Stress nặng: Dấu hiệu, hậu quả và cách khắc phục

Stress nặng biểu hiện qua một loạt các dấu hiệu cảnh báo như rối loạn giấc ngủ, đau đầu thường xuyên, cảm xúc bất ổn, dễ kích động,… Khi nhận thấy các dấu hiệu này, cần có phải có biện pháp khắc phục kịp thời để tránh những hậu quả về lâu dài.

Dấu hiệu cảnh báo stress nặng

Ngày nay, stress đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Khi đối mặt với áp lực và những khó khăn, thử thách, não bộ sẽ cảm nhận được tín hiệu stress, từ đó kích hoạt tín hiệu đến các cơ quan dẫn đến sự thay đổi về tinh thần và thể chất. Trong một vài trường hợp, stress tạo ra động lực và truyền cảm hứng để có thể làm việc, học tập hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phần lớn stress đều gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Áp lực trong cuộc sống, công việc, mâu thuẫn trong các mối quan hệ và những vấn đề tài chính đều là tác nhân gây stress. Nếu biết cách điều chỉnh, stress sẽ được giải tỏa nhanh chóng và hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều sức khỏe. Ngược lại, stress kéo dài có thể chuyển biến thành stress nặng đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn khác.

Stress nặng không chỉ gây ra sự mệt mỏi, bồn chồn về thể chất mà còn khiến cho tinh thần suy kiệt. Nếu không được cải thiện kịp thời, cơ thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Để phát hiện stress nặng, bạn có thể dựa vào 10 dấu hiệu sau:

1. Cảm xúc bất ổn, nhạy cảm và dễ kích động

Cảm xúc là yếu tố đầu tiên bị ảnh hưởng khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng. Các yếu tố gây stress xuất hiện dồn dập khiến cho tâm trạng trở nên buồn bã, bi quan, chán nản, thậm chí đau khổ và tuyệt vọng.

stress nặng phải làm sao
Dấu hiệu thường thấy ở những người bị stress nặng là cảm xúc bất ổn, nhạy cảm và dễ kích động

Đối với những trường hợp stress nặng, cảm xúc sẽ trở nên bất ổn và nhạy cảm hơn bình thường. Khi bị căng thẳng quá mức, bạn có thể khóc lóc, cáu kỉnh và nổi nóng vì những chuyện nhỏ nhặt. Thậm chí đôi khi cảm thấy mệt mỏi và buồn tủi không rõ lý do. Những sự kiện xảy ra không mong muốn như hư xe, máy móc gặp trục trặc đều có thể khiến bạn tức giận và không kiềm chế được cảm xúc.

2. Đau đầu liên tục

Đau đầu liên tục và thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị stress nặng. Khi bị căng thẳng, lượng hormone cortisol tăng lên khiến cho lưu lượng máu tuần hoàn đến các cơ quan giảm đi đáng kể bao gồm cả não bộ. Giảm lưu lượng máu lên não sẽ gây ra tình trạng choáng váng, hoa mắt và đau đầu.

Máu không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn vận chuyển oxy cho các tế bào thần kinh. Giảm lượng máu lên não sẽ khiến cho các cơ quan của não bộ bị rối loạn và hoạt động kém. Vì vậy khi bị stress nặng, đa phần đều gặp phải tình trạng đau đầu, đau nửa đầu, chóng mặt, hoa mắt,… và các triệu chứng này thường sẽ kéo dài dai dẳng trong một thời gian dài.

3. Gặp các vấn đề về giấc ngủ

Khi nhận tín hiệu stress từ hệ thần kinh trung ương, tuyến thượng thận sẽ tăng hormone cortisol. Hormone này tăng cao quá mức sẽ làm giảm hormone serotonin dẫn đến một loạt các vấn đề về giấc ngủ. Bởi serotonin là tiền chất của hormone melatonin do tuyến tùng sản xuất (hormone có tác dụng thư giãn và tạo cảm giác buồn ngủ, ngủ sâu giấc).

stress nặng là gì
Căng thẳng quá mức gây ra một loạt các vấn đề giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, giấc ngủ đến muộn,…

Giảm hormone melatonin đồng nghĩa với việc giấc ngủ đến muộn, khó ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn và không cảm thấy sảng khoái sau khi ngủ dậy. Ngoài ra khi bị stress nặng, não bộ sẽ bị căng thẳng do suy nghĩ quá nhiều nên khó có thể thư giãn vào ban đêm. Những yếu tố này khiến cho người bị stress nặng khó duy trì được thời gian và chất lượng giấc ngủ lý tưởng.

4. Chán ăn hoặc ăn uống quá mức

Khi bị stress nặng, nồng độ hormone serotonin giảm thấp. Hormone này vừa chi phối cảm xúc vừa tạo cảm giác thèm ăn và ăn uống ngon miệng. Giảm hormone serotonin khiến cho bạn gặp phải tình trạng chán ăn, ăn uống không ngon miệng và thường xuyên bỏ bữa. Đây cũng là lý do chúng ta ít thèm ăn khi phải đối mặt liên tục với áp lực học tập, công việc,…

Tuy nhiên, cũng có những người bị stress nặng có xu hướng ăn uống quá mức. Lý do là vì stress làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể. Hormone này chịu trách nhiệm chuyển hóa carbohydrate và chất béo nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể. Vì vậy, cơ thể sẽ bị “thôi thúc” dung nạp thức ăn để hormone này có thể hoạt động.

Những người bị stress, rối loạn lo âu, trầm cảm thường thay đổi thói quen ăn uống và có xu hướng ưa chuộng các món ăn chứa nhiều tinh bột, đường bởi đây chính là các chất do hormone cortisol chuyển hóa. Vì thế, những người bị stress nặng thường có xu hướng giảm cân hoặc tăng cân đột ngột một cách không chủ đích.

5. Rụng tóc, da xấu và nổi mụn

Ngoài những dấu hiệu trên, stress nặng còn được biểu hiện qua một số dấu hiệu như da xấu, nổi mụn và rụng tóc. Khi bị stress, cơ thể sẽ tăng lượng máu đến những cơ quan quan trọng như phổi, tim mạch và giảm lượng máu tuần hoàn đến các cơ quan khác, bao gồm cả da dầu. Vì thế, nang lông sẽ bị suy yếu và hậu quả là rụng tóc nhiều, tóc mỏng, thiếu mượt mà,…

hình ảnh stress nặng
Stress nặng khiến cho tóc mỏng, yếu, dễ rụng, da xấu và nổi mụn trứng cá

Bên cạnh đó, stress nặng còn khiến cho da đổ nhiều dầu, lỗ chân lông to và nổi mụn trứng cá. Bởi stress còn làm tăng hormone cortisol mà hormone này kích thích tuyến bã nhờn hoạt động và tiết ra nhiều dầu hơn bình thường. Ngoài ra, hormone cortisol còn làm tăng nồng độ đường trong máu. Từ đó gia tăng các yếu tố gây viêm và khiến cho các nốt mụn dễ bị viêm, tấy đỏ.

6. Khó tập trung và giảm trí nhớ

Stress nặng xảy ra trong một thời gian dài sẽ gây ra tình trạng giảm trí nhớ và khó tập trung khi học tập, làm việc. Nguyên nhân là do giảm lưu lượng máu lên não khiến cho tế bào thần kinh hoạt động kém và thoái hóa nhanh chóng. Vì thế, các cơ quan đảm nhiệm vai trò ghi nhớ, xử lý thông tin và tư duy sẽ hoạt động kém hơn.

Nếu không có biện pháp cải thiện, các triệu chứng này sẽ có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, stress làm tăng tốc độ thoái hóa tế bào thần kinh và gia tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan như sa sút trí tuệ, Alzheimer và Parkinson.

7. Sức đề kháng giảm

Hormone cortisol có khả năng ức chế miễn dịch. Vì vậy khi bị stress nặng, lượng hormone tăng mạnh sẽ gây bất hoạt chức năng của các tế bào miễn dịch dẫn đến sức đề kháng giảm. Người bị stress nặng thường xuyên bị cảm cúm, cảm lạnh và có khả năng cao bị các chứng bệnh liên quan đến dị ứng như viêm mũi dị ứng, mề đay, viêm da dị ứng,…

8. Giảm ham muốn tình dục

Stress nặng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe sinh lý của cả nam và nữ giới. Hormone cortisol tăng khiến cho hormone dopamin, serotonin và endorphin giảm thấp. Đây đều là những hormone tạo cảm giác vui vẻ, phấn chấn và hứng thú. Do đó, khi bị stress, cả nam và nữ giới đều có hiện tượng giảm ham muốn tình dục.

Ngoài ra, stress còn làm tăng hormone adrenaline khiến cho máu khó tuần hoàn về cơ quan sinh dục. Hậu quả là gây rối loạn cương dương, xuất tinh sớm và khó đạt cực khoái khi quan hệ. Những vấn đề sinh lý này khiến cho phái mạnh trở nên thiếu tự tin trong chuyện giường chiếu và dần dần giảm ham muốn.

Không chỉ riêng nam giới, nữ giới cũng phải chịu ảnh hưởng sâu sắc do stress nặng gây ra. Hormone cortisol tăng mạnh gây rối loạn hệ trục tuyến yên – vùng dưới đồi – buồng trứng khiến hormone estrogen giảm thấp. Điều này đồng nghĩa với việc nữ giới giảm ham muốn, dễ gặp phải tình trạng khô hạn và khó đạt được cực khoái.

9. Rối loạn kinh nguyệt

Hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng là cơ quan chi phối quá trình sản xuất hormone nữ giới. Khi bị stress nặng, cơ quan này sẽ bị rối loạn khiến cho nồng độ các hormone như estrogen, progesterone, testosterone, GnRH, FSH,… mất cân bằng. Các hormone kể trên không chỉ chi phối ham muốn tình dục mà điều phối quá trình rụng trứng và thời gian hành kinh.

hình ảnh stress nặng
Nữ giới bị stress nặng sẽ có khả năng bị rối loạn kinh nguyệt do mất cân bằng hệ trục tuyến yên – buồng trứng

Nữ giới bị stress nặng thường sẽ đối mặt với rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là vòng kinh thưa và đau bụng kinh dữ dội. Rối loạn kinh nguyệt khiến cho nữ giới khó dự đoán được ngày rụng trứng, điều này ảnh hưởng nhiều đến việc thụ thai và sinh con.

10. Stress nặng gây ra các vấn đề tiêu hóa

Trong đường ruột có hàng triệu các tế bào thần kinh. Những tế bào này có mối liên hệ mật thiết và cách thức hoạt động tương tự như hệ thần kinh trung ương. Khi cơ thể bị stress, các tế bào thần kinh ở đường ruột nhận biết được tín hiệu và có một số thay đổi như nhu động ruột giảm hoặc tăng bất thường dẫn đến táo bón, tiêu chảy,…

Tế bào ở đường ruột bị chi phối bởi các chất dẫn truyền thần kinh – đặc biệt là dopamine và serotonin. Khi bị stress nặng, các chất dẫn truyền này giảm đi đáng kể khiến cho đường ruột bị rối loạn và dấu hiệu thường gặp nhất là táo bón, đầy hơi, chướng bụng và hấp thu kém. Đây cũng là lý do các bệnh tiêu hóa mãn tính có thể tái phát khi cơ thể bị căng thẳng, lo âu.

Stress nặng và những hậu quả nghiêm trọng

Stress gây ra nhiều hậu quả đối với sức khỏe nhưng hầu như mọi người chưa ý thức sâu sắc được điều này. Khi nhận được tín hiệu stress, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc mà còn gây ra một loạt các vấn đề thể chất.

Stress nặng gây rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, béo phì – thừa cân, các vấn đề tiêu hóa, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, sức đề kháng giảm, giảm sức khỏe làn da, mái tóc, móng,… Ngoài ra, căng thẳng quá mức cũng kích hoạt các bệnh mãn tính bùng phát, thường gặp nhất là trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, các bệnh dị ứng và rối loạn miễn dịch.

Stress nặng kéo dài cũng được xác định làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, sa sút trí tuệ,… Hơn nữa, stress cũng được xem là yếu tố gây trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn stress sau sang chấn và một loạt các vấn đề tâm lý, tâm thần khác.

Cách giải tỏa stress nặng hiệu quả

Có thể thấy, stress nặng gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Vì vậy, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo, bạn cần có biện pháp điều chỉnh và can thiệp kịp thời. Dưới đây là 5 biện pháp bạn có thể áp dụng để giải tỏa căng thẳng thần kinh và cải thiện sức khỏe tổng thể:

1. Dành thời gian nghỉ ngơi

Điều cần thiết nhất khi bị stress nặng là dành thời gian nghỉ ngơi. Xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo cho thấy cả sức khỏe tinh thần và thể chất đang bị suy kiệt. Vì vậy, bạn nên nghỉ ngơi để xoa dịu tinh thần và nâng cao thể trạng.

Nếu stress bắt nguồn từ áp lực công việc, nên sắp xếp công việc để có thể nghỉ ngơi ngắn ngày. Tránh xa các tác nhân gây stress trong một thời gian ngắn sẽ giúp bạn nạp lại năng lượng và tìm lại những cảm xúc tích cực sau một thời gian dài căng thẳng.

stress nặng kéo dài
Nghỉ ngơi là điều cần thiết nhất giúp bạn vượt qua stress nặng kéo dài

Trong trường hợp không thể nghỉ phép, nên trao đổi với cấp trên về tình trạng sức khỏe để được giảm khối lượng công việc trong một thời gian nhất định. Sau giờ làm việc, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi đêm. Nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp cả thể chất, tinh thần nạp lại năng lượng và tăng hứng khởi khi quay trở lại công việc.

Để hạn chế stress tái phát, bạn cũng cần chú ý nghỉ ngơi hàng ngày. Vào cuối tuần, nên để bản thân có cơ hội được nghỉ ngơi và tránh xa những áp lực trong công việc. Có như vậy, cơ thể mới tràn đầy năng lượng và đón nhận những nhiệm vụ, thử thách với tâm thế thoải mái nhất.

2. Điều chỉnh lối sống

Ngoài những yếu tố như áp lực công việc, tài chính, mâu thuẫn trong các mối quan hệ và bệnh tật, lối sống thiếu khoa học cũng là tác nhân dẫn đến stress nặng. Vì vậy, bạn nên điều chỉnh lối sống để giải tỏa stress và cải thiện sức khỏe một cách toàn diện.

Lối sống giúp cải thiện và phòng ngừa stress nặng:

  • Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh làm việc quá 9 giờ mỗi ngày và xem xét thay đổi công việc nếu liên tục phải đối mặt với áp lực, cạnh tranh.
  • Tránh những thói quen xấu gia tăng nguy cơ bị stress như hút thuốc lá, dùng rượu bia, sử dụng quá nhiều cà phê và thức khuya.
  • Ăn uống điều độ và lành mạnh. Khi bị stress, nên hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường. Thay vào đó, nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất và probiotic để cải thiện hệ tiêu hóa và nâng cao sức khỏe một cách toàn diện.
  • Tập thể dục hằng ngày là cách đơn giản giúp bạn vượt qua stress nặng. Hoạt động thể chất hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tăng độ linh hoạt và dẻo dai của cơ thể. Bên cạnh đó khi luyện tập, cơ thể sẽ sản sinh dopamine và endorphin giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng và phiền muộn.

Lối sống lành mạnh sẽ giúp cơ thể vượt qua stress và các vấn đề sức khỏe thường gặp. Ngoài ra, việc duy trì lối sống khoa học cũng góp phần ngăn ngừa căng thẳng tái phát hiệu quả.

3. Thực hiện các biện pháp thư giãn

Ngoài việc điều chỉnh lối sống, bạn cũng nên thực hiện các biện pháp thư giãn để có thể giải tỏa và vượt qua tình trạng stress nặng. Các biện pháp này cũng giúp ích đáng kể trong quá trình điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác.

stress nặng kéo dài
Nên thực hiện các biện pháp thư giãn để giải tỏa căng thẳng và học cách cân bằng cảm xúc

Các biện pháp thư giãn giúp giải tỏa stress nặng:

  • Ngồi thiền: Ngồi thiền là hình thức thư giãn hiệu quả nhất. Khi ngồi thiền, tâm lý sẽ trở về trạng thái cân bằng và quên đi những phiền muộn, áp lực trong cuộc sống. Ngoài ra, thiền định còn giúp điều hòa nhịp thở, nhịp tim, cân bằng huyết áp, điều hòa đường huyết và ổn định hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, bạn nên ngồi thiền 10 – 30 phút mỗi ngày để giải tỏa stress và nạp lại năng lượng tiêu cực.
  • Dùng trà thảo mộc: Các loại trà có tác dụng thanh tâm, an toàn và bồi bổ khí huyết có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Khi bị stress nặng, bạn nên dùng trà hoa cúc, trà hạt sen, atiso, trà bạc hà,… để giảm căng thẳng. Ngoài ra, các loại trà này còn giúp giảm nhẹ các triệu chứng thể chất do stress gây ra.
  • Xoa bóp (massage): Sau những giờ làm việc căng thẳng, bạn có thể đến các trung tâm xoa bóp trị liệu. Massage đã được công nhận là hình thức thư giãn hiệu quả. Phương pháp này giúp giãn cơ, tăng tuần hoàn máu, giảm đau và điều hòa các tạng phủ. Bên cạnh đó, massage kích thích não bộ sản sinh endorphin có tác dụng thư giãn và giải tỏa căng thẳng.
  • Chơi với thú cưng: Nếu yêu thích động vật, bạn nên xem xét nuôi thú cưng để giải tỏa stress. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chơi đùa với chó, mèo giúp giảm hormone cortisol và tăng hormone endorphin, Ngoài ra, việc chăm sóc thú cưng cũng sẽ giúp bạn có động lực để vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

4. Can thiệp tâm lý trị liệu

Trong nhiều trường hợp, bạn không thể tự cân bằng cảm xúc khi bị stress nặng. Nếu cần thiết, nên can thiệp tâm lý trị liệu. Phương pháp này được thực hiện thông qua hình thức giao tiếp giữa khách hàng và chuyên gia. Chuyên gia sẽ giúp bạn ổn định lại cảm xúc, gạt bỏ những tâm trạng tiêu cực, nhìn nhận mọi việc và bản thân một cách khách quan hơn.

Đa phần những người bị stress nặng đều phải đối mặt với các vấn đề nan giải như mâu thuẫn trong các mối quan hệ và bản thân mắc các bệnh nan y, mãn tính. Do đó, bên cạnh việc nâng đỡ tinh thần, chuyên gia cũng sẽ đưa ra những lời khuyên để bạn tìm ra giải pháp tốt nhất.

stress nặng kéo dài
Nên xem xét trị liệu tâm lý nếu bạn không thể tự điều chỉnh khi bị căng thẳng quá mức

Tâm lý trị liệu hướng khách hàng đến những giá trị và ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Đồng thời giúp khách hàng hình thành những phẩm chất tốt đẹp và hướng đến lối sống lành mạnh, khoa học. Chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ bạn trang bị kỹ năng giải tỏa stress, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề để hạn chế tối đa các tình huống căng thẳng.

Ngày nay, tâm lý trị liệu trở thành xu hướng trong việc cải thiện stress và nhiều vấn đề tâm lý. Nếu can thiệp kịp thời, bạn sẽ nhanh chóng lấy lại sự cân bằng, biết cách yêu thương bản thân và chủ động hơn trong cuộc sống. Phương pháp này cũng mang lại hiệu quả cao đối với những người bị rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,…

5. Dùng thuốc nếu cần thiết

Stress nặng thường gây suy nhược thần kinh kèm theo nhiều vấn đề khác. Chính vì thế, bạn có thể phải sử dụng thuốc để cải thiện các triệu chứng gặp phải. Các loại thuốc có thể được sử dụng trong trường hợp stress nặng bao gồm:

  • Thuốc tác động lên hệ thần kinh Sulbutiamine
  • Thuốc an thần
  • Thuốc chống trầm cảm tác dụng nhẹ
  • Thuốc tăng cường tuần hoàn và bổ sung dưỡng chất cho não bộ như Ginkgo Biloba, Piracetam,…
  • Các loại vitamin, khoáng chất tổng hợp (thường dùng nhất là vitamin C, E, kẽm)
  • Các loại thuốc giảm đau (trong trường hợp đau đầu, đau mỏi vai gáy)

Sử dụng thuốc có thể cải thiện các triệu chứng do stress nặng gây ra. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn phải thay đổi lối sống và học cách thích nghi với các yếu tố gây stress. Có như vậy, bạn mới có thể giữ được sức khỏe ổn định và đón nhận stress như một phần tất yếu của cuộc sống.

Stress nặng gây ra một loạt các dấu hiệu cảnh báo về thể chất và tinh thần. Để cải thiện kịp thời, mỗi người cần phải chú ý đến những biểu hiện của cơ thể và trang bị cho mình những kỹ năng giải tỏa stress. Bên cạnh đó, nên xem xét tìm gặp bác sĩ và chuyên gia tâm lý nếu cần thiết.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *