Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9: Nguyên nhân và giải pháp

Kết quả đáng bất ngờ từ cuộc khảo sát đến từ Bộ GDĐT đã công bố, có đến hơn 95% học sinh phổ thông nói rằng bản thân thường xuyên gặp phải những khó khăn khi chia sẻ các vấn đề học tập, đời sống hàng ngày. Trong đó, tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 là phổ biến nhất bởi đây là thời điểm nhạy cảm vì các em phải đối diện với kỳ thi chuyển cấp vô cùng quan trọng. 

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9
Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 cần được quan tâm và khắc phục trong giai đoạn sớm.

Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9

Mùa thi đang ngày càng đến gần, các em học sinh cuối cấp phải tất bật và ráo riết để ôn luyện bài vở, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Đặc biệt là đối với những học sinh lớp 9 thì kỳ thi vào lớp 10 được xem như một bước ngoặt lớn trong quá trình học tập của các em bởi ai cũng mong muốn mình có thể đậu vào những ngôi trường danh tiếng, nổi trội để có thêm nhiều cơ hội tốt phát triển bản thân, tạo tiền đề vững chắc cho những cấp học tiếp theo.

Đối với những học sinh khá giỏi thì việc đặt ra mục tiêu thi vào các trường trọng điểm của thành phố, những trường chuyên luôn là mơ ước của chính các em và cả kỳ vọng to lớn của giáo viên, gia đình. Để có thể bước chân vào cổng ngôi trường mà mình mong muốn, các em học sinh lớp 9 phải dành hết toàn bộ thời gian, tâm trí của mình vào việc học tập, ôn luyện bài vở.

Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong các áp lực to lớn khiến cho nhiều em học sinh rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng và dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm hơn. Đứng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chắc hẳn học sinh lớp 9 luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi và dần bị kiệt sức bởi lịch trình học tập quá dày đặc.

Để có thể hỗ trợ các em giữ vững tinh thần và duy trì kết quả học tập tốt cho lần “vượt vũ môn” này thì trước hết các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rõ những nguyên nhân, yếu tố có thể gây nên tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9, từ đó giúp trẻ khắc phục tốt hơn. Cụ thể một số lý do thường gặp như:

1. Lịch trình ôn thi quá dày đặc

Đây có thể được xem là một trong các nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây nên tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9. Thời gian để ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp quan trọng này thực sự không có quá nhiều nên phần lớn các em học sinh phải “chạy nước rút” vào những tháng cuối cùng để có thể kịp ôn lại bài vở, chuẩn bị đầy đủ các kiến thức cần thiết để đối mặt với những đề thi hóc búa.

Trong thực tế đã có không ít các trường hợp học sinh lớp 9 chia sẻ về việc bản thân phải dành tất cả thời gian trong ngày để học tập, ôn luyện và dường như trong giai đoạn này các em không có thời gian để thư giãn, nghĩ ngơi phù hợp. Có những em học sinh phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị bài vở đến trường, sau khi hoàn thành xong thời khóa biểu trên lớp, các em còn phải “chiến đấu” với những lớp học thêm, học ôn luyện cho đến chiều tối, sau đó khi về nhà lại bắt đầu chuẩn bị bài vở cho ngày tiếp theo cho đến tận 11 giờ đêm.

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9
Lịch trình ôn thi dày đặc khiến cho nhiều em học sinh trở nên mệt mỏi, căng thẳng quá mức.

Đặc biệt hơn, vào những ngày nghỉ cuối tuần, các em học sinh lớp 9 còn phải đối mặt với lịch trình học tập nặng hơn so với các ngày trong tuần. Có những em phải học liên tục tất cả các môn quan trọng cần thiết cho kỳ thi chuyển cấp và phải thực hiện khối lượng bài tập về nhà quá mức tưởng tượng khiến cho tinh thần, sức khỏe càng bị suy kiệt và từ đó dẫn đến khủng hoảng tâm lý trong thời gian dài.

Mặc dù hiểu rõ được tầm quan trọng của kỳ thi vào lớp 10 và cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho việc học tập nhưng phần lớn các em học sinh lớp 9 vẫn khó có thể thích nghi tốt với lịch trình học quá mức như thế. Khi ngày thi càng đến gần thì thời khóa biểu học tập của các em lại càng gia tăng đáng kể, không có môn học nào được phép cắt giảm và bất kỳ giáo viên bộ môn nào cũng mong muốn các em có được thành tích cao nên việc học tập càng trở nên mệt mỏi, căng thẳng, áp lực hơn.

2. Áp lực từ gia đình, thầy cô

Nguyên nhân gây khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 có thể đến từ những áp lực, kỳ vọng quá lớn từ ba mẹ, người thân trong gia đình. Thực tế cho thấy ai cũng muốn con cái của mình học hành chăm ngoan, đạt được những thành tích tốt trong học tập và có thể đậu vào những ngôi trường trọng điểm.

Ngoài ra, một số bậc phụ huynh còn lầm tưởng việc đặt ra những áp lực chính là tạo cho con thêm động lực để cố gắng, nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, hành động này hoàn toàn không mang đến kết quả tốt đối với trẻ mà còn chính là gánh nặng to lớn khiến nhiều em học sinh cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng nhiều hơn.

Nhiều bậc phụ huynh đặt ra những mục tiêu quá cao đối với năng lực của con, thậm chí còn thường xuyên so sánh con cái với các bạn bè đồng trang lứa, bắt ép con học tập một cách điên cuồng để đạt được những điểm số cao khiến các em học sinh càng trở nên khủng hoảng, lo lắng nhiều hơn. Đồng thời, nhà trường và thầy cô của trẻ cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các áp lực cho học sinh chuyển cấp, cũng bởi thành tích của các em cũng ảnh hưởng đến kết quả thi đua của toàn trường.

3. Khủng hoảng tâm lý do học tập sai phương pháp

Mặc dù khi vừa bước vào lớp 9, các em học sinh đã được chia sẻ về những thông tin cần thiết đối với kỳ thi tuyển sinh quan trọng sắp đến và bản thân mỗi em cũng có đủ ý thức về việc học tập của cá nhân. Tuy nhiên, vẫn có không ít các trường hợp học sinh vẫn chưa thể tìm ra được phương pháp học tập khoa học và phù hợp đối với bản thân khiến cho việc học tập không đảm bảo được hiệu quả mà còn gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần.

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9
Không lựa chọn được phương pháp học tập phù hợp có thể khiến cho học sinh cuối cấp dễ bị khủng hoảng tâm lý.

Theo khảo sát nhận thấy có rất nhiều các em học sinh chia sẻ về việc bản thân không nắm được các nội dung chính cần phải ôn luyện. Điều này dẫn đến tình trạng các em sẽ học một cách tràn lan, không đúng trọng tâm và khiến cho thời gian học trở nên ngộp thở, khối lượng kiến thức cần phải dung nạp quá tải nhưng không mang lại kết quả tốt.

Cũng chính việc mất phương hướng trong quá trình học tập và ôn luyện thi khiến cho nhiều em học sinh cảm thấy vô cùng hoang mang, lo sợ. Không những thế, việc học điên cuồng nhưng không xác định rõ được mục tiêu khiến cho chất lượng ôn thi càng bị giảm sút và làm cho tinh thần, thể chất của các em cũng bị suy giảm nghiêm trọng.

4. Áp lực đồng trang lứa

Áp lực đồng trang lứa cũng được xem là một trong các nguyên nhân có thể khiến cho nhiều em học sinh rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý khi chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp. Nhiều em học sinh chia sẻ về việc bản thân vẫn có đủ tự tin để tự ôn luyện tại nhà nhưng do bạn bè liên tục đi học thêm, ôn luyện tại nhiều lớp học khác nhau nên bắt buộc các em cũng phải học để “bằng bạn bằng bè”.

Nhiều người còn thường xuyên so sánh thành tích học tập của học sinh này với học sinh kia khiến cho tâm lý của các em đã căng thẳng nay lại càng căng thẳng nhiều hơn nữa. Không ít các em học sinh phải cố gắng học tập, ôn luyện hết công sức chỉ vì phải bằng bạn này, hơn bạn kia.

5. Quan điểm thi cử quá lớn

“Không đậu cấp ba là chấm hết”, “Bắt buộc phải đi đỗ vào trường cấp ba”, “Không học cấp ba chỉ có đi ăn mày”,….đây là những chia sẻ rất thật từ những em học sinh lớp 9. Nhiều em nói rằng ba mẹ và thầy cô luôn chia sẻ về việc học cấp ba là điều vô cùng quan trọng và nó chính là con đường duy nhất để các em có thể tiếp bước vào đời, điều này đồng nghĩa với việc nếu không đậu được vào bất kỳ ngôi trường cấp ba nào thì xem như các em sẽ không thể làm được bất cứ điều gì nữa.

Chính những quan điểm này khiến cho nhiều em học sinh cảm thấy vô cùng lo lắng. Dù thời gian học tập khiến các em liên tục cảm thấy mệt mỏi, cơ thể dần trở nên suy nhược, đau đầu, chóng mặt nhưng do nỗi sợ thi trượt khiến nhiều em luôn phải gắng gượng, bắt ép bản thân phải học hành một cách điên cuồng.

Biểu hiện của học sinh lớp 9 khi bị khủng hoảng tâm lý

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 không chỉ được biểu hiện thông qua các triệu chứng về tinh thần mà còn tác động đến sức khỏe thể chất khiến cho các em phải đối mặt với hàng loạt những dấu hiệu suy nhược về cơ thể. Khi các nguyên nhân gây khủng hoảng kéo dài liên tục và không được khắc phục tốt sẽ càng khiến cho những biểu hiện tâm lý, thể chất trở nên nghiêm trọng hơn và làm ảnh hưởng đến khả năng học tập, chất lượng cuộc sống của mỗi đứa trẻ.

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9
Khủng hoảng tâm lý khiến học sinh trở nên mệt mỏi, suy nhược thể chất và tinh thần.

Ngoài ra, trong giai đoạn này các em học sinh cũng trở nên nhạy cảm hơn, rất khó để chia sẻ về tình trạng của bản thân với những người xung quanh nên việc nhận biết, phát hiện khủng hoảng cũng trở nên khó khăn hơn. Vì thế, các bậc phụ huynh, thầy cô giảng dạy cho trẻ trong thời gian này cần phải chú ý quan sát, dành nhiều sự quan tâm để kịp thời nhận biết ra những biểu hiện khác lạ, bất ổn về mặt tâm lý như sau:

  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, cơ thể uể oải, không có sức sống.
  • Dễ mất tập trung, suy giảm khả năng chú ý, ghi nhớ bài vở kém hơn so với bình thường.
  • Khó có thể kiểm soát cảm xúc của bản thân, dễ xúc động, cáu gắt, nóng giận vô cớ hoặc chỉ vì một vài chuyện nhỏ nhặt.
  • Mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng.
  • Thói quen ăn uống bị thay đổi đột ngột, có thể chán ăn hoặc ăn uống vô tội vạ, hay bổ sung các loại thực phẩm, đồ ăn không lành mạnh chứa nhiều đường, chất béo.
  • Có xu hướng muốn tách biệt với những người xung quanh, trở nên trầm tính, ít nói, ít giao tiếp.
  • Chán ghét chính mình, tự đổ lỗi cho bản thân và nghĩ rằng mình là kẻ vô dụng, bất tài.
  • Không muốn tiếp tục việc học tập, ôn luyện.
  • Thường xuyên than vãn về việc đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ thể, khó tiêu,…
  • Dễ bị đau ốm, sức đề kháng dần suy giảm.

Các biểu hiện khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 thường khá giống với tình trạng căng thẳng, áp lực khi thi cử nhưng ở mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Tình trạng này cần sớm được khắc phục càng sớm càng tốt để giúp các em học sinh có thể ổn định lại trạng thái tâm lý để học tập, ôn thi hiệu quả hơn.

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 – Hệ lụy khó lường

Mặc dù vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể việc tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 nhưng trong thực tế chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy được những áp lực to lớn mà các em phải đối mặt trong giai đoạn này. Đặc biệt là với sự cạnh tranh khốc liệt của môi trường học tập, thi cử hiện nay càng khiến cho nhiều em học sinh rơi vào khủng hoảng, dẫn đến những sự bất ổn về mặt tâm lý, tinh thần, thể chất khiến cho quá trình học tập không được đảm bảo chất lượng.

Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, thời gian gần đây họ đã tiếp nhận không ít các trường hợp học sinh chuyển cấp đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nhiều em rơi vào khủng hoảng tâm lý, stress nặng, căng thẳng đầu óc, trầm cảm, suy nhược cơ thể vì áp lực thi cử quá lớn, trong đó tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm phần đông.

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9
Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 có thể cướp đi cơ hội thi cử quý giá của các em.

Do đó, có thể thấy được, hậu quả phổ biến nhất đến từ tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 đó chính là sự suy giảm nghiêm trọng về năng lực học tập, khiến thành tích thi cử của các em sẽ bị ảnh hưởng lớn, thậm chí nhiều em còn không thể vượt qua được kỳ thì chuyển cấp vào lớp 10. Điều này sẽ khiến các em hình thành nên những chuyển biến tâm lý tồi tệ hơn, cảm thấy thất vọng về chính mình và không muốn gặp gỡ bất cứ ai.

Bên cạnh đó, những biểu hiện khủng hoảng tâm lý kéo dài liên tục sẽ gây nên những tác động xấu đối với hoạt động của não bộ và toàn bộ cơ thể. Các em học sinh sẽ thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau nhức về thể chất, những trạng thái tâm lý bất ổn kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc,….

Tình trạng khủng hoảng tâm lý giai đoạn chuyển cấp ở học sinh lớp 9 nếu không sớm được phát hiện và có biện pháp hỗ trợ phù hợp sẽ làm gia tăng nguy cơ hình thành các suy nghĩ tiêu cực và có thể thôi thúc hành vi tự sát ở nhiều em học sinh. Đã có không ít các trường hợp lựa chọn cái chết do không thể thoát khỏi những khủng hoảng tâm lý, không thể chia sẻ với bất kỳ ai về những trạng thái tiêu cực mà bản thân đang gặp phải, điều này để lại những nỗi đau kéo dài dai dẳng đối với ba mẹ và toàn xã hội.

Khó có thể kể hết về những hệ lụy nguy hiểm liên quan đến tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9. Vì thế, các bậc phụ huynh, gia đình và nhà trường cần đặc biệt chú ý và dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ, đồng hành cùng các em trong giai đoạn nhạy cảm này để có thể kịp thời hỗ trợ, ngăn chặn các yếu tố tác động và làm ảnh hưởng đến việc học tập, tương lai của trẻ.

Giải pháp khắc phục khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9

Khi đã trở thành học sinh lớp 9 thì việc tập trung vào học tập để có những đột phá trong kỳ thi chuyển cấp là điều mà ai cũng mong muốn có được. Tuy nhiên, để có thể đạt được những điểm số và thành tích đáng mơ ước thì việc đầu tiên mà các em học sinh cần phải chú ý đó chính là lựa chọn được phương pháp ôn thi hiệu quả, hạn chế tối đa các sức ép, áp lực thi cử để có được tinh thần học tập tốt nhất.

Trong giai đoạn này, các em học sinh cũng cần nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, thầy cô để có thể nhiều động lực cố gắng, phấn đấu cho kỳ thi sắp đến. Nếu vì bất cứ lý do nào khiến cho học sinh rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý thì cũng cần được hỗ trợ khắc phục, giải quyết càng sớm càng tốt để hạn chế những tác hại nguy hiểm, đặc biệt là tránh để lỡ mất cơ hội học tập của các em.

Vì thế, khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn ôn thi chuyển cấp thì các bậc phụ huynh nên có sự kết hợp chặt chẽ với nhà trường, chuyên gia để áp dụng tốt các biện pháp khắc phục sau:

1. Sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi phù hợp

Học tập quá mức chính là nguyên nhân lớn nhất có thể dẫn đến các khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9. Chính vì thế, cách hiệu quả để giúp các em giảm bớt những lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi trong giai đoạn này đó chính là sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể cho cả việc học tập và thư giãn hàng ngày.

Học tập và ôn luyện để chuẩn bị là kỳ thi chuyển cấp quan trọng là điều vô cùng cần thiết đối với các học sinh lớp 9. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả học tập tốt nhất thì đầu tiên các em cần phải lựa chọn được phương pháp học khoa học và phù hợp với bản thân, tránh tình trạng bắt ép chính mình phải học liên tục hoặc học một cách tràn lan, không rõ trọng tâm.

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9
Để tránh khủng hoảng tâm lý, các em học sinh lớp 9 cần tìm cách sắp xếp, cân bằng thời gian học hợp lý.

Để phân bổ thời gian học hiệu quả, tốt nhất các em cần biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân ở đâu. Song song với việc phát huy các môn học sở trường thì hãy dành ra một khoảng thời gian để rèn luyện và bồi dưỡng thêm cho những bộ môn mà mình chưa được hoàn thiện.

Song song với thời gian học tập vất vất và mệt mỏi thì các em cũng cần biết cách cân bằng và dành cho bản thân một khoảng không gian để nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Sau khoảng 60 phút học tập căng thẳng thì hãy dành ra 5 phút để nghe nhạc, đứng lên đi lại vận động nhẹ nhàng để cơ thể được thả lỏng, tinh thần có thời gian lấy lại nguồn năng lượng tích cực để học tập hiệu quả hơn.

2. Hạn chế các áp lực, kỳ vọng quá lớn

Các áp lực và kỳ vọng quá lớn đến từ gia đình, thầy cô, người thân sẽ khiến cho các em học sinh cảm thấy vô cùng căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi. Ba mẹ nên hiểu rằng, mỗi đứa trẻ sẽ có những năng lực và sở thích riêng của mình nên hãy luôn biết cách nhìn nhận, ủng hộ và đồng hành cùng con.

Mặc dù ai trong chúng ta cũng mong muốn con cái có thể học hành giỏi giang, đạt được những thành tích cao trong học tập và có thể thi đỗ vào ngôi trường danh tiếng mà hàng triệu người mơ ước. Tuy nhiên, đừng quá áp lực về việc phải đạt được thành tích này, điểm số kia để tránh gây ra những căng thẳng, lo lắng ở trẻ và khiến trẻ trở nên khủng hoảng tinh thần.

Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy luôn chia sẻ, động viên và cho con biết rằng, dù con đạt được kết quả thì nào thì ba mẹ vẫn luôn tự hào về những nỗ lực, cố gắng của con. Những sự san sẻ của ba mẹ, thầy cô và những người thân bên cạnh chính là động lực to lớn để các em càng thêm nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn, đồng thời hạn chế và khắc phục tốt những áp lực tâm lý khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi.

3. Chú ý đến chế độ sinh hoạt hàng ngày

Chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và tập luyện thể dục hàng ngày cũng là một trong những yếu tố góp phần giúp trẻ giảm bớt những khủng hoảng tâm lý ở lứa tuổi cuối cấp. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy hỗ trợ trẻ xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết với đa dạng những thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9
Chế độ ăn uống cho các sĩ tử cũng cần được đảm bảo và chú trọng.

Đồng thời, hãy đảm bảo về chất lượng giấc ngủ cho trẻ, trẻ cần ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày để có được một sức khỏe tốt, từ đó phục vụ hiệu quả cho quá trình học tập. Các bậc phụ huynh cũng nên khuyến khích các em học sinh rèn luyện thói quen tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng, nâng cao tinh thần, giảm stress an toàn tại nhà.

Bằng những thói quen lành mạnh hàng ngày, các em học sinh sẽ có được một tinh thần thoải mái và tích cực nhất để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình ôn luyện, giúp cải thiện sự tập trung, khả năng ghi nhớ để mang lại kết quả thi cử tốt nhất. Đồng thời, đây cũng được xem là một trong những phương pháp vô cùng hữu hiệu có thể hỗ trợ đẩy lùi khủng hoảng tâm lý, giúp học sinh cuối cấp có được một tinh thần khỏe mạnh, lành mạnh hơn.

4. Nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý

Nếu đã áp dụng hầu hết các biện pháp can thiệp trên nhưng tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 vẫn không được khắc phục tốt thì các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc đến việc cho trẻ tìm gặp chuyên gia tâm lý. Việc trị liệu tâm lý cho những trường hợp này thực sự không còn quá xa lạ tại các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa.

Với tỷ lệ trẻ khủng hoảng tâm lý giai đoạn chuyển cấp càng gia tăng thì việc hỗ trợ trị liệu tâm lý lại càng được nâng cao và đóng vai trò quan trọng. Các chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ trao đổi và chia sẻ trực tiếp cùng với các em để có thể thấu hiểu được những khó khăn, trăn trở mà trẻ đang phải đối mặt, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp và hiệu quả cho từng trường hợp khác nhau.

Thông qua các buổi trò chuyện trực tiếp, các em học sinh sẽ phần nào giải tỏa được những cảm xúc, lo lắng tiêu cực của bản thân và dần biết cách kiểm soát tinh thần hiệu quả hơn. Nhà trị liệu sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về chính mình và tìm cách thay đổi những suy nghĩ, cảm xúc chưa phù hợp để dần khắc phục được những triệu chứng nguy hiểm.

Sau khi có thể giải quyết tận gốc được những nguyên nhân gốc rễ gây ra khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 thì nhà trị liệu tâm lý còn hỗ trợ trang bị thêm cho các em những kỹ năng để ứng phó với căng thẳng, đặt ra mục tiêu và kế hoạch học tập phù hợp để sẵn sàng đối mặt với những thử thách, khó khăn cho kỳ thi quan trọng sắp đến. Các bậc phụ huynh cũng có thể được khuyến khích tham gia vào quá trình trị liệu để có thể hiểu rõ hơn về tình trạng của con, đồng thời biết thêm về một số biện pháp hỗ trợ con cải thiện tinh thần tại nhà.

Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 cần được hỗ trợ khắc phục và cải thiện trong giai đoạn sớm để giúp các em cân bằng lại trạng thái tâm lý, tránh làm ảnh hưởng đến quá trình thi cử của trẻ. Mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết này, các bậc phụ huynh, nhà trường sẽ có biện pháp hỗ trợ ôn luyện phù hợp với trẻ, tránh gây áp lực lớn cho quá trình học tập để giúp trẻ đạt được những kết quả hơn cả mong đợi.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *