Bệnh loạn thần: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Bệnh loạn thần đặc trưng bởi những liên hệ sai lệch với thực tế, với biểu hiện chính là ảo giác và hoang tưởng. Tình trạng này gặp chủ yếu ở bệnh nhân nghiện rượu, ma túy, mắc các bệnh thực tổn ở não hoặc các rối loạn tâm thần.
Bệnh loạn thần là gì?
Loạn thần không được xem là bệnh mà là nhóm triệu chứng của các rối loạn tâm thần. Một số tài liệu sử dụng thuật ngữ “bệnh loạn thần” để đề cập đến tất cả các bệnh lý có loạn thần là triệu chứng điển hình. Đặc trưng của loạn thần là những liên hệ sai lệch với thực tế, trong đó phổ biến nhất là hoang tưởng và ảo giác. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân cụ thể.
Loạn thần là triệu chứng của các rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể xảy ra ngắn hạn nhưng cũng có thể tiến triển dai dẳng và kéo dài. Người bị loạn thần sẽ có ảo giác, hoang tưởng không phù hợp với thực tế. Đồng thời có niềm tin mãnh liệt với các hoang tưởng, ảo giác, mặc dù thực tế cho thấy những bằng chứng thuyết phục phản bác lại điều này.
Chứng loạn thần không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh mà còn gây ra nhiều phiền toái cho những người xung quanh. Đôi khi, các hoang tưởng và ảo giác có thể khiến bệnh nhân kích động và thực hiện những hành vi bạo lực, gây hấn.
Biểu hiện của bệnh loạn thần
Loạn thần đặc trưng bởi những liên hệ sai lệch và không phù hợp với thực tế. Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng ảo giác hoặc (và) ảo thanh.
1. Hoang tưởng
Hoang tưởng là những phán đoán, niềm tin sai lầm và không phù hợp với thực tế. Người bệnh khăng khăng những điều bản thân nghi ngờ, suy nghĩ là đúng mặc dù điều này mâu thuẫn với thực tế. Hoang tưởng có nội dung đa dạng và được chia thành các dạng sau đây:
- Hoang tưởng ghen tuông: Hoang tưởng ghen tuông là dạng hoang tưởng phổ biến nhất. Những người mắc chứng bệnh này luôn cho rằng người yêu, bạn đời không chung thủy và phát sinh quan hệ với những người khác giới. Bệnh nhân kiểm soát bạn đời quá mức và liên tục tra hỏi về lịch trình, giờ làm việc. Sự ghen tuông thái quá và không có căn cứ khiến bạn đời cảm thấy ngột ngạt, bí bách và thường chủ động ly hôn. Khi bạn đời không thú nhận việc ngoại tình, bệnh nhân có thể tức giận và có các hành vi bạo lực (đánh đập bạn đời, con cái, đập phá đồ đạc,…).
- Hoang tưởng được yêu: Hoang tưởng được yêu là niềm tin mãnh liệt về việc bản thân đang được một người nào đó dành tình cảm đặc biệt. Bệnh nhân cố ý rình rập, giám sát, liên tục gửi thư và tin nhắn cho đối tượng. Các hành vi này gây ra nhiều phiền toái do chính người bệnh vì liên tục bị tố cáo về tội danh quấy rối.
- Hoang tưởng tự cao: Hoang tưởng tự cao là một trong những dạng hoang tưởng khá phổ biến. Người bệnh có niềm tin rằng bản thân sở hữu tài năng hơn người hoặc có những khám phá, sáng kiến có tính chất to lớn. Thậm chí nhiều người còn cho rằng bản thân sở hữu phép thuật siêu nhiên. Bệnh nhân cố chấp giữ niềm tin này trong khi thực tế phản ánh điều hoàn toàn ngược lại.
- Hoang tưởng bị hại: Hoang tưởng bị hại đặc trưng bởi tình trạng bệnh nhân luôn cho rằng bản thân đang bị tổ chức bí mật theo dõi để chống lại, do thám, quấy rối và thậm chí là sát hại. Người mắc dạng hoang tưởng này luôn nghi ngờ những người xung quanh và không bao giờ tin tưởng người khác. Vì ý nghĩ sẽ bị truy hại nên đôi khi bệnh nhân có hành vi bạo lực với đối tượng truy hại (tưởng tượng).
- Hoang tưởng cơ thể: Hoang tưởng cơ thể có liên quan đến việc bệnh nhân có niềm tin là bản thân bị nhiễm ký sinh trùng, dị hình và có các khiếm khuyết.
Các hoang tưởng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến chức năng của bệnh nhân. Tuy nhiên, những hoang tưởng này khiến bệnh nhân phải đối mặt với khó khăn trong hôn nhân, công việc, bị kỳ thị, xa lánh và sống cô lập, khép kín.
2. Ảo giác
Bên cạnh hoang tưởng, ảo giác cũng là triệu chứng điển hình của loạn thần. Ảo giác là những âm thanh, hình ảnh, mùi và cảm nhận không có thực nhưng bệnh nhân hoàn toàn cảm nhận được. Trong đó thường gặp nhất là ảo thị và ảo thanh.
Tương tự như hoang tưởng, bệnh nhân hoàn toàn tin vào những gì mình nghe được, thấy được và cảm nhận được mặc cho những người xung quanh cố gắng giải thích. Đôi khi người bệnh nghe được ảo thanh là những lời xui khiến dẫn đến hành vi tự sát hoặc gây hại cho những người xung quanh.
3. Các triệu chứng đi kèm
Ngoài ảo giác và hoang tưởng, bệnh nhân mắc chứng loạn thần cũng sẽ gặp phải một số triệu chứng sau:
- Khó tập trung
- Suy nghĩ chậm, không rõ ràng
- Gặp các vấn đề về giao tiếp, sống thu mình và cách ly xã hội
- Không quan tâm đến việc chăm sóc và vệ sinh cá nhân
- Các hành vi vô tổ chức
- Mất cảm xúc, biểu đạt cảm xúc hạn chế, giảm dần sự quan tâm và hứng thú với mọi thứ xung quanh
- Cách nói chuyện thiếu logic, thường xuyên thay đổi chủ đề, tốc độ nói nhanh nhưng không rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp giọng nói trở nên nhỏ như thều thào, nói chậm, từ ngữ rời rạc và tối nghĩa.
- Có thể đi kèm với những triệu chứng như chán ăn, ăn ít, mất ngủ, suy nhược, đau đầu, rối loạn kinh nguyệt,…
Loạn thần đặc trưng bởi ảo giác và hoang tưởng. Các triệu chứng đi kèm sẽ phụ thuộc vào loại loạn thần và mức độ bệnh lý ở từng bệnh nhân.
Phân loại loạn thần
Loạn thần được chia thành nhiều loại bao gồm:
1. Loạn thần ngắn hạn (loạn thần phản ứng)
Loạn thần ngắn hạn xảy ra sau khi trải qua sự kiện có tính chất nghiêm trọng như người thân qua đời đột ngột, thiên tai, chiến tranh, tai nạn, phá sản, bị lừa dối, lạm dụng,… Tổn thương quá nặng khiến bệnh nhân hình thành hoang tưởng (thường là hoang tưởng truy hại, hoang tưởng cơ thể,…).
Ngoài ra, một số người có thể xuất hiện ảo thị, ảo thanh và ảo xúc giác. Các triệu chứng khởi phát đột ngột nhưng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn từ vài ngày cho đến vài tuần. Loạn thần ngắn hạn cũng có thể đi kèm với một số rối loạn liên quan đến stress.
2. Loạn thần do nghiện rượu, nghiện chất
Loạn thần do nghiện rượu, nghiện chất là dạng loạn thần khá phổ biến. Bản thân rượu và ma túy, cần sa là những chất gây ức chế thần kinh trung ương. Loạn thần do rượu, nghiện chất sẽ có biểu hiện là ảo giác, hoang tưởng đi kèm với một số triệu chứng nghiện.
Loạn thần do nghiện rượu, nghiện chất sẽ xuất hiện ảo thanh thay vì ảo thị hay ảo xúc giác. Ảo thanh có nội dung là những lời mắng chửi, đe dọa, nói xấu bệnh nhân và xảy ra khi người bệnh ở trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Ảo thanh làm mất đi khả năng phê phán và chi phối mọi hành vi của bệnh nhân. Những lời nói không có thực liên tục vọng vào đầu khiến người bệnh khó chịu, lo lắng và đôi khi cáu kỉnh.
Hoang tưởng ở những bệnh nhân bị loạn thần do rượu chủ yếu là hoang tưởng bị hại và hoang tưởng ghen tuông. Những hoang tưởng này khiến bệnh nhân gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống. Hơn nữa, do nhận thức bị suy giảm vì ảnh hưởng của rượu và chất kích thích nên người bệnh thường có các hành vi bạo lực đối với vợ con và người thân trong gia đình.
3. Loạn thần do bệnh lý thực tổn
Loạn thần do bệnh lý thực tổn là tình trạng xuất hiện ảo giác, hoang tưởng do não bộ bị tổn thương. Hoang tưởng, ảo giác trong trường hợp này có nội dung khá đa dạng.
Loạn thần do bệnh lý thực tổn thường xảy ra ở những người mắc các bệnh lý sau:
- U hoặc nang ở não
- Bệnh Alzheimer
- Tổn thương mạch máu não do đột quỵ
- Chấn thương đầu
- Nhiễm trùng não do HIV, giang mai và các loại vi khuẩn khác
- Bệnh Parkinson, bệnh Huntington,…
4. Loạn thần do các rối loạn tâm thần
Loạn thần là nhóm triệu chứng thường gặp của các rối loạn tâm thần. Đa phần những bệnh nhân có triệu chứng loạn thần sẽ khó điều trị và tiên lượng xấu hơn những trường hợp còn lại.
Loạn thần thường xuất hiện trong các rối loạn tâm thần sau:
- Rối loạn lưỡng cực: Rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn khí sắc bởi sự thay đổi cảm xúc từ thấp đến cao. Bệnh lý này có tiến triển mãn tính, dễ tái phát và không thể điều trị dứt điểm. Trong các giai đoạn của bệnh, bệnh nhân có thể gặp phải nhóm triệu chứng loạn thần. Rối loạn lưỡng cực đi kèm với loạn thần sẽ có mức độ nghiêm trọng và quá trình điều trị cũng mất nhiều thời gian hơn.
- Tâm thần phân liệt: Tâm thần phân liệt là bệnh rối loạn tâm thần nặng với triệu chứng điển hình là loạn thần (hoang tưởng, ảo giác), ngôn ngữ thanh xuân, hành vi căng trương lực, hành vi thanh xuân, cùn mòn cảm xúc, mất ý chí và ngôn ngữ nghèo nàn. Đối với chứng bệnh này, loạn thần là một trong những nhóm triệu chứng chính. Trong đó, bệnh nhân thường gặp phải hoang tưởng bị hại, hoang tưởng tự cao và hoang tưởng ghen tuông.
- Rối loạn hoang tưởng: Rối loạn hoang tưởng đặc trưng bởi niềm tin sai lệch tồn tại trong ít nhất 1 tháng. Bệnh lý này chỉ được chẩn đoán khi không đi kèm với các triệu chứng khác của tâm thần phân liệt.
- Trầm cảm loạn thần: Trầm cảm là dạng rối loạn cảm xúc phổ biến nhất hiện nay. Bệnh nhân trầm cảm loạn thần có thể xuất hiện cả ảo giác và hoang tưởng. Nội dung của những hoang tưởng, ảo giác ở bệnh nhân trầm cảm thường là lời nói sai khiến, tiếng mắng chửi, sỉ nhục hoặc buộc tội bản thân. Đa số những người bị trầm cảm có biểu hiện loạn thần đều có tỷ lệ tự sát cao. Do đó, gia đình cần đặc biệt chú ý khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
Ngoài những rối loạn tâm thần kể trên, loạn thần cũng có thể xảy ra ở một số bệnh lý khác.
Nguyên nhân gây loạn thần
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra các triệu chứng loạn thần vẫn chưa được xác định. Bởi loạn thần có thể xảy ra ở những trường hợp có hoặc không có tổn thương thực thể ở não bộ.
Dưới đây là một số yếu tố được xác định có liên quan đến chứng loạn thần:
- Di truyền
- Sang chấn tâm lý (trải qua chiến tranh tàn khốc, bị lạm dụng tình dục, người thân qua đời đột ngột,…)
- Sử dụng chất gây nghiện và lạm dụng rượu bia
- Có sẵn các rối loạn tâm thần
- Đời sống tinh thần không ổn định, không có chỗ dựa tinh thần và thường xuyên phải đối mặt với stress
Loạn thần có nguy hiểm không?
Loạn thần không ảnh hưởng nhiều đến chức năng của bệnh nhân. Tuy nhiên, các hoang tưởng và ảo giác có thể gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào dạng hoang tưởng, ảo thanh mà bệnh nhân gặp phải.
Nhìn chung, loạn thần sẽ gây ra những biến chứng như sau:
- Khó khăn trong công việc – đặc biệt là với những người có hoang tưởng tự cao.
- Mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân do hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại.
- Bệnh nhân tốn nhiều thời gian cho những hành vi thừa thãi như rình rập, theo dõi người khác vì lo sợ bản thân sẽ bị ám sát hoặc nghĩ rằng đối tượng có tình cảm với bản thân.
- Người bị hoang tưởng cơ thể, hoang tưởng bị hại sẽ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, lo lắng. Tình trạng này kéo dài đôi khi phát triển thành trầm cảm, rối loạn lo âu.
- Loạn thần có thể dẫn đến các hành vi tự sát – đặc biệt là ở những bệnh nhân bị trầm cảm.
- Gia tăng tỷ lệ nghiện rượu bia, nghiện chất,…
- Một số hoang tưởng có thể khiến bệnh nhân trở nên hoảng loạn, kích động, thôi thúc thực hiện hành vi bạo lực gây hại cho chính bản thân và những người xung quanh.
Ngoài loạn thần, các triệu chứng đi kèm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ở một số trường hợp, loạn thần không thể điều trị hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát thông qua một số phương pháp.
Các phương pháp điều trị chứng loạn thần
Đối với chứng loạn thần, điều trị thường có đáp ứng tốt. Tuy nhiên, các triệu chứng đi kèm đôi khi không có hiệu quả, khuynh hướng tiến triển dai dẳng và kéo dài. Hiện nay, điều trị loạn thần sẽ bao gồm các phương pháp sau đây:
1. Liệu pháp hóa dược
Sử dụng thuốc là lựa chọn ưu tiên khi điều trị loạn thần. Thuốc có thể cải thiện các hoang tưởng và ảo giác, từ đó phòng ngừa tình trạng kích động, các hành vi bạo lực và tự sát. Ngoài ra, thuốc cũng giúp ích trong việc kiểm soát những triệu chứng đi kèm.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị loạn thần:
- Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần (Valproate, Carbamazepine, Haloperidol,…) là nhóm thuốc chính trong điều trị chứng loạn thần. Thuốc có tác dụng cải thiện tình trạng ảo giác, hoang tưởng và tăng trương lực.
- Thuốc an thần: Các ảo giác, hoang tưởng do loạn thần gây ra sẽ khiến bệnh nhân dễ bị kích động, hoảng loạn và đôi khi dẫn đến hành vi bạo lực. Do đó, thuốc an thần cũng sẽ được sử dụng trong quá trình điều trị. Đối với nhóm thuốc an thần gây nghiện như benzodiazepine, thuốc sẽ được dùng với liều thấp sau đó tăng dần và cần phải giảm liều từ từ trước khi ngưng hẳn để tránh triệu chứng cai thuốc.
- Thuốc chống trầm cảm: Bệnh nhân loạn thần có biểu hiện buồn bã, u uất, lo lắng, bi quan,… do các hoang tưởng và ảo giác chi phối sẽ được dùng thuốc chống trầm cảm. Nhóm thuốc được dùng nhiều nhất là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc và thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
- Các loại thuốc khác: Tùy theo triệu chứng bệnh nhân gặp phải, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc chẹn beta, viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất, thuốc điều chỉnh khí sắc,…
2. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng không kém liệu pháp hóa dược trong điều trị bệnh loạn thần. Liệu pháp này sẽ giúp bệnh nhân giảm các hoang tưởng và những triệu chứng đi kèm. Nếu như thuốc giúp giảm nhanh triệu chứng thì liệu pháp tâm lý giúp quản lý và kiểm soát bệnh hiệu quả.
Hiện nay, liệu pháp tâm lý hành vi là phương pháp mang lại hiệu quả cao và được áp dụng phổ biến nhất trong quá trình điều trị bệnh loạn thần. Liệu pháp này thường được kết hợp với sử dụng thuốc để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Trên thực tế, loạn thần chỉ là một nhóm triệu chứng của các rối loạn tâm thần. Do đó, trị liệu tâm lý sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Chuyên gia tâm lý sẽ đánh giá sức khỏe của từng trường hợp để lựa chọn hướng tiếp cận phù hợp, hiệu quả nhất.
3. Vai trò của gia đình
Trong quá trình điều trị loạn thần, gia đình có vai trò rất quan trọng. Sự chăm sóc, nâng đỡ từ gia đình sẽ giúp người bệnh có niềm tin trong cuộc sống, hướng đến những giá trị tốt đẹp và tự xây dựng cho bản thân mục tiêu sống rõ ràng.
Ngoài ra, gia đình cũng là cầu nối để bệnh nhân hòa nhập với cộng đồng, từ đó gia tăng cơ hội việc làm và giảm thiểu nguy cơ sống phụ thuộc vào người khác. Môi trường sống lành mạnh cũng giúp bệnh nhân tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện,…
Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ và chuyên gia tâm lý sẽ tư vấn cụ thể cho gia đình về cách chăm sóc. Bởi bản thân bệnh nhân có tinh thần không ổn định và tâm lý khác hẳn so với người khỏe mạnh.
Loạn thần sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị. Do đó, gia đình và những người xung quanh cần quan tâm đến những triệu chứng bất thường để người bệnh có cơ hội được thăm khám, điều trị kịp thời. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân cũng sẽ giúp giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội và phòng tránh được những tình huống đáng tiếc.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng ảo tưởng người khác thích mình (Erotomania)
- Trầm Cảm Nặng Có Triệu Chứng Loạn Thần Có Nguy Hiểm Không?
- Chứng tự ngược đãi bản thân: Nguyên nhân, dấu hiệu và chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!