Hội chứng sợ bẩn là gì? Những thông tin cần biết
Hội chứng sợ bẩn là một rối loạn tâm lý khiến người bệnh lo lắng thái quá về việc bị nhiễm bẩn, từ đó dẫn đến các hành vi phòng ngừa quá mức. Do đó, việc nâng cao nhận thức về hội chứng và tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp rất cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh.
Hội chứng sợ bẩn là gì?
Hội chứng sợ bẩn (tên gọi khác là Mysophobia) là một rối loạn tâm lý khiến người bệnh luôn cảm thấy lo sợ và ám ảnh về việc bị nhiễm bẩn hay vi khuẩn. Người mắc hội chứng này sẽ cảm thấy hoảng sợ, ghê tởm và đau khổ khi tiếp xúc, nghĩ đến các vật dơ bẩn và nhiễm khuẩn như thực phẩm hư thối, chất dịch từ cơ thể người, vật dụng trong nhà vệ sinh và đồ vật nơi công cộng.
Thuật ngữ Mysophobia được ghép từ hai từ gốc Hy Lạp: μύσος (musos) – nghĩa là “ô uế” và φόβος (phobos) – nghĩa là “sợ hãi.” Tình trạng này còn được gọi bằng nhiều tên khác như Germophobia, Bacillophobia, Bacteriophobia và Verminophobia.
Mặc dù bệnh nhân nhận thức được rằng nỗi sợ của mình là vô lý, nhưng không thể ngăn bản thân khỏi cảm giác hoảng loạn. Khi đối diện với các tác nhân gây ra nỗi ám ảnh này, người bệnh thường tìm mọi cách để tránh thoát khỏi nó.
Hội chứng sợ bẩn xuất phát từ nguyên nhân nào?
Hội chứng sợ bẩn có thể phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả yếu tố di truyền và môi trường, cụ thể như sau:
- Yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy những người có tiền sử gia đình mắc các rối loạn lo âu như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) sẽ có nguy cơ cao hơn mắc phải hội chứng sợ bẩn. Tuy nhiên, việc có tiền sử bệnh lý gia đình không đồng nghĩa với việc cá nhân chắc chắn mắc bệnh, mà chỉ là yếu tố làm tăng nguy cơ.
- Yếu tố môi trường: Những trải nghiệm tiêu cực liên quan đến vi trùng, sự ô nhiễm như chứng kiến người thân mắc bệnh nghiêm trọng hoặc qua đời do nhiễm khuẩn có thể gây ra ám ảnh và sợ hãi kéo dài. Sang chấn tâm lý này khiến bệnh nhân luôn lo lắng và cố gắng tránh xa các nguồn gây nhiễm trùng.
Biểu hiện thường gặp ở hội chứng sợ bẩn
Hội chứng mysophobia, thường xuất hiện với những biểu hiện rõ ràng trong hành vi và tâm lý của người bệnh như sau:
Biểu hiện hành vi:
- Thường xuyên rửa tay nhiều lần liên tiếp một cách bất thường
- Luôn đeo găng tay để tránh tiếp xúc với vi khuẩn, đồ vật bị bẩn
- Thường tránh né gặp gỡ ngay cả với những người thân yêu vì lo sợ nhiễm bẩn
- Thường tìm cách che chắn các vật dụng mà mình sử dụng hàng ngày chẳng hạn như điều khiển từ xa, vô lăng ô tô
- Giảm thiểu thời gian ở nơi công cộng như nhà vệ sinh, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng…
- Trở về nhà ngay lập tức nếu bản thân sợ mình đã tiếp xúc với vi khuẩn
- Thường hay tắm nhiều lần trong một ngày
- Sử dụng nước rửa tay liên tục mỗi khi chạm vào bề mặt lạ
- Sử dụng quá nhiều chất khử trùng và thuốc kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng
Triệu chứng thể chất thường gặp ở hội chứng sợ bẩn:
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và khó tập trung
- Có thể khóc thường xuyên do lo lắng và căng thẳng
- Dễ trở nên cáu gắt và mất bình tĩnh
- Chóng mặt
- Cảm thấy tim đập nhanh, hồi hộp
- Tình trạng bồn chồn và không thể ngồi yên thường xuyên xảy ra
- Run rẩy, toát mồ hôi nhiều hơn bình thường khi lo lắng
Triệu chứng tâm lý – cảm xúc thường gặp:
- Có nỗi sợ vi trùng dữ dội và đầy ám ảnh
- Lo lắng quá mức khi liên quan đến việc tiếp xúc với vi khuẩn
- Thường xuyên có suy nghĩ về việc tiếp xúc với vi khuẩn dẫn đến bệnh tật hoặc các hậu quả tiêu cực khác
- Tránh xa môi trường mà bản thân cho là “bẩn” như đất đai và nơi công cộng
- Gặp khó khăn khi phải hoạt động ở nơi có vi khuẩn, chẳng hạn như nơi làm việc và trường học
Chẩn đoán hội chứng sợ bẩn như thế nào?
Chẩn đoán hội chứng sợ bẩn thường được thực hiện bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học. Các câu hỏi được đặt ra nhằm đánh giá xem nỗi sợ và lo lắng của người bệnh có ảnh hưởng đến hành vi, thói quen hàng ngày hay không.
Các bước chẩn đoán chính bao gồm:
- Phỏng vấn: Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình.
- Đánh giá tâm lý: Kiểm tra mức độ lo lắng và ám ảnh thông qua các bài kiểm tra.
- Khám sức khỏe: Thực hiện để loại trừ nguyên nhân gây bệnh khác.
Tiêu chí chẩn đoán:
- Có nỗi sợ hãi và lo lắng dai dẳng về vi khuẩn hoặc bụi bẩn kéo dài trên 6 tháng
- Có nhiều hành vi và suy nghĩ tiêu cực do nỗi sợ hãi này gây ra
- Cảm thấy đau khổ hoặc suy giảm các chức năng trong cuộc sống hàng ngày
- Hội chứng không giải thích bởi các nguyên nhân y tế, lạm dụng chất kích thích, tình trạng sức khỏe tâm thần khác
Các câu hỏi đánh giá tâm lý có thể bao gồm:
- Bạn thường xuyên nghĩ về vi khuẩn trong bao lâu?
- Bạn đã từng trải qua sự kiện ám ảnh nào liên quan đến vi khuẩn chưa?
- Vi khuẩn khiến bạn có cảm giác như thế nào?
- Chứng sợ bẩn có gây ra những thay đổi về hành vi ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn không?
- Tiền sử bệnh lý cá nhân hoặc gia đình bạn có mắc rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay không?
- Bạn có đang tránh gặp gỡ con người hoặc địa điểm trước đây từng yêu thích vì sợ vi khuẩn không?
Giải pháp khắc phục hội chứng sợ bẩn hiệu quả
Để khắc phục và đối phó với hội chứng sợ bẩn, có nhiều giải pháp hiệu quả mà cá nhân có thể áp dụng với hiệu quả lâu dài, cụ thể:
1. Các liệu pháp tâm lý
Các liệu pháp tâm lý thường được chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyến khích thực hiện nhằm giúp người bệnh kiểm soát và vượt qua nỗi sợ hãi. Các phương pháp điều trị này không chỉ giúp giảm bớt triệu chứng mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh.
- Liệu pháp tiếp xúc:
Ở liệu pháp này, người bệnh sẽ làm việc với nhà trị liệu để khám phá nguyên nhân gốc rễ của nỗi sợ vi khuẩn. Liệu pháp bắt đầu với các tiếp xúc có nguy cơ thấp, chẳng hạn như suy nghĩ về vi khuẩn, sau đó tiến dần đến những tiếp xúc có nguy cơ cao hơn như chạm vào đồ vật không được khử trùng hoặc dành nhiều thời gian ở nơi công cộng. Quá trình này giúp bệnh nhân dần quen với vi khuẩn và học cách kiểm soát những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT):
Liệu pháp CBT giúp người bệnh hiểu rõ lý do tại sao vi khuẩn khiến bản thân khó chịu và lo sợ. Qua các buổi trị liệu, bệnh nhân sẽ học được các kỹ năng đối phó với suy nghĩ tiêu cực và có được quyền kiểm soát suy nghĩ quá mức. Đồng thời các kỹ năng này còn giúp giảm bớt lo lắng và cải thiện khả năng đối phó với thực tế liên quan đến vi khuẩn.
2. Thuốc điều trị
Thuốc không thể chữa khỏi hoàn toàn hội chứng sợ bẩn, nhưng có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng đi kèm. Trong khi thuốc chống trầm cảm giúp cải thiện các rối loạn tâm trạng, thì mặt khác thuốc chống lo âu có thể giúp người bệnh đối phó với trường hợp bị căng thẳng, đặc biệt là khi phải đến những nơi công cộng.
Các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến bao gồm: Fluoxetine (Prozac), Sertraline (Zoloft), Citalopram (Celexa), Escitalopram (Lexapro), Paroxetine (Paxil), Venlafaxine (Effexor), Duloxetine (Cymbalta).
3. Thực hành kỹ thuật thư giãn
Khi cảm thấy căng thẳng do hội chứng sợ bẩn gây ra, có một số kỹ thuật thư giãn hiệu quả có thể giúp người bệnh giảm nhịp tim, hạ huyết áp và thư giãn cơ bắp, Từ đó tập trung và kiểm soát tốt hơn suy nghĩ cùng hành vi của mình.
- Hít thở sâu: Phương pháp này chủ yếu tập trung vào hơi thở, để bệnh nhân hít vào chậm rãi qua mũi và thở ra thật chậm qua miệng. Chỉ cần lặp lại trong vài phút người bệnh có thể đạt được sự thư thái trong tâm trí.
- Thư giãn cơ bắp: Người bệnh có thể nằm xuống trong tư thế thoải mái và bắt đầu thực hiện động tác giãn cơ từ chân và di chuyển lên đầu. Tiếp tục lặp lại hai hoặc ba lần cho mỗi nhóm cơ có thể giúp bệnh nhân giảm căng thẳng rất tốt.
- Thiền định: Trong không gian yên tĩnh, người bệnh có thể tập trung nhớ đến một câu thần chú hoặc hình ảnh. Từ việc không phán xét và nhẹ nhàng đưa tâm trí trở lại thực tại khoảng 5 – 10 phút mỗi ngày, bệnh nhân có thể giảm bớt lo âu và nỗi sợ hãi liên quan.
- Tập Yoga: Yoga là phương pháp kết hợp các tư thế, động tác với bài tập thở và thiền, nhằm đem lại tâm trạng tích cực, giúp giảm căng thẳng, lo âu..
Hội chứng sợ bẩn nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến mọi người có nỗi sợ hãi quá mức về việc tiếp xúc với chất bẩn và luôn trong trạng thái lo âu. Vì vậy, sự can thiệp đúng đắn và kịp thời sẽ giúp người bệnh có thể hồi phục và sống mà không lo lắng về những nỗi ám ảnh sợ hãi.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ tắm rửa (Ablutophobia): Dấu hiệu và Cách khắc phục
- Hội chứng ăn đêm: Biểu hiện và Một số tác hại đến sức khỏe
- Hội chứng nghiện nhổ tóc: Nguyên nhân và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!