Hội chứng khó viết (Dysgraphia): Nguyên nhân và cách khắc phục
Hội chứng khó viết đặc trưng bởi sự suy giảm hoặc yếu kém về khả năng viết chữ bằng tay. Người mắc hội chứng này không bị sa sút trí tuệ hay chậm phát triển và vẫn có thể đọc tốt. Khả năng viết chữ kém gây ra nhiều phiền toái khi học tập và làm việc nên cần phải trị liệu sớm.
Hội chứng khó viết là gì?
Hội chứng khó viết (Tiếng Anh: Dysgraphia/ Agraphia) hay rối loạn viết chữ là một trong những rối loạn học tập thường gặp. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng suy giảm hoặc yếu kém về khả năng viết chữ bằng tay mặc dù người bệnh không bị suy giảm trí tuệ, chậm phát triển và vẫn có khả năng đọc tốt. Triệu chứng điển hình của bệnh là kỹ năng viết tay kém, thường xuyên sai chính tả và lựa chọn từ ngữ khi viết không phù hợp.
Hội chứng khó viết có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Các triệu chứng sẽ xuất hiện ngay từ lần đầu tiên trẻ tập viết nhưng đôi khi không được chú ý. Mức độ của hội chứng này có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Trẻ mắc chứng khó viết thường có nguy cơ mắc phải các rối loạn học tập khác và gặp nhiều phiền toái, khó khăn trong quá trình học tập.
Rối loạn chữ viết thường được chẩn đoán khi khả năng viết chữ ở dưới mức phát triển so với tuổi tác, chương trình giáo dục và chỉ số IQ. Do đó, những trẻ bị chậm phát triển và chỉ số IQ thấp có biểu hiện khó viết không được chẩn đoán mắc chứng bệnh này.
Nguyên nhân gây rối loạn chữ viết
Tương tự như chứng khó đọc, nguyên nhân gây hội chứng khó viết chưa được biết rõ. Hiện nay, yếu tố duy nhất các chuyên gia tìm thấy là di truyền. Một số nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy, nguy cơ mắc chứng bệnh này tăng lên nếu gia đình có người bị chứng khó viết.
Ở người lớn, rối loạn chữ viết thường xảy ra sau khi bị chấn thương đầu và các chuyên gia cũng nhận thấy hệ thần kinh xuất hiện tổn thương thực thể. Đây là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn khi viết chữ bằng tay mặc dù có thể đọc tốt và giao tiếp bình thường.
Phân loại rối loạn chữ viết (Dysgraphia)
Hội chứng khó viết được chia thành nhiều thể lâm sàng. Một số trẻ có thể chỉ mắc phải một thể hoặc phối hợp từ 2 – 3 thể bệnh.
1. Chứng viết khó
Chứng viết khó đặc trưng bởi việc viết chữ rất nhanh nhưng chữ viết không thể đọc được. Nếu yêu cầu chép lại chậm thì chữ viết dễ đọc hơn nhưng vẫn không rõ ràng như chữ viết bình thường.
Người mắc chứng viết khó thường hay sai chính tả – ngay cả với những lỗi cơ bản và được nhắc nhở thường xuyên. Người bệnh thường có khả năng đánh máy ổn. Điều này cho thấy người bị chứng viết khó không bị tổn thương tiểu não và không bị rối loạn vận động tinh (là những kỹ năng sử dụng đến những cơ, khớp nhỏ như ngón tay và bàn tay).
2. Rối loạn vận động viết
Ngược lại với chứng viết khó, rối loạn vận động viết thường có liên quan đến rối loạn vận động tinh. Người mắc thể bệnh này thường có trương lực cơ yếu, vận động tinh không phát triển hoặc vận động cơ không định hướng nên thường cử động vụng về và khó kiểm soát được cơ bàn tay, ngón tay theo ý muốn.
Người bị rối loạn vận động viết chỉ viết được những chữ đơn giản, đồng thời phải rất nỗ lực và mất nhiều thời gian để có thể hoàn thành. Vì vậy, những người này thường không duy trì viết được trong thời gian dài. Nhiều người có cảm giác đau đớn khi bị ép buộc viết quá lâu.
Chữ viết của người bị rối loạn vận động viết thường không rõ ràng, rất khó đọc – ngay cả chính bản thân họ cũng không thể đọc được. Kích thước và hình dáng chữ không phù hợp, khó đọc, chữ xiêu vẹo do bàn tay khó cầm nắm bút. Dù vậy, khả năng đánh vần và khả năng đọc hoàn toàn bình thường. Vì có liên quan đến kỹ năng vận động tinh nên người bị rối loạn vận động viết thường đánh máy với tốc độ khá chậm.
3. Rối loạn vận động không gian
Rối loạn vận động không gian thường có liên quan đến sự suy giảm về nhận thức không gian. Do đó, người mắc thể bệnh này sẽ gặp khó khăn trong việc giữ khoảng cách giữa các từ và các dòng trên một tờ giấy.
Chữ viết của người bị rối loạn vận động không gian thường không đọc được dù có cho chép lại nhiều lần với tốc độ chậm hơn. Ngoài ra, những người này cũng gần như không biết vẽ, hình vẽ có hình dạng không rõ ràng do không biết tính toán khoảng cách. Người bị rối loạn vận động không gian có thể đánh máy, đánh vần và giao tiếp bình thường.
Các dấu hiệu nhận biết hội chứng khó viết
Hội chứng khó viết có triệu chứng khá đa dạng và biểu hiện sẽ khác biệt ở từng trường hợp. Mức độ của hội chứng cũng không đồng đều ở các bệnh nhân. Tuy nhiên, gia đình có thể phát hiện sớm các triệu chứng của hội chứng khó viết thông qua những dấu hiệu sau:
- Chữ viết thường rất khó đọc, hình dạng chữ kỳ lạ, kích cỡ chữ không đều, chữ viết trèo hàng, khoảng cách không đồng đều, chữ viết dở dang,…
- Trẻ thường yêu thích viết chữ in hoa hơn so với chữ thường. Trẻ sử dụng chữ in hoa một cách lộn xộn và không phù hợp.
- Có cảm giác người bệnh đang vận lộn khi viết chữ.
- Trẻ mất rất nhiều thời gian để viết bài mặc dù không bị lơ đễnh hay chậm phát triển. Thậm chí, một số trẻ mắc chứng khó viết có chỉ số IQ cao hơn mức trung bình.
- Một số trẻ có cách cầm bút khác thường mặc dù đã được gia đình hướng dẫn kỹ.
- Tốc độ viết/ chép bài không đồng đều, khi quá nhanh khi lại quá chậm.
- Trẻ có xu hướng vừa viết vừa nói chuyện một mình.
- Thường xuyên sai chính tả, ngữ pháp, đảo ngược vị trí chữ, sử dụng từ không phù hợp,…
- Một số trẻ có biểu hiện co thắt cơ bắp cánh tay, tạo cánh tay hình chữ L, không co tay lại được,…
- Trẻ có xu hướng né tránh vẽ và viết chữ bằng tay, thường yêu thích đánh máy hơn do gặp nhiều khó khăn khi viết.
Triệu chứng rõ rệt nhất của rối loạn chữ viết là chữ viết lộn xộn và nhìn chung không thể đọc được ngay cả khi được hướng dẫn kỹ. Nếu tình trạng không có cải thiện, gia đình nên cho trẻ thăm khám để kịp thời chẩn đoán và điều trị. Thực tế, rất nhiều gia đình cho rằng trẻ còn nhỏ nên chưa biết cách cầm bút và viết chữ khiến trẻ không được can thiệp trị liệu sớm.
Hội chứng khó viết thường đi kèm với các rối loạn học tập khác. Hội chứng này có thể gặp ở trẻ khỏe mạnh nhưng cũng có thể xảy ra ở những trẻ bị rối loạn thần kinh, tâm thần như tự kỷ chức năng cao, hội chứng Tourette, rối loạn tăng động giảm chú ý,…
Ảnh hưởng của hội chứng khó viết
Trẻ mắc hội chứng khó viết sẽ gặp nhiều khó khăn khi viết chữ và vẽ. Điều này khiến trẻ mất nhiều thời gian để viết bài, từ đó không tập trung lắng nghe bài giảng và hoàn thành bài tập chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Phần lớn trẻ mắc chứng khó viết đều có kết quả học tập kém đến trung bình mặc dù hoàn toàn hiểu bài và nắm được ý của thầy cô giáo.
Chữ viết khó đọc khiến cho trẻ trở nên tự ti, rụt rè và ngại giao tiếp vì phải đối mặt với những lời trêu chọc của bạn bè. Nếu không được trị liệu, trẻ khó có thể học tập và đôi khi mắc phải các vấn đề tâm lý như stress, trầm cảm, rối loạn lo âu,…
Chẩn đoán hội chứng khó viết
Hội chứng khó viết cần được chẩn đoán trước khi điều trị. Thực tế, một số trẻ có những biểu hiện của hội chứng này nhưng hoàn toàn không mắc bệnh do tuổi còn nhỏ và chỉ số IQ thấp. Do đó, quá trình chẩn đoán sẽ mất khá nhiều thời gian và cần đến chuyên gia từ nhiều lĩnh vực như Nhi khoa, tâm lý, giáo dục,…
Các bước chẩn đoán hội chứng khó viết:
- Bài kiểm tra học thuật
- Kiểm tra khả năng vận động tinh
- Bài kiểm tra IQ
- Cho trẻ sao chép hoặc viết câu để đánh giá khả năng viết chữ bằng tay
Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ quan sát cách cầm bút chì, cơ tay và một số cơ khác trên cơ thể. Hiện tại, hội chứng này đã được công nhận trong Sổ tay thống kê và chẩn đoán rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5). Do đó, bác sĩ sẽ sử dụng các tiêu chí trong sổ tay này để đưa ra chẩn đoán xác định. Tương tự như các rối loạn học tập khác, hội chứng khó viết chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng.
Các biện pháp trị liệu hội chứng khó viết (rối loạn chữ viết)
Vì nguyên nhân chưa rõ ràng nên hiện tại không có phương pháp tối ưu cho hội chứng khó viết. Các biện pháp trị liệu có thể quản lý triệu chứng và giúp cải thiện khả năng viết chữ, qua đó giúp trẻ dễ dàng hơn khi học tập, người lớn có thể làm việc và sinh hoạt một cách thoải mái hơn.
1. Liệu pháp vận động
Liệu pháp vận động được thực hiện cho những trẻ bị rối loạn vận động tinh và gặp khó khăn trong việc cầm nắm, giữ bút viết. Thông qua liệu pháp này, trẻ sẽ được phát triển kỹ năng vận động tinh, từ đó dễ dàng hơn khi viết chữ bằng tay và đánh máy.
2. Trị liệu rèn luyện/ phục hồi trí nhớ
Trẻ bị rối loạn chữ viết thường có trí nhớ kém. Do đó, trẻ rất hay quên lời dặn của bố mẹ và cô giáo dẫn đến việc thường xuyên sai chính tả, sử dụng chữ in hoa không phù hợp,… Người lớn bị chứng khó viết thường đi kèm với suy giảm trí nhớ do chấn thương.
Trị liệu rèn luyện/ phục hồi trí nhớ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện khả năng viết chữ – đặc biệt là cách sử dụng từ ngữ, chính tả, ngữ pháp và hình dáng chữ. Bên cạnh đó, liệu pháp này cũng giúp trẻ tăng khả năng học tập và tiếp thu tốt hơn.
3. Trị liệu các vấn đề về thần kinh
Hội chứng khó viết thường có liên quan đến tổn thương thần kinh (ở người lớn) và rối loạn phát triển thần kinh như rối loạn tăng động giảm chú ý, hội chứng Tourette, rối loạn phổ tự kỷ,… Những trường hợp này sẽ được trị liệu để cải thiện toàn diện những khiếm khuyết, bao gồm cả khả năng viết chữ bằng tay.
Một số trẻ sẽ phải sử dụng thuốc để kiểm soát các vấn đề về thần kinh đi kèm. Dùng thuốc không giúp ích trong việc cải thiện hội chứng khó viết nhưng sẽ giúp ổn định cảm xúc và tránh căng thẳng. Từ đó trẻ có thể tiếp nhận các biện pháp trị liệu, cải thiện khả năng viết chữ và học tập tốt hơn.
4. Sử dụng máy tính thay vì viết tay
Mặc dù trị liệu có thể cải thiện khả năng viết nhưng chữ của người bị hội chứng khó viết thường rất khó đọc và mất nhiều thời gian để hoàn thành. Do đó, gia đình nên trao đổi với nhà trường để cho trẻ có thể viết bài bằng cách đánh máy thay vì viết chữ.
Khi khả năng viết được cải thiện, có thể cho trẻ vẽ bằng tay và viết các đoạn văn ngắn. Về lâu dài, khả năng viết chữ sẽ được cải thiện và trẻ có thể sử dụng xen kẽ máy tính và chữ viết tay.
5. Các biện pháp hỗ trợ
Trẻ em và người lớn mắc hội chứng khó viết sẽ gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống. Ngoài các phương pháp chính, nên áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ để đạt hiệu quả cao khi trị liệu.
Các biện pháp hỗ trợ giúp quản lý hội chứng khó viết:
- Sử dụng bút viết chuyên dụng dành cho người mắc chứng khó viết. Loại bút này có tên bút chì Jumbo với cấu tạo có thân rỗng để cố định bút chì vào bên trong. Bên cạnh là hai ống rỗng để đặt ngón trỏ và ngón cái vào. Sử dụng bút chì Jumbo hỗ trợ những trẻ bị rối loạn vận động tinh gặp khó khăn trong việc nắm giữ bút khi viết.
- Dùng các loại giấy có những dòng chữ nổi để giúp trẻ canh dòng tốt hơn. Điều này sẽ giúp trẻ viết chữ thẳng hàng, tránh tình trạng lộn xộn và chen chúc.
- Thầy cô nên chuẩn bị sẵn nội dung bài học để trẻ không phải viết bài. Nội dung bài nên được rút gọn và xây dựng theo dàn ý để trẻ dễ dàng ghi nhớ.
- Trước khi viết, nên cho trẻ đọc và nói về những gì sẽ viết. Từ đó giúp trẻ có hình dung cụ thể và viết tốt hơn, ít bị sai chính tả, ngữ pháp và giảm thiểu tối đa tình trạng sử dụng từ không phù hợp.
- Hướng dẫn trẻ sử dụng máy tính để hoàn thành bài tập và ghi chép lời dặn, lưu ý.
- Vì chữ viết của trẻ rất khó đọc nên thầy cô giáo nên khuyến khích trẻ tự đọc bài làm. Sau đó, ghi âm và chép lại.
Các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp trẻ giảm bớt phiền toái và khó khăn khi học tập. Đối với người lớn, nên chọn những công việc không phải viết tay để tránh phiền phức. Để ghi chép những lưu ý nhỏ, có thể sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng thay vì sổ tay.
Lời khuyên dành cho gia đình, nhà trường
Trẻ mắc hội chứng khó viết sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Vì vậy, tâm lý của trẻ sẽ nhạy cảm hơn so với bình thường. Để trẻ kiên trì trong quá trình trị liệu, gia đình và nhà trường cần lưu ý những vấn đề sau:
- Không la mắng, quát nạt hay hối thúc trẻ viết nhanh.
- Khi trẻ luyện viết, nên động viên và khuyến khích để trẻ có động lực. Ngoài ra, nên cho trẻ vẽ tay vì những bức tranh màu sắc sẽ giúp trẻ có hứng thú và bớt nhàm chán.
- Khuyến khích trẻ chơi các trò chơi sử dụng cơ ngón tay và bàn tay để tăng khả năng vận động tinh.
- Thường xuyên cho trẻ đọc sách để trẻ quen mặt chữ, có thêm vốn từ vựng và sử dụng đúng ngữ pháp.
- Rèn cho trẻ thói quen viết nhật ký. Ban đầu, có thể cho trẻ nói và ghi âm lại. Sau đó, mở đoạn ghi âm để trẻ chép lại.
- Đảm bảo trẻ được ăn uống và sinh hoạt điều độ. Khuyến khích trẻ vui chơi thể thao nhằm tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng và áp lực do quá trình học tập.
Hội chứng khó viết là một trong những rối loạn học tập thường gặp. Các biểu hiện của hội chứng này xuất hiện khá sớm. Do đó, gia đình nên chú ý đến khả năng viết chữ bằng tay để kịp thời cho trẻ thăm khám và trị liệu.
Tham khảo thêm:
- Áp Lực Học Tập Ảnh Hưởng Đến Trẻ Như Thế Nào?
- Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và cách can thiệp
- 10 Cách Giúp Giảm Stress Trong Học Tập, Thi Cử
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!