Nỗi sợ hãi: Nguyên nhân, biểu hiện và cách vượt qua
Chắc rằng mỗi chúng ta đều tồn tại ít nhất một nỗi sợ hãi và đây cũng được xem như một phần tất yếu của cuộc sống. Mặc dù thế, nếu nỗi sợ cứ kéo dài dai dẳng và biểu hiện một cách quá mức sẽ gây nên nhiều phiền toái, làm cản trở đến quá trình học tập, làm việc và cả các mối quan hệ của bạn.
Thế nào là nỗi sợ hãi?
Nỗi sợ hãi được đánh giá là một trong các cảm xúc tất yếu của cuộc sống, ai trong chúng ta cũng sẽ tồn tại ít nhất một nỗi sợ từ một mối đe dọa nào đó hoặc là một nỗi sợ vô hình vô cùng khó chịu. Nỗi sợ là một cảm xúc rất mạnh mẽ, nó thường xuất hiện khi bạn phải đối mặt hoặc dự đoán về một tình huống đe dọa, nguy hiểm khiến bạn cảm thấy lo lắng và bất an. Tâm trí của bạn lúc này sẽ bắt đầu đề phòng và cảnh giác cao độ hơn, nó thúc đẩy cơ thể bạn phải thực hiện các hành động đối phó, đưa ra lựa chọn đối mặt hoặc bỏ chạy.
Nỗi sợ là một cơ chế tự nhiên của con người, nó có thể giúp chúng ta nhận biết được các mối nguy hiểm có thể xảy ra để đưa ra những hình thức ngăn cản hoặc chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đối phó với nó. Thông thường thì nỗi sợ hãi sẽ xuất hiện khi chúng ta đối diện với một hoặc nhiều mối đe dọa tức thời, nó có thể là vô hình hoặc hữu hình.
Lúc này, ngoài cảm giác sợ hãi thì con người còn xuất hiện hàng loạt các triệu chứng về cơ thể khác như thở gấp, tim đập nhanh, hụt hơi, ớn lạnh, tức ngực, tay chân run rẩy, ra nhiều mồ hôi, đứng ngồi không yên, mắt đảo liên hồi, buồn nôn,….Đôi khi bản thân bạn nhận biết được sự vô lý của nỗi sợ này nhưng không thể nào tự khống chế được chính mình.
Nỗi sợ hãi là một cảm giác bẩm sinh có ở mỗi người nhưng nó cũng được xem như một cảm giác vô cùng đặc biệt. Khác với sự lo lắng, nỗi sợ có mức độ cao hơn bởi chúng có thể làm cho bạn trở nên mất tự chủ và dễ gây nên nhiều hành vi thiếu suy nghĩ, ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân và cả những người xung quanh. Chính vì thế, chúng ta cũng cần phải có cách tự khắc phục những nỗi sợ hãi của bản thân để hạn chế được những tác động xấu mà nó gây ra.
Biểu hiện của nỗi sợ hãi
Khi đối mặt với các mối đe dọa khiến bạn trở nên sợ hãi thì cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện hàng loạt các triệu chứng khác nhau. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì khi cơ thể đang trong trạng thái sợ hãi thì hàm lượng hormone adrenaline sẽ gia tăng đáng kể. Đây là loại hormone thường xuyên xuất hiện nếu cơ thể tồn tại các cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như lo lắng, sợ hãi, buồn phiền.
Khi gặp phải các vấn đề gây sợ hãi, bạn sẽ cảm thấy:
- Lo lắng ngay lập tức, cảm thấy sợ và hoang mang khi phải tiếp xúc hoặc thậm chí là nghĩ về các sự việc, sự vật đó.
- Ngay cả khi bạn dự đoán hoặc biết trước được tình huống, nhận thức được sự an toàn của sự vật nhưng vẫn cảm thấy sợ hãi và khó tự kiềm chế bản thân.
- Mức độ lo lắng sẽ gia tăng mạnh mẽ nếu sự việc, sự vật đó càng tiến lại gần.
- Đối mặt với lựa chọn, tránh né hay chịu đựng nỗi sợ.
- Vì lo lắng, sợ hãi nên các hoạt động bình thường trở nên vô cùng khó khăn.
- Bên cạnh đó, còn xuất hiện rất nhiều các triệu chứng cơ thể như tay chân run rẩy, mất kiểm soát, thở gấp, nhịp tim tăng nhanh, khô miệng, buồn nôn, ớn lạnh, tức ngực, hụt hơi, ra nhiều mồ hôi, khó chịu ở bụng,…
Khi nỗi sợ liên tục kéo dài và không có biện pháp khắc phục tốt sẽ làm cho bạn trở nên buồn chán, phiền muộn, lo âu, mất dần hứng thú và có xu hướng đề phòng với mọi thứ xung quanh. Hơn thế, nhiều trường hợp còn có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển hoặc làm trầm trọng hơn các vấn đề sức khỏe tâm lý khác, ví dụ như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu,….
Nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi
Nỗi sợ hãi có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy vào mỗi độ tuổi, tính cách, giới tính và kinh nghiệm sống của mỗi người mà nguồn gốc của nỗi sợ cũng có phần riêng biệt. Tuy nhiên, nhìn chung thì nỗi sợ đều sẽ xuất phát từ những tình huống, sự vật mà người đó cho rằng nó ảnh hưởng và đe dọa đến sức khỏe, cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp khác, nỗi sợ hình thành do một số vấn đề tâm lý nào đó.
Về nguồn gốc và nguyên nhân gây ra cảm giác sợ hãi, các chuyên gia cũng đã tìm hiểu và chia thành 2 nhóm riêng biệt như sau:
1. Nỗi sợ hãi từ mối đe dọa thực sự
Theo đánh giá của các chuyên gia thì nỗi sợ từ mối đe dọa thực sự được xem là có tính chất tích cực về mặt nguồn gốc. Cũng bởi, đối với nỗi sợ này sẽ giúp chúng ta phát hiện và cảnh giác về những mối đe dọa thực sự sắp xảy ra. Cũng chính nhờ thế mà bạn có thể tìm ra được cách thức để tự bảo vệ cho chính mình và đối phó tốt với những tình huống, sự việc gây sợ hãi.
Khi nhận thức được mối đe dọa đang tiến gần, cơ thể sẽ bắt đầu hình thức tâm lý lo sợ, căng thẳng, hoang mang. Khi ấy, nồng độ hormone adrenalin cũng sẽ gia tăng đáng kể gây nên hàng loạt các triệu chứng khó chịu. Những mối đe dọa này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt đời sống hoặc thậm chí là tính mạng của bạn.
Đối với một số tình huống mang tính chất cực kì nghiêm trọng và khó có thể khắc phục tốt sẽ khiến cho nhiều người mất dần sự kiểm soát, trở nên hoảng loạn hoặc thậm chí là ngất xỉu. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc và khả năng chịu đựng của mỗi người mà các triệu chứng sợ hãi cũng sẽ có phần khác nhau.
2. Nỗi sợ hãi vô hình
Bên cạnh những nỗi sợ hữu hình về những mối đe dọa thực sự trong đời sống thì những nỗi sợ vô hình cũng luôn tồn tại, thậm chí nó còn chiếm phần lớn và làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Thông thường, bạn sẽ dễ cảm thấy lo sợ, bất an và đề phòng nhiều hơn đối với những vấn đề, sự việc mà trên thực tế nó không tác động hoặc không đe dọa đến sức khỏe, cuộc sống và tính mạng của bạn. Hơn thế, có những nỗi sợ về những đối tượng, tình huống hoàn toàn không có thực mà chỉ xuất phát từ trí tưởng tượng của con người.
Nỗi sợ vô hình sẽ được chia thành các nhóm cụ thể như sau:
2.1 Nỗi sợ hãi bẩm sinh
Yếu tố bẩm sinh đóng vai trò quan trọng có khả năng gây ảnh hưởng lớn đối với nỗi sợ hãi của mỗi người. Kết quả của một cuộc nghiên cứu khoa học cho biết, não bộ của chúng ta có tồn tại một khu vực được gọi là trung tâm của các nỗi sợ hãi. Vị trí của khu vực này nằm ngay trong vùng trung tâm của não bộ – hippocampus bên trong thùy thái dương.
Nó có chức năng kiểm soát và chi phối nỗi sợ của con người. Ở những trường hợp bị bất cân bằng hoặc vùng não này có cấu trúc bất thường sẽ dễ khiến cho con người hình thành một nỗi sợ quá mức đối với các sự việc, hiện tượng không mang tính chất nguy hiểm.
2.2 Nỗi sợ tâm lý
Tâm lý được xem là một trong các nguồn gốc cơ bản và phổ biến nhất có thể gây nên rất nhiều các nỗi sợ vô hình. Thông thường, những nỗi sợ này xảy ra đều có liên quan đến môi trường sống và các trải nghiệm đã từng xuất hiện trong quá khứ. Chẳng hạn như ma quỷ là một trong những nỗi sợ rất lớn đối với cả trẻ nhỏ cho đến những người trưởng thành.
Mặc dù không biết rõ hình dáng, chưa từng gặp hoặc thậm chí là không thể xác định được ma quỷ có tồn tại thực sự không nhưng vẫn có nhiều người cảm thấy sợ hãi về điều này, nhất là khi họ ở một mình vào ban đêm. Hoặc một số người cũng có nỗi sợ hãi về những đối tượng hoặc tình huống đã từng gây tổn thương tâm lý ở quá khứ, đặc biệt là thời thơ ấu.
3. Nỗi sợ kết hợp
Nỗi sợ này là sự kết hợp giữa nguồn gốc của nỗi sợ từ mối đe dọa thực sự và nỗi sợ vô hình. Có thể nói, nỗi sợ này mang tính chất phức tạp và khó kiểm soát nhất. Tuy nhiên, loại sợ hãi này thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn khi chúng ta vẫn chưa thể nhận biết và chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần.
Nỗi sợ hãi có gây ảnh hưởng gì không?
Như đã chia sẻ ở trên, nỗi sợ hãi là một phần của cuộc sống, nó cũng giống như các cảm xúc vui, buồn, tức giận, chán nản, ghen tị,…Xét về mặt cơ bản thì cảm xúc này cũng góp phần tạo nên nhân cách, có sự ảnh hưởng nhất định đối với đời sống sinh hoạt, quá trình học tập, nghề nghiệp và cả những mối quan hệ xã hội của con người.
Kết quả của một vài nghiên cứu nhận thấy rằng, khi xuất hiện cảm giác sợ hãi, cơ thể sẽ bắt đầu trở nên nhạy bén, linh hoạt và can đảm hơn so với bình thường. Khi đứng trước một mối đe dọa khiến bạn cảm thấy sợ hãi thì bắt buộc bạn phải tìm cách ứng phó thật nhanh chóng để đẩy lùi sự việc, tình huống nguy hiểm.
Tuy nhiên, nếu mức độ của nỗi sợ hãi vượt qua tầm kiểm soát thì có khả năng làm cho cơ thể trở nên mất tự chủ. Lúc này bạn không thể điều chỉnh và quản lý tốt hành vi, lời nói của bản thân, thậm chí bắt đầu trở nên hoảng loạn, nhiều trường hợp còn ngất xỉu.
Trong thực tế, những nỗi sợ hãi thường ngày không gây ảnh hưởng quá nhiều đối với sức khỏe của con người. Cũng bởi nó chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, khi sự việc gây sợ hãi tiến gần. Tuy nhiên, đối với một số nỗi sợ quá lớn, liên tục kéo dài cũng sẽ có tác động tiêu cực đối với hoạt động của não bộ và tim mạch. Nhiều trường hợp có thể dẫn đến đột quỵ hoặc đột tử khi huyết áp gia tăng đột ngột lúc sợ hãi.
Một số ảnh hưởng mà nỗi sợ hãi có thể gây ra như:
- Gia tăng cảm xúc tiêu cực như phiền muộn, lo lắng, bất an, buồn chán,…Thậm chí nếu nỗi sợ hãi cứ kéo dài liên tục từ năm này qua năm khác cũng có nhiều khả năng làm khởi phát các tình trạng rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc một số vấn đề tâm lý khác.
- Sợ hãi quá mức có thể là suy giảm chất lượng cuộc sống, kết quả học tập, hiệu suất công việc của con người.
- Nỗi sợ hãi liên tục xuất hiện sẽ làm gia tăng mức độ nhạy cảm, con người có thể dần biến đổi về mặt cảm xúc, nhận thức, hành vi và trở nên kích động, dễ cáu gắt. Điều này cũng một phần tạo nên những mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ.
- Cảm xúc sợ hãi kéo dài cũng có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe tim mạch, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đau nửa đầu, căng cơ, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu não, rối loạn tiền đình.
Chính vì thế, nếu nhận thấy nỗi sợ hãi gây ảnh hưởng và làm cản trở đến cuộc sống thì bạn cần phải tìm cách khắc phục nhanh chóng. Nếu không thể tự giải quyết và kiểm soát tốt nỗi sợ của bản thân thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa.
Làm gì để vượt qua nỗi sợ hãi của bạn
Về bản chất, nỗi sợ hãi không mang tính tiêu cực nhưng không phải nỗi sợ nào cũng đúng và không gây ảnh hưởng đến đời sống của con người. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần phải học cách đối phó tốt với các nỗi sợ của bản thân, vượt qua giới hạn của chính mình để có thể cân bằng cuộc sống, hỗ trợ tốt cho công việc.
Để có thể vượt qua được nỗi sợ hãi một cách hiệu quả, bạn có thể thử áp dụng một số cách sau đây:
- Thư giãn, áp dụng các kỹ thuật thả lỏng cơ thể: Đây là một trong những cách mang lại hiệu quả tạm thời. Nếu cảm thấy quá sợ hãi, bạn hãy thử hít thở thật sâu để kích thích các phản ứng thả lỏng của cơ thể. Việc thực hiện tốt các động tác hít thở cơ bản sẽ giúp bạn dần kiểm soát được nỗi sợ hãi của mình, giảm bớt căng thẳng, lo âu và dần ổn định hơn về mặt tâm lý.
- Đối diện với nỗi sợ hãi: Cách tốt nhất giúp bạn có thể vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình là xác định và đối mặt với nó. Chỉ có dũng cảm đối diện với những yếu tố gây sợ hãi mới giúp bạn dần trở nên mạnh mẽ và gạt bỏ được nỗi sợ của mình. Hãy xem đây như cách giải quyết duy nhất mà bạn có thể làm ngay lúc này, bạn không thể chạy trốn khỏi sự việc, đối tượng đó và nếu muốn tồn tại thì bạn phải đối diện với nó.
- Nâng cao kỹ năng, các trải nghiệm thực tế: Để có thể giảm bớt những nỗi sợ hãi về mọi thứ xung quanh cuộc sống thì điều bạn cần làm đó chính là nâng cao kỹ năng và năng lực của bản thân. Ví dụ như nếu bạn sợ thuyết trình và nói trước đám đông thì hãy học và đầu tư cho mình những kiến thức cần thiết, nâng cao chuyên môn, cải thiện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp để có thể tự tin hơn khi đứng trước đám đông.
- Rèn luyện thể chất: Nghe có vẻ khá vô lý nhưng trong một cuộc nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí The Mayo Clinic của Mỹ đã nói về công dụng tuyệt vời của việc duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày. Theo đó các chuyên gia cho biết, khi cơ thể được vận động đúng cách sẽ giúp kích thích sản sinh hormone endorphin với công dụng giảm bớt lo lắng, sợ hãi và giúp bạn giữ được sự bình tĩnh.
- Tự động viên và nhắc nhở bản thân: Hãy cố gắng thử thách bản thân nhiều hơn, bạn có thể thử sức với những mức độ thấp và tăng dần lên cao. Đồng thời hãy luôn nhắc nhở và tự khuyến khích bản thân cần phải dũng cảm hơn nữa. Khi đối diện với nỗi sợ hãi, bạn có thể liên tục nghĩ rằng “Tôi làm được”, ” Tôi có thể vượt qua”.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý: Trong những trường hợp bạn không thể tự kiểm soát nỗi sợ hãi của bản thân thì cách tốt nhất đó chính là tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý. Việc trò chuyện trực tiếp về nỗi sợ hãi của mình sẽ giúp bạn phần nào giải tỏa được những nỗi lo lắng, giải phóng những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Các chuyên gia cũng sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn hơn, hướng dẫn bạn cách kiểm soát cảm xúc, chế ngự nỗi sợ của bản thân. Thông thường, đối với các trường hợp này thì nhà trị liệu sẽ ưu tiên áp dụng 2 phương pháp, liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp phơi nhiễm.
Nỗi sợ hãi là một trong những cảm xúc tự nhiên của con người và bạn khó có thể tránh khỏi việc sợ hãi về một điều gì đó xảy ra trong cuộc sống. Hi vọng qua thông tin của bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về những cảm xúc của bản thân và có cách vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!