Cần Phát Hiện Sớm Các Rối Loạn Tâm Thần Tuổi Học Đường

Các rối loạn tâm thần tuổi học đường ảnh hưởng đáng kể đến khả năng học tập và các mối quan hệ xã hội. Về lâu dài còn gia tăng những hành vi phạm tội và thói quen thiếu lành mạnh như hút thuốc, sử dụng chất gây nghiện,… Để kịp thời ngăn chặn, gia đình và nhà trường cần phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở con trẻ.

rối loạn tâm thần tuổi học đường
Trẻ trong độ tuổi học đường là đối tượng có nguy cơ bị rối loạn tâm thần cao

Thực trạng các rối loạn tâm thần ở tuổi học đường

Rối loạn tâm thần đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Trước đây, các bệnh lý này chủ yếu ảnh hưởng đến người trưởng thành và cao tuổi. Tuy nhiên trong những năm gần đây, trẻ trong độ tuổi học đường cũng phải đối mặt với một loạt các rối loạn tâm thần.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, khoảng 20% trẻ ở tuổi học đường có các rối loạn tâm thần và hơn 50% trường hợp khởi phát ở năm 14 tuổi. Với bối cảnh như hiện tại, các chuyên gia dự đoán tỷ lệ rối loạn tâm thần tuổi học đường sẽ gia tăng trong tương lai nếu không có phương pháp phòng ngừa.

Ở nước ta, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi học đường mắc các rối loạn tâm thần là 8 – 29%. Trong đó thường gặp nhất là rối loạn cảm xúc, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi (rối loạn cư xử).

Vào năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung Ương đã tiến hành khảo sát 726 học sinh ở Hưng Yên và 834 học sinh ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ học sinh bị trầm cảm ở Hưng Yên là 18.6% và tỷ lệ ở Hà Nội là 31.3%. Điều này cho thấy môi trường học tập khắc nghiệt ở thành thị ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của học sinh.

Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung Ương cũng đã tiến hành khảo sát về tỷ lệ rối loạn lo âu và stress ở trẻ em tại hai địa phương trên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ bị lo âu ở Hà Nội là 42.6%, ở Hưng Yên là 36.5%. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ bị stress ở Hà Nội là 38.8% và ở Hưng Yên là 21.8%.

Ngoài yếu tố về khu vực sinh sống, các khảo sát này cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở trẻ nữ và những trẻ có gia đình không trọn vẹn, bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn và xung đột. Nếu không có biện pháp can thiệp, tỷ lệ rối loạn tâm thần tuổi học đường sẽ tăng mạnh trong tương lai và điều này gây ra không ít hậu quả đối với bản thân trẻ lẫn gia đình và xã hội.

Vì sao trẻ ở tuổi học đường dễ bị rối loạn tâm thần?

Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ ở tuổi học đường không có nguy cơ bị rối loạn tâm thần vì không phải lo nghĩ nhiều. Cuộc sống của trẻ chỉ gói gọn ở nhà trường và gia đình, lại không phải băn khoăn về những vấn đề mà người lớn phải đối mặt như tài chính, công việc, mâu thuẫn trong các mối quan hệ,…

Tuy nhiên trên thực tế, trẻ dù ở lứa tuổi nào cũng đều có những khó khăn về mặt tâm lý. Bản thân trẻ chưa có kinh nghiệm sống và những kỹ năng thiết yếu còn nhiều hạn chế nên không thể vượt qua khó khăn trong cuộc sống một cách dễ dàng như người lớn.

Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, trẻ sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý và đôi khi có thể phát triển thành các rối loạn tâm thần. Ngày nay, sự phát triển của xã hội đã tạo ra những yêu cầu khắt khe cho trẻ trong độ tuổi học đường. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho tỷ lệ rối loạn tâm thần tuổi học đường tăng lên đáng kể trong một thập kỷ trở lại đây.

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần tuổi học đường được các chuyên gia tâm lý chỉ ra:

1. Đối với trẻ lứa tuổi nhà trẻ, mầm non (2 – 5 tuổi)

Trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, mầm non là đối tượng có nguy cơ bị rối loạn tâm thần nhưng ít khi được chú ý đến. Lúc này, trẻ phải thay đổi môi trường một cách đột ngột dẫn đến khó thích ứng và căng thẳng kéo dài.

rối loạn tâm thần tuổi học đường
Thay đổi môi trường đột ngột là nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần ở trẻ mầm non

Các nguyên nhân gây rối loạn tâm thần ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ, mầm non:

  • Trẻ đi nhà trẻ, mầm non không được chăm sóc chu đáo và đáp ứng mọi nhu cầu như ở nhà mà phải sinh hoạt theo khuôn khổ. Những thay đổi này sẽ gây ra rối nhiễu trong cuộc sống của trẻ dẫn đến những rối loạn về cảm xúc, hành vi.
  • Trẻ có tính cách nhút nhát, tự ti thường gặp khó khăn khi hòa nhập với bạn bè – đặc biệt là khi tham gia vào các hoạt động của lớp.
  • Trẻ có tính cách hiền lành, tự ti có thể trở thành đối tượng bị bắt nạt và cô lập.
  • Một số trường hợp trẻ bị gia đình ép học quá nhiều vì muốn con dễ dàng tiếp thu kiến thức khi lên lớp 1. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến trẻ bị stress và đôi khi có thể gặp phải các rối loạn tâm thần tuổi học đường.

2. Trẻ trong độ tuổi giáo dục phổ thông

Đặc điểm chung của trẻ trong độ tuổi giáo dục phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) là phải chịu áp lực học tập, đối mặt với nhiều mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ,… Từ giai đoạn dậy thì trở đi, tâm lý của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn và điều này chính là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.

Nguyên nhân gây rối loạn tâm thần ở trẻ trong độ tuổi giáo dục phổ thông:

  • Thay đổi môi trường khiến trẻ khó thích nghi và gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập.
  • Trẻ có tính cách nhút nhát hoặc kỳ lạ dễ bị cô lập, khó kết bạn.
  • Mâu thuẫn trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, gia đình,…
  • Áp lực học tập và kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ
  • Nhà trường quá đề cao điểm số và luôn có hình phạt khắt khe với trẻ có thành tích học tập kém khiến trẻ hình thành tâm lý sợ sệt, lo âu khi đến trường. Tâm lý lâu ngày bị dồn nén có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý, tâm thần.
  • Những thay đổi về tâm sinh lý trong giai đoạn dậy thì cũng góp phần gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần tuổi học đường.
  • Trẻ bị áp lực đồng trang lứa trước thành tích của bạn bè.
  • Bị lừa dối tình cảm, bạn bè lợi dụng

Trên thực tế, có vô số nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần tuổi học đường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, chính cách giáo dục không phù hợp, cứng nhắc và thiếu thấu hiểu của gia đình là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến các vấn đề tâm lý ở trẻ. Nguyên nhân tiếp theo là do nhà trường quá đề cao điểm số mà không quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và giúp các em phát triển những phẩm chất tốt đẹp.

Nhận biết sớm các rối loạn tâm thần tuổi học đường

Rối loạn tâm thần gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Khác với người lớn, trẻ nhỏ đang trong quá trình phát triển về kỹ năng xã hội, hành vi, tư duy và điều chỉnh cảm xúc. Do đó, ngoài những ảnh hưởng thông thường, rối loạn tâm thần còn khiến cho quá trình phát triển của trẻ bị gián đoạn.

Để giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, gia đình cần nhận biết sớm các rối loạn tâm thần tuổi học đường. Biểu hiện của rối loạn tâm thần sẽ phụ thuộc vào từng dạng lâm sàng và mức độ bệnh ở từng trẻ. Dưới đây là dấu hiệu nhận biết sớm các rối loạn tâm thần thường gặp ở tuổi học đường.

1. Rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý là dạng rối loạn tâm thần thường gặp nhất, đặc biệt là ở trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh dao động khoảng 7.2% và nguy cơ cao hơn ở trẻ nam. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng tăng mức độ xung động, giảm và khó khăn trong việc duy trì sự chú ý.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ảnh hưởng nhiều đến việc học và các mối quan hệ xã hội của trẻ. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều khởi phát trước năm 7 tuổi. Nếu được điều trị sớm và đúng cách, trẻ bị tăng động giảm chú ý vẫn có thể học tập và phát triển tốt.

rối loạn tâm thần tuổi học đường
Rối loạn tăng động giảm chú ý đặc trưng bởi tình trạng tăng hoạt động, đồng thời giảm và khó duy trì sự chú ý

Nhận biết rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ trong độ tuổi học đường:

  • Giảm chú ý là biểu hiện điển hình của bệnh. Trẻ thường không chú ý các chi tiết dẫn đến việc thường xuyên phạm lỗi và làm sai yêu cầu của giáo viên, bố mẹ. Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý khi vui chơi, học tập và khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.
  • Vì giảm chú ý nên hầu như trẻ không làm bài tập về nhà hay hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nguyên nhân là do trẻ không chú ý, hoàn toàn không phải là hành vi chống đối.
  • Dễ bị thu hút với những kích thích bên ngoài dẫn đến tình trạng xao nhãng việc học và nhiệm vụ đang thực hiện.
  • Trẻ có biểu hiện tăng hoạt động, thường xuyên cử động chân tay, chạy nhảy liên tục và hầu như không thể ngồi yên.
  • Khi bắt buộc phải ngồi yên và giữ im lặng, trẻ sẽ có cảm giác khó chịu và bồn chồn.
  • Trẻ thường buột miệng nói ra câu trả lời trước khi người khác đọc xong câu hỏi.

2. Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu là một dạng rối loạn tâm thần thường gặp ở tuổi học đường. Bệnh lý này gặp chủ yếu ở những trẻ bị áp lực học tập, lo lắng quá mức về điểm số, gia đình kỳ vọng quá nhiều,… Ngoài ra, trẻ có tính cách nhút nhát, phụ thuộc vào gia đình cũng dễ bị rối loạn lo âu khi bước vào tuổi đến trường.

rối loạn tâm thần tuổi học đường
Rối loạn lo âu là một dạng rối loạn tâm thần có thể gặp ở trẻ trong độ tuổi học đường

Các biểu hiện rối loạn lo âu ở trẻ trong độ tuổi học đường:

  • Thường trực sự lo lắng dai dẳng về nhiều vấn đề, đặc biệt là việc học và điểm số.
  • Trẻ nhận thức được sự lo lắng thái quá của bản thân nhưng không biết cách kiềm chế và kiểm soát.
  • Sự lo lắng thái quá khiến trẻ luôn trong trạng thái căng thẳng, buồn phiền, mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ trở nên bi quan và dễ cáu kỉnh.
  • Một số trẻ khi mới đến trường sẽ mắc phải chứng rối loạn lo âu chia ly. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng trẻ phản ứng gay gắt khi đến môi trường mới mà không có người thân ở bên cạnh. Tình trạng này kéo dài dai dẳng gây ra tâm lý lo lắng, căng thẳng và phiền muộn cho trẻ.

Rối loạn lo âu có nhiều dạng lâm sàng và triệu chứng sẽ phụ thuộc vào từng dạng cụ thể. Tuy nhiên, đặc điểm chung của chứng bệnh này vẫn là trạng thái lo lắng quá mức đi kèm với buồn phiền, bi quan, tiêu cực,… Ngoài những dấu hiệu về tinh thần, rối loạn lo âu ở trẻ nhỏ còn gây ra một số triệu chứng thể chất như mất ngủ, chán ăn, đau đầu, mệt mỏi và rối loạn kinh nguyệt.

3. Trầm cảm

Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở tuổi học đường, xảy ra chủ yếu ở trẻ học cấp 2 và cấp 3. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này nhưng chủ yếu có liên quan đến stress do áp lực điểm số, căng thẳng do mâu thuẫn, xung đột trong gia đình và những mối quan hệ xung quanh.

Trầm cảm gặp nhiều hơn ở trẻ nữ do nữ giới thường có tính cách nhạy cảm, dễ buồn bã và bi quan. Chứng bệnh này là một dạng rối loạn khí sắc với đặc điểm là cảm xúc giảm thấp quá mức về cường độ và kéo dài trong thời gian ít nhất 6 tháng.

rối loạn tâm thần tuổi học đường
Trầm cảm là dạng rối loạn tâm thần tuổi học đường phổ biến nhất với tỷ lệ ngày càng tăng cao

Hiện tại, trầm cảm đang là nguyên nhân gây tử vong thứ II ở trẻ vị thành niên chỉ sau tai nạn giao thông. Để kịp thời ngăn chặn các hành vi tự sát, bố mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ có khí sắc buồn bã, khuôn mặt thể hiện rõ sự u uất, bi quan.
  • Trẻ giảm sự quan tâm và hứng thú với mọi thứ xung quanh – kể cả những sở thích trước đây.
  • Trầm cảm khiến cơ thể giảm năng lượng, trẻ dễ mệt mỏi và ít vận động. Trẻ có xu hướng sống khép kín, thu mình và ít trò chuyện, giao tiếp với những người xung quanh.
  • Một số trẻ có thể trở nên cáu kỉnh và dễ tức giận vì những lý do không chính đáng.
  • Trầm cảm còn gây ra một số triệu chứng khác như tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn, giảm khả năng tập trung, suy nghĩ, mất ngủ,…

Trẻ bị trầm cảm luôn có những suy nghĩ bi quan về bản thân cũng như những người xung quanh. Tuy nhiên, trẻ sẽ không bộc lộ suy nghĩ của mình với người khác. Do đó, gia đình chỉ có thể phát hiện dạng rối loạn tâm thần này khi thật sự chú ý đến cảm xúc và hành vi của con.

4. Rối loạn hành vi

Rối loạn hành vi là dạng rối loạn tâm thần khởi phát khá sớm ở giai đoạn trẻ em và vị thành niên. Chứng bệnh này gặp nhiều hơn ở trẻ nam – đặc biệt là những trẻ sống trong môi trường bạo lực, thường xuyên có mâu thuẫn và xung đột. Rối loạn hành vi đặc trưng bởi các hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người khác có tính chất dai dẳng và lặp đi lặp lại.

rối loạn tâm thần tuổi học đường
Rối loạn hành vi gặp chủ yếu ở trẻ nam và thường khởi phát trước năm 12 tuổi

Các biểu hiện rối loạn hành vi ở trẻ trong lứa tuổi học đường:

  • Trẻ mắc chứng bệnh này thường có hành vi phá phách, gây hấn, đánh nhau hoặc hành vi trộm cắp, thao túng và lợi dụng người khác với mục đích đạt được quyền lợi cá nhân.
  • Bản thân trẻ không có tình yêu thương, sự quan tâm và không biết đồng cảm với người khác hay con vật. Do đó, trẻ thường có hành vi ác độc với động vật, bắt nạt và gây hấn với bạn bè đồng trang lứa.
  • Cố ý thực hiện những hành vi nhằm mục đích phá hủy và làm hư hại tài sản chung hoặc tài sản cá nhân.
  • Thường xuyên vi phạm các quy tắc và quy định của gia đình, nhà trường.
  • Lặp đi lặp lại hành vi nói dối để đạt được mục đích cá nhân.

Rối loạn hành vi là một dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng cần phải điều trị sớm. Bệnh lý này không chỉ khiến trẻ giảm khả năng học tập mà còn gia tăng nguy cơ phát triển rối loạn nhân cách chống đối xã hội khi trưởng thành.

5. Rối loạn cảm xúc

Trẻ trong lứa tuổi học đường chưa có kỹ năng điều chỉnh cảm xúc. Do đó, trẻ rất dễ bị rối loạn cảm xúc nếu thường xuyên đối mặt với stress. Theo số liệu thống kê, khoảng 11.5% trẻ trong lứa tuổi học đường mắc chứng bệnh này và tỷ lệ chỉ đứng sau rối loạn tăng động giảm chú ý.

Rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi sự bất ổn của cảm xúc, khó khăn khi điều chỉnh và kiểm soát tâm trạng. Bệnh lý này có thể đi kèm với rối loạn hành vi trong một số trường hợp.

Rối loạn cảm xúc ở trẻ trong độ tuổi học đường sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Tâm lý thay đổi thất thường, khi thì vui vẻ quá mức nhưng rất nhanh sau đó trẻ nên bi quan, chán chường,…
  • Dễ kích động và cáu kỉnh ngay cả với những sự việc rất nhỏ
  • Đôi khi trẻ rất hứng thú với mọi thứ nhưng cũng có lúc bi quan và tiêu cực thái quá
  • Không thể kiềm chế cảm xúc của bản thân, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực

Rối loạn tâm thần tuổi học đường và những hậu quả khôn lường

Các rối loạn tâm thần tuổi học đường ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Nếu không điều trị sớm, những bệnh lý này sẽ làm gián đoạn quá trình phát triển khiến trẻ thiếu hụt về tư duy, kỹ năng sống, giao tiếp,… khi trưởng thành.

Những hậu quả nghiêm trọng của rối loạn tâm thần tuổi học đường:

  • Giảm khả năng học tập của trẻ dẫn đến thành tích kém, mất đi sự sáng tạo và niềm đam mê với học tập.
  • Gia tăng vấn đề trong các mối quan hệ xã hội.
  • Nhiều nghiên cứu cho thấy, rối loạn tâm thần tuổi học đường có thể làm tăng tỷ lệ hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích và có hoạt động tình dục trước 18 tuổi.
  • Các rối loạn tâm thần tuổi học đường còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như mất ngủ, đau nửa đầu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt,… Những vấn đề này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và làm gián đoạn sự phát triển của trẻ.
  • Nếu không được điều trị sớm, các rối loạn tâm thần tuổi học đường có thể phát triển thành các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở giai đoạn trưởng thành, thường gặp nhất là rối loạn nhân cách, trầm cảm, rối loạn hoang tưởng,…
  • Về lâu dài, các rối loạn tâm thần tuổi học đường còn gây những hậu quả cho gia đình và xã hội. Bởi trẻ mắc chứng bệnh này sẽ giảm khả năng lao động, nguy cơ thất nghiệp cao và sống phụ thuộc vào gia đình. Ngoài ra, một số trẻ khi lớn lên sẽ có các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội.
  • Trong trường hợp xấu nhất, trẻ mắc các rối loạn tâm thần tuổi học đường có thể nảy sinh hành vi tự sát để giải thoát bản thân khỏi áp lực và kỳ vọng của gia đình.

Hậu quả của rối loạn tâm thần tuổi học đường là vô cùng nghiêm trọng. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tinh thần của trẻ để kịp thời phát hiện, xử trí.

Phòng ngừa rối loạn tâm thần tuổi học đường

Tâm lý của trẻ trong độ tuổi học đường rất nhạy cảm và phức tạp. Do đó, trẻ có thể phải đối mặt với nhiều rối loạn tâm thần nếu gia đình và nhà trường không có biện pháp quan tâm, giáo dục đúng đắn.

Hiện nay, trẻ trong độ tuổi học đường phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ việc học, các mối quan hệ, gia đình,… Để giúp trẻ vượt qua giai đoạn này một cách thuận lợi, cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau:

1. Sự quan tâm đúng mực của gia đình

Một thực trạng đáng buồn là phụ huynh Việt rất ít khi quan tâm đến tâm lý của con mà chỉ chú ý đến sức khỏe thể chất, thành tích và điểm số. Điều này chính là nguyên nhân gián tiếp khiến trẻ trong độ tuổi học đường phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần.

Để phòng ngừa các rối loạn tâm thần tuổi học đường, cách hiệu quả nhất là sự quan tâm đúng mực từ gia đình. Ở bất cứ độ tuổi nào, trẻ cũng cần chỗ dựa tinh thần vững chắc từ người thân.

rối loạn tâm thần tuổi học đường
Sự quan tâm đúng mực từ gia đình chính là biện pháp phòng ngừa rối loạn tâm thần tuổi học đường hiệu quả

Khi trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới, bố mẹ nên động viên, an ủi và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Ngoài ra, nên thường xuyên trao đổi với giáo viên để hỗ trợ trẻ có tính cách nhút nhát, tự ti hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không nên giáo dục con cái quá nghiêm khắc và áp đặt. Học cách lắng nghe, thấu hiểu sẽ giúp bố mẹ có cách giáo dục linh hoạt và phù hợp hơn. Điều quan trọng nhất là bố mẹ nên khuyến khích con học tập để nâng cao kiến thức thay vì quá đặt nặng điểm số, thành tích và kỳ vọng nhiều vào trẻ.

Sự quan tâm đúng mực của gia đình sẽ giúp trẻ được nâng đỡ trong suốt quá trình phát triển. Từ đó có thể tránh được những vấn đề tâm lý, thể chất và phát triển một cách lành mạnh nhất. Trong độ tuổi nổi loạn, bố mẹ sẽ khó thấu hiểu được con cái nếu nếu cần thiết, có thể tham vấn tâm lý để được hỗ trợ.

2. Vai trò của nhà trường

Bên cạnh sự quan tâm của gia đình, nhà trường cũng có vai trò trong việc phòng ngừa các rối loạn tâm thần ở tuổi học đường. Thực tế, phần lớn những căng thẳng mà trẻ phải đối mặt đều bắt nguồn từ trường lớp (áp lực điểm số, chương trình học quá nặng, thầy cô xử phạt không đúng cách, áp lực đồng trang lứa,…).

Để phòng tránh các rối loạn tâm thần tuổi học đường, trước tiên nhà trường cần tránh việc quá đề cao thành tích và điểm số. Không thực hiện các hình thức trách phạt trẻ có kết quả học tập kém trước tập thể lớp. Bên cạnh đó, thầy cô giáo phải được tham gia các khóa học để nắm rõ tâm sinh lý của trẻ ở từng độ tuổi. Có như vậy, trẻ mới có thể thoải mái khi đến trường và sẵn sàng chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống với thầy cô, bạn bè.

Ngoài ra, nhà trường cũng nên có phòng tham vấn tâm lý học đường để các em có thể tìm đến khi gặp phải vấn đề trong học tập, gia đình, mối quan hệ với thầy cô – bạn bè,… Nếu có thể, nên tổ chức các lớp dạy kỹ năng để trang bị cho học sinh kỹ năng giải tỏa stress, kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp,… từ đó giúp các em dễ dàng thích nghi với những điều kiện không thuận lợi.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ rối loạn tâm thần ở tuổi học đường tăng lên đáng kể và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Trước bối cảnh này, gia đình và nhà trường cần có biện pháp để hỗ trợ học sinh phòng ngừa, vượt qua những vấn đề tâm lý và tâm thần hiệu quả.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *