8 Nguyên nhân gây mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu và cách giải quyết
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu chính là vấn đề muôn thuở, rất nhiều gia đình Việt phải đối mặt dù ở bất cứ thời đại nào. Mặc cho nguyên nhân là gì đi nữa thì mâu thuẫn này cũng cần sớm được hóa giải. Bởi mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn hòa hợp và tốt đẹp chính là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc, êm ấm và bền lâu.
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu – Vấn đề muôn thuở
Ở bất cứ thời đại nào thì mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu cũng luôn là câu chuyện muôn thuở. Trước đây, do con dâu luôn là người phải nhún nhường và chịu đựng cho nên chuyện mẹ chồng và nàng dâu hiếm khi đẩy lên cao trào.
Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển và tiến bộ thì các nàng dâu sẽ trở nên tự tin và quyết đoán hơn trong mọi vấn đề. Thay vì cam chịu thì rất nhiều người đã không ngại bày tỏ quan điểm và mong muốn được sống theo đúng ý nguyện của bản thân.
Điều này mặc dù góp phần thay đổi quan niệm cổ hủ về người phụ nữ nhưng nếu không khéo léo trong cách cư xử thì mâu thuẫn và xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu có thể trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi bước vào cuộc sống hôn nhân thì vấn đề mẹ chồng nàng dâu vẫn luôn nhận được sự quan tâm lớn. Bởi đôi khi mâu thuẫn này còn trở thành rào cản đối với các cặp vợ chồng trong việc xây dựng hạnh phúc riêng.
Thực tế cho thấy rằng, không ít người chồng đã phải đứng trước sự lựa chọn giữa mẹ và vợ do cả hai không tìm được tiếng nói chung và không thể hòa hợp. Mặc dù không nhiều nhưng cũng đã có một số cặp đôi phải ly thân, ly dị chỉ vì chuyện mẹ chồng nàng dâu.
Mặc dù hiện nay tư tưởng về chuyện mẹ chồng nàng dâu đã trở nên phóng thoáng hơn nhưng nó vẫn trở thành vấn đề chung của toàn xã hội. Mâu thuẫn này đôi khi khiến cho không ít nữ giới lựa chọn cuộc sống độc thân hoặc họ chỉ quyết định kết hôn khi được ở riêng, không phải sống chung với gia đình chồng.
8 Nguyên nhân thường gặp gây mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Trên thực tế, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên theo khảo sát, các chuyên gia cho rằng, những nguyên nhân phổ biến dưới đây thường là cốt lõi của vấn đề:
1. Quan niệm cổ hủ, lạc hậu
Khi xã hội ngày càng phát triển thì suy nghĩ và cách sống của con người cũng sẽ dần thay đổi. Cha mẹ và con cái ở hai thế hệ khác nhau nên sẽ không thể tránh khỏi những quan niệm và lối sống khác nhau.
Trong quan niệm xưa thì người phụ nữ luôn phải nữ công gia chánh, tề gia nội trợ. Phụ nữ phải chăm lo cho chồng con, làm hết mọi việc trong nhà, từ bếp núc, giặt giũ cho tới dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên thế hệ trẻ ngày nay lại có suy nghĩ tân tiến, mang tính công bằng và bình đẳng hơn.
Vai trò của người phụ nữ ngày càng được thể hiện mạnh mẽ trong xã hội. Phụ nữ vẫn có thể làm được những việc to lớn và gặt hái được nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Do đó việc chăm sóc con cái và việc nhà là công việc chung mà vợ chồng cần san sẻ cho nhau.
Tuy nhiên với những người mẹ chồng có quan niệm cổ hủ và lạc hậu thì việc đàn ông phải tham gia vào chuyện bếp núc hay quét dọn nhà cửa là rất khó chấp nhận. Nếu nàng dâu tỏ ý chia sẻ công việc nhà với chồng thì nhất định sẽ khiến mẹ chồng khó chịu ra mặt.
Trong khi đó, bản thân người phụ nữ độc lập về tài chính thì họ rất khó nhường nhịn và cam chịu những bất công trong cuộc sống. Thêm vào đó là người chồng không có trách nhiệm thì không chỉ mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu mà mâu thuẫn vợ chồng cũng sẽ leo thang.
2. Không hài lòng về con dâu ngay từ đầu
Bất cứ bà mẹ chồng nào cũng sẽ có những tiêu chuẩn riêng trong việc lựa chọn con dâu. Họ luôn mong muốn con trai của mình lấy được người vợ hiền lành, chịu thương chịu khó và giỏi quán xuyến công việc gia đình.
Trường hợp con trai lấy người vợ không đáp ứng được những tiêu chuẩn mà bà đã đặt ra thì mẹ chồng thường tỏ thái độ hậm hực, khó chịu. Đặc biệt là luôn chú ý đến mọi thiếu sót của nàng dâu. Đây là nguyên nhân khá phổ biến khiến cho mâu thuẫn nảy sinh.
Có nhiều nàng dâu mặc dù đã rất cố gắng để làm hài lòng mẹ chồng hay có nhiều điểm mạnh như tháo vát, nhanh nhẹn, giỏi giang và thu nhập ổn định nhưng mẹ chồng vẫn không vừa ý. Họ luôn tìm những điểm chưa hoàn thiện của con dâu để chỉ trích, phàn nàn.
Tuy nhiên trên thực tế cũng có một số trường hợp nàng dâu có quá nhiều khuyết điểm hoặc sống không biết điều, không có trên có dưới. Ngoài sự khó tính của mẹ chồng thì đây cũng là lý do khiến cho nhiều mẹ chồng không hài lòng về con dâu.
3. Hai gia đình không “môn đăng hộ đối”
Mặc dù quan điểm sống của xã hội ngày nay đã trở nên phóng thoáng hơn nhưng khi nói đến việc kết hôn thì nhiều gia đình Việt vẫn rất coi trọng chuyện “môn đăng hộ đối”. Thực tế cho thấy, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng có thể nảy sinh khi hoàn cảnh của hai gia đình không có sự tương xứng.
Tình trạng mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu xảy ra do hai gia đình không “môn đăng hộ đối” thường thấy ở trường hợp gia đình con dâu còn thiếu thốn, không khá giả. Lúc này mẹ chồng thường nghĩ con dâu lấy con trai mình về tiền bạc. Hơn nữa nhiều mẹ chồng còn lo sợ nàng dâu bòn rút của cải về cho nhà ngoại.
Mặc dù ít xảy ra hơn nhưng gia đình con dâu quá giàu cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn. Lúc này mẹ chồng thường cho rằng con dâu thiếu tôn trọng nhà chồng và không quán xuyến việc nhà do trước nay từng được bố mẹ đẻ nuông chiều quá mức.
4. Mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của con cái
Mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của con cái cũng là một nguyên nhân rất phổ biến dẫn tới mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Trên thực tế, không ít mẹ chồng còn thay con cái quyết định về mọi vấn đề như kế hoạch cưới xin, thời điểm sinh con hay thậm chí là quản lý tài chính.
Tuy nhiên, ở thời hiện đại ngày nay thì các cặp đôi thường mong muốn sống một cách độc lập. Họ muốn tự đưa ra quyết định cho cuộc sống của chính mình thay vì nghe theo sắp đặt của gia đình.
Việc mẹ chồng tham gia quá sâu vào cuộc sống riêng của con cái thường khiến cho nàng dâu cảm thấy thiếu thoải mái và khó chịu. Điều này bắt đầu nhen nhóm mâu thuẫn, đặc biệt là khi cả hai vợ chồng không có sự thống nhất về cách giải quyết.
Ngoài ra, nhiều mẹ chồng còn yêu thương con trai của mình đến mức mù quáng. Họ cho rằng những thất bại hay chướng ngại trong cuộc đời con trai mình đều là từ con dâu mà ra. Đây cũng là vấn đề khiến cho mâu thuẫn xảy ra và ngày càng được đẩy cao.
5. Mẹ chồng ganh tị với con dâu
Nghe có vẻ khó tin nhưng đây cũng là một nguyên nhân gây ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Dù cho mẹ chồng là người trưởng thành và hiểu chuyện đến đâu thì trong sâu thẳm họ vẫn là phụ nữ. Mà bản chất trời sinh của phụ nữ là luôn có đôi chút ích kỷ và đố kỵ trong người.
Khi con trai lập gia đình thì sự đố kỵ của mẹ chồng có thể đổ dồn vào nàng dâu – người đang kề cạnh, chăm sóc cho đứa con yêu quý của mình. Mẹ chồng nghĩ rằng mình đã dày công nuôi nấng và chăm sóc nhưng đến lúc này con trai chỉ dành sự yêu thương cho con dâu, chắc hẳn trong lòng sẽ có chút khó chịu.
Dù cho người con trai vẫn chăm sóc và hiếu kính với mẹ thì nhiều bà mẹ chồng vẫn không muốn san sẻ tình cảm ấy với nàng dâu. Vì vậy, nàng dâu vô tình trở thành cái gai trong mắt mẹ chồng và khiến cho mâu thuẫn dần được nhen nhóm.
6. Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu trong việc nuôi dạy trẻ
Khi vợ chồng có con cái thì chuyện giáo dục đương nhiên thuộc về bố mẹ. Tuy nhiên trên thực tế thì rất nhiều ông bà thường tham gia vào vấn đề này. Trong khi đó hai thế hệ thường có quan điểm khác nhau trong cách nuôi dạy trẻ nên khiến cho mâu thuẫn xảy ra và không ngừng gia tăng.
Mẹ chồng thường nuôi dạy con cái dựa theo kinh nghiệm và các quan niệm dân gian. Tuy nhiên, ở thời đại ngày nay, nhiều quan niệm dân gian xưa cũ đã không còn phù hợp. Thậm chí nó còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
Các nàng dâu hiện đại luôn mong muốn được chăm sóc và nuôi dạy con cái theo cách của bản thân với sự hỗ trợ từ sách vở cũng như chuyên gia. Nếu mẹ chồng can thiệp quá sâu thì mâu thuẫn và tranh cãi sẽ trở thành điều không thể nào tránh khỏi.
Hầu hết các bà mẹ chồng đều cho rằng họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con. Trong khi đó con dâu chỉ mới lần đầu làm mẹ nên chưa có trải nghiệm. Do đó họ thường áp đặt cách nuôi dạy trẻ theo những quan niệm cổ hủ, lạc hậu.
Trường hợp không thể thống nhất được cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ thì mẹ chồng và nàng dâu rất dễ nảy sinh mâu thuẫn. Đặc biệt là trong giai đoạn sau khi sinh, nàng dâu sẽ càng trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn.
Nếu thường xuyên bị mẹ chồng phàn nàn và chì chiết trong việc nuôi dạy con cái nhưng lại không nhận được sự quan tâm từ người chồng thì nàng dâu rất dễ gặp phải các vấn đề tâm lý. Chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm sau sinh, suy nhược cơ thể, stress kéo dài,…
7. Tác động từ chị hoặc em chồng
Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua câu “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Lo lắng thường sẽ gia tăng nếu bạn lấy một anh chồng có chị hoặc em gái. Bởi nàng dâu và chị/ em gái của chồng thường rất khó để dung hòa, hơn nữa còn hay xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi.
Và mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng có thể nảy sinh từ mâu thuẫn giữa nàng dâu với chị/ em chồng. Bởi chắc chắn khi có bất cứ vấn đề nào xảy ra, chưa cần biết đúng sai ra sao thì hầu hết các bà mẹ chồng đều bênh vực con gái của họ và coi nàng dâu như người xa lạ.
Thêm vào đó, khi chị/ em chồng không vừa mắt nàng dâu thì họ có thể tác động nhiều hơn đến mẹ chồng. Chẳng hạn như nói xấu nàng dâu hay thậm chí là tìm cách chèn ép, vu vạ cho nàng dâu. Điều này khiến cho mâu thuẫn và tranh cãi xảy ra thường xuyên hơn.
8. Người chồng không biết cách dung hòa
Cách cư xử của người chồng quyết định rất nhiều đến mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nếu người chồng biết cách dung hòa thì sẽ là cầu nối giúp cho mẹ và con dâu thấu hiểu, gắn kết hơn. Đồng thời cách cư xử khéo léo của người chồng hoàn toàn có thể giúp hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.
Tuy nhiên nếu người chồng cư xử thiếu thấu đáo và không đúng mực thì có thể đẩy mâu thuẫn lên cao trào. Thậm chí trong nhiều trường hợp, người chồng tự đưa mình vào thế phải lựa chọn giữa mẹ và vợ.
Thực tế cho thấy rằng, đa phần những người đàn ông thiếu trách nhiệm với gia đình, quá nghe lời mẹ và không biết chia sẻ việc nhà với vợ đều phải đối mặt với những mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân. Đặc biệt là vấn đề mẹ chồng và nàng dâu sẽ luôn trong trạng thái căng thẳng.
Cách giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn thuở, thời đại nào cũng có. Tuy nhiên khi đối mặt với tình trạng này, không phải ai cũng biết cách giải quyết sao cho thấu đáo, hợp lý để cải thiện hòa khí trong gia đình.
Đã có rất nhiều trường hợp, vì mâu thuẫn này không được giải quyết mà đã khiến cho các vấn đề không mong muốn phát sinh. Điển hình nhất là đẩy người chồng phải đứng giữa sự lựa chọn giữa mẹ và vợ. Như đã nói, mặc dù không nhiều nhưng một số cặp vợ chồng vẫn rơi vào hoàn cảnh “đường ai nấy đi”.
Hạnh phúc gia đình chỉ có thể được tạo dựng khi mọi thành viên đều tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Do đó cả mẹ chồng và nàng dâu, mặc dù không vừa ý nhau thì cũng cần sớm điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp và cố gắng gắn kết, thấu hiểu nhau nhiều hơn.
Những bí quyết dưới đây sẽ giúp cho mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu sớm được hóa giải:
1. Đối với mẹ chồng
Với cương vị là một người mẹ, mẹ chồng đã cả đời hy sinh, dành hết tình cảm vật chất và tinh thần để nuôi con khôn lớn, dạy dỗ con thành người. Công lao trời biển của mẹ là không thể phủ nhận và không đong đếm được. Tuy nhiên người mẹ không thể nào sát cánh bên con suốt cả cuộc đời.
Do đó, mẹ chồng cần rộng lượng hơn với con dâu. Bất cứ bà mẹ chồng nào trước đây cũng từng làm con dâu. Hơn ai hết bà cần hiểu được những khó khăn mà bất cứ nàng dâu mới nào cũng phải trải qua khi “chân ướt chân ráo” bước vào nhà chồng.
Mẹ chồng nên cho con dâu thời gian để hòa nhập với cuộc sống gia đình mới. Nàng dâu còn trẻ thường thiếu kinh nghiệm cũng như kiến thức làm dâu, mẹ chồng nên nhẹ nhàng chia sẻ cho con. Hãy bao dung và tha thứ cho những thiếu sót của con dâu. Đồng thời khéo léo trong cách hành xử để nàng dâu hiểu được tâm lý của người làm mẹ.
Xã hội ngày càng phát triển, quan điểm về lối sống cũng ngày càng thông thoáng. Mẹ chồng nên hiểu rằng có những lề lối cũ không còn thích hợp ở thời hiện đại. Mặc dù rất khó thay đổi suy nghĩ nhưng mẹ chồng hãy sẵn sàng tiếp thu cái mới, chủ động dung hòa với con dâu để gia đình êm ấm và vui vẻ.
2. Đối với nàng dâu
Đừng chỉ quan tâm đến lỗi lầm thuộc về ai khi mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu nảy sinh. Bởi ai có lỗi đôi khi không quan trọng, điều quan trọng là cần sớm hóa giải mâu thuẫn để tránh ảnh hưởng đến bầu không khí cũng như hạnh phúc gia đình.
Để giữ sự êm ấm gia đình thì không ít nàng dâu đã lờ đi các mâu thuẫn với mẹ chồng. Tuy nhiên điều này thường khiến cho các khúc mắc không được tháo gỡ. Lâu dần có thể gây ức chế tâm lý và làm phát sinh nhiều mâu thuẫn sâu sắc hơn trong tương lai.
Dưới đây là một số lời khuyên dành cho các nàng dâu khi có mâu thuẫn với mẹ chồng:
– Chủ động chia sẻ với chồng:
Khi xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng thì nàng dâu nên chủ động chia sẻ với chồng để được lắng nghe và cùng nhau đi tìm hướng giải quyết. Chồng đã sống chung với mẹ trong nhiều năm nên chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn về tính cách, sở thích cũng như quan điểm sống của mẹ.
Thông qua việc chia sẻ với chồng, bạn sẽ hiểu hơn về tính cách cũng như nắm bắt được tâm lý của mẹ chồng. Qua đó điều chỉnh cách cư xử sao cho khéo léo và phù hợp để làm hài lòng mẹ chồng, tránh đẩy khoảng cách giữa hai mẹ con ra xa.
– Luôn dành sự tôn trọng cho mẹ chồng:
Nàng dâu cần phải luôn giữ thái độ tôn trọng mẹ chồng. Đây được cho là điều kiện tiên quyết để duy trì một mối quan hệ tốt đẹp. Mẹ chồng chính là người đã dày công sinh thành, nuôi dưỡng chồng mình khôn lớn trưởng thành nên cần phải dành sự tôn trọng cho mẹ chồng.
Bạn cần biết rằng, lối sống và quan điểm của những người ở thế hệ trước không thể nào thay đổi trong một sớm một chiều. Do đó bạn đừng nên thẳng thắn bác bỏ mọi ý kiến của mẹ chồng. Thay vào đó hãy lựa thời điểm thích hợp và lựa lời để nói chuyện với mẹ.
– Hoàn thiện bản thân:
Trong nhiều trường hợp, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu bắt nguồn từ sự vụng về của nàng dâu. Mặc dù ngày nay quan niệm nữ công gia chánh đã không còn phù hợp nhưng phụ nữ vẫn nên hoàn thiện các kỹ năng phục vụ gia đình. Chẳng hạn như nấu nướng, quản lý chi tiêu, may vá đơn giản, dọn dẹp nhà cửa,… Điều này giúp cho mẹ chồng hài lòng hơn về con dâu.
– Giữ sự riêng tư:
Nếu bạn chia sẻ mọi điều với mẹ chồng thì cũng đồng nghĩa với việc chính bạn đang “mời chào” mẹ chồng tham gia vào tất cả khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Vì vậy nên cố gắng giữ các xung đột vợ chồng và những vấn đề hôn nhân cho riêng bạn.
3. Vai trò của người chồng
Người chồng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Khi nhận thấy mẹ và vợ nảy sinh mâu thuẫn thì người chồng nên chủ động chia sẻ với cả hai người để có thể nắm bắt được tâm lý. Từ đó suy xét kỹ lưỡng và đưa ra cách giải quyết phù hợp.
Sự khéo léo của người chồng sẽ giúp mẹ hiểu được rằng con dâu luôn cố gắng hoàn thiện để có thể làm hài lòng mẹ chồng. Đồng thời luôn nỗ lực trong việc xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc. Bên cạnh đó cũng sẽ giúp người vợ hiểu hơn thành ý và sự quan tâm của mẹ.
Người chồng ở giữa hai thái cực nên cần phải có cách nhìn nhận khách quan trước mọi tình huống. Đồng thời có cách cư xử khéo léo và tinh tế để hóa giải mâu thuẫn. Việc người chồng thiếu thấu đáo và khéo léo có thể đẩy mâu thuẫn lên cao trào và gây ra nhiều tình huống không mong muốn.
4. Tham vấn tâm lý để giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu mặc dù là vấn đề muôn thuở nhưng không dễ để hóa giải. Có nhiều trường hợp, mâu thuẫn cứ ngày càng leo thang mặc dù đã áp dụng rất nhiều giải pháp nhưng vẫn không khả khi. Lúc này nên nhờ đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia tư vấn tâm lý.
Thông qua tham vấn tâm lý, chuyên gia sẽ giúp cho cả mẹ chồng và nàng dâu có được cái nhìn khách quan cũng như suy nghĩ thấu đáo về rắc rối mà họ đang gặp phải. Ngoài ra chuyên gia còn giúp mỗi người trang bị các kỹ năng cần thiết để điều chỉnh thái độ, hành vi, lời nói cũng như quản lý căng thẳng.
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu không là vấn đề của riêng gia đình nào. Việc hóa giải được mâu thuẫn sẽ giúp cho gia đình trở nên êm ấm và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên cả mẹ chồng và nàng dâu đều cần phải nhìn nhận lại vấn đề, đồng thời cùng nhau thay đổi suy nghĩ và cách hành xử cho phù hợp.
Tham khảo thêm:
- Cách cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thêm hòa hợp
- 12 Cách vượt qua giai đoạn chia tay giúp bạn bớt đau buồn
- Yêu người bị trầm cảm bạn nên chú ý các vấn đề sau
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!