Hội Chứng Capgras Có Thể Gặp Ở Bệnh Nhân Sa Sút Trí Tuệ

Hội chứng Capgras là một dạng rối loạn tâm thần với đặc trưng là mất nhận diện về nhân dạng của những người xung quanh. Thậm chí người bệnh còn cho rằng những người thân xung quanh mình là kẻ thù và tìm cách tấn công họ. Tuy nhiên nếu chỉ nghe và không nhìn đối phương, người bệnh hoàn toàn có thể nhận ra đó là người thân của mình.

Lịch sử xuất hiện của hội chứng Capgras

Hội chứng Capgras đã bắt đầu được ghi nhận từ những năm 1923 với rất nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học thời bấy giờ chưa thể lý giải hết. Đặc trưng của hội chứng này chính là người bệnh không thể nhận ra được khuôn mặt của những người xung quanh, cho rằng họ là kẻ “giả mạo” vì có ngoại hình y hệt. Thậm chí nhiều người còn nhầm lẫn cái cây, ngôi nhà là kẻ thù của mình.

hội chứng Capgras
Hội chứng Capgras được đặc trưng bằng việc người bệnh mất nhận diện về nhân dạng của những người hoặc cây cối, con vật xung quanh

Theo đó nhà tâm thần học Joseph Capgras (Pháp) cùng cộng sự là những người phát hiện và đặt nền móng đầu tiên về căn bệnh này. Vào năm 1923, họ đã ghi chép về một trường hợp bệnh nhân là nữ đã công bố rằng hàng xóm và gia đình của mình đã bị bắt cóc và thay thế bởi những bản sao y hệt khiến cô ta hoảng loạn và la hét.

Người phụ nữ này mặc dù khẳng định người chồng “hiện tại” trong nhà dù có khuôn mặt, vóc dáng giống hệt nhưng không phải người mà cô ta đã từng cưới và chung sống trước kia. Đồng thời cô ta cũng một mực cho rằng mình là con cháu đời sau thuộc dòng dõi Louis XIII 0 – nữ hoàng Ấn Độ Salandra. Bệnh nhân này sau đó được chẩn đoán là hoang tưởng.

Năm 1942, Joseph Capgras  lại gặp một trường hợp đặc biệt khác, cũng là phụ nữ và cô ta cũng một mực khẳng định người bố của mình chính là kẻ mạo danh cho dù có ngoại hình không khác gì “bố thật”. Lúc này Joseph Capgras cho rằng việc bệnh nhân có những ám ảnh, cảm xúc “sai trái” về bố đã khiến cô không tin đó là bố mình.

Một trường hợp đặc biệt khác về hội chứng Capgras được ghi nhận chính là vào năm 1991, một người phụ nữ 74 khăng khăng cho rằng người chồng ngủ cùng mình hằng ngày là “kẻ song trùng”. Bà thậm chí còn yêu cầu con trai đưa cho một khẩu súng để đánh nhau với “kẻ giả mạo” và chỉ dừng lại khi cảnh sát xuất hiện. Thú vị hơn, trừ người chồng thì bà vẫn có thể nhận ra và đối xử với các thành viên khác như bình thường.

Hay tại Mỹ vào năm 2011, trang Psychiatric Times cũng đã đưa thông tin về một trường hợp nữ giới là  Mary (40 tuổi) khi cô ta luôn cho rằng cô bé đang sống cùng mình không phải con gái ruột mà cô chăm sóc trước đó. Cô ta không ngừng la hét, kích động khi Sarah đến gần đồng thời gào thét để đòi con gái quay trở về.

Hội chứng Capgras được đặt tên theo chính người phát hiện ra nó chính là nhà tâm thần học Joseph Capgra. Trước đây nó vốn được gọi chung là bệnh ảo tưởng, sau đó khi nghiên cứu và phát hiện ra các đặc điểm riêng biệt của hội chứng này thì mới được chính thức đổi tên thành Capgras Syndrome hoặc rối loạn hoang tưởng Capgras.

Lịch sử trước đây ghi nhận hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Capgras trước đây đều là nữ giới. Ghi chép cho thấy trước năm 1936 thì 15 trường hợp được phát hiện đều là nữ, do đó nhiều người cho rằng đây là bệnh chỉ xảy ra ở phái nữ. Tuy nhiên những năm sau đó các nhà khoa học cũng đã ghi nhận những trường hợp nam giới có các triệu chứng tương tự.

Hội chứng Capgras có thể khiến người bệnh nhầm lẫn trong việc nhận diện nhiều thứ từ bản thân mình hay nhầm lẫn đồ vật, con vật, cây cối với con người. Chẳng hạn năm 2015 đã ghi nhận trường hợp một cụ ông đã bất ngờ khi nhìn vào gương và thấy một người giống hệt mình, rất hiểu mình nên không ngừng trò chuyện cùng “người trong gương”.Tuy nhiên sau đó ông ta lại cho rằng “người đó” đang muốn tấn công mình nên trở nên vô cùng kích động.

Những bí ẩn từ hội chứng Capgras tuy chưa được giải đáp toàn bộ nhưng đã nhanh chóng trở thành đề tài được khai thác trong rất nhiều bộ phim mang yếu tố hành động hay kinh dị. chẳng hạn như The Double của Mỹ (2011) hay “Us” (2019).. đều là những bộ phim ăn khách đã đưa căn bệnh tâm thần này đến gần hơn với nhiều người.

Triệu chứng hội chứng Capgras

Hội chứng Capgras là một dạng rối loạn tâm thần với rất nhiều triệu chứng bất thường, được biểu hiện một cách rõ ràng và cực kỳ dễ nhận biết. Đặc trưng rõ nhất để nhận diện bệnh so với một số dạng rối loạn hoang tưởng khác chính là người bệnh có những niềm tin phi lý về danh tính, nhân thân, không thể nhận diện được người xung quanh, luôn cho rằng họ là kẻ giả mạo cho dù có bề ngoài giống hệt “người thật”.

hội chứng Capgras
Người bệnh có niềm tin mãnh liệt trong việc người đó không phải “người thật” mà là kẻ giả mạo

Cụ thể, một số biểu hiện đặc trưng của hội chứng này bao gồm

  • Có niềm tin mãnh liệt trong việc khẳng định một người nào đó là kẻ giả mạo, chỉ có khuôn mặt, ngoại hình giống người mà họ quen nhưng chắc chắn không phải là “người thật”
  • Cảm thấy kích động, giận dữ hoặc sợ hãi khi thấy “kẻ giả mạo” tiếp cận mình và những người xung quanh, cho rằng họ có ý tấn công mình
  • Bồn chồn, căng thẳng, lo âu, dễ kích động, dễ có các hành vi bốc đồng
  • Có xu hướng kích động, bạo lực để đòi lại người thân. Chẳng hạn người mắc hội chứng Capgras là phụ nữ và không nhận ra con mình sẽ tấn công chính đứa trẻ để đòi lại “người thật”
  • Có thể xuất hiện ảo giác khiến nhận thức thay đổi nghiêm trọng, suy nghĩ lệch lạc hơn
  • Người bệnh có thể không nhầm lẫn tất cả những người xung quan nên sẽ chỉ có xu hướng kích động, tức giận với những người mà họ không nhận ra và cảm thấy nguy hiểm
  • Có thể mê sảng, lú lẫn, không kiểm soát được hành vi, lời nói, mất nhận thức về thực tại

Các trạng thái của người mắc hội chứng Capgras cực kỳ khó kiểm soát, họ có niềm tin với những nhận thức, suy nghĩ của bản thân một cách mãnh liệt và không điều gì có thể làm thay đổi. Hầu hết mức độ các triệu chứng chỉ được thuyên giảm khi người bệnh được đưa vào bệnh viện và thực hiện các biện pháp điều trị y tế chuyên khoa.

Các triệu chứng của rối loạn hoang tưởng Capgras khiến nó dễ bị chẩn đoán nhầm lẫn với một số bệnh lý khác có các biểu hiện tương tự, chẳng hạn tâm thần phân liệt, tổn thương não hoặc người bị mất trí nhớ tạm thời.

Nguyên nhân hội chứng Capgras

Các nguyên nhân gây hội chứng Capgras vẫn đang không ngừng nghiên cứu để có thể đưa ra đáp án chính xác nhất. Trước đây nó được cho là một dạng rối loạn tâm lý nhưng sau đó là được đưa vào nhóm rối loạn thần kinh khi các kết quả thống kê vào năm 1980 cho thấy có đến 1/3 trường hợp có liên quan đến những tổn thương não bộ do ngã xe.

hội chứng Capgras
Những bất thường trong não bộ được cho là có liên quan đến hội chứng Capgras

Các giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra về nguyên nhân gây hội chứng Capgras được cho là phù hợp và có lý nhất bao gồm

  • Trên Medical News Today đã công bố một số nghiên cứu khoa học, trong đó cho rằng hội chứng này được hình thành do có các tổn thương não như teo não, chấn thương não, hoặc tình trạng rối loạn chức năng não bộ. Trong đó thường là các chấn thương tại khu vực bán cầu não phải vì đây là vùng đảm nhiệm vai trò nhận diện khuôn mặt. Mặt khác thống kê cũng cho thấy có đến 1/3 bệnh nhân từng có tiền sử tổn thương não vì tai nạn giao thông.
  • Các rối loạn trong vấn đề trong xử lý thông tin và nhận thức nếu không hoạt động một cách song song sẽ làm nảy sinh những hoang tưởng phi lý trùng với các hồi ức cũ hoặc ký ức hư hỏng
  • Tổn thương thoái hóa thần kinh cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng Capgras bởi tình trạng này khiến các dây thần kinh bị suy thoái, không thể đảm nhận tốt được các chức năng ghi nhớ, nhận thức, đánh giá đồng thời cũng dễ xuất hiện các ảo giác phi lý
  • Hệ thống limbic ( hệ thống cảm xúc) không kết nối thuần thục với hệ thống nhận dạng hình ảnh (hệ thống thị giác) của não bộ cũng khiến cho sự liên kết của người bệnh với các hình ảnh quen thuộc bị cắt đứt. Đây cũng là một giả thuyết đáng xem xét về nguyên nhân gây hội chứng Capgras từng được đề cập trong bộ phim  Criminal Mind.  Hiểu một cách đơn giản hơn thì khi liên kết này bị ngắt quãng thì một người dù nhìn vào một hình ảnh vô cùng quen thuộc nhưng sẽ không có chút cảm xúc nào nên tự họ sẽ phản ứng lại bằng các trạng thái xa lạ.
  • Các bệnh lý liên quan như tâm thần phân liệt, hội chứng sa sút trí tuệ hay Alzheimer cũng được cho là có liên quan trực tiếp đến hội chứng này. Trong đó hội chứng Capgras trong sa sút trí tuệ được bộc lộ rất rõ ràng, phổ biến và cũng rất dễ gây  nhầm lẫn.

Tuy nhiên một vấn đề cần đặt ra chính là ở những người mắc hội chứng Capgras, nếu họ phải nhìn trực diện một ai  đó thì họ sẽ không nhận ra và cho rằng đó là kẻ giả mạo. Tuy nhiên nếu bịt mắt và chỉ để họ nghe tiếng của những người đó thì họ lại nhận ra người thân của mình. Tình trạng mất nhận diện có chọn lọc cũng gây ra nhiều tranh cãi trong việc phán đoán nguyên nhân cốt lõi gây bệnh.

Nói chung, sau khi tổng hợp lại thì hiện nay, các nhà khoa học đưa ra kết luận sự rối loạn trong tâm lý và nhận thức chính là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến việc một người bị mất nhận dạng nhân tính. Yếu tố môi trường, tuổi tác, chấn thương não bộ, tổn thương tâm lý trước đó cũng làm tăng nguy cơ hình thành hội chứng Capgras.

Những ảnh hưởng từ rối loạn hoang tưởng Capgras

Hội chứng Capgras gây ra ảnh hưởng đến cuộc sống của cả người bệnh lẫn những người sống cùng, đặc biệt khi người bệnh không nhận ra được người thân của mình. Sự rối loạn nhận diện luôn song hành với trạng thái kích động, bốc đồng khó kiểm soát khiến người bệnh có thể tự làm hại mình trong tình trạng không nhận thức được.

hội chứng Capgras
Hội chứng Capgras khiến người bệnh luôn sống trong lo âu, nghi ngờ, căng thẳng và dễ bị kích động hơn

Cuộc sống của những người mắc rối loạn hoang tưởng Capgras dường như trở nên đảo lộn khi mà không nhận ra người xung quanh, mất nhận thức về chính bản thân. Trạng thái bồn chồn, lo âu, căng thẳng xuất hiện đồng thời khiến những người này cũng có nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu nên tuyệt đối không được xem thường.

Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể có các hành vi tấn công, bạo lực với những người mà họ không nhận ra nếu không nhanh chóng được kiểm soát. Trạng thái của họ cũng không cho phép họ có thể sinh hoạt và làm việc bình thường, ngủ không ngon dẫn đến cơ thể suy nhược cùng rất nhiều tác động tiêu cực khác đến chất lượng đời sống hằng ngày.

Hội chứng Capgras trong sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ (Dementia) là một thuật ngữ dùng để mô tả về sự suy giảm chức năng của vỏ não, là kết quả của một loạt các nguyên nhân như chấn thương,  Alzheimer, khối u não, Bệnh Creutzfeldt–Jakob, tâm thần phân liệt.. Trong đó hội chứng Capgras trong sa sút trí tuệ cũng là một trong những vấn đề thường gặp phải.

Biểu hiện của sa sút trí tuệ chung chính là tình trạng mất trí nhớ, không tìm được ngôn ngữ phù hợp để diễn tả mong muốn, mất nhận thức với thực tại, vận động rối loạn, khó khăn khi đưa ra quyết định hay giải quyết vấn đề, hoang tưởng, lo âu, có xu hướng thay đổi tính cách cùng hàng loạt các vấn đề khác.

hội chứng Capgras
Hội chứng Capgras có thể là yếu tố hình thành hội chứng sa sút trí tuệ

Đặc trưng của hội chứng Capgras trong sa sút trí tuệ chính là tình trạng người bệnh mất nhận diện về khuôn mặt, danh tính người khác, thậm chí là không nhận ra chính mình trong gương. Điều này càng làm trầm trọng hơn các rối loạn trong tâm lý, hành vi, cảm xúc của người bệnh và khiến họ dễ kích động và có các nhận thức bất thường nhiều hơn.

Sự thoái hóa hoặc tổn thương các tế bào thần kinh khiến sự liên kết trong não bộ giữa các khu vực não bị mất đi ở người sa sút trí tuệ rất có thể liên quan tới hội chứng Capgras. Ngoài ra sa sút trí tuệ cũng được cho là có liên quan đến các vấn đề như máu tụ dưới màng cứng hay u não..

Nói chung có rất nhiều mối liên kết trong hội chứng Capgras với sa sút trí tuệ. Nếu liên quan đến hội chứng này thì việc điều trị có thể sẽ phức tạp hơn, quan trọng là cần giải quyết bệnh nền trước nếu muốn loại bỏ các triệu chứng. Người bệnh nên đến các bệnh viện lớn thăm khám, thực hiện đầy đủ các chỉ định của bác sĩ để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Hướng điều trị hội chứng Capgras

Thực tế việc chưa thể xác định chính xác cơ chế và nguyên nhân gây hội chứng Capgras khiến việc điều trị hoàn toàn căn bệnh này có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên càng đưa người bệnh đến các cơ sở điều trị y tế chuyên khoa càng sớm sẽ càng giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, hạn chế các các hành vi kích động có thể gây hại cho người nhà hay chính người bệnh.

Điều trị y tế

Chưa có bất cứ loại thuốc nào được điều chế để đặc trị cho hội chứng Capgras, tuy nhiên bác sĩ sẽ xem xét chỉ định một số nhóm thuốc để ổn định tâm lý, xoa dịu tâm trí và tăng cường trí nhớ cho người bệnh. Thậm chí bệnh nhân có thể được điều cầu điều trị nội trú để kiểm soát được các hành vi bất thường, dễ kích động ở thời gian đầu.

hội chứng Capgras
Việc sử dụng các nhóm thuốc loạn thần có thể giúp cải thiện một vài triệu chứng không mong muốn

Một số nhóm thuốc thường được chỉ định phổ biến bao gồm

  •  Risperidone (3 mg/ngày)
  •  Sertraline (100mg/ngày)
  • Clonazepam (6 mg/ngày).
  • Thuốc ức chế cholinesterase
  • Thuốc an thần

Thuốc thường gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh, đồng thời một số nhóm thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ phụ thuộc nếu sử dụng trong một thời gian dài nên cần thực sự thận trọng. Người bệnh cần đảm bảo tuân thủ liều dùng từ bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng/ giảm hay ngưng thuốc đột ngột vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn.

Nếu hội chứng Capgras có liên quan đến các chấn thương não bộ thì việc phẫu thuật cũng được đánh giá là cần thiết để tìm kiếm những bất thường trong hệ thần kinh. Người bệnh hầu như phải điều trị duy trì kéo dài để đảm bảo tâm lý, nhận thức ổn định, trở lại bình thường.

Tâm lý trị liệu

Trên thực tế tâm lý trị liệu mới làm phương pháp được hướng tới nhiều cho người mắc hội chứng Capgras, có hiệu quả tốt trên cả bệnh nhân sa sút trí tuệ. Mục đích của các liệu pháp tâm lý trị liệu chính là giúp người bệnh có những nhận thức đúng đắn, chấp nhận người trước mặt là người thân của mình, điều chỉnh những tư tưởng sai lệch theo hướng đúng đắn hơn.

Một trong những vấn đề khó khăn trong trị liệu tâm lý với bệnh nhân Capgras chính là làm thế nào để người bệnh đặt niềm tin vào nhà trị liệu. Bởi nếu họ chấp nhận chia sẻ ngày đầu nhưng ngày thứ hai lại cảm thấy nhà tham vấn là người xa lạ, là đối tượng nguy hiểm thì chắc chắn người bệnh sẽ không thể tiếp xúc hay chấp nhận các liệu pháp điều trị.

Các chuyên gia cho biết, liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức có thể đem đến hiệu quả tích cực nhất với các bệnh nhân này. Nhiều bệnh nhân thực sự đã được thuyết phục và chấp nhận người thân của mình, không còn rơi vào trạng thái ảo tưởng liên tục, cảm xúc cũng ở trạng thái bình ổn hơn. Nhà trị liệu cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân các biện pháp thư giãn phù hợp để kiểm soát các hành vi bốc đồng của họ.

Một số liệu pháp và kỹ thuật khác cũng được áp dụng cho người mắc hội chứng Capgras, tùy trường hợp nhưng đều chung mục tiêu giúp tâm lý người bệnh thoải mái nhất, nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn hơn. Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với các liệu pháp này khả năng khỏi bệnh thường là rất cao.

Sự hỗ trợ chăm sóc từ gia đình

Sự rối loạn nhận diện của hội chứng Capgras thường diễn ra trong gia đình vì thế rất cần có sự chăm sóc từ những người thân, mặc dù điều này có có thể gây ra rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên sự kiên trì hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình chính là liều thuốc tốt nhất để kéo người bệnh trở về với thực tại.

hội chứng Capgras
Gia đình cần dành thời gian quan tâm và thấu hiểu với những khó khăn của người bệnh để hỗ trợ họ tốt hơn

Vậy gia đình cần làm gì để giúp đỡ người mắc hội chứng Capgras

  • Trao đổi với bác sĩ và các chuyên gia về tình trạng của bệnh nhân để hiểu rõ về bệnh và có hướng hỗ trợ đúng cách
  • Thấu hiểu cho những khó khăn của người bệnh, kiên trì và cố gắng không thể hiện sự khó chịu, kích động hay phản ứng gay gắt với các trạng thái, hành vi kích động của bệnh nhân
  • Với những người bị người bệnh nhận diện là “kẻ giả mạo” trong thời gian đầu có thể xem xét việc hạn chế tiếp cận với người bệnh vì có thể khiến họ kích thích hơn. Hãy đợi đến thời điểm phù hợp khi người bệnh đã có những nhìn nhận đúng đắn hơn trong việc nhận diện
  • Hạn chế gây ra những cảm xúc căng thẳng và tiêu cực cho người bệnh mà cần giúp cho người bệnh thật thoải mái, có nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn
  • Tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng bia rượu, thuốc lá, đồ uống có cồn hay bất cứ chất kích thích nào khác vì có thể làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng
  • Hướng người bệnh đến lối sống khoa học, tích cực, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, ăn ngủ đúng giờ
  • Bổ sung chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên các nhóm chất lành mạnh từ rau củ, trái cây hay các loại hạt, tránh xa các nhóm đồ ăn cay nóng, đồ ăn chế biến nhiều lần
  • Nếu cần cho người bệnh tiếp xúc với được cho là “mạo danh” cần có diễn tiến phù hợp trong từng giai đoạn, không nên diễn ra đột ngột vì có thể khiến người bệnh kích động

Hội chứng Capgras cho tới thời điểm hiện tại vẫn có vô vàn các điều bí ẩn chưa được giải đáp khiến việc điều trị hoàn toàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thăm khám và điều trị y tế từ giai đoạn sớm chính là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng nên gia đình không nên giữ người bệnh ở nhà mà cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *