Hội chứng cai rượu: Triệu chứng, cách điều trị và chăm sóc
Hội chứng cai rượu khiến người bệnh rơi vào mê sảng, co giật, run rẩy, xuất hiện ảo giác phi lý. Tình trạng này xảy ra do người bệnh nghiện rượu bia kéo dài nhưng đột ngột ngưng uống rượu gây ra các phản ứng quá mức của cơ thể vì chưa kịp thích nghi. Các phản ứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không kiểm soát kịp thời.
Hội chứng cai rượu là gì?
Hội chứng cai rượu (Alcohol Withdrawal Syndrome – AWS) là thuật ngữ dùng trong y tế với các triệu chứng đặc trưng như mê sảng, co giật, xuất hiện ảo giác trên những người đang trong quá trình cai rượu. Những người này có đặc điểm chung là nghiện rượu trong thời gian dài, thường sử dụng với liều lượng lớn nhưng đột ngột ngừng uống rượu khiến cơ thể không kịp thích nghi.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh xác định người được coi là nghiện rượu cần sử dụng ít nhất 8 ly/ tuần nếu là phụ nữ và hơn 15 ly/ tuần nếu là nam giới. Hoặc điều này cũng phụ thuộc vào tính chất các loại thức uống, bao gồm ( 1 Ounce = 1 oz = 29.57 ml )
- 1,5 ounce các loại chưng cất chẳng hạn Gin, Rum, Vodka hay Whisky
- 5 ounce rượu Wine
- 8 ounce rượu Mạch nha
- 12 ounce Bia
Các dấu hiệu AWS xuất hiện trong vòng 6 tiếng đến vài ngày kể từ thời điểm sử dụng cuối cùng. Xảy ra các triệu chứng này chính bởi cơ thể bình thường đã quen với việc nạp rượu trong thời điểm đó hằng ngày nên khi không có rượu sẽ có xu hướng phản ứng lại. Điều này thường gặp ở những người đột ngột ngừng rượu do điều trị bệnh hoặc nguyên nhân nào đó nên không có lộ trình điều trị thích hợp.
Hội chứng cai rượu có thể bị nhầm lẫn với loạn thần do nhiễm độc rượu cấp tính do có một vài triệu chứng có thể tương đồng và xuất hiện chung một nhóm đối tượng nghiện rượu. Tuy nhiên bản chất của hai tình trạng này là khác nhau. AWS là nghiện rượu và ngừng uống đột ngột dẫn tới các triệu chứng thần kinh trong khi loạn thần do nhiễm độc rượu cấp tính là tổn thương thần kinh do rượu.
Rượu bia hay các thức uống có cồn nói chung đều là những tác nhân gây ra rất nhiều tác hại đến cả cơ thể lẫn hệ thần kinh. Người bệnh cần phải được cấp cứu ngay lập tức để tránh các các hệ lụy khác tác động trực tiếp đến tính mạng. Một số khác sau khi vượt qua giai đoạn này có xu hướng “không dám” bỏ rượu nữa, vẫn uống hằng ngày và cũng làm suy giảm đến sức khỏe nói chung.
Hội chứng cai rượu biểu hiện thế nào?
Thống kê cho thấy có khoảng 8 đến 40 % người nghiện rượu từng rơi vào hội chứng cai rượu ở nhiều cấp độ, trong đó tỷ lệ người cần thực hiện các biện pháp cấp cứu cũng rất cao. Mức độ các triệu chứng này thường tương đồng với liều lượng rượu mà người đó thường nạp vào, có nghĩa là uống rượu càng nhiều mức độ các triệu chứng càng nghiêm trọng.
Các biểu hiện của hội chứng cai rượu có thể xuất hiện sau 6 tiếng đến vài ngày kể từ thời điểm uống rượu cuối cùng, đồng thời nghiêm trọng hơn sau 2-3 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Việc uống một chút rượu có thể làm giảm mức độ các triệu chứng này nên một số người có thể sử dụng liên tục nhưng nếu không đúng cách cũng sẽ làm tình trạng chuyển biến xấu hơn.
Alcohol Withdrawal Syndrome ở giai đoạn 1 ( mức độ nhẹ nhất) thường có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau đây ( xuất hiện ở 6- 12h đầu tiên từ khi ngưng uống rượu.
- Lo âu, bồn chồn
- Run rẩy, đi không vững
- Nhức đầu, choáng váng
- Không muốn ăn uống
- Vã mồ hôi
- Rối loạn giấc ngủ, khi ngủ dễ gặp áp mộng
- Thở nhanh, thở gấp khó tự kiểm soát
- Nhịp tim và huyết áp có thể nhanh bất thường, một số trường hợp cũng có thể giảm đột ngột. Trong đó nhịp tim lên 100 nhịp/ phút và huyết áp cũng có thể tăng 180-200mmHg
- Gặp các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn buồn nôn, nôn hết những gì đã ăn hoặc đau bụng
- Có cảm giác thèm rượu và luôn thôi thúc bản thân uống rượu
- Ở giai đoạn 1 của hội chứng cai rượu, người bệnh vẫn giữ được tinh thần tỉnh táo, vẫn nhận thức và làm mọi việc như bình thường
Giai đoạn 2 của hội chứng cai rượu xuất hiện ở 10 – 25% bệnh nhân, với thời điểm xuất hiện các triệu chứng là từ 12- 24h kể từ lần sử dụng rượu cuối cùng. Các biểu hiện điển hình ở giai đoạn này bao gồm
- Có ảo giác trên cả mặt thị giác, thính giác hay cảm xúc giác nhưng phổ biến nhất vẫn là ảo giác thị giác
- Ảo giác thính giác bao gồm nghe thấy có người xúi dục uống rượu hay tấn công người khác
- Ảo giác thị giác bao gồm nhìn thấy ma quỷ hay có người đuổi theo hay tấn công mình dẫn tới các hành vi phản kháng tấn công ngược lại từ họ. Thống kê cho thấy có đến 85% bệnh nhân Alcohol Withdrawal Syndrome có các triệu chứng này
- Ảo giác xúc giác bao gồm cảm thấy tê ngứa râm ran toàn thân như có con gì bò lên, gãi liên tục nhưng không hề thuyên giảm
- Bao gồm cả các triệu chứng ở giai đoạn 1 với các mức độ nghiêm trọng hơn
Giai đoạn 3 của hội chứng cai rượu xuất hiện từ 12- 48h tiếng theo, ảnh hưởng đến khoảng 15% bệnh nhân. Ở thời điểm này người bệnh đã hoàn toàn nên đến bệnh viện thăm khám hoặc thực hiện các biện pháp y tế để kiểm soát các triệu chứng kịp thời.
- Cơn co giật cục bộ hoặc toàn thể diễn ra trong thời gian ngắn
- Cơn co giật kiểu động kinh, tuy nhiên chỉ gặp ở một số ít bệnh nhân
Giai đoạn 4 của hội chứng sảng rượu xuất hiện từ 48 -96h tiếp theo đi kèm rất nhiều biểu hiện nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạnh nên cần có biện pháp kiểm soát nhanh chóng. Người bệnh lúc này cần được nhập viện cấp cứu ngay lập tức để tránh các hệ lụy nguy hiểm đến tính mạng.
- Sảng rượu với các triệu chứng đặc trưng bao gồm kích động quá mức, ảo giác liên tục, huyết áp cao, đổ mồ hôi lạnh, tim đập nhanh khó kiểm soát, gặp ác mộng và nói mê sảng, rối loạn ý thức. Tình trạng này có thể gây tử vong trên khoảng 2- 10% bệnh nhân do không kiểm soát kịp thời.
- Sốt cao đột ngột, thân nhiệt tăng vọt không thể hạ nhiệt, toàn thân nóng ran. Trạng thái sốt cao cũng làm trầm trọng hơn tình trạng mê sảng và sảng rượu
Mặt khác, một người khi cai rượu nói chung cũng còn xuất hiện các biểu hiện khác như mệt mỏi, thất thần, hay cáu gắt, người vật vã, lơ đãng, không thể tập trung vào bất cứ điều gì, cơ thể như không còn sức sống. Đôi khi các biểu hiện AWS nhẹ cũng dễ bị cho rằng đó là do người đó mới bỏ rượu nên cơ thể chưa quen chứ ít người cho rằng đó là các triệu chứng bệnh lý nên thường bị bỏ qua.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng cai rượu
Có thể nói, nghiện rượu cũng như nghiện ma túy, rất khó bỏ. Theo cơ chế khóa học, các chất trong rượu sẽ làm các axit gamma-aminobutyric (GABA) trong não bị mất cân bằng, điều này làm cho các Glutamate kích thích hệ thần kinh và giảm hoạt động của glutamatergic. Bởi thế càng uống rượu, nồng độ dopamine trong não tăng lên khiến cho người đó có cảm giác dễ chịu, vui vẻ và thoải mái hơn hẳn.
Việc thay đổi liều lượng rượu nạp vào có liên quan đến khả năng chịu đựng của hệ thần kinh, bao gồm sự mất cân bằng của GABA, sự tăng quá mức của glutamatergic và sự làm ức chế receptor NMDA dẫn phản ứng kích thích cơ thể nghiêm trọng ở hội chứng cai rượu. Nồng độ thay đổi của dopaminergic và noradrenergic có liên quan trực tiếp đến các ảo giác của người bệnh.
Theo các chuyên gia, hoạt động của trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận giảm ở những người ngừng uống rượu đột ngột sẽ kích thích tăng tiết cortisol – hormone gây căng thẳng và dẫn tới các phản ứng quá khích khác. Đây cũng là lý do người bệnh thường có xu hướng hay cáu bẳn, tức giận, khó chịu hơn sau khi không uống rượu.
Các nghiên cứu cũng luôn khuyến cáo không nên lạm dụng rượu kéo dài bởi thức uống này có thể ức chế hoạt động của các thụ thể thần kinh NMDA. Khi sử dụng rượu quá mức sẽ khiến các thụ thể bị ức chế trước đó không còn bị ức chế nữa nên xảy ra các triệu chứng như lo lắng, bồn chồn, run rẩy, kích động, co giật hay mê sảng.
Mặt khác, cần hiểu rằng cơ thể cần phải có thời gian để điều chỉnh thích nghi với sự thay đổi. Việc nạp rượu vào cơ thể trước đó vốn đã làm tổn thương hệ thần kinh, nhiễu loạn quá trình gửi tín hiệu của não bộ. Do đó vốn dĩ hệ thần kinh trung ương đã đang điều chỉnh các hoạt động dựa trên sự ảnh hưởng của rượu để đảm bảo não bộ hoạt động tốt các nhiệm vụ dẫn truyền thông tin. Việc ngừng cung cấp rượu đột ngột khiến não bộ không kịp xoay sở với các phản ứng khiến hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích.
Thực tế rõ ràng có thể thấy việc uống rượu dù ít hay nhiều cũng gây ra vô vàn các ảnh hưởng đến sức khỏe, hệ thống thần kinh nói chung, không sớm thì muộn cũng bắt đầu bộc lộ. Tuy nhiên hội chứng cai rượu thường diễn ra một cách đột ngột khiến cơ thể không thích nghi kịp nên thường dễ gây ra các biến chứng trầm trọng hơn.
Hội chứng cai rượu cùng những hệ lụy khó lường
Hội chứng cai rượu xảy ra trên những người nghiện rượu lâu năm nên vốn dĩ cả thể chất và hệ thần kinh của họ cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Lạm dụng rượu trong thời gian dài chính là nguyên nhân làm suy giảm trí nhớ, tổn thương đường ruột, dạ dày, tăng nguy cơ lão hóa, rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là nguy cơ ung thư trên rất nhiều đối tượng.
Alcohol Withdrawal Syndrome có thể gây ra hàng loạt các hệ lụy nghiêm trọng khác, ảnh hưởng đến cả thể chất tinh thần, thể chất hay chất lượng cuộc sống của mỗi người. Bao gồm
- Trong trạng thái xuất hiện hoang tưởng, ảo giác người bệnh có thể xuất hiện các hành vi tấn công người khác vì cho rằng mình đang bị làm hại. Các hành vi kích động của người bệnh không chỉ gây hại đến những người xung quanh mà còn là cho chính bản thân họ
- Sức khỏe suy giảm nghiêm trọng do thiếu ngủ, nôn ói nên cơ thể không nạp đủ dinh dưỡng cần thiết
- Gia tăng nguy cơ các bệnh lý thực thể về dạ dày, tim mạch, viêm phổi
- Gia tăng nguy cơ các rối loạn tâm thần khác ngay cả khi đã điều trị khỏi hội chứng cai rượu, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần, suy giảm trí nhớ và các chức năng não bộ khác
Thậm chí, hội chứng cai rượu nếu ở giai đoạn 3 và 4 không được kiểm soát kịp thời có nguy cơ tử vong lên tới 2 – 33% và trong khi điều trị sớm tỷ lệ xuống còn 5%. AWS cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều người tái nghiện rượu, không thể cai được cho cảm thấy bản thân sẽ lại gặp nguy hiểm nếu không uống rượu. Tất nhiên khi uống rượu lại, mức độ các tổn thương không thuyên giảm mà còn nghiêm trọng hơn.
Chẩn đoán hội chứng cai rượu
Người bệnh cần phải làm một số xét nghiệm cần thiết, bao gồm cả trả lời các bài test để chẩn đoán chính xác bệnh lý và mức độ. Hội chứng cai rượu đôi khi có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác có các triệu chứng tương tự như nhiễm độc giáp hay ngộ độc thuốc kháng cholinergic nên cần thực hiện đầy đủ các kế hoạch chẩn đoán và xét nghiệm chuyên môn.
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), để chẩn đoán chẩn đoán Alcohol Withdrawal Syndrome , người bệnh cần có ít nhất 2 trong số các triệu chứng dưới đây tính từ thời điểm ngừng uống rượu đột ngột
- Tăng động tự chủ (bao gồm vã mồ hôi hoặc tăng nhịp tim);
- Run tay
- Mất ngủ
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Xuất hiện ảo giác có liên quan đến thị giác, xúc giác hoặc thính giác thoáng qua
- Kích động tâm thần vận động
- Lo lắng, bồn chồn
- Co giật co cứng-co giật
Thang đo CIWA-Ar được dùng phổ biến trong quá trình chẩn đoán tính trạng hội chứng cai rượu. Trong đó nếu kết quả thang đo dưới 8 điểm cho thấy AWS ở mức nhẹ, 8–15 ở mức trung bình và nếu >15 điểm tức là giai đoạn nghiêm trọng. Người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện lại thang đáng giá lặp lại ít nhất 8 giờ một lần.
Một số xét nghiệm khác cũng được thực hiện đầy đủ để xác định mức độ tổn thương về mặt thể chất hay tinh thần để có thể điều chỉnh các loại thuốc hay biện pháp can thiệp thích hợp. Sau khi có đầy đủ kết quả chẩn đoán cuối cùng, bác sĩ mới bắt đầu lên kế hoạch điều trị để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
Hướng điều trị hội chứng cai rượu
Tùy tình trạng hiện tại mà hướng điều trị hội chứng cai rượu có thể thay đổi. Tuy nhiên để khắc phục hoàn toàn tình trạng này là cả một quá trình lâu dài để người bệnh có thể cai rượu hoàn toàn. Một số tình trạng nghiêm trọng người bệnh có thể phải nhập viện để điều trị dài ngày, với các trường hợp nhẹ hơn có thể chăm sóc và khắc phục tại nhà.
Điều trị khẩn cấp
Điều trị khẩn cấp cần thực hiện với những bệnh nhân có các triệu chứng co giật, mê sảng, có ảo giác, mất nhận thức để tránh các tình huống nguy hiểm. Tốt nhất khi người bệnh rơi vào trạng thái này cần di chuyển đến bệnh viện gần nhất để kiểm soát tình huống, hạn chế để người bệnh rơi vào nguy kịch.
Cụ thể, một số phương án điều trị khẩn cấp cho những người đang trong hội chứng cai rượu bao gồm
- Theo dõi các triệu chứng, nếu có dấu hiệu nôn mửa hay co giật cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện gần nhất. Nếu bệnh nhân co giật, cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách kiểm soát tình hình, tránh tình trạng người bệnh cắn vào lưỡi gây nguy hiểm.
- Bổ sung chất điện giải cho cơ thể thông qua truyền tĩnh mạch vitamin B1 (Thiamine) hay bổ sung các thành phần glucose, phosphate, magie, kali. Việc theo dõi và bổ sung điện giải nên được thực hiện tại bệnh viện hay những người có chuyên môn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể để người bệnh dùng một chút rượu nhẹ để giảm các biểu hiện thèm rượu mãnh liệt tới mức kích thích thần kinh, tuy nhiên hầu hết chỉ chỉ định cho các trường hợp nặng
- Thực hiện các biện pháp cấp cứu phù hợp với từng tình trạng của bệnh nhân trong hội chứng cai rượu
Điều trị bằng thuốc
Các trạng thái của Alcohol Withdrawal Syndrome có thể được can thiệp cải thiện đáng kể nhờ một số loại thuốc. Tuy nhiên thuốc chỉ giúp xoa dịu các trạng thái kích thích thần kinh tạm thời, không thể giúp người bệnh cai rượu hoàn toàn. Việc dùng thuốc cũng cần do bác sĩ chuyên môn chỉ định, người bệnh cần đảm bảo tuân theo liều lượng được yêu cầu.
Một số nhóm thuốc chính được chỉ định cho những người mắc hội chứng cai rượu bao gồm
- Nhóm Benzodiazepin (Valium, Klonopin, chlordiazepoxide và Ativan): có tác dụng chính là an thần, từ đó kiểm soát tốt tình trạng mê sảng hay co giật. Liều phổ biến là 20mg Valium /1-2h đầu tiên; sau đó giảm còn 5 – 10mg trong 4 – 6h ở 1-3 ngày tiếp theo, sau đó tiếp tục điều chỉnh liều tùy theo triệu chứng. Ở bệnh nhân có dấu hiệu sảng rượu có thể phải truyền benzodiazepine qua đường tĩnh mạch.
- Nhóm Phenytoin: giúp giảm co giật, có thể dùng cho cả bệnh nhân có tiền sử chấn thương sọ não và động kinh. Tuy nhiên với bệnh nhân AWS thường được khuyến khích dùng oxazepam hoặc lorazepam do thuốc nhóm Phenytoin có nguy cơ gây ra tổn thương gan.
- Nhóm Thiamin: thường dùng 1 liều 1g duy nhất trong ngày nhằm hạn chế nguy cơ mắc hội chứng não Wernicke
- Thuốc chẹn beta: nếu bệnh nhân có tiền sử hoặc đang mắc bệnh mạch vành.
- Một số loại thuốc khác: thuốc hạ huyết áp; haloperidol hoặc carbamazepine đồng thời bổ sung các nhóm vitamin B1, B6, B12 đều mang đến nhiều phản ứng tích cực cho bệnh nhân.
Việc dùng thuốc hoàn toàn cần theo chỉ dẫn của bác sĩ bởi thuốc cũng có thể gây nghiện và gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Tùy tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ cũng sẽ điều chỉnh dần liều lượng thuốc cho tới khi đảm bảo bảo các triệu chứng của người bệnh đã trở về trạng thái ổn định nhất.
Điều trị tâm lý
Các triệu chứng của hội chứng cai rượu cũng có thể gây ra ảnh hưởng đáng kể đến khía cạnh tâm lý, đặc biệt là trạng thái kích động, bốc đồng hay tiêu cực tăng dần trong khi không được uống rượu. Do đó bác sĩ cũng có thể khuyến khích việc chăm sóc trị liệu tâm lý để khắc phục sớm tình trạng này, giúp người bệnh dần lấy lại cuộc sống ổn định bình thường sau khi bỏ rượu.
Trị liệu tâm lý sẽ giúp người bệnh nhìn nhận rõ ràng hơn hậu quả của việc nghiện rượu, có ý thức tự thay đổi thói quen sử dụng rượu hằng ngày. Việc học các kiểm soát hành vi, tự xoa dịu cảm xúc, đấu tranh với bản thân trong thời điểm chưa cai rượu thành công cũng được nhà trị liệu hướng dẫn để người bệnh có tâm lý thoải mái, thích cực nhất, hỗ trợ rút ngắn giai đoạn này.
Thường người nghiện rượu nặng có sự suy giảm đáng kể về hành vi, nhận thức, năng lực xã hội. Những người này chìm đắm trong men rượu đến mức bỏ bê công việc, sức khỏe nên luôn có các hành vi và cảm xúc tiêu cực sai trái. Sau các ảnh hưởng từ hội chứng cai rượu, mức độ các biểu hiện này có thể càng tăng lên.
Liệu pháp trị liệu hành vi CBT, các liệu pháp thư giãn được áp dụng chủ yếu cho những người mắc hội chứng cai rượu để giúp người bệnh chủ động trong quá trình thay đổi nhận thức, điều chỉnh các hành vi tiêu cực thành tích cực hơn, góp phần hòa nhập với các hoạt động xã hội dễ dàng hơn. Trị liệu tâm lý được đánh giá mang lại rất nhiều phản hồi tích cực trong quá trình thay đổi của bệnh nhân Alcohol Withdrawal Syndrome .
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Một chế độ sinh hoạt lành mạnh sẽ có ích trong quá trình phục hồi cả về tâm lý và thể chất cho những người mắc hội chứng cai rượu. Bao gồm
- Nghỉ ngơi, để tâm trí được thư giãn, thả lỏng, tránh các trạng thái tiêu cực hay kích thích. Một vài nghiên cứu chỉ ra càng ở trạng thái tiêu cực và chán nản, người ta càng có xu hướng tìm đến bia rượu để giải tỏa cảm xúc hơn, do đó khi đang ở trạng thái phục hồi cho người mắc Alcohol Withdrawal Syndrome cần hạn chế việc rơi vào cảm xúc tiêu cực
- Làm xao nhãng cảm giác thèm uống rượu bằng những hoạt động có ích, chẳng hạn tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, dọn dẹp nhà cửa hay làm bất cứ việc gì cần có độ tập trung cao
- Lên kế hoạch cho một chế độ sinh hoạt lành mạnh, bao gồm ăn uống đúng bữa, ngủ đủ 7- 8 tiếng mỗi ngày và tập luyện thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây, các món ăn nhẹ nhàng, giàu dinh dưỡng
- Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay bất cứ loại chất kích thích nào để xua tan cảm giác thèm rượu
- Các chuyên gia khuyến khích sau khi điều trị hội chứng cai rượu, người bệnh nên tham khảo nghỉ ngơi tại những nơi có không gian thoáng đãng, không khí trong lành, tự nhiên để phục hồi tốt nhất
Hội chứng cai rượu thường gặp ở nam giới trong rất nhiều độ tuổi và gây ra rất ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Rượu bia, thức uống có cồn hay các loại chất kích thích luôn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại đến sức khỏe con người nên cần kiểm soát việc sử dụng, hạn chế lạm dụng quá mức để bảo vệ cho chính bản thân.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội Chứng Người Tốt Là Gì? Biểu Hiện Và Cách Khắc Phục
- Hội Chứng Mệt Mỏi Kinh Niên Có Thể Là Hệ Lụy Của Stress
- Hội Chứng Ám ảnh Cân Nặng (Sợ Tăng Cân): Làm Sao Thoát Khỏi?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!