Tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu cần chú ý
Sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu gây ra không ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, liệu pháp hóa dược vẫn là phương pháp chính giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn tiến triển bệnh. Chính vì vậy, bản thân người bệnh nên có hiểu biết về các tác dụng phụ của thuốc để biết cách hạn chế và phòng ngừa.
Các tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một trong những dạng rối loạn tâm lý phổ biến hiện nay bên cạnh trầm cảm và các rối loạn liên quan đến stress. Bệnh lý này có biểu hiện đặc trưng là sự lo lắng, sợ hãi quá mức và dai dẳng về những đối tượng, sự việc và tình huống không thật sự nghiêm trọng. Rối loạn lo âu được chia thành nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến nhất là rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh sợ hãi, rối loạn hoảng sợ và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Các dạng của rối loạn lo âu có biểu hiện khác nhau nhưng nhìn chung đều ảnh hưởng đến tâm trạng và chất lượng cuộc sống. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng nhưng các phương pháp điều trị vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả tốt. Hiện nay, trị liệu tâm lý và liệu pháp hóa dược là hai phương pháp chính được áp dụng trong quá trình điều trị bệnh lý này.
Trong đó, sử dụng thuốc là lựa chọn ưu tiên vì có hiệu quả rõ rệt trong việc kiểm soát triệu chứng và nâng đỡ tinh thần của bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Tương tự như trầm cảm, bệnh nhân rối loạn lo âu cần dùng thuốc dài hạn để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa tái phát. Chính vì vậy, người bệnh và gia đình cần nắm rõ tác dụng phụ của thuốc điều trị rối loạn lo âu để có biện pháp xử trí kịp thời.
Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu:
1. Khô miệng, chóng mặt, táo bón
Khô miệng, táo bón, chóng mặt, mờ mắt,… là những tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu. Nguyên nhân là do thuốc chống trầm cảm được sử dụng trong điều trị bệnh lý này có tác dụng kháng cholinergic, dẫn đến việc ngăn chặn tác động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc được dùng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,…
Trong điều trị rối loạn lo âu, thuốc chống trầm cảm mang lại hiệu quả tốt trong việc giảm lo âu và cải thiện tâm trạng. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng sẽ phải đối mặt với một số tác dụng không mong muốn. Các tác dụng phụ bắt nguồn từ cơ chế kháng cholinergic có thể nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân uống cùng với rượu bia hoặc sử dụng thuốc quá liều.
Các tác dụng phụ như táo bón, chóng mặt, khô miệng,… thường không đe dọa đến sức khỏe. Bệnh nhân hoàn toàn có thể cải thiện bằng một số biện pháp không dùng thuốc như uống nhiều nước, tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn, tập thể dục thường xuyên và tránh thay đổi tư thế quá đột ngột.
2. Bồn chồn và dễ kích động
Bồn chồn, dễ kích động là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin – norepinephrine (SNRIs). Đây là 2 nhóm thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất nhờ mang lại hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.
Trong thời gian đầu sử dụng, bệnh nhân sẽ có biểu hiện bồn chồn và dễ kích động do thuốc làm tăng nồng độ của serotonin và norepinephrine trong não bộ một cách đột ngột. Tuy nhiên, các phản ứng bất lợi này thường thuyên giảm sau khoảng vài tuần. Nếu nhận thấy tình trạng quá nghiêm trọng, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh liều hoặc thay thế loại thuốc phù hợp.
Trong thời gian sử dụng SSRIs hoặc SNRIs, bệnh nhân nên tránh rượu bia và thuốc lá. Bởi những thói quen này có thể khiến cho tình trạng bồn chồn, kích động trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, việc duy trì lối sống lành mạnh và khoa học cũng sẽ giúp giảm thiểu các tác dụng không mong muốn trong thời gian sử dụng thuốc.
3. Các vấn đề về giấc ngủ
Thuốc điều trị rối loạn lo âu tác động trực tiếp đến chất dẫn truyền thần kinh và hoạt động của não bộ. Do đó, hầu hết các loại thuốc này đều gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Buồn ngủ là tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu, đặc biệt là thuốc giải lo âu, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc và thuốc ức chế monoamine oxydase (MAOIs).
Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng mất ngủ, khó ngủ trong vài tuần đầu sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc. Bởi loại thuốc này có thể gây ra tình trạng bồn chồn và kích động. Sau khoảng 2 – 3 tuần, tình trạng sẽ tự thuyên giảm dần mà không cần giảm liều. Tuy nhiên, nếu tác dụng phụ không được cải thiện, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ để được điều chỉnh liều hoặc thay đổi loại thuốc trong trường hợp cần thiết.
4. Mệt mỏi, kém tập trung
Mệt mỏi, kém tập trung là tác dụng phụ khá phổ biến khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu. Tình trạng này gặp chủ yếu khi sử dụng nhóm thuốc an thần, giải lo âu như Lorazepam, Diazepam và Alprazolam. Thuốc an thần, giải lo âu có tác dụng chính là thư giãn, giải tỏa căng thẳng và gây ngủ. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng buồn ngủ quá mức, mệt mỏi và giảm khả năng tập trung.
Các loại thuốc an thần thường được dùng ngắn hạn trong trường hợp bệnh nhân lo lắng và sợ hãi quá mức. Bởi dùng thuốc dài hạn không chỉ gây ra những tác dụng phụ kể trên mà còn gia tăng nguy cơ gây nghiện. Chính vì vậy, nhóm thuốc này hiếm khi được chỉ định quá 1 tháng.
5. Tăng cân
Tăng cân là tác dụng phụ rất phổ biến khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu, cụ thể là các nhóm thuốc chống trầm cảm. Nhóm thuốc này gây ức chế tái hấp thu serotonin dẫn đến tăng nồng độ serotonin trong não bộ, qua đó giảm tình trạng lo lắng, buồn bã và bi quan.
Tuy nhiên, serotonin không chỉ giữ chức năng điều chỉnh cảm xúc. Chất dẫn truyền thần kinh này còn kiểm soát cảm giác thèm ăn. Tăng serotonin dẫn đến cảm giác thèm ăn và ăn uống quá mức. Chính vì vậy, bệnh nhân sử dụng thuốc chống cảm trong quá trình điều trị rối loạn lo âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng cân.
Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn lo âu cũng có hiện tượng giảm các hoạt động thể chất nên năng lượng dư thừa không được giải phóng, dẫn đến tình trạng tăng cân đột ngột. Để hạn chế tác dụng phụ này, bệnh nhân nên chú ý đến chế độ ăn uống.
Vì gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm giác thèm ăn nên tốt nhất người bệnh nên ưu tiên dùng các loại thực phẩm ít năng lượng và tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, nên tập thể dục hằng ngày để tránh tình trạng tăng cân đột ngột và nâng cao sức khỏe một cách toàn diện.
6. Huyết áp thấp
Huyết áp thấp là tác dụng phụ thường thấy khi sử dụng thuốc chẹn beta và thuốc ức chế monoamine oxydase (MAOIs) trong quá trình điều trị rối loạn lo âu. Hạ huyết áp biểu hiện qua một số dấu hiệu như choáng váng, hoa mắt và mất thăng bằng khi thay đổi tư thế đột ngột.
Tuy nhiên, nếu mức độ không quá nghiêm trọng, bệnh nhân hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng thuốc. Ngược lại, nếu huyết áp giảm quá thấp, bác sĩ sẽ xem xét giảm liều hoặc thay đổi loại thuốc trong trường hợp cần thiết. Để hạn chế tình trạng huyết áp thấp, bệnh nhân nên chú ý lượng natri, kali dung nạp mỗi ngày, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.
7. Nguy cơ suy giảm nhận thức ở người cao tuổi
Các loại thuốc chống trầm cảm được dùng trong điều trị rối loạn lo âu có thể gây ra tình trạng suy giảm nhận thức ở người cao tuổi – đặc biệt là khi sử dụng thuốc dài hạn. Để giảm thiểu tác dụng phụ kể trên, bác sĩ sẽ chỉ định liều thấp và nâng cao liều từ từ cho đến đạt được hiệu quả điều trị. Ngoài ra, gia đình cũng nên theo sát trong quá trình sử dụng thuốc để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường.
8. Tăng tỷ lệ tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên
Trong thời gian đầu sử dụng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) và chất ức chế tái hấp thu serotonin – norepinephrine (SNRIs) có thể gia tăng nguy cơ tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiện tại, cơ chế dẫn đến tác dụng phụ này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng xác thực cho thấy thuốc làm tăng nguy cơ tự sát. Chính vì vậy, bác sĩ thường rất cẩn trọng trong việc chỉ định các loại thuốc này khi điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Cách hạn chế tác dụng phụ của thuốc trị rối loạn lo âu
Thuốc điều trị rối loạn lo âu mang lại nhiều lợi ích đối với việc kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển bệnh. Bên cạnh những lợi ích mang lại, thuốc cũng gây ra không ít tác dụng ngoại ý. Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
1. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Khi chỉ định thuốc, bác sĩ sẽ xem xét độ tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ rối loạn lo âu của từng bệnh nhân. Đây là những yếu tố rất quan trọng giúp bác sĩ lựa chọn được loại thuốc phù hợp và hạn chế tối đa tác dụng ngoại ý trong quá trình sử dụng. Do đó, bệnh nhân và gia đình cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.
Nếu từng có tiền sử dị ứng thuốc hoặc có các vấn đề sức khỏe đặc biệt, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ để được xem xét loại thuốc phù hợp. Bên cạnh chỉ định loại thuốc và liều lượng cụ thể, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách ăn uống, sinh hoạt để tránh tác dụng phụ của thuốc. Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc và đạt hiệu quả cao trong quá trình điều trị.
2. Chú ý các biểu hiện của cơ thể
Khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu, bệnh nhân cần chú các biểu hiện bất thường của cơ thể. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp phát hiện sớm các tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, gia đình cũng cần có sự quan tâm nhất định đến bệnh nhân rối loạn lo âu để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường.
Trong trường hợp các tác dụng phụ có mức độ nghiêm trọng, gia đình nên thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ và tư vấn cách xử trí. Nếu cần thiết, có thể cho bệnh nhân nhập viện để tránh những tình huống đáng tiếc. Phát hiện và xử trí sớm tác dụng phụ sẽ giúp hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng ngoại ý có mức độ nặng.
3. Kết hợp với trị liệu tâm lý và các phương pháp khác
Các rối loạn tâm lý nói chung và rối loạn lo âu nói riêng đều chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Hiện nay, các phương pháp điều trị chỉ có thể kiểm soát phần nào triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Ở một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển dai dẳng và tái phát nhiều lần. Trong trường hợp này, bệnh nhân gần như phải phụ thuộc vào thuốc và phải dùng thuốc trong nhiều năm.
Sử dụng thuốc lâu dài là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân nên kết hợp thêm với trị liệu tâm lý và các biện pháp hỗ trợ (thiền định, tập thể dục, duy trì lối sống lành mạnh,…) để kiểm soát rối loạn lo âu.
Kết hợp nhiều phương pháp điều trị sẽ giúp bệnh nhân chế ngự được sự lo lắng thái quá, biết cách giải tỏa stress và cân bằng cảm xúc. Quan trọng nhất bệnh nhân không phải phụ thuộc vào thuốc và ít gặp phải các tác dụng phụ do thuốc điều trị rối loạn lo âu gây ra.
Thuốc điều trị rối loạn lo âu gây ra khá nhiều tác dụng phụ khi sử dụng. Tuy nhiên, nguy cơ khi dùng thuốc thường thấp hơn so với lợi ích mang lại. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ và phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để kịp thời xử trí.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!