Rối loạn nhân cách ái kỷ: Biểu hiện và phương pháp điều trị

Rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) là một trong những dạng rối loạn nhân cách thường gặp. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 1% dân số nhưng đang có xu hướng tăng do cách giáo dục không phù hợp và sự hào nhoáng của mạng xã hội.

rối loạn nhân cách ái kỷ
Tên gọi bệnh ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder) được đặt theo tên của thợ săn Narcissus trong thần thoại Hy Lạp

Rối loạn nhân cách ái kỷ là gì?

Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder/ NPD) được xếp vào rối loạn nhân cách nhóm B cùng với rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giớirối loạn nhân cách kịch tính. Thuật ngữ này đề cập đến dạng nhân cách đặc trưng bởi nhu cầu được nịnh nọt, tâng bốc, cường điệu sự quan trọng của bản thân, tính cách phù phiếm và đam mê quyền lực. Người bệnh nhạy cảm quá mức với những lời chỉ trích, phê bình và không chấp nhận sự thất bại của bản thân.

Rối loạn nhân cách ái kỷ còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bệnh ái kỷ, rối loạn nhân mãn, bệnh vĩ cuồng và hội chứng yêu bản thân thái quá. Theo thống kê, có khoảng 1% dân số mắc phải chứng bệnh này và tỷ lệ cao hơn ở nam giới.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Tên gọi “Narcissistic Personality Disorder” được đặt theo tên của thợ săn Narcissus trong thần thoại Hy Lạp. Tương truyền, Narcissus có ngoại hình ưa nhìn và dung mạo khôi ngô. Một lần vô tình nhìn thấy bóng hình của bản thân phản chiếu ở mặt hồ, người thợ săn này đem lòng yêu chính bản thân mình. Vì vậy, các chuyên gia tâm thần đã sử dụng cái tên Narcissus để đặt cho hội chứng ái kỷ.

Biểu hiện của bệnh ái kỷ

Rối loạn nhân cách có biểu hiện khá giống với các rối loạn tâm thần nhưng không đủ tiêu chí để đưa ra chẩn đoán chính thức. Do đó, chứng bệnh này thường khó phát hiện và dễ bị nhầm lẫn với các đặc điểm tính cách thông thường.

Rối loạn nhân cách ái kỷ có biểu hiện khá đa dạng, trong đó đặc trưng bởi khát vọng (nhu cầu) được ngưỡng mộ, tâng bốc, ảo tượng về bản thân, nhạy cảm với những lời chỉ trích và thiếu sự đồng cảm với người khác. Người mắc chứng bệnh này gặp nhiều cản trở trong cuộc sống và chất lượng cuộc sống xuống dốc rõ rệt trước tuổi 30.

rối loạn nhân cách ái kỷ là gì
Người bị rối loạn nhân cách ái kỷ bị ám ảnh bởi bản thân và cho rằng bản thân có vai trò đặc biệt hơn so với mọi người

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ái kỷ:

  • Ảo tưởng, phóng đại về giá trị của bản thân, cho rằng bản thân có khả năng và ngoại hình hơn người
  • Thổi phồng tầm quan trọng của bản thân, có ý nghĩ bản thân là người đặc biệt và không giống với những người xung quanh
  • Luôn có nhu cầu được chú ý, ngưỡng mộ, tâng bốc và nịnh nọt
  • Nhạy cảm với những lời chỉ trích, phê bình. Thường phản ứng gay gắt, cảm thấy xấu hổ, tức giận và thậm chí gây hấn khi người khác góp ý.
  • Người bị bệnh ái kỷ chỉ xây dựng và duy trì các mối quan hệ mà họ cho rằng có lợi cho bản thân. Đồng thời có xu hướng lợi dụng các mối quan hệ để đạt được mục tiêu của bản thân.
  • Từ chối các mối quan hệ mà đối phương không có ngoại hình và năng lực đặc biệt. Bởi bệnh nhân cho rằng những người này không xứng đáng làm bạn với mình.
  • Phớt lờ cảm xúc và không có sự đồng cảm với người khác
  • Dành nhiều thời gian để tưởng tượng bản thân đạt được thành tựu và nhận được sự ngưỡng mộ, tâng bốc từ mọi người. Ý nghĩ này khiến bệnh nhân chìm đắm trong cảm xúc sung sướng và có khao khát mạnh mẽ về quyền lực, thành công,…
  • Tính cách phù phiếm, đam mê quyền lực và bị cuốn hút bởi sự thành đạt
  • Nhạy cảm quá mức với thất bại của mình (đau khổ, hoảng loạn, không chấp nhận và thậm chí có thể trở nên trầm cảm)
  • Cùn mòn về cảm xúc do không có sự thấu cảm và không quan tâm đến những người xung quanh
  • Tính cách tự cao tự đại, phô trương bản thân và luôn đòi hỏi những yêu cầu vô lý vì tin rằng bản thân là người rất đặc biệt.
  • Cảm xúc không ổn định, dễ kích động và hung hăng
  • Không biết ăn năn, hối lỗi và phản ứng gay gắt khi bị người khác chỉ trích lỗi lầm
  • Một số người tìm kiếm cảm xúc vui sướng, thỏa mãn thông qua các hành vi như chi tiêu không tính toán, quan hệ tình dục phóng túng,…

Người bị bệnh ái kỷ thường xem trọng hình thức nên luôn có ngoại hình sáng sủa và ưa nhìn. Những người lần đầu tiên gặp gỡ có thể bị  người bệnh cuốn hút bởi phong thái tự tin và tính cách nổi bật. Tuy nhiên, bệnh nhân ái kỷ khó có thể duy trì mối quan hệ lâu dài do tính cách ích kỷ, phù phiếm và không có kỹ năng đồng cảm, chia sẻ.

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách ái kỷ

Rối loạn nhân cách ái kỷ gặp nhiều ở nam giới hơn so với nữ giới. Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã được thực hiện phần nào cho thấy chứng ái kỷ liên quan đến cách giáo dục và những sự kiện xảy ra ở thời thơ ấu.

nhân cách ái kỷ
Dạng nhân cách ái kỷ thường phát triển ở người thiếu tình cảm gia đình hoặc từng bị bỏ rơi, ngược đãi trong quá khứ

Các yếu tố có thể gây ra chứng rối loạn nhân cách ái kỷ:

  • Thiếu tình cảm gia đình từ khi còn nhỏ (đặc biệt là tình cảm của người mẹ) khiến trẻ lớn lên luôn có nhu cầu được quan tâm và tâng bốc. Ngoài ra, vì thiếu tình cảm gia đình nên người bị ái kỷ hầu như không có sự đồng cảm với người khác.
  • Yếu tố di truyền
  • Yếu tố văn hóa – xã hội như môi trường sống nhiều xung đột, bạo lực, chiến tranh,…
  • Sang chấn tâm lý như bị bỏ bê, ngược đãi,…
  • Bố mẹ quá nuông chiều, khen ngợi thái quá hoặc chỉ trích thậm tệ khi con thất bại,… cũng khiến trẻ lớn lên có nguy cơ phát triển chứng rối loạn nhân cách ái kỷ

Những yếu tố này khiến một số người phát triển dạng nhân cách ái kỷ với đặc điểm là luôn có nhu cầu được tâng bốc, nịnh nọt và nhạy cảm quá mức trước thất bại của bản thân. Hiện nay, các chuyên gia còn cho rằng, sự hào nhoáng của mạng xã hội cũng khiến cho nhiều người ảo tưởng về bản thân, theo đuổi các mục tiêu ích kỷ và thiếu đi sự đồng cảm với những người xung quanh.

Rối loạn nhân cách ái kỷ có nguy hiểm không?

Rối loạn nhân cách ái kỷ gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe thể chất, tinh thần. Bệnh lý này có tiến triển mãn tính và khó kiểm soát ngay cả khi điều trị tích cực. Nếu không được thăm khám và trị liệu kịp thời, người mắc chứng ái kỷ sẽ phát triển các vấn đề tâm lý, tâm thần như lạm dụng chất, rối loạn tâm thần, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,…

Một số trường hợp còn phát triển các rối loạn nhân cách khác như rối loạn nhân cách hoang tưởng, rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn nhân cách kịch tính.

Rối loạn nhân cách ái kỷ không được điều trị dẫn đến sự cùn mòn về cảm xúc và khó duy trì được các mối quan hệ lâu dài do thiếu sự đồng cảm. Bệnh nhân ái kỷ có thể hấp dẫn người khác từ lần gặp đầu tiên. Tuy nhiên, đối phương sẽ nhanh chóng rút lui khi nhìn thấy sự phù phiếm và ích kỷ trong lối sống của người bệnh.

Vì luôn phóng đại năng lực của bản thân nên người bị rối loạn nhân cách ái kỷ gặp nhiều khó khăn trong công việc. Bệnh nhân từ chối nhiều cơ hội nghề nghiệp vì cho rằng công việc không tương xứng với năng lực của bản thân. Cũng có nhiều người đạt được thành công nhưng rất khó duy trì vị thế, bởi thành công có được thông qua việc lợi dụng và thao túng người khác.

Nhạy cảm quá mức với lời phê bình và chỉ trích cũng khiến bệnh nhân đối mặt với mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Những cảm xúc tiêu cực khi bị chỉ trích hoặc khi gặp thất bại có thể kéo dài, sau đó phát triển thành chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Trước việc bản thân thất bại, người bệnh có xu hướng lạm dụng chất và sử dụng rượu bia để giải tỏa cảm xúc.

Ngoài những ảnh hưởng kể trên, người bị rối loạn nhân cách ái kỷ còn phải đối mặt với những hậu quả do hành vi thiếu suy nghĩ như chi tiêu không tính toán, quan hệ tình dục phóng túng, phô trương bản thân quá mức,… Sự xuống dốc của bệnh nhân diễn ra nhanh chóng sau vài năm bệnh khởi phát (thường trước năm 30 tuổi).

Chẩn đoán bệnh ái kỷ

Rối loạn nhân cách ái kỷ không được đề cập trong ICD-10 mà chỉ được phân loại trong DSM-5. Do đó, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn của DSM-5 để đưa ra chẩn đoán bệnh lý này.

Chẩn đoán bệnh ái kỷ chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Bản thân người mắc chứng bệnh này có thể không nhận thấy sự khác thường của bản thân nên quá trình chẩn đoán cần sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè. Sau khi thu thập các triệu chứng bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn của DSM-5.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán phân biệt rối loạn nhân cách ái kỷ với các vấn đề tâm lý, tâm thần có biểu hiện tương tự như rối loạn nhân cách hoang tưởng, rối loạn nhân cách chống đối xã hội và rối loạn nhân cách kịch tính.

Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ

Rối loạn nhân cách ái kỷ là rối loạn tâm thần mãn tính, tiến triển dai dẳng và đa phần đều kéo dài suốt đời. Điều trị có thể giảm phần nào sự bất thường tính cách và giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài.

Dưới đây là một số phương pháp được xem xét khi điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ:

1. Liệu pháp tâm lý

Giống như các rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Liệu pháp này giúp ích rất nhiều trong việc thay đổi những bất thường trong suy nghĩ (nhận thức), điều chỉnh hành vi và cảm xúc theo chiều hướng tích cực hơn. Trị liệu tâm lý mất nhiều thời gian, vì vậy bệnh nhân cần được động viên để kiên trì và hợp tác trong quá trình trị liệu.

nhân cách ái kỷ
Rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ được điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho người bị bệnh ái kỷ:

  • Liệu pháp tâm động học
  • Liệu pháp nhận thức hành vi

Bệnh nhân ái kỷ thường được trị liệu cá nhân, hiếm khi được trị liệu theo nhóm bởi bệnh nhân luôn tin rằng bản thân đặc biệt hơn những người khác. Sau khi bệnh nhân đã thay đổi nhận thức, trị liệu nhóm và gia đình có thể được cân nhắc.

Thông qua trị liệu, chuyên gia sẽ giúp người bệnh nhận thức đúng đắn về bản thân, giảm nhu cầu được tâng bốc, nịnh nọt, đồng thời học cách chấp nhận chỉ trích, phê bình và thất bại của bản thân. Liệu pháp tâm lý cũng khơi gợi lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự đồng cảm với mọi người xung quanh.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc không được khuyến khích sử dụng trong điều trị rối loạn nhân cách nói chung và bệnh ái kỷ nói riêng. Tuy nhiên, dùng thuốc có thể giảm phần nào tình trạng cảm xúc không ổn định, xấu hổ, tủi nhục và lo lắng quá mức trước thất bại của bản thân.

Một số trường hợp cũng được dùng thuốc để nâng đỡ tinh thần trong quá trình điều trị. Nếu mắc đồng thời với trầm cảm và rối loạn lo âu, sử dụng thuốc sẽ là phương pháp chính được thực hiện song song với trị liệu tâm lý.

Các loại thuốc được cân nhắc dùng cho bệnh nhân ái kỷ bao gồm:

  • Thuốc an thần
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc chống loạn thần (được dùng trong trường hợp có hoang tưởng tự cao)

3. Kế hoạch chăm sóc

Rối loạn nhân cách ái kỷ là bệnh mãn tính nên khả năng điều trị dứt điểm là không cao. Ngoài ra, do tính cách nông nổi và phù phiếm nên nhiều bệnh nhân tự ý ngưng điều trị và tìm đến các thói quen không lành mạnh để giải tỏa cảm xúc.

Điều trị bệnh ái kỷ đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân và sự hỗ trợ của gia đình. Gia đình nên động viên người bệnh điều trị và theo sát để phát hiện kịp thời việc bệnh nhân bỏ dở điều trị, sử dụng bia rượu, chất kích thích,…

bệnh ái kỷ là gì
Các kỹ thuật thư giãn như ngồi thiền, tập yoga,… giúp bệnh nhân ái kỷ học cách kiểm soát cảm xúc và giải tỏa căng thẳng

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ái kỷ bao gồm:

  • Trước tiên, cần nâng cao nhận thức của người bệnh về chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Đồng thời cho bệnh nhân thấy những lợi ích khi điều trị là có thể giảm sự nhạy cảm khi đối mặt với thất bại, đón nhận những lời phê bình và chỉ trích với tâm thế bình tĩnh.
  • Gia đình nên xây dựng lối sống khoa học cho người bệnh. Đảm bảo ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và tránh xa các thói quen không lành mạnh như sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện,…
  • Giảm bớt sự phù phiếm trong suy nghĩ của người bệnh bằng cách khuyến khích tham gia các hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường,… Những hành động ý nghĩa sẽ giúp người bệnh học được cách đồng cảm, thấu hiểu và nhận ra những giá trị to lớn hơn trong cuộc sống.
  • Khuyến khích người bệnh phát triển năng khiếu hoặc thực hiện sở thích vào thời gian rảnh rỗi. Điều này có thể giảm sự ám ảnh về thành tựu, quyền lực, dần dần sẽ giúp người bệnh nhận thức đúng đắn hơn về năng lực và giá trị của bản thân.
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như ngồi thiền, hít thở sâu, liệu pháp mùi hương, yoga,… để kiểm soát căng thẳng và giảm sự hung hăng, kích động.
  • Lựa chọn công việc ít ganh đua để người bệnh không bận tâm quá nhiều về quyền lực và thành tựu đạt được. Các công việc gần gũi với thiên nhiên, thú nuôi,… sẽ thích hợp với người mắc chứng ái kỷ bởi thiên nhiên và động vật có thể khơi gợi lòng trắc ẩn, xóa bỏ sự ích kỷ và góp phần cải thiện cảm xúc cùn mòn.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Nếu nghi ngờ người thân hoặc bạn bè bị rối loạn nhân cách ái kỷ, cần khuyến khích bệnh nhân thăm khám sớm. Mặc dù khó có thể điều trị dứt điểm nhưng tích cực trị liệu sẽ giúp người bệnh ổn định cuộc sống lâu dài, đồng thời ngăn chặn được các biến chứng lên sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Mặt khác, các gia đình cần có phương pháp giáo dục phù hợp để con trẻ có thể phát triển nhân cách bình thường.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *