Tuổi thơ bất hạnh, không hạnh phúc có thể hủy hoại cuộc đời trẻ
Trẻ em được ví như những mầm non tương lai của đất nước và chính vì thế, sức khỏe tinh thần và thể chất của các em luôn cần được đảm bảo. Tuy nhiên, không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng được cha mẹ quan tâm, chăm sóc và có được một đời sống hạnh phúc. Nhiều trẻ nhỏ phải trải qua tuổi thơ bất hạnh và điều này có thể hủy hoại cả cuộc đời của trẻ.
Tuổi thơ bất hạnh có thể hủy hoại cả cuộc đời của trẻ nhỏ
Trẻ em luôn là một trong những niềm hi vọng lớn lao của mỗi quốc gia. Chính vì thế mà các bậc phụ huynh, người lớn cần phải biết cách quan tâm để đảm bảo rằng trẻ nhỏ sẽ được nuôi dạy và trưởng thành trong một môi trường khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc. Trẻ em cần được bảo vệ và tránh xa khỏi những sự tổn thương hoặc các trải nghiệm bất lợi từ thời thơ ấu.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nicole Fisher trong Forbes thì những trải nghiệm bất lợi của trẻ nhỏ từ thời thơ ấu, chẳng hạn như bị bỏ rơi, nghèo đói, không có nơi ở, không đảm bảo được lương thực, cha mẹ xa cách sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và sức khỏe suốt đời của mỗi trẻ. Những sự kiện bất hạnh, đau buồn này có thể tạo ra sự căng thẳng làm nguy hại đến trẻ.
Tuy rằng một số sự căng thẳng trong cuộc sống sẽ là yếu tố cần thiết và thúc đẩy tốt sự phát triển. Tuy nhiên, một vài căng thẳng lại làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tương lai và nó có thể tồn tại đến cả đời. Dưới đây là một số ảnh hưởng đối với những trẻ đã từng trải qua tuổi thơ bất hạnh:
1. Trẻ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin
Đây là một trong các tác hại dễ nhìn thấy nhất đối với những trẻ có tuổi thơ không hạnh phúc, bất hạnh. Những trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ, đặc biệt là thời ấu thơ khiến trẻ nhỏ dần thu mình lại, trở nên nhút nhát và thiếu tự tin vào chính bản thân mình. Nhiều trẻ còn tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc an toàn, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh và dần trở nên cô lập trước xã hội.
Khi còn nhỏ, tuy rằng trẻ chưa thể nhận thức được tất cả mọi việc nhưng đây chính là giai đoạn quan trọng để trẻ hình thành các kỹ năng và nhận thức. Chính vì thế, nếu sống trong một gia đình không hạnh phúc, thiếu vắng tình yêu thương hoặc thậm chí là thường xuyên bị bạo hành thì trẻ sẽ dễ cảm thấy tổn thương, tủi thân và cho rằng bản thân là đứa trẻ bất hạnh, không ai yêu thương.
2. Não bộ của trẻ nhỏ bị tác động tiêu cực
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì những trải nghiệm bất hạnh ở tuổi thơ kéo dài sẽ khiến trẻ nhỏ bị căng thẳng và từ đó tác động đến não bộ. Lúc này bộ nào sẽ được kích thích khả năng phản chiếu, tức là trẻ sẽ hành động giống với những điều tiêu cực mà bản thân đã phải gánh chịu.
Được biết, não bộ của con người có đến hàng tỷ các tế bào thần kinh tạo nên hàng nghìn tỷ sự kết nối chặt chẽ từ những giai đoạn đầu tiên cho đến hết cuộc đời. Các nhà khoa học nhận thấy rằng, trong 8 năm đầu đời của trẻ nhỏ là giai đoạn vô cùng quan trọng quyết định đến sức khỏe, học tập và sự thành công trong tương lai.
Theo nghiên cứu thì sự trưởng thành cả não bộ chỉ xảy ra ở độ tuổi 25, tức là dù ở độ tuổi 18, 20 thì não bộ của con người vẫn có khả năng bị tác động bởi những chấn thương, sự bất ổn, sao nhãng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe tinh thần, đời sống tình cảm và cả thể chất của con người, thậm chí nó còn kéo dài đến hết cuộc đời.
3. Gia tăng xu hướng bạo hành ở trẻ
Việc trải qua tuổi thơ bất hạnh không chỉ làm ảnh hưởng đến khía cạnh cảm xúc mà còn có thể tác động đến hành vi của trẻ nhỏ. Nhiều trẻ sau khi lớn lên dễ tham gia vào các hoạt động quậy phá, chống đối xã hội hoặc thậm chí là lâm vào các tệ nạn xã hội như trộm cướp, bạo lực, đánh đập người khác.
Chẳng hạn như việc trẻ nhỏ thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau, đánh đấm lẫn nhau thì trẻ cũng sẽ dễ hình thành tâm lý tiêu cực, trẻ cho rằng bạo lực chính là vũ khí tối ưu để giải quyết mọi vấn đề và liên tục sử dụng chúng. Khi bước vào độ tuổi đến trường nhiều trẻ sẽ dễ trở thành thủ phạm của những trận bạo lực học đường, ức hiếp bạn bè hoặc là luôn vi phạm vào những quy định, nội quy của lớp học, nhà trường.
4. Tuổi thơ bất hạnh làm trẻ ít bộc lộ cảm xúc thật
Những đứa trẻ phải liên tục trải qua những kí ức tồi tệ, những sự bất hạnh xoay quanh cuộc sống sẽ luôn có xu hướng che giấu cảm xúc của chính mình. Những đứa trẻ này hầu như không bao giờ biểu lộ cảm xúc một cách quá mức, không buồn bã tột độ, không khóc lóc thảm thiết, không vui vẻ hoặc hào hứng quá mức.
Do bị hạn chế về khả năng biểu lộ cảm xúc hoặc do chính bản thân trẻ không muốn để người khác biết được những cảm xúc ẩn chứa bên trong nên nhiều người có thể nhận xét trẻ là người khó gần, không thân thiết và tất nhiên trẻ sẽ không có quá nhiều mối quan hệ thân thuộc. Đặc biệt nếu tình trạng này cứ kéo dài và không được giải tỏa một cách phù hợp thì rất dễ khiến cho trẻ trở nên mơ hồ về chính bản thân mình.
5. Nguy cơ bị méo mó nhân cách
Trong một vài trường hợp, nhân cách của trẻ nhỏ cũng có khả năng bị méo mó bởi tuổi thơ bất hạnh. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì môi trường sống, những trải nghiệm từ thời thơ ấu là một trong các yếu tố có sức ảnh hưởng lớn đối với tính cách, nhân cách của con người.
Chính vì thế với những người có tuổi thơ không được trọn vẹn, thường xuyên phải đối mặt với nhiều bi kịch, sự bất hạnh từ khi con nhỏ sẽ có nhiều xu hướng phát triển và hình thành nhân cách theo hướng tiêu cực. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp bị rối loạn, méo mó nhân cách, hình thành các dạng nhân cách không lành mạnh do sự ảnh hưởng từ những trải nghiệm không tốt ở tuổi thơ.
Đặc biệt hơn, việc trải qua tuổi thơ bất hạnh còn có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn nhân cách nguy hiểm. Chẳng hạn như rối loạn nhân cách phân liệt, rối loạn nhân cách phụ thuộc, rối loạn nhân cách ái kỷ, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách phân liệt hay rối loạn nhân cách thể kịch tính. Hầu hết các dạng rối loạn nhân cách này đều gây ra một số ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe, đời sống của người bệnh, thậm chí nó còn có nguy cơ phát triển thành các vấn đề tâm lý nguy hiểm hơn nếu không được sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp.
6. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ
Như đã chia sẻ ở trên, hầu hết những đứa trẻ đã từng trải qua tuổi thơ bất hạnh đều có tính cách nhút nhát, hay rụt rè, thiếu tự tin, e ngại trong việc giao tiếp và tạo dựng các mối quan hệ. Có thể dễ nhìn thấy những đứa trẻ này sẽ có xu hướng tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc an toàn và luôn muốn né tránh những người xung quanh.
Một phần là do trẻ bị thiếu hụt các kỹ năng giao tiếp, một phần là do trẻ không có sự tin tưởng đối với những người xung quanh, kể cả những người thân trong gia đình. Cũng chính vì thế mà hầu hết các mối quan hệ xoay quanh cuộc sống của những đứa trẻ này chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải, trẻ dường như không có nhiều mối quan hệ thân thiết và cũng không có nhu cầu để tạo dựng thêm các mối quan hệ lâu bền.
Trong thực tế, những trẻ từng có tuổi thơ không hạnh phúc, trải qua những bất hạnh ngay từ khi còn nhỏ sẽ rất khó để kết bạn, tìm kiếm bạn đời và dường như họ không có ý muốn kết hôn, đặc biệt là những trường hợp có cha mẹ ly hôn, cuộc sống gia đình không trọn vẹn. Thậm chí một vài trường hợp còn có nguy cơ mắc phải hội chứng sợ kết hôn do những trải nghiệm tiêu cực về hôn nhân, cuộc sống gia đình đã liên tục diễn ra khi còn bé.
7. Thiếu hụt hoặc yếu kém về các kỹ năng sống
Đây là một trong ảnh hưởng thường gặp và làm cản trở rất nhiều đối với đời sống của những đứa trẻ từng trải qua bất hạnh ở tuổi thơ. Thời thơ ấu không được hạnh phúc, không nhận được sự quan tâm, yêu thương trọn vẹn của người thân sẽ khiến cho nhiều trẻ bị thiếu hụt nghiêm trọng về các kỹ năng sống.
Việc thiếu hụt các kỹ năng sống cần thiết sẽ khiến cho nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống, không thể giao tiếp, tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh, chật vật trong công việc, các hoạt động nhóm, không biết cách xử lý tình huống, kiểm soát cảm xúc,….Khi đó, nhiều người sẽ có xu hướng sống khép kín, thu mình lại để tránh việc va chạm với những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này lại khiến họ dần trở nên tồi tệ và cũng là một trong các gánh nặng lớn cho gia đình và cả xã hội.
8. Tuổi thơ bất hạnh khiến nhiều trẻ em lâm vào cảnh nghèo đói
Việc phải trải qua một tuổi thơ bất hạnh có thể hủy hoại cả cuộc đời của một đứa trẻ, nhiều trường hợp lâm vào cảnh nghèo đói, khốn khổ. Một thống kê được thực hiện vào năm 2018 nhận thấy rằng có đến 13 triệu thanh niên sinh sống tại Mỹ bị mất an ninh lương thực. Đặc biệt hơn có đến 1/6 trẻ em phải sống trong cảnh nghèo đói, thiếu thốn ngay cả trước sự tấn công của đại dịch.
Theo chia sẻ của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện trẻ em Swati adarkar thì những điều kiện và trải nghiệm đầu đời của trẻ em không phải là yếu tố quyết định về sự thành công của mỗi trẻ sau này. Tuy nhiên, những tình huống bất hạnh này có thể làm gia tăng sự căng thẳng và nó góp phần trong việc tạo ra những kết quả tồi tệ hơn về mặc giáo dục, sức khỏe và cả nghề nghiệp trong tương lai.
9. Gia tăng nguy cơ gặp vấn đề tâm lý
Trải qua tuổi thơ bất hạnh có thể hủy hoại cả cuộc đời của một đứa trẻ bởi những tổn thương tâm lý có thể tồn tại và kéo dài dai dẳng đến khi trưởng thành. Khi trải qua hàng loạt các sự kiện tiêu cực sẽ khiến tâm lý của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ gia tăng khả năng mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Tuy rằng đây không phải là nguyên nhân trực tiếp có thể làm khởi phát các chứng rối loạn tâm thần nhưng việc trải qua tuổi thơ bất hạnh cũng được xem là yếu tố nguy cơ, làm thúc đẩy các chứng rối loạn như:
- Trầm cảm: Đây được xem là một trong các rối loạn cảm xúc phổ biến nhất hiện nay. Người mắc phải chứng bệnh này sẽ có triệu chứng đặc trưng bởi tâm trạng buồn chán, ủ rũ, thiếu sức sống, bi quan, không còn hứng thú với bất kì hoạt động nào xảy ra trong đời sống, thậm chí nhiều trường hợp còn liên tục nghĩ đến cái chết và có ý định muốn tự sát. Theo thống kê thì hầu hết những người mắc phải chứng rối loạn tâm thần này đều có quá khứ đau buồn, từng trải qua những sự kiện tổn thương tâm lý.
- Rối loạn lo âu: Những đau buồn, căng thẳng kéo dài từ tuổi thơ cho đến khi trưởng thành sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải chứng rối loạn lo âu ở nhiều người. Người bệnh sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng, bất an, hoảng sợ về mọi thứ diễn ra xung quanh, đặc biệt là những tình huống gợi nhớ về những kí ức tồi tệ thờ ấu thơ.
Như vậy có thể thấy rằng tuổi thơ bất hạnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tinh thần của trẻ nhỏ, nó có thể làm hủy hoại cả tương lai của một người. Do đó, nếu bản thân bạn hoặc những người xung quanh rơi vào tình trạng này thì bạn cần hỗ trợ họ tìm hướng giải quyết hoặc chủ động trong việc tìm gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn cụ thể hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Nhận biết và vượt qua sang chấn tâm lý hậu ly hôn
- 7 Điều cha mẹ cần chuẩn bị khi con trẻ bước vào tuổi dậy thì
- Hiểu hơn về tính cách tâm sinh lý con trai ở tuổi dậy thì
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!