Stress trong công việc: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến stress trong công việc, tuy nhiên tình trạng stress, căng thẳng xuất phát từ bất cứ lý do nào cũng cần được nhanh chóng kiểm soát và giải quyết. Cũng bởi khi rơi vào trạng thái stress bạn sẽ không thể tiếp tục tập trung vào công việc, những điều nhỏ nhặt cũng khiến bạn cảm thấy khó chịu, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất nếu stress cứ kéo dài.

Stress trong công việc
Ai trong chúng ta cũng có nguy cơ bị stress trong công việc

Nguyên nhân gây stress trong công việc

Nhắc về stress trong công việc thì hầu hết chúng ta đều sẽ liên tưởng đến tình trạng phải làm việc quá sức, công việc quá tải khiến bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi và bế tắc. Không những thế, những sự bất hòa, mâu thuẫn giữa đồng nghiệp, cấp trên hay đối với khách hàng cũng góp phần rất lớn trong việc tạo ra căng thẳng, áp lực.

Sau đây là một vài lý do thường gặp có thể khiến bạn cảm thấy stress trong công việc:

1. Thiếu sự kiểm soát

Đây được xem là một trong các nguyên nhân lớn và phổ biến nhất có thể khiến nhiều người rơi vào trạng thái stress trong công việc. Nếu bản thân không thể tự sắp xếp và kiểm soát tốt các nhiệm vụ, trách nhiệm được giao thì sẽ khiến cho công việc không thể xử lý tốt, ứ đọng. Khối lượng công việc phải giải quyết càng tăng cao sẽ khiến bạn khó tránh khỏi những căng thẳng, mệt mỏi.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Chẳng hạn như, bạn được giao nhiệm vụ tổng hợp các thông tin, báo cáo cho một cuộc họp được tổ chức vào 17 giờ chiều. Tuy nhiên, cho đến hơn 16 giờ chiều hôm đó bạn mới nhận được đầy đủ các dữ liệu của những phòng bạn. Điều này khiến bạn phải tất bật hơn trong việc sắp xếp các thông tin cần thiết trong thời gian hạn hẹp. Cho dù bạn có hoàn thành tốt nhiệm vụ đó nhưng chắc chắn rằng bạn vẫn sẽ cảm thấy không thoải mái và khó chịu. Đặc biệt, nếu tình trạng này liên tục xảy ra thì bạn sẽ dễ dẫn đến việc stress, căng thẳng quá mức.

2. Không nắm rõ về nhiệm vụ và trách nhiệm của bản thân

Nếu bạn không biết rõ về nhiệm vụ và các công việc cần phải làm của bản thân, không hiểu được mục tiêu của phòng ban và công ty đang hướng đến thì bạn rất khó hoàn thành chúng, đồng thời cảm thấy hoang mang, căng thẳng. Hơn thế, nếu bạn đang phải đảm nhiệm một công việc đòi hỏi bạn phải liên tục báo cáo với nhiều người thì bạn cũng sẽ dễ cảm thấy áp lực bởi phải cố gắng thực hiện và đáp ứng tốt tất cả các yêu cầu của cấp trên.

3. Môi trường làm việc quá cạnh tranh

Môi trường làm việc có sức ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần cống hiến của mỗi người. Trong thực tế, môi trường cạnh tranh cũng mang lại không ít lợi ích cho chúng ta, nó thúc đẩy bạn phải luôn cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, nếu hàng ngày bạn phải liên tục hoàn thành khối lượng công việc lớn, tính chất công việc phức tạp, gặp nhiều trở ngại thì rất dễ cảm thấy stress, mệt mỏi.

Đặc biệt là đối với những ai đang theo đuổi nghề sales, nhân viên tài chính,…sẽ là những đối tượng dễ cảm thấy stress trong công việc nhất. Cũng bởi họ liên tục phải xử lý các tình huống khách hàng, cố gắng chạy đua với KPI theo từng tháng, cạnh tranh khốc liệt.

4. Làm việc không đúng sở trường, sở thích

Trong thực tế, không phải ai cũng may mắn được theo đuổi và làm những công việc của mình đam mê và yêu thích. Vì nhiều lý do, vì cuộc sống cơm áo gạo tiền mà nhiều người chấp nhận lựa chọn những công việc trái với tính cách, sở thích, năng lực của mình. Tuy nhiên, việc liên tục làm những điều không đúng sở trường của bản thân sẽ khiến bạn có xu hướng không hài lòng với công việc, cảm thấy mệt mỏi và vô cùng chán chường.

Stress trong công việc
Duy trì một công việc không đúng sở trường cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị stress.

Trong những trường hợp này, chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài cũng đủ khiến bạn cũng thấy chán nản và muốn bỏ cuộc. Đặc biệt, nếu cứ liên tục làm việc trong tâm thế gượng ép, cố gắng nhưng không thể đáp ứng được các nhu cầu của công việc sẽ làm cho bạn cảm thấy áp lực, nản chí, mệt mỏi và dễ rơi vào trạng thái stress trong công việc.

5. Mâu thuẫn, xung đột với đồng nghiệp, cấp trên

Các mối quan hệ trong công việc đóng vai trò rất quan trọng, nó góp phần quyết định đến hiệu suất làm việc của mỗi người. Chính vì thế, nếu xảy ra bất kì xung đột, tranh cãi nào trong mối quan hệ này cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và áp lực. Khi rơi vào một cuộc xung đột, bất đồng quan điểm với đồng nghiệp hay cấp trên sẽ khiến bạn bị ảnh hưởng đến tinh thần, đồng thời công việc sẽ bị gián đoạn, hiệu quả công việc cũng giảm đi đáng kể.

6. Điều kiện làm việc kém

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn được làm việc trong một không gian thoải mái với những thiết bị hỗ trợ tiên tiến, hiện đại. Việc được làm việc trong điều kiện thuận lợi sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, thỏa sức thể hiện năng lực của bản thân. Ngược lại, nếu bạn làm việc lại một không gian chật hẹp, nhiều tiếng ồn, ánh sáng kém hoặc nơi đó tràn ngập những sự nguy hiểm, không đảm bảo được an toàn lao động thì bạn cũng sẽ dễ cảm thấy stress trong công việc.

Ví dụ như nếu bạn phải liên tục đối diện với những tiếng ồn tại nơi làm việc, nó khiến bạn không thể tập trung và bắt buộc phải đeo tai nghe để đối phó. Tình trạng này có thể diễn ra trong vòng vài ngày nhưng nếu nó cứ liên tục kéo dài sẽ khiến bạn cảm thấy ù và đau nhức rất nhiều. Và chắc chắn rằng nếu thể chất không được đảm bảo sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu, bức bối và căng thẳng.

7. Mất cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân

Dù không quá nhiều nhưng trong thực tế cũng có một số người “cuồng” công việc đến cả quên ăn, quên ngủ. Họ hoàn toàn chỉ vùi đầu vào công việc mà quên đi những nhu cầu vui chơi, thư giãn, gặp gỡ bạn bè của mình ở đời sống cá nhân. Và đây cũng chính là một trong các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng stress trong công việc.

Công việc tuy rất quan trọng nhưng bạn cũng cần dành thời gian để chăm lo và xây dựng đời sống cá nhân của mình. Bạn cần đảm bảo sau giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi bạn sẽ dung nạp đầy đủ chất dinh dưỡng, có được một giấc ngủ chất lượng, đôi lúc gặp gỡ bạn bè, người thân, làm những điều mà mình yêu thích.

Dấu hiệu nhận biết bạn đang bị stress trong công việc

Stress trong công việc có thể đến từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này cần phải được sớm nhận biết và kiểm soát tốt để hạn chế những ảnh hưởng đối với hiệu suất làm việc và cả sức khỏe của con người. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng sau đây thì nhiều khả năng bạn đang rơi vào trạng thái stress trong công việc:

Stress trong công việc
Khi bị stress, cơ thể sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, mất tập trung.
  • Cảm thấy cơ thể luôn mệt mỏi, chán chường, lo lắng, khó chịu hoặc có những dấu hiệu trầm cảm.
  • Thiếu năng lượng, thờ ơ, không còn nhiều hứng thú, niềm vui trong công việc.
  • Thường xuyên đau đầu, đau nhức toàn thân
  • Trí nhớ suy giảm, mất tập trung, khó khăn trong việc giải quyết và đưa ra các quyết định trong công việc.
  • Gặp phải một số vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như mất ngủ, khó ngủ, cảm thấy buồn ngủ nhưng không ngủ được, uể oải.
  • Xuất hiện các vấn đề về tiêu hóa như ăn không tiêu, đau dạ dày,…
  • Thay đổi khẩu vị ăn uống, ăn quá mức hoặc chán ăn, thường xuyên bỏ bữa.
  • Có xu hướng tách biệt, xa lánh với đồng nghiệp, xã hội
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Nhiều khả năng lạm dụng rượu bia, các chất kích thích gây nghiện nhằm đối phó với stress.

Tác hại khôn lường khi bị stress trong công việc kéo dài

Stress trong công việc nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây ra hàng loạt các ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân người bệnh và cả hiệu quả làm việc. Cụ thể như sau:

1. Tác hại đối với bản thân người bệnh

1.1 Tinh thần tồi tệ

Những người liên tục bị stress trong công việc sẽ thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ, đau nhức cơ thể, nhức đầu, mất tập trung, dễ cáu gắt, kích động, cảm thấy không hài lòng với cuộc sống, công việc hiện tại. Những triệu chứng này gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thể chất và cả tinh thần của bệnh nhân.

Stress kéo dài sẽ khiến cho tinh thần của họ dần tụt dốc, thường xuyên cảm thấy lo lắng, bất an, mất tập trung, thiếu sự tự tin vào chính mình, không còn nhiều động lực để tiếp tục cống hiện cho công việc, luôn tồn tại cảm giác thất vọng, dễ bị kích thích, nóng giận. Thậm chí một số người còn có xu hướng lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần.

1.2 Suy giảm sức khỏe trầm trọng

Stress kéo dài sẽ làm cho tinh thần của người bệnh dần kiệt quệ, kéo theo đó là sự suy giảm nặng nề của thể chất. Cơ thể lúc này sẽ dần xuất hiện các rối loạn nghiêm trọng, chẳng hạn như tim mạch, phổi, ung thư, nguy cơ thực hiện các hành vi tự sát, gây tai nạn. Đặc biệt hơn, đối với những người đã có sẵn các bệnh lý như tá tràng, loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, hen suyễn, rối loạn tình dục, rối loạn cơ xương thì các triệu chứng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Stress trong công việc
Sức khỏe sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu tình trạng stress liên tục kéo dài dai dẳng.

1.3 Nguy cơ phát triển các bệnh lý tâm thần

Khi bị stress bạn sẽ thường xuyên gặp phải các dấu hiệu như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn phiền, chán nản, bi quan, dễ cáu gắt,…Đây được xem là một trong các triệu chứng cảnh báo đầu tiên của bệnh tâm thần.

Hầu hết những ai đang bị stress trong công việc đều bị suy giảm về chất lượng giấc ngủ, não bộ trở nên kém linh hoạt và dễ bị tổn thương hơn so với bình thường. Khi giấc ngủ không được đảm bảo tốt sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái uể oải, thiếu minh mẫn, mệt mỏi, kém tập trung. Lâu dần gây nên những sự bất ổn về tâm lý khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dễ chán nản, thu mình.

1.4 Mắc bệnh tim mạch

Đây là một trong các tác hại nghiêm trọng và thường gặp ở những người bị stress trong công việc kéo dài. Cũng bởi trạng thái căng thẳng sẽ làm huyết áp tăng cao, rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, khả năng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,…Theo chia sẻ của các chuyên gia thì khi bị stress, tim sẽ bắt đầu giải phóng hàm lượng lớn hormone cortisol khiến huyết áp tăng cao, nguy cơ bị tiểu đường, béo phì. Chính vì thế mà những người bị stress sẽ có nhiều khả năng gặp phải các bệnh tim mạch nguy hiểm.

1.5 Gặp vấn đề về tiêu hóa

Các hormone nắm giữ chức năng tăng cường lưu thông máu sẽ bị tụt giảm rõ rệt khi bạn rơi vào trạng thái stress. Cũng chính vì thế mà dạ dày không được cung cấp đầy đủ lượng máu, từ đó gây ra tình trạng bị chướng bụng, đầy hơi. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày.

Đối với các trường hợp bị stress trong công việc, hậu quả thường gặp nhất đó chính là bị rối loạn tiêu hóa, một số khác sẽ bị hội chứng ruột kích thích (IBS). Người bệnh có thể gặp phải các cơn đau quặn bụng dữ dội kèm theo triệu chứng táo bón hoặc tiêu chảy, chướng bụng.

2. Tác hại của stress đối với công việc

Như đã chia sẻ ở trên, stress trong công việc sẽ làm người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Điều này kéo theo việc làm trì trệ và ảnh hưởng đối với hiệu suất, năng suất làm việc của người bệnh. Những người bị stress sẽ không thể tập trung cao độ, thiếu tỉnh táo nên dễ phạm phải các sai lầm trong công việc.

Theo đó, đối với nhân viên văn phòng, stress được xem là một trong những kẻ thù hàng đầu đối với chất lượng công việc. Bởi khi căng thẳng, họ sẽ không thể tập trung tối đa để giải quyết và hoàn thành công việc được giao, trong khi đó, hầu hết công việc chính của nhân viên văn phòng đều cần vận dụng trí óc. Nếu tinh thần không được đảm bảo sẽ khiến cho não bộ không thể hoạt động tốt, từ đó làm suy giảm hiệu suất.

Nếu nhân viên không thể hoàn thành tốt công việc được giao sẽ kéo theo những hệ lụy đối với phòng ban, toàn công ty, doanh nghiệp. Các dự án, kế hoạch có thể bị trễ tiến độ, nền tảng hoạt động không đảm bảo, thậm chí là gây nên những hậu quả khôn lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và kinh tế.

Cách khắc phục tình trạng stress trong công việc

Stress trong công việc là một trạng thái rất bình thường và đặc biệt nếu bạn phải liên tục đối diện với những deadline, dự án đầy thách thức. Tuy nhiên, tình trạng stress cũng có thể gây ra rất nhiều các tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe và công việc của mỗi người. Mặc dù bạn không thể tránh được trạng thái stress nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng các cách khắc phục, giảm bớt những ảnh hưởng của căng thẳng do công việc gây ra.

1. Xác định nguyên nhân gây stress

Điều đầu tiên mà bạn cần phải làm để có thể nhanh chóng loại bỏ stress đó chính là xác định cụ thể nguyên nhân khiến bạn cảm thấy căng thẳng, áp lực trong công việc. Hãy bắt đầu liệt kê ra những yếu tố gây stress mà bạn đang gặp phải, chẳng hạn như khối lượng công việc quá lớn, không gian làm việc không được đảm bảo, mâu thuẫn đồng nghiệp,…

Bạn nên ghi chép lại các yếu tố khiến bạn cảm thấy khó chịu, căng thẳng trong khoảng 1 tuần để theo dõi phản ứng của bạn đối với chúng. Khi viết bạn nên nêu rõ phản ứng của bạn là gì, bạn cảm thấy thế nào về việc đó và hướng giải quyết của bạn là gì?

2. Thay đổi góc nhìn

Khi bạn trải qua stress, áp lực trong một thời gian kéo dài thì tâm trí của bạn sẽ có xu hướng suy nghĩ đến những điều tiêu cực, bi quan. Lúc này bạn có thể dễ dàng đưa ra kết luận, nhận định về các tình huống một cách chủ quan.

Chính vì thế, thay vì đưa qua các đánh giá một cách vội vã, bạn hãy thử bắt đầu điều chỉnh và thay đổi góc nhìn của bản thân theo chiều hướng lạc quan, lành mạnh hơn. Ví dụ như nếu bạn chào hỏi một người đồng nghiệp nhưng họ không đáp lại thì thay vì bạn nghĩ rằng họ không thích mình thì hãy chuyển hướng tích cực hơn với ý nghĩ là người đó đang bận hoặc họ không nhìn thấy bạn mà thôi.

3. Dành cho bản thân nhiều thời gian hơn

Stress trong công việc rất dễ khiến bạn mắc phải hội chứng “cháy sạch nơi công sở”. Điều này làm bạn dần bị mất phương hướng, không thể cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Tuy nhiên, để tránh làm cho tình trạng stress trở nên nghiêm trọng và hạn chế tối đa những ảnh hưởng của nó gây ra thì bạn cần phải sắp xếp lại quỹ thời gian của mình.

Stress trong công việc
Dành cho bản thân khoảng thời gian yên tĩnh để thư giãn sau giờ làm việc sẽ giúp bạn giảm stress nhanh chóng.

Tốt nhất, sau những giờ làm việc căng thẳng bạn nên dành cho bản thân một khoảng thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi và làm những điều mà mình yêu thích. Chỉ đơn giản là nghe một vài bản nhạc, xem một video vui nhộn, đọc vài trang sách có nội dung tích cực cũng đủ giúp bạn xua tan mọi mệt mỏi, ưu phiền từ công việc.

4. San sẻ bớt công việc

Nếu bạn đang phải đối mặt với một khối lượng công việc lớn, liên tục phải vật lộn với những nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng nhưng không đủ thời gian để xử lý thì hãy cân nhắc đến việc nhờ sự trợ giúp từ đồng nghiệp, bạn bè. Đồng thời, bạn cũng có thể trao đổi lại với cấp trên, sắp xếp lại công việc một cách hợp lý, tránh việc ôm đồm quá nhiều thứ cùng một lúc.

5. Rèn luyện và nâng cao kỹ năng

Đôi khi, lý do khiến bạn cảm thấy stress trong công việc đó chính là thiếu hụt các kỹ năng cần thiết. Ví dụ như khả năng đánh máy của bạn bị hạn chế nên dẫn đến việc không thể hoàn thành tốt các công việc được giao. Điều này khiến bạn luôn bị trì trệ mọi thứ, thậm chí là thường xuyên bị cấp trên trách phạt.

Chính vì thế, hãy tự nhìn nhận lại những khiếm khuyết của bản thân để có thể dần cải thiện và nâng cao kỹ năng của mình. Khi bạn đã có được những kỹ năng cần thiết và hữu ích thì công việc sẽ trở nên thuận lợi hơn, từ đó những áp lực, căng thẳng cũng dần được giải tỏa.

6. Tự chăm sóc sức khỏe bản thân

Chăm sóc sức khỏe của bản thân là điều mà bạn luôn cần phải chú tâm và thực hiện mỗi ngày, đặc biệt là khi đang bị stress trong công việc. Bạn nên chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống hàng ngày, đảm bảo được chất lượng giấc ngủ, tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể nâng cao sức khỏe thể chất, bảo vệ tốt sức khỏe tinh thần.

Nếu cảm thấy quá căng thẳng và mệt mỏi sau ngày dài làm việc vất vả thì bạn có thể thử tìm đến một không gian yên tĩnh và ngồi thiền. Đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm và cơ thể có nhiều khả năng bị tác động mạnh bởi những yếu tố bên ngoài. Chính vì thế bạn cần phải bảo vệ và chăm sóc bản thân của mình nhiều hơn, tránh tình trạng buông thả.

7. Tham khảo lời khuyên của sếp

Trong thực tế cho thấy, những áp lực từ sếp là một trong các lý do phổ biến khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái stress trong công việc. Tuy nhiên, sếp cũng là một người có kinh nghiệm và họ có khả năng giúp bạn vượt qua được giai đoạn khủng hoảng tâm lý này, hỗ trợ bạn đưa ra những hướng giải quyết hợp lý.

Do đó, nếu có cơ hội, bạn hãy tìm thời gian thích hợp để nói chuyện và thảo luận với sếp về những vấn đề choáng ngợp mà bạn đang phải đối mặt. Hãy bày tỏ và chia sẻ vấn đề trên tâm thế mong muốn được giải quyết thay vì than phiền, trách móc.

Hoặc nếu bạn không có mối quan hệ tốt với sếp thì cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người đồng nghiệp có kinh nghiệm lâu năm. Đôi khi họ cũng đã từng trải qua những giai đoạn stress trong công việc như bạn và có thể dành cho bạn những lời khuyên hữu ích, giúp bạn tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Stress trong công việc là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên nếu bạn nắm được những cách giải tỏa tâm trạng, cân bằng cảm xúc, xua tan căng thẳng thì hoàn toàn có thể duy trì một công việc ổn định. Hi vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ biết cách kiểm soát stress, lên kế hoạch tỉ mỉ cho công việc để phòng tránh và khắc phục tốt trạng thái căng thẳng.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *