Hội chứng cô đơn giữa gia đình gây ra nhiều bi kịch khó lường

Đối với nhiều người, gia đình là nơi ấm áp nhất thế gian, nơi có những người thân yêu luôn vỗ về, che chở. Thế nhưng, với những người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình thì họ lại cảm thấy rằng, thà phải chống chọi với bão tố bên ngoài vẫn hạnh phúc hơn là đối mặt với sự lạnh lẽo ở nơi được gọi là “tổ ấm”.

Hội chứng cô đơn giữa gia đình là gì?

“Gia đình” được định nghĩa là một đơn vị xã hội (nhóm xã hội nhỏ) có các thành viên có cùng huyết thống, có quan hệ hôn nhân hoặc nuôi dưỡng được công nhận bởi pháp luật. Một gia đình có thể bao gồm nhiều thế hệ, với nhiều mối quan hệ, chẳng hạn vợ chồng; cha mẹ; con cái; cháu chắt,… Các thành viên trong gia đình thường có trách nhiệm chăm sóc, yêu thương, giúp đỡ, bảo vệ nhau.

Hội chứng cô đơn giữa gia đình
Một người luôn cảm thấy tách biệt, lạc lõng, không thể hòa hợp với người thân có thể chính là biểu hiện của hội chứng cô đơn giữa gia đình

Tình cảm gia đình luôn là thứ được mọi người đặt lên hàng đầu, hơn tất cả các mối quan hệ khác. Con người sống và làm việc không chỉ cho bản thân mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng một gia đình bền vững, lâu dài và hạnh phúc hơn. Đứng trước các thành viên trong gia đình, dù họ làm gì sai chúng ta vẫn có xu hướng bao dung, yêu thương, muốn bảo vệ họ.

Thế nhưng, với những người mắc hội chứng cơ đơn giữa gia đình, họ dường như không thể cảm nhận được thứ tình cảm gọi là “hơi ấm gia đình”. Đối với họ, gia đình không phải là nơi đem đến cho họ sự yên bình, nhẹ nhàng mà là nơi đem đến nhiều bão tố, là nơi lạnh lẽo nhất. Những người này thường không thể kết nối, hòa nhập, không thể cảm thấy thoải mái dù đang sống trong căn nhà mà mình có tên trong hộ khẩu.

Thực tế, hội chứng cô đơn giữa gia đình không hề hiếm gặp và bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó. Người con giữa cảm thấy lạc lõng vì cha mẹ nuông chiều em út và chị cả hơn; người con dâu không thể hòa hợp với gia đình chồng; bố mẹ già không thể thích ứng với lối sống thành thị của con cái vì đã quen với môi trường sống ở quê. Thậm chí chính bản thân chúng ta đôi lúc cũng có cảm giác lạc lõng giữa gia đình.

Một số biểu hiện điển hình của người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình như

  • Thường không muốn về nhà, cố gắng hạn chế các buổi gặp gỡ toàn bộ cách thành viên trong xa đình, đặc biệt vào các dịp lễ tết, giỗ chạp
  • Xa cách với các thành viên trong gia đình, thường trốn trong phòng một mình thay vì ra ngoài ăn uống, trò chuyện với mọi người
  • Thường tự giải quyết khó khăn một mình thay vì tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân
  • Cảm thấy không thể trò chuyện với các thành viên trong gia đình. Ở bên ngoài họ có thể là người vô cùng vui vẻ, hài hước, sôi động, náo nhiệt nhưng chỉ cần về nhà họ dường như trở thành con người khác, trầm mặc, nóng nảy, bốc đồng..
  • Thường tranh cãi với gia đình cho dù vấn đề không hề nghiêm trọng
  • Người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình luôn cảm thấy có sự gắn kết với những người xa lạ hơn là những người thân
  • Chán nản, uể oải, tiêu cực, căng thẳng khi nghĩ về gia đình
  • Mất rất nhiều thời gian suy nghĩ nếu cần phải trình bày hay trao đổi một vấn đề nào đó với gia đình
  • Cảm thấy tự ti, xấu hổ, cho rằng do bản thân không xứng đáng nên mới không có được sự yêu thương từ gia đình

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Một thống kê cho thấy trong những năm gần đây, tỷ lệ những người mắc các bệnh tâm lý – tâm thần liên quan đến gia đình đang ngày càng có xu hướng tăng cao, đặc biệt là ở trẻ em, trẻ vị thành niên. Khi gia đình không còn là nơi cho các thành viên sự an toàn, thoải mái, đáng tin cậy sẽ rất dễ gây ra nhiều hậu quả khó lường, đặc biệt trong quá trình hoàn thiện về tâm lý, nhân cách của từng người nên cần tìm hướng khắc phục sớm.

Nguyên nhân của hội chứng cô đơn giữa gia đình

Khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew đã cho thấy, có đến 28% người Mỹ luôn cảm thấy tách rời “tất cả hoặc hầu hết thời gian” khi họ đang ở cùng các thành viên trong gia đình tại chính ngôi nhà của mình. Cảm giác này bắt nguồn từ chính những xung đột trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, dù được thực hiện một cách vô tình hay cố ý.

nguyên nhân của hội chứng cô đơn giữa gia đình
Những nàng dâu về nhà chồng sinh sống rất dễ rơi vào hội chứng này

Thực tế không có một nguyên nhân cụ thể gây hội chứng cô đơn giữa gia đình mà đây có thể là hệ quả từ những xung đột kéo dài khiến tâm lý của người đó nặng nề, mệt mỏi, tiêu cực và không thể thoát ra được. Bất cứ ai cũng có thể mắc hội chứng này, không bị giới hạn bởi độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp..Chẳng hạn

  • Những người làm vợ, làm dâu ở xa, chung sống với gia đình nhà chồng rất dễ mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình. Sự khác biệt trong lối sống, văn hóa giữa hai gia đình khiến các nàng dâu khó hòa hợp và cảm thấy bản thân lạc lõng trong nhà. Hay nếu mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu hay với các thành viên khác trong nhà chồng không được hòa hợp sẽ càng khiến các nàng dâu cảm thấy cô độc hơn
  • Những người có sự khác biệt với các thành viên khác trong gia đình cũng dễ cảm thấy lạc lõng, cho dù không có sự xung đột với các thành viên khác. Chẳng hạn người mẹ chỉ ở nhà lo công việc nội trợ trong khi người chồng, người con làm các công việc giao tiếp, kinh doanh sẽ khó tìm được các điểm chung khi trò chuyện nên dễ thấy bị lạc lõng; người ông, người bà ở vùng quê lên thành phố ở cùng con cái không hòa hợp với với lối sống quá hiện đại, suy nghĩ quá thoáng cũng rất dễ bị tách biệt khi ở cùng các thành viên
  • Những xung đột, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà cũng là yếu tố hàng đầu dẫn đến hội chứng cô đơn giữa gia đình. Chẳng hạn như cha mẹ luôn áp đặt con cái quá mức, không cho con quyền tự quyết mà bắt con phải làm theo ý của mình; người chồng gia trưởng luôn bắt vợ con phải làm theo sự sắp xếp; người vợ quá vô tâm luôn tạo ra nhiều áp lực lớn bắt chồng phải gánh vác tất cả..
  • Có sự phân biệt đối xử giữa các thành viên trong gia đình cũng là yếu tố khiến rất nhiều trẻ mắc hội chứng này. Chẳng hạn cha mẹ luôn mua đồ mới cho em út và luôn bắt chị lớn phải nhường nhịn em, dù em có sai cũng trách phạt chị; cha mẹ “trọng nam khinh nữ”, luôn chiều chuộng người con trai quá mức; người con giữa luôn bị thiệt thòi hơn so với anh chị và em út; trẻ luôn bị so sánh với anh/ chị em tài năng hơn trong nhà..  Vô tình cách hành xử thiếu công bằng của cha mẹ chính là ngọn nguồn khiến con trẻ cảm giác bị cô độc, bị bỏ rơi trong chính nhà mình
  • Thiếu sự quan tâm chia sẻ từ những thành viên trong gia đình cũng là nguồn gốc của hội chứng cô đơn giữa gia đình. Chẳng hạn người chồng vô tâm thường đi nhậu nhẹt cùng bạn bè trong khi người vợ lúc nào cũng ở nhà chờ cơm; bố mẹ lúc nào cũng bắt ép con phải theo ý mình mà không quan tâm đến việc con thích gì, con cảm thấy như thế nào..
  • Thiếu sự tương tác, kết nối giữa các thành viên với nhau trong cuộc sống hằng ngày. Thực tế có nhiều người cảm thấy lạc lõng khi về nhà trong khi chẳng có xung đột nào xảy ra. Bởi giữa các thành viên dù gặp gỡ nhau hằng ngày nhưng lại không có sự kết nối, sẻ chia, tương tác nên rất dễ hình thành cảm giác xa cách. Chẳng hạn như về nhà nhưng mỗi người lại cầm điện thoại ngồi lướt Facebook một góc, cùng một nhà nhưng mỗi người lại chỉ ở trong phòng làm việc riêng..

Cảm giác cô đơn có thể được hình thành từ rất nhiều yếu tố, không nhất thiết phải có sự xung đột mà nằm ở việc không thể hòa hợp, không cùng “tần số” với các thành viên trong gia đình. Bất cứ mối quan hệ nào cũng cần có sự chia sẻ để thấu hiểu, để duy trì về cảm xúc nên khi không đáp ứng được các yếu tố này sẽ rất dễ có cảm giác tách biệt, lạc lõng.

Thực tế, đôi khi những cảm giác này chỉ xuất phát từ tâm lý cá nhân do giữa hai bên không có sự thấu hiểu, tương đồng về mặt tâm lý, cảm xúc. Đôi khi việc cha mẹ kiểm soát con cái quá mức là vì muốn tốt cho con nhưng sự cách biệt về tuổi khác khiến cha mẹ trở thành “người xấu” trong mắt con cái. Dần dần mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà ngày càng trở nên xa cách.

Hội chứng cô đơn giữa gia đình và những hậu quả khó lường

Gia đình chính là nền tảng quan trọng của xã hội và là nơi chăm sóc và nuôi dưỡng nhân cách của con người trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Gia đình là chỗ dựa quan trọng cho tất cả mọi người, dù là trẻ em hay người trưởng thành không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần cùng nhiều khía cạnh khác để hoàn thiện về mọi mặt.

Hội chứng cô đơn giữa gia đình khiến nhiều người có xu hướng tự tách biệt chính mình với người thân, xa rời với chính cha mẹ và những người thân yêu của mình. Nhiều người thà chấp nhận chịu đựng những khó khăn, phong ba bão tố bên ngoài, thà vay mượn của người ngoài, thậm chí là vay nặng lãi hơn là về tìm kiếm sự giúp đỡ của người nhà.

hệ quả của hội chứng cô đơn giữa gia đình
Anh em trong gia đình tranh cãi, làm hại lẫn nhau có thể bắt nguồn từ chính hội chứng này

Bên cạnh đó, nhiều người còn có xu hướng thù ghét chính những thành viên trong gia đình. Rất nhiều vụ án mạng đã xảy ra giữa cha mẹ và con cái; giữa anh chị em; giữa những người sống dưới cùng một mái nhà chỉ vì có những khúc mắc chưa thể gỡ bỏ và cũng không ai tìm cách giải quyết.

Trẻ em hay trẻ vị thành niên thường có tâm lý rất yếu và cũng chưa có đủ kỹ năng để giải quyết những khó khăn, xung đột về mặt tâm trí. Hội chứng cô đơn giữa gia đình khiến con cảm thấy mình không được cha mẹ yêu thương và dần nảy sinh tâm lý tự ti, ,hạ thấp lòng tự trọng, luôn có những cảm xúc tiêu cực. Trẻ dễ cáu giận hơn, nóng nảy hơn, ít nói hơn và có nguy cơ cao bị trầm cảm.

Một người khi bị thiếu thốn sự quan tâm ở gia đình, thiếu hơi từ người thân sẽ có sự thiếu hụt lớn về mặt tình cảm. Điều này có thể dẫn tới những cảm xúc thiếu lành mạnh, không biết cách thể hiện tình yêu thương, luôn có cảm giác lo lắng, tự ti về bản thân và mất dần niềm tin với mọi thứ khiến cuộc sống của họ rất khó có hạnh phúc trọn vẹn, đủ đầy.

Để giải tỏa cảm xúc tiêu cực của bản thân, nhiều người cũng có xu hướng tìm đến bia rượu, chất kích thích để giải tỏa cảm xúc. Một số người cũng có xu hướng dễ bị bạn bè xấu lôi kéo, dụ dỗ nếu đối phương đem đến cho họ cảm giác ấm áp từ gia đình dẫn tới việc thực hiện nhiều hành vi không phù hợp với đạo đức và pháp luật.

Tùy từng nguyên nhân, tình huống gây hội chứng cô đơn giữa gia đình mà những hệ lụy xảy ra có thể khác nhau nhưng đa phần đều gây ra rất nhiều tác động tiêu cực đến tinh thần, cuộc sống của mỗi người.

Cách vượt qua hội chứng cô đơn giữa gia đình

Đôi khi sự xa cách giữa các thành viên trong gia đình xuất phát từ sự vô ý, vô tình, bởi cả hai bên chưa biết cách mở lòng với nhau. Mối quan hệ huyết thống là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng và nếu chỉ vì những khúc mắc không đáng có mà để con cái xa các cha mẹ, anh chị em cảm hiểu lầm về nhau thì hoàn toàn là những điều không đáng.

Để vượt qua hội chứng cô đơn giữa gia đình, trước hết cần có sự chủ động từ chính những người trong cuộc để giải quyết các nguyên nhân, hoặc cũng có thể cần nhờ đến những người có chuyên môn để hòa giải các mối quan hệ. Quá trình này cũng có thể cần một thời gian dài, tùy thuộc vào chính những người trong cuộc.

Thẳng thắn với các thành viên khác trong gia đình

Nền tảng của sự thấu hiểu chính là cần phải thẳng thắn chia sẻ để vừa giải quyết các khúc mắc, vừa biết cách điều chỉnh để không phạm phải những sai lầm không đáng có. Chúng ta dường như có thể dễ dàng nói lời cảm ơn, xin lỗi; thoải mái sẻ chia với một người xa lạ nhưng lại vô cùng ngại ngùng khi làm điều này với gia đình, với những người thân yêu của mình.

Hội chứng cô đơn giữa gia đình
Chia sẻ, giải quyết những bức bối, khó chịu một cách thẳng thắn với nhau có thể giúp xóa tan khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình

Gia đình sẽ luôn là chỗ dựa, là những người có thể đồng hành cùng bạn đến suốt cuộc đời, là người có thể tha thứ và bao dung dù bạn đã làm sai đến như thế nào, do đó với bất cứ khúc mắc nào hãy cùng ngồi xuống, thẳng thắn trò chuyện để giải quyết ngay vấn đề thay vì cứ để nó tồn động, tích tụ và tạo thành tấm rào chắn ngăn cách khiến mọi người xa rời nhau.

Để giải quyết vấn đề cũng như phòng tránh nguy cơ mắc hội chứng giữa gia đình, hãy luôn thẳng thắn bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, nói lên tiếng lòng của mình thay vì cứ chấp nhận rồi ấm ức trong lòng. Chẳng hạn người vợ cảm lạc lõng vì không phù hợp với văn hóa nhà chồng hãy chia sẻ với chồng để tìm cách giải quyết; người con giữa luôn ganh tỵ với anh chị và em út cũng có thể  bày tỏ nỗi ấm ức với cha mẹ..

Tất nhiên không phải bất cứ gia đình nào cũng chấp nhận lắng nghe hay thấu hiểu. Mỗi người có một lý do riêng cho các hành xử của mình và nếu không nói ra thì sẽ không ai có thể hiểu được. Dù thế nào thì nếu không thử thì không thể biết kết quả như thế nào nên hãy thử thách bản thân ít nhất 1 lần nhé!

Tổ chức các hoạt động kết nối gia đình

Thay vì về nhà và mỗi người chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại, không ai quan tâm đến ai sẽ khiến khoảng cách giữa các thành viên ngày càng xa hơn, cảm giác cô đơn lạc lõng cũng không thể loại bỏ thì sao bạn không là người chủ động tạo ra các hoạt động để kéo mọi người lại gần nhau hơn. Đôi khi không phải mọi người vô tâm chỉ là do chưa biết cách thể hiện cảm xúc mà thôi.

Có rất nhiều các hoạt động có thể giúp bạn và các thành viên trong gia đình có thể gắn kết và hiểu nhau hơn. Đôi khi chỉ là dành thời gian cùng nhau ăn một bữa cơm vào cuối tuần, cùng đi du lịch, cùng nhau xem một bộ phim tình cảm gia đình. Hội chứng cô đơn giữa gia đình cần được chữa lành bởi chính gia đình chứ không phải bằng bất cứ một loại thuốc nào khác.

Thực ra, mỗi gia đình cũng nên đặt ra các nguyên tắc để kết nối các thành viên, chẳng hạn như phải cùng ăn cơm vào cuối tuần, luôn nói lời yêu thương với nhau hằng ngày, biết cách cảm ơn và xin lỗi. Khi duy trì được những điều này, hội chứng cô đơn giữa gia đình sẽ không xuất hiện ở bất cứ thành viên nào trong gia đình bạn.

Chăm sóc tinh thần cho bản thân

Thực tế, đôi khi gia đình không nhất định phải là những người có mối quan hệ huyết thống mà đôi khi có thể chính là những người xa lạ có thể tạo cho bạn cảm giác là “gia đình”. Và nếu thực sự, nơi mà bạn gọi là “gia đình” không hoàn toàn trọn vẹn thì bạn cũng đừng quá bận tâm bởi chính bạn cũng có thể là người tạo ra một tổ ấm hoàn hảo cho chính bản thân mình.

Hội chứng cô đơn giữa gia đình
Dù có chuyện gì xảy ra cũng đừng quên chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính bản thân

Người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình thường có xu hướng tự ti, tự trách cứ bản thân, thậm chí cho rằng mình không xứng đáng được yêu thương. Bất cứ ai trên thế giới này cũng xứng đáng có một cuộc sống hạnh phúc, và nếu không có ai yêu thương bạn thì chính bạn phải làm điều đó. Chỉ khi chúng ta tự yêu thương, tự trân trọng mình thì những người xung quanh mới không thể làm tổn thương bạn.

Khi tinh thần của bạn khỏe mạnh, tích cực, cách nhìn nhận vấn đề tự nhiên cũng sẽ có sự biến đổi. Vậy làm thế nào để điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc cho những người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình?

  • Cân bằng giữa thời gian làm việc/ học tập và nghỉ ngơi để tinh thần luôn khỏe mạnh
  • Thiền nguyện hay liệu pháp hít thở đều có thể giúp ích đáng kể trong quá trình xoa dịu và điều hòa cảm xúc ổn định trở lại
  • Dành thời gian để chăm sóc cho bản thân, thực hiện các sở thích cá nhân như mua sắm, đi du lịch, làm đẹp hay gặp gỡ bạn bè
  • Độc lập, tự chủ, tự lo cho bản thân, tránh phụ thuộc vào bất cứ ai
  • Trau dồi thêm các kỹ năng cần thiết để nâng cao giá trị cho bản thân
  • Học cách đánh giá nhiều khía cạnh trong vấn đề thay vì chỉ nhìn nhận về mặt tiêu cực
  • Trò chuyện hay chia sẻ với những người thân thiết, đáng tin cậy để tìm kiếm sự giúp đỡ
  • Viết nhật ký để giải tỏa suy nghĩ của bản thân nếu cảm thấy khó khăn trong việc chia sẻ với ai khác
  • Duy trì  thói quen vận động mỗi ngày cũng là một cách chăm sóc sức khỏe tinh thần và cả thế chất của mỗi người

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người có chuyên môn

Hội chứng cô đơn giữa gia đình sẽ trở nên nguy hiểm nếu bản thân người đó luôn tồn tại các suy nghĩ tiêu cực, hạ thấp bản thân mình, lạm dụng chất kích thích hay có các hành vi tự làm đau bản thân để giải tỏa cảm xúc. Bản thân bạn nếu không thể tự giúp đỡ mình thì hãy tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia, từ những người có chuyên môn tâm lý để giải quyết tình trạng này.

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay tỷ lệ số bệnh nhân vướng mắc tâm lý bắt nguồn từ gia đình là rất lớn, tuy nhiên đa phần chỉ đến khi tình trạng của họ nghiêm trọng hơn mới tìm kiếm sự giúp đỡ. Thông qua việc trò chuyện và chia sẻ, nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh hiểu rõ vấn đề của họ nằm ở đâu, từ đó đưa ra phương hướng giải quyết phù hợp.

Liệu pháp hành vi nhận thức sẽ giúp người bệnh tự đánh giá về suy nghĩ của bản thân, từ đó tìm cách điều chỉnh tư duy, nhận thức sai lệch theo hướng phù hợp hơn. Các buổi trị liệu nhóm, trị liệu cùng gia đình cũng được thiết lập để hòa giải những khúc mắc của cả hai bên, từ đó giúp các thành viên hiểu nhau hơn, giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Quá trình điều trị hội chứng cô đơn giữa gia đình rất cần có sự đồng hành của người thân. Hòa hợp mối quan hệ gia đình, tạo sự liên kết gắn bó chính là nền tảng cần thiết để người bệnh dần cảm nhận được hơi ấm gia đình, không cảm thấy lạc lõng, cô độc, sớm lấy lại tinh thần tích cực trong cuộc sống hằng ngày,

Hãy xây dựng gia đình thành tổ ấm hạnh phúc

Để phòng tránh hội chứng cô đơn giữa gia đình không hề khó và đây rõ ràng đều là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải của riêng một mình ai. Mỗi chúng ta đều là một cá thể riêng biệt nhưng đều cần chung sống trong một gia đình nhỏ hoặc bản thân chúng ta cũng chính là một nhân tố để tạo dựng các gia đình mới, do đó cần phải tự có ý thức bảo vệ, xây dựng nó một cách vững chắc hơn.

Hội chứng cô đơn giữa gia đình
Đừng bao giờ bỏ qua bữa cơm sum họp với đầy đủ các thành viên trong gia đình

Hội chứng cô đơn giữa gia đình sẽ không xuất hiện ở bất cứ thành viên nào trong gia đình nếu bạn ghi nhớ những điều sau

  • Luôn dành thời gian cho gia đình thay vì quá tập trung vào những thú vui cá nhân của bản thân. Đôi khi chỉ cần cùng ăn một bữa cơm, trò chuyện 30 phút mỗi ngày cũng khiến tình cảm của các thành viên trong cùng một nhà ngày càng cải thiện
  • Biến ngôi nhà trở thành nơi an toàn, thoải mái nhất cho các thành viên với tràn ngập tiếng cười, đừng để những tiếng la mắng, cằn nhằn xuất hiện
  • Thẳng thắn, giải quyết các khúc mắc ngay từ khi xuất hiện để tránh những hiểu lầm lặp lại nhiều lần
  • Trao đổi và luôn tôn trọng ý kiến, sở thích của các thành viên thay vì luôn áp đặt họ theo mong muốn của mình. Hãy luôn lắng nghe để biết đối phương cần gì và thực sự mong muốn điều gì thay vì chỉ luôn điều khiển mọi vấn đề theo góc nhìn của bản thân
  • Không nên so sánh người thân với bất cứ một ai khác mà cần luôn động viên, khuyến khích, cổ vũ mọi người cố gắng hơn. Hoặc cho dù có xảy ra những thất bại cũng không nên chỉ trích ai mà cần trở thành một chỗ dựa vững chắc để mọi người có thể dựa vào
  • Luôn có sự đối xử công bằng với tất cả các thành viên, đặc biệt là trong mối quan hệ của cha mẹ với con cái trong những gia đình có đông anh chị em
  • Hoàn thành tốt trách nhiệm đối với gia đình, chủ động trợ giúp, kết nối với các thành viên thay vì chỉ có suy nghĩ “ai làm tốt phận sự của người đó”.
  • Yêu thương mọi người nhưng cũng đừng quên phải yêu thương chính bản thân mình hơn nữa

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Hội chứng cô đơn giữa gia đình có thể gây ra nhiều bi kịch nhưng đôi khi tất cả chỉ bắt nguồn từ sự hiểu lầm không đáng có. Bản thân mỗi chúng ta cần trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, chăm sóc, bảo vệ và duy trì gia đình chứ không thể chỉ phụ thuộc vào các thành viên còn lại. Và cũng đừng quên chủ động thể hiện tình cảm với những người mà mình yêu thương mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *