Nỗi sợ bị chỉ trích là gì? Nguyên nhân và cách để vượt qua

Nỗi sợ bị chỉ trích có thể hủy hoại trí tưởng tượng, sự sáng tạo của con người và khiến họ dần mất đi tính tự lực cùng hàng loạt các thiệt hại to lớn khác. Tuy nhiên, lại có những người luôn thích sử dụng lời lẽ chỉ trích với người khác, đặc biệt là trong các mối quan hệ giữa cấp trên – cấp dưới, cha mẹ – con cái, thầy cô – học sinh, bạn bè cùng trang lứa…

Nỗi sợ bị chỉ trích
Nỗi sợ bị chỉ trích là nỗi sợ thuộc về bản chất tự nhiên của mỗi người

Nỗi sợ bị chỉ trích là gì?

Chỉ trích chính là một hành động chê trách, phê bình và chỉ ra những sai lầm, những mặt chưa tốt, những khuyết điểm hạn chế của một sự việc hoặc một con người. Hành động này có thể xuất hiện ở rất nhiều các tình huống, trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Có rất nhiều loại phê bình, chỉ trích khác nhau, không phải tất cả các hành động chỉ trích điều mang tính chất tiêu cực.

Xét về cơ bản thì những lời nói, hành vi chỉ trích có thể là xuất phát từ mục đích muốn xây dựng, giúp đỡ một ai đó cải thiện tốt các khía cạnh còn khiếm khuyết của bản thân. Đối với một số tình huống, sự việc, lời chỉ trích có thể giúp bạn nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau, từ đó dễ dàng đưa ra cách khắc phục và giải quyết hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, nếu lời chỉ trích không mang tính chất đóng góp hoặc thậm chí là có nhưng lại không được đặt đúng thời điểm cũng khiến cho người khác khó khăn trong việc tiếp thu, thậm chí là cảm thấy sợ hãi, ám ảnh về những lời nói phê phán, chê trách đó. Nỗi sợ bị chỉ trích chính là trạng thái lo lắng, sợ hãi quá mức đối với những lời nói hoặc hành vi mang tính chất phê phán, hạ nhục.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Trên thực tế thì nỗi sợ này thuộc về bản chất tự nhiên của mỗi người. Cũng bởi ai trong chúng ta cũng đều muốn nghe những lời hay, ý đẹp, những lời khen ngợi thay vì là những lời nói mang tính chỉ trích khó nghe. Thậm chí có nhiều người còn hình thành tâm lý tiêu cực, nhận thức méo mó về bản thân hoặc trở nên chán ghét, sợ hãi khi nghe những lời đánh giá, bình phẩm không tốt về mình.

Tuy nhiên, đối với những người có nỗi sợ bị chỉ trích thường sẽ không có thói quen hay dành thời gian để suy nghĩ, ngẫm về những lý do mà người khác chỉ trích mình, họ không bao giờ cân nhắc về việc người khác tức giận, dành cho mình những lời nói khó nghe. Chính vì vậy, họ thường khó có thể tiếp nhận và rút ra được những bài học hữu ích từ những lời chỉ trích đó.

Nguyên nhân tạo ra nỗi sợ bị chỉ trích

Hầu hết chúng ta đều không muốn nghe những lời chỉ trích, tuy nhiên nỗi sợ bị chỉ trích lại mang một tính chất khác. Một số người sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi, lo lắng và bất an khi nhận được những lời chỉ trích, phê bình của những người xung quanh dành cho mình. Vậy nguyên nhân của nỗi sợ này xuất phát từ đâu?

Nỗi sợ bị chỉ trích
Những người có tính cách nhút nhát thường mang nỗi sợ bị người khác phê phán, chỉ trích
  • Chứng kiến sự tổn thương của người khác khi phải đối mặt với những lời chỉ trích, phê phán của mọi người.
  • Từng bị tổn thương tâm lý nặng nề bởi những lời chỉ trích thậm tệ, đặc biệt là ở thời thơ ấu.
  • Do tính cách nhút nhát, rụt rè, thụ động, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng xã hội. Những người này sẽ có nỗi sợ lớn hơn đối với những lời chỉ trích, bình phẩm của người khác.
  • Những người hay gặp phải nhiều sự thất bại trong cuộc sống cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn đối với những lời nói, hành vi chỉ trích.

Nhìn chung thì nỗi sợ bị chỉ trích cũng không hoàn toàn vô lý như các ám ảnh sợ chuyên biệt khác, nhưng nó vẫn có sự ảnh hưởng nhất định đối với đời sống của mỗi người và cần khắc phục nhanh chóng.

Các dấu hiệu của nỗi sợ bị chỉ trích

Nỗi sợ bị chỉ trích có thể được thể hiện với nhiều cách, nhiều dạng cảm xúc và nhiều trạng thái khác nhau. Tùy vào tính cách, hoàn cảnh và vấn đề bị chỉ trích mà nỗi sợ cũng sẽ có những biểu hiện riêng biệt. Tuy nhiên nhìn chung thì nỗi sợ này thường sẽ được biểu hiện bởi các triệu chứng như sau:

  • Thiếu tự tin: Những người hay mang nỗi sợ bị chỉ trích thường sẽ không có sự tự tin vào chính bản thân mình, họ thường dễ mất bình tĩnh và không kiểm soát được chính mình. Khi đối diện với những lời chê trách họ thường trở nên căng thẳng, lạc giọng, khúm núm, nói năng không mạch lạc, quên trước quên sau.
  • E dè, ngại ngùng: Đây là biểu hiện rất thường thấy ở những người bị ám ảnh bởi lời nói, hành vi chỉ trích của người khác dành cho mình. Họ thường biểu hiện qua sự căng thẳng, luôn tỏ thái độ nhút nhát, rụt rè, ngại ngùng khi tham gia bất kì cuộc đối thoại nào hoặc cả những buổi họp. Họ thường có những cử chỉ vô cùng vụng về, luôn cuối mặt và chớp mắt liên tục.
  • Thiếu cá tính: Do không tự tin vào bản thân mình nên những người mang nỗi sợ bị chỉ trích sẽ không thể nào bộc lộ được cá tính riêng của mình. Họ thiếu sự quyết đoán, không có sức lôi cuốn hoặc khả năng biểu đạt ý kiến, mong muốn hoặc bất kì ý tưởng nào của bản thân một cách rành mạch, rõ ràng. Họ thường có xu hướng muốn né tránh các vấn đề thay vì tìm cách giải quyết và vượt qua nó. Đồng thời họ cũng dễ bị dẫn dắt bởi lời nói của người khác, làm theo những chỉ dẫn của người xung quanh mà không cần xem xét bất kì các yếu tố nào khác.
  • Mặc cảm, tự ti về bản thân: Do luôn có sự mặc cảm với bản thân nên họ thường có xu hướng sợ hãi bị người khác chỉ trích và phê bình những điểm xấu của mình. Những người này sẽ thường có thói quen chấp nhận và tự hài lòng giống như một lớp vỏ bọc để che giấu đi sự thiếu tự ti của chính mình. Họ rất thích sử dụng những lời lẽ, từ ngữ “cao to búa lớn” để có thể tạo được ấn tượng, gây chú ý với mọi người. Đồng thời họ cũng sẽ hay bắt chước theo lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc, phong cách của những người xung quanh. Rất thích khoe khoang, “nổ” về thành tích do mình tự tưởng tượng ra và luôn tỏ ra bản thân hơn người.
  • Thích chơi ngông: Người có nỗi sợ bị chỉ trích lại thường rất muốn thể hiện bản thân mình. Họ có xu hướng tỏ ra bằng bạn bằng bè, thường tiêu xài một cách hoang phí, thậm chí là vượt cả thu nhập của cá nhân chỉ để chứng tỏ bản thân.
  • Thiếu sáng kiến: Thường bị thất bại trong việc dùng các cơ hội để thăng tiến trong nghề nghiệp, công việc. Họ luôn lo sợ về việc thể hiện chính kiến của bản thân, thiếu sự tin tưởng vào lập trường của mình và hay có những câu trả lời thoái thác trước những yêu cầu, câu hỏi của sếp. Luôn do dự trong lời nói, cử chỉ, thậm chí đôi khi còn gian dối trong hành vi, ngôn từ.
  • Thiếu tham vọng: Khi nỗi sợ bị chỉ trích xâm chiếm lấy tâm trí sẽ khiến cho con người không còn dám khẳng định bản thân mình, mất dần sự tham vọng và luôn chần chừ trong mọi quyết định. Đồng thời họ cũng dễ bị tác động, thường dễ chấp nhận thất bại mà không hề có bất kì động thái chống lại nào.
  • Bồn chồn, bất an: Người sợ bị chỉ trích luôn cảm thấy lo lắng, bất an khi phải đối diện với những tình huống quan trọng hoặc những quyết định lớn trong cuộc đời. Họ thường băn khoăn, bồn chồn, lo sợ về những sự lựa chọn của mình, luôn e dè ánh mắt của người khác.

Bản chất và tác hại của nỗi sợ bị chỉ trích

Ai trong chúng ta đều tồn tại một nỗi sợ của riêng mình, nỗi sợ hãi luôn phát triển trong từng cá nhân. Các chuyên gia cho biết rằng, nỗi sợ bị chỉ trích cũng là một dạng nỗi sợ cơ bản trong bản chất tự nhiên của mỗi con người. Tuy nhiên, nỗi sợ này không chỉ khiến con người tìm cách để cướp đoạt tài sản, của cải của đồng loại mà còn luôn tìm lý do để biện minh, lý giải cho những hành động của bản thân bằng những lời chỉ trích, phê phán.

Có một thực tế khá bất ngờ rằng, những kẻ trộm lại có xu hướng chỉ trích những người mà hắn trộm. Nỗi sợ hãi này của con người cũng được lợi dụng để dùng nhiều cho các nhà thiết kế thời trang hoặc các hãng sản xuất quần áo. Mỗi mùa luôn có sự thay đổi về phong cách, kiểu dáng thời trang những câu hỏi được đặt ra là ai là người đã tạo ra những xu hướng đó? Tất nhiên người mua không thể nào là người tạo phong cách mà chính là các nhà thiết kế, những nhà sản xuất trang phục.

Nỗi sợ bị chỉ trích
Vì luôn sợ hãi bị người khác chỉ trích nên nhiều người luôn gặp nhiều cản trở trong công việc.

Cũng chính nỗi sợ bị chỉ trích đã khiến con người dần bị mất đi sự sáng tạo, óc tưởng tượng dần bị hủy hoại, tính cách cũng bị hạn chế rất nhiều. Đồng thời, nỗi sợ này còn làm mất đi tính tự lực, gây nên hàng loạt các thiệt hại nguy hiểm về người và của. Trong thực tế, đã có không ít các bậc phụ huynh liên tục sử dụng những lời nói, hành vi chỉ trích đối với con cái. Liên tục chửi mắng, la rầy và dùng những lời lẽ để hạ thấp danh dự, nhân phẩm của con trẻ.

Trẻ em khi liên tục nhận được những lời chỉ trích, phê phán thậm tệ sẽ dễ rơi vào tình trạng tổn thương tâm lý nặng nề, gây ảnh hưởng đến kết quả học tập và cả tương lai sau này. Có nhiều trẻ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, không thể phân biệt được những lời chỉ trích mang tính đóng góp hay nhầm mục đích phỉ báng và liên tục cảm thấy chán ghét bản thân, cho rằng mình là kẻ vô dụng, bất tài.

Đồng thời, việc liên tục dành cho nhau những lời chỉ trích càng khiến cho mối quan hệ trở nên tồi tệ. Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý thì chỉ trích có thể gieo nỗi sợ hãi hoặc thậm chí là sự oán hận vào trái tim và tâm trí của mỗi con người, đồng thời nó còn giết chết cả tình yêu thương và sự thiện cảm.

Làm sao để vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích

Như đã chia sẻ, lời chỉ trích không bao giờ là dễ nghe và nỗi sợ bị chỉ trích cũng tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của con người. Chính vì thế bạn cần phải biết cách kiểm soát và vượt qua nỗi sợ của mình bằng các cách sau đây:

1. Bĩnh tĩnh lắng nghe lời chỉ trích

Việc đầu tiên mà bạn cần làm để không còn cảm thấy lo sợ trước những lời chỉ trích đó chính là học cách kiểm soát cảm xúc, giữ bình tĩnh và phản ứng nhẹ nhàng trước những lời nói phê phán, chê trách. Nếu có thể làm được điều này, bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi những lợi ích mà nó mang lại. Chính vì thế, hãy cố gắng kiểm soát những cơn tức giận của bản thân, học cách lắng nghe chân thành, suy nghĩ theo hướng tích cực.

Nỗi sợ bị chỉ trích
Bạn cần phải biết cách kiểm soát cảm xúc, giữ thái độ bình tĩnh trước những lời chỉ trích.

Khi có được một thái độ bình thản, bạn cũng sẽ biết được bản thân nên làm gì với những lời góp ý, chỉ trích của mọi người xung quanh. Nếu người chỉ trích có ý tốt thì bạn nên tiếp thu và rút ra những bài học quý báu cho mình. Ngược lại, nếu những lời phê bình đó không mang tính giúp đỡ thì sự bình tĩnh của bạn sẽ giúp bạn che đậy được những điểm yếu của bản thân, đồng thời khiến đối phương cảm thấy thất vọng về mưu đồ của mình.

Ngoài ra, khi nghe những lời nói chỉ trích, bạn cũng nên đón nhận nó bằng một thái độ cầu thị, sẵn sàng sửa đổi những thiếu sót của mình nếu điều đó mang lại lợi ích cho bạn. Còn nếu bạn hoàn toàn không có lỗi thì cũng nên giữ bình tĩnh và bày tỏ quan điểm của mình một cách rõ ràng và sáng suốt. Nếu bạn vẫn cứ tiếp tục bị khiêu khích thì hãy chọn cách phớt lờ sự công kích đó, nó sẽ giúp bạn hạn chế sự khó chịu và cảm giác lo sợ.

2. Suy nghĩ về bản thân

Khi đối mặt với những lời chỉ trích, nỗi sợ hãi sẽ thôi thúc bạn suy nghĩ về việc bản thân đã phá hư mọi chuyện, bạn cảm thấy thật xấu hổ và cho rằng mình đã phạm một lỗi lầm cực lớn. Cũng chính vì suy nghĩ này mà khiến cho chúng ta cảm thấy bản thân thật vô dụng, cho rằng mình bất tài và không có năng lực.

Vì thế, để có thể khắc phục được nỗi sợ hãi khi bị chỉ trích thì bạn cần phải nhanh chóng đặt ra những câu hỏi cho bản thân, “Tôi có làm sai không?”, “Lỗi sai của tôi là gì?”, “Yếu tố nào đã làm cho họ tức giận như vậy?”. Sau khi suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này và đã có câu trả lời cho bản thân thì bạn cũng sẽ phần nào cũng thấy thoải mái hơn.

Nếu lỗi lầm không thuộc về bạn và lời chỉ trích đó không mang tính xây dựng để giúp bạn tốt hơn thì bạn hãy bỏ qua nó. Còn nếu bạn đang có khuyết điểm thì hãy cố gắng nhìn nhận và sửa chữa chúng. Tuy nhiên, cũng nên tự nhắc nhở bản thân rằng “Ai cũng sẽ có những sai lầm và điều quan trọng nhất đó chính là bạn biết cách nhìn nhận, sửa chữa”.

3. Nâng cao năng lực của bản thân

Một trong các lý do thường thấy khiến bạn luôn bị chỉ trích đó chính là sự yếu kém về năng lực, thiếu kỹ năng. Chính vì thế, để hạn chế những lời nói và hành động phê phán bạn cần phải chú ý rèn luyện và nâng cao năng lực của bản thân mình. Khi có năng lực bạn sẽ dễ dàng hoàn thành tốt các công việc được giao và có được vị thế vững chắc trong nghề nghiệp cũng như tạo dựng được nhiều mối quan hệ tốt đẹp.

Nỗi sợ bị chỉ trích
Rèn luyện và nâng cao năng lực của bản thân là cách tốt nhất để bạn vượt qua nỗi sợ bị phê phán.

Đồng thời, khi bạn nhận được những lời chỉ trích từ người khác thì bạn cũng sẽ dễ dàng đánh giá đúng sai. Nếu những ý kiến đó không đúng với thực tế thì bạn sẽ có đủ khả năng để phản biện, ứng phó kịp thời. Những người có đủ năng lực và kỹ năng xã hội, có chuyên môn nghề nghiệp tốt sẽ luôn tự tin vào chính mình, khéo léo trong việc xử lý mọi tình huống khó khăn.

4. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia

Đôi khi chính bản thân bạn cũng khó có thể giúp mình thoát khỏi những nỗi sợ hãi bởi lời chỉ trích, phê phán của người khác dành cho mình. Đồng thời, cũng có rất nhiều người sử dụng lời chỉ trích để hạ nhục, chà đạp và xúc phạm danh dự của một ai khác khiến họ bị tổn thương tâm lý một cách nghiêm trọng, thậm chí có người còn phát triển chứng rối loạn nhân cách né tránh.

Người bệnh cần cân nhắc đến việc tìm gặp chuyên gia, bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ biện pháp điều trị thích hợp. Tùy vào mỗi tình trạng và mức độ của nỗi sợ mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp cải thiện thích hợp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp xuất hiện nỗi sợ bị chỉ trích có liên quan đến các rối loạn tâm thần thì cần phải trị liệu tâm lý trong thời gian dài, đôi lúc cần phải kết hợp với việc sử dụng thuốc điều trị.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trên đây là một vài thông tin để giúp bạn hiểu hơn về nỗi sợ bị chỉ trích, đồng thời biết cách khắc phục và vượt qua nó dễ dàng. Mong rằng bạn đọc sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, nâng cao kỹ năng sống để có thể bĩnh tĩnh đón nhận những lời chỉ trích và khắc phục nó một cách tốt nhất.

Tham khảo thêm:

3.7/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *