Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và cách can thiệp

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thường khởi phát trước năm 3 tuổi. Nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, trẻ có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp. Ở một số trường hợp, rối loạn ngôn ngữ không thể khắc phục hoàn toàn mà chỉ có thể cải thiện thông qua các biện pháp can thiệp.

rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Tỷ lệ trẻ bị rối loạn ngôn ngữ đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là bệnh gì?

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em đề cập đến tất cả những vấn đề bất thường liên quan đến ngôn ngữ do tổn thương ở hệ thần kinh trung ương. Rối loạn ngôn ngữ khác với rối loạn ngôn ngữ nói (rối loạn nói) – chứng bệnh có liên quan đến quá trình vận động để thể hiện và phát triển ngôn ngữ, hoàn toàn không xảy ra do tổn thương thần kinh trung ương.

Rối loạn ngôn ngữ thường khởi phát sớm trong vòng 3 năm đầu đời. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nhưng có thể điều trị hoàn toàn nếu được can thiệp sớm và đúng cách. Ở một số trường hợp, rối loạn ngôn ngữ chỉ có thể cải thiện phần nào và trẻ sẽ phải sống chung với chứng bệnh này suốt đời.

Ba mẹ đăng ký sàng lọc, đánh giá rối loạn ngôn ngữ, chậm nói cho trẻ cùng TS. Đinh Thanh Tuyến ngay để phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tăng lên đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ dành quá ít thời gian cho con cái, trẻ tiếp xúc sớm với thiết bị điện tử như máy tính, ipad, smartphone, tổn thương não bộ,… Bên cạnh đó, việc ép trẻ học tiếng Anh quá sớm cũng khiến trẻ bị nhiễu loạn ngôn ngữ, không biết cách sử dụng ngôn ngữ đúng cách và đúng mục đích.

Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Tương tự như các rối loạn phát triển khác, các chuyên gia chưa tìm thấy nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Dù vậy, một số nguyên nhân và yếu tố đã được xác định có liên quan đến bệnh lý này.

rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là gì
Ép trẻ học ngoại ngữ quá sớm có thể là nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ

Các nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ:

  • Mắc các rối loạn phát triển có khiếm khuyết về ngôn ngữ như rối loạn phổ tự kỷ, hội chứng Rett,…
  • Tổn thương não do chấn thương, u não và các bệnh lý về não khác
  • Mắc các hội chứng bẩm sinh như bại não, hội chứng Down,…
  • Tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn ngôn ngữ hoặc những chứng bệnh tương tự
  • Gặp phải các biến chứng trong thời gian sinh nở như sinh non, cân nặng thấp, ngạt thở khi sinh,…
  • Tiếp xúc quá sớm với các thiết bị điện tử như smartphone, ti vi, máy tính, ipad,…
  • Gia đình dành quá ít thời gian cho con cái khiến trẻ không có cơ hội được giao tiếp từ sớm
  • Ép trẻ học tiếng Anh quá sớm, chương trình học thiếu khoa học khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp

Nguyên nhân trực tiếp gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ là do tổn thương hệ thần kinh trung ương, làm mất đi tính toàn vẹn của bán cầu não. Kết quả là khả năng ngôn ngữ của trẻ bị suy giảm và rối loạn.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Trong những năm đầu đời, khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển rất nhanh. Do đó, bố mẹ dễ dàng nhận biết những bất thường ở trẻ nhỏ. Tương tự như các rối loạn phát triển khác, triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ sẽ có sự khác biệt ở từng trẻ.

Các triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ:

  • Rối loạn ngôn ngữ thể hiện ở nhiều khía cạnh như rối loạn khả năng nghe, rối loạn cấu trúc ngôn ngữ và khả năng giao tiếp.
  • Các triệu chứng rối loạn ngôn ngữ khởi phát sớm và đa số đều xảy ra trước năm 3 – 4 tuổi.
  • Biểu hiện đầu tiên của trẻ bị rối loạn ngôn ngữ là chậm hiểu lời nói của người khác.
  • Trẻ khó phát âm một số từ hoặc một số câu.
  • Trẻ gặp phải các rối loạn phát âm như nói sai ngữ pháp, cách nói bất thường, nói lắp, chậm nói, nói ngọng,…
  • Một số trẻ có biểu hiện phát âm vô nghĩa, lời nói lộn xộn, nói nhại lời hoặc tự nói chuyện một mình.
  • Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ cũng không quan tâm đến những người đang trò chuyện với trẻ. Trẻ gần như không lắng nghe lời nói của người khác mà chỉ tập trung chơi và trò chuyện một mình.
  • Trẻ không có hứng thú khi bố mẹ đọc sách cho trẻ nghe vì cơ bản trẻ không thể hiểu được nghĩa của lời nói.
  • Vì không hiểu được lời nói nên trẻ không nghe theo lời dạy bảo và không thực hiện đúng yêu cầu của bố mẹ, cô giáo.

Nhìn chung, trẻ từ 1 tuổi sẽ phát triển ngôn ngữ nhanh chóng và có thể giao tiếp thành thạo khi đủ 3 – 4 tuổi. Do đó, bố mẹ có thể dựa vào một số mốc thời gian để xác định liệu trẻ có bị rối loạn ngôn ngữ hay mắc phải các rối loạn phát triển khác hay không.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị rối loạn ngôn ngữ:

  • 12 tháng tuổi chưa biết bắt chước lời nói của bố mẹ và chưa bập bẹ
  • 18 tháng tuổi chưa thể nói được từ đơn hoàn chỉnh (nói rõ và có nghĩa)
  • 24 tháng tuổi chỉ nói được vài từ đơn giản, chưa biết nói từ có hai âm tiết và giao tiếp chủ yếu thông qua cử chỉ (chỉ tay, vẫy tay, sử dụng biểu cảm khuôn mặt)
  • 30 tháng chỉ nói được từ đơn giản, không nói rõ ràng các từ phức tạp và vốn từ ít (thường ít hơn 50 từ)
  • 36 tháng mới được cụm 2 từ đơn giản, không biết sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt ý muốn. Bố mẹ có thể hiểu được trẻ thông qua ngôn ngữ cơ thể và thói quen nhưng người lạ gần như không hiểu được lời của bé nói.

Thông thường, trẻ bắt đầu tập nói từ 2 – 3 tháng tuổi. Lúc này, trẻ sẽ bập bẹ nói nhưng đa số đều là âm thanh vô nghĩa. Đến khoảng 7 – 9 tháng tuổi, trẻ có thể nói được những từ đơn giản và dễ phát âm như ma ma, ba ba, măm măm,… Trẻ từ 12 – 15 tháng tuổi sẽ nói được những từ đơn và bắt đầu nói được những câu ngắn từ 2 tuổi. Đến 3 tuổi, trẻ có thể nói được những câu dài và biết sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt mong muốn.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ có ảnh hưởng gì không?

Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Chỉ khi có ngôn ngữ, trẻ mới hình thành mối liên hệ và tương tác với những người xung quanh. Ngoài ra, ngôn ngữ cũng là phương tiện để trẻ tiếp thu kiến thức, bày tỏ cảm xúc, mong muốn và gia tăng nhận thức về mọi thứ xung quanh.

Rối loạn ngôn ngữ khiến trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp, học tập, kết bạn và duy trì các mối quan hệ. Mức độ ảnh hưởng của chứng bệnh này sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh của từng trẻ. Dù vậy, ở hầu hết các trường hợp, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ đều phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề như:

rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nguyên nhân
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ có thể dẫn đến rối loạn học tập và gây ra nhiều khó khăn trong việc hòa nhập
  • Đa phần trẻ bị rối loạn ngôn ngữ đều phải đối mặt với tình trạng rối loạn học tập.
  • Do không thể giao tiếp một cách bình thường nên trẻ có xu hướng thu mình, thiếu tự tin, nhút nhát và không có bạn bè.
  • Gặp khó khăn trong việc kết bạn và duy trì mối quan hệ.
  • Khả năng ngôn ngữ kém khiến trẻ chậm tiếp thu kiến thức từ bài học và môi trường xung quanh.
  • Vì không thể sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt cảm xúc và thể hiện rõ ý của bản thân với những người xung quanh, trẻ có thể bị rối loạn cảm xúc và hành vi. Thực tế, rất nhiều trẻ rối loạn ngôn ngữ có biểu hiện cáu kỉnh, tăng động, tức giận,…
  • Dễ bị trầm cảm do cảm xúc dồn nén, không biết cách chia sẻ,…

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển về tư duy và nhân cách. Do đó, gia đình cần cho trẻ thăm khám sớm để được điều trị kịp thời. Với những trường hợp rối loạn ngôn ngữ đơn thuần, tình trạng sẽ được cải thiện chỉ sau khoảng vài tháng cho đến một năm.

Tuy nhiên, nếu rối loạn ngôn ngữ liên quan đến tự kỷ hoặc các rối loạn phát triển khác, nhiều khả năng trẻ sẽ phải đối mặt với chứng bệnh này suốt đời. Dù vậy, việc can thiệp sớm các biện pháp trị liệu và giáo dục đặc biệt sẽ giúp trẻ cải thiện ngôn ngữ đáng kể.

Các biện pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em cần được khắc phục càng sớm càng tốt. Theo các chuyên gia, thời điểm can thiệp tốt nhất là dưới 5 tuổi. Ở giai đoạn này, ngôn ngữ của trẻ đang trong quá trình phát triển. Nếu được can thiệp kịp thời, khả năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ sẽ được cải thiện rõ rệt.

nhc academy
Ba mẹ đăng ký sàng lọc, đánh giá chậm nói rối loạn ngôn ngữ để trẻ được can thiệp một cách kịp thời.

Điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em phụ thuộc khá nhiều vào nguyên nhân. Ngoài việc cải thiện ngôn ngữ cho trẻ, các biện pháp hỗ trợ cũng sẽ giúp trẻ xóa bỏ tâm lý e ngại, thiếu tự tin và giảm các hành vi, cảm xúc không phù hợp.

Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ cho trẻ được áp dụng phổ biến hiện nay:

1. Ngôn ngữ trị liệu

Ngôn ngữ trị liệu là phương pháp chính đối với chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Phương pháp này có thể áp dụng cho trường hợp rối loạn ngôn ngữ do tự kỷ, bại não, chấn thương, ung thư và nhiều nguyên nhân khác.

Ngôn ngữ trị liệu được thực hiện nhằm giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp, từ đó có thể học tập và sinh hoạt một cách dễ dàng. Phát triển ngôn ngữ cũng là nền tảng giúp trẻ nâng cao trình độ văn hóa, gia tăng nhận thức và tiếp thu kiến thức nhanh chóng.

rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nguyên nhân
Ngôn ngữ trị liệu là biện pháp can thiệp hữu hiệu nhất đối với chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Hiện nay, ngôn ngữ trị liệu đã trở nên phổ biến hơn và được áp dụng rất rộng rãi để cải thiện rối loạn ngôn ngữ ở nhiều đối tượng khác nhau. Nếu được can thiệp sớm, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ được cải thiện rõ rệt và đôi khi có thể phục hồi hoàn toàn.

Ở Việt Nam, hầu hết các bệnh viện nhi và một số trung tâm đã triển khai âm ngữ trị liệu hay còn gọi là ngôn ngữ trị liệu. Bên cạnh thời gian trị liệu tại phòng khám/ bệnh viện, gia đình cũng nên hỗ trợ trẻ trong việc cải thiện phát âm và khả năng giao tiếp. Thông thường, phụ huynh sẽ được các chuyên gia hướng dẫn cụ thể để dễ dàng trị liệu cho trẻ tại nhà.

2. Điều trị các bệnh liên quan

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thường có liên quan đến các bệnh lý như chấn thương não, u não, bại não, tự kỷ và một số vấn đề sức khỏe khác. Trong một số trường hợp, rối loạn ngôn ngữ chỉ là một nhóm triệu chứng. Do đó, bên cạnh ngôn ngữ trị liệu, trẻ cần được điều trị các vấn đề sức khỏe có liên quan.

Chẳng hạn như trẻ tự kỷ sẽ phải khiếm khuyết về ngôn ngữ, tư duy, hành vi và tương tác xã hội. Song song với việc cải thiện ngôn ngữ cho trẻ, cần phải kết hợp các biện pháp can thiệp và trị liệu để giúp thay đổi các hành vi định hình, gia tăng khả năng phối hợp giữa mắt – tay, kiểm soát cảm xúc và tăng nhận thức với môi trường xung quanh.

Kiểm soát các bệnh lý có liên quan đến rối loạn ngôn ngữ sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt kết quả khả quan hơn. Trong khi đó, nếu chỉ tác động đến ngôn ngữ, bệnh tình của trẻ sẽ tiến triển chậm và cải thiện không rõ rệt.

3. Liệu pháp tâm lý

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường sẽ bị rối loạn hành vi và cảm xúc do không biết cách biểu đạt tâm trạng và ý muốn của bản thân bằng lời nói. Về lâu dài, cảm xúc dồn nén khiến trẻ trở nên cáu kỉnh, nóng nảy, hung hăng và có các hành vi gây hấn, bạo lực.

Liệu pháp tâm lý sẽ giúp trẻ bị rối loạn ngôn ngữ giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh. Chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn trẻ một số cách thể hiện cảm xúc để đối phương có thể hiểu được tâm trạng và suy nghĩ của bản thân. Trị liệu tâm lý cũng sẽ giúp trẻ cởi mở hơn, cải thiện tình trạng thiếu tự tin và khép kín.

rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nguyên nhân
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ được trị liệu tâm lý để giải tỏa cảm xúc và thay đổi các hành vi không phù hợp

Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có vai trò quan trọng đối với việc cải thiện các hành vi không phù hợp có liên quan đến các rối loạn phát triển. Tùy theo tình trạng cụ thể và độ tuổi của từng trẻ, chuyên gia sẽ tìm ra hướng can thiệp phù hợp nhất.

Liệu pháp tâm lý chỉ là một phần của kế hoạch điều trị. Do đó, gia đình cần cho trẻ tham gia trị liệu ngôn ngữ và các biện pháp y sinh học để cải thiện toàn diện các chức năng. Có như vậy, những khiếm khuyết về ngôn ngữ và các khía cạnh khác mới có thể được cải thiện một cách rõ rệt.

Phòng tránh rối loạn ngôn ngữ cho trẻ bằng cách nào?

Không có biện pháp phòng ngừa rối loạn ngôn ngữ hoàn toàn, đặc biệt là những trường hợp có liên quan đến hội chứng Rett, tự kỷ và các bệnh lý bẩm sinh. Tuy nhiên, bố mẹ có thể phòng ngừa chứng bệnh này cho trẻ thông qua một số biện pháp đơn giản sau:

  • Dành nhiều thời gian ở bên cạnh trẻ – đặc biệt là trong giai đoạn từ 1 đến 5 tuổi. Bởi đây là thời điểm trẻ phát triển nhanh về ngôn ngữ, tư duy và nhận thức. Sự đồng hành của bố mẹ ở giai đoạn đặc biệt này sẽ giúp trẻ phát triển thuận lợi và hạn chế tối đa các vấn đề bất thường.
  • Không cho trẻ tiếp xúc quá sớm với các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, smartphone,… Thay vào đó, nên cho trẻ đọc sách và chơi các trò chơi phù hợp với lứa tuổi.
  • Khuyến khích trẻ vui chơi với bạn bè hoặc động vật. Sự tương tác qua lại sẽ kích thích nhu cầu giao tiếp, từ đó trẻ sẽ bắt đầu muốn nói chuyện và học cách phát âm, nhớ từ nhanh hơn.
  • Khi dạy trẻ nói, bố mẹ cần phát âm chuẩn, không cố ý nói ngọng để trẻ dễ dàng bắt chước. Thói quen này sẽ khiến cho trẻ dễ bị nói ngọng khi lớn lên.
  • Bên cạnh giao tiếp bằng ngôn ngữ, bố mẹ cũng cần dạy trẻ cách biểu đạt thông qua cử chỉ và biểu cảm khuôn mặt.
  • Nếu trẻ không thoải mái khi bắt chước lời nói của bố mẹ, có thể cho trẻ học nói thông qua bài hát hoặc các bài đồng dao. Thay vì lặp lại một cách cứng nhắc, âm nhạc sẽ giúp trẻ có hứng thú hơn và tiếp thu nhanh chóng.
  • Gia đình nên thường xuyên tổ chức các trò chơi với sự tham gia của bố mẹ, anh chị để gia tăng sự tương tác giữa trẻ và những thành viên khác. Ngoài ra, những trò chơi tập thể cũng sẽ giúp trẻ dạn dĩ và cởi mở hơn. Đây là cơ sở để trẻ có thể hòa nhập và dễ dàng kết bạn khi đi học.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ và khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời để nâng cao sức khỏe.
  • Chú ý các vấn đề bất thường liên quan đến khả năng nghe, nhai, nuốt,… để kịp thời cho trẻ đến bệnh viện thăm khám và điều trị.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Để trẻ có thể phát triển một cách lành mạnh, gia đình nên cho trẻ thăm khám và trị liệu càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, cần đảm bảo xây dựng môi trường sống lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện cả về ngôn ngữ, tư duy, hành vi,…

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *