Mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) và cách thoát khỏi nó
Một mối quan hệ độc hại luôn mang nhiều cảm xúc tiêu cực nhưng không thể thoát ra. Đối phương thường có khả năng “thao túng tâm lý” khiến bạn dù cảm thấy ngột ngạt, lo lắng nhưng lại không thể tách rời. Nếu không sớm tìm cách chấm dứt, bạn có thể bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, trở thành nỗi ám ảnh và không dám bước vào mối quan hệ mới.
Mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) là gì?
Con người có sự gắn kết với xã hội chính nhờ thông qua các mối quan hệ với nhau. Các mối quan hệ ở đây không chỉ đơn giản là tình cảm yêu đương nam nữ mà còn là tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là gia đình. Nhờ những mối quan hệ xung quanh mà chúng ta thường không cảm thấy cô đơn, vui vẻ và có thể vượt qua khó khăn dễ dàng hơn nhờ sự đồng hành và hỗ trợ từ mọi người.
Một mối quan hệ độc hại ( Toxic Relationship) là một mối quan hệ mà ở trong đó chỉ toàn những cảm xúc tiêu cực, bạn không hề cảm thấy tốt lên mà chỉ thấy tồi tệ hơn. Tất nhiên vẫn sẽ có những niềm vui trong đó bởi đây thường là tiền đề để bắt đầu hay duy trì một mối quan hệ nào đó nhưng rất ngắn. Niềm vui trong Toxic Relationship luôn đan xen với sự lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi.
Thuật ngữ Toxic Relationship được dùng rất phổ biến trong những năm gần đây, một phần chính nhờ sự phát triển của mạng xã hội hoặc thông qua phim ảnh. Trong đó “toxic” xuất phát từ “toxicum” của tiếng Latinh cổ có nghĩa là độc tố. Tiếng Hy Lạp cổ cũng có cụm “toxikon pharmakon” để mô tả về chất độc được bôi trên mũi tên bắn kẻ thù. Nói chung, “toxic” thường được dùng để miêu tả những thứ mang tính chất độc lại, nguy hiểm như tính chất mối quan hệ hay tính cách của ai đó.
Chẳng hạn người yêu luôn chỉ trích bạn thua kém người yêu cũ của anh ta, bắt bạn phải trở thành người phụ nữ của gia đình, phải học tề gia nội trợ ; người đồng nghiệp trước mặt thì luôn khen bạn tài giỏi, tốt bụng, nhờ bạn làm báo cáo giúp nhưng sau lưng lại đi chê bai bạn với sếp; người bạn thân “Pick me girl” luôn tìm cách dìm bạn xuống khi đu chung với mọi người dưới danh nghĩa ” đùa thôi mà”..
Thực tế mỗi chúng ta đề rất dễ “dính” vào một mối quan hệ độc hại mà chẳng hề hay biết và cũng gặp rất nhiều khó khăn để thoát ra. Sức khỏe tinh thần của bạn ngày càng suy giảm nhưng lại chẳng hề biết nguyên nhân vì đâu. Thậm chí nhiều người còn bị tấn công, đe dọa cả về thể chất cùng nhiều nỗi đau tinh thần nhưng không thể tách rời đối phương.
Những kiểu mối quan độc hại
Chúng ta thường có ít nhất 1 mối quan hệ mà ở đó, chúng ta chỉ cảm nhận được niềm vui ít ỏi trong khi cảm giác mệt mỏi, tiêu cực, lo lắng lúc nào cũng đầy rẫy. Tuy nhiên tùy tâm lý mà mỗi người đều có hướng xử lý riêng để không lún quá sâu vào các mối quan hệ độc hại.
Một số kiểu Toxic Relationship thường gặp phải phổ biến như
- Kiểu “Pick me” – những người luôn thích nâng cao giá trị bản thân họ bằng cách dùng mánh khóe, lời nói để hạ thấp bạn xuống khiến bạn cảm thấy ngại ngùng, khó xử
- Kiểu Người luôn lấy những khiếm khuyết của bạn ra chê bai, chỉ trích, làm trò cười cho người khác, đặc biệt khi có đông người khiến bạn cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng, thêm tự ti. Tuy nhiên những người này luôn mặc định đó là “nói đùa cho vui” mà không chịu nhận lỗi
- Kiểu luôn muốn được nhận mà không muốn phải cho đi. Họ luôn yêu cầu bạn phải mang đến cho họ những thứ tốt nhất về cả giá trị tinh thần hay vật chất nhưng không bao giờ thể hiện ngược lại.
- Kiểu người luôn nghi ngờ bạn, họ luôn không ngừng tìm mọi lý do để chứng minh bạn kém cỏi, đang nói dối mặc dù sự thật không hề như thế
- Kiểu người luôn tìm cách lấy lòng thương hại của bạn, đánh vào tâm lý để bạn không nỡ/ không dám rời xa ngay cả khi họ làm sai
- Người luôn tìm cách nói dối các vấn đề xung quanh họ để lấp liếm lỗi lầm hay để mọi người chú ý và giúp đỡ họ nhiều hơn
- Kiểu người 2 mặt, trước mặt bạn họ nói một đằng nhưng sau lưng lại nói một nẻo. Kiểu người này thậm chí có thể khiến người người xung quanh hiểu lầm bạn để “độc chiếm” bạn 1 mình
- Kiểu người luôn đưa ra những lời khuyên nhưng thực tế là không hề có ích, ngược lại còn khiến bạn thêm lo lắng và đau khổ
Thế giới có gần 8 tỷ người, mỗi người là một cá thể độc lập sống trong những môi trường, hoàn cảnh khác nhau nên việc bạn có vô tình rơi vào một mối quan hệ độc hại cũng là điều bình thường. Quan trọng là bạn cần nhận thức được rằng mình đang gặp gỡ, tương tác với những người không tốt và nhanh chóng tìm cách xử lý phù hợp hơn.
Làm thế nào để nhận biết mối quan hệ độc hại?
Toxic person – người có tính cách độc hại thường có những đặc điểm như thường xuyên thể hiện sự đố kỵ với xung quanh, thiếu trung thực, ích kỷ, luôn mang tâm lý nạn nhân, hay than vãn. Đặc biệt nếu để ý, bạn sẽ thấy họ có rất ít các mối quan hệ lâu bền hoặc cho dù có, họ cũng thường xuyên kể cho bạn những lời không hay về người đó và thể hiện rằng mình đã phải chịu đựng rất nhiều.
Vậy làm thế nào để nhận biết bản thân liệu có đang rơi vào một mối quan hệ độc hại hay không?
- Nỗi buồn, sự lo âu, thất vọng, căng thẳng, ngột ngạt luôn nhiều hơn niềm vui trong mối quan hệ đó – đây là một trong những dấu hiệu điển hình nhất. Bởi một mối quan hệ bình thường luôn khiến chúng ta cảm thấy ấm áp, vui vẻ, là người chúng ta nghĩ đến khi buồn và cần giúp đỡ. Khi mối quan hệ đó chỉ mang đến những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn thì bạn cần suy xét lại
- Bạn dễ cảm thấy cô đơn khi đi cùng người đó và một nhóm người khác. Toxic person thường có xu hướng bỏ rơi, lơ bạn khi đi cùng 1 nhóm người để thể hiện bản thân và tiếp cận được thêm nhiều người khác
- Bạn luôn cảm thấy tự ti, lòng tự trọng bị hạ thấp nhiều hơn khi nói chuyện cùng những người này – đây cũng là đặc điểm điển hình của một mối quan hệ độc hại. Thay vì động viên hay khuyến khích bạn, những người chỉ luôn chỉ ra những khiếm khuyết để khẳng định bạn không thể làm được điều gì đó. Hoặc họ có thể xúi dục bạn làm những điều sai trái, những điều chắc chắn sẽ thất bại để bạn càng có niềm tin rằng mình là những người kém cỏi
- Bạn luôn cảm thấy thất vọng với những lời nói và hành động của đối phương
- Luôn đóng vai nạn nhân và đổ lỗi cho người khác, vô trách nhiệm. Người có tính cách toxic luôn không ngừng nói dối, viện cớ và tìm lý do để lấy được lòng thương hại và sự tha thứ của mọi người khi họ làm sai quá nhiều
- Toxic person luôn tìm cách “điều khiển, khiến bạn phải chấp nhận và thực hiện mọi yêu cầu từ họ, kể cả khi bạn không muốn
- Nếu đang trong một mối quan hệ độc hại, bạn luôn có thể cảm nhận rõ tự thiếu an toàn, đặc biệt nếu là trong mối quan hệ yêu đương.
- Đối phương luôn đòi hỏi bạn rất nhiều thứ không bao giờ mang lại cho bạn những thứ có giá trị tương đồng. Nếu bạn không đáp ứng được yêu cầu, họ sẽ tỏ ra giận dỗi. Nếu bạn tỏ ra giận dỗi, trách cứ vì họ không làm gì cho bạn, họ cũng tỏ ra giận dỗi nghiêm trọng hơn
- Bạn luôn là người xuất hiện khi họ cần đến nhưng ngược lại, khi bạn cần thì không bao giờ thấy họ lộ diện
- Toxic person có thể bạo hành lạnh với bạn để ép buộc bạn phải xin lỗi, ngay cả khi họ là người sai
- Nếu mối quan hệ độc hại là yêu đương, bạn còn cảm thấy mất tự do bởi đối phương luôn tìm cách kiểm soát, bắt buộc bạn phải báo cáo mọi hoạt động, vấn đề cho họ, nếu không họ có thể có các hành vi, lời nói làm tổn thương bạn
- Toxic person có thể làm tổn thương chính họ thay vì bạn để bạn cảm thấy tội lỗi và phải đáp ứng nhu cầu của họ
- Luôn nhấn mạnh vào các điểm yếu và khiến bạn thật sự tin rằng mình quá kém cỏi, không có tài năng, không thành công, không thể làm được việc gì. Thậm chí họ còn đem những sai lầm, những khiếm khuyết của bạn ra đùa cợt, chọc ghẹo với những người xung quanh khiến bạn cảm thấy xấu hổ, ngày càng mất niềm tin vào chính mình tuy nhiên không thể phản biện lại
- Đối phương có thể xúc phạm bạn bằng những lời lẽ tiêu cực, phũ phàng khiến bạn tổn thương nhưng sau đó lại nhanh chóng thể hiện sự hối lỗi, ăn năn, hối hận. Tuy nhiên tình trạng này luôn lặp đi lặp lại rất nhiều lần
- Luôn đưa rất nhiều lời hứa hẹn nhưng không bao giờ thực hiện được, tuy nhiên họ vẫn tiếp tục không ngừng đưa ra những lời hứa trong lần tiếp theo
- Trong mối quan hệ mang tính chất độc hại, đối phương luôn có xu hướng không cho phép bạn phạm phải sai lầm, đặc biệt là nếu có liên quan đến họ nhưng lại không ngừng sai phạm và cũng chẳng bao giờ nhận lỗi
- Một số Toxic person còn mang bóng dáng của một kẻ bạo hành về thể xác đặc biệt nếu đó là mối quan hệ yêu đương
- Đôi phương không bao giờ chú ý đến cảm xúc của bạn mà chỉ làm theo tất cả những gì họ muốn
- Người là “nạn nhân” có xu hướng ngày càng trở nên cô độc, xa rời các mối quan hệ khác vì quá gắn bó bới mối quan hệ tiêu cực kia
Toxic Relationship kéo dài thực sự là một dạng chất độc khiến sức khỏe tinh thần của bạn ngày càng suy giảm, lúc nao cũng chỉ thấy mệt mỏi, tiêu cực, muốn tìm cách thoát ra nhưng lại không biết cần phải làm như thế nào. Đặc biệt nếu mối quan hệ yêu đương có tính chất độc hại bạn sẽ càng khó thoát ra hơn, tiêu cực hơn, thậm chí là trầm cảm nếu không nhanh chóng nhận thức được.
Vì sao mối quan hệ độc hại thường rất khó để thoát ra?
Một đặc điểm thường thấy là người đang trong một mối quan hệ độc hại thường rất khó để thoát ra. Họ có thể mơ hồ nhận được những tín hiệu hoặc được người khác cảnh báo nhưng luôn cố gắng tìm cách phớt lờ. Chỉ đến khi tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn bị tổn thương về mặt thể chất thì người đó mới bắt đầu tìm cách để thoát ra, mặc dù chẳng hề dễ dàng một chút nào.
Thực tế những Toxic person thường có khả năng gaslighting – thao túng tâm lý rất mạnh mẽ, bởi thế những người rơi vào mối quan hệ này rất khó để thoát ra. Chẳng hạn họ luôn không ngừng công kích vào điểm yếu, vào những khiếm khuyết để để bạn cảm thấy tự tin, yếu kém từ đó chứng tỏ nếu không có họ bạn không thể làm thành công điều gì. Mang tâm lý này bạn sẽ không dám tách rời người đó vì lo sợ sẽ thất bại.
Những Toxic person luôn thể hiện với những người bên ngoài rằng mình là người vô cùng hoàn hảo, tuyệt vời, luôn chăm sóc bạn từng li từng tí. Nhưng khi chỉ có hai người, họ không ngừng chê bai, mạt sát, làm tổn thương bạn. Những người xung quanh bị đánh lừa bởi hình thành hào nhoáng kia, thậm chí còn đổ lỗi nếu bạn than vãn về người kia. Dần dần, chính bạn cũng tự hỏi rằng liệu vấn đề có phải xuất phát từ bản thân hay không, cảm giác xấu hổ, lo lắng khiến bạn vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ độc hại này.
Đôi lúc vẫn có những niềm vui xuất hiện khiến bạn chắc hẳn mình đã làm đối phương tốt hơn, thậm chí gạt mọi lời khuyên can, cảnh báo của mọi người. Thực tế chẳng có gì thay đổi, đối phương vì sự ích kỷ, không mất đi một người để lợi dụng nên mới bắt đầu “ban phát” niềm vui nhỏ nhỏ để điều khiển bạn mà thôi.
Càng là những người từng bị tổn thương về tình cảm, bị bỏ rơi, có tâm lý yếu càng khó để thoát ra một mối quan hệ tiêu cực. Họ thậm chí còn cho rằng mình là người gây ra đau khổ cho đối phương nên luôn muốn bù đắp. Hoặc bạn lo sợ rằng nếu người đó biến mất thì sẽ chẳng còn ai bên cạnh. Bạn càng hòa hoãn, càng lo sợ thì những kẻ càng được nước lấn tới và lợi dụng bạn nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, những người ở trong Toxic Relationship thường khó thoát ra hơn có thể do họ nhìn thấy ở đối phương những hình ảnh, tính cách nào đó mà họ thân thuộc. Bản thân họ cũng từng được đối phương đối xử tốt, được giúp đỡ và cảm nhận đối phương cũng có nhiều điểm tốt nên không lỡ dừng lại mà vẫn chấp nhận chịu đựng.
Một số người có thể có tâm lý xấu hổ, ngại ngùng nếu buộc phải thừa nhận mình vừa trải qua một mối quan hệ tiêu cực, nhất là với những người có lòng tự trọng cao. Bởi thế cho dù bản thân họ ý thức được rằng đối phương là một kẻ tồi nhưng thà chịu đau khổ chứ không muốn công khai để bảo vệ hình ảnh bản thân.
Một lý do khác khiến các mối quan hệ tiêu cực thường khó tách rời chính là do nạn nhân đang phụ thuộc tài chính vào Toxic person. Chẳng hạn con cái phụ thuộc vào cha mẹ; vợ phụ thuộc vào chồng; nhân viên do sếp trả lương.. Họ lo lắng bản thân không thể ổn, không thể sống tốt nếu chỉ có 1 mình nên chấp nhận cam chịu những tổn thương do đối phương gây ra.
Đặc biệt, những kẻ có tính cách toxic rất biết đánh trúng tâm lý của người khác. Họ luôn không ngừng thể hiện bản thân biết hối lỗi, sẽ thay đổi để bạn cho họ cơ hội tiếp tục. Càng gắn bó quá lâu, khả năng từ bỏ, tách rời lại càng khó khăn hơn. Những càng chìm đắm vào mối quan hệ độc hại thì người tổn thương, đau khổ chỉ có mãi một mình bạn mà thôi.
Mối quan hệ tiêu cực và những hệ quả khó lường
Rõ ràng có thể thấy, một mối quan hệ chỉ đem lại những cảm xúc tiêu cực và không giúp bạn tốt hơn, giỏi hơn, hạnh phúc hơn một chút nào. Ngược lại bạn còn thêm cảm giác tự ti, kém cỏi, luôn đánh giá thấp mình. Bạn dường như không dám thử những điều mới, không dám phát triển độc lập vì đã bị đối phương “tẩy não” rằng mình kém cỏi và thất bại.
Toxic Relationship kéo dài bởi nạn nhân có thể phải sống trong những lời đe dọa cả về mặt tinh thần lẫn thể chất. Nhiều kẻ sau chia tay đã không ngừng đe dọa đối phương, luôn đeo bám và có hành vi khủng bố, bạo lực để bạn không dám bắt đầu một mối quan hệ mới. Thực tế, nhiều nạn nhân còn bị tấn công, bắt cóc, bạo hành, hay thậm chí là tạt axit sau khi quyết định chấm dứt một mối quan hệ tình cảm đầy độc hại.
Thay vì trách cứ đối phương, bạn lại tự đổ tất cả tội lỗi lên bản thân, cho rằng mọi vấn đề xảy ra là do mình. Sau khi bị đối phương thao túng tâm lý, hạ nhục, lợi dụng, ngay cả khi đã chấm dứt được mối quan hệ vẫn không ít người bị ám ảnh và mắc các bệnh tâm lý trầm trọng hơn, chẳng hạn như trầm cảm hay rối loạn lo âu, đặc biệt nếu bị bạo hành về thể chất.
Bạn càng yếu đuối, càng nghĩ rằng mình cứ hy sinh cho họ rồi một ngày họ sẽ nhận ra và thay đổi. Thực tế, với những kẻ ích kỷ, bạn càng nhún nhường thì họ càng lấn tới, sẵn sàng làm bạn tổn thương vì biết bạn “không dám” tách ra khỏi họ.
Nói chung ngay từ mặt tính chất, mối quan hệ độc hại vốn chưa bao giờ là tốt. Người mang tính cách toxic chưa bao giờ vì bạn ngày yêu thương bạn thật lòng, tất cả những gì họ làm chỉ vì lợi ích cá nhân họ mà thôi. Bởi thế bạn cần nhanh chóng nhận ra và tìm cách “cứu” chính bản thân mình.
Làm thế nào để thoát khỏi mối quan hệ độc hại?
Để có thể tách rời khỏi một mối quan hệ độc hại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Một mình bản thân bạn đôi lúc không thể tự ý thức được, không quyết định được nên có thể cần đến sự hỗ trợ từ những người đáng tin cậy. Nhưng điều quan trọng là bạn cần ý thức được vấn đề mà bản thân đang gặp phải, thực sự kiên quyết với đối phương để nhanh chóng chấm dứt chuỗi cảm xúc đau khổ này.
Nhìn nhận tình hình một cách nghiêm túc
Hãy dành cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, suy tư và nhìn nhận rõ cảm xúc của bản thân với mối quan hệ đó là gì. Bạn có đang thực sự vui vẻ, hạnh phúc, cảm thấy bản thân đang tốt hơn từng ngày trong mối quan hệ này hay chỉ toàn những cảm xúc mệt mỏi, lo lắng. Đối phương có thực sự đang giúp đỡ bạn, tôn trọng bạn, bảo vệ bạn hay chỉ luôn khiến bạn cảm thấy mất tự tin khi bên cạnh người ta?
Tìm một nơi yên tĩnh để bình tâm suy xét từng vấn đề, xâu chuỗi các sự kiện từ quá khứ đến hiện tại để xác nhận đây có đúng là tín hiệu của Toxic Relationship. Có những sự thật chỉ có một mình bạn trải qua và thấu hiểu nên hãy tin vào cảm xúc của bản thân. Một mối quan hệ chỉ mang đến những cảm xúc độc hại, sự cố gắng chỉ đổi lại bằng sự thất vọng chắc chắn nên dừng lại càng sớm càng tốt.
Đặt hạn mức cho bản thân và nghiêm túc thực hiện
Nạn nhân của mối quan hệ độc hại thường là những người yếu đuối, có tâm lý yếu nên mới dễ bị thao túng tâm lý. Kể cả khi họ biết mình đã bị lợi dụng nhưng vẫn mong muốn tìm ra những lý do để biện minh, muốn cho đối phương thêm một cơ hội vì tiếc nuối những điều tốt đẹp mà cả hai đã từng trải qua. Thế nhưng tất cả những thứ họ nhân lại chỉ là cơ hội “có thêm” tổn thương mà thôi.
Tất nhiên con người thường sống bằng tình cảm nên việc nói chấm dứt ngay lập tức sẽ là một điều vô cùng khó khăn và hầu như không thể thực hiện được. Vì thế, hãy đặt hạn mức cho bản thân. Chẳng hạn như nếu người đó hành xử như thế 1 lần nữa bạn sẽ tìm cách chấm dứt. Những trước đó hãy làm rõ vấn đề với đối phương để họ biết rằng mình chỉ còn một cơ hội.
Điều quan trọng là bạn cần thật sự kiên quyết và nghiêm túc thực hiện theo đúng “deadline” đã đề ra. Đừng vì một phút động lòng, yếu đuối rồi lại tiếp tục tha thứ cho đối phương. Nếu họ thực sự biết lỗi, thực sự nhận ra và sửa đổi thì chắc chắn không thể khiến mối quan hệ độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn đến mức thế này.
Tránh xa những Toxic person
Càng ở gần họ, bạn càng dễ mềm lòng và không thể nào đưa ra quyết định dứt khoát được, vì thế hãy tìm cách tránh xa, tạo khoảng cách rõ ràng với đối phương. Chẳng hạn chuyển chỗ ở, chuyển chỗ công tác, đặc biệt với những mối quan hệ độc hại có tính chất yêu đương. Thời gian xa cách, tránh gặp mặt cũng giúp bạn bình tâm hơn, nhìn nhận rõ mọi chuyện và quyết đoán với mục đích của mình hơn.
Cho bản thân thời gian nghỉ ngơi
Chắc hẳn thời gian quan bạn đã vô cùng mệt mỏi trong mối quan hệ độc hại này, vì thế hãy để bản thân được nghỉ ngơi. Một mình không có nghĩa là cô đơn hay đau khổ mà đôi khi đó chính là khoảng lặng tuyệt vời để bạn phục hồi năng lượng đã bị sụt giảm suốt thời gian qua. Chỉ khi thực sự bình tâm, bạn mới có thể sẵn sàng và tự tin bước vào một mối quan hệ mới.
Đi du lịch, thay đổi môi trường sống, trải nghiệm những thứ bạn chưa bao giờ thử, học thêm một kỹ năng mới nào đó hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi và không làm gì chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình phục hồi sức khỏe tinh thần sau những tổn thương. Hãy làm tất cả những thứ giúp bạn cảm thấy thực sự hạnh phúc.,
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo các liệu pháp như thiền hay yoga để xoa dịu và cân bằng tâm trí. Chữa lành những tổn thương chưa bao giờ là đơn giản, nhất là khi bạn đã lún quá sâu trong một mối quan hệ độc hại suốt thời gian dài. Nhưng nếu mãi giữ trong mình những cảm xúc tiêu cực, giấu giếm nó thì mãi mãi bạn cũng bị giam cầm trong mỡ hỗn độn từ quá khứ mà thôi.
Dũng cảm chiến đấu, đối mặt với sự thật, yêu thương bản thân không bao giờ là dư thừa. Chỉ khi bạn luôn tôn trọng, luôn đề cao giá trị bản thân, luôn biết cách khẳng định giá trị của chính mình thì những người khác mới đối xử như thế với bạn. Nếu bạn chỉ luôn dìm bản thân mình xuống, luôn cảm thấy kém cỏi và thể hiện rõ điều đó chắc chắn những người xung quanh cũng không trọng dụng bạn.
Tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết
Có không ít trường hợp nạn nhân bị làm phiền, đe dọa hay bị tấn công bởi Toxic person sau khi quyết định chấm dứt mối quan hệ độc hại. Những kẻ này không ngừng theo dõi, đeo bám dưới danh nghĩa là muốn xin lỗi, hứa thay đổi nhưng cuối cùng đâu cũng chỉ vào đó. Không chỉ cuộc sống mà tính mạng của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu rơi vào trường hợp này.
Chính vì vậy, hãy luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thân, người đáng tin cậy để được hỗ trợ khi cần thiết. Nếu bị làm phiền một cách tiêu cực bởi những người cũ, thậm chí bạn có thể xem xét báo cảnh sát để bảo vệ bản thân mình một cách an toàn. Cắt đứt liên lạc hoàn toàn, chuyển chỗ ở một cách bí mật có thể là điều cần thiết nếu bạn đang bị đe dọa, đeo bám.
Mặt khác, chính bản thân bạn đôi khi cũng không thể nhìn rõ vấn đề mình đang gặp phải nên cũng cần những lời khuyên từ những người xung quanh. Chính từ đó bạn mới có thể nhận ra ai thực sự tốt với mình và ai thực sự chỉ lợi dụng bạn. Vẫn có vô vàn những người xung quanh luôn âm thầm giúp đỡ, yêu thương bạn, vì sao lại phải chịu đau khổ từ những người không đáng?
Luôn ưu tiên cảm xúc của bản thân, tôn trọng chính mình, luôn có giới hạn trong mọi mối quan hệ là điều cần thiết để bạn tránh xa Toxic Relationship. Bất cứ ai cũng có thể đang rơi vào một mối quan hệ độc hại nên cần nhìn nhận rõ những người xung quanh, đừng để bản thân chịu đau khổ và bị bất cứ ai lợi dụng. Ngược lại, bạn cũng cần học cách đối xử với mọi người một cách chân thành và tử tế hơn để luôn nhận lại những điều tương ứng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!