Người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc phải làm sao?

Rất nhiều người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc và tiếp nhận điều trị. Điều này gây ra không ít khó khăn trong việc kiểm soát bệnh và điều trị củng cố nhằm hạn chế tình trạng tái phát. Do đó, cần phải xác định nguyên nhân để có biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc
Đa số người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc và tiếp nhận điều trị vì không tin bản thân mắc bệnh

Vì sao bệnh nhân tâm thần không chịu uống thuốc?

Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị các bệnh tâm thần. Thuốc giúp điều hòa nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, từ đó cải thiện các rối loạn về cảm xúc, hành vi và kiểm soát một số triệu chứng thể chất.

Việc sử dụng thuốc phải được duy trì trong một thời gian dài để tránh tình trạng tái phát. Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể phải sử dụng thuốc suốt đời như trầm cảm tái diễn trên 5 lần, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt,… Các bệnh lý này chưa thể điều trị hoàn toàn và nguy cơ tái phát cao nên bắt buộc phải dùng thuốc dài hạn.

Tuy nhiên, đa số bệnh nhân tâm thần đều không chấp nhận điều trị và không chịu uống thuốc. Một số bệnh nhân tiếp nhận điều trị trong một thời gian nhưng sau đó bỏ thuốc vì cảm thấy phiền toái do phải sử dụng hằng ngày.

Theo các chuyên gia, người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

  • Phủ định bệnh: Thực tế, phần lớn bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần – đặc biệt là tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, rối loạn lo âu bệnh tật,… đều không thừa nhận bản thân mắc bệnh. Thậm chí nhiều bệnh nhân cho rằng, mọi người đang muốn sát hại mình nên bắt ép bản thân phải dùng thuốc. Vì cho rằng bản thân hoàn toàn khỏe mạnh nên người bệnh tâm thần thường từ chối điều trị.
  • Cho rằng bệnh đã khỏi hoàn toàn: Các triệu chứng rối loạn tâm thần có thể thuyên giảm từ vài tuần đến vài tháng sau khi điều trị. Tuy nhiên, thuốc cần phải được dùng lâu dài để tránh tình trạng tái phát. Thậm chí, nhiều bệnh nhân bắt buộc phải dùng thuốc suốt đời để ổn định bệnh và duy trì chất lượng cuộc sống. Khi triệu chứng thuyên giảm, nhiều bệnh nhân tự ý bỏ thuốc vì cho rằng sức khỏe của bản thân đã ổn định hoàn toàn.
  • Lo ngại về tác dụng phụ: Thực tế, hầu hết các loại thuốc tác động thần kinh trung ương đều gây ra nhiều tác dụng phụ khi sử dụng. Một số bệnh nhân có thể từ chối điều trị vì lo ngại về tác dụng ngoại ý và những ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe. Trong trường hợp này, bác sĩ phải tư vấn để bệnh nhân hiểu rằng lợi ích thuốc mang lại cao hơn so với rủi ro và nguy cơ.
  • Bỏ thuốc do bị hoang tưởng chi phối: Hoang tưởng là một trong những nhóm triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân tâm thần. Hoang tưởng có nội dung đa dạng nhưng thường gặp nhất là hoang tưởng truy hại, hoang tưởng tự cao,… Bệnh nhân có thể bỏ thuốc khi có hoang tưởng bị hại, cho rằng mọi người đang cố gắng ám sát và làm hại mình. Một số người bệnh từ chối uống thuốc vì nghĩ rằng bản thân sở hữu năng lực siêu nhiên có thể chống lại mọi bệnh tật.
  • Môi trường sống không lành mạnh: Môi trường sống có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần. Môi trường không lành mạnh, thường xuyên có mâu thuẫn và bạo lực có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vì không có động lực trong cuộc sống và sự động viên từ người thân, bệnh nhân trở nên bi quan, tuyệt vọng và quyết định ngưng thuốc để giải thoát bản thân.

Trên đây là những nguyên nhân thường gặp khiến cho bệnh nhân tâm thần không chịu uống thuốc. Tình trạng này thường xảy ra trong giai đoạn đầu sau khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Do đó, gia đình cần phải theo sát bệnh nhân trong thời gian này để người bệnh tập thói quen sử dụng thuốc hằng ngày.

Tác hại khi người bệnh tâm thần bỏ thuốc

Sử dụng thuốc có vai trò quan trọng đối với bệnh nhân bị rối loạn tâm thần. Việc bỏ thuốc có thể khiến bệnh tái phát và tiến triển nặng hơn. Ở những lần điều trị sau, mức độ đáp ứng với thuốc có thể giảm đi đáng kể. Từ đó gia tăng tỷ lệ kháng thuốc và tăng nguy cơ phải can thiệp các phương pháp tác động não bộ.

người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc
Tự ý ngưng thuốc là nguyên nhân hàng đầu khiến các bệnh tâm thần tái phát và tiến triển nặng

Hiện nay, căn nguyên của các bệnh tâm thần vẫn chưa được biết rõ nên điều trị còn khá nhiều hạn chế. Dù vậy, sử dụng thuốc sẽ giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng để có thể bình thường hóa cuộc sống.

Đặc biệt, tình trạng tự ý ngưng sử dụng các loại thuốc gây nghiện có thể gây ra hội chứng cai thuốc. Hội chứng này sẽ khởi phát sau khi ngưng thuốc 1 – 2 ngày với những biểu hiện như lo lắng, mệt mỏi, dễ cáu gắt, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, ớn lạnh,…

Bệnh nhân tâm thần không chịu uống thuốc phải làm sao?

Không chấp nhận điều trị là tình trạng chung của bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần. Khi nhận thấy bệnh nhân không chịu uống thuốc, gia đình nên thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục:

1. Tư vấn cho bệnh nhân về lợi ích của thuốc

Một trong những lý do khiến bệnh tâm thần không chịu uống thuốc là lo sợ tác dụng phụ, cho rằng thuốc tốn kém và không nhất thiết phải sử dụng lâu dài. Vì không hiểu hết lợi ích của thuốc nên mới xảy ra tình trạng bỏ thuốc. Do đó, gia đình nên thông báo với bác sĩ để có hướng khắc phục kịp thời.

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân về lợi ích của thuốc, đồng thời sẽ đề cập rõ những tác dụng phụ có thể gặp phải. Các tác dụng ngoại ý phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân. Để bệnh nhân thoải mái hơn, bác sĩ sẽ tư vấn một số cách khắc phục như uống trà hoặc cà phê vào buổi sáng để giảm tác dụng an thần, hạn chế dùng đồ dầu mỡ và đồ ngọt để tránh tăng cân,…

người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc
Bác sĩ cần nâng cao nhận thức để bệnh nhân hiểu rõ lợi ích của thuốc và sử dụng thuốc đều đặn

Nhìn chung, nâng cao nhận thức là điều quan trọng nhất để bệnh nhân tâm thần chấp nhận điều trị và duy trì sử dụng thuốc hằng ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đang ở trạng thái kích động, bệnh nhân cần được nhập viện để điều trị. Khi bệnh tình đã ổn định, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về vai trò của thuốc và cách cải thiện các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

2. Sử dụng thuốc an thần kinh tác dụng kéo dài

Thuốc an thần kinh là nhóm thuốc chính trong điều trị tâm thần phân liệt và một số bệnh tâm thần khác. Đối với những bệnh nhân không muốn uống thuốc hàng ngày, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc an thần kinh tác dụng kéo dài. Các loại thuốc này được dùng ở đường tiêm định kỳ 2 – 4 tuần/ lần nên không phải sử dụng hằng ngày.

Tuy nhiên, về cơ bản thuốc vẫn phải dùng lâu dài và bệnh nhân cần chủ động đến bệnh viện để được tiêm thuốc. Do đó, bệnh nhân phải được nâng cao nhận thức về vai trò của điều trị nói chung và sử dụng thuốc nói riêng. Có như vậy, người bệnh mới có thể tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tích cực điều trị củng cố.

3. Theo dõi việc sử dụng thuốc của bệnh nhân

Ngoài ra, gia đình cũng nên theo dõi việc sử dụng thuốc của bệnh nhân. Tốt nhất nên để bệnh nhân uống thuốc trước mặt nhằm đảm bảo uống đủ liều lượng. Ngoài ra, nên theo sát bệnh nhân trong khoảng 60 phút sau khi uống để tránh tình trạng bệnh nhân tự gây nôn ói.

Thực tế, rất nhiều bệnh nhân cố ý nói dối gia đình việc đã uống thuốc để thực hiện hành vi tự sát. Vì vậy, gia đình nên theo dõi sát sao việc sử dụng thuốc của bệnh nhân. Có như vậy mới ngăn chặn kịp thời những hành vi và tình huống đáng tiếc.

Bệnh nhân rối loạn tâm thần cần được điều trị và chăm sóc lâu dài. Do đó, gia đình cũng cần chú ý xây dựng môi trường sống lành mạnh, ôn hòa, tránh mâu thuẫn và bạo lực. Đồng thời các thành viên trong gia đình nên thể hiện tình cảm và sự quan tâm để giúp bệnh nhân gia tăng cảm xúc, cải thiện tình trạng vô cảm và thiếu động lực trong cuộc sống.

Hy vọng qua bài viết, gia đình có thể xác định được nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc. Trong trường hợp bệnh nhân kích động và có hành vi bạo lực, nên cưỡng chế người bệnh đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *