Bệnh tâm thần phân liệt: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị

Tâm thần phân liệt là một chứng rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến nhận thức của một người về thực tế, đặc trưng bởi ảo giác và ảo tưởng. Trang bị các kiến thức về chứng rối loạn này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và thăm khám sớm. Từ đó giúp việc điều trị được dễ dàng hơn và hạn chế các ảnh hưởng của bệnh.

tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt đặc trưng bởi ảo giác và ảo tưởng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống

Tâm thần phân liệt là bệnh gì?

Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng tiến triển thường gây khó khăn trong việc phân biệt đâu là thực đâu là ảo, quản lý cảm xúc, suy nghĩ rõ ràng, quan hệ với người khác và hoạt động bình thường. Căn bệnh này ảnh hưởng tới cách mà một người suy nghĩ, cư xử và nhìn thế giới xung quanh.

Bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng mãn tính, khiến cho người bệnh dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài và thu mình vào thế giới bên trong. Tình cảm của người bệnh trở nên khô khan dần, việc học tập, lao động ngày càng sút kém. Nhiều người còn có những ý nghĩ, hành vi kỳ dị và khó hiểu. Căn bệnh này chiếm tỷ lệ khoảng 0.3 – 0.5% dân số, bệnh có xu hướng khởi phát ở lứa tuổi 18 – 40.

Theo ICD-10, bệnh tâm thần phân liệt có các thể lâm sàng như sau:

  • Thể Paranoid
  • Thể thanh xuân
  • Thể căng trương lực
  • Thể không biệt định
  • Thể trầm cảm sau phân liệt
  • Thể di chứng
  • Thể đơn thuần

Bệnh tâm thần phân liệt thường diễn tiến theo từng đợt. Hầu hết những người bệnh sẽ tốt hơn theo thời gian chứ không phải tệ đi. Các lựa chọn điều trị luôn được cải thiện và có rất nhiều giải pháp bạn có thể làm để kiểm soát triệu chứng.

Các giai đoạn bệnh thuyên giảm chính là thời điểm lý tưởng để bạn áp dụng các giải pháp tự chăm sóc nhằm hạn chế tần suất của các đợt bệnh trong tương lai. Cùng với thuốc và liệu pháp phù hợp, rất nhiều người bị tâm thần phân liệt có thể kiểm soát tốt triệu chứng của họ. Đặc biệt là có khả năng hoạt động độc lập và tận hưởng cuộc sống đầy đủ, bổ ích.

Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt

Nguyên nhân chính xác của bệnh tâm thần phân liệt đến nay vẫn chưa được biết rõ. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự kết hợp của các yếu tố thể chất, tâm lý, di truyền và môi trường có thể khiến cho một người có nhiều khả năng phát triển tình trạng này hơn.

Một số người có thể dễ bị tâm thần phân liệt. Đồng thời một sự kiện căng thẳng hay cảm xúc trong cuộc sống cũng có thể sẽ gây ra một đợt rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, vẫn chưa thể lý giải được vì sao một số người lại phát triển các triệu chứng, trong khi những người khác thì không.

Một số yếu tố rủi ro được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

1. Yếu tố di truyền

Bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng phát triển trong các gia đình. Tuy nhiên không có gen đơn lẻ nào được chứng minh là chịu trách nhiệm. Nhiều khả năng, các tổ hợp gen khác nhau khiến cho một người dễ bị tình trạng này hơn. Tuy nhiên, việc có những gen này cũng không nhất thiết có nghĩa là bạn sẽ phát triển bệnh.

Bằng chứng cho thấy chứng rối loạn này có khả năng di truyền một phần đến từ nghiên cứu về các cặp song sinh. Trong các cặp song sinh giống hệt nhau nếu một người phát triển bệnh tâm thần phân liệt thì người còn lại cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Điều này đúng ngay cả khi hai đứa trẻ được nuôi riêng.

nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt
Nếu có người thân cận huyết mắc bệnh tâm thần phân liệt thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn bình thường

Ở những cặp song sinh không giống hệt nhau (khác trứng), những người có cấu tạo di truyền khác nhau thì nếu một người phát triển bệnh tâm thần phân liệt thì người kia chỉ có 1/8 nguy cơ phát triển bệnh lý này.

2. Phát triển cấu trúc não

Các nghiên cứu về những người mắc bệnh tâm thần phân liệt đã cho thấy rằng có sự khác biệt nhỏ bên trong cấu trúc não của họ. Những thay đổi này không gặp ở tất cả mọi người bệnh và có thể vẫn xảy ra ở những người không mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng sự phát triển bệnh tâm thần phân liệt một phần có thể là do một rối loạn của não.

3. Chất dẫn truyền thần kinh

Chất dẫn truyền thần kinh là các chất hóa học truyền thông tin giữa các tế bào não. Nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa các chất dẫn truyền thần kinh và bệnh tâm thần phân liệt, bởi các thuốc làm thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh trong não được biết là có khả năng làm giảm một số triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.

Các chuyên gia cho biết, tâm thần phân liệt có thể do sự thay đổi mức độ của hai chất dẫn truyền thần kinh là serotonin và dopamine. Một số nghiên cứu chỉ ra sự mất cân bằng giữa cả hai chất này có thể là cơ sở của vấn đề. Ngoài ra, sự thay đổi độ nhạy cảm của cơ thể đối với các chất dẫn truyền thần kinh cũng có thể là một nguyên nhân của bệnh.

4. Các biến chứng mang thai và sinh nở

Một số nghiên cứu cho thấy, những người phát triển bệnh tâm thần phân liệt có nhiều khả năng gặp phải các biến chứng trước và trong khi sinh nở. Chẳng hạn như:

  • Sinh non
  • Trẻ sơ sinh nhẹ cân
  • Thiếu oxy (ngạt) trong khi sinh

Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở có thể ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của não bộ. Từ đó làm tăng nguy cơ gặp phải các bệnh tâm thần.

5. Các yếu tố kích hoạt bệnh tâm thần phân liệt

Các yếu tố kích hoạt là nguyên nhân khiến bệnh tâm thần phân liệt phát triển mạnh mẽ hơn ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Bao gồm:

– Căng thẳng:

Stress được đánh giá là tác nhân tâm lý chính của bệnh tâm thần phân liệt. Các sự kiện căng thẳng thường gặp trong cuộc sống phải kể đến như:

  • Người thân qua đời
  • Mất việc làm
  • Kết thúc một mối quan hệ
  • Ly hôn
  • Lạm dụng thể chất, tình cảm hoặc tình dục
nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt
Stress có thể thúc đẩy sự kích hoạt bệnh tâm thần phân liệt

– Lạm dụng ma túy:

Thuốc không trực tiếp gây ra bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra việc lạm dụng thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tâm thần phân liệt hoặc một bệnh lý khác tương tự.

Cần sa, cocaine, amphetamine có thể gây ra các triệu chứng tâm thần phân liệt ở những người mẫn cảm. Sử dụng amphetamine hoặc cocaine có thể dẫn tới rối loạn tâm thần hoặc gây tái phát ở những người đang hồi phục sau đợt trước đó.

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, thanh thiếu niên sử dụng cần sa thường xuyên sẽ có nhiều khả năng phát triển bệnh tâm thần phân liệt hơn ở tuổi trưởng thành sau này.

Dấu hiệu cảnh báo sớm tâm thần phân liệt

Ở một số người thì bệnh tâm thần phân liệt có thể xuất hiện một cách đột ngột và không báo trước. Tuy nhiên phần lớn là nó sẽ xảy ra từ từ với các dấu hiệu cảnh báo tinh vi. Cùng với đó là sự suy giảm chức năng dần dần, rất lâu trước khi xảy ra đợt nghiêm trọng đầu tiên. Thông thường, bạn bè hoặc người thân trong gia đình sẽ sớm biết rằng có điều gì đó không ổn nhưng lại không biết chính xác là điều gì.

Trong giai đoạn đầu, người bệnh có vẻ lập dị, vô cảm, thiếu động lực và sống ẩn dật với người khác. Bạn có thể bắt đầu cô lập bản thân, bỏ bê ngoại hình, nói những điều kỳ lạ hay tỏ ra thờ ơ với cuộc sống. Bạn có thể từ bỏ các sở thích và hoạt động. Đồng thời hiệu suất của bạn trong công việc hoặc học tập có thể xấu đi.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm phổ biến nhất bao gồm:

  • Trầm cảm, rút lui khỏi xã hội
  • Sự thù địch hoặc nghi ngờ
  • Phản ứng cực đoan với những lời chỉ trích
  • Giảm việc vệ sinh cá nhân
  • Vô cảm
  • Không có khả năng khóc
  • Thể hiện niềm vui, tiếng cười hoặc tiếng khóc không phù hợp
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá giấc
  • Hay quên, không thể tập trung
  • Nói chuyện kỳ quặc hoặc không hợp lý
  • Sử dụng từ ngữ hoặc cách nói khác lạ
dấu hiệu ban đầu bệnh tâm thần phân liệt
Người bệnh có thể phản ứng cực đoan với những lời chỉ trích

Mặc dù những dấu hiệu cảnh báo này có thể liên quan đến một số vấn đề khác, không chỉ riêng tâm thần phân liệt nhưng cũng rất đáng lo ngại. Khi hành vi khác thường gây ra các vấn đề trong cuộc sống của bạn hay người thân hãy chủ động tìm đến bác sĩ. Nếu nguyên nhân là bệnh tâm thần phân liệt hay một vấn đề tâm thần khác thì việc điều trị sớm sẽ rất hữu ích.

Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt

Các triệu chứng tâm thần phân liệt rất khác nhau ở mỗi người, cả về biểu hiện lẫn mức độ nghiêm trọng. Không phải mọi người bệnh đều có tất cả các triệu chứng và các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo thời gian.

Dưới đây là các triệu chứng chính của bệnh tâm thần phân liệt:

1. Ảo giác

Ảo giác đề cập đến tình trạng mà một người nhìn, nghe, ngửi, nếm hay cảm nhận về những thứ không tồn tại bên ngoài tâm trí của họ. Ảo giác phổ biến nhất chính là nghe thấy giọng nói. Ảo giác rất thực đối với những người trải qua chúng. Mặc dù những người xung quanh không thể nghe thấy giọng nói hay trải nghiệm cảm giác.

Nghiên cứu dùng thiết bị quét não cho thấy những thay đổi tại vùng nói trong não của những người bệnh tâm thần phân liệt khi họ nghe thấy giọng nói. Nghiên cứu này cho thấy trải nghiệm nghe giọng nói như thật, giống như thể não bộ nhầm suy nghĩ với giọng nói thật.

Giọng nói có thể mô tả các hoạt động đang diễn ra, thảo luận về các suy nghĩ và hành vi của người nghe, đưa ra hướng dẫn hay nói chuyện trực tiếp với người đó. Giọng nói có thể tới từ nhiều nơi khác nhau hay từ một nơi, chẳng hạn như TV.

2. Ảo tưởng

Ảo tưởng là một niềm tin được tin hưởng hoàn toàn cho dù nó dựa trên một quan điểm kỳ lạ, sai lầm hoặc không thực tế. Nó có thể ảnh hưởng tới cách mà người đó cư xử. Ảo tưởng có thể bắt đầu đột ngột hay có thể phát triển trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Một số người nảy sinh một ý tưởng ảo tưởng để giải thích cho một ảo giác mà họ đang gặp phải. Một người trải qua hoang tưởng có thể tin rằng họ đang bị quấy rối hay bức hại. Họ có thể tin rằng bản thân đang bị truy đuổi, theo dõi, chống lại hoặc đầu độc. Thường là bởi bạn bè hoặc một thành viên trong gia đình.

triệu chứng tâm thần phân liệt
Ảo tưởng là một trong những triệu chứng chính mà rất nhiều người bệnh trải qua

Một số người trải qua ảo tưởng tìm thấy những ý nghĩ khác nhau từ các sự kiện hay sự việc hằng ngày. Họ có thể tin rằng những người trên TV hay trên các bài báo đang truyền tải thông điệp tới một mình họ.

3. Rối loạn suy nghĩ

Những người trải qua chứng tâm thần phân liệt thường gặp khó khăn khi theo dõi những suy nghĩ và cuộc trò chuyện của họ. Một số người cảm thấy khó tập trung, bị trôi dạt từ ý tưởng này sang ý tưởng khác. Họ có thể gặp khó khăn khi xem chương trình TV hoặc đọc các bài báo.

Mọi người đôi khi mô tả suy nghĩ của họ là mơ hồ hoặc mù mờ. Suy nghĩ và lời nói của họ có thể sẽ trở nên lộn xộn hoặc nhầm lẫn. Điều này khiến cho cuộc trò chuyện sẽ trở nên khó khăn và khó hiểu đối với người khác.

4. Thay đổi suy nghĩ và hành vi

Hành vi của một người bị tâm thần phân liệt có thể trở nên vô tổ chức và khó đoán hơn. Một số người mô tả suy nghĩ của họ giống như bị người khác kiểm soát. Suy nghĩ không còn là của riêng họ hoặc suy nghĩ đó đã bị người khác gieo vào tâm trí của họ.

Người bệnh cũng có một cảm giác khác là những suy nghĩ đang biến mất. Như thể có ai đó đang xóa chúng khỏi tâm trí của họ. Một số người còn cảm thấy cơ thể đang bị chiếm đoạt và người khác đang chỉ đạo các chuyển động của họ.

5. Các triệu chứng tiêu cực

Các triệu chứng tiêu cực thường xuất hiện vài năm trước khi một người trải qua đợt tâm thần phân liệt cấp tính đầu tiên của họ. Những triệu chứng tiêu cực ban đầu này thường được gọi là thời kỳ tiền triệu của bệnh tâm thần phân liệt.

triệu chứng tâm thần phân liệt
Thiếu tập trung là một trong những triệu chứng tiêu cực của bệnh tâm thần phân liệt

Các triệu chứng trong thời kỳ tiền triệu có xu hướng xuất hiện từ từ và dần sẽ trở nên tồi tệ hơn. Triệu chứng tiêu cực có thể bao gồm:

  • Người bệnh trở nên thu mình hơn với xã hội. Ngày càng không quan tâm tới ngoại hình cũng như vấn đề vệ sinh cá nhân của họ.
  • Mất hứng thú và động lực trong cuộc sống, bao gồm cả các mối quan hệ và vấn đề tình dục.
  • Thiếu tập trung, thay đổi thói quen ngủ và không muốn ra khỏi nhà.
  • Ít có khả năng bắt đầu cuộc trò chuyện. Đồng thời cảm thấy không thoải mái với mọi người hay cảm thấy không có gì để nói.

Có thể khó phân biệt liệu triệu chứng này là một phần của sự phát triển bệnh tâm thần phân liệt hay do một nguyên nhân nào khác gây ra. Các triệu chứng tiêu cực thường dẫn tới các vấn đề trong mối quan hệ bạn bè và gia đình. Bởi đôi khi chúng bị nhầm lẫn với sự lười biếng hoặc thô lỗ có chủ ý.

Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt

Chẩn đoán sớm bệnh tâm thần phân liệt là yếu tố rất cần thiết để giúp việc điều trị diễn ra sớm. Từ đó giúp kiểm soát tốt triệu chứng và hạn chế các rủi ro cho sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

1. Chẩn đoán xác định

Để chẩn đoán xác định bệnh tâm thần phân liệt, bác sĩ thường căn cứ vào các tiêu chí theo ICD-10. Có 9 nhóm triệu chứng bao gồm:

  • 1. Tư duy vang thành tiếng, tư duy bị phát thanh, tự duy bị đánh cắp.
  • 2. Các hoang tưởng bị chi phối hay bị động có liên quan rõ rệt với vận động thân thể hoặc các chi. Hoặc có liên quan với ý nghĩ, hành vi, cảm giác đặc biệt, tri giác hoang tưởng.
  • 3. Các ảo thanh thường xuyên bình luận về hành vi, thảo luận về người bệnh. Hoặc các loại ảo thanh khác xuất phát từ một bộ phận nào đó trên thân thể.
  • 4. Các loại hoang tưởng dai dẳng khác không phù hợp về văn hóa. Đồng thời hoàn toàn không có được tính đồng nhất về tôn giáo, chính trị. Hoặc những khả năng và quyền lực siêu nhiên. Chẳng hạn như đang tiếp xúc với những người của thế giới khác hay có khả năng điều khiển thời tiết.
  • 5. Ảo giác dai dẳng, có khi kèm theo hoang tưởng thoáng qua hoặc chưa hoàn chỉnh và không có nội dung cảm xúc rõ ràng. Hoặc cũng có thể theo theo ý tưởng quá dai dẳng xuất hiện hàng ngày kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng.
  • 6. Tư duy gián đoạn, hay thêm từ khi nói, đưa tới tư duy không liên quan, lời nói không thích hợp hoặc ngôn ngữ bịa đặt.
  • 7. Tác phong căng trương lực như phủ định, kích động, không nói, giữ nguyên dáng hoặc sừng sờ.
  • 8. Các triệu chứng âm tính như vô cảm rõ rệt, các đáp ứng cảm xúc cùn mòn, không thích hợp, ngôn ngữ nghèo nàn. Những điều này thường đưa đến cách ly xã hội, giảm hiệu suất lao động. Tuy nhiên cần phải rõ ràng là các triệu chứng này không do trầm cảm hoặc thuốc an thần kinh gây ra.
  • 9. Biến đổi thường xuyên về chất lượng toàn diện của tập tính với những biểu hiện như thiếu mục đích, mất hứng thú, thái độ mê mải suy nghĩ về bản thân, lười nhác và cách ly xã hội.

Để đưa ra chẩn đoán, cần có ít nhất một triệu chứng rõ ràng thuộc vào các nhóm từ 1 – 4 hoặc ít nhất phải có 2 triệu chứng trong các nhóm từ 5 – 9 nêu trên. Các triệu chứng ở trên phải tồn tại rõ ràng trong phần lớn khoảng thời gian. Có thể là 1 tháng hoặc lâu hơn.

chẩn đoán tâm thần phân liệt
Khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ, cần sớm thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán kịp thời

Không được chẩn đoán là tâm thần phân liệt nếu có các triệu chứng trầm cảm hoặc hưng cảm mở rộng. Trừ khi các triệu chứng phân liệt được xác định là xuất hiện trước các rối loạn cảm xúc. Ngoài ra, không chẩn đoán khi có bệnh não rõ rệt hay bệnh nhân đang ở trạng thái nhiễm độc ma túy.

2. Chẩn đoán phân biệt

Tâm thần phân liệt cần được chẩn đoán phân biệt với một số tình trạng sau:

  • Loạn thần thực tổn: Đây là tình trạng có thể có các triệu chứng giống với tâm thần phân liệt. Tuy nhiên loạn thần thực tổn lại không có đầy đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt. Khám thần kinh và cận lâm sàng sẽ thấy dấu hiệu của một bệnh thực tổn rõ rệt.
  • Loạn thần do các chất tác động tâm thần (ma túy, rượu): Xuất hiện trong hoặc sau khi dùng các chất tác động tâm thần. Đặc trưng là những ảo giác sinh động (điển hình như ảo thanh, các hoang tưởng thường mang tính chất bị truy hại), rối loạn tâm thần vận động (sững sờ hoặc kích động), cảm xúc sợ hãi mãnh liệt hoặc ngơ ngác. Các triệu chứng thường thuyên giảm dần trong vòng 1 tháng và biến mất hoàn toàn trong vòng 6 tháng. Khám lâm sàng và xét nghiệm sẽ phát hiện có hiện tượng nhiễm độc, sử dụng ma túy hoặc rượu.

3. Cận lâm sàng

Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra cận lâm sàng để giúp chẩn đoán cũng như theo dõi và điều trị bệnh. Bao gồm:

– Các xét nghiệm cơ bản:

  • Xét nghiệm máu: Huyết học, vi sinh (HIV, VGC, VGB), sinh hóa
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm tìm chất ma túy
  • Huyết thanh chẩn đoán giang mai

– Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng:

  • X-quang tim phổi
  • Siêu âm ổ bụng
  • Điện não đồ
  • Điện tâm đồ
  • Lưu huyết áp
  • Siêu âm doppler xuyên sọ
  • Một số trường hợp còn sử dụng CT scanner sọ não, MRI sọ não…

– Các trắc nghiệm tâm lý:

  • Trắc nghiệm tâm lý đánh giá các triệu chứng dương tính và âm tính
  • Trắc nghiệm nhân cách: MMPI, EPI
  • Trắc nghiệm tâm lý khác: BDI, HDRS, HAD, HARS, MMSE,…

Hướng điều trị bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là căn bệnh nguyên nhân chưa rõ, cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị triệu chứng được xác định là mục tiêu chủ yếu. Cần tuân thủ nguyên tắc sau đây:

  • Hóa dược là liệu pháp có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là với các triệu chứng dương tính.
  • Cần phối hợp với nhiều liệu pháp điều trị khác như tâm lý trị liệu, lao động và tái thích ứng xã hội. Nhất là đối với các triệu chứng âm tính.
  • Ban đầu có thể áp dụng đơn trị liệu. Tuy nhiên nếu đáp ứng kém hay không có đáp ứng thì cần dùng đa trị liệu phối hợp 2 loại an thần kinh khác nhau. Cần hạn chế phối hợp từ 3 loại an thần kinh trở lên.
  • Theo dõi chặt chẽ quá trình dùng thuốc nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc an thần kinh.
  • Giáo dục gia đình và cộng đồng thay đổi thái độ đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt (tránh kỳ thị người bệnh). Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc người bệnh.
  • Phát hiện và giải quyết kịp thời những yếu tố thúc đẩy bệnh tái phát.
  • Điều trị duy trì sau cơn loạn thần đầu tiên, quản lý và theo dõi phòng tái phát tại cộng đồng.

Dưới đây là các phương pháp được sử dụng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt:

1. Liệu pháp hóa dược

Liệu pháp hóa dược được cho là nền tảng của điều trị tâm thần phân liệt. Trong đó thuốc chống loạn thần (thuốc an thần kinh) là được bác sĩ kê toa phổ biến nhất. Có thể chọn một hoặc hai hay ba thuốc trong số các loại thuốc sau đây:

thuốc chữa tâm thần phân liệt
Sử dụng thuốc được cho là nền tảng của quá trình điều trị bệnh tâm thần phân liệt

– Thuốc chống loạn thần cổ điển:

  • Chlorpromazine (viên 25mg hoặc ống 25mg): Liều dùng 50 – 250mg/ 24 giờ.
  • Levomepromazin (viên 25mg): Liều dùng 25 – 250mg/ 24 giờ.
  • Haloperidol (viên 1.5mg, viên 5mg hoặc ống 5mg): Liều dùng 5 – 30mg/ 24 giờ.
  • Thioridazin (viên 50mg): Liều dùng 100 – 300mg/ ngày.

– Thuốc chống loạn thần không điển hình (mới):

  • Amisulpride (viên 50mg, 200mg hoặc 400mg): Liều dùng 200 – 800mg/ 24 giờ.
  • Risperidon (viên 1mg hoặc 2mg): Liều dùng 1 – 12mg/ 24 giờ.
  • Quetiapin (viên 50mg, 200mg hoặc 300mg): Liều dùng 600 – 800mg/ ngày.
  • Olanzapin (viên 5mg hoặc 10mg): Liều dùng 5 – 30mg/ 24 giờ.
  • Aripiprazole (viên 5mg, 10mg, 15mg hoặc 30mg): Liều dùng 10 – 15mg/ ngày (tối đa 30mg/ ngày).
  • Clozapine (viên 25mg hoặc 100mg): Liều dùng 50 – 800mg/ 24 giờ.

– Các thuốc loạn thần có tác dụng kéo dài:

Nên sử dụng các loại thuốc an thần kinh có tác dụng kéo dài cho người bệnh không tuân thủ điều trị bằng thuốc đều đặn hằng ngày. Trước khi sử dụng các loại thuốc an thần kinh chậm thì nên dùng thuốc an thần kinh tác dụng nhanh tương ứng nhằm thăm dò sự đáp ứng thuốc của bệnh nhân.

  • Haldol decanoate (ống 50mg/ ml): Liều dùng tiêm bắp sâu 25 – 50mg/ lần (4 tuần tiêm nhắc lại).
  • Flupentixol decanoat (ống 20mg/ ml): Liều dùng tiêm bắp sâu 20 – 40mg/ lần (2 – 4 tuần tiêm nhắc lại).
  • Fluphenazin decanoat (ống 25mg/ ml): Liều dùng tiêm bắp sâu 12.5 – 50mg/ lần (tối đa là 100mg/ ngày), 3 – 4 tuần tiêm nhắc lại.
  • Aripiprazole: Liều tiêm 300mg hoặc 400mg, 4 tuần tiêm nhắc lại.

ĐIỀU TRỊ PHỐI HỢP: Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà điều trị phối hợp với các thuốc sau:

  • Nhóm thuốc bình thần, giải lo âu nhóm benzodiazepines: alprazolam, diazepam, lorazepam, bromazepam, non-benzodiazepines,…
  • Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm: propranolol,…
  • Thuốc chống trầm cảm: SSRI, SSRI, TCA,…
  • Thuốc chỉnh khí sắc: ginkgo biloba, vinpocetin, choline alfoscerate, piracetam, nicergoline,…
  • Thuốc hỗ trợ gan, thuốc tăng cường chức năng nhận thức,…

Liệu pháp hóa dược cho bệnh tâm thần phân liệt cần được theo dõi chặt chẽ. Việc theo dõi điều trị sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý ngay các tác dụng phụ của thuốc. Thường gặp nhất là hội chứng ngoại tháp (loạn trương lực cơ cấp, hội chứng giống Parkinson, bồn chồn bất an do thuốc) hoặc rối loạn chuyển hóa.

2. Liệu pháp tâm lý xã hội

Trong khi liệu pháp hóa dược có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt thì các liệu pháp tâm lý xã hội lại giúp giải quyết các vấn đề về tâm lý, hành vi, xã hội và nghề nghiệp đi kèm với căn bệnh này.

Thông qua các liệu pháp tâm lý xã hội, người bệnh cũng có thể được học cách kiểm soát các triệu chứng của mình. Đồng thời đưa ra kế hoạch phòng ngừa tái phát và xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm của tái phát.

tâm lý trị liệu cho bệnh tâm thần phân liệt
Liệu pháp tâm lý có thể giúp người bệnh đối phó với các triệu chứng ảo giác và ảo tưởng tốt hơn

Các liệu pháp có thể được sử dụng bao gồm:

– Liệu pháp tâm lý:

Điều trị tâm lý có thể giúp cho bệnh nhân tâm thần phân liệt đối phó với các triệu chứng của ảo giác hay hoang tưởng tốt hơn. Các liệu pháp điều trị tâm lý sẽ hoạt động tốt nhất khi chúng được kết hợp với thuốc chống loạn thần. Các phương pháp được áp dụng phổ biến bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): Giúp người bệnh xác định được các kiểu suy nghĩ đang khiến bản thân có những cảm xúc và hành vi không mong muốn. Đồng thời học cách thay đổi suy nghĩ này bằng các suy nghĩ thực tế và hữu ích hơn.
  • Liệu pháp gia đình: Việc chăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt có thể gây ra căng thẳng cho bất cứ gia đình nào. Liệu pháp gia đình là một cách đối phó tốt hơn với tình trạng của người bệnh. Nó có thể bao gồm thảo luận thông tin về bệnh, tìm hiểu các cách hỗ trợ người bệnh và quyết định cách giải quyết các vấn đề thực tế do bệnh gây ra.

– Liệu pháp lao động và phục hồi chức năng:

Nguyên lý là cho người bệnh bắt đầu hoạt động ở mức độ mà khả năng của họ cho phép đạt được nhằm xây dựng lại lòng tin. Sau đó từng bước nâng cao mức độ hoạt động theo khả năng cao nhất mà người bệnh không cảm thấy bị căng thẳng. Việc phục hồi chức năng nghề nghiệp cần chú ý tới môi trường xã hội, kinh tế và văn hóa mà họ sống.

3. Liệu pháp sốc điện (ECT)

Để thực hiện liệu pháp này, các điện cực sẽ được gắn vào da đầu của người bệnh. Trong khi họ đang được gây mê toàn thân, các bác sĩ sẽ thực hiện một cú sốc điện nhỏ tới não.

Một đợt điều trị bằng ECT thường sẽ bao gồm 2 – 3 lần điều trị/ tuần trong vài tuần. Mỗi lần điều trị sốc điện có thể gây ra một cơn co giật có kiểm soát. Một loạt phương pháp điều trị theo thời gian sẽ giúp cải thiện tâm trạng và suy nghĩ.

Các nhà nghiên cứu không hoàn toàn hiểu được chính xác ECT và các cơn co giật có kiểm soát mà ECT gây ra mang đến lợi ích như thế nào. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu cho rằng, liệu pháp ECT có khả năng ảnh hưởng tới việc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh trong não.

Trên thực tế, ECT ít được chứng minh là giúp điều trị tâm thần phân liệt hơn so với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Do đó liệu pháp này không được sử dụng thường xuyên khi không có các triệu chứng tâm trạng đi kèm. Nó có thể hữu ích khi thuốc không còn tác dụng. Hoặc chứng trầm cảm nặng khiến việc điều trị trở nên khó khăn.

4. Tự chăm sóc sức khỏe

Để có thể giúp ích cho quá trình điều trị bệnh tâm thần phân biệt, bạn cần chú ý chăm sóc bản thân thật tốt. Dưới đây là các giải pháp hữu ích:

tự chăm sóc khi bị tâm thần phân liệt
Hoạt động thể chất thường xuyên đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân tâm thần phân liệt
  • Quản lý căng thẳng: Mức độ căng thẳng cao có thể kích hoạt các đợt tâm thần phân liệt bằng cách gia tăng sản xuất hormone cortisol của cơ thể. Bạn có thể làm giảm mức độ căng thẳng của mình bằng cách áp dụng các bài tập thư giãn thường xuyên. Chẳng hạn như yoga, thiền định hoặc hít thở sâu.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần. Hơn nữa còn có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Cụ thể là giúp bạn cải thiện năng lượng, sự tập trung và cảm thấy bình tĩnh hơn.
  • Ngủ nhiều: Khi đang sử dụng thuốc, bạn có thể cần ngủ nhiều hơn là 8 tiếng tiêu chuẩn. Nhiều người bị tâm thần phân liệt thường gặp khó khăn với giấc ngủ. Việc tập thể dục thường xuyên và tránh caffeine có thể giúp ích.
  • Tránh rượu, ma túy và nicotin: Lạm dụng chất gây nghiện có thể làm phức tạp thêm việc điều trị tâm thần phân liệt. Cụ thể là làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Ngay cả việc hút thuốc lá cũng có thể gây cản trở hiệu quả của một số loại thuốc điều trị bệnh. Nếu bạn đang có vấn đề về việc lạm dụng chất kích thích thì nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ.
  • Ăn uống lành mạnh: Điều này giúp tránh các triệu chứng trầm trọng hơn do thay đổi lượng đường trong máu. Omega-3 từ cá béo, dầu cá, hạt lanh và quả óc chó có thể giúp cải thiện sự tập trung. Đồng thời giúp bạn xua tan mệt mỏi và cân bằng tâm trạng.

5. Phòng bệnh tâm thần phân liệt

Căn nguyên của bệnh tâm thần phân liệt chưa được xác định rõ ràng nên chưa có phương pháp phòng tránh bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên cần chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Nên rèn luyện cho trẻ em tính tập thể, biết cách thích ứng với môi trường cũng như các điều kiện khó khăn của cuộc sống.
  • Theo dõi những người có yếu tố di truyền (cha, mẹ, ông, bà và anh chị em họ hàng gần) bị mắc bệnh tâm thần phân liệt để sớm phát hiện và điều trị.
  • Bệnh nhân và gia đình cần tìm hiểu và trang bị thêm các kiến thức về bệnh, các yếu tố khiến bệnh tái phát để hợp tác và tuân thủ điều trị tốt hơn.
  • Tiếp tục theo dõi người bệnh sau khi ra viện. Cần chú ý kiên trì điều trị củng cố, phát hiện các yếu tố nguy cơ. Đồng thời tích cực chữa các bệnh nhiễm khuẩn hoặc bệnh cơ thể để đề phòng bệnh tái phát.

Tâm thần phân liệt có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu cho cuộc sống của người bệnh. Mong rằng những thông tin được chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh để sớm phát hiện và can thiệp điều trị. Thăm khám bác sĩ sớm khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ sẽ giúp việc điều trị trở nên dễ dàng hơn.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *