Hội chứng sợ bệnh viện (Nosocomephobia): Dấu hiệu và Cách chữa
Hội chứng sợ bệnh viện biểu hiện thông qua triệu chứng sợ hãi, lo lắng tột độ khi nghĩ đến việc phải đến bệnh viện, tâm trạng mất kiểm soát, đôi khi hoảng loạn. Người bệnh cần được điều trị tâm lý, kết hợp các giải pháp bổ trợ để sớm khắc phục hội chứng này, tránh ảnh hưởng đến quá trình khám chữa bệnh về sau.
Hội chứng sợ bệnh viện là gì?
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là một trong những vấn đề tâm lý nhiều người đang gặp phải. Các nỗi sợ thường gặp bao gồm sợ độ cao, sợ không gian hẹp, sợ bóng đêm,… Trong đó, hội chứng sợ bệnh viện cũng là một dạng rối loạn điển hình.
Tâm lý lo lắng, sợ khi đến bệnh viện thông thường ai cũng sẽ có. Bởi, việc đi đến bệnh viện cho thấy sức khỏe của mỗi người đang không ổn định. Đặc biệt, người đến thăm khám thường lo lắng, hoài nghi về các triệu chứng đang mắc phải đến từ căn bệnh nan y khó cứu chữa.
Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác tác động dẫn đến tâm lý sợ hãi khi đến bệnh viện. Hội chứng sợ bệnh viện hay Nosocomephobia là dạng sợ hãi vô cùng dữ dội xuất hiện trước khi nghĩ đến bệnh vện. Đây là một nỗi sợ ám ảnh cụ thể gây ra các biểu hiện gần giống như rối loạn lo âu.
Những người mắc chứng Nosocomephobia thường gặp khó khăn trong việc đến bệnh viện thăm khám sức khỏe. Tuy nhiên, do nỗi sợ, lo lắng này cũng khá phổ biến với nhiều người, khiến cho việc phân biệt đâu là hội chứng bệnh lý đâu là tâm lý bình thường trở nên khó khăn và dễ nhầm lẫn.
Cũng giống như tâm lý sợ độ cao, sợ bay, sợ bóng tối, sợ ở trong không gian hẹp,… nỗi sợ bệnh viện có thể xảy ra với bất kỳ ai. Người bệnh có thể là trẻ em, người trưởng thành hoặc người già. Nỗi sợ có liên quan đến những sang chấn tâm lý, ký ức không tốt từ thời thơ ấu và nhiều yếu tố tác động khác.
Hội chứng sợ bệnh viện gây ra nhiều ảnh hưởng cho cuộc sống cũng như sức khỏe của bệnh nhân. Đặc biệt, những trường hợp nặng, họ gần như bị lo lắng, hoảng loạn tới mức nghĩ rằng mình sẽ chết khi vào bệnh viện.
Thông thường hội chứng Nosocomephobia không xuất hiện một cách riêng lẻ. Nỗi sợ thường đi kèm với các rối loạn lo âu khác như sợ bác sĩ, hội chứng sợ máu, sợ bẩn, sợ vi trùng, thậm chí là hội chứng sợ kim tiêm. Người bệnh cần được hỗ trợ tâm lý để khắc phục hội chứng này.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ bệnh viện
Người mắc hội chứng sợ bệnh viện sẽ có các biểu hiện gần giống với các hội chứng sợ hãi khác. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể gặp phải hội chứng này, kể cả người trưởng thành cho đến trẻ nhỏ.
Theo các số liệu thống kê và thông tin được ghi nhận của Tổ chức y tế, các trường hợp mắc phải Nosocomephobia thường có biểu hiện sớm từ thời thơ ấu, một số người xuất hiện triệu chứng giai đoạn thành niên.
Người bệnh sẽ có các biểu hiện bất thường trên cơ thể vật lý và tâm lý, mức độ tùy thuộc vào tình trạng rối loạn ám ảnh sợ hãi mà người bệnh đang gặp phải. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Biểu hiện trên cơ thể vật lý: Người bị hội chứng sợ bệnh viện có thể bị khó thở, thở nhanh, gấp gáp, nhịp tim đập nhanh bất thường khi nghĩ đến bệnh viện. Kèm theo đó, cơ thể người bệnh sẽ có các dấu hiệu như choáng váng, bủn rủn tay chân, huyết áp cao, đau ngực, khó nuốt, mặt đỏ hoặc trắng bệch, ngứa ngáy râm ran, chán ăn, mất ngủ, bồn chồn,…
- Biểu hiện tâm lý: Bên cạnh các triệu chứng xảy ra trên cơ thể vật lý, tâm lý bệnh nhân cũng có những dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn như tâm trạng luôn lo âu, sợ hãi khi nghĩ đến bệnh viện, xuất hiện tâm lý né tránh, tìm cách để không phải đến bệnh viện. Mất kiểm soát, kèm theo cảm giác không an toàn, bi quan, nghĩ bản thân không sống được sau khi đã vào viện.
Những lo lắng có thể xuất hiện khi một người nào đó chuẩn bị đến bệnh viện khám bệnh. Tâm lý này khá phổ biến, bởi việc đi khám bệnh cho thấy cơ thể vật lý đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, đối với người mắc hội chứng Nosocomephobia nỗi sợ gần như phát triển một cách nhanh chóng và nặng nề.
Càng kéo dài, nỗi sợ bệnh viện ngày càng lớn dần gây khó khăn trong việc thăm khám bệnh và điều trị. Chính vì thế, những đối tượng mắc phải hội chứng Nosocomephobia cần được hỗ trợ, điều trị tâm lý càng sớm càng tốt để tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
Hội chứng sợ bệnh viện do nguyên nhân nào gây ra?
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh khi nghĩ đến bệnh viện. Tuy nhiên cho đến nay việc xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến hội chứng Nosocomephobia chưa được công bố cụ thể.
Những giả thuyết được cho là có liên quan đến nỗi sợ này kể đến như:
- Thứ nhất người mắc Nosocomephobia do di truyền. Điều này được lý giải bằng các dữ liệu thống kê số lượng bệnh nhân mắc bệnh trong cùng gia đình ngày càng gia tăng. Cha, mẹ hoặc anh em trong gia đình bạn có các dấu hiệu rối loạn lo âu sợ hãi, bạn cũng có tâm lý tương tự. Đặc biệt khi nghĩ đến việc phải vào bệnh viện khám chữa bệnh. Bạn sẽ có xu hướng bị ám ảnh bệnh viện thông qua các ám ảnh đến từ bố, mẹ, người thân trong gia đình.
- Thứ hai, nguy cơ có thể xảy ra đối với người bình thường sống cùng với một người mắc phải hội chứng sợ bệnh viện. Nhất là đối với trẻ nhỏ, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý bởi người xung quanh, làm bùng phát các biểu hiện sợ hãi, lo lắng thái quá khi nghĩ đến bệnh viện. Yếu tố di truyền không liên quan đến trường hợp này, đây là một dạng ảnh hưởng tâm lý đến từ yếu tố xã hội.
- Thứ ba, bạn có thể mắc phải Nosocomephobia do các sang chấn tâm lý thời gian trước đó. Đặc biệt là các cú sốc, sự sợ hãi, buồn bã khi mất người thân, gặp phải chuyện đau thương tại nơi này. Một số người mắc Nosocomephobia do chứng kiến người thân qua đời tại bệnh viện hoặc từng bị thương, bị bệnh rất nặng gần như sắp mất nhưng may mắn được cứu sống. Sau khi trải qua những sự việc này, khi nghĩ đến bệnh viện làm khơi gợi đến ký ức không tốt đẹp gây tâm lý sợ hãi tột độ.
- Thứ tư, nỗi sợ bệnh viện xảy ra song song với các nỗi sợ khác như sợ máu, sợ vi trùng, vi khuẩn, sợ tiêm thuốc,… Như đã đề cập, người bị Nosocomephobia thường đi kèm với nhiều nỗi sợ khác. Khi chúng xuất hiện, người bệnh sẽ có các biểu hiện bất thường về thể chất lẫn tinh thần.
- Thứ năm, ảnh hưởng từ truyền thông cũng là yếu tố dẫn đến nhiều nỗi sợ của con người trong đời sống hiện đại ngày nay. Khi thông tin được truyền đi với nhiều dạng thức như phim ảnh, thời sự,…. Đặc biệt là những thông tin liên quan đến sự nguy hiểm tại bệnh viện, các sai sót trong ngành y và nhiều vấn đề tiêu cực khác. Đây là nguyên nhân làm khơi gợi nỗi sợ hãi và lo lắng của nhiều người khi nghĩ đến bệnh viện, cho rằng đây là nơi chết chóc.
Ngoài các nguyên nhân được đề cập, một số bệnh nhân mắc hội chứng sợ bệnh viện đến từ sự nhạy bén về khứu giác. Họ bị dị ứng, nhạy cảm khi ngửi thấy mùi cồn, dung dịch sát khuẩn, mùi thuốc,… trong bệnh viện.
Điều này khiến cho họ cảm thấy sợ mỗi lần phải vào bệnh viện. Lâu dần, nỗi ám ảnh ngày càng lớn, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe. Người bị Nosocomephobia cần được hỗ trợ để sớm kiểm soát sự sợ hãi, lo lắng đối với bệnh viện, tránh trường hợp cần thăm khám nhưng kéo dài gây hại nghiêm trọng sức khỏe.
Phương pháp chẩn đoán hội chứng sợ bệnh viện
Làm cách nào để đưa ra kết luận một người mắc hội chứng sợ bệnh viện hay chỉ là tâm lý lo lắng thông thường? Để chẩn đoán hội chứng này cũng như các bệnh lý tâm lý khác cần đến bác sĩ chuyên khoa.
Không chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng người bệnh gặp phải, bác sĩ tâm thần học sẽ khai thác các thông tin về tiền sử gia đình, biến cố liên quan,… để tìm ra vấn đề cho bệnh nhân. Trường hợp xác định hội chứng Nosocomephobia khi tình trạng lo lắng, căng thẳng kéo dài.
Đồng thời, bệnh nhân cũng gặp phải các biểu hiện bất thường cả về mặt thể chất lẫn tinh thần liên tục, nhất là khi nghĩ đến bệnh viện. Nỗi sợ hãi có thể kèm theo nhiều vấn đề khác gây ra tâm lý tiêu cực, dễ dẫn đến các hành vi bất thường.
Việc bệnh nhân từ chối tiếp nhận điều trị y tế có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Không chủ quan với Nosocomephobia, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp cơ thể xuất hiện dấu hiệu lạ, kèm theo tâm lý hoảng loạn, lo âu dữ dội khi nghĩ đến bệnh viện, bạn cần được hỗ trợ tâm lý sớm. Vượt qua nỗi sợ hãi, kiểm soát được tâm lý sẽ hỗ trợ bạn sớm phát hiện các vấn đề sức khỏe thể chất và khắc phục bằng các biện pháp an toàn.
Tìm hiểu thêm: Hội chứng sợ bẩn là gì? Những thông tin cần biết
Cách chữa hội chứng sợ bệnh viện
Đa số các trường hợp mắc hội chứng sợ bệnh viện mức độ nhẹ không cần can thiệp điều trị y tế. Ngược lại, các đối tượng gặp phải tâm lý hoảng loạn, sợ hãi, đau khổ tột độ khi nghĩ đến bệnh viện cần phải có biện pháp hỗ trợ, khắc phục sớm.
Bởi, việc kéo dài nỗi sợ hãi sẽ gây ra không ít ảnh hưởng đối với sức khỏe người bệnh cũng như quá trình chăm sóc, điều trị y tế. Người bệnh cần được giúp đỡ trị liệu tâm lý để kiểm soát nỗi sợ. Các biện pháp hiện nay đang được áp dụng kể đến như:
- Liệu pháp CBT:
Đây là phương pháp nhận thức hành vi được áp dụng trong trị liệu tâm lý cho đối tượng mắc Nosocomephobia. Bệnh nhân thực hiện liệu pháp này nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết và chủ động kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc.
Người bệnh sẽ trò chuyện trực tiếp với bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu tâm lý để tìm hiểu nguyên nhân có liên quan gây ra nỗi sợ. Đồng thời, chuyên gia cũng sẽ khai thác suy nghĩ, cảm xúc và hành xử của bệnh nhân khi đề cập đến nỗi sợ bệnh viện.
Dựa trên các thông tin có được, bác sĩ sẽ hướng suy nghĩ của người bệnh theo chiều hướng tích cực hơn, nhằm giúp bệnh nhân có cái nhìn khác đối với bệnh viện. Những suy nghĩ tiêu cực theo thời gian sẽ được tháo bỏ.
- Liệu pháp tiếp xúc:
Liệu pháp tiếp xúc hay còn được gọi là liệu pháp giải mẫn cảm. Đây là một trong những phương án được áp dụng trong trị liệu rối loạn lo âu, bao gồm hội chứng sợ bệnh viện. Liệu pháp tiếp xúc giúp người bệnh dần giải tỏa những áp lực, lo lắng về chủ thể của nỗi sợ.
Các hình ảnh, thông tin tích cực về bệnh viện sẽ được chuyên gia tâm lý đưa đến cho người bệnh để họ tiếp nhận các thông tin trong khoảng thời gian nhất định. Điều này giúp họ thảo gỡ các khúc mắc, giải tỏa tâm lý tiêu cực đối với bệnh viện.
Từ những hình ảnh, thông tin, bệnh nhân sẽ được tiếp xúc trực tiếp bằng cách đến một bệnh viện nào đó. Lâu dần, sự tiếp xúc sẽ tạo nên cảm giác quen thuộc giúp họ không còn hoảng loạn khi nghĩ đến bệnh viện như trước đây.
- Điều trị bằng thuốc:
Đối với trường hợp người bệnh phải đến bệnh viện để thăm khám điều trị các vấn đề của cơ thể vật lý, thuốc có thể được kê để giảm bớt lo âu cho người bệnh. Theo đó, các loại được dùng như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần.
Những loại thuốc này có tác dụng giúp người bệnh giảm cảm giác sợ hãi, hỗ trợ kiểm soát hành vi, giúp người bệnh thư giãn tinh thần, giảm nguy cơ mất ngủ, gặp ác mộng do lo lắng quá mức. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, trên thực tế thuốc chỉ có tác dụng giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng. Sau khi thuốc hết tác dụng, cảm giác sợ hãi vẫn có thể xuất hiện. Ngoài ra, các loại thuốc về thần kinh khi sử dụng quá nhiều, kéo dài có thể tăng tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn,… ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.
Do đó, tốt nhất bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn, không lạm dụng hoặc kết hợp nhiều thuốc trầm cảm, thuốc an thần. Trường hợp nhận thấy cơ thể có triệu chứng bất thường cần được điều chỉnh thuốc, ngưng dùng thuốc để ngăn nguy cơ không mong muốn.
Phòng tránh hội chứng sợ bệnh viện
Nguyên nhân gây hội chứng sợ bệnh viện chưa được xác thực rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho việc phòng tránh bệnh lý này. Một số giả thuyết cho rằng, người mắc Nosocomephobia có khả năng đã mắc hoặc đang mắc phải những bệnh lý về rối loạn lo âu khác.
Do đó, nếu gặp phải các triệu chứng về rối loạn lâu âu, tốt hơn hết bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để ngăn chặn nguy cơ gây ra nhiều nỗi sợ tâm lý khác. Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro mắc hội chứng sợ bệnh viện, bạn nên lưu ý:
- Hạn chế căng thẳng trong đời sống từ công việc, các mối quan hệ, chuyện học hành, tình yêu.
- Chia sẻ các vấn đề đang gặp phải với người thân, bạn bè. Việc tâm sự giúp tâm lý được giải tỏa hơn, hạn chế nguy cơ trầm uất gây bệnh tâm lý nặng nề.
- Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, tìm hiểu một sở thích mới để tránh suy nghĩ nhiều.
- Khi cần thăm khám bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín, chất lượng, có cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên thoải mái. Điều này cũng góp phần giúp bạn tránh được nỗi sợ bệnh viện.
- Đi cùng người thân đến bệnh viện nếu cần thăm khám, thực hiện các xét nghiệm để giảm bớt nỗi lo.
- Hạn chế sử dụng các thức uống chứa caffeine để tránh tình trạng lo lắng, khó ngủ trở nên nặng nề. Loại bỏ khói thuốc lá, đồ uống chứa cồn và chất kích thích để bảo vệ sức khỏe.
Hội chứng sợ bệnh viện có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đây là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nhiều người đang mắc phải. Tuy nhiên triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện tâm lý thông thường khác. Chính điều này khiến bệnh càng thêm nặng theo thời gian. Vì thế, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ khắc phục sớm, bảo vệ an toàn sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ tắm rửa (Ablutophobia): Dấu hiệu và Cách khắc phục
- Hội chứng sợ uống thuốc (Pharmacophobia) là gì? Cách khắc phục
- Hội chứng ngủ rũ (Narcolepsy): Nguyên nhân, nhận biết và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!