Gaslighting là gì? Dấu hiệu bị Gaslighting và cách thoát khỏi
Gaslighting là thuật ngữ đã được sử dụng từ những năm 1960 nhằm nói đến các hành vi lạm dụng nhận thức, thao túng tâm lý của cá nhân. Đây được xem là một dạng bạo hành tâm lý vô cùng hiệu quả bởi nó có khả năng làm cho nạn nhân nghi ngờ, mất niềm tin vào chính khả năng, cảm xúc và sự tỉnh táo của bản thân. Bài viết sẽ làm rõ Gaslighting là gì và giải mã các vấn đề liên quan.
Gaslighting là gì?
Gaslighting là hình thức thao túng tâm lý trong một mối quan hệ như tình cảm, công việc, gia đình,….Trong đó người thao túng (gaslighter) cố tình khiến người khác nghi ngờ về chính nhận thức, trí nhớ hoặc cảm xúc của mình bằng cách sử dụng các thông tin méo mó, sai lệch, thiếu độ tin cậy và chính xác nhằm mục đích kiểm soát và thao túng. Người bị thao túng dần dần mất niềm tin vào bản thân và bắt đầu phụ thuộc vào người thao túng để hiểu rõ về thực tế.
Khởi nguồn chính của thuật ngữ Gaslighting đó chính là từ vở kịch Gaslight được thực hiện vào năm 1938. Vở kịch này cũng được chuyển thể thành phim vào năm 1944. Nhân vật chính của bộ phim cùng tên này chính là ông Manningham với hàng loạt các hành động lạm dụng tâm lý có tính hệ thống đối với chính người vợ của mình, từ đó thuật ngữ này cũng bắt đầu được sử dụng phổ biến.
Đối với thực tế gia đình, bạn cũng có thể dễ dàng nhìn thấy được hiện tượng Gaslighting. Ví dụ như người chồng nghiện rượu chè, luôn say xỉn mỗi ngày thì tất nhiều lúc đầu cô vợ sẽ ý thức được hành vi này là sai, không đúng chừng mực và liên tục nhắc nhở, khuyên bảo chồng. Tuy nhiên, khi người chồng bắt đầu lý giải, nói rằng việc anh ấy uống rượu chỉ vì muốn tạo dựng mối quan hệ, muốn kiếm cơ hội để thành công hơn và cho rằng vợ không thấu hiểu cho anh. Thì sau một thời gian, cô vợ bắt đầu bị thao túng về mặt tâm lý, cô ấy có thể cho rằng chồng mình là người đúng và tự trách bản thân về việc không biết chia sẻ với chồng.
Không những thế, ngay cả trong công việc, giao tiếp hàng ngày đôi khi bạn cũng vô tình trở thành nạn nhân của Gaslighting nhưng bản thân khó có thể nhận biết được. Ví dụ như trong công việc, bạn thường bị thao túng bởi một sợi dây vô hình khiến bạn phải tuân thủ và nghe theo những mệnh lệnh, yêu cầu của cấp trên một cách quá mức. Có nhiều người lãnh đạo luôn sử dụng những lời lẽ tốt đẹp như “bạn cần phải thể hiện năng lực của bản thân”, “đây là cơ hội để bạn phát triển”, “bạn cần cống hiến hết mình vì công ty”. Thậm chí còn có nhiều trường hợp, cấp trên liên tục trở thành tấm gương khi làm việc một cách hăng say, quên giờ giấc và họ đòi hỏi bạn cũng phải có mặt 24/7, giải quyết công việc lúc 3g sáng.
Làm sao biết mình đang bị Gaslighting?
Như đã chia sẻ ở trên, Gaslighting là hành vi thao túng tinh thần được thực hiện bởi một hoặc một nhóm người nhằm mục đích làm gia tăng sức mạnh và quyền lực của mình. Người thao túng sẽ liên tục sử dụng những lời lẽ, hành động khiến cho nạn nhân tự nghi ngờ, hoài nghi về chính bản thân mình. Bất kì ai cũng có khả năng trở thành nạn nhân của Gaslighting và thậm chí họ còn không biết rằng mình đang bị kẻ khác thao túng tinh thần.
Lúc đầu, những kẻ thao túng có thể khiến cho bạn tin tưởng rằng bản thân cần phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn để có thể thích ứng tốt với môi trường và cần phải thay đổi bản thân nhiều hơn để có thể đáp ứng tốt các nhu cầu, mong muốn của đối phương. Cho đến khi bản thân bị dồn ép quá mức, cảm thấy ngột ngạt và suy kiệt về mặt sức khỏe tinh thần lẫn thể chất thì bạn mới có thể nhận ra mình đang bị người khác lợi dụng, thao túng.
Tiến sĩ Robin Stern – tác giả của quyển sách The Gaslight Effect: How to Spot and Survive the Hidden Manipulation Others Use to Control Your Life cũng đã từng chia sẻ về cách nhận biết các dấu hiệu của một nạn nhân đang trong mối quan hệ Gaslighting như:
- Liên tục tự đặt ra câu hỏi cho bản thân, liệu mình có đang quá nhạy cảm hay không?
- Cảm thấy bản thân không còn là con người của lúc trước, đã thay đổi quá nhiều.
- Càng ngày càng xuất hiện nhiều cảm giác tự ti về bản thân.
- Luôn cho rằng mọi thứ tồi tệ xảy ra xung quanh đều xuất phát từ bản thân mình.
- Cho rằng mọi thứ mình đang làm đều sai trái và bạn cần phải xin lỗi trong mọi hoàn cảnh, bởi bất kì điều gì mình đã làm.
- Thường xuyên có linh cảm về những điều bất ổn đang xảy ra nhưng không thể xác định cụ thể đó là việc gì.
- Luôn tìm cách để biện hộ, thanh minh cho các hành vi của đối phương.
- Hay né tránh việc đề cập đến mối quan hệ của bạn và đối phương với những người xung quanh, kể cả gia đình hoặc bạn bè thân thiết.
- Thường xuyên lo lắng về những hành vi, lời nói, phản ứng của mình với đối phương, sợ rằng chưa hành xử đúng mực với họ.
- Có cảm giác đang bị cô lập khỏi bạn bè, người thân, gia đình.
- Gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, lựa chọn. Trước một vấn đề nào đó xảy ra, bạn thường nghi ngờ về cách nhìn nhận của bản thân mà có xu hướng tin tưởng vào sự phán xét của kẻ đang thao túng bạn.
- Không còn nhiều hứng thú đối với các hoạt động xung quanh, cảm thấy bản thân vô dụng.
- Bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi mỗi khi bộc lộ cảm xúc, thể hiện quan điểm của mình và có xu hướng lựa chọn cách im lặng.
Người bị thao túng sẽ dần mất niềm tin và luôn nghi ngờ về giá trị, cảm xúc, hành vi, lời nói của chính bản thân mình. Tình trạng này gây nên rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, công việc, học tập và cả các mối quan hệ xã hội.
Dấu hiệu nhận biết một người muốn Gaslighting
Những hậu quả khôn lường mà Gaslighting có thể gây ra nên chúng ta cần phải biết cách phòng tránh bằng việc nắm rõ các dấu hiệu của kẻ thao túng, nhằm tránh được những ảnh hưởng từ họ. Trong cuốn sách “Gaslighting: Recognize Manipulative and Emotionally Abusive People – and Break Free” (tạm dịch: Đọc vị những kẻ chuyên thao túng cảm xúc và lạm dụng tình cảm của người khác) cũng đã nhắn đến vấn đề này. Cụ thể các biểu hiện thường thấy của kẻ thao túng tâm lý người khác như sau:
1. Họ liên tục phủ nhận những điều mình nói, ngay cả khi bạn có bằng chứng
Có thể bạn đã nhớ rất rõ những gì mà đối phương đã truyền tải nhưng khi nhắc lại thì họ sẽ liên tục từ chối, phủ nhận điều đó. Ngay cả khi bạn đưa ra được những bằng chứng xác thực về những điều họ đã nói nhưng họ vẫn sẽ cố gắng tìm đủ mọi cách để không thừa nhận nó.
Điều này có thể khiến bạn trở nên hoang mang, bắt đầu nghi ngờ bản thân và thậm chí là tin vào những gì họ đã giải thích. Khi họ liên tục lặp lại sự phủ nhận của mình, bạn sẽ càng cảm thấy ngờ vực chính mình và dần sẽ chấp nhận lời nói của họ là sự thật và cho rằng mình đã lầm.
2. Người thao túng sẽ nói dối một cách trắng trợn
Trong một mối quan hệ, bạn có thể biết rõ rằng đối phương đang lừa gạt và nói sai sự thật. Tuy nhiên, khi đối mặt với bạn, họ vẫn có thể điềm tĩnh để trò chuyện, dùng phong thái thoải mái nhất để có thể giao tiếp với bạn. Có lẽ rằng bạn thấy đối phương đang quá trắng trợn và ghê tởm.
Tuy nhiên, họ đang dùng chiêu thức để đánh đòn tâm lý đối với bạn. Khi họ đã chủ tâm muốn lừa dối bạn thì dù bạn có biết được sự thật vẫn sẽ không dám chắc chắn điều đó có hoàn toàn đúng hay không. Lời nói dối của họ nhằm mục đích khiến cho bạn trở nên mơ hồ, không còn phân biệt rõ đúng sai và mất dần niềm tin vào bản thân.
3. Kẻ Gaslighting khiến bạn dần bị suy sụp
Những kẻ thao túng tinh thần sẽ không khiến bạn sớm nhận ra bản thân mình đang là nạn nhân của Gaslighting mà họ sẽ dần từng bước để bạn bị suy sụp, kiệt sức. Hôm nay họ có thể lừa dối bạn một vài việc nhỏ nhặt, ngày mai lại thêm một chút việc nào đó và dần dần, bạn sẽ bị cuốn vào những lời nói dối trá một cách mù quáng.
4. Họ dùng những thứ mà bạn gần gũi, yêu quý để giết chết bạn
Những kẻ Gaslighting sẽ tìm hiểu về những thứ quan trọng đối với bạn và họ sẽ sử dụng nó để đạt được mục tiêu của mình. Chẳng hạn như nếu bạn yêu thương những đứa con của mình thì họ sẽ liên tục nói với bạn rằng, đáng lẽ ra bạn không nên sinh ra chúng, bạn phải sống cho chính bản thân mình, phải tập cách hư hỏng, liêu lỏng hơn.
5. Hành động và lời nói của họ không khớp với nhau
Một điểm giúp bạn dễ nhận dạng được những kẻ chuyên thao túng tâm lý người khác đó chính là “nói một đằng, làm một nẻo”. Tốt nhất hãy nên nhìn vào những điều họ đã làm hơn là chú tâm đến lời nói của họ. Cũng bởi những lời nói mà họ thốt ra đôi khi chỉ là lời sáo rỗng, không mang tính thực tế. Chỉ có những việc họ đang làm mới nói lên rõ về dụng ý thực sự mà họ đang hướng đến.
6. Họ ban phát cho bạn một chút cảm xúc tích cực để khiến bạn mù mờ
Những người Gaslighting sẽ liên tục hạ thấp giá trị của bạn, tuy nhiên đôi lúc họ cũng sẽ mang đến cho bạn những lời nói khen ngợi, ca tụng nhằm mục đích tung hỏa mù khiến bạn trở nên mơ hồ về bản thân. Khi nhận được những lời khen từ họ, bạn cũng có thể nghĩ rằng họ không xấu như những gì bạn nghĩ. Tuy nhiên, nếu có thể bình tĩnh để nhìn sâu vào vấn đề, bạn sẽ nhận thấy rằng những lời khen ngợi đó chỉ điều mang lợi ích đến cho họ.
7. Kẻ Gaslighting liên tục điều khiển suy nghĩ, cảm xúc của bạn
Họ có thể là một người không ra gì, là một kẻ lừa đảo hoặc nghiện ngập, bê tha. Tuy nhiên họ lại liên tục dùng những lời lẽ và hành vi để buộc tội bạn về điều đó. Họ có thể lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho bạn phải cố gắng để tự bảo vệ bản thân và hoàn toàn bị chi phối, phân tâm khỏi những hành động của họ.
8. Họ hiểu và biết cách làm suy yếu tinh thần của bạn
Những kẻ chuyên thao túng tinh thần người khác sẽ hiểu được con người luôn cần có một cảm giác an toàn và ổn định. Và tất nhiên, mục đích chính của họ đó chính là khiến cho bạn dần mất đi cảm giác này, thay vào đó là sự nghi ngờ, bất an về mọi thứ xung quanh. Đồng thời, bản năng của mỗi người đó chính là xu hướng muốn tìm kiếm ai đó mang cho họ cảm giác ổn định thoải mái. Và tất nhiên, lúc này người đó không phải ai khác, chính là kẻ đang thao túng bạn.
9. Họ âm thầm làm cho mọi người phản đối và chống lại bạn
Gaslighter (kẻ thao túng) sẽ luôn biết cách để điều khiển cảm xúc, tâm lý của người khác. Họ có thể khiến cho những người xung quanh bạn trở nên chán ghét và chống đối lại bạn. Tuy nhiên, đó cũng là những trò lừa đảo, chẳng hạn như họ sẽ nói với bạn rằng “Người kia đã biết được lỗi sai của bạn” hoặc “Người này cho rằng bạn là kẻ bất tài”.
Những chiến thuật phổ biến trong Gaslighting
Để có thể thực hiện được hành vi Gaslighting thì người thao túng thường sẽ sử dụng các chiêu trò như sau:
1. Từ chối
Kẻ thao túng có thể liên tục sử dụng những lời nói từ chối đối với bạn, họ sẽ giả vờ không lắng nghe, từ chối việc chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc đối với bạn. Họ thường sẽ dùng những câu nói như ” Tôi không có thời gian để nghe về vấn đề này”, “Bạn đang làm phiền tôi”, “Bạn đang muốn làm tôi lo lắng đúng không?”.
2. Đánh lạc hướng
Những kẻ chuyên thao túng tâm lý người khác thường có xu hướng ngăn chặn hoặc cố tình đánh lạc hướng bạn bằng cách liên tục thay đổi chủ đề, họ thường xuyên đặt ra các câu hỏi nhằm mục đích chất vấn cảm xúc, suy nghĩ của bạn. Điều này thường được biểu hiện qua các câu nói như “Bạn không thể đủ hiểu biết để nắm rõ vấn đề này”, “Bạn đang tưởng tượng ra mọi thứ thôi”, “Bạn lại đang suy nghĩ điên rồ đấy à”.
3. Phản kháng
Cho dù nạn nhân Gaslighting có nhớ đúng thì người thao thúng vẫn sẽ tìm cách để chất vấn về trí nhớ của họ. Gaslighter sẽ liên tục sử dụng lời nói để làm phân tán sự chú ý của nạn nhân và cho rằng nạn nhân có vấn đề về trí nhớ hoặc thậm chí là bị điên.
4. Tầm thường hóa
“Chuyện chẳng có gì sao phải làm quá lên”, “Nhạy cảm quá rồi đấy”, “Vì chuyện cỏn con này mà cãi nhau à” là những câu nói thường thấy ở những kẻ chuyên thao túng tâm lý người khác. Họ thường không xem trọng và chú ý đến cảm xúc, cảm nhận và suy nghĩ của những người xung quanh.
5. Chối bỏ
Người Gaslighting sẽ luôn muốn tìm cách để chối bỏ, giả vờ quên mọi chuyện. Họ có thể giả vờ quên đi lời hứa của mình để không phải thực hiện nó. Khi nhận được bất kì lời phán xét nào đó, họ sẽ liên tục phân bua bằng cách nói rằng bản thân chưa bao giờ làm những chuyện như thế hoặc thậm chí là dùng những từ ngữ gây xúc phạm đến đối phương.
Có thể bạn quan tâm: Hiệu ứng đà điểu: Tâm lý luôn muốn né tránh thông tin xấu
Hậu quả của Gaslighting
Gaslighting có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với sức khỏe tâm lý của nạn nhân. Dưới đây là những hậu quả phổ biến mà người bị thao túng có thể trải qua:
1. Giảm tự tin và lòng tự trọng
Gaslighting làm nạn nhân mất niềm tin vào chính mình. Qua việc liên tục bị phủ nhận sự thật, cảm xúc và nhận thức của bản thân, nạn nhân bắt đầu nghi ngờ chính mình. Họ không còn tin rằng họ có khả năng đánh giá đúng tình huống hay quyết định một cách độc lập.
2. Lo âu và căng thẳng
Khi liên tục bị thao túng khiến nạn nhân sống trong trạng thái căng thẳng thường trực, luôn lo lắng rằng họ có thể hiểu sai hoặc làm sai điều gì đó. Điều này có thể dẫn đến việc cảm thấy bất an về mọi mặt, bao gồm cả các mối quan hệ, công việc và cuộc sống hàng ngày.
3. Trầm cảm
Gaslighting kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm. Nạn nhân cảm thấy tuyệt vọng, không còn khả năng kiểm soát cuộc sống của mình và dần dần mất hứng thú với những điều từng mang lại niềm vui. Cảm giác cô độc, buồn bã và bất lực là những biểu hiện rõ ràng của trầm cảm trong tình huống này.
4. Rối loạn tâm lý và cảm xúc
Người bị gaslighting có thể phát triển các rối loạn tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hoặc rối loạn phân ly. Họ thường trải qua sự hỗn loạn cảm xúc, khó tập trung và gặp khó khăn trong việc tin tưởng vào người khác hoặc bản thân.
5. Cô lập xã hội
Gaslighting có thể dẫn đến việc nạn nhân tự cô lập mình với gia đình, bạn bè và xã hội. Người gaslighter thường cố gắng làm suy yếu các mối quan hệ xung quanh nạn nhân, thuyết phục họ rằng những người khác không hiểu họ hoặc thậm chí có thể đang chống lại họ. Điều này dẫn đến việc nạn nhân dần dần tách biệt khỏi cộng đồng và các mối quan hệ hỗ trợ.
6. Mất khả năng ra quyết định
Vì liên tục bị thao túng, nạn nhân dần mất khả năng tự ra quyết định. Họ cảm thấy mọi quyết định đều sai hoặc không chính xác, dẫn đến sự phụ thuộc vào người thao túng. Điều này càng làm tăng quyền lực của người gaslighter.
7. Tổn thương lòng tin trong mối quan hệ
Gaslighting phá hủy lòng tin của nạn nhân không chỉ với người thao túng mà còn với người khác. Khi đã bị thao túng trong một thời gian dài, nạn nhân trở nên hoài nghi và khó khăn trong việc tin tưởng người mới, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ trong tương lai.
8. Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất
Căng thẳng và lo âu từ việc bị gaslighting không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất như đau đầu, mất ngủ, căng cơ và các vấn đề tiêu hóa. Hệ miễn dịch suy giảm cũng là một hậu quả của sự căng thẳng mãn tính.
Tóm lại, gaslighting có thể để lại những tổn thương sâu sắc cho nạn nhân về cả mặt tâm lý lẫn thể chất. Sự nhận diện sớm và can thiệp từ những người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý là rất quan trọng để giúp nạn nhân thoát khỏi tình trạng này.
Cách thoát khỏi Gaslighting
Gaslighting khiến cho chúng ta rơi vào trạng thái tự nghi ngờ chính bản thân mình, không dám tin vào những kí ức, khả năng, phán đoán của mình và dần bị mất cân bằng về mặt cảm xúc, tâm lý, hành vi. Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý học thì mỗi chúng ta đều có khả năng là nạn nhân của Gaslighting và nó đã từng xảy ra ít nhất một lần trong cuộc đời bạn mà đôi khi bạn không thể nhận ra được.
Những hành vi thao túng thường sẽ được che đậy kỹ lưỡng bởi những mối quan hệ thân thiết. Nó có thể xảy ra trong chính mối quan hệ gia đình (cha mẹ – con cái, anh chị em), cơ quan (cấp trên – cấp dưới, đồng nghiệp), tình cảm yêu đương, trường học (thầy cô – học sinh, bạn bè),…
Thông thường, những người mà bạn yêu thương nhất lại dễ trở thành người lừa dối và làm bạn tổn thương nhất. Để có thể đối phó và thoát khỏi mối quan hệ này thì việc đầu tiên bạn cần làm đó chính là nhận biết được các dấu hiệu của Gaslighting. Sau đó, bạn cần phải chấp nhận rằng điều này đang xảy ra và bạn cần phải khắc phục nó.
Nếu như sự thao túng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thể chất và xâm hại đến đời sống thì bạn cần phải nhanh chóng tìm cách đối phó với Gaslighting. Dưới đây là một số biện pháp mà bạn cần tham khảo:
1. Chấp nhận sự thật về Gaslighting
Không dễ dàng để có thể chấp nhận được sự tổn thương do chính những mối quan hệ thân thiết tạo ra. Tuy nhiên, để có thể thoát khỏi Gaslighting bạn cần phải thừa nhận rằng bản thân đang bị lừa dối và thao túng. Nếu nhận thấy bản thân đang có các triệu chứng nhận biết của Gaslighting thì có nhiều khả năng bạn đang là nạn nhân của sự thao túng.
2. Đánh giá và nhận xét tình huống một cách khách quan
Cách tốt nhất để nhận biết bản thân có đang là nạn nhân của Gaslighting đó chính là hãy đứng trước gương và bắt đầu tường thuật lại câu chuyện của mình, những điều mà bạn đang cảm thấy lo lắng và bất an. Tuyệt đối không tự đưa ra những lời tự biện minh cho các hành động đó và cũng không nên quá tự ti vào chính mình.
Hãy cố gắng kể lại mọi việc theo hướng khách quan nhất và nhắc đến những điều mà người xung quanh đánh giá về đối tượng bạn cho rằng đang thao túng. Bằng cách này, bạn cũng sẽ dễ dàng loại bỏ cảm giác tội lỗi của mình trước những tình huống đó. Đồng thời bạn cũng sẽ nhìn nhận được vấn đề theo hướng khách quan hơn.
3. Ghi chép lại những điều đã xảy ra
Để có thể phân biệt cụ thể đâu là sự chân thật và đâu là sự lừa dối thì bạn cần học thói quen ghi chép lại một sự kiện đã diễn ra. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng những gì mình ghi chép luôn được cất giữ ở không gian an toàn. Nếu nghi ngờ ai đó đang cố gắng thao túng bạn thì bạn hãy bắt đầu đọc lại những gì mình đã ghi chép để có thể tìm ra sự thật.
4. Chia sẻ với bạn bè nếu bạn đang bị Gaslighting
Nếu bạn đã nhận ra bản thân đang bị Gaslighting nhưng chưa tìm được cách giải quyết tốt thì hãy chủ động chia sẻ với bạn bè, người thân. Hãy nói cho họ biết về những điều mà bạn đang phải đối mặt hoặc thậm chí nếu bạn cảm thấy bất an về sự an toàn của chính mình thì cũng có thể tìm đến sự trợ giúp từ cảnh sát, các cơ quan có thẩm quyền. Họ đã được hướng dẫn cách để nhận biết Gaslighting là gì, đồng thời có khả năng để thoát khỏi sự thao túng này.
5. Hiểu rằng đó không phải là lỗi của bạn
Nếu bạn đang là nạn nhân của Gaslighting thì điều đó hoàn toàn không phải do lỗi của bạn, không phải vì bạn yếu đuối hay quá nhút nhát mà chính những kẻ thao túng và lợi dụng bạn mới chính là người bị lên án. Họ chính là những người phản bội lại sự tin tưởng, tín nhiệm của bạn nhằm mục đích phô trương sức mạnh của chính mình. Vì thế, bạn không cần phải giữ thái độ tội lỗi hay cố gắng biện minh cho những hành vi sai lầm của họ.
6. Loại bỏ mối quan hệ Gaslighting
Mối quan hệ Gaslighting cần phải được loại bỏ và chấm dứt ngay lập tức nếu bạn không muốn tiếp tục trở thành nạn nhân của sự thao túng, lừa dối. Để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, bạn cần biết cách chắt lọc các mối quan hệ độc hại, đặc biệt là những người luôn lợi dụng sự tin tưởng của bạn. Nếu mối quan hệ đó không thể chấm dứt một cách hoàn toàn thì bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc và duy trì sự bền chặt đối với họ để tránh làm tổn thương cho bản thân.
7. Tìm gặp chuyên gia tâm lý để thoát khỏi Gaslighting
Nếu cứ mãi loay hoay không biết làm sao để thoát khỏi một mối quan hệ Gaslighting thì bạn có thể cân nhắc đến việc tìm gặp chuyên gia tâm lý hoặc những người có chuyên môn tham vấn tâm lý. Họ là những người có hiểu biết rõ về Gaslighting nên có thể giúp bạn tìm ra mấu chốt của vấn đề và hỗ trợ bạn kiểm soát cảm xúc, cân bằng tâm lý tốt hơn.
Lưu ý: Nếu đang là nạn nhân của Gaslighting thì bạn tuyệt đối đừng tranh cãi, đừng lãng phí thời gian của mình với những kẻ thao túng. Đồng thời, bạn cũng nên tránh xa bia rượu, các chất kích thích để không làm sức khỏe trở nên tồi tệ hơn.
Gaslighting là một hình thức thao túng tâm lý tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hiểm. Hi vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu và biết cách để ứng phó tốt với các mối quan hệ thao túng.
Tham khảo thêm:
- Chứng ăn cắp vặt (Kleptomania): là bệnh hay tật xấu?
- Chứng sợ đi máy bay (Pteromerhanophobia) là do đâu?
- Chứng sợ tốc độ (Tachophobia) là gì? Cải thiện thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!