Hiệu ứng tắc kè hoa (Chameleon): Bắt chước một cách khéo léo
Đặc trưng của tắc kè hoa là tự động thay đổi màu sắc dựa theo môi trường để trốn tránh kẻ thù, ngụy trang hoặc tạo ấn tượng với bạn tình. Con người chúng ta cũng có những lúc vô thức thay đổi hành vi, cử chỉ và lời nói của mình để phù hợp với môi trường xung quanh. Sự tương đồng giữa hành vi này và loài tắc kè hoa đã khiến hiệu ứng tâm lý thú vị này được gọi là hiệu ứng tắc kè hoa (Chameleon).
Hiệu ứng tắc kè hoa là gì?
Người ta thường nói, người trong cùng gia đình sẽ có nhiều thói quen giống nhau, những người yêu nhau lâu cũng dần dần trở nên tương tự nhau về nhiều mặt. Đây hoàn toàn là sự thật. Nếu để ý kỹ một số chi tiết về cử chỉ hay nét mặt của bản thân và cha mẹ, bạn sẽ nhận thấy sự giống nhau đáng kinh ngạc.
Những hành vi này xuất hiện trong vô thức. Bạn không cố tình bắt chước mà mọi thứ diễn ra một cách rất tự nhiên. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng tắc kè hoa, hay Chameleon. Chameleon đề cập đến việc chúng ta bắt chước trong vô thức cách nói chuyện, hành vi, cử chỉ, hay nét mặt của người mà ta thường xuyên tiếp xúc.
Đây là một hành vi vô cùng bình thường, và tất cả mọi người đều từng rơi vào tình trạng này nhiều lần trong đời nhưng không nhận ra. Hiệu ứng tắc kè hoa thay đổi hành vi của chúng ta từ trong tiềm thức, giúp ta hòa nhập tốt hơn với những người xung quanh như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là làm quen với những người lạ.
Hiệu ứng tắc kè hoa có thể giúp con người tăng tính tương tác với những người xung quanh. Trên thực tế, chúng ta thường có cảm tình và bị thu hút bởi những người có đặc điểm giống bản thân. Do đó việc bắt chước những hành vi và đặc điểm của các đối tượng xung quanh có thể thu hút và tạo ấn tượng tốt với họ.
Chameleon mang đến những ảnh hưởng tích cực trong việc hình thành và duy trì các mối quan hệ xã hội. Đây cũng chính là cách giúp con người nhanh chóng làm quen và hòa nhập vào môi trường một cách tự nhiên nhất có thể. Điều này cũng giải thích lý do vì sao trong những môi trường khác nhau chúng ta sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Thí nghiệm về hiệu ứng tắc kè hoa
Thuật ngữ “bắt chước” trong hiệu ứng Chameleon không gắn với ý nghĩa tiêu cực như nhiều trường hợp khác. Sự bắt chước ở đây đơn thuần là sự sao chép trong vô thức, không gây hại cho những đối tượng xung quanh, và giúp gắn kết, tạo ấn tượng tốt cho các mối quan hệ.
Vào năm 1999, hai nhà tâm lý học tại Đại học New York là Tanya L. Chartrand và John A. Bargh đã tiến hành 3 thí nghiệm về hiệu ứng tắc kè hoa. Họ muốn nghiên cứu việc con người sao chép nhau một cách vô thức, có ảnh hưởng ra sao đến sự tương tác và mối quan hệ giữa các cá nhân từ xa lạ đến thân thuộc.
Thí nghiệm thứ nhất
Trong thí nghiệm đầu tiên, 78 người tham gia sẽ được trò chuyện trực tiếp với một trong số những người thử nghiệm. Những người thử nghiệm này sẽ có những hành vi, cử chỉ hay thái độ khác nhau. Ví dụ có người sẽ cười nhiều hơn những người khác, có người thường chạm vào mặt hơn, cũng có người rung chân nhiều hơn những người còn lại.
Kết quả cho thấy, những người tham gia có xu hướng bắt chước hành vi của những người thử nghiệm trong suốt quá trình nói chuyện. Tuy họ là những người hoàn toàn xa lạ, nhưng những biểu hiện đặc trưng như cười, chạm tay vào mặt và rung chân xuất hiện ở cả hai bên. Trong đó tỷ lệ bắt chước việc rung chân chiếm đến 50%.
Thí nghiệm thứ hai
78 người trong thí nghiệm đầu tiên tiếp tục được đưa đến một căn phòng để trò chuyện với một người thử nghiệm khác về một bức tranh. Lần này, người thử nghiệm cũng thể hiện những hành vi khác nhau với các đối tượng ngẫu nhiên. Với phân nửa số người tham gia, người thử nghiệm duy trì tư thế ngồi bình thường và thoải mái, không có hành động dư thừa.
Nhưng với phân nửa số người còn lại, anh ta lại bắt chước cách ngồi, cử chỉ, hay những thói quen nhỏ khi nói chuyện của người đối diện khi họ thực hiện hành động. Sau khi kết thúc, người tham gia được yêu cầu đánh giá về người họ đã nói chuyện. Đánh giá xem họ có thích anh ta hay không, và sự tự nhiên trong hành vi bắt chước của anh ta trên thang điểm từ 1 đến 9.
Nhóm người tham gia, nhóm người được bắt chước hành động, đánh giá cao người thử nghiệm hơn so với nhóm người còn lại. Họ thấy anh ta đáng yêu, thông minh, và có nhiều ấn tượng tích cực. Trong khi đó nhóm không được bắt chước đưa ra những đánh giá rất bình thường.
Thí nghiệm thứ ba
Thí nghiệm thứ ba yêu cầu người tham gia thực hiện một bài đánh giá về quan điểm sống và sự đồng cảm với những người xung quanh. Họ được cho ngồi đối diện với những người thực nghiệm, người cũng làm bài đánh giá tương tự nhưng có thêm những hành vi như thường chạm tay vào mặt hay rung chân.
Trong thí nghiệm này, Chartrand và Bargh nhận ra những người có tư tưởng cởi mở, tính tình thoải mái và có sự đồng cảm cao với mọi người có tỷ lệ bắt chước nhiều hơn so với những người khác. Tuy nhiên việc đồng cảm này không ảnh hưởng đến xu hướng bắt chước trong vô thức của họ.
Từ những thí nghiệm trên, ta có thể thấy rằng hiệu ứng tắc kè hoa thật sự giúp việc tương tác xã hội trở nên dễ dàng, tích cực và thoải mái hơn. Việc bắt chước trong vô thức giúp hành động của chúng tự nhiên, và trong hầu hết các trường hợp thì người đối diện luôn cảm thấy yêu thích và có cảm tình với người họ trò chuyện.
Ngoài ra, những người luôn quan tâm, đồng cảm với người xung quanh, hoặc thường chấp nhận ý kiến của người khác một cách dễ dàng cũng có xu hướng bắt chước nhiều hơn. Đó là do họ giành nhiều sự chú ý cho những sự kiện xung quanh với hy vọng hòa nhập và kết bạn với tất cả mọi người.
Nguyên nhân hình thành hiệu ứng tắc kè hoa
Hiệu ứng tắc kè hoa có thể hình thành do nhiều lý do. Một trong số đó là nhu cầu kết nối và duy trì mối quan hệ với những người xung quanh. Con người là động vật quần cư, thể nên chúng ta thích sống giữa cộng đồng, thuộc về một nhóm, và giữ được kết nối với xã hội.
Tập tính này đã xuất hiện từ những ngày đầu trong lịch sử loài người. Người tiền sử trong quá trình tiến hóa dần hình thành những cộng đồng, bộ tộc để cùng nhau sinh sống, kiếm ăn và bảo vệ lẫn nhau. Trong quá trình này, việc những người trong cùng một nhóm hình thành những thói quen, hay cử chỉ giống nhau trong vô thức cũng là điều dễ hiểu.
Nhu cầu cạnh tranh tài nguyên và bảo vệ lẫn nhau khiến con người trong cùng nhóm dần phát hiển phản xạ bắt chước lẫn nhau, từ đó xuất hiện hiệu ứng tắc kè hoa. Mục đích là dễ dàng hòa nhập, chứng minh sự trung thành của bản thân, và được phép gia nhập cộng đồng.
Hiệu ứng tâm lý này là minh chứng cho nhu cầu được công nhận và được “thuộc về” của chúng ta. Con người sẽ cảm thấy an toàn, vui vẻ, và có cuộc sống bình yên hơn nếu họ thuộc về một nhóm cụ thể. Họ là thành viên trong nhóm, và họ tuần theo những hành vi và luật lệ của nhóm.
Hiệu ứng tắc kè hoa cũng xuất hiện do mong muốn tạo dựng mối quan hệ với một cá nhân. Nói cách khác, chúng ta muốn một ai đó chú ý đến bản thân, muốn hợp tác hay tìm kiếm lợi ích từ đối phương thì cần tạo ấn tượng tốt với họ. Việc bắt chước hành vi của một người có thể thúc đẩy vấn đề này.
Các thành viên trong nhóm có thể liên tục bắt chước nhau, từ đó hình thành những mối quan hệ chặt chẽ bằng cách điều chỉnh hành vi và thái độ của bản thân phù hợp với những người xung quanh. Điều này giải thích cho việc vì sao những người gần gũi với nhau lại càng giống nhau theo thời gian.
Tuy nhiên, cần nhớ một điều rằng hiệu ứng tắc kè hoa chỉ phát huy tác dụng khi sự bắt chước có chừng mực. Nến bạn cố tình bắt chước những người khác, hành động này sẽ trở nên mất tự nhiên và giả tạo. Sự bắt chước cố tình, hoặc bị làm quá lên chỉ dẫn đến sự phản cảm cho người đối diện.
Làm sao để tận dụng tốt hiệu ứng tắc kè hoa?
Hiệu ứng tắc kè hoa xuất hiện trong vô thức, nhưng bạn hoàn toàn có thể lợi dụng điểm này để tạo ấn tượng tốt cho bản thân, khiến những người xung quanh cảm thấy bạn gần gũi và dễ mến. Điều này có thể áp dụng cả với những người mới quen hoặc bạn bè, người thân lâu năm.
Việc bắt chước nên diễn ra thật tự nhiên và khiến bạn thoải mái, thế nên đừng cố gắng tỏ ra giống người khác một cách rập khuôn cứng nhắc, nếu không mọi thứ sẽ rất giả tạo. Những biểu cảm và hành vi chúng ta thường bắt chước bao gồm: nét mặt, cử chỉ tay, rung chân, tông giọng, dáng ngồi,…
Việc bắt chước khiến người đối diện cảm thấy hai bạn là người “cùng thế giới”, từ đó gia tăng ấn tượng tốt với bạn. Tuy nhiên, nếu để họ nhận ra bạn đang cố gắng bắt chước để đạt một mục đích nào đó, họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm, bị chế giễu và hiểu sai ý đồ bắt chước của bạn. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề rồi tệ trong giao tiếp.
Hiệu ứng tắc kè hoa có thể mang đến nhiều lời ích như gắn kết mối quan hệ, giúp ta hòa nhập tốt hơn trong cộng đồng, tăng cơ hội sống sót và bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, hiệu ứng này cung tồn tại những nhược điểm nhất định, ví dụ như khiến ta dần mất đi bản sắc riêng nếu cứ cố gắng “hòa tan” trong cộng đồng.
Hiệu ứng tắc kè hoa xảy ra trong vô thức, nhưng hành động trong vô thức dần dần sẽ trở thành bản năng và thói quen. Chúng có thể tạo thành sự phân chia giai cấp và văn hóa. Ví dụ, một số người giàu lên nhanh chóng có thể bắt chước suy nghĩ và hành vi của tầng lớp thượng lưu, từ đó khinh thường hay áp bức những người nghèo khổ.
Điều này cũng xảy ra với những người di cư khi họ cố gắng hòa nhập với môi trường xung quanh, để rồi dần đánh mất những điểm đặc trưng của chính mình. Hãy nhớ rằng việc hòa nhập là điều cần thiết để xây dựng các mối quan hệ, nhưng đừng đánh mất chính bản thân mình.
Học cách đồng cảm hơn với người khác. Xây dựng mối quan hệ lành mạnh dựa trên tình cảm thuần túy. Sử dụng hiệu ứng tắc kè hoa một cách hợp lý tùy theo tính hình. Những yếu tố này có thể giúp ta đạt được thành công trong giao tiếp, hạn chế những ảnh hưởng không tốt do hiệu ứng mechaleon mang đến
Những ví dụ về hiệu ứng tắc kè hoa trong cuộc sống
Hiệu ứng tắc kè hoa là một sự bắt chước trong vô thức, thế nên chúng ta có thể nhìn thấy chúng một cách dễ dàng trong những tình huống hàng ngày. Bạn có thể chú ý và nhận ra những tình huống được đề cập dưới đây xảy ra quanh ta, và bạn cũng từng nhiều lần bị hiệu ứng này ảnh hưởng.
- Vô thức nở một nụ cười: Bạn có để ý rằng, sự vui vẻ có sức lan truyền vô cùng mạnh mẽ. Ví dụ khi nhìn thấy một ai đó cười, những người xung quanh cũng có thể vô thức nở nụ cười theo, dù là với người lạ hay người thân thuộc. Đây không phải là một nụ cười xã giao, chỉ là vi đột nhiên bạn không nhịn được mà mỉm cười. Đây hoàn toàn là phản ứng tự nhiên của con người.
- Bắt chước cách nói chuyện: Trong một cuộc trò chuyện, bạn vô thức bị cuốn vào đề tài mà đối phương đang nói, và bắt đầu bắt chước giọng điệu hay cách dùng từ của họ để phù hợp với phong cách của chủ đề, và kéo gần khoảng cách của cả hai. Người đối diện sẽ tự động cảm thấy thân thuộc, và bắt đầu nói chuyện với bạn tự nhiên hơn.Hiệu ứng tắc kè hoa là một cách để xây dựng và gắn kết mối quan hệ xã hội.
- Bắt chước chuyển động cơ thể: Nếu bạn thấy những người xung quanh duy trì một tư thế, hoặc thỉnh thoảng thay đổi dáng ngồi, động tác tay, cử chỉ (bắt chéo chân, khoanh tay, gác tay lên ghế, ngồi thẳng, đu đưa chân, lắc đầu, vuốt tóc…) thì trong một khoảng khắc nào đó, bạn sẽ hành động hệt như đối phương. Hành động này có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, thúc đẩy mối quan hệ tích cực hơn với những người xung quanh. Hành động này cũng có thể thể hiện sự đồng thuận.
- Bắt chước nét mặt: Đây là một trong những điều tích cực mà hiệu ứng tắc kè hoa mang đến. Bằng cách thay đổi nét mặt, chúng ta có thể thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu, hân hoan, đau buồn và chia sẻ cảm xúc với người đối diện. Khi bắt gặp một người đang vui vẻ, đau khổ, nghi ngờ, kích động,… chúng ta có xu hướng cũng tỏ ra biểu cảm tương tự để phù hợp với bầu không khí và cảm xúc của đối phương.
Hiệu ứng tắc kè hoa có thể kéo gần khoảng cách, kết nối và duy trì những mối quan hệ, giúp chúng ta gần gũi và hòa đồng với nhau hơn. Thế nên chúng ta cần áp dụng hiệu ứng này đúng cách để nhanh chóng làm quen với môi trường mới, đạt được mục tiêu giao tiếp, hoặc tạo ấn tượng tốt cho người đối diện.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Hiệu ứng Zeigarnik: Đánh bại sự trì hoãn để làm việc hiệu quả
- Hiệu ứng Pygmalion là gì? Phân tích ứng dụng trong cuộc sống
- Lười biếng xã hội (Social Loafing): Nguyên nhân và ảnh hưởng
- Tích cực độc hại (Toxic Positivity): Hậu quả và cách cải thiện
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!