Bạn Cần Uống Thuốc Trầm Cảm Trong Bao Lâu?
Thuốc trầm cảm thường được sử dụng dài hạn để giảm nguy cơ bệnh tái phát. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân đều không hiểu rõ nên uống thuốc trầm cảm trong bao lâu và vì sao phải dùng thuốc ngay cả khi triệu chứng đã thuyên giảm. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bệnh nhân giải đáp thắc mắc, từ đó có thêm kinh nghiệm trong quá trình điều trị.
Nên uống thuốc chống trầm cảm trong bao lâu? Giải đáp
Dùng thuốc là phương pháp chính trong điều trị bệnh trầm cảm và một số rối loạn tâm thần thường gặp. Các loại thuốc được sử dụng có thể điều chỉnh nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, từ đó làm thay đổi những rối loạn về mặt cảm xúc, tư duy và hành vi. Mặc dù đã có nhiều phương pháp mới ra đời nhưng dùng thuốc vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Có khá nhiều loại thuốc được dùng để điều trị trầm cảm, trong đó thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc thông dụng nhất. Tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc sau:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) bao gồm Fluvoxamine, Paroxetine, Fluoxetine,…
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Amitriptylinoxide, Amitriptylin, Nortriptyline,…
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) bao gồm Venlafaxine, Duloxetine, Desvenlafaxine,…
Ngoài thuốc chống trầm cảm, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc giải lo âu (an thần) và thuốc chống loạn thần. Tuy nhiên những loại thuốc này chỉ được dùng ngắn hạn để cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Trong khi đó, thuốc chống trầm cảm giúp điều chỉnh nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, có ý nghĩa đối với việc quản lý và phòng ngừa bệnh.
Khá nhiều bệnh nhân băn khoăn “Nên uống thuốc trầm cảm trong bao lâu?”. Bởi dùng thuốc tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Theo các bác sĩ Tâm thần, thuốc chống trầm cảm cần được dùng lâu dài, ít nhất là 1 năm và thời gian điều trị có thể kéo dài trong trường hợp trầm cảm nặng, hay tái phát.
Điều trị trầm cảm bao gồm hai giai đoạn là tấn công và duy trì. Giai đoạn tấn công sẽ kéo dài từ 6 – 12 tuần. Lúc này, thuốc sẽ được dùng liều cao và đôi khi phải kết hợp với nhiều loại thuốc khác để kiểm soát triệu chứng nhanh chóng. Giai đoạn duy trì sẽ kéo dài từ 16 – 20 tuần hoặc dài hơn tùy theo từng trường hợp.
Thuốc chống trầm cảm sẽ phát huy tác dụng sau 4 – 6 tuần sử dụng và hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn sau khoảng 2 – 3 tháng. Tuy nhiên, tự ý ngưng thuốc chính là nguyên nhân khiến trầm cảm tái phát và tăng nguy cơ kháng trị. Thống kê cho thấy, bệnh nhân ngưng thuốc trước 6 tháng sẽ có tỷ lệ tái phát 25% ở năm đầu tiên.
Tóm lại, thời gian dùng thuốc trầm cảm sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, đặc điểm của thuốc chống trầm cảm là phải dùng lâu dài (ít nhất là 1 năm) và chỉ được ngưng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân cần tránh tâm lý sợ tác dụng phụ dẫn đến ngưng thuốc sớm hơn thời gian chỉ định. Bởi tình trạng tự ý ngưng thuốc có thể gây ra những hậu quả nặng nề hơn. Vì vậy, bệnh nhân nên tuân chủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về thời gian, liều lượng và loại thuốc điều trị.
Vì sao bệnh nhân trầm cảm phải dùng thuốc lâu dài?
Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi khí sắc giảm thấp. Người mắc chứng bệnh này luôn u uất, buồn bã, bi quan, mất hứng thú và giảm sự quan tâm với mọi thứ xung quanh.
Hiện nay, cơ chế bệnh sinh và căn nguyên bệnh vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy, bệnh có liên quan đến gen di truyền, các sự kiện sang chấn trong cuộc sống,… Những yếu tố này khiến cho nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ bị rối loạn (cụ thể là giảm serotonin ở khe synap) dẫn đến các triệu chứng trầm cảm.
Dùng thuốc chống trầm cảm có tác dụng tăng nồng độ serotonin và các chất dẫn truyền thần kinh khác như norepinephrine, dopamine,… Khi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh tăng lên, tình trạng khí sắc trầm buồn ở bệnh nhân trầm cảm sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Sau khoảng 10 – 15 ngày sử dụng, bệnh nhân sẽ nhận thấy cơ thể giảm mệt mỏi, tâm trạng được cải thiện, có cảm giác thèm ăn và ngủ ngon giấc hơn. Tuy nhiên, nếu ngưng thuốc sớm, nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh sẽ trở lại trạng thái ban đầu. Vì vậy, bệnh nhân trầm cảm phải dùng thuốc dài hạn ngay cả khi triệu chứng đã thuyên giảm hoàn toàn.
Sử dụng thuốc lâu dài giúp ổn định nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh và giảm nguy cơ bệnh tái phát. Những bệnh nhân dùng thuốc đúng thời gian chỉ định có thể quản lý và kiểm soát bệnh thành công chỉ trong một thời gian ngắn.
Trong khi đó, những trường hợp ngưng thuốc quá sớm sẽ bỏ lỡ “thời điểm vàng” dẫn đến việc bệnh tái phát và khả năng đáp ứng kém hơn. Thậm chí nhiều bệnh nhân hoàn toàn không có đáp ứng với thuốc và bắt buộc phải can thiệp các phương pháp kích thích não như sốc điện chữa trầm cảm, kích thích từ xuyên sọ,… Những trường hợp này sẽ mất thời gian dài để điều trị và tiêu tốn nhiều chi phí hơn so với bệnh nhân dùng thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, tự ý ngưng thuốc quá sớm cũng sẽ khiến cho trầm cảm tái đi tái lại nhiều lần. Trong trường hợp bệnh tái phát 5 lần trở lên, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc suốt đời. Do đó, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm phải được thực hiện cẩn trọng để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Làm sao để hạn chế thời gian dùng thuốc trầm cảm?
Thuốc trầm cảm cần được dùng lâu dài để ổn định các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Tuy nhiên, vì dùng trong thời gian dài nên bệnh nhân phải đối mặt với không ít tác dụng phụ như buồn nôn, kích động, đau đầu, khô miệng, giảm ham muốn,… Vì vậy, không ít người tự ý ngưng thuốc dẫn đến việc bệnh tái phát và đáp ứng kém với điều trị.
Thời gian sử dụng thuốc chống trầm cảm sẽ phụ thuộc mức độ bệnh và tiến triển của từng bệnh nhân. Để hạn chế phải dùng thuốc trong thời gian quá dài, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp sau:
1. Dùng thuốc đúng liệu trình
Sử dụng thuốc sớm và đúng liệu trình là cách tốt nhất giúp giảm thời gian dùng thuốc. Bởi những trường hợp phát hiện sớm thường có đáp ứng tốt, bệnh thuyên giảm nhanh và nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh sẽ nhanh chóng ổn định trở lại. Những trường hợp này thường chỉ phải dùng thuốc trong vòng 1 năm và tỷ lệ bệnh tái phát thấp.
Trong khi đó, những bệnh nhân tự ý ngưng thuốc thường sẽ phải đối mặt với nguy cơ tái phát cao (25% ở năm đầu tiên). Lúc này, việc sử dụng thuốc sẽ không mang lại kết quả tốt như ban đầu. Thậm chí, một số trường hợp gặp phải tình trạng trầm cảm kháng trị và bắt buộc can thiệp các phương pháp kích thích não bộ.
2. Kết hợp với tâm lý trị liệu
Liệu pháp hóa dược là phương pháp chính trong điều trị trầm cảm và các rối loạn cảm xúc khác. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng có một số hạn chế như tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ và đáp ứng kém ở một số trường hợp. Vì vậy, sử dụng thuốc thường được kết hợp với tâm lý trị liệu để mang lại kết quả tốt nhất.
Tâm lý trị liệu được thực hiện bằng hình thức giao tiếp giữa khách hàng và chuyên gia. Chuyên gia sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của từng khách hàng để tìm ra hướng tiếp cận phù hợp. Mục tiêu của trị liệu tâm lý là giúp bệnh nhân giải tỏa cảm xúc, học cách cân bằng và tìm thấy niềm vui, hy vọng trong cuộc sống.
Phương pháp này cũng giúp bệnh nhân trầm cảm nâng cao lòng tự trọng, giảm sự bi quan, u uất và buồn bã. Khi trị liệu tâm lý, chuyên gia sẽ trang bị cho bệnh nhân những kỹ năng cần thiết để có thể giải tỏa stress – yếu tố làm nghiêm trọng bệnh và gia tăng tỷ lệ tái phát trầm cảm. Chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách xây dựng lối sống lành mạnh, trau dồi khả năng giao tiếp và kỹ năng xử lý vấn đề trong cuộc sống.
Kết hợp sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh trầm cảm. So với việc chỉ dùng thuốc, những bệnh nhân kết hợp với trị liệu tâm lý thường có đáp ứng tốt hơn, bệnh tiến triển tích cực và ít tái phát. Do đó, thời gian dùng thuốc cũng sẽ được rút ngắn đáng kể so với những trường hợp chỉ điều trị bằng liệu pháp hóa dược.
3. Tự thực hiện các biện pháp cải thiện
Trầm cảm là một trong những dạng rối loạn tâm thần có tiến triển mãn tính, dai dẳng. Vì căn nguyên có nhiều điểm chưa rõ ràng nên các phương pháp điều trị hiện nay vẫn có nhiều hạn chế. Do đó, bệnh nhân nên kết hợp thêm một số biện pháp tự cải thiện:
- Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để cải thiện sức khỏe. Lối sống lành mạnh cũng giúp giảm thiểu những triệu chứng thể chất do trầm cảm gây ra và cải thiện các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm.
- Tập thể dục là liều thuốc tự nhiên giúp nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất. Khi tập luyện, não bộ sẽ sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh giúp đẩy lùi cảm xúc tiêu cực và mang đến tinh thần thoải mái, phấn chấn. Bệnh nhân trầm cảm thường có sức khỏe kém, vì vậy nên ưu tiên những bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe,…
- Không hút thuốc lá, dùng rượu bia và sử dụng chất gây nghiện. Các thói quen này đã được chứng minh có thể gia tăng mức độ lo lắng, căng thẳng và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất.
- Hạn chế thói quen thu mình và suy nghĩ quá nhiều. Thay vào đó, nên gặp gỡ bạn bè, trò chuyện với những người xung quanh để tìm lại hứng thú và niềm vui trong cuộc sống.
- Có thể thực hiện các biện pháp thư giãn hằng ngày để cải thiện tâm trạng, chẳng hạn như ngồi thiền, massage, tắm nước ấm, sử dụng tinh dầu xông phòng, dùng trà thảo mộc,…
Nếu kết hợp điều trị y tế với các biện pháp tự cải thiện, trầm cảm thường có tiến triển tốt và thuyên giảm nhanh. Nhờ vậy, thời gian sử dụng thuốc chống trầm cảm cũng sẽ được rút ngắn và bệnh nhân ít phải dùng các loại thuốc đi kèm như thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, thuốc chẹn beta.
Hy vọng qua bài viết trên, bệnh nhân đã hiểu rõ “Nên uống thuốc trầm cảm trong bao lâu?” và ý thức được vì sao phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cũng nên thực hiện thêm các biện pháp khác để tối ưu hiệu quả điều trị và hạn chế tình trạng phải dùng thuốc kéo dài.
Tham khảo thêm:
- Bệnh Trầm Cảm Có Chữa Được Không? Cách Nào Hiệu Quả?
- Uống thuốc trầm cảm có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?
- Uống thuốc trầm cảm quá liều có sao không? Xử lý thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!