Mẹ chồng khó tính nên làm gì để cải thiện mối quan hệ?

Sống chung với mẹ chồng khó tính nên làm gì để dung hòa là băn khoăn của nhiều nàng dâu. Những bí quyết trong bài viết sau sẽ giúp bạn cải thiện mối quan hệ với mẹ chồng và hạn chế được những mâu thuẫn không đáng có.

mẹ chồng khó tính phải làm sao
Sống chung với mẹ chồng khó tính phải làm sao để hòa hợp là băn khoăn của nhiều nàng dâu

Như thế nào là một người mẹ chồng khó tính?

Ông bà xưa thường nói, phụ nữ không chỉ lấy chồng mà còn phải lấy cả gia đình chồng. Làm thân con gái khi bước về nhà chồng còn lạ nước lạ cái với biết bao rào cản luôn chờ đợi nàng dâu vượt qua. Và mẹ chồng có lẽ là một cửa ải khó vượt qua nhất với bất cứ nàng dâu nào.

Mẹ chồng khó tính sẽ trở thành một rắc rối thật sự, không dễ dàng tháo gỡ. Bởi một bà mẹ chồng khó tính thường sẽ rất hay suy xét, để ý từng chút một về tất cả mọi thứ của con dâu, từ lời ăn tiếng nói cho đến cử chỉ, hành động.

Nhiều mẹ chồng tỏ ra khắt khe, khó tính chỉ vì muốn con dâu ngoan ngoãn, lễ phép hơn và hiểu rõ nề nếp cũng như tôn ti trật tự của nhà chồng. Cũng có người khó tính với con dâu xuất phát từ việc họ quá yêu con trai của mình và coi con trai họ là trên hết.

Bạn có thể nhận diện một người mẹ chồng khó tính thông qua một số biểu hiện sau đây:

  • Coi con trai họ là tất cả, đặt con trai mình lên trên hết, xem nhẹ con dâu
  • Luôn muốn xen vào cuộc sống riêng của con cái và muốn nắm quyền kiểm soát mọi thứ
  • Luôn soi xét, để ý từ những thứ nhỏ nhặt và chi tiết nhất
  • Đặt ra những yêu cầu quá cao, thậm chí có phần khó hiểu cho con dâu
  • Thường xuyên kiếm cớ để la mắng nàng dâu
  • Có thể lôi những chuyện quá khứ ra làm lý do đay nghiến con dâu
  • Bảo thủ, cổ hủ, không chịu tiếp thu những cái mới
  • Bằng mặt nhưng không bằng lòng với nàng dâu

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Tuy nhiên, nàng dâu cũng hãy nên nhớ rằng, mỗi con người đều sẽ có tính cách khác nhau và mẹ chồng cũng thế. Có những người mẹ chồng rất thoải mái, tâm lý nhưng cũng có người khó tính hoặc thậm chí “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Điều quan trọng là bạn cần làm như thế nào để có được sự hòa hợp, tránh xảy ra mâu thuẫn khiến tình cảm gia đình rạn nứt.

Mẹ chồng khó tính thì nàng dâu nên làm gì để hòa hợp?

Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu là vấn đề muôn thuở. Dù là vấn đề cũ nhưng trong bối cảnh hiện tại, mối quan hệ này phát sinh thêm nhiều mâu thuẫn và xung đột mới. Sự khác biệt về quan điểm sống và tính cách khiến mẹ chồng – nàng dâu khó có thể hòa hợp khi chung sống.

Mẹ chồng chịu ảnh hưởng của những quan niệm cũ nên thường có tính cách khó chịu, cứng nhắc và đôi khi áp đặt quá mức. Tuy nhiên, những điều bà làm đều là vì lo nghĩ cho con cái. Thay vì phản ứng một cách cực đoan, bạn nên tìm cách hóa giải để mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu được cải thiện.

Sống chung với mẹ chồng khó tính nên làm gì là băn khoăn của nhiều nàng dâu – nhất là những nàng dâu vừa mới về nhà chồng và còn thiếu kinh nghiệm trong cách đối nhân xử thế. Nếu đang lăn tăn về vấn đề này, những gợi ý sau sẽ giúp bạn xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng.

1. Suy nghĩ tích cực hơn về mẹ chồng khó tính

Khoảng cách giữa mẹ chồng và nàng dâu thường khá lớn nên việc hòa hợp thực sự không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, bạn phải ý thức được rằng, mẹ chồng khó tính không phải do bà không thương con cháu mà chỉ vì bị ảnh hưởng bởi những quan điểm cổ hủ.

Việc đầu tiên bạn cần làm để cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là thay đổi suy nghĩ của bản thân. Thay vì giữ sự khó chịu, bạn nên suy nghĩ tích cực. Mọi sự áp đặt và kiểm soát của mẹ chồng đều xuất phát từ sự lo lắng cho con cháu.

mẹ chồng khó tính
Dù mẹ chồng có khó tính và áp đặt, bạn cũng không nên giữ những suy nghĩ tiêu cực về bà

Ngoài ra, những tư tưởng cổ hủ có thể ăn sâu trong tâm trí khiến bà khắt khe với bạn và luôn yêu cầu con dâu phải chu toàn mọi việc trong gia đình. Vì vậy, bạn nên suy nghĩ tích cực về mẹ chồng. Hãy thông cảm cho những suy nghĩ và cách ứng xử có phần áp đặt của bà. Bởi rất có thể đó sẽ là hình ảnh của bạn trong tương lai.

Thay đổi suy nghĩ là bước đầu để cải thiện mối quan hệ với mẹ chồng. Chỉ khi thực sự thấu hiểu và đồng cảm, bạn mới có thể gần gũi với mẹ chồng mà không có bất cứ rào cản nào. Hơn nữa, bạn cũng nên nhớ rằng, mẹ chồng là người có công sinh thành nên ít nhiều, bạn cũng không nên có suy nghĩ tiêu cực về bà.

2. Giữ thái độ mềm mỏng, khéo léo

Thực tế, ngày nay ít nàng dâu chịu nhún nhường và nhẫn nhịn trước sự kiểm soát quá mức của mẹ chồng. Tuy nhiên, phản ứng thái quá của bạn có thể khiến cho mối quan hệ của cả hai trở nên tồi tệ hơn. Như đã đề cập, suy nghĩ và cách hành xử của mẹ chồng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi tư tưởng cũ. Vì vậy, việc thay đổi không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Với mẹ chồng khó tính, bạn không nên phản ứng gay gắt và tránh thể hiện cái tôi quá lớn. Thay vào đó, nên giữ thái độ mềm mỏng và khéo léo. Khi mẹ chồng răn dạy, nên lắng nghe dù tư tưởng của bà có phần vô lý và khắt khe.

Với những yêu cầu không thể thực hiện, bạn nên nhẹ nhàng giải thích và từ chối. Việc này có thể khiến mẹ chồng trở nên tức giận. Tuy nhiên, dù bà có phản ứng như thế nào, bạn vẫn nên giữ thái độ bình tĩnh và khéo léo để tránh sự việc bị đẩy đi quá xa.

3. Chủ động nhận lỗi khi xảy ra mâu thuẫn

Khi chung sống với gia đình chồng, giữa nàng dâu và mẹ chồng không tránh khỏi mâu thuẫn. Khi xung đột xảy ra, bạn nên giữ bình tĩnh và tránh những lời nói làm tổn thương mẹ chồng. Sau khi bà đã bình tĩnh, bạn nên chủ động nhận lỗi.

Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải nhận hết toàn bộ lỗi lẫm. Nếu mâu thuẫn xảy ra do sự cứng nhắc của mẹ chồng, bạn chỉ nên nhận lỗi vì đã thiếu mềm mỏng và cư xử không khéo. Không nên nhận hết lỗi lầm vì điều này có thể khiến cho mẹ chồng trở nên quá quắt.

Chủ động nhận lỗi sẽ giúp căng thẳng được xoa dịu và đồng thời cũng cho thấy thiện chí của bạn trong việc cải thiện mối quan hệ. Theo thời gian, bà sẽ hiểu hơn về tính cách của bạn và đôi khi sẽ có những thay đổi tích cực. Ngược lại, nếu giữ phản ứng gay gắt, mâu thuẫn giữa bạn và mẹ chồng có thể đẩy đến đỉnh điểm và không thể hóa giải.

4. Nói chuyện với chồng để hiểu hơn về mẹ

Khi làm dâu, bạn cần một thời gian dài để thích nghi với nếp sống và hiểu hết tính cách của những thành viên trong gia đình. Nếu mẹ chồng là người khó tính, bạn nên trò chuyện với chồng để hiểu hơn về mẹ. Điều này sẽ giúp bạn lấy lòng mẹ chồng và tránh những điều khiến cho bà khó chịu.

hiểu hơn về mẹ chồng khó tính
Nên trò chuyện với chồng để hiểu hơn về tính cách và tâm lý của mẹ chồng

Nếu mẹ chồng vốn là người khó tính, việc bà khắt khe với bạn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp bà chỉ khó chịu với một mình bạn, bạn nên trao đổi với chồng để hiểu rõ nguyên nhân sâu xa.

Khi trò chuyện với chồng, không nên dùng những từ ngữ gay gắt để miêu tả mẹ chồng. Hãy nói về bà với cách nhìn nhận khách quan và từ ngữ đúng mực. Điều này sẽ giúp chồng tin tưởng vào bạn và hỗ trợ nhiệt tình trong việc cải thiện mối quan hệ với mẹ.

5. Sống độc lập, không dựa dẫm vào chồng

Tâm lý chung của nhiều mẹ chồng là không thích con dâu sống dựa dẫm và phụ thuộc vào chồng. Nếu cùng chung sống, bạn nên tránh nhờ vả chồng quá nhiều việc. Thay vào đó, nên quán xuyến gia đình một cách chu đáo và thể hiện sự quan tâm đối với chồng lẫn bố mẹ.

Nếu có cơ hội, bạn nên tiếp tục làm việc thay vì lựa chọn ở nhà làm nội trợ. Khi đi làm, bạn sẽ ít phải gặp mặt mẹ chồng, từ đó có thể giảm thiểu những mâu thuẫn và xung đột. Hơn nữa, khi có thu nhập ổn định, bạn có thể tự lo cho bản thân và hỗ trợ được bố mẹ đẻ thay vì dựa dẫm vào chồng.

Việc chủ động tài chính cũng sẽ giúp mẹ chồng thoải mái với bạn hơn. Tuy nhiên, cũng có những bà mẹ chồng muốn con dâu ở nhà để chu toàn mọi việc trong gia đình. Nếu không muốn làm nội trợ, bạn có thể bày tỏ quan điểm và tiếp tục theo đuổi công việc. Trước khi nói chuyện với mẹ chồng, bạn nên bàn bạc cùng chồng để có thể thuyết phục được bố mẹ.

6. Thể hiện sự tôn trọng với mẹ chồng khó tính

Trước sự vô lý của mẹ chồng, nhiều nàng dâu không thể giữ được bình tĩnh. Thậm chí một số người trở nên gắt gỏng và cáu kỉnh khi mẹ chồng đưa ra những yêu cầu vô lý. Điều này khiến mẹ chồng cảm thấy không được tôn trọng và sẽ ngày càng khó chịu với bạn.

Thể hiện sự tôn trọng với mẹ chồng qua lời ăn, tiếng nói và cách xử sự là điều mà bạn nên làm – dù bà có vô lý và kiểm soát thái quá. Việc tôn trọng mẹ chồng cho thấy bạn rất cố gắng cải thiện và dung hòa mối quan hệ. Hơn nữa, cách xử sự khéo léo của bạn cũng khiến cho chồng càng thêm yêu vợ và quý mến gia đình bạn.

Trong cuộc sống vợ chồng sẽ có những lúc cả hai cần đưa ra quyết định lớn. Trong trường hợp ở chung với gia đình chồng, cả hai nên thông báo với bố mẹ trước khi quyết định. Điều này sẽ giúp bố mẹ chồng cảm thấy được tôn trọng và biết rằng bản thân luôn giữ vai trò đặc biệt trong cuộc sống của con cái.

7. Chăm sóc mẹ chồng như mẹ đẻ

Nếu muốn mẹ chồng đối xử với bản thân như con cái trong nhà, bạn cần chăm sóc bà như mẹ đẻ. Bạn không nên tính toán thiệt hơn với mẹ chồng, thay vào đó nên chăm sóc cho bà qua từng bữa ăn, giấc ngủ. Thỉnh thoảng có thể mua tặng cho bà những món quà phù hợp với sở thích. Nếu mẹ chồng yêu thích làm đẹp, bạn nên dành thời gian cuối tuần để cùng mẹ đến spa chăm sóc da và massage thư giãn.

mẹ chồng khó tính làm gì để cải thiện mối quan hệ?
Chỉ khi xem mẹ chồng như mẹ ruột bạn mới được đối xử như con cái trong nhà

Ban đầu, mẹ chồng có thể tỏ ra khó chịu và cho rằng bạn có lối sống phung phí, tốn kém. Tuy nhiên, bạn nên kiên nhẫn bởi người lớn tuổi cần nhiều thời gian để thay đổi. Theo thời gian, bà sẽ dần chấp nhận bạn là con cái trong nhà và thay đổi cách đối xử theo chiều hướng tích cực hơn.

Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm đến những vấn đề ở bên nhà chồng như chăm sóc sức khỏe ông bà, các vấn đề liên quan đến giỗ cúng,… Sự chu đáo của bạn sẽ chinh phục bố mẹ chồng khó tính và chiếm được cảm tình của những thành viên khác.

Mặc dù thời gian đầu sẽ khó khăn nhưng để có cuộc sống hòa hợp, bạn nên nỗ lực để vun vén và xây dựng tổ ấm. Để tránh áp lực, nên chia sẻ và bày tỏ với bạn đời. Sự thấu hiểu và đồng hành của đối phương sẽ giúp bạn có thêm động lực để cải thiện mối quan hệ với mẹ chồng.

8. Tìm lời lẽ phù hợp để giải thích khi cần thiết

Đối với mẹ chồng khó tính, bạn không nên đôi co qua lại. Thay vào đó nên nhẫn nhịn để tránh mâu thuẫn và những xung đột gay gắt trong cuộc sống. Thực tế, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu không chỉ khiến cho cả hai mệt mỏi mà còn gây ra áp lực vô hình cho chồng của bạn. Vì vậy, hãy hạn chế tối đa những xích mích không đáng có.

Tuy nhiên, bạn không nên nhẫn nhịn mẹ chồng trong mọi hoàn cảnh. Khi bà đưa ra những yêu cầu vô lý hoặc xâm phạm quá mức vào cuộc sống riêng tư của hai vợ chồng, bạn nên tìm lời lẽ thích hợp để giải thích. Nếu im lặng, mẹ chồng sẽ ngày càng xử sự quá đáng và người mệt mỏi nhất chính là bạn.

Khi trò chuyện với mẹ chồng, sự việc có thể bị đẩy đi xa hơn những gì bạn tính toán. Do đó, nên trao đổi với chồng để cả ba cùng trò chuyện. Bạn nên là người mở lời trước và xin lỗi mẹ chồng vì đã khiến bà phải bận tâm. Sau đó, lựa lời để thuyết phục mẹ chồng và giải thích lý do vì sao bạn không thể nghe theo những yêu cầu của bà.

9. Đặt ra ranh giới nếu mẹ chồng cư xử quá đáng

Trong trường hợp xấu nhất, bạn bắt buộc phải đặt ra ranh giới nếu mẹ chồng cư xử quá đáng. Đối phó với mẹ chồng khó tính không hề dễ dàng, nhất là khi bà là người cổ hủ, áp đặt và thích kiểm soát con cái. Nếu mẹ chồng cư xử quá đáng như cấm cản bạn không được đưa con cái về nhà ngoại, không được hỗ trợ tài chính cho bố mẹ đẻ,… bạn nên đặt ra ranh giới với bà.

mẹ chồng khó tính nên làm gì
Nếu mẹ chồng khó tính có những yêu cầu quá quắt, bạn nên đặt ra ranh giới để bảo vệ cuộc sống riêng tư của cả hai

Thay vì nhẫn nhịn, bạn nên bày tỏ quan điểm của bản thân một cách rõ ràng. Tuy nhiên, cần phải giữ thái độ bình tĩnh và cẩn trọng trong lời nói. Ngoài ra, có thể yêu cầu bà không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của hai vợ chồng.

Bạn nên nói rõ bản thân luôn dành sự tôn trọng cho mẹ chồng nhưng chỉ có thể tham khảo lời khuyên của bà trong một số vấn đề. Những vấn đề cá nhân như chăm sóc bố mẹ ruột, nuôi dạy con cái và cách quản lý tài chính sẽ do hai vợ chồng tự bàn bạc với nhau.

10. Tìm lời khuyên từ chuyên gia khi sống với mẹ chồng khó tính

Những nỗ lực cải thiện mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có thể không đạt được kết quả. Trong nhiều trường hợp, mẹ chồng có thể đối xử cực đoan và cay nghiệt với bạn. Nếu không thể hòa giải, cách tốt nhất là tìm lời khuyên từ chuyên gia.

Chia sẻ cho bạn bè và người thân cũng sẽ giúp bạn có thêm lời khuyên hữu ích. Tuy nhiên, điều này sẽ đi kèm với nhiều tình huống phát sinh bất ngờ. Mẹ chồng có thể vô tình nghe mọi người bàn tán về mâu thuẫn giữa bạn và bà mà điều này lại khiến cho quan hệ của cả hai ngày càng xấu đi.

mẹ chồng khó tính phải làm sao?
Cả hai vợ chồng nên tham vấn tâm lý nếu không thể hóa giải mâu thuẫn với mẹ chồng

Hơn nữa, lời khuyên của những người xung quanh thường mang tính chủ quan. Vì vậy, những lời khuyên này đôi khi không thực sự hữu ích. Nếu mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu trở nên sâu sắc, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý.

Các chuyên gia sẽ giúp bạn nhìn nhận khách quan mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, tìm ra nguyên nhân cốt lõi và tìm hướng khắc phục. Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ giúp bạn học cách cân bằng cảm xúc khi sống chung với người mẹ chồng khó tính, áp đặt. Nếu cần thiết, bạn có thể tham vấn tâm lý cùng chồng. Bởi cách xử sự khéo léo của người chồng cũng sẽ giúp giảm bớt mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Hy vọng qua bài viết, chị em đã biết nên làm gì khi gặp phải mẹ chồng khó tính. Mặc dù việc chinh phục mẹ chồng là điều không dễ dàng nhưng nếu chân thành đối đãi, chắc chắn bà sẽ hiểu thấu được tấm lòng của bạn. Nếu cảm thấy quá ngột ngạt và mệt mỏi, đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia.

Tham khảo thêm:

5/5 - (5 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *