu hoặc người bạn đáng tin cậy về vấn đề mà bạn đang gặp phải. Họ có thể lắng nghe, giúp bạn bình tĩnh cũng như đối phó tích cực với nỗi sợ hãi.
  • Khi nhận thấy được những cải thiện tích cực của bản thân, bạn hãy ăn mừng về điều đó. Hành động ăn mừng sẽ giải phóng dopamine trong não và giúp nó biết rằng mình đã làm được một điều gì đó tốt đẹp. Theo thời gian, bạn có thể thấy rằng các phản ứng của mình ngày càng nhẹ hơn.
  • Hãy trang bị cho bản thân những kiến thức về máu. Tìm hiểu càng nhiều về máu có thể mang lại cho bạn càng nhiều lợi ích. Nếu bạn lo sợ các bệnh lây truyền qua đường máu thì hãy tìm hiểu cặn kẽ các thông tin về bệnh cũng như cách ngăn ngừa những căn bệnh đó.
  • Mang theo bộ dụng cụ sơ cứu và vệ sinh bên mình để nếu bạn bị chảy máu hoặc phải giúp đỡ người đang bị chảy máu thì bạn có thể thực hiện điều này một cách nhanh chóng và hiệu quả.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Hội chứng sợ máu (Hemophobia) gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống, thậm chí còn tổn hại đến sức khỏe. Do đó người bệnh cần chủ động thăm khám và nghiêm túc điều trị khi ý thức được bản thân có nỗi sợ hãi thái quá và phi lý về máu. Từ đó giúp sớm kiểm soát nỗi sợ và có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *