Ngưng thuốc chống trầm cảm và những dấu hiệu cần lưu ý

Ngưng thuốc chống trầm cảm không đúng cách rất dễ gây ra các rủi ro khó lường. Người bệnh có thể gặp phải hội chứng cai thuốc, khiến bệnh tình tái phát nặng hơn hay thậm chí còn làm tăng nguy cơ tự tử. Do đó cần có kế hoạch ngưng thuốc phù hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.

ngưng thuốc chống trầm cảm
Cần ngưng thuốc chống trầm cảm đúng cách để tránh các vấn đề rủi ro phát sinh

Khi nào có thể ngưng thuốc chống trầm cảm?

Thuốc chống trầm cảm là một loạt các loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Đây là nhóm thuốc được kê đơn rất phổ biến hiện nay.

Các thuốc trầm cảm thường được sử dụng bao gồm:

  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI)
  • Thuốc chống trầm cảm không điển hình
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA)
  • Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs)

Các loại thuốc chống trầm cảm có khả năng làm thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não ảnh hưởng tới tâm trạng và cảm xúc. Khi bạn đang phải chịu đựng nỗi đau và nỗi thống khổ của bệnh trầm cảm thì việc sử dụng các loại thuốc này chính là một phương pháp đơn giản và tiện lợi.

Khi nào có thể ngưng thuốc chống trầm cảm là vấn đề mà rất nhiều người bệnh quan tâm. Không dễ dàng để nói trước thời điểm có thể ngưng thuốc. Bởi trên thực tế, cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau để xác định vấn đề này.

Thông thường, những người bệnh có xu hướng muốn ngưng thuốc khi nhận thấy triệu chứng bệnh trầm cảm đã thuyên giảm. Tuy nhiên, việc ngừng dùng quá sớm có thể khiến cho các triệu chứng tái phát với mức độ nặng nề hơn.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng, thuốc chống trầm cảm cần phải được dùng liên tục trong vòng 6 – 9 tháng trước khi xem xét việc dừng lại. Trường hợp bạn đã từng trải qua hơn 3 giai đoạn trầm cảm thì có thể phải duy trì dùng liều tối thiểu trong 2 năm.

Đôi khi, người bệnh cũng cảm thấy muốn ngưng thuốc vì các tác dụng phụ khó chịu. Tuy nhiên cần nhớ rằng, việc tìm ra phương pháp điều trị phù hợp có thể phải thử, gặp sai sót và cần một số điều chỉnh. Tuyệt đối không ngưng thuốc chống trầm cảm khi chưa trao đổi với bác sĩ.

Dấu hiệu thường gặp khi ngưng thuốc chống trầm cảm

Việc ngưng thuốc chống trầm cảm có thể khiến bạn gặp phải một số triệu chứng bất thường. Biểu hiện của triệu chứng thường phụ thuộc vào loại thuốc cụ thể mà bạn đang sử dụng.

Triệu chứng ngưng thuốc có xu hướng xảy ra trong vòng 3 ngày sau khi dừng sử dụng thuốc chống trầm cảm. Một số người có thể sẽ gặp phải các triệu chứng từ trung bình đến nghiêm trọng và kéo dài hơn một vài tuần.

triệu chứng dừng thuốc chống trầm cảm
Ngưng thuốc chống trầm cảm có thể khiến người bệnh bị mệt mỏi và đau đầu

Một số dấu hiệu thường gặp khi ngưng thuốc chống trầm cảm bao gồm:

  • Sự lo lắng
  • Thay đổi tâm trạng
  • Chóng mặt và các vấn đề về thăng bằng
  • Mệt mỏi
  • Các triệu chứng giống như bị cảm cúm
  • Cảm giác điện giật
  • Đau đầu
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Khó ngủ
  • Gặp ác mộng
  • Mất phối hợp
  • Co thắt cơ bắp

Mặc dù hiếm xảy ra nhưng trong một số trường hợp, ngưng thuốc chống trầm cảm có thể gây hưng cảm. Một số loại thuốc chống trầm cảm còn có thể dẫn tới nhầm lẫn và các triệu chứng loạn thần khi ngưng sử dụng.

Tác hại của ngưng thuốc chống trầm cảm đột ngột

Như đã đề cập, việc dừng sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng cai nghiện. Trong khi đó, nếu ngừng thuốc một cách đột ngột thì sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro nghiêm trọng hơn.

Khi kê toa các thuốc chống trầm cảm, bác sĩ luôn nhắc nhở người bệnh tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột. Bởi tình trạng này có thể làm phát sinh hàng loạt vấn đề đáng quan ngại.

Một số tác hại của việc ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột bao gồm:

1. Hội chứng cai thuốc

Thông thường, việc dừng sử dụng thuốc chống trầm cảm luôn tiềm ẩn nguy cơ gặp phải hội chứng cai thuốc. Trong đó, nếu người bệnh ngừng thuốc một cách đột ngột thì sẽ làm gia tăng hơn nữa nguy cơ này.

Trên thực tế, một số loại thuốc chống trầm cảm có khả năng gây ra hội chứng cai thuốc nhiều hơn so với các loại thuốc khác. Đặc biệt là những thuốc ảnh hưởng đến cả serotonin và norepinephrine. Chẳng hạn như venlafaxine (Effexor) và duloxetine (Cymbalta).

Ngoài ra, hội chứng cai thuốc cũng được báo cáo là phổ biến hơn ở những người ngừng dùng các loại thuốc chống trầm cảm cũ hơn một cách đột ngột. Bao gồm cả thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) và chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs).

2. Bệnh tái phát với mức độ nặng

Nhiều người ngừng thuốc chống trầm cảm một cách đột ngột khi nhận thấy các triệu chứng đã dần thuyên giảm. Tuy nhiên điều này sẽ khiến cho triệu chứng nhanh chóng quay lại với mức độ tồi tệ hơn.

Thông thường, sau khi ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột chỉ 1 vài tháng là bệnh đã tái phát. Lúc này các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, chán nản, buồn bã và mất ngủ sẽ kích hoạt nặng nề hơn ban đầu.

tác hại của ngưng thuốc chống trầm cảm đột ngột
Dừng sử dụng thuốc chống trầm cảm đột ngột có thể khiến bệnh tái phát ở mức độ nghiêm trọng hơn

Các vấn đề này sẽ gây cản trở nghiêm trọng đến quá trình điều trị. Bệnh tình không chỉ khó kiểm soát mà còn có thể tiến triển mãn tính và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm.

3. Phải điều trị lại từ đầu

Việc ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột tác động xấu đến kế hoạch điều trị ban đầu mà bác sĩ chỉ định. Thông thường, để điều trị hiệu quả bệnh trầm cảm, người bệnh có thể phải mất đến nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.

Bệnh nhân tự ý ngưng thuốc khi bác sĩ chưa cho phép sẽ gây gián đoạn quá trình cải thiện bệnh. Thậm chí còn khiến cho các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần điều trị lại từ đầu với toa thuốc mới và tốn rất nhiều thời gian.

4. Gia tăng nguy cơ tự sát

Số liệu thống kê cho thấy, trầm cảm đã và đang trở thành một nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tự tử trên toàn thế giới. Việc ngừng thuốc chống trầm cảm một cách đột ngột có thể khiến cho quá trình điều trị bệnh trầm cảm thất bại. Từ đó làm gia tăng nguy cơ tự tử, người bệnh sẽ bị thôi thúc nhiều hơn để tìm đến hành vi tự sát.

Mẹo ngưng thuốc chống trầm cảm an toàn

Như đã phân tích, ngưng thuốc chống trầm cảm đột ngột có thể gây ra rất nhiều vấn đề nguy hại. Chẳng hạn như ảnh hưởng đến sức khỏe, làm gián đoạn quá trình điều trị và thậm chí là đe dọa cả tính mạng người bệnh.

Do đó, đừng bao giờ tự ý dừng sử dụng thuốc khi chưa nhận được chỉ định từ bác sĩ. Nếu bạn đang nghĩ đến việc ngừng điều trị bằng thuốc chống trầm cảm thì hãy nói chuyện với bác sĩ để thảo luận về những lợi ích và rủi ro của việc ngừng điều trị.

Dưới đây là một số mẹo giúp ngưng dùng thuốc chống trầm cảm an toàn:

1. Giảm dần liều dùng và chuyển đổi thuốc

Trong rất nhiều trường hợp, cách tốt nhất để ngừng dùng hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm là giảm dần liều dùng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ giúp não của bạn thích nghi với các thay đổi hóa học. Đồng thời ngăn ngừa các triệu chứng ngừng thuốc xảy ra.

Đôi khi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn để giúp làm giảm các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn hay mất ngủ. Ngoài ra, họ có thể khuyên bạn nên chuyển từ một loại thuốc chống trầm cảm tác dụng ngắn sang một loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng dài hạn hơn. Điều này sẽ giúp giảm bớt quá trình chuyển đổi thuốc điều trị trầm cảm.

Các triệu chứng ngưng thuốc thường có xu hướng biến mất trong vòng vài tuần. Tuy nhiên nếu bạn có các triệu chứng cai nghiện cực kỳ nghiêm trọng thì bác sĩ có thể đề nghị dùng các loại thuốc khác để giảm bớt.

ngưng thuốc chống trầm cảm đúng cách
Người bệnh cần giảm liều dùng thuốc chống trầm cảm từ từ theo hướng dẫn của bác sĩ

2. Không nên vội vàng

Như đã đề cập, quá trình ngưng thuốc chống trầm cảm cần được diễn ra một cách từ từ. Đôi khi người bệnh phải mất đến vài tháng, thậm chí là vài năm để ngưng thuốc hoàn toàn.

Bạn đừng cố gắng giảm nhanh liều dùng của mình ra ngoài sự cho phép của bác sĩ. Sự nôn nóng có thể khiến cho triệu chứng trở nên tồi tệ hơn và tiềm ẩn nhiều rủi ro khác.

Đa số các loại thuốc chống trầm cảm đều được khuyên nên giảm theo mức tăng 10%. Mỗi lần giảm liều lượng có thể cách nhau khoảng từ 2 – 6 tuần hoặc lâu hơn tùy thuộc vào từng loại thuốc và tình hình sức khỏe.

Trường hợp gặp phải khó khăn trong quá trình ngưng thuốc thì bạn nên trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn dành nhiều thời gian hơn với liều hiện tại trước khi cố gắng giảm thêm.

3. Chọn thời điểm ngừng thuốc phù hợp

Việc chọn thời điểm phù hợp cũng là vấn đề rất quan trọng nếu bạn đang muốn ngưng thuốc chống trầm cảm. Bởi việc dừng sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, bạn nên làm những gì mang đến lợi ích với quá trình này.

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, bệnh nhân nên bắt đầu ngưng dùng thuốc chống trầm cảm khi không bị căng thẳng nhiều. Nếu bạn đang trải qua bất cứ thay đổi lớn nào trong cuộc sống hay hoàn cảnh căng thẳng đáng kể thì nên đợi thời điểm này qua đi. Đến khi bạn cảm thấy ổn định hơn thì mới nên bắt đầu thực hiện kế hoạch ngừng thuốc.

4. Duy trì lối sống lành mạnh

Như đã đề cập, sau khi ngưng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát. Để góp phần làm giảm nguy cơ này thì người bệnh cần chú ý duy trì lối sống lành mạnh. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:

ngưng thuốc chống trầm cảm an toàn
Chú ý duy trì lối sống lành mạnh khi ngưng thuốc chống trầm cảm để ngăn bệnh tái phát
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể từ các nhóm thực phẩm tươi sạch. Cố gắng thêm nhiều Omega-3 và vitamin B vào chế độ ăn uống.
  • Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích khi đang mắc bệnh trầm cảm hoặc đang trong quá trình ngưng thuốc. Nếu không chú ý đến vấn đề này, bạn có thể gặp thất bại trong việc ngưng thuốc hoàn toàn.
  • Dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày ít nhất 30 phút. Tập thể dục chính là liều thuốc tự nhiên quý giá cho cả tâm trạng, cảm xúc và sức khỏe thể chất.
  • Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Chú ý đi ngủ trước 23 giờ và ngủ đủ 7 – 8 tiếng vào ban đêm. Nếu gặp các vấn đề về giấc ngủ thì có thể tìm đến các giải pháp thư giãn để hỗ trợ.
  • Kiểm soát tốt căng thẳng bằng các kỹ thuật thư giãn. Chẳng hạn như ngồi thiền, tập yoga, liệu pháp mùi hương, viết nhật ký,…

Vấn đề ngưng thuốc chống trầm cảm cần thực hiện theo kế hoạch của bác sĩ. Đây là cả một quá trình cần rất nhiều thời gian, người bệnh hãy kiên trì làm theo chỉ định và tuyệt đối không nên nóng vội. Giảm liều từ từ và thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp cho quá trình ngưng thuốc diễn ra hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *