Tích cực độc hại (Toxic Positivity): Hậu quả và cách cải thiện
Cụm từ tích cực độc hại (Toxic Positivity) được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Đây là trạng thái “tôn sùng” sự tích cực một cách quá đà nhằm vô hiệu hóa những cảm xúc tiêu cực như chán nản, buồn bã, thất vọng…
Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì?
Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là thuật ngữ dùng để diễn tả sự tích cực thái quá, có phần khiên cưỡng và giả tạo. Mục đích của trạng thái này là loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực đang ngự trị.
Ví dụ chúng ta đang buồn bã trước thất bại nhưng thay vì tỏ ra ủ dột, chán nản, ta che giấu hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực vào trong. Chúng ta thể hiện ra ngoài bằng sự vui vẻ, lạc quan, hy vọng, hào hứng…
So với cảm xúc tiêu cực, tích cực độc hại cũng gây hại tương đương. Bên ngoài cười tươi, rạng rỡ nhưng ẩn sâu bên trong là một mớ hỗn độn chưa được giãi bày và bộc lộ.
Dùng sự tích cực để “vô hiệu hóa” những cảm xúc tiêu cực được cho là lối suy nghĩ độc hại. Kiểu suy nghĩ này sẽ khiến bạn không được sống với cảm xúc thật.
Nguồn gốc của tích cực độc hại (Toxic Positivity)
Tích cực độc hại được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1950 bởi Nhà Tâm lý học Abraham Maslow. Sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, nhiều người phải đối mặt với các vấn đề tâm lý. Trị liệu tâm lý được xem là phương pháp giải quyết tình trạng này.
Tuy nhiên ở thời điểm đó, tâm lý học chưa được xem là lĩnh vực chính thức. Người ta chưa nhận ra “mầm mống” của sự tích cực độc hại. Cho đến năm 1998, Nhà Tâm lý người Mỹ Martin Seligman sáng lập ra lĩnh vực này.
Martin Seligman cho rằng người lớn có thể “trở nên tích cực” để vượt qua trạng thái lo âu, trầm cảm, buồn bã… như trẻ nhỏ nhanh chóng điều chỉnh cảm xúc. Ý tưởng này là nguồn gốc của khái niệm tích cực độc hại (Toxic Positivity).
Tâm lý học là lĩnh vực còn non trẻ và vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh. Khái niệm Toxic Positivity đã được nhắc đến khoảng hơn 20 năm trước, nhưng chỉ mới được chú ý gần đây.
Sự gia tăng dân số nhanh chóng cùng với các vấn đề xã hội phức tạp đã giúp các chuyên gia nhìn nhận rõ tác hại của “tích cực độc hại” trong cuộc sống.
Ví dụ về tích cực độc hại
Tất cả chúng ta đều có ít nhất một lần thực hành “sự tích cực độc hại” trong vô thức. Để dễ hình dung hơn về vấn đề này, ví dụ thực tế sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn:
Hãy tưởng tượng ai đó chia sẻ với bạn những điều tồi tệ họ đã phải trải qua. Khi chứng kiến đối phương buồn bã, u uất, có phải bạn đã bất giác nói những câu an ủi như:
- “Đừng buồn nữa, hãy lạc quan lên”
- “Tôi thấy mọi chuyện chưa thật sự tồi tệ, có gì đâu mà bạn phải lo lắng đến vậy”
- “Tích cực lên nào! Chuyện đó có gì đáng để suy nghĩ đâu”.
Không thể phủ nhận rằng, đôi khi những lời nói này bắt nguồn từ chủ đích tốt để đối phương không lo lắng và buồn bã. Tuy nhiên, đối phương không cần đến những câu ủi an sáo rỗng
Đôi khi, những câu động viên từ bạn khiến họ có cảm giác tội lỗi vì đã quá yếu đuối. Thay vì sống thật với cảm xúc của mình, họ quyết định che giấu cảm xúc thật, mà chỉ thể hiện mặt vui vẻ, tích cực.
Nhận diện tích cực độc hại – 7 Biểu hiện rõ nhất
Tích cực độc hại khó nhận biết vì sự độc hại này nằm ẩn sâu bên trong. Đôi khi chính bạn cũng không hề biết được sự tích cực mà bản thân đang thể hiện hóa ra là “chất độc” đang ăn dần ăn mòn tinh thần.
1. Luôn che giấu cảm xúc thật
Những người lạc quan luôn giữ được sự vui vẻ, hy vọng trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Thế nhưng họ chưa bao giờ che giấu những cảm xúc tồi tệ như lo lắng, bất an, buồn bã.
Cảm xúc tiêu cực vẫn được thừa nhận và giải tỏa một cách lành mạnh. Thay vì chìm đắm trong nỗi buồn, họ chọn thái độ lạc quan để đương đầu với khó khăn.
Trong khi đó, người tích cực độc hại thoạt nhìn có vẻ hạnh phúc và mãn nguyện. Nhưng sâu bên trong, mớ cảm xúc hỗn độn được che đậy bằng vỏ bọc hoàn hảo.
2. Thể hiện cảm xúc trái ngược với tâm trạng
Một biểu hiện khác dễ thấy ở người tích cực độc hại là luôn thể hiện cảm xúc trái ngược với tâm trạng. Thay vì thể hiện ra sự u sầu, trầm mặc, họ “khoác” lên mình bề ngoài vui vẻ, hào hứng.
Những người tích cực độc hại tin rằng sự “tích cực” dù giả tạo sẽ giúp triệt tiêu những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên rõ ràng, những cảm xúc tồi tệ vẫn hiện diện ở đó và lớn dần lên.
3. Không cảm thấy hạnh phúc
Dù luôn thể hiện trạng thái tốt nhất nhưng những người tích cực độc hại không hạnh phúc. Vì luôn chối bỏ và phớt lờ cảm xúc thật sự, họ sẽ luôn cảm thấy sự trống rỗng bên trong.
Những quy tắc của xã hội đôi khi khiến chúng ta phải sống gò bó trong khuôn khổ. Thế nhưng nếu ngay cả cảm xúc cũng không được thể hiện, liệu cuộc sống này còn ý nghĩa gì hay không?
Xem thêm: Khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis) gây ra nhiều hệ lụy
4. Phủ định mọi cảm xúc tiêu cực
Sự tích cực độc hại là tích cực một cách thái quá và cực đoan. Trong bất cứ tình huống nào, cảm xúc tiêu cực cũng không được phép xuất hiện.
Nếu bạn chỉ thể hiện sự tích cực, và chưa bao giờ thừa nhận cảm xúc tiêu cực, nhiều khả năng bạn là người tích cực độc hại. Bạn nên cải thiện ngay nếu không muốn mọi thứ tồi tệ hơn.
5. Gạt bỏ cảm xúc tiêu cực của người khác
những người tích cực độc hại cũng có xu hướng gạt bỏ cảm xúc tồi tệ của người khác. Thay vì đồng cảm, chia sẻ nỗi buồn, họ phủ định hoàn toàn tâm trạng tồi tệ của đối phương.
6. Phớt lờ vấn đề của bản thân
Một biểu hiện khác thường thấy ở người tích cực độc hại là phớt lờ vấn đề bản thân. Thay vì đối mặt và tìm cách giải quyết, họ phớt lờ chúng vì tin rằng mình có thể trở nên hạnh phúc.
Thế nhưng, vấn đề sẽ vẫn mãi ở đó nếu như không tìm cách giải quyết. Dù có cố gắng ngó lơ, vấn đề vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai nếu bạn không đối mặt và khắc phục.
7. Những lời an ủi sáo rỗng
Người có tư duy tích cực độc hại thường an ủi người khác bằng những lời sáo rỗng. Đôi khi, những lời nói này xuất phát từ chủ đích tốt nhưng với tư duy “độc hại”, bạn sẽ khó đưa ra những lời động viên đúng nghĩa.
Những câu nói thường thấy ở người có tư duy tích cực độc hại:
- “Đừng lo lắng nữa, hãy vui vẻ lạc quan lên”
- “Mọi chuyện có thế thôi à, nhiều người còn phải đối mặt với những điều tồi tệ hơn”
- “Tôi thấy không có gì phải buồn cả, bạn nên vui vẻ lên”
- “Bạn đang quá yếu đuối đấy, vui vẻ lên nào”
Điểm chung của những câu nói trên là luôn phủ định cảm xúc tồi tệ của đối phương thay vì thừa nhận. Khi giãi bày tâm trạng, đối phương mong chờ nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu thay vì phủ định.
Tác hại và hậu quả của tích cực độc hại
Cũng giống như mối quan hệ độc hại hay cha mẹ độc hại, tích cực độc hại cũng sẽ “giết chết” bạn ở khía cạnh tinh thần. Nếu chỉ thể hiện cảm xúc tích cực một cách “độc hại”, bạn sẽ phải đối mặt với:
1. Gia tăng căng thẳng
Tất cả mọi người đều được khuyến khích nên học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, kiểm soát khác hoàn toàn với phủ định và phớt lờ.
Bạn nên quản lý cảm xúc để tránh những hành vi bộc phát và hạn chế mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Nhưng khi chỉ có một mình hay ở cạnh ai đó tin tưởng, nên bộc lộ cảm xúc thật thay vì che giấu.
2. Tăng mức độ của các cảm xúc tiêu cực
Giải tỏa kịp thời là cách tốt nhất để triệt tiêu những cảm xúc tiêu cực. Khi thấy không vui, bạn có thể khóc lóc, chia sẻ với bạn bè và những người đáng tin cậy. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Trong khi đó nếu cố gắng che đậy, nỗi buồn dồn nén sẽ ngày càng chồng chất. Những cảm xúc tiêu cực vì thế sẽ tăng dần và đến một lúc nào đó sẽ “bùng nổ” đúng nghĩa.
3. Hình thành chuỗi cảm xúc thứ cấp
Cảm xúc thứ cấp là những cung bậc xúc cảm hình thành từ những cảm xúc ban đầu. Chẳng hạn như nếu cảm thấy lạc quan, bạn sẽ hình thành cảm giác vui vẻ và hy vọng vào một điều gì đó.
Ở những người tích cực độc hại, cảm xúc tiêu cực bị dồn nén sẽ kéo theo một chuỗi cảm xúc thứ cấp. Ví dụ cảm giác buồn bã sẽ kéo theo một loạt những cảm xúc khác như bi quan, thất vọng, lo âu, nỗi sợ hãi…
Nếu không giải quyết triệt để những cảm xúc tiêu cực đang hiện diện, bạn sẽ phải đối mặt với một chuỗi cảm xúc thứ cấp khác. Những cảm xúc tồi tệ này sẽ khiến cho tinh thần ngày càng suy kiệt.
4. Cảm thấy tội lỗi, cô đơn
Một tác hại khác của sự tích cực độc hại là gây ra cảm giác tội lỗi. Thay vì thừa nhận cảm xúc thật, bạn phải thúc giục bản thân trở nên vui vẻ, lạc quan để “vô hiệu hóa” nỗi buồn, sự thất vọng, bi quan…
Lối suy nghĩ này khiến cho nhiều người hình thành cảm giác tội lỗi khi để cho các cảm xúc tiêu cực có cơ hội xuất hiện. Cho đến một ngày, sự tiêu cực sẽ “nhấn chìm” tất cả.
5. Gia tăng các vấn đề tâm lý
Trong những năm gần đây, tích cực độc hại (Toxic Positivity) được quan tâm nhiều hơn. Vì các chuyên gia thấy rằng, lối tư duy này làm gia tăng các vấn đề tâm lý, đặc biệt là trầm cảm.
Khi ai đó luôn cố gắng che đậy nỗi buồn bằng niềm vui giả tạo, cảm giác buồn bã vẫn sẽ hiện diện ở đó. Theo thời gian, nỗi buồn tăng lên, ngày càng nặng nề và sâu sắc.
Kéo theo đó là một loạt các cảm xúc thứ cấp như bi quan, đau khổ, chán nản, mất hứng thú, vô vọng… Nếu nỗi buồn quá lớn, bạn sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm trong một thời gian dài.
6. Cổ xúy cho những vấn đề tiêu cực
Vì luôn phủ định cảm xúc tiêu cực, bạn có thể phớt lờ những vấn đề bản thân đang phải đối mặt như phân biệt giới tính, chủng tộc, màu da…
Bằng cách này, bạn đã vô tình cổ xúy cho những vấn đề tiêu cực. Nếu tất cả mọi người đều có cùng lối suy nghĩ, ai sẽ là người đấu tranh để cuộc sống ngày một văn minh hơn.
7. Giảm lòng tự trọng
Lòng tự trọng là đánh giá của mỗi người đối với giá trị của bản thân. Những người tích cực độc hại thường có xu hướng giảm lòng tự trọng. Họ mất đi sự tự tin vốn có vì không hiểu được giá trị của chính mình.
Người tích cực độc hại có niềm tin mạnh mẽ rằng, họ chỉ bản lĩnh khi lạc quan, vui vẻ. Sự xuất hiện những cảm xúc tồi tệ như thất bại, chán nản… đồng nghĩa với việc bản thân đã thất bại.
Tuy nhiên, cảm xúc tiêu cực là một phần tất yếu của cuộc sống và nó vẫn sẽ xuất hiện ngay cả khi chúng ta cố gắng phớt lờ. Vì vậy, những người có lối tư duy này sẽ luôn cảm thấy bản thân kém cỏi, thất bại.
Làm thế nào để cải thiện sự tích cực độc hại?
Sự tích cực độc hại được ví như liều thuốc độc ăn dần ăn mòn lấy tâm trí. Những người có kiểu tư duy này sẽ khó có thể thành công và dường như không bao giờ có được hạnh phúc thật sự.
1. Lắng nghe thật sự
Thay vì phủ định hoàn toàn cảm xúc của người khác, hãy lắng nghe chân thành khi họ cần một người để chia sẻ. Trải nghiệm và khả năng chống đỡ với stress ở mỗi người là khác nhau.
Vì vậy, vấn đề đó có thể không là gì với bạn nhưng lại vô cùng to lớn đối với người khác. Hãy thật sự lắng nghe, kiên nhẫn ở bên cạnh họ trong thời điểm này.
Bản thân bạn chưa từng sống cuộc đời của họ, chưa nếm trải những đau đớn, tuyệt vọng mà họ phải trải qua. Vậy nên, đừng đánh giá hay đưa ra những lời an ủi sáo rỗng.
Bạn không nhất thiết phải nói bất cứ điều gì. Ngồi yên lặng và lắng nghe thật sự là đã đủ để họ cảm thấy được ủi an. Hay chỉ đơn giản là một cái nắm tay, một cái xoa đầu hay cái ôm ấm áp cũng giúp đối phương cảm thấy tốt hơn.
2. Nói những lời an ủi chân thành
Những lời an ủi chân thành khác hoàn toàn với những câu ủi an sáo rỗng. Thay vì phủ định cảm xúc của họ, hãy thừa nhận rằng cảm xúc đó là điều tất yếu.
Khi nhận được sự công nhận từ bạn, họ sẽ không cảm thấy xấu hổ, tội lỗi vì đã thể hiện cảm xúc tiêu cực. Một vài câu an ủi chân thành sau sẽ giúp đối phương cảm nhận được sự động viên to lớn từ bạn:
- “Tôi cảm thấy thật tiếc khi bạn phải đối mặt với những điều kinh khủng như vậy.”
- “Bạn đã làm rất tốt rồi, tôi nghĩ rằng mình sẽ không làm tốt như thế nếu ở trong hoàn cảnh đó.”
- “Mọi chuyện tồi tệ đã qua, tôi tin là bạn có đủ mạnh mẽ để cân bằng lại”.
- “Tôi không biết làm gì để bạn cảm thấy khá hơn, nhưng mong rằng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn sau khi nói ra tất cả”
3. Thừa nhận cảm xúc của bản thân
Nếu thường xuyên phớt lờ cảm xúc tiêu cực của bản thân, bạn cũng cần điều chỉnh để tránh những hệ lụy lâu dài đối với sức khỏe tinh thần.
Cảm xúc tiêu cực là điều không ai mong muốn nhưng đây là một phần của cuộc sống. Chỉ khi trải qua buồn bã, đau khổ, thất vọng, sợ hãi… bạn phải cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc và niềm vui.
Thừa nhận thay vì phủ định cảm xúc là cách giúp bạn thoát khỏi “bẫy” tích cực độc hại. Bạn có thể bộc lộ cảm xúc thật khi ở một mình hay ở bên cạnh những người thân yêu.
Mỗi sự kiện trong cuộc sống đều có một ý nghĩa nào đó. Những cảm xúc tồi tệ ngày hôm nay biết đâu lại chính là hạt giống nuôi dưỡng sự mạnh mẽ, kiên cường của bạn trong tương lai.
4. Kiểm soát nhưng không phủ nhận cảm xúc tiêu cực
Sau khi thừa nhận cảm xúc tiêu cực, hãy tìm cách kiểm soát chúng một cách lành mạnh. Vì nếu để cảm xúc tiêu cực lấn át, bạn sẽ bị nhấn chìm bởi sự bi quan và thất vọng.
Một số cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực hữu hiệu bạn có thể áp dụng bao gồm ngồi thiền, tập thể dục, massage, viết nhật ký, chăm sóc cây cối, nấu nướng…
Các hoạt động lành mạnh này mang đến cho bạn niềm vui thật sự, giúp bản thân lấy lại sự cân bằng sau chuỗi ngày buồn bã và u uất.
5. Chia sẻ với ai đó đáng tin cậy
Cảm xúc tiêu cực là điều không thể tránh khỏi. Khi buồn bã, chán nản… tất cả chúng ta đều có nhu cầu chia sẻ. Tuy nhiên để không trở thành nạn nhân của sự tích cực độc hại, bạn nên tìm ai đó đáng tin cậy.
Người mà bạn tìm đến phải có sự đồng điệu về tâm hồn, thấu hiểu những gì bạn đã và đang phải trải qua. Người sẵn sàng lắng nghe tất cả, không phán xét, không xem nhẹ hay phủ định cảm xúc của bạn.
Sự tích cực độc hại (Toxic Positivity) gây ra nhiều tác hại về mặt thể chất và tinh thần. Đáng buồn thay, hiện nay không ít người trẻ đang có lối tư duy thiếu lành mạnh này.
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn nhận diện mặt “toxic” của tích cực để có một cuộc sống lành mạnh và tư duy đúng đắn hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- 9 Cách giúp bạn chuyển suy nghĩ tiêu cực thành tích cực
- Tìm hiểu tâm lý đám đông trên mạng xã hội: Tích cực và tiêu cực
- 10 Cách kiểm soát, loại bỏ suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu nhanh
- Stress trong công việc: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!