7 Cây Thuốc Nam Có Công Dụng Chữa Trầm Cảm Bạn Nên Biết
Sử dụng các cây thuốc nam chữa trầm cảm có thể cải thiện một số triệu chứng tâm thần và thể chất. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lựa chọn thảo dược an toàn, lành tính và đã được công nhận hiệu quả trên cơ sở khoa học.
Chữa trầm cảm bằng thuốc nam có hiệu quả không?
Trầm cảm là bệnh mãn tính có tiến triển dai dẳng và dễ tái phát. Bệnh lý này cần phải được điều trị trong một thời gian dài để phòng ngừa biến chứng và giảm thiểu tỷ lệ tái phát. Trầm cảm có cơ chế phức tạp và căn nguyên chưa rõ ràng nên điều trị còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Cũng vì vậy mà không ít người tìm đến các cây thuốc nam với hy vọng cải thiện bệnh tình.
Thuốc nam là các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng dược lý được sử dụng để hỗ trợ phòng ngừa, điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe. Để cải thiện chứng trầm cảm, bệnh nhân có thể sử dụng các cây thuốc nam có tác dụng an thần, cải thiện tâm trạng,… nhằm giảm nhẹ triệu chứng. Bên cạnh đó, nên dùng thêm một số thảo dược có tác dụng nâng cao sức khỏe thể chất vì trầm cảm còn gây ra các vấn đề sức khỏe như mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, ăn uống kém và suy nhược.
Chữa bệnh trầm cảm bằng thuốc nam giúp cải thiện một số triệu chứng thể chất và tâm thần. Tuy nhiên, dược tính của thuốc nam thường yếu nên chỉ có vai trò hỗ trợ. Phương pháp này hoàn toàn không thể thay thế cho thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần và phương pháp tâm lý trị liệu.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân vẫn có thể sử dụng thuốc nam kết hợp với các phương pháp y tế nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tình trạng tương tác. Hoặc có thể dùng sau khi kết thúc quá trình điều trị nhằm duy trì sức khỏe và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát. Dù sử dụng vào thời điểm nào, bệnh nhân đều phải thông báo với bác sĩ để đảm bảo an toàn và tránh các tác dụng phụ.
7 Cây thuốc nam có công dụng hỗ trợ chữa trầm cảm
Có khá nhiều cây thuốc nam được sử dụng để hỗ trợ chữa bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nên lựa chọn các cây thuốc đã được chứng minh hiệu quả trên cơ sở khoa học. Nếu đang có ý định dùng thuốc nam cải thiện bệnh tình, bệnh nhân có thể tham khảo một số cây thuốc được tổng hợp trong nội dung sau:
1. Hoa cúc – Cây thuốc nam chữa trầm cảm, lo âu an toàn
Hoa cúc là cây thuốc nam quen thuộc thường được sử dụng để pha trà hoặc nấu các món chè thanh nhiệt, giải độc. Hoa cúc có vị ngọt thanh, mùi thơm, tác dụng an thần, thanh nhiệt và cải thiện sức khỏe. Ngoài những lợi ích trên, thảo dược này đã được xác định có thể hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm nhờ vào hàm lượng apigenin dồi dào.
Các nghiên cứu cho thấy, hoạt chất apigenin trong hoa cúc có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm như buồn bã, bi quan, lo lắng, tuyệt vọng bằng cách kích thích não bộ sản sinh serotonin (chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác vui vẻ, hứng thú, lạc quan).
Bên cạnh đó, thảo dược này cũng có hiệu quả đối với bệnh nhân bị stress và rối loạn lo âu lan tỏa. Hoa cúc là thảo dược lành tính, có thể sử dụng hằng ngày. Do đó, bệnh nhân trầm cảm đang sử dụng thuốc tây vẫn có thể dùng cây thuốc nam để cải thiện bệnh tình và nâng cao sức khỏe.
Một số cách dùng hoa cúc chữa bệnh trầm cảm:
- Sử dụng hoa cúc pha trà
- Chè hoa cúc
- Các món súp, hầm từ hoa cúc
Hoa cúc không chỉ là cây thuốc nam có công dụng chữa trầm cảm mà còn là thảo dược tốt cho sức khỏe. Nếu thường xuyên bị mất ngủ và căng thẳng, bạn có thể sử dụng các loại trà từ hoa cúc để cải thiện.
2. Bạc hà
Ngoài hoa cúc, bạc hà cũng là cây thuốc nam có tác dụng điều trị bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu. Tinh dầu thơm từ loại thảo dược này có tác dụng thư giãn, kích thích tế bào thần kinh sản sinh các chất nội sinh giúp cân bằng cảm xúc. Cũng chính vì vậy mà tinh dầu bạc hà thường được dùng để thư giãn và giải tỏa căng thẳng.
Bên cạnh đó, trà và các món ăn từ bạc hà cũng góp phần cải thiện bệnh trầm cảm. Bởi thảo dược này cung cấp một lượng lớn chất chống oxy hóa có lợi cho tế bào thần kinh. Khi sử dụng các loại trà và món ăn từ bạc hà, não bộ sẽ được thư giãn và tăng sản xuất serotonin.
Hơn nữa, hoạt chất menthol có trong bạc hà cũng giúp cải thiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, đầy hơi, chướng bụng và ăn uống kém ở bệnh nhân trầm cảm. Có thể thấy, bạc hà không chỉ giúp nâng cao tâm trạng mà còn hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng thể chất do bệnh trầm cảm gây ra.
Một số cách dùng bạc hà hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm:
- Sử dụng trà bạc hà
- Ăn sống lá bạc hà cùng với các món ăn chính
- Chế biến các món ăn từ lá bạc hà
Trà bạc hà không chứa caffeine nhưng có tác dụng gia tăng sự tỉnh táo và minh mẫn. Ngoài ra, dùng trà vào buổi tối cũng không gây mất ngủ như trà đen hay trà xanh. Do đó, ngay cả khi không bị trầm cảm hay căng thẳng, bạn cũng có thể dùng trà bạc hà thay thế cho các loại trà thông thường để cải thiện sức khỏe.
3. Nụ hoa tam thất – Thuốc nam hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm
Nụ hoa tam thất là cây thuốc quý trong y học cổ truyền. Thảo dược này có vị ngọt, tính mát, tác dụng an thần, điều hòa huyết áp và thanh lọc cơ thể. Một số nghiên cứu khoa học còn nhận thấy nụ hoa tam thất chứa hoạt chất Rb-1, Rb-2 tương tự như nhân sâm. Hiện nay, thảo dược này được dùng như liệu pháp hỗ trợ cho bệnh nhân bị mất ngủ, suy nhược và có các vấn đề về tim mạch.
Ngoài khí sắc trầm buồn, bệnh trầm cảm còn gây ra tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn, tim đập nhanh, đau đầu và tăng huyết áp. Chính vì vậy, bệnh nhân nên xem xét sử dụng nụ hoa tam thất để cải thiện sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy, thảo dược này chứa Saponin ginsenoside thuộc nhóm Rb có hiệu quả an thần tốt, cải thiện rõ tình trạng mất ngủ, khó ngủ ở người cao tuổi, stress và trầm cảm.
Cách dùng nụ hoa tam thất cải thiện bệnh trầm cảm:
- Sử dụng 3 – 5g hoa tam thất hãm với nước ấm uống hằng ngày
- Không dùng cho người bị huyết áp thấp, phụ nữ mang thai và người đang bị tiêu chảy
4. Nghệ vàng hỗ trợ giảm trầm cảm
Nghệ vàng là cây thuốc nam có công năng đa dạng được sử dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau. Từ lâu, nghệ đã được dùng để trị sẹo, trị thâm, cải thiện các bệnh ngoài da, bổ máu, trị suy nhược cơ thể, phục hồi sức khỏe và điều hòa kinh nguyệt. Ngày nay, thảo dược này được sử dụng rất phổ biến vì đã được khoa học công nhận mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Hoạt chất curcumin trong nghệ là chất chống oxy hóa mạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt chất này giúp cân bằng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh và giảm đáng kể tình trạng buồn bã, đau khổ, bi quan, tuyệt vọng ở bệnh nhân trầm cảm. Curcumin còn thúc đẩy mức BDNF tăng cao (một loại protein hỗ trợ hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh).
Khi bị trầm cảm, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với tình trạng suy nhược và giảm năng lượng. Ngoài hàm lượng curcumin dồi dào, nghệ còn cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và khoáng chất. Sử dụng nghệ thường xuyên giúp bệnh nhân giảm mệt mỏi, phòng ngừa suy nhược và có thể hạn chế được các vấn đề sức khỏe thể chất do bệnh trầm cảm gây ra.
Một số cách dùng củ nghệ cải thiện bệnh trầm cảm:
- Dùng trà nghệ, sữa nghệ (tốt nhất nên vào buổi tối trước khi ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ)
- Dùng nghệ ngâm mật ong ăn hằng ngày nếu trầm cảm gây suy nhược cơ thể
- Chế biến các món ăn từ nghệ để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm
5. Trà xanh chữa trầm cảm
Trà xanh thường được sử dụng để pha trà uống hằng ngày giúp thanh lọc và làm mát cơ thể. Ít người biết rằng, cây thuốc nam này có công dụng hỗ trợ chữa bệnh trầm cảm, căng thẳng thần kinh và rối loạn lo âu. Mặc dù có chứa caffeine nhưng trà xanh cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các chất chống oxy hóa.
L-theanine – một loại axit amin trong trà xanh có hiệu quả duy trì sự tỉnh táo và tập trung. Do đó, dùng trà xanh mỗi ngày có thể giúp bệnh nhân trầm cảm cải thiện hiệu suất lao động và tránh tình trạng mất tập trung, mệt mỏi quá mức. Bên cạnh đó, EGCG trong trà xanh cũng có tác dụng giải tỏa căng thẳng, tái tạo các tế bào và ổn định các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các chất chống oxy hóa trong trà xanh có thể ngăn chặn quá trình thoái hóa thần kinh và giúp ích rất nhiều trong việc điều trị các rối loạn tâm thần.
Bệnh nhân trầm cảm có thể sử dụng trà xanh để cải thiện sự tập trung, khả năng tỉnh táo và ngăn chặn bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực. Ngoài những lợi ích đối với não bộ, trà xanh còn giúp thanh lọc cơ thể, ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp, điều chỉnh nồng độ đường trong máu và hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Do đó, người bệnh bị tăng cân đột ngột, tăng đường huyết, cao huyết áp và ăn uống kém do trầm cảm nên sử dụng loại thảo dược này để cải thiện sức khỏe một cách toàn diện.
Một số cách dùng trà xanh chữa bệnh trầm cảm:
- Pha trà xanh uống hằng ngày
- Có thể tắm với nước trà xanh để thư giãn và giảm căng thẳng
6. Atiso – Cây thuốc nam hỗ trợ chữa trầm cảm
Atiso không chỉ là loại thực phẩm lành mạnh mà còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Thảo dược này có vị ngọt thanh, tính mát, tác dụng lợi tiểu, an thần, thông mật và bổ gan thận. Do đó, bệnh nhân trầm cảm có thể dùng trà hoặc món ăn từ atiso để cải thiện tình trạng ngủ chập chờn, khó ngủ, mất ngủ và thức giấc giữa đêm.
Như đã đề cập, bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mà còn gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe thể chất. Người bệnh thường bị đau đầu, suy nhược, ăn uống kém và tăng huyết áp do sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Ngoài việc cải thiện các vấn đề về giấc ngủ, atiso còn giúp làm giảm các triệu chứng thể chất thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm như khó tiêu, ăn uống kém, tăng huyết áp, chóng mặt và đau đầu.
Atiso là thực phẩm lành mạnh chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Do đó, sử dụng thảo dược này có thể cải thiện thể trạng và phòng ngừa tình trạng suy nhược ở bệnh nhân trầm cảm. Dùng các món ăn từ atiso cũng hỗ trợ giảm hấp thu chất béo và ngăn ngừa tình trạng tăng cân do tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm.
Một số cách dùng atiso chữa bệnh trầm cảm:
- Sử dụng trà atiso uống hằng ngày (mỗi ngày chỉ nên dùng từ 1 – 2 ly)
- Chế biến các món ăn từ atiso như gà hầm atiso, atiso nấu hạt sen,…
7. Hạt sen
Phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều bị suy nhược do chán ăn và ngủ ít. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng có thể cải thiện sức khỏe bằng các bài thuốc từ hạt sen. Hạt sen không chỉ là thực phẩm tốt cho sức khỏe mà còn có công năng đa dạng.
Theo ghi chép, hạt sen có vị ngọt chát, tính bình, tác dụng sáp tràng, an thai, lợi thủy, bổ tỳ, dưỡng tâm thích hợp với người bị mất ngủ, thần kinh suy nhược. Trong trường hợp thường xuyên bị mất ngủ, tim đập nhanh, hồi hộp và bất an, bệnh nhân nên sử dụng các bài thuốc, món ăn từ cây thuốc này.
Ngoài ra, hạt sen còn cung cấp nhiều tinh bột, vitamin, khoáng chất và axit amin. Những bệnh nhân trầm cảm gặp phải tình trạng chán nản, cân nặng giảm thấp cũng có thể dùng món ăn từ hạt sen để phục hồi sức khỏe. Qua đó nâng đỡ tinh thần và vượt qua chứng trầm cảm một cách dễ dàng hơn. Không chỉ mang đến lợi ích đối với bệnh trầm cảm, các món ăn từ hạt sen cũng rất tốt cho người bị stress, suy nhược thần kinh và rối loạn lo âu.
Cách dùng hạt sen cải thiện chứng trầm cảm:
- Pha trà hạt sen (nên sử dụng cả tim sen)
- Chế biến các món ăn từ hạt sen như gà hầm hạt sen, chè hạt sen đậu xanh nha đam, hạt sen củ năng,…
Lưu ý khi dùng thuốc nam điều trị bệnh trầm cảm
Sử dụng thuốc nam có thể cải thiện phần nào các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Ưu điểm của thuốc nam là độ an toàn cao, lành tính và hầu như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc nam để cải thiện bệnh tình, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc nam – đặc biệt là trong giai đoạn đang dùng các loại thuốc điều trị như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần,… Việc tự ý kết hợp có thể gây ra hiện tượng tương tác và làm phát sinh một loạt các tác dụng không mong muốn.
- Như đã đề cập, thuốc nam có dược tính yếu nên chỉ được xem là liệu pháp hỗ trợ. Phương pháp này không thể thay thế cho liệu pháp hóa dược và tâm lý trị liệu.
- Nên kiên trì sử dụng các bài thuốc nam chữa trầm cảm trong thời gian dài để nhận thấy cải thiện. Tuy nhiên, một số cây thuốc nam có thể gây ra tác dụng phụ khi dùng trong thời gian quá dài. Đây là lý do vì sao bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thảo dược nào.
- Ngoài sử dụng thuốc nam, bệnh nhân cũng có thể thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ như tập yoga, ngồi thiền, massage, xoa bóp bấm huyệt,… để cải thiện tình trạng sức khỏe.
- Thuốc nam có độ an toàn cao nhưng vẫn có thể gây dị ứng, kích ứng ở người có cơ địa nhạy cảm. Nếu nhận thấy biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên ngưng sử dụng và thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí.
Các cây thuốc nam chữa trầm cảm chỉ có thể giảm nhẹ một số triệu chứng. Vì vậy, bệnh nhân không nên quá phụ thuộc vào các bài thuốc này. Để đạt được kết quả tốt nhất, nên tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và hỏi ý kiến trước khi sử dụng bất cứ loại thảo dược nào. Bên cạnh đó, thái độ lạc quan và sự nỗ lực, kiên trì chính là “chìa khóa” giúp người bệnh vượt qua trầm cảm.
Tham khảo thêm:
- 8 Loại Thảo Dược Giúp Chữa Chứng Rối Loạn Lo Âu Bạn Nên Thử
- Người Bị Trầm Cảm Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Nhanh Khỏi?
- Ngồi thiền chữa trầm cảm và nhiều bệnh tâm lý khác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!