Bạo hành lạnh là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách ngăn chặn
Bạo hành lạnh là hình thức bạo hành tinh thần mà kẻ bạo hành sử dụng sự im lặng để gây sức ép và làm tổn thương tâm lý của nạn nhân. Dạng bạo hành này khó nhận biết và thường xảy ra trong gia đình hoặc các mối quan hệ tình cảm.
Bạo hành lạnh là gì? Thực trạng hiện nay
Bạo hành lạnh (Cold Violence) là một dạng bạo hành tinh thần đặc trưng bởi việc giảm hoặc ngừng mọi giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. So với bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần nói chung và bạo hành lạnh nói riêng khó nhận biết hơn.
Hiểu một cách nôm na thì bạo hành lạnh khá giống với “chiến tranh lạnh” với mục đích gây sức ép và áp lực lên tinh thần của đối phương. Tuy nhiên, khi “chiến tranh lạnh”, cả hai phía có thể cùng im lặng. Trong khi đó, bạo hành lạnh chỉ mang tính chất một chiều và nạn nhân là người cố gắng giao tiếp nhưng không được đáp trả.
Bạo hành lạnh được nhắc đến lần đầu tiên trong một nghiên cứu về bạo lực gia đình vào năm 2016 của tác giả Lỗ Đản Ma. Nghiên cứu này cho thấy, đàn ông Trung Quốc thường sử dụng bạo hành lạnh để trừng phạt bạn đời. Ngoài ra, dạng bạo hành này cũng được các bậc phụ huynh sử dụng để giáo dục con cái.
Thông thường, kẻ bạo hành thường là những người thuộc tầng lớp thấp, ít học và không được giáo dục một cách toàn diện. Tuy nhiên, bạo hành lạnh xuất hiện nhiều hơn ở người có học thức và giàu có. Vì có hiểu biết nên những người này sử dụng sự im lặng thay vì hành vi bạo lực để gây tổn thương tinh thần cho nạn nhân.
Các chuyên gia cho rằng, bạo hành lạnh là một hình thức của bạo lực gia đình. Trong văn hóa của người Á Đông, đàn ông có nhiều quyền hành hơn so với phụ nữ. Ở thế kỷ trước, việc chồng đánh vợ, chì chiết, lăng mạ hay sỉ nhục là điều hoàn toàn bình thường.
Dưới sức ép của xã hội hiện đại, những quan điểm này buộc phải thay đổi. Tuy nhiên, tư tưởng vốn đã hình thành từ rất lâu không thể xóa bỏ trong thời gian ngắn. Thay vì sử dụng bạo lực và ngôn từ nặng nề, đàn ông dùng bạo hành lạnh để trừng phạt vợ của mình. Tương tự, các bậc phụ huynh cũng sử dụng dạng bạo hành này để trừng phạt con cái khi trẻ mắc phải lỗi lầm.
Dấu hiệu nhận biết bạo hành lạnh
Bạo hành lạnh khó nhận biết hơn các dạng bạo hành tinh thần khác. Một số người còn nhầm lẫn kẻ bạo hành chỉ đơn thuần là người ít nói và không muốn đôi co khi xảy ra mâu thuẫn.
Tuy nhiên trên thực tế, người thực hiện hành vi bạo hành lạnh muốn sử dụng sự im lặng để trừng phạt và gây sức ép lên tâm lý của nạn nhân. Thậm chí, một số kẻ còn tận dụng bạo hành lạnh để thao túng tâm lý và lạm dụng nạn nhân.
Bạo hành lạnh có thể xuất hiện ở bất cứ mối quan hệ nào, trong đó thường gặp nhất là mối quan hệ tình cảm và gia đình:
1. Biểu hiện của bạo hành lạnh trong gia đình
Bạo hành lạnh trong gia đình thường xảy ra trong mối quan hệ cha mẹ – con cái. Nhiều người vẫn lầm tưởng bạo lực gia đình chỉ xảy ra khi có hành vi gây hấn làm tổn thương đến thể chất. Tuy nhiên, đôi khi sự im lặng và thờ ơ lại chính là phương tiện bạo hành gây ra tác động nặng nề hơn.
Các dấu hiệu nhận biết bạo hành lạnh trong gia đình:
- Bố mẹ giữ sự im lặng, không trả lời bất cứ câu hỏi nào từ con cái để trừng phạt khi con phạm lỗi.
- Tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt và không phản ứng với bất cứ lời nói nào của con.
- Giữ khoảng cách vô hình với con, không có hành động quan tâm hay yêu thương.
- Một số phụ huynh nhốt con cái trong phòng tắm hoặc phòng kín sau khi con phạm lỗi để trừng phạt. Họ không trách móc hay đánh đập nhưng hình thức bạo hành lạnh khiến cho trẻ bị tổn thương tâm lý nặng nề.
Nhiều bậc phụ huynh sử dụng bạo lực lạnh để giáo dục con cái khi các cách giáo dục khác không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, điều này cho thấy sự thất bại và bất tài của cha mẹ. Những đứa trẻ bị trừng phạt bằng bạo lực lạnh sẽ phải chịu tổn thương về tâm lý và thường trực cảm giác lo sợ bị bố mẹ bỏ rơi, ghét bỏ.
2. Nhận biết bạo hành lạnh trong tình yêu
Bạo hành lạnh trong tình yêu có thể xảy ra trong mối quan hệ tình cảm và mối quan hệ hôn nhân. Tình trạng này gặp nhiều ở đàn ông Châu Á do hệ quả từ chế độ phụ hệ. Như đã đề cập, sự hiểu biết được nâng cao khiến đàn ông không lựa chọn bạo lực mà sử dụng sự im lặng để tra tấn và và bạo hành tinh thần đối phương.
Các dấu hiệu nhận biết bạo hành lạnh trong tình yêu:
- Chọn cách im lặng khi xảy ra mâu thuẫn và xung đột. Tuy nhiên, kẻ bạo hành không im lặng để lấy lại bình tĩnh và tìm giải pháp cho vấn đề. Họ sử dụng sự im lặng để áp bức tinh thần của đối phương khiến người còn lại luôn ở trong trạng thái buồn bã, nặng nề và đau khổ.
- Lạnh nhạt, tỏ ra thờ ơ với bạn đời/ người yêu
- Cố gắng né tránh mọi sự quan tâm của đối phương
- Thể hiện rõ sự chán ghét, thờ ơ trên khuôn mặt
- Không có bất cứ phản ứng nào khi đối phương chủ động trò chuyện và quan tâm.
Im lặng đôi khi là giải pháp tối ưu khi cả hai xung đột và mất bình tĩnh. Tuy nhiên, sự im lặng này khác hoàn toàn với bạo lực lạnh. Người sử dụng bạo lực lạnh không im lặng để cố xoa dịu tình hình. Họ sử dụng sự im lặng của mình để khiến đối phương cảm thấy ngột ngạt, bức bối và đau khổ tột cùng.
Chỉ đến khi đối phương chấp nhận nhún nhường, họ mới dừng hành vi bạo hành. Thực tế, rất nhiều người là nạn nhân của bạo hành lạnh nhưng không hề nhận thức được điều này.
Có thể bạn quan tâm: Im lặng độc hại (Silent Treatment) là gì? Làm sao để đối phó?
Ảnh hưởng của bạo hành lạnh
Bạo hành lạnh gây ra những ảnh hưởng đáng kể về mặt tinh thần. Sự tàn khốc của dạng bạo hành này là rất khó nhận biết, dù không có máu và vết thương nhưng bạo hành lạnh đủ để “giết chết” nạn nhân một cách vô hình.
Những đứa trẻ bị giáo dục bằng hình thức bạo hành lạnh thường có lỗ hổng tâm lý. Chúng luôn lo sợ bị bố mẹ ghét bỏ. Ngoài ra, sự thờ ơ và im lặng của bố mẹ cũng vô tình tạo ra khoảng cách lớn với con cái. Những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ lặp lại cách giáo dục của bố mẹ đối với con cái và sử dụng hình thức bạo hành lạnh trong các mối quan hệ khác.
Các chuyên gia cho biết, trẻ bị bạo hành lạnh ít bộc lộ cảm xúc thật, sống hời hợt, vô tâm và thiếu trách nhiệm. Mặc dù sử dụng bạo hành lạnh giúp trẻ ngoan ngoãn và dừng các hành vi phá phách nhưng đi kèm theo đó là sự oán hận, tuyệt vọng và đau khổ về mặt tinh thần.
Trong tình yêu, bạo hành lạnh sẽ giết chết một mối quan hệ. Thay vì thẳng thắn trò chuyện và tìm giải pháp, sức ép từ sự im lặng khiến đối phương bị tổn thương tinh thần. Họ tự dằn vặt, đau khổ, đôi khi bị thao túng tâm lý và lạm dụng.
Điểm chung của những nạn nhân bị bạo hành lạnh là không biết bản thân sai ở đâu và liệu bản thân có gây ra lỗi lầm gì hay không. Trong khi đó, kẻ bạo hành đang lạm dụng tâm lý của họ để gây ra sức ép và đạt được mục đích của bản thân.
Bạo hành dù ở hình thức nào cũng đều đáng bị lên án. Bạo hành lạnh ít được đề cập nhưng không nghĩa là được chấp nhận. Nếu không dừng hành vi bạo hành, không chỉ nạn nhân mà kẻ bạo hành cũng sẽ phải đối mặt với việc bị bỏ rơi và thờ ơ, vô cảm.
Cách ngăn chặn, vượt qua bạo hành lạnh
Bạo hành lạnh để lại những tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. So với bạo hành bằng lời nói, dạng bạo hành này khó nhận biết hơn rất nhiều. Hầu hết nạn nhân đều không nhận biết bản thân đang bị bạo hành và phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, tồi tệ trong một thời gian dài.
Vết thương trên da thịt sẽ dễ dàng được chữa lành vì chúng được phát hiện và điều trị sớm. Trong khi đó, tổn thương tinh thần được che đậy một cách kín đáo. Thậm chí, nhiều nạn nhân của bạo hành lạnh phải đối mặt với vết thương vô hình suốt cả cuộc đời.
Nếu bản thân đang bị bạo hành lạnh, bạn có thể tham khảo một số giải pháp sau:
1. Yêu cầu đối phương dừng hành vi bạo hành
Khi nhận thức về hành vi bạo hành lạnh, bạn nên đề nghị đối phương dừng lại. Thực tế, nhiều người không ý thức được mức độ nghiêm trọng của dạng bạo hành này và sử dụng im lặng để trừng phạt bạn đời hoặc con cái. Vì vậy, hãy chia sẻ để họ hiểu rõ về những tổn thương mà bạn phải đối mặt khi bị bạo hành tinh thần nói chung và bạo hành lạnh nói riêng.
2. Chấm dứt mối quan hệ
Phần lớn những kẻ bạo hành thường không thỏa hiệp với yêu cầu của bạn. Nếu không thể cứu vãn, nên chấm dứt mối quan hệ. Một mối quan hệ lành mạnh sẽ không bao giờ có hành vi độc hại như bạo hành lạnh. Vì vậy, nên dứt khoát kết thúc mối quan hệ với kẻ bạo hành vì bản thân không đáng bị bạo hành và tổn thương.
Nếu đang trong mối quan hệ tình cảm, bạn sẽ dễ dàng chấm dứt với kẻ bạo hành. Tuy nhiên, trong trường hợp người bạo hành là bố mẹ, việc này gần như là không thể. Nếu đã trưởng thành và có đủ khả năng tự lập, bạn nên ở riêng để tránh phải chịu hành vi bạo lực lạnh. Điều này ít nhiều sẽ giảm bớt sự đau khổ và ngột ngạt cho chính bạn.
3. Nhờ sự hỗ trợ của mọi người
Trong trường hợp đang sống phụ thuộc vào gia đình, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của những người xung quanh như thầy cô hoặc người thân khác. Hãy chia sẻ với họ về những gì bạn phải đối mặt và bày tỏ mong muốn bố mẹ dừng hành vi bạo lực lạnh.
Trong một mối quan hệ tình cảm, việc đề nghị chấm dứt có thể khiến kẻ bạo hành thực hiện hành vi quấy rối và đe dọa. Nếu rơi vào tình huống này, bạn nên nhờ sự trợ giúp của bạn bè và cơ quan chức năng. Sự hỗ trợ của mọi người sẽ giúp bạn có động lực vượt qua bạo hành và có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Ngoài ra, có thể tham vấn tâm lý để chữa lành tổn thương do bạo hành lạnh gây ra.
Bạo hành lạnh hay bất cứ dạng bạo hành nào khác đều không được chấp nhận. Vì vậy, hãy mạnh mẽ đối mặt và vượt qua nếu bạn đang là nạn nhân. Thay vì chiến đấu một mình, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý và người thân, bạn bè để được hỗ trợ.
Tham khảo thêm:
- Chấn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành và cách khắc phục
- Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái: Thực trạng đáng quan tâm
- Dấu hiệu nhận biết con bị bắt nạt ở trường: Cha mẹ nên biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!