Hiệu ứng tương phản là gì? Phân tích những góc nhìn cụ thể

Hiệu ứng tương phản là một hiện tượng tâm lý thú vị và rất thường gặp trong đời sống. Chúng ta luôn có xu hướng đánh giá một vật bằng cách so sánh vật đó với một vật khác, dù trên bản chất chúng không hề có những điểm chung khi đặt lên bàn cân. Giá trị của một vật có thể tăng lên hoặc giảm đi, tùy thuộc vào vật mà chúng được mang ra so sánh. Cùng tìm hiểu về hiện tượng thú vị này trong bài viết dưới đây.

Hiệu ứng tương phản là gì?

Hiệu ứng tương phản xảy ra khi chúng ta so sánh hai vật bất kỳ với nhau theo một số tiêu chí nhất định, và làm nổi bật sự đối lập của chúng dựa trên tiêu chí đặt ra. Hiệu ứng này có thể bóp méo nhận thức của con người, làm sai lệch cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá một vật.

hiệu ứng tương phản
Hiệu ứng tương phản có thể giúp nâng cao hoặc hạ thấp giá trị của một vật khi so sánh với một vật khác.

Khi đem hai vật so sánh với nhau, chúng ta sẽ đánh giá một vật dựa trên hệ quy chiếu của vật còn lại, dựa trên sự tương quan giữa chúng, chứ không phải dựa trên bản chất. Điều này dẫn đến giá trị và tính chất thực tế của vật bị thay đổi, có thể trở nên tốt hơn hoặc tệ hơn.

Nhưng khi so sánh riêng lẻ từng sản phẩm, hệ quy chiếu mà ta sử dụng sẽ đánh giá chính xác hơn bản chất của vật đó. Hiệu ứng này cho thấy con người có xu hướng không quan tâm đến bản chất của một vật, mà chỉ thích so sánh chúng với những vật khác. Một số ví dụ về hiệu ứng tương phản dưới dây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của nhận định trên:

  • Khi đặt một vật sáng trên nền tối, bạn sẽ cảm thấy vật sáng và đẹp hơn. Tương tự, khi đặt một vật tối trên nền sáng, vật sẽ trở nên nổi bật và sang trọng hơn.
  • Khi đặt hai sản phẩm sang trọng và đắt tiền bên cạnh nhau, sản phẩm đắt tiền hơn sẽ khiến sản phẩm rẻ hơn trở nên quê mùa và rẻ tiền, dù trên bản chất chúng đều là những sản phẩm chất lượng và có giá trị cao.
  • Nếu bạn ăn một loại trái cây ít ngọt trước, sau đó ăn một loại trái cây ngọt hơn, bạn sẽ cảm thấy loại trái cây sau có vị ngọt đậm đà hơn nhiều. Những vị mặn, chua, cay, đắng,… cũng tương tự, nếu không muốn cảm giác chua, cay, mặc, đắng tăng lên thì hãy ăn những thực phẩm có vị đậm đà trước, sau đó ăn đồ ngọt hơn để giảm cảm giác khó chịu.
  • Một người có chiều cao hay hình thể bình thường sẽ cảm thấy tự ti, thất vọng với bản thân khi nhìn vào những người tập gym và có hình thể đẹp. Tuy nhiên, họ sẽ cảm thấy an ủi hơn khi so sánh bản thân với người có chiều cao khiến tốn hơn, hoặc hình thể kém hơn.

Những đặc điểm được dùng để so sánh tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Vì thế dù trong cùng một tình huống, hiệu ứng tương phản sẽ ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Hiệu ứng này được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống và kinh doanh.

Hiệu ứng tương phản tích cực và tiêu cực

Như đã nói ở trên, hiệu ứng tương phản có thể thay đổi cách ta đánh giá một sự vật hoặc một vấn đề, khiến một thứ trở nên tốt hơn hoặc tệ đi khi so sánh với một thứ khác. Chính vì thế, ta sẽ có hiệu ứng tương phản tích cực, và hiệu ứng tương phản tiêu cực dựa trên từng tình huống cụ thể.

  • Hiệu ứng tương phản tiêu cực: Hiệu ứng tương phản tiêu cực xảy ra khi giá trị của một sự vật bị hạ thấp vì đặt chúng cạnh một sự vật khác tốt hơn, hoặc nghiêm trọng hơn. Về bản chất, giá trị của sự vật vẫn không hề thay đổi, nhưng khi đứng cạnh một thứ tốt hơn thì mọi ưu điểm hoặc khuyết điểm đều bị lu mờ. Hiệu ứng này có thể khiến chúng ta có thành kiến không tốt về một vật, hoặc cảm thấy thất vọng, tư ti khi so sánh bản thân với những người tốt hơn.
  • Hiệu ứng tương phản tích cực: Hiệu ứng tương phản tích cực xảy ra khi giá trị của một vật được nâng tầm vì đứng cạnh một vật khác kém hơn về chất lượng, ngoại hình, tài năng,… Đây là cách những người kinh doanh thường dùng để làm nổi bật sản phẩm của bản thân so với đối thủ, hoặc khiến chúng ta lầm tưởng về giá trị thực của chúng khi so sánh với những vật tệ hơn.
hiệu ứng tương phản là gì
Khi xung quanh có quá nhiều kẻ xấu trai, chàng trai có nhan sắc bình thường nhất cũng trở nên đẹp hơn trong mắt cô gái.

Hai thái cực này của hiệu ứng tương phản tác động lên mọi thứ từ sự vật, sự việc đến con người, và chi phối cuộc sống của chúng ta nhiều đến mức ta không hề nhận ra. Chắc chắn từ trước đến nay, không ít lần bạn đánh giá một vật khi so sánh chúng với một vật khác tương tự, mà không chú ý đến bản chất thật sự của vấn đề.

Ứng dụng của hiệu ứng tương phản trong đời sống

Nếu biết cách tận dụng tốt hiệu ứng tương phản, bạn có thể tạo ra nhiều lợi ích cho bản thân trong cuộc sống bằng cách tác động trực tiếp đến nhận thức của người khác. Chúng ta hoàn toàn có thể làm nổi bật một sản phẩm bình thường, nâng tầm giá trị một sản phẩm, hoặc giảm nhẹ tác động xấu của một sự kiện bằng cách so sánh với sự kiện tồi tệ hơn.

1. Trong kinh doanh

Mục đích khi sử dụng hiệu ứng tương phản trong kinh doanh tiếp thị là gây ấn tượng cho khách hàng, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về giá trị thực tế của sản phẩm, từ đó tăng doanh số bán ra. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi đi đến một cửa hàng trưng bày sản phẩm.

Người bán hàng sẽ rất tinh ý khi trưng bày một sản phẩm đắt tiền, cao cấp nhưng lại không đẹp hay độc đáo bằng những sản phẩm xung quanh, ở chính giữa. Sản phẩm này sẽ đóng vai trò là hệ quy chiếu để so sánh với những thứ còn lại. Thử hỏi khi so sánh giữa một túi xách đắt hơn và xấu hơn, với chiếc túi đẹp hơn và rẻ hơn, bạn sẽ mua cái nào?

Sản phẩm được mang ra so sánh cũng có thể đẹp hơn, nhưng chắc chắn giá cả đắt hơn rất nhiều so với những chiếc túi khác. Những chiếc túi cửa hàng muốn bán có chất lượng và mẫu mã không thua kém nhiều, nhưng giá mềm hơn. Lúc này, khách hàng sẽ cảm thấy món hàng đáng tiền hơn, hời hơn, và tỷ lệ “rút ví” của họ cũng sẽ cao hơn.

Chiếc túi đắt tiền này được gọi là “chim mồi” và có tác dụng đánh lạc hướng khách hàng. Nhãn hàng không quan tâm chuyện vật đem ra làm mồi có bán được hay không, cái họ quan tâm là doanh thu của những sản phẩm khác. Hiệu ứng chim mồi này được áp dụng rất nhiều trong kinh doanh để kích doanh thu.

Có lẽ bạn sẽ chú ý rằng, người ta thường mua những sản phẩm có khối lượng lớn, mua sỉ, hoặc combo thức ăn, nước uống, vật phẩm,… vì giá của chúng rẻ hơn rất nhiều so với mua lẻ. Bạn có thể tiết kiệm rất nhiều tiền so với việc mua lặt vặt từng món nhỏ. Khi đặt hai vật này cạnh nhau, hiệu ứng tương phản sẽ khiến bạn không chú ý đến sản phẩm “chim mồi” với giá đắt đỏ.

Ví dụ dễ thấy nhất của hiện tượng này là túi bắp lớn và túi bắp nhỏ ở rạp chiếu phim. Túi bắp lớn có lượng bắp gấp đôi túi nhỏ, nhưng giá chênh lệch chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng. Trong trường hợp này, rõ ràng không ai mua một túi nhỏ với giá cắt cổ, mà sẽ chọn túi to với số bắp lớn, giá cả lại không đắt hơn bao nhiêu.

Rạp chiếu phim vốn không định bán những túi bắp nhỏ, cái họ hướng đến là những túi bắp lớn, hoặc combo bắp-nước để kiếm lời. Giá bắp và nước ở rạp chiếu phim rõ ràng đắt hơn bình thường rất nhiều, nhưng chúng ta không hề để ý đến việc này, vì chỉ so sánh giữa những sản phẩm hiện có với nhau. Phần lớn doanh thu của rạp là đến từ những sản phẩm bán kèm này.

ví dụ hiệu ứng tương phản
Những kích cỡ bắp khác nhau với nhiều giá thành chênh lệch là cách rạp chiếu phim “móc ví” của bạn một cách tinh vi mà bạn không hề chú ý.

Ngành bất động sản cũng dùng hiệu ứng tương phản để bán được những căn nhà họ muốn. Đầu tiên, người môi giới sẽ đưa chúng ta đến một căn nhà có nhiều vấn đề như nhỏ, hướng nhà xấu, phòng ốc cũ kĩ,… nhưng có giá rất cao. Sau đó, họ sẽ đưa ta đến một căn nhỏ to hơn, đẹp hơn với mức giá không chênh lệch nhiều so với căn đầu tiên.

Điều này khiến khách hàng cho rằng bản thân đã mua được nhà với giá hời. Một căn nhà đẹp, giá rẻ là cơ hội không thể bỏ qua. Đương nhiên trong quá trình giới thiệu nhà, người môi giới cũng có những mánh khóe nhất định để “thao túng” khách hàng, như nói rằng nhiều người đang nhắm đến, hoặc đang có khuyến mãi,… để kích cầu mua sắm.

2. Phỏng vấn xin việc

Trong nhiều tình huống, thứ tự trước và sau ảnh hưởng rất lớn đến tiêu chí đánh giá vấn đề. Trong thi cử hay phỏng vấn, nếu người tuyển dụng tiếp xúc với những ứng viên kém hoặc trung bình trước, tiêu chí đánh giá của họ sẽ bị ảnh hưởng. Đến khi gặp được một bài thi xuất sắc, một ứng viên giỏi, sự tương phản sẽ khiến người tuyển dụng đánh giá rất cao người sau.

Tương tự, khi gặp qua những bài viết xuất sắc và những con người tài giỏi, người chấm thi sẽ luôn so sánh những người sau với người ban đầu. Dù những thí sinh phía sau vẫn rất tài năng, nhưng họ vẫn kém năng lực hơn, và “thiếu một chút” so với người đầu tiên, bởi vì ấn tượng ban đầu là quá lớn. Hiệu ứng tương phản trong trường hợp này được thể hiện rất rõ ràng.

Cò thể thấy, trình độ của một ứng viên không được đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn khách quan ban đầu, mà dựa trên người giỏi hơn hoặc kém hơn họ. Như vậy thì càng có nhiều người ứng tuyển thì càng có nhiều lựa chọn, hiệu ứng tương phản cũng thể hiện càng rõ rệt. Người tuyển dụng so sánh trình độ các ứng viên với nhau vì họ muốn tuyển ra người tốt nhất.

Việc không ngừng so sánh sẽ giúp người tuyển dụng tìm được ứng viên tài năng hơn, và để chắc chắn rắng bàn thân không bỏ lỡ những người phù hợp nhất với vị trí tuyển dụng. Thỉnh thoảng, việc so sánh này sẽ gây ra tình trạng thiên vị, và sự đánh giá có thể bị sai lệch khi phẩm chất và đặc điểm của các ứng viên không được dựa trên tiêu chí khách quan.

3. Trong giáo dục

Trong môi trường giáo dục, hiệu ứng tương phản có thể ảnh hưởng đến tính công bằng trong chấm điểm, và nhận xét chủ quan của giáo viên dành cho học sinh, đặc biệt là môn học nghiêng về cảm xúc như văn học và nghệ thuật. Tương tự như người tuyển dụng, giáo viên có thể đánh giá quá cao hoặc quá thấp một bài viết, một tác phẩm khi so với người trước.

Những bài viết, hay những tác phẩm nghệ thuật đều cần được đánh giá và cho điểm trên những chuẩn mực khách quan. Tuy nhiên, nếu đem chúng so sánh với những bài viết tốt hơn hoặc tệ hơn phía trước, giá trị thật sự của tác phẩm sẽ bị sai lệch. Hiệu ứng tương phản gây ra sự bất công so với khi tác phẩm được đánh giá độc lập.

ảnh hưởng của hiệu ứng tương phản
Ảnh hưởng của hiệu ứng tương phản gây sự bất công trong giáo dục, khi chất lượng của một bài viết không được đánh giá đúng theo tiêu chuẩn khách quan.

Hiện tượng tương phản này cũng xuất hiện trong học tập, khi một học sinh bình thường ở lớp chuyên có thể thấy bản thân kém cỏi so với bạn bè. Nhưng trên thực tế, năng lực của bạn cao hơn nhiều so những học sinh lớp khác. Hiện tượng này còn được gọi là hiệu ứng cá lớn-ao nhỏ, hay “Nhìn lên mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì không ai bằng mình”.

Thực tế, con người cảm thấy tốt hơn, tự tin hơn khi xung quanh là những người kém hơn bản thân trong một lĩnh vực nào đó, nhưng họ sẽ cảm thấy tư ti và nghi ngờ năng lực của mình khi chung quanh có quá nhiều người giỏi hơn, có hiệu suất làm việc tốt hơn. Nhận thức đúng đắn về bản thân có thể giúp ta thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực này.

4. Trong truyền thông và xã hội

Khi lướt mạng xã hội, hay tham gia các cộng đồng hội nhóm, bạn sẽ bắt gặp những con người có hồ sơ lý lịch cực “khủng” như giàu có, đẹp trai xinh gái, tốt nghiệp trường đại học hàng top thế giới, lương tháng vài chục hoặc vài trăm triệu, và luôn du lịch nghỉ ngơi tại nơi sang trọng. Họ luôn thể hiện rằng bản thân cực kỳ thành công và hạnh phúc.

Ngoài ra, những chương trình tôn vinh những con người tài năng trong xã hội xuất hiện nhan nhản, hoặc việc truyền thông luôn chú ý đến những người xinh đẹp, giàu có khiến bạn có cảm tưởng rằng, thế giới này toàn là người tài giỏi, trong khi bạn quá tầm thường và không có giá trị trong cuộc sống.

Thấy vậy, bạn sẽ bắt đầu so sánh bản thân với những con người này. Bạn không giàu có (nhưng không thiếu ăn), không xinh đẹp (nhưng bạn bình thường chứ không xấu xí), không học tại đại học danh tiếng (nhưng vẫn tốt nghiệp đại học tốt với mức điểm phù hợp), cũng không lương tháng vài chục vài trăm triệu (nhưng bạn vẫn có thể chi tiêu thoải mái trong cuộc sống).

Rõ ràng, bạn không kém cỏi như bản thân tự cảm thấy. Bạn chỉ đang rơi vào hiệu ứng tương phản từ những hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội, trên truyền thông vẽ nên. Trên thực tế, nhiều người chỉ dựng nên lớp vỏ bọc tài giỏi và giàu sang trên mạng xã hội để “sống ảo”, chứ không tuyệt vời như vậy trong thực tế.

Truyền thông và các tiêu chuẩn khắc nghiệt của xã hội khiến hiệu ứng tương phản ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người. Vì thế, việc quan tâm quá nhiều đến những thông tin này sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và tự ti. Chúng ta cần đánh giá chính xác giá trị của bản thân mình, đừng để bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực.

Cách khắc phục hiệu ứng tương phản

Hiệu ứng tương phản có thể tạo ra lợi ích cho một số đối tượng, nhưng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho đối tượng khác. Vì thế, chúng ta cần khắc phục những ảnh hưởng mà hiệu ứng này mang đến, tránh việc rời vào bẫy của những người làm kinh doanh, hoặc suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống.

khắc phục hiệu ứng tương phản
Nhận thức được cách hiệu ứng tương phản ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta có thể giúp ta tránh được hiệu ứng tâm lý này.
  • Nhận thức về hiệu ứng tương phản: Muốn thoát khỏi ảnh hưởng của hiệu ứng này thì trước hết, chúng ta cần nhận thức được cách nó ảnh hưởng đến con người. Nhận thức về sự tiêu cực của hiệu ứng, cùng với việc các nhà kinh doanh “móc túi” chúng ta ra sao sẽ có ích rất nhiều cho cuộc sống. Bạn có thể tránh được việc mất tiền oan vào những thứ không thật sự cần thiết, hoặc tránh được việc tự ti khi đánh giá bản thân.
  • Đánh giá công bằng: Hãy đánh giá mọi thứ dựa trên một quy chuẩn nhất định, khách quan và không bị ảnh hưởng bới những nhân tố khác. Có như vậy, bạn mới không so sánh khập khiễng giữa các đối tượng, và không đưa ra quyết định một cách thiên vị và thiếu công bằng. Hãy đánh giá mọi thứ đúng với bản chất của chúng, và đừng đánh giá thấp bản thân khi so sánh mình với những người có tiêu chuẩn cao hơn.
  • Suy nghĩ kỹ trước khi quyết định: Quyết định vội vàng trong cơn hưng phấn nhất thời có thể dẫn đến kết quả tồi tệ. Hãy tạm dừng suy nghĩ trước khi quyết định, xem xét lại các tiêu chuẩn cần thiết, và cân nhắc xem đây có phải là sự lựa chọn tối ưu hay không. Đừng để một số ưu điểm nổi bật từ đối tượng làm lu mờ khuyết điểm của họ, cũng như lu mờ sự phù hợp và tài năng của những đối tượng khác.
  • Nâng cao nhận thức: Cung cấp cho những người xung quanh thông tin về các thiên kiến nhận thức thường thấy, bao gồm cả hiệu ứng tương phản, để họ hạn chế ảnh hưởng từ những hiệu ứng tâm lý này.

Hiệu ứng tương phản mang đến lợi ích thiết thực cho kinh doanh và tiếp thị bằng cách kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng, tăng doanh số, phát triển mạnh mẽ hơn. Nhưng đồng thời, người tiêu dùng cũng có thể bị “lừa” mua những thứ không cần thiết, hoặc mua với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật.

Hiệu ứng này cũng khiến chúng ta có nhận thức sai lệch khi đánh giá một con người hay một vấn đề nào đó. Chính vì thế, hãy sáng suốt nhìn rõ những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực của hiệu ứng này, và áp dụng một cách phù hợp, có chừng mực trong cuộc sống.

Có lẽ bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *