Lười biếng xã hội (Social Loafing): Nguyên nhân và ảnh hưởng

Ỷ lại vào người khác, ít nỗ lực hơn khi làm việc nhóm so với khi làm việc độc lập… là những đặc điểm của hiệu ứng lười biếng xã hội. Thuật ngữ này được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1913 và ngày càng phổ biến khi mô hình nhóm được áp dụng rộng rãi từ môi trường học đường cho đến chốn công sở.

lười biếng xã hội
Hiệu ứng lười biếng xã hội đang hiện diện ở mọi lĩnh vực, ngành nghề bao gồm cả môi trường học đường

Lười biếng xã hội (Social Loafing) là gì?

Lười biếng xã hội (Social Loafing) là thuật ngữ đề cập đến những người có xu hướng ỷ lại, ít nỗ lực hơn khi làm việc nhóm so với khi làm việc độc lập.

Nếu như khi thực hiện nhiệm vụ một mình, họ cố gắng hết khả năng để đạt kết quả tốt nhất thì ngược lại khi làm việc nhóm, họ có xu hướng ít nỗ lực hơn đáng kể. Hiệu ứng tâm lý này đang hiện diện trong nhiều lĩnh vực từ trường học cho đến môi trường công sở và các ngành nghề khác.

Khi làm việc theo nhóm, các thành viên có thể hỗ trợ nhau khắc phục hạn chế, khuyết điểm và phát huy thế mạnh của bản thân. So với làm việc độc lập, làm việc nhóm giúp công việc hoàn thiện nhanh chóng và đem lại kết quả mỹ mãn hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ khó đạt được nếu có sự xuất hiện của tâm lý lười biếng xã hội (Social Loafing).

Cùng với hiệu ứng FOMO, lười biếng xã hội đang là hiệu ứng tâm lý phổ biến hiện nay. Nếu thường xuyên phải làm việc nhóm, bạn nên tìm hiểu về hiệu ứng này để kịp thời có phương án điều chỉnh.

Nguồn gốc của thuật ngữ lười biếng xã hội

Ít ai biết rằng, thuật ngữ lười biếng xã hội lại có nguồn gốc từ thí nghiệm của kỹ sư nông nghiệp người Pháp – Max Ringelmann (1861 – 1931). Vào năm 1913, ông đã thực hiện thí nghiệm kéo co trên 14 người. Mỗi người sẽ cùng tham gia kéo co tập thể và một mình.

Social loafing là gì
Thuật ngữ Social loafing được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1913 sau thí nghiệm kéo co của kỹ sư nông nghiệp Max Ringelmann

Kết quả cho thấy, tất cả trong số họ đều ít nỗ lực và cố gắng hơn khi kéo co tập thể. Trong khi đó, nếu như kéo co một mình, họ có thể sử dụng sức mạnh gấp 1.5 cho đến 2 lần. Tuy nhiên, thí nghiệm này chưa thể khẳng định là do các cá nhân ít nỗ lực hơn hay vì phối hợp nhóm kém.

Sau đó, thí nghiệm tương tự cũng được thực hiện lần lượt vào năm 1974 và 2005. Dù được thực hiện ở những đối tượng khác nhau nhưng tất cả đều có cùng kết quả.

Để củng cố về đặc tính lười biếng xã hội đang thật sự hiện diện, các thí nghiệm tương tự cũng đã được thực hiện. Ngoài thí nghiệm kéo dây, thí nghiệm vỗ tay và la hét, nghiên cứu phân tích tổng hợp và mô hình nỗ lực tập thể (CEM) cũng đã khẳng định thêm về hiệu ứng Social Loafing.

Ví dụ về lười biếng xã hội (Social Loafing)

Lười biếng xã hội khác với tính cách lười biếng thông thường. Bởi một số người có thể rất siêng năng, nỗ lực khi làm việc độc lập nhưng lại có xu hướng ỷ lại, ít cố gắng khi làm việc nhóm.

Social loafing là gì
Lười biếng xã hội là tâm lý phụ thuộc, ỷ lại và có xu hướng ít cố gắng hơn khi làm việc nhóm

Ví dụ thực tế sau sẽ giúp bạn có hình dung chân thực hơn về đặc tính lười biếng xã hội:

Hãy tưởng tượng, bạn sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó cùng với 5 thành viên khác.

Nếu như đảm nhiệm một mình, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian để hoàn thành vì nhiệm vụ tương đối khó khăn và có nhiều bước phải thực hiện. Trước khối lượng công việc nhiều, bạn phải lên kế hoạch cụ thể để giải quyết từng bước, kiểm soát lỗi nhằm đảm bảo có thể hoàn thành đúng deadline.

Trong trường hợp làm việc nhóm, dù thời gian gấp rút hơn, bạn sẽ có xu hướng ít nỗ lực và cố gắng như khi làm việc một mình. Hơn hết, bạn biết rằng làm việc nhóm đồng nghĩa với việc cả nhóm sẽ phải chịu trách nhiệm chứ không riêng một cá nhân nào cả. Áp lực về trách nhiệm giảm đi tạo ra tâm lý ỷ lại và bạn cảm thấy không nhất thiết phải cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tâm lý này dẫn đến việc hoàn thành công việc không đúng hạn, chậm trễ so với tiến độ. Nhưng vì là trách nhiệm của cả nhóm nên ai đó sẽ phải giúp bạn hoàn thành phần nhiệm vụ được giao. Kết quả là thành tích chung không bị ảnh hưởng và thành viên ít cố gắng vẫn được đánh giá tương đương với những cá nhân bỏ nhiều công sức hơn.

Nguyên nhân dẫn đến tâm lý lười biếng xã hội (Social Loafing)

Lười biếng xã hội là hiệu ứng tâm lý xảy ra ở số đông mọi người. Vậy nguyên nhân thật sự nào dẫn đến hiệu ứng này?

1. Tính cách phụ thuộc, ỷ lại

Rõ ràng, những người có tính cách ỷ lại, phụ thuộc vào người khác sẽ dễ phát triển đặc tính lười biếng xã hội khi làm việc cùng với người khác. Thay vì chủ động, việc phụ thuộc vào người khác có vẻ tốn ít công sức hơn.

Những người có tính cách này thường rất ít nỗ lực khi làm việc nhóm, họ tỏ ra mờ nhạt để “nhường lại” phần nhiệm vụ khó khăn cho những thành viên nổi trội. Khi làm việc một mình, vì không có ai để dựa dẫm nên họ đành phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.

2. Thiếu động lực

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến đặc tính lười biếng xã hội là thiếu động lực. Khi làm việc độc lập, kết quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của bản thân. Trong khi đó, nếu làm việc nhóm, tất cả các thành viên đều được đánh giá như nhau dựa trên kết quả chung.

Social loafing là gì
Động lực giảm đi đáng kể khi làm việc nhóm và điều này dẫn đến tâm lý lười biếng, không muốn cố gắng

Tình trạng này làm giảm động lực khi học tập và làm việc nhóm. Bởi nếu có cố gắng hết sức, thành tích của bạn vẫn sẽ ngang bằng với những thành viên lười biếng, ỷ lại. Suy nghĩ này khiến cho phần đông mọi người rơi vào hiệu ứng lười biếng xã hội, có xu hướng ít nỗ lực hơn khi làm việc cùng với những người khác.

3. Thành viên trong nhóm quá nổi trội

Lười biếng xã hội cũng có thể bắt nguồn từ việc một số thành viên trong nhóm quá nổi bật và tài năng. Khi có những thành viên “chủ chốt”, các thành viên còn lại thường có xu hướng ỷ lại, ít cố gắng như khi thực hiện nhiệm vụ một mình.

Các thành viên nổi bật thường sẽ chịu trách nhiệm những phần khó nhất, phần còn lại sẽ được phân chia cho các thành viên khác. Trước những người có năng lực vượt trội, rất khó để không rơi vào thế phụ thuộc, ỷ lại.

Ngược lại, nếu ở trong một nhóm mà các thành viên có năng lực ngang nhau, tâm lý ỷ lại sẽ ít xuất hiện hơn. Các thành viên sẽ phải cùng nhau cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.

4. Phân tán trách nhiệm

Khi làm việc độc lập, mọi trách nhiệm sẽ do cá nhân gánh vác. Trách nhiệm to lớn tạo ra áp lực lẫn động lực để chúng ta cố gắng. Ngược lại khi làm việc nhóm, trách nhiệm được phân tán cho tất cả. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người sẽ có ít động lực và nỗ lực hơn khi làm việc.

Lười biếng xã hội
Trách nhiệm bị phân tán khiến một số người hình thành tâm lý lười biếng, không muốn nỗ lực hết mình cho công việc chung

Khi làm việc nhóm, người được giao vị trí leader (trưởng nhóm) sẽ là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Đây cũng là lý do nhóm trưởng thường phải hệ thống nhiệm vụ, phân chia công việc cho các thành viên. Sau đó, tổng kết lại, đánh giá, sửa chữa…

Sẽ không có gì đáng nói nếu những thành viên khác không có tâm lý ỷ lại, tỏ ra ít cố gắng khi làm việc nhóm. Vì trách nhiệm bị phân tán và bản thân nhóm trưởng là người chịu trách nhiệm chính nên những thành viên khác dường như không có lý do để nỗ lực như khi làm việc độc lập.

5. Quy mô nhóm

Qua những nghiên cứu đã được thực hiện và từ chính thực tế, hiệu ứng lười biếng xã hội có mối liên hệ mật thiết với quy mô nhóm. Nhóm có quy mô càng lớn thì hiệu suất của các thành viên càng giảm và ngược lại.

Đối với những nhóm có từ hàng chục thành viên trở lên, trách nhiệm sẽ bị phân tán. Thành tích của một thành viên ít khi ảnh hưởng đến kết quả chung. Chính điều này đã tạo ra tâm lý ỷ lại, ít cố gắng khi làm việc nhóm.

Với quy mô nhóm nhỏ chỉ có vài thành viên, kết quả làm việc của một cá nhân sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thành tích chung. Trước trách nhiệm lớn, đương nhiên mỗi thành viên sẽ phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

6. Đánh giá thiếu khách quan

Khi làm việc nhóm, rất nhiều người cảm thấy không hài lòng với đánh giá từ trưởng nhóm. Nhiều người dù nỗ lực hơn nhưng vẫn nhận được đánh giá ngang bằng so với người lười biếng, ít đóng góp vào công việc chung. Về lâu dài, tình trạng này sẽ tạo ra tâm lý lười biếng, không muốn nỗ lực hết mình.

sự lười biếng trong xã hội
Quy mô nhóm càng lớn thì trách nhiệm của mỗi thành viên càng thấp và khả năng xuất hiện tâm lý Social Loafing càng cao

Đánh giá khách quan về thành tích của từng thành viên sẽ tạo ra động lực cho mỗi cá nhân. Bởi chỉ khi cố gắng được ghi nhận và đền đáp, sự nỗ lực đó mới có thể duy trì. Khi nỗ lực bị phủi bỏ, tâm lý lười biếng xã hội sẽ dần xuất hiện ở những lần làm việc kế tiếp.

7. Ảnh hưởng của văn hóa, xã hội

Lười biếng xã hội có mối liên hệ mật thiết với quan điểm văn hóa, xã hội ở một số quốc gia. Chẳng hạn như ở Trung Quốc và các quốc gia lân cận, nữ giới ít có đặc tính lười biếng, ỷ lại, trong khi đó nam giới có xu hướng lười biếng khi làm việc tập thể.

Những quốc gia này khẳng định vị thế độc tôn của người đàn ông trên phương diện xã hội. Vì vậy, nam giới chỉ có thể làm việc độc lập và có xu hướng chán nản, thiếu động lực khi làm việc nhóm. Trong khi đó, phụ nữ có thể làm việc tốt ở cả hai hình thức là cá nhân và nhóm.

Đặc tính lười biếng xã hội cũng có sự khác biệt ở những quốc gia. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, chủ nghĩa cá nhân được coi trọng nên hiệu ứng này phổ biến hơn. Trong khi đó ở những quốc gia Châu Á đề cao chủ nghĩa tập thể, lười biếng xã hội có tỷ lệ thấp hơn.

Bằng chứng này cho thấy, Social Loafing có thể bắt nguồn từ ảnh hưởng của xã hội và văn hóa. Tuy nhiên, đây chỉ được xem là nguyên nhân thứ yếu.

8. Do hiệu ứng Sucker (Sucker Effect)

Hiệu ứng Sucker là cảm giác tin rằng những người khác sẽ nhận công lao từ nỗ lực của chính mình. Sự nghi ngờ này khiến cho nhiều người có xu hướng lười biếng, chậm trễ trong công việc. Họ sẽ quan sát xem những người xung quanh có nỗ lực không trước khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

social loafing là gì
Hiệu ứng Sucker là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý phụ thuộc và ỷ lại khi làm việc nhóm

Nếu tất cả các thành viên đều có tâm lý này, hiệu ứng lười biếng xã hội sẽ xuất hiện, cản trở tiến độ công việc và kết quả là ảnh hưởng đến thành tích chung của cả nhóm.

Dù biết trước kết quả tồi tệ, nhưng suy nghĩ bản thân phải bỏ công sức nhiều hơn người khác khiến phần đông mọi người đều tỏ ra lười biếng và giảm nỗ lực khi làm việc.

9. Hiệu ứng người ngoài cuộc

Hiệu ứng người ngoài cuộc (Bystander Effect) và lười biếng xã hội có mối quan hệ mật thiết. Hiệu ứng này diễn tả tình trạng số người có mặt càng đông thì tỷ lệ giúp đỡ những người gặp nạn càng thấp. Khi có sự hiện diện của nhiều người, tất cả đều suy nghĩ sẽ có ai đó ra tay giúp đỡ nên bản thân không nhất thiết phải ra mặt.

social loafing là gì
Nguồn gốc của Social Loafing còn được lý giải bởi hiệu ứng người ngoài cuộc (Bystander Effect)

Ngoài tình huống giúp đỡ người gặp nạn, hiệu ứng này cũng xuất hiện khi làm việc và học nhóm. Khi làm việc, một số thành viên có thể gặp khó khăn khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng thay vì xông xáo hỗ trợ, bạn tỏ ra không quan tâm vì cho rằng bản thân là “người ngoài cuộc”.

Như vậy, khi làm việc nhóm, bạn sẽ có xu hướng ít cố gắng hơn vì tin rằng các thành viên khác có thể hoàn thành những nhiệm vụ đó. Ngược lại, trong hoàn cảnh chỉ có bạn và một thành viên khác, bạn sẽ không ngần ngại hỗ trợ khi họ gặp phải khó khăn trong công việc.

10. Mục tiêu đặt ra thấp hơn hoặc vượt quá khả năng

Khi nhận nhiệm vụ nào đó, các thành viên có xu hướng đánh giá mục tiêu hướng đến. Với những mục tiêu xa vời, thiếu thực tế, phần lớn mọi người đều sẽ không nỗ lực hết mình. Vì họ biết rằng, dù nỗ lực đến đâu cũng sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, với những mục tiêu dễ đạt được, các thành viên dường như không cảm thấy bất cứ khó khăn hay thách thức nào. Vì vậy, họ sẽ có xu hướng mất động lực và không nỗ lực hết mình. Thay vì dồn hết 100% công sức, họ chỉ bỏ ra từ ⅓ – ⅔ công sức là đủ để đạt được mục tiêu.

Lười biếng xã hội ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân, tập thể?

Lười biếng xã hội đang là vấn nạn ở nhiều quốc gia. Ngày nay, làm việc nhóm đã trở thành hình thức phổ biến trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Sự phối hợp nhịp nhàng, bổ trợ lẫn nhau giúp công việc được hoàn thành một cách nhanh chóng và xuất sắc. Tuy nhiên, mặt trái của hình thức này là hiệu ứng lười biếng xã hội đang dần len lỏi vào môi trường công sở lẫn học đường.

Về khía cạnh cá nhân, lười biếng xã hội khiến cá nhân đó dần mất đi tính chủ động. Hình thành tâm lý ỷ lại vào những thành viên xuất sắc thay vì nỗ lực để khẳng định bản thân. Thói quen này về lâu dài sẽ “bào mòn” ý chí khiến họ giậm chân tại chỗ và khó thăng tiến trong sự nghiệp.

Trong tập thể, sự hiện diện của lười biếng xã hội sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung. Nếu các thành viên đều có tâm lý này, kết quả đạt được sẽ không như mong đợi. Hơn nữa, thói quen ỷ lại, ít nỗ lực của phần đông các thành viên sẽ tạo ra không khí làm việc thụ động, thiếu đi sự hào hứng và sáng tạo.

social loafing là gì
Tâm lý lười biếng xã hội sẽ làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa các thành viên

Lười biếng xã hội còn gây ra sự căng thẳng, mâu thuẫn giữa các cá nhân. Những cá nhân xuất sắc, luôn xông xáo trong công việc sẽ cảm thấy không hài lòng trước tâm lý phụ thuộc của các thành viên khác.

Mặc dù những hậu quả của lười biếng xã hội không thật sự rõ ràng nhưng hiệu ứng này đang cản trở sự phát triển của các cá nhân lẫn tập thể doanh nghiệp. Ở quy mô rộng hơn, lười biếng xã hội làm trì trệ sự phát triển của kinh tế – xã hội.

Làm sao để ngăn chặn đặc tính lười biếng xã hội?

Lười biếng xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất cá nhân lẫn thành tích chung của nhóm. Tâm lý này sẽ khiến công việc trì trệ kéo theo nhiều hệ quả không thể lường trước.

Mấu chốt của lười biếng xã hội là các cá nhân thiếu động lực khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, có thể ngăn chặn tâm lý này qua một số cách sau:

1. Tạo động lực

Khi làm việc nhóm, trách nhiệm bị phân tán nên động lực của mỗi cá nhân sẽ giảm đi đáng kể. Vì vậy, cần tạo động lực để mỗi thành viên nỗ lực hết mình hoàn thành nhiệm vụ, tránh tâm lý ỷ lại.

Tùy theo tính chất nghề nghiệp, có thể tạo động lực bằng cách khẳng định tính quan trọng của nhiệm vụ được giao phó. Đồng thời tiến hành đánh giá mỗi cá nhân bên cạnh thành tích chung. Như vậy, các thành viên mới ý thức về vai trò của mình trong nhóm và nỗ lực để hoàn thành yêu cầu từ cấp trên.

2. Phân công công việc cụ thể

Cụ thể hóa công việc sẽ giúp các thành viên ý thức rõ ràng hơn về vai trò và trách nhiệm của bản thân. Thay vì giao nhiệm vụ một cách chung chung, hãy phân chia thành từng nhiệm vụ nhỏ và mỗi thành viên sẽ đảm nhiệm.

social loafing là gì
Cụ thể hóa công việc là một trong những cách hữu hiệu giúp ngăn chặn đặc tính lười biếng xã hội

Bằng cách cụ thể hóa công việc, thành viên nào không hoàn thành tốt sẽ bị khiển trách. Trong khi đó nếu không phân chia rõ ràng, phần lớn mọi người sẽ hình thành tâm lý ỷ lại và tin rằng thành viên cốt cán trong nhóm sẽ “gánh team”.

3. Tăng cường giám sát

Leader cần tăng cường giám sát các thành viên để đảm bảo tiến độ công việc. Nếu xảy ra tình trạng chậm trễ, cần đốc thúc để đảm bảo tiến độ chung. Các thành viên cũng có thể cùng đánh giá để phát hiện những điểm hạn chế, thiếu sót và hỗ trợ nhau hoàn thiện hơn.

Bằng cách này, mỗi thành viên sẽ có ý thức hơn về vai trò và nhiệm vụ của bản thân. Với sự giám sát chặt chẽ, đặc tính lười biếng xã hội sẽ ít có cơ hội len lỏi vào môi trường làm việc. Thành viên nào không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ bị đào thải, không xảy ra tình trạng đạt thành tích cao dựa trên công sức của người khác.

4. Đánh giá khách quan về các thành viên

Ngoài thành tích chung của nhóm, các thành viên cũng cần được đánh giá dựa trên năng lực và những đóng góp cho công việc. Để ngăn chặn hiện tượng lười biếng xã hội, cần đánh giá khách quan dựa trên nỗ lực của cá nhân đó.

Khi được đánh giá đúng công sức bỏ ra, mỗi cá nhân sẽ có động lực hơn khi làm việc. Hạn chế tâm lý ỷ lại, phụ thuộc vào những cá nhân xuất sắc.

5. Có quy tắc rõ ràng khi làm việc nhóm

Khi học tập và làm việc nhóm, các thành viên nên đặt ra quy tắc rõ ràng ngay từ đầu. Chẳng hạn như nhiệm vụ nên được giao phó ngẫu nhiên hay dựa trên thế mạnh của từng thành viên. Có cần báo cáo tiến độ hay chỉ cần nộp kết quả vào deadline…

Dù quy mô nhỏ, nguyên tắc vẫn là điều cần thiết để đảm bảo hiệu suất làm việc. Những thành viên vi phạm nguyên tắc, chểnh mảng, thiếu trách nhiệm… sẽ bị đánh giá thấp. Đặt ra những quy tắc rõ ràng từ ban đầu sẽ giúp các thành viên gia tăng tính trách nhiệm và có động lực hơn.

6. Tuyên dương các cá nhân xuất sắc

Sau những lần làm việc nhóm, các cá nhân xuất sắc, nỗ lực nên được tuyên dương. Vì chỉ khi nhận được sự công nhận, các thành viên mới giảm tâm lý ỷ lại và tìm mọi cách để khẳng định năng lực. Hơn nữa, tuyên dương những cá nhân có đóng góp để các thành viên thấy rằng, mọi sự cố gắng đều sẽ được ghi nhận.

Lười biếng xã hội
Tuyên dương các cá nhân xuất sắc cũng góp phần đẩy lùi hiệu ứng lười biếng xã hội

7. Khuyến khích bằng phần thưởng

Trong quá trình làm việc, cần khích lệ tinh thần làm việc bằng phần thưởng cụ thể. Như vậy, các thành viên sẽ cố gắng để nhóm đạt được thành tích cao nhất trong khả năng. Leader – người dẫn đầu cũng cần nhắc nhở liên tục về mục tiêu, khuyến khích các thành viên hoàn thành công việc đúng hạn.

Đặc tính lười biếng xã hội đang dần len lỏi vào các lĩnh vực, ngành nghề. Tâm lý ỷ lại, phụ thuộc ở một số người gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc chung, đồng thời là vật cản khiến người đó khó phát triển và hoàn thiện bản thân. Hiểu về Social Loafing sẽ giúp bạn ý thức hơn về tác hại cũng như không để bản thân rơi vào tâm lý ỷ lại khi làm việc nhóm.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *