Hội Chứng Người Tốt Là Gì? Biểu Hiện Và Cách Khắc Phục

Bạn không quan tâm đến cảm xúc hay nhu cầu của bản thân mà chỉ luôn quan tâm đến cảm xúc của người khác? Bạn luôn “say yes” với mọi lời nhờ vả dù trong thâm tâm hoàn toàn không muốn làm? Bạn dù đang cảm thấy tức tối nhưng vẫn luôn mỉm cười với người đã làm hại bạn? Rất có thể bạn đang mắc phải “Hội chứng người tốt” – Nice Guy Syndrome và cần được can thiệp ngay lập tức!

Hội chứng người tốt là gì?

“Người tốt” là người luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, có trái tim nhân hậu, có lòng bao dung, chính trực, thậm chí họ còn dám hi sinh bản thân vì người khác. Hầu như ai khi sinh ra cũng luôn muốn mình trở thành một “người tốt” trong mắt người khác. Không thể phủ nhận khi được đánh giá là ‘người tốt” thì chúng ta có cơ hội được tận hưởng rất nhiều đặc quyền, đặc biệt chính là tình yêu thường của những người xung quanh.

Hội chứng người tốt
Người mắc hội chứng người tốt luôn mỉm cười trong mọi tình huống để không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh

Thế nhưng nếu lúc nào bạn cũng ám ảnh bởi việc phải trở thành “người tốt”, phải giúp đỡ mọi người, luôn hạ giá trị của mình xuống, làm những điều mà bản thân không mong muốn , bỏ qua cảm xúc của mình vì người khác thì đây có thể không phải là một khía cạnh về tính cách, mà có thể là một dấu hiệu của bệnh lý có tên là “hội chứng người tốt” – Nice Guy Syndrome.

Hiểu một cách đơn giản thì hội chứng người tốt là một thuật ngữ y tế dùng cho một dạng rối loạn tâm thần có gây ra các ảnh hưởng đến đời sống xã hội của một người, được đặc trưng bằng việc luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người mà bỏ qua cảm xúc của bản thân. Theo đó, thuật ngữ này được đề cập lần đầu tiên trong tác phẩm “No More Mr. Nice Guy” của Tiến sĩ Robert Glover và đã nhanh chóng được sử dụng phổ biến sau đó.

Trong tác phẩm của mình, Robert Glover dùng “Nice Guy Syndrome” để đã miêu tả về những người đàn ông luôn cố gắng thể hiện mình là người ga lăng, lịch thiệp, luôn chiều ý các cô gái cho dù bản thân họ không thực sự muốn như vậy để lấy được trái tim các “mỹ nhân”. Và tất nhiên, thói quen luôn muốn làm hài lòng người khác có thể xuất hiện ở bất cứ ai trong cuộc sống hiện nay, không chỉ các quý ông.

Hoặc một thuật ngữ khác là People Pleaser ( Người làm hài lòng mọi người ) cũng được dùng để mô tả cho những người mắc hội chứng người tốt. Đặc trưng của những người này chính là họ luôn hạ thấp giá trị hay nhu cầu của bản thân để đáp ứng mong muốn, nhu cầu hay nguyện vọng của người khác. Điều này sẽ khiến họ an tâm, thoải mái hơn là việc đưa ra một lời từ chối.

Không thể phủ nhận rằng, cá nhân mỗi chúng ta thường ám ảnh bởi việc phải trở thành một “người tốt”, luôn sợ rằng mình sẽ làm sai, mọi người sẽ không yêu thích mình, không muốn xảy ra tranh cãi với bất cứ ai, không muốn làm mất lòng mọi người. Bởi thế mà tỷ lệ số người mắc hội chứng người tốt trong dân số chung là không hề nhỏ.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Nhận diện hội chứng người tốt

Một đặc điểm chung có thể dễ nhận thấy ở những người mắc hội chứng người tốt chính là họ thường khá thụ động, hay lo âu, ít chủ động đưa ra ý kiến hay nhu cầu của cá nhân.Trong mắt những người xung quanh, khi cần nhờ vả việc gì chắc chắn những “người tốt” này luôn là cái tên đầu tiên được hiện ra bởi mọi người biết rằng họ sẽ không bao giờ từ chối.

Cần hiểu rằng việc “ làm người tốt” ở Nice Guy Syndrome không nhằm mục đích thao túng tâm lý, lấy lòng mọi người mà để làm xoa dịu chính cảm giác lo âu của họ. Tất nhiên trong nội tâm sâu xa họ vẫn mong chờ các hành vi của mình được đón nhận, được yêu thương nhưng điều này luôn đi kèm theo sự mệt mỏi, tiêu cực, căng thẳng. Dù vậy họ cũng không thể kiểm soát được các hành vi của mình.

Một số đặc điểm nhận diện những người mắc hội chứng người tốt như

Không bao giờ nói từ chối

Một điều có thể thấy rõ ở những người mắc hội chứng người tốt chính là họ luôn “say yes” với mọi lời đề nghị. Từ việc làm bài tập hộ bạn, đưa đón người khác dù ngược đường, tăng ca hộ đồng nghiệp dù không có lương.. Cho dù những việc được đề nghị không nằm trong khả năng và bản thân họ cũng không hề có hứng thú, thậm chí là chán ghét nhưng những người này cũng luôn đồng ý khi được đề nghị.

Hội chứng người tốt
Vì không biết từ chối nên những “người tốt” luôn phải ôm đồm tất cả mọi việc được mọi người nhờ vả

“Từ chối”, “không được” dường như không bao giờ nằm trong từ điểm của người mắc Nice Guy Syndrome . Bản thân họ cũng có thể rơi vào trạng thái đấu tranh nội tâm mãnh liệt khi nhận được một lời đề nghị không mong muốn, nhưng cuối cùng bản thân họ vẫn sẽ gật đầu. Ngay cả khi họ biết đối phương đang lợi dụng mình nhưng bản thân họ cũng không biết cách nào để từ chối.

Đây cũng là điểm khác biệt giữa một người có tính cách tốt bụng với một người mắc hội chứng người tốt. Mỗi con người đều có một tính cá tính riêng, nếu được nhờ vả một vài lần họ vẫn có thể chấp thuận nhưng nếu kéo dài quá nhiều làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân thì một người dù tốt bụng vẫn sẽ biết từ chối. Trong khi đó Nice Guy Syndrome  luôn chấp nhận tất cả dù không mang lại lợi ích cá nhân nào.

Hoặc trong một tình huống phát sinh khó khăn mà không ai muốn nhận nhiệm vụ thì những người mắc hội chứng người tốt sẽ luôn là người xung phong thực hiện bởi họ không muốn ai phải khó xử. Bởi thế trong một công việc hay hoạt động hội nhóm, những công việc khó khăn, nặng nhọc nhất thường luôn do những người này đảm nhiệm.

Quan tâm quá mức đến suy nghĩ của người khác

Thay vì nghĩ đến cảm xúc của bản thân thì những người mắc hội chứng người tốt luôn phải lo lắng xem người khác nghĩ gì và làm thế nào để hài lòng người khác. “ mình nói như thế có đúng không”; “ mình làm như vậy bạn đó có buồn không”; “liệu có ai bị tổn thương vì lời nói của mình không”.. Đây là những suy nghĩ luôn xuất hiện thường trực trong tâm trí của những người mắc hội chứng này.

Chẳng hạn khi họ đặt hàng nhưng bị giao nhầm mẫu họ thà để không xài chứ không muốn báo với chủ shop để đổi lại; hay khi phải nhận một món ăn không như ý muốn, họ vẫn sẵn sàng khen ngon khi được chủ tiệm hỏi.. Trong một cuộc trò chuyện hay bàn luận, họ thường xuôi theo ý kiến của người khác thay vì đưa ra ý kiến của mình. Nêu ý kiến của họ gây ra.

Mặt khác người mắc hội chứng người tốt cũng luôn dành sự quan tâm quá lớn việc việc người khác nghĩ gì về mình, liệu mọi người có không thích mình không. Bởi thế hầu như khi làm gì hay nói gì, dù mang tính chất cho cá nhân hay tập thể, những người này cũng hay có xu hướng xem xét sắc mặt hay thái độ của người khác, điều này khiến họ thấy an tâm hơn.

Xem nhẹ giá trị và cảm xúc của bản thân

Cảm xúc hay giá trị của bản thân luôn được xếp cuối cùng trong những mối quan hệ của Nice Guy Syndrome. Cho dù trong một vấn đề mà họ không thích nhưng người khác thích, người khác yêu cầu họ vẫn dễ dàng chấp thuận. Chẳng hạn khi cùng đi ăn mà đối phương lựa chọn món ăn có nguyên liệu mà họ không ăn nhưng những người này vẫn đồng ý cùng ăn, kể cả khi phải nhập viện vì dị ứng.

Hội chứng người tốt
“Người tốt” không hề quan tâm đến cảm xúc của bản thân nên lúc nào cũng thấy mệt mỏi

Chính họ cũng dần quên mất mình là ai, mình cần gì và muốn gì bởi quá quan tâm đến suy nghĩ của người khác. Niềm vui của những người xung quanh khiến họ có niềm tin về bản thân mình hơn là chỉ chú trọng đến cá nhân. Bởi thế hầu hết trong các tình huống khi cần đưa ra ý kiến, người mắc hội chứng người tốt thường không chủ động đề xuất mà luôn nói rằng “ sao cũng được” “mọi người sao thì mình vậy”.

Tất nhiên những cảm xúc tồi tệ, không thích thú của họ vẫn luôn tồn tại. Tuy nhiên giữa việc “không thích” của bản thân và cảm giác “người khác sẽ không vui” thì họ thà để bản thân chịu thiệt còn hơn. Dần dần những cảm xúc tiêu cực trong những tình huống như vậy sẽ tích tụ lại và dường như có thể trở nên bùng nổ bất cứ lúc nào.

Tử tế quá mức

Một đặc điểm có thể nhận thấy rõ ràng ở những người mắc hội chứng người tốt chính là họ có sự tử tế quá mức cần thiết. Trong một hội nhóm, bạn có thể thấy đó là người lo toan tất cả mọi việc lớn nhỏ. Trong lúc mọi người đi chơi thì họ ngồi lại trông đồ; trong lúc mọi người trang điểm thì họ bận nấu ăn; họ luôn là người phía sau lo lắng để mọi người được vui vẻ nhất.

Những “người tốt” này luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ một ai, kể cả một người mới quen hay một người lạ. Hay nếu có các tình huống xảy ra khiến họ cảm thấy khó chịu thì họ vẫn luôn “giả vờ” vui vẻ để không làm mất không khí chung. sự tử tế và tốt bụng của họ luôn được thể hiện một cách rõ ràng trong tất cả mọi khía cạnh.

Ngại nhờ vả một ai đó

Mặt dù những người mắc hội chứng người tốt có thể chấp thuận bất cứ lời đề nghị nào của những người xung quanh tuy nhiên khi phải suy nghĩ đến việc nên nhờ vả một ai đó lại khiến họ cực kỳ lo lắng và đấu tranh rất nhiều. Bởi lọ lo lắng rằng liệu lời đề nghị của mình có làm phiền người khác không, có thuận tiện cho đối phương không, người đó có thực sự thoải mái không? Và  kết quả là họ sẽ luôn làm mọi thứ một mình.

Hội chứng người tốt
Người mắc hội chứng người tốt luôn tự làm mọi việc, dù khó khăn vì rất ngại nhờ vả người khác

Không chỉ là sự giúp đỡ về các vấn đề xung quanh mà những người mắc hội chứng người tốt cũng có xu hướng không chia sẻ về cảm xúc, những chuyện vui buồn của mình. Họ lo lắng những người xung quanh sẽ bị làm phiền hoặc cũng không thực sự hứng thú đến vấn đề của họ. Những cảm xúc khó chịu luôn bị giấu diếm khiến họ cảm thấy rất bí bách, u uất mà không biết làm gì.

Ngay cả khi được những người khác chủ động đề nghị giúp đỡ, họ cũng thường có xu hướng từ chối hoặc tìm mọi cách để đáp trả nhanh chóng. Họ có thể thoải mái “cho đi” nhưng việc “nhận lại” có thể trở thành một gánh nặng  khiến họ căng thẳng.

Luôn dễ dàng tha thứ

Tha thứ, bao dung là một tính cách tốt, tuy nhiên cần phải đúng người, đúng thời điểm. Người mắc hội chứng người tốt có thể dễ dàng tha thứ cho một ai đó, cho dù đối phương đã thực hiện rất nhiều điều tồi tệ với họ. Chẳng hạn như lừa dối tình cảm, lừa tiền hay lợi dụng lòng tốt. Bản thân họ dù ý thức được rằng đối phương đối xử không đúng mực nhưng họ vẫn dễ dàng chấp thuận những điều này.

Thậm chí, khi bị một ai đó lừa dối, lợi dụng, thay vì tức giận họ lại tự dằn vặt chính bản thân mình, cho rằng mình là người không tốt, mình không có giá trị gì nên mới bị đối xử như thế. Những người này còn chủ động làm hòa, kết nối lại với đối phương thay vì có suy nghĩ giận hờn hay oán trách. Việc “được” xin lỗi còn khiến họ thấy cảm kích và may mắn vì cảm thấy bản thân có giá trị hơn.

Thụ động và thiếu lập trường

Một trong những điều mà những người mắc hội chứng người tốt sợ hãi chính là cần phải đưa ra ý kiến để quyết định hay phân xử một điều gì đó. Chẳng hạn trong 1 nhóm 5 người và 4 người còn lại đã đưa ra ý kiến, họ phải là nhân tố quyết định xem bên nào đúng/ sai, điều này sẽ khiến các Nice Guy Syndrome cực kỳ căng thẳng. Bởi họ sợ nghiêng về phe này sẽ khiến những người khác giận còn nếu đưa ra ý kiến riêng của họ thì lại không đáp ứng được với mong muốn của mọi người.

Hội chứng người tốt
Trong tập thể, họ luôn là người lắng nghe và chịu chỉ trích vì ít chủ động nêu ý kiến

Sự thụ động của những “người tốt” được thể hiện đặc biệt rõ khi đúng trong một hội nhóm, các công việc chung. Tuy nhiên cần hiểu rằng thụ động ở đây không mang ý nghĩa là chậm chạp hay lười biếng mà bởi họ không chủ động thể hiện ý kiến hay nhu cầu cá nhân. Vì luôn thuận theo ý kiến của người khác, chấp nhận mọi sự chỉ dẫn nên khi ở trong một tập thể họ rất dễ bị đánh giá là thụ động.

Luôn cố gắng thực hiện theo các chuẩn mực chung

Lương thiện, làm một người tốt dường như là một quy chuẩn chung mà tất cả chúng ta đều hướng tới và dùng để đánh giá, nhận định về một người khác. Một đứa trẻ khi sinh ra luôn được dạy làm người tốt bằng cách phải biết giúp đỡ người khác, phải biết nhường nhịn người nhỏ hơn. Hay trong một xã hội, chúng ta thường đánh giá một ai đó là người tốt bụng và nên chơi cùng.

Ở những người mắc hội chứng làm người tốt, họ không không ngừng cố gắng để đạt được các quy chuẩn này. Việc được ai đó công nhận họ là người tốt khiến họ cảm thấy tự hào hơn, được coi trọng hơn. Khi được một ai khác nhờ vả họ cũng cảm thấy hạnh phúc vì nghĩ rằng mình có giá trị, mình cần thiết nên mới được người khác nhờ vả.

Bản thân những Nice Guy Syndrome luôn nỗ lực thực hiện tất cả những thứ để được người khác công nhận là ‘người tốt”, kẻ cả những điều mà không không thật sự mong muốn. Điều này có thể đáp ứng cho lòng tin, xoa dịu phần nào những lo lắng trong họ, mặc dù nó đồng nghĩa với việc những cảm xúc tiêu cực tăng dần lên.

Cảm xúc dễ kích động và bùng phát

Một người khi lúc nào cũng phải đeo một lớp mặt nạ là người tốt, phải thực hiện tất cả những thứ mà người khác thích, phải luôn giấu diếm những tâm tư của riêng mình sẽ đồng nghĩa với việc những cảm xúc tiêu cực ngày càng gia tăng. Và khi sự chán nản, mệt mỏi, u uất đã tích tụ đầy trong tâm trí thì chỉ cần một yếu tố tác động nho nhỏ cũng hoàn toàn làm bộc phát toàn bộ cảm xúc của những người mắc hội chứng người tốt.

Hội chứng người tốt
Khi các cảm xúc đã dồn nén đến một trạng thái nào đó, “người tốt” có thể bùng nổ, trở nên kích động và nảy sinh xung đột với người khác

Chẳng hạn khi có một người đồng nghiệp luôn nhờ họ làm báo cáo hằng tháng, thế nhưng khi được khen thưởng thì không hề nhắc đến vai trò của họ, thậm chí còn đặt điều nói xấu người đã giúp mình. Điều này xảy ra lần 1, lần 2, lần 3 họ vẫn chấp nhận tha thứ nhưng nếu diễn ra đến lần 10, cảm xúc tức giận của họ lên tới đỉnh điểm thì không thể lường trước được họ sẽ nói gì và làm gì.

Tuy nhiên thực tế, ngay sau khi bộc lộ cảm xúc hay suy nghĩ thật sự của mình, những người mắc hội chứng người tốt sẽ nhanh chóng cảm thấy hối hận. Họ lo lắng rằng những người xung quanh sẽ trở nên không thích họ vì những hành động bộc phát vừa rồi và tiếp tục tự trách cứ bản thân. Thậm chí họ có thể sẵn sàng đi xin lỗi đối phương cho dù trước đó vừa chỉ trích họ.

Hội chứng người tốt – vì sao mắc phải?

Thật khó để lý giải chính xác rằng vì sao chúng ta luôn muốn là một người tốt trong mắt mọi người và luôn làm mọi thứ để thực hiện điều đó. Về cơ bản, chúng ta làm người tốt để hướng tới sự công bằng, văn minh, những điều có ích. Khi giúp đỡ một ai đó và nhận được sự cảm ơn, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và có giá trị. Bởi thế bất cứ ai cũng mong muốn được công nhận, được tôn trọng thông việc trở thành “người tốt”.

Hội chứng người tốt
Người từng bị cô lập thường cố gắng trở thành “người tốt” để được mọi người công nhận và chú ý đến

Thế nhưng, “hội chứng người tốt” không phải là một đức tính mà là một nỗi ám ảnh, bắt buộc họ – phải – trở – thành – người – tốt, ngay cả khi bản thân không mong muốn. Suy nghĩ này tác động mãnh liệt vào cuộc sống, điều khiển mọi hành vi, cảm xúc, tư duy để thực hiện được điều này khiến chất lượng cuộc sống của họ bị suy giảm đáng kể.

Một số yếu tố được cho là gây hình thành “hội chứng người tốt” như

  • Cách giáo dục từ thời thơ ấu: nhiều trẻ luôn được giáo dục rằng luôn phải trở thành một người tốt bụng, phải biết nhường nhịn người khác, việc đưa ra ý kiến là không tốt có thể dần hình thành tâm lý lệch lạc, coi việc làm “người tốt” trở thành lẽ sống. Tất nhiên hầu như giáo dục con trẻ trở thành người tốt là không sai nhưng khi áp dụng nó sai cách, quá rập khuôn thì có thể hình thành những tư duy sai lầm ảnh hưởng đến quá trình phát triển tính cách, tâm lý.
  • Xu hướng tính cách: ở những người có tính cách lo âu, quá nhạy cảm, hay suy nghĩ nhiều, có tâm lý yếu, tiêu cực, điều này khiến họ dễ dàng lo lắng hơn về các hành vi của mình. Các nghiên cứu cũng chỉ ra ở những người có tính cách mạnh mẽ, hoạt bát, chủ động thường ít có nguy cơ mắc hội chứng người tốt.
  • Những ám ảnh của quá khứ: những tổn thương từ quá khứ, chẳng hạn như họ bị cô lập, tẩy chay vì không giúp đỡ người khác; bị chỉ trích vì bỏ mặc một ai đó; vì sự vô tâm của bản thân mà khiến cho ai đó bị thương.. Tất cả những điều này đều có thể hình thành những ám ảnh tâm lý, buộc họ phải trở thành người tốt để không phạm phải các sai lầm từ quá khứ.

Hội chứng người tốt và những hệ lụy không mong muốn

Làm người tốt thì không có gì là xấu, tuy nhiên nếu chỉ vì thực hiện những điều này mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần hay cuộc sống của bản thân thì chắc chắn không phải là một điều tốt. Chúng ta không chỉ nên chú trọng đến cảm xúc hay giá trị của những người xung quanh mà cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của chính bản thân mình, như thế mới thực sự là “tốt”.

Cần hiểu rằng,  người mắc hội chứng người tốt không thực hiện các hành vi để lợi dụng hay “cố tình tỏ ra tốt đẹp” hay giả tạo mà nhằm để thỏa mãn tâm lý lo lắng, ám ảnh của chính bản thân họ. Các Nice Guy Syndrome sẵn sàng cho đi tất cả, thậm chí là hy sinh bản thân mà không cần nhận lại. Tức là các hệ lụy gây ra từ hội chứng này chỉ ảnh hưởng hầu như đến bản thân họ mà không liên quan đến những người xung quanh.

Hội chứng người tốt
Người mắc hội chứng người tốt rất dễ bị những người xung quanh lợi dụng

Ảnh hưởng rõ ràng nhất từ hội chứng này chính là họ rất dễ bị người khác lợi dụng. Khi một ai đó biết được bạn rất dễ bị nhờ vả, rất sợ cảm giác mình là người xấu thì hoàn toàn có thể lợi dụng để thao túng tâm lý, bắt buộc họ phải giúp đỡ, kể cả khi đó là chuyện xấu. Thay vì cảm ơn, những ‘người xấu” này chuyển sang chỉ trích để “người tốt” trở nên lo âu hơn và tiếp tục các công việc dùm họ.

Cũng chính bởi việc hay bị lợi dụng nên đôi khi người mắc hội chứng người tốt có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các mối quan hệ chân thành. Bởi những người xấu luôn tìm đến bạn để nhờ vả trong khi những người tốt luôn cố gắng giúp đỡ và khiến họ có cảm giác lo lắng, là gánh nặng. Điều này khiến họ dần xa rời các mối quan hệ chân thành và đến gần hơn các mối quan hệ thiếu lành mạnh.

Việc quá tử tế với người khác nhưng lại xem nhẹ giá trị cá nhân khiến lòng tự trọng của những người mắc hội chứng người tốt bị suy giảm mạnh mẽ. Mặt khác việc dành quá nhiều thời gian để giúp đỡ người khác khiến họ không thể hoàn thành tốt công việc của bản thân. Sự tiêu cực, ấm ức, mệt mỏi, bức bối gia tăng cũng làm tăng nguy cơ các vấn đề tâm lý, tâm thần khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Mặt khác, khi bạn lúc nào cũng đóng vai là một người tốt và bỗng dưng một ngày nào đó bạn làm một việc gì đó trái với thường ngày, chẳng hạn không cho một ai đó đi nhờ xe, bỗng dưng những người xung quanh đánh giá bạn là một người thay đổi, không còn như trước kia. Người mắc hội chứng người tốt sẽ ngày càng tự ti, lo lắng hơn nếu rơi vào tình trạng này.

Thực tế, xét theo một khía cạnh khác, việc “làm người tốt” một cách không trung thực, không thành thật với chính mình thì cũng rõ ràng không phải là tốt. Dù rõ ràng ý đồ thực hiện các hành vi đó không xấu nhưng nếu kéo dài, người đó lúc nào cũng sống trong sự giả dối sẽ dần đánh mất bản ngã chính mình, không biết mình là ai, có tính cách như thế nào, thì sẽ tự làm cuộc sống của bản thân theo hướng tồi tệ hơn.

Làm thế nào để khắc phục hội chứng người tốt?

Hầu như chúng ta không xem việc trở thành một người tốt quá mức là một bệnh lý mà chỉ cho rằng tính cách của người đó là như thế. Tuy nhiên khi nó đã gây ra quá nhiều ảnh hưởng đến các khóa cạnh trong cuộc sống hằng ngày thì cần chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ. Thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tâm lý, tâm thần hoặc các trung tâm tâm lý trị liệu có thể đưa ra định hướng can thiệp tốt nhất cho từng trường hợp.

Thay đổi suy nghĩ, nhìn nhận của bản thân

Giúp đỡ hay khiến một ai đó vui vẻ thực sự là một điều hạnh phúc nhưng cần hiểu rằng, quan trọng nhất vẫn chính là bạn hạnh phúc. Không ai có thể sống thay cho cuộc đời của bạn và ngược lại, bạn cũng chẳng thể mãi sống trong cuộc đời của ai đó. Nếu chỉ vì cảm xúc của người khác mà đánh mất đi bản thân thì dù cảm thấy an tâm nhưng cũng chỉ là cảm giác nhất thời, không thể tồn tại vĩnh viễn.

Hội chứng người tốt
Hãy quan tâm đến cảm xúc, giá trị của bản thân hơn là suy nghĩ về người khác quá nhiều

Học cách tôn trọng bản thân đầu tiên chính là giải pháp để sớm vượt qua hội chứng người tốt. Hãy bắt đầu bằng việc đơn giản như từ chối những điều mà bản thân không thực sự yêu thích hay nêu lên suy nghĩ, ý kiến của bản thân. Hít thở thật sâu và suy nghĩ kỹ trước khi gật đồng đồng ý với một ai đó. Nghĩ cho bản thân, ích kỷ một chút thực tế cũng chẳng ai có thể chỉ trích bạn được.

Nói thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế những điều này chưa bao giờ là dễ với những người mắc hội chứng người tốt. Họ thường mất rất nhiều thời gian để đấu tranh tâm lý mỗi khi cần nói từ chối. Tuy nhiên chỉ cần bạn có thể thực hiện được 1 lần, chắc chắn bạn sẽ làm tốt ở lần thứ 2. Và quan trọng hãy luôn nhớ rằng, vì bản thân là điều sẽ không bao giờ sai.

Làm “người tốt” với người xứng đáng

Thực tế đôi lúc hi sinh bản thân để làm hài lòng cảm xúc một ai khác, để tất cả mọi người cùng vui cũng là một điều bình thường vẫn diễn ra trong cuộc sống này. Trong nhiều hoàn cảnh, vì không khí chung thì bạn vẫn có thể thực hiện nhưng chỉ nên tốt với những người xứng đáng. Cho đi và nhận lại là quy luật tự nhiên của xã hội, khi ai đó làm được điều này, họ xứng đáng nhận được sự giúp đỡ của bạn.

Tất nhiên tâm lý của chúng ta thường vẫn là “cho đi mà không cần nhận lại”, làm hết sức để giúp đỡ một ai đó nhưng nếu đối phương là người không biết đạo lý thì bạn tuyệt đối không nên phí sức. Hãy đối tốt với những người thực sự tốt, chắc chắn họ sẽ đem lại cho bạn những giá trị tuyệt vời mà bạn xứng đáng nhận được. Ý thức về giá trị cá nhân của bạn sẽ tăng dần khi giao tiếp hay kết nối với người tốt.

Khi nhận diện ra được rằng rõ ràng ai đó chỉ lợi dụng sự tử tế của bạn thì hãy nhanh chóng tìm cách chấm dứt. Thẳng thắn cho đối phương biết rằng bạn là người có chính kiến, có lập trường và không phải lúc nào bạn cũng sẽ đồng ý với yêu cầu vô lý hay quá mức của họ.

Xây dựng lập trường cá nhân

Người mắc hội chứng người tốt vì không có lập trường, không có sự chủ động nên mới dễ dàng bị bắt nạt và lợi dụng. Vì thế để vượt qua hội chứng này, việc bắt đầu xây dựng chính kiến cá nhân, có lập trường, thẳng thắn với mọi người, thoải mái hơn trong giới hạn cho phép sẽ là yêu cầu cực kỳ quan trọng. Lập trường của bạn cần được thể hiện linh hoạt trong mọi hành động.

Hội chứng người tốt
Chủ động thể hiện bản thân, đưa ra lập trường để mọi người coi trọng vì chính những giá trị, năng lực của bản thân chứ không chỉ vì lòng tốt quá mức của bạn

Chẳng hạn khi cùng đi ăn với tập thể, hãy nói rõ bạn không ăn được món nào, dị ứng với thực phẩm nào. Hay khi phục vụ đưa nhầm món, hãy phản hồi lại ngay để được đổi món hoặc ngay cả khi bạn ăn được cũng vẫn cần phải thông báo để nhân viên cẩn thận hơn. Đòi hỏi quyền lợi cho bản thân và quan trọng hơn là bạn không làm gì sai thì không cần phải cảm thấy có lỗi.

Thiết lập giới hạn chịu đựng khi phải đối diện với những hành vi sai trái chính là cách mà người mắc hội chứng người tốt nên làm để bảo vệ chính mình. Vượt quá giới hạn sẽ khiến bạn dễ dàng bùng nổ những trạng thái cảm xúc tiêu cực và sai lầm nên cần phải tránh xa. Chẳng hạn đồng nghiệp có thể bạn nhờ bạn tăng ca 3 lần không lương, nhưng đừng để tình trạng này tiếp diễn đến lần thứ 4 mà hãy thẳng thắn nói ra cảm xúc của mình với đối phương.

Học cách nói ra những điều mà mình thật sự suy nghĩ chính là cách để bạn có thể kết nối hơn với mọi người, giúp cả hai hiểu nhau hơn. Hãy tin rằng bạn có khuyết điểm thì người khác cũng có, ai cũng cần được chữa lành và được giúp đỡ và bạn không thể nào cáng đáng hết những trọng trách này. Thừa nhận bản thân mệt mỏi và cần sự giúp đỡ sẽ giúp bạn thoải mái và nhẹ nhõm hơn.

Điều chỉnh lại cảm xúc và thái độ

Người mắc hội chứng người tốt luôn lo lắng rằng việc bản thân phản kháng hay từ chối việc giúp đỡ người khác liệu có khiến đối phương khó chịu hay ghét họ không. Để hạn chế các điều này và cũng để chứng minh cho những ‘người xấu” thấy rằng mình không phải người dễ bắt nạt thì hãy chú ý đến cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể và hành vi trong mỗi lần giao tiếp.

Chẳng hạn nếu bạn muốn phản kháng hay từ chối một yêu cầu nào đó của “người xấu” nhưng lại có thái độ rụt rè, lo lắng, căng thẳng, nói lí nhí thì chắc chắn sẽ không thể khiến họ sợ, mà ngược lại còn có thái độ công kích. Tuy nhiên nếu bạn trở nên kích động, la hét, mất kiểm soát cũng không phải ý kiến hay vì vô tình bạn có thể dùng những lời lẽ thiếu văn minh làm tổn thương người khác.

Học cách kiểm soát cảm xúc, giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, nói chuyện rành mạch, rõ ràng, ngẩng cao đầu và đặc biệt hãy nhìn thẳng vào mắt đối phương sẽ giúp lời nói của bạn có “uy lực” hơn. Tất nhiên nếu đối phương là một người tốt, một người hiểu chuyện thì họ sẽ không hề làm khó bạn nhưng với một người xấu, họ có thể bắt bẻ hoặc mỉa mai, do đó hãy có một tinh thần và thái độ thật cứng rắn.

Trị liệu tâm lý

Thực tế thì nếu một người tự nhìn nhận và thực hiện được các điều trên thì chắc chắn họ đã không rơi vào vòng quay luẩn quẩn từ hội chứng người tốt. Những người này thường không đủ can đảm để thực hiện việc từ chối hay phản kháng một điều gì, cho dù họ đã đấu tranh tâm lý rất nhiều, thậm chí là tự soi gương tập dợt tại nhà việc nói lời từ chối nhưng khi ở trong tình huống đó, họ vẫn không thể thực hiện.

Hội chứng người tốt
Chăm sóc tâm lý sẽ giúp bạn biết mình cần phải làm gì, thay đổi tư duy tích cực và phù hợp hơn

Trị liệu tâm lý chính là một trong những biện pháp cần thiết cho những người mắc hội chứng người tốt. Nhà trị liệu sẽ là người giúp người bệnh nhìn nhận rõ ràng các vấn đề vướng mắc của bản thân, đồng thời hiểu rõ việc từ chối, việc nghĩ cho cá nhân mình không phải là một điều gì sai trái. Chấp nhận không phải lúc nào cũng có thể đóng vai là “người tốt” hay hi sinh vì người khác là một vài học quan trọng để vượt qua hội chứng này.

Nhà trị liệu thường sẽ yêu cầu khách hàng chia sẻ thẳng thắn về các trải nghiệm cá nhân, về cảm xúc thật sự mỗi khi giúp đỡ một ai đó để nắm bắt được cách nhìn nhận vấn đề của họ. Từ đó tìm cách thay thế những cảm xúc, tư duy tiêu cực bằng những điều đúng đắn, phù hợp hơn. Giá trị của từng cá nhân cũng được nâng cao đáng kể sau thời gian trị liệu cùng các chuyên gia.

Các biện pháp thư giãn, xoa dịu cảm xúc, giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh cũng được nhà trị liệu hướng dẫn đầy đủ cho người mắc hội chứng người tốt. Thiền nguyện hay yoga cũng là những biện pháp thường được các chuyên gia trị liệu khuyến khích để cân bằng tâm trạng, đẩy lùi sự lo âu, ám ảnh, căng thẳng hiệu quả mỗi ngày.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Hội chứng người tốt có thể bắt gặp ở rất nhiều người, đặc biệt khi ai cũng muốn mình trở nên tốt đẹp, hoàn hảo hơn trong mắt mọi người và quá quan tâm đến cách những người xung quanh đánh giá về mình. Yêu thương bản thân hơn, học hỏi các kỹ năng để nâng cao giá trị cho bản thân mỗi ngày là những điều chúng ta cần học hỏi mỗi ngày. Quan trọng hơn là hãy chỉ nên tử tế với những người xứng đáng, đón nhận sự giúp đỡ và yêu thương bởi bạn hoàn toàn xứng đáng với điều này!

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *