Hội Chứng Mệt Mỏi Kinh Niên Có Thể Là Hệ Lụy Của Stress

Hội chứng mệt mỏi kinh niên đặc trưng bởi các triệu chứng mệt mỏi, uể oải kéo dài, suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ khiến cơ thể mất hết năng lượng. Tình trạng này hoàn toàn có thể là hệ lụy của căng thẳng, stress không được kiểm soát kịp thời và đúng cách.

Hội chứng mệt mỏi kinh niên là gì?

Hội chứng mệt mỏi kinh niên (Chronic Fatigue Syndrome – CFS) là một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong vài năm gần đây để mô tả về tình trạng mệt mỏi, suy nhược kéo dài trên 6 tháng kèm theo nhiều vấn đề bất thường khác không rõ nguyên nhân . Những người này luôn cảm thấy uể oải, kiệt sức, đau nhức các cơ, gặp vấn đề về giấc ngủ dẫn khiến cả thể chất, tinh thần đều đi xuống.

Hội chứng mệt mỏi kinh niên là gì
Hội chứng mệt mỏi kinh niên khiến người bệnh luôn cảm thấy toàn thân cạn kiệt sức lực

CFS còn được gọi với nhiều tên khác, chẳng hạn hội chứng mệt mỏi mãn tính hoặc viêm cơ não tủy với tỷ lệ mắc phải ở nữ giới cao gấp 4 lần nam giới. Đặc trưng của tình trạng này là người bệnh vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi cho dù đã được nghỉ ngơi nhưng không thể xác định được các nguyên nhân cụ thể liên quan đến vấn đề sinh lý hay tâm lý.

Thống kê cho thấy có đến 25% dân số được cho là mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên nhưng thực tế chỉ có 0.5% được cho là đủ tiêu chuẩn với các biểu hiện của CFS bởi có rất nhiều các triệu chứng có thể gây nhiễu loạn. Do không thể chẩn đoán và điều trị nên những người này luôn phải sống trong tình trạng mệt mỏi, uể oải làm tinh thần sa sút nghiêm trọng.

Chronic Fatigue Syndrome được cho là ít xảy ra hơn ở trẻ em mà thường xuất hiện ở thanh thiếu niên, người đi làm, người trong độ tuổi 25 – 45. Tuy nhiên nếu hội chứng mệt mỏi kinh niên xảy ra ở trẻ em thì được cho là liên quan đến một đợt cảm cúm nặng hoặc một số tình trạng bệnh tương tự.

Biểu hiện của hội chứng mệt mỏi kinh niên

Hội chứng mệt mỏi kinh niên thường có xu hướng khởi phát một cách đột ngột, đặc biệt sau khi người đó trải qua một cú sốc tâm lý hoặc căng thẳng kéo dài. Các triệu chứng của CFS cũng rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác, thậm chí bị nghi ngờ là giả bệnh bởi trước đó trông họ luôn “có vẻ” là một người khỏe mạnh. Tình trạng này có thể kéo dài liên tục vài tuần, vài tháng, thậm chí là vào năm.

biểu hiện của hội chứng mệt mỏi kinh niên
CFS làm người bệnh uể oải, buồn ngủ, muốn ngủ nhưng lại không ngủ được

Một số biểu hiện điển hình của hội chứng mệt mỏi kinh niên bao gồm

  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức như không còn chút năng lượng nào. Việc cảm thấy mệt mỏi sau một ngày hoạt động thường là điều hiển nhiên, tuy nhiên với người mắc chứng CFS, cảm giác kiệt sức nghiêm trọng tới mức họ không còn muốn đi học hay đi làm.
  • Tình trạng suy nhược, mệt mỏi không được cải thiện ngay cả khi họ đã dành thời gian nghỉ ngơi rất nhiều
  • Rối loạn giấc ngủ xảy ra với khoảng 80% bệnh nhân CFS, dù rất mệt mỏi nhưng họ không thể ngủ được hoặc nhanh chóng bị tỉnh giấc, không ngủ sâu, ngủ không thoải mái và có thể kèm theo các cơn đau lan tỏa.
  • Suy giảm về trí nhớ hay trí nhớ mơ hồ cũng là biểu hiện thường gặp ở hội chứng mệt mỏi kinh niên. Người bệnh không thể nhớ rõ những gì đã xảy ra dù mới chỉ là ngày hôm qua, thậm chí là mất trí nhớ ngắn hạn
  • Khả năng tập trung kém, luôn trong trạng thái mơ hồ, lơ đãng khiến chất lượng học tập hay công việc đều đi xuống
  • Có các triệu chứng thực thể như sốt cao, nổi hạch ở cổ và nách, đau họng xuất tiết hay một số vấn đề khác ở đường hô hấp trên
  • Cảm thấy yếu cơ, đau cơ và khớp nhưng không tìm ra nguyên nhân chính xác, không có dấu hiệu sưng và không do va chạm
  • Cảm giác đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi
  • Hội chứng mệt mỏi kinh niên có thể khiến người bệnh đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, ớn lạnh, nhạy cảm quá mức với ánh sáng
  • Thay đổi tâm trạng nhanh chóng, cảm thấy tiêu cực, mệt mỏi, dễ kích động, bốc đồng
  • Ăn uống kém ngon, chán ăn khiến cơ thể ngày càng thêm suy nhược, sụt cân trong thời gian ngắn
  • Trạng thái đau nhức, mệt mỏi có thể tăng lên khi người bệnh ở tư thế đứng. Điều này được cho là vì CFS không dung nạp tư thế đứng (orthostatic intolerance) dẫn đến tình trạng giảm lưu thông máu khi đứng thẳng nên người bệnh sẽ mệt mỏi, tê liệt nhiều hơn so với lúc nằm

Ban đầu, các biểu hiện của hội chứng mệt mỏi kinh niên được cho là có liên quan đến nhiễm virus nhưng không có nhiều cơ sở để khẳng định điều này. Nhiều người bệnh đã đến bệnh viện khám xương khớp, khám sức khỏe nhưng lại không chẩn đoán được chính xác đang gặp tình trạng nào khiến bản thân họ mỗi ngày phải tiếp tục chịu đựng sự đau đớn, mệt mỏi nên càng suy nhược nhanh chóng hơn.

Nguyên nhân hội chứng mệt mỏi kinh niên

Thực tế dù đã được nghiên cứu và đề cập từ 1988, tuy nhiên chứng CFS vẫn còn rất mơ hồ trong quá trình chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Theo các chuyên gia, hội chứng mệt mỏi kinh niên có thể chính là hệ quả trực tiếp của tình trạng stress, căng thẳng kéo dài. Bởi bản chất của stress cũng thường dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, chán nản về mọi thứ.

nguyên nhân gây hội chứng mệt mỏi kinh niên
Stress kéo dài là một trong những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến hội chứng mệt mỏi mãn tính

Tương tự, các nghiên cứu cũng đã được thực hiện để chứng minh căn nguyên gây mệt mỏi mãn tính không liên quan đến các yếu tố nhiễm trùng, rối loạn nội tiết tố, suy giảm hệ miễn dịch, dị ứng và cũng không liên quan đến các loại virus gây bệnh ( bao gồm Epstein-Barr, Lyme, Candida hay Cytomegalovirus). Các dạng rối loạn tâm thần cũng được chứng minh không liên quan đến tình trạng này.

Sau khi loại bỏ các yếu tố này, hội chứng mệt mỏi kinh niên được cho là có liên quan đến các yếu tố sau:

  • Độ tuổi: phụ nữ trung niên được xác định là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất
  • Căng thẳng kéo dài: CFS có khả năng cao là hệ quả của tình trạng stress, căng thẳng kéo dài mà không được giải tỏa.
  • Di truyền: một số nghiên cứu cho thấy ở nếu trong gia đình có người gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu thì khả năng mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên ở những người này sẽ cao hơn.
  • Tình trạng sức khỏe: các vấn đề bệnh thực thể không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng có thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc CFS ở nhiều người. Chẳng hạn người có hệ miễn dịch yếu, mắc bệnh tim mạch, thiếu máu, các bệnh nan y khác hoặc mắc một bệnh lý nào đó trong thời gian dài
  • Yếu tố tâm lý: nếu phải trải qua một cú sốc đột ngột hay phải sống trong tình trạng bạo lực về mặt tinh thần, thể chất kéo dài cũng được cho là có liên quan đến tình trạng này.

Một nghiên cứu được thực hiện cho thấy nhiều bệnh nhân đã điều trị khỏi CFS nhưng lại bị tái phát sau khi nhiễm Covid – 19 dẫn tới các triệu chứng dai dẳng kéo dài và khó điều trị hơn trước. Điều này được cho là do các cơ quan đã bị tổn thương sau khi bị virus tấn công hoặc có liên quan tới quá trình điều trị hoặc liên quan tới tình trạng rối loạn stress sau sang chấn.

Nói chung có rất nhiều vấn đề liên quan tới hội chứng mệt mỏi kinh niên vẫn đang được nghiên cứu và làm rõ. Tuy nhiên vẫn có thể khẳng định được, căng thẳng stress kéo dài là một trong những vấn đề chính liên quan trực tiếp đến CFS. Điều này cũng giúp ích đáng kể trong quá trình điều trị, cải thiện trạng thái này trên nhiều người bệnh.

Hội chứng mệt mỏi kinh niên gây ra hệ quả gì?

Hội chứng mệt mỏi kinh niên làm ảnh hưởng nghiêm trọng cả về mặt tinh thần, thể chất và toàn bộ cuộc sống của mỗi người. Khi cơ thể mệt mỏi như không còn chút sức lực nào, bất cứ làm việc gì cũng không thể mang đến kết quả tốt. Chất lượng công việc, học tập đều giảm sút bởi cơ thể không đủ tỉnh táo để nhận thức, hoàn thành công việc.

Ngay cả việc nghỉ ngơi cũng không thể khiến người mắc CFS cảm thấy khá hơn khiến họ trở nên cực kỳ tiêu cực, dễ cáu kỉnh, không còn là chính mình. Cảm giác đau nhức cơ thể, mệt mỏi nhưng không thể ngủ khiến người bệnh hầu như không còn hứng thú với bất cứ việc nào khác, cả ngày thờ ơ, lơ đãng như người mất hồn. Việc lái xe hay vận hành máy móc cũng gây nguy hiểm cho họ do không thể tập trung.

Hệ lụy của hội chứng mệt mỏi kinh niên
Hội chứng mệt mỏi kinh niên làm suy giảm nghiêm trọng đến chất lượng đời sống mỗi người

Mặt khác người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính còn bị nghi ngờ, chẩn đoán là “hội chứng giả bệnh”, cho rằng họ đang giả vờ là đau đớn, bệnh tật vì không thể tìm được chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng này. Điều này có thể hạ thấp lòng tự trọng khiến người bệnh cảm thấy tiêu cực, chán nản và tuyệt vọng hơn.

Mặt khác khi một người luôn phải chịu đựng tình trạng đau đớn, mệt mỏi, khó chịu suốt một thời gian dài mà không rõ nguyên nhân vì đâu sẽ khiến họ sa sút tinh thần hơn. Trầm cảm, lo âu cùng tình trạng sức khỏe xuống dốc nghiêm trọng là một trong những vấn đề có thể thấy rõ rệt nhất ở những người mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên.

Tham khảo thêm: Sa sút trí tuệ ở người trẻ ngày càng tăng do đâu?

Chẩn đoán hội chứng mệt mỏi kinh niên

Như đã nói, không dễ dàng để đưa ra chẩn đoán về hội chứng mệt mỏi kinh niên. Cần phải xem xét rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như tiền sử bệnh lý, tâm lý, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm thực thể như bình thường để đánh giá loại trừ nguy cơ liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác.

Hội chứng mệt mỏi kinh niên là gì
Cần làm nhiều xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nhất về CFS

Cụ thể, một số xét nghiệm được chỉ định trong chẩn đoán hội chứng mệt mỏi kinh niên bao gồm

  • Xét nghiệm tốc độ máu lắng hay tốc độ lắng hồng cầu (Erythrocyte Sedimentation Rate – ESR)
  •  Xét nghiệm BUN (Blood Urea Nitrogen) nhằm kiểm tra hàm lượng Nitơ có trong Ure để đánh giá chức năng gan
  • Xét nghiệm nồng độ creatinin trong máu và nước tiểu
  • Xét nghiệm chỉ số tuyến giáp TSH
  • Chụp X-quang ngực, điện não đồ
  • Thực hiện khảo sát chất lượng giấc ngủ
  • Xét nghiệm kiểm tra đề phòng suy giảm thượng thận
  • Xét nghiệm điện quang thần kinh
  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân
  • Xét nghiệm mức độ căng thẳng VNS
  • Xét nghiệm kim loại nặng

Nói chung, tùy từng tình trạng của bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm kiểm tra phù hợp nhằm đảm bảo chẩn đoán đúng người, đúng bệnh. Việc chẩn đoán sai lệch sẽ dẫn tới tình trạng điều trị sai lầm cùng nhiều hệ lụy nguy hiểm khác nên cần cực kỳ thận trọng.

Theo Trung tâm kiểm soát và dự phòng Hoa Kỳ (CDC) cũng đã đưa ra các đặc điểm “chuẩn” để nhận diện hội chứng mệt mỏi kinh niên. Theo đó nếu một người có ít nhất 4/8 triệu chứng dưới đây với thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng liên tục mà không liên quan đến việc gắng sức thì có thể đã mắc CFS. Bao gồm

  • Tư tưởng thiếu tập trung và hay quên
  • Đau rát cổ họng
  • Bị nổi hạch tại nách hoặc cổ
  • Đau nhức các bắp thịt
  • Đau khớp, cứng khớp nhưng không bị sưng, đỏ hay nóng
  • Đau đầu chóng mặt lan tỏa
  • Ngủ được nhưng vẫn mệt, cảm giác thèm ngủ
  • Tình trạng mệt mỏi không thuyên giảm ngay cả khi đã nghỉ ngơi

Hướng điều trị hội chứng mệt mỏi mãn tính

Do các căn nguyên gây hội chứng mệt mỏi kinh niên vẫn là một trong những ẩn số lớn nên việc điều trị vẫn còn khá phức tạp. Một số người thậm chí có thể phải điều trị duy trì trong 2- 3 năm mới có thể khỏi hoàn toàn. Một lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi đúng cách, giải quyết nỗi căng thẳng được cho là đã gây suy giảm tinh thần, thể chất cho mỗi người.

Tái thiết lập hệ miễn dịch

Hội chứng mệt mỏi kinh niên được nghi ngờ có liên quan đến sự suy yếu của hệ thống miễn dịch khiến các cơ quan hoạt động yếu kém hơn, tinh thần kém năng suất hơn, do đó các biện pháp tái thiết lại hệ miễn dịch cũng được chú trọng. Thực tế thì rõ ràng thể chất và tinh thần cũng có mối liên hệ mạnh mẽ, khi cơ thể khỏe mạnh hơn thì tinh thần cũng được nâng cao, chống chọi lại được với các tác nhân gây hại khác.

chữa hội chứng mệt mỏi kinh niên
Thanh lọc cơ thể, nâng cao hệ thống miễn dịch có thể đem đến nhiều lợi ích cho người bệnh

Để tái thiết hệ thống miễn dịch các chuyên gia sẽ thực hiện các biện pháp giúp kích thích hoạt động của tuyến thượng thận, tuyến giáp và tuyến sinh dục. Các cơ chế tái thiết hệ thống miễn dịch này được thực hiện dựa trên nguyên lý vi lượng đồng căn, tuy nhiên hiện tại cũng chỉ có một số bệnh viện ứng dụng các liệu pháp này.

Thực tế bản thân chúng ta cũng có thể tự thực hiện các biện pháp để tái thiết và nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, chẳng hạn

  • Sử dụng những thực phẩm lành mạnh giúp detox cơ thể như trái cây, rau xanh, các loại hạt… Nên ưu tiên bổ sung các nhóm đạm lành mạnh từ cá, thịt nạc hoặc các loại hạt, tăng cường chất xơ thay vì các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào nhiều lần với nhiều chất béo
  • Loại bỏ bia rượu, thuốc lá, chất kích thích và thay thế bằng các loại nước trái cây, nước lọc
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, đặc biệt vào buổi sáng
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, cân bằng các sinh hoạt hằng ngày, đảm bảo ngủ đủ giấc

Điều trị y tế

Nếu nguyên nhân gây hội chứng mệt mỏi kinh niên có liên quan đến các bệnh lý thực hể thì cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ để phục hồi lại năng lượng cho toàn cơ thể. Một số loại thuốc hay các biện pháp điều trị y tế khác sẽ được chỉ định để giải quyết tình trạng này, tuy nhiên cần có sự chỉ định sau khi bác sĩ thăm khám chuyên môn, không thể tự ý sử dụng.

Nói chung việc dùng thuốc cũng không thể xác định chính xác  bởi nó còn tùy thuộc vào vấn đề mà người bệnh đang gặp phải, tuy nhiên đa phần là các nhóm thuốc bỏ để cải thiện các triệu chứng đau đầu, khó ngủ, suy giảm trí nhớ hay đau nhức lan tỏa. Cụ thể một số loại thuốc thường được chỉ định bao gồm

  • Các loại thuốc an thần, thuốc hỗ trợ giấc ngủ
  • Các loại vitamin bổ sung vi chất, hỗ trợ thần kinh, cải thiện trí nhớ
  • Nếu có tình trạng đau nhức, sưng cơ sẽ được chỉ định sử dụng các nhóm thuốc giảm đau, giảm viêm để cải thiện, chẳng hạn pregabalin, duloxetine, amitriptyline hoặc gabapentin
  • Các nhóm thuốc chống trầm cảm cũng được chỉ định nếu người bệnh có dấu hiệu tụt giảm khí sắc, trầm cảm hoặc các vấn đề khác về tâm lý
  • Bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh tham gia vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng đau nhức cơ hay cứng cơ

Chăm sóc tâm lý

Chăm sóc tâm lý là một mảng quan trọng cần thiết với những người mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên, đặc biệt nếu có liên quan đến tình trạng căng thẳng stress kéo dài. Mặt khác tình trạng kiệt sức cũng làm tinh thần người bệnh trở nên tiêu cực, mệt mỏi và càng tụt giảm nhiều năng lượng hơn. Do đó trị liệu tâm lý, khôi phục tinh thần tích cực cũng là một mảng không thể thiếu.

điều trị hội chứng mệt mỏi kinh niên
Chăm sóc trị liệu tâm lý là liệu pháp giải quyết căng thẳng, stress để nâng cao tinh thần người bệnh

Mục đích chính của tâm lý trị liệu chính là giúp người bệnh hiểu rõ vấn đề bản thân đang gặp phải và tìm cách thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của họ. Lắng nghe và giải quyết những bức bối khiến người đó rơi vào căng thẳng tâm lý, chẳng hạn áp lực công việc, học tập, những lo lắng quá mức về tình trạng sức khỏe chính yêu cầu cốt lõi cần giải quyết.

Phương pháp trị liệu nhận thức hành vi CBT được đánh giá mang đến nhiều kết quả tốt nhất trong việc thay đổi cách nhìn nhận, hành vi của người bệnh về bản thân. Cảm xúc tiêu cực, chán nản, suy sụp tinh thần dần được thay thế bằng các suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn. Khi bản thân người bệnh nhân nhìn được vấn đề của chính mình, thay đổi góc nhìn, hướng bản thân đến sự tích cực thì tự khắc sẽ có cách kéo bản thân ra khỏi sự mệt mỏi.

Mặt khác với chăm sóc tâm lý cũng có thể giúp ích trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ, thư giãn cơ thể, lấy lại sự cân bằng để gia tăng chất lượng cuộc sống. Nói chung, một tinh thần khỏe mạnh, tích cực đóng góp vai trò lớn trong quá trình khắc phục hội chứng mệt mỏi kinh niên.

Hội chứng mệt mỏi kinh niên vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu để tìm được gốc rễ vấn đề và có biện pháp điều trị, khắc phục phù hợp nhất. Bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình trạng này, tuy nhiên một lối sống lành mạnh, loại bỏ căng thẳng stress, tinh thần lạc quan cùng chế độ sinh hoạt khoa học hoàn toàn có thể giúp bạn hạn chế tốt nhất nguy cơ mắc CFS.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *