Bệnh Hưng Cảm Là Gì? Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị

Hưng cảm là một dạng rối loạn cảm xúc, đặc trưng bởi khí sắc tăng cao, tinh thần lạc quan, phấn chấn, hành vi cường điệu và khó kiểm soát. Trạng thái này xuất hiện trong bệnh rối loạn lưỡng cực bên cạnh các giai đoạn trầm cảm.

bệnh hưng cảm là gì
Hưng cảm không được xem là bệnh đơn độc mà là biểu hiện của rối loạn lưỡng cực

Bệnh hưng cảm là gì?

Hưng cảm hay rối loạn hưng cảm (Tiếng Anh: Mania) là trạng thái cảm xúc tăng cao với biểu hiện đặc trưng là tinh thần lạc quan, vui vẻ, phấn chấn, tràn đầy năng lượng, gia tăng các hoạt động thể chất và hành vi trở nên cường điệu, khó kiểm soát. Trạng thái này ngược lại hoàn toàn với trầm cảm (cảm xúc giảm thấp, khí sắc trầm buồn và cơ thể giảm năng lượng).

Hưng cảm không được xem là bệnh đơn độc mà là một giai đoạn của rối loạn lưỡng cực – một dạng rối loạn cảm xúc thường gặp. Rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm xen kẽ. Trong đó, hưng cảm thường xuất hiện trước, sau đó thuyên giảm dần và chuyển sang giai đoạn trầm cảm.

Các triệu chứng của hưng cảm dễ bị nhầm lẫn với trạng thái phấn khích do sử dụng chất gây nghiện và ảnh hưởng của một số bệnh lý thể chất. Do đó, hưng cảm chỉ được chẩn đoán khi đã loại trừ những nguyên nhân có thể xảy ra.

Nhiều người nhầm tưởng rằng, hưng cảm là trạng thái cảm xúc nâng cao nên mang lại nhiều lợi ích. Mặc dù trạng thái này ít khi dẫn đến hành vi tự sát, tự hại như trầm cảm. Tuy nhiên, do người bệnh không thể kiểm soát hành vi, cảm xúc và đôi khi có những quyết định liều lĩnh nên sẽ phải đối mặt với một loạt các hậu quả nặng nề về tài chính, các mối quan hệ, công việc và đôi khi là cả tính mạng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh hưng cảm

Hưng cảm là trạng thái cảm xúc ngược lại hoàn toàn với trầm cảm. Sự hưng phấn của khí sắc không chỉ được thể hiện qua tâm trạng mà còn biểu hiện qua hành vi và suy nghĩ (tư duy). Tương tự như trầm cảm, hưng cảm cũng có 3 mức độ khác nhau là hưng cảm nhẹ, hưng cảm và hưng cảm nặng (có kèm triệu chứng loạn thần).

1. Triệu chứng hưng cảm nhẹ (Hypomania)

Hưng cảm nhẹ có triệu chứng tương đối khó nhận biết vì khí sắc chỉ tăng nhẹ. Nhiều bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi ở trạng thái này do tâm trạng luôn lạc quan, vui vẻ và bản thân tràn đầy năng lượng, sáng tạo và nhiệt huyết.

Hội chứng hưng cảm
Trong cơn hưng cảm nhẹ, bệnh nhân luôn cảm thấy vui vẻ, lạc quan, tràn đầy năng lượng và tăng khả năng sáng tạo

Các triệu chứng nhận biết hưng cảm nhẹ:

  • Khí sắc tăng nhẹ với biểu hiện chính là nhiệt tình, lạc quan, vui vẻ, tươi vui,…
  • Luôn hoạt bát, năng nổ và nhiệt tình trong các hoạt động
  • Gia tăng các hoạt động thể chất ở mức vừa phải như nói khá nhanh, hay hát hò, chạy nhảy,…
  • Giảm nhu cầu ngủ, trung bình chỉ ngủ khoảng 3 – 5 giờ đồng hồ nhưng cơ thể luôn tràn trề năng lượng và khỏe mạnh
  • Khả năng giao tiếp tăng, trở nên nhạy bén, linh hoạt và chủ động
  • Những người làm công việc đòi hỏi sự sáng tạo thường tăng khả năng sáng tạo và đưa ra những ý kiến mới mẻ, đột phá trong thời gian này.
  • Một số bệnh nhân có thể trở nên gắt gỏng, cáu kỉnh và tức giận vì các lý do không chính đáng.

Nhìn chung, các triệu chứng hưng cảm nhẹ không quá điển hình và dễ bị nhầm lẫn với trạng thái phấn khích thông thường. Trong giai đoạn này, chất lượng cuộc sống của người bệnh không bị ảnh hưởng quá nhiều. Thậm chí, một số người cảm thấy tự tin hơn và hiệu suất công việc tăng trong trạng thái hưng cảm nhẹ.

2. Dấu hiệu nhận biết hưng cảm

Hưng cảm điển hình có triệu chứng rõ rệt hơn so với hưng cảm nhẹ. Khí sắc tăng cao khiến người bệnh khó kiểm soát hành vi, có những hành động ngông cuồng, thái quá và suy nghĩ thiếu thực tế. Các triệu chứng hưng cảm thường kéo dài trong ít nhất 7 ngày hoặc lâu hơn tùy theo từng trường hợp.

Các dấu hiệu nhận biết trạng thái hưng cảm:

  • Khí sắc tăng, cảm thấy vui vẻ, lạc quan và phấn chấn một cách kỳ lạ dù không hề có bất cứ tác động nào (sự kiện thúc đẩy, lời động viên,…)
  • Dễ bị kích thích, người bệnh có thể cáu kỉnh, tức giận vì những chuyện rất nhỏ và đôi khi có hành vi gây hấn.
  • Ngủ ít (chỉ 2 – 3 giờ/ ngày) và ăn ít nhưng cơ thể luôn tràn trề sức sống.
  • Tư duy bị phân tán hoặc dồn dập với các biểu hiện như khó tập trung, dễ bị phân tán với những tác động bên ngoài, nói liên tục, không ngừng nghỉ và thường xuyên thay đổi chủ đề khi nói. Người bệnh có nhiều luồng suy nghĩ khiến cho tốc độ nói trở nên nhanh hơn nhưng lời nói tối nghĩa và khó hiểu.
  • Tăng tính tự trọng, tự tin và thậm chí là tự cao, ngạo mạn do phóng đại năng lực của bản thân.
  • Có những hành vi kịch tính như đi lại như diễu binh, thể hiện bản thân quá mức
  • Tăng ham muốn tình dục, có hành vi quyến rũ người khác, quan hệ tình dục không an toàn và phô trương đời sống tình dục.
  • Đặt ra nhiều mục tiêu nhưng hầu hết đều xa rời thực tế, hão huyền và gần như không thể hoàn thành.
  • Mua sắm không tính toán, chơi bài bạc, đua xe, đầu tư rủi ro và có những hành vi liều lĩnh khác.
  • Một số người có xu hướng thay đổi cách ăn mặc. Trong trạng thái hưng cảm, bệnh nhân yêu thích các trang phục sặc sỡ, lòe loẹt và dành nhiều thời gian chăm chút cho ngoại hình dù trước đây là người có lối sống tối giản.
  • Thiếu sự thấu hiểu, đồng cảm và mất khả năng phê phán bản thân.

Ở trạng thái hưng cảm, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả về sức khỏe, tài chính và chất lượng cuộc sống. Nhiều người mặc dù nhận thức được hậu quả của những hành vi liều lĩnh nhưng không thể nào kiểm soát bản thân.

3. Dấu hiệu hưng cảm nặng (hưng cảm kèm loạn thần)

Hưng cảm nặng hay hưng cảm kèm loạn thần có mức độ nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân gặp phải tình trạng này sẽ có triệu chứng hưng cảm đi kèm với các biểu hiện loạn thần như sau:

nguyên nhân hội chứng hưng cảm
Hưng cảm kèm loạn thần đặc trưng bởi các hoang tưởng, ảo thanh và ảo giác
  • Có các hoang tưởng cho rằng bản thân là vị thần linh, chúa Giesu hoặc đang bị theo dõi bởi tổ chức FBI, các tổ chức ngầm, bí ẩn,…
  • Xuất hiện ảo thanh, ảo giác cho rằng bản thân có tài năng và ngoại hình hơn những người khác.
  • Đôi khi xuất hiện hoang tưởng không phù hợp với trạng thái cảm xúc như hoang tưởng bị hại (bản thân đang gặp nguy hiểm, bị ám sát), ảo thanh là những lời bình phẩm, chỉ trích bản thân hoặc các hoang tưởng với nội dung liên quan đến tình dục.
  • Trong cơn hưng cảm, bệnh nhân dễ bị kích thích, cảm xúc thiếu ổn định và rất dễ nóng giận, gây hấn với những người xung quanh.

Các triệu chứng hưng cảm trái ngược hoàn toàn với trầm cảm. Trạng thái này thường kéo dài ít nhất 1 tuần và gây ra nhiều ảnh hưởng đến nghề nghiệp, các mối quan hệ, tài chính và những khía cạnh khác của cuộc sống.

Nguyên nhân gây bệnh hưng cảm

Nguyên nhân gây hưng cảm và các dạng rối loạn cảm xúc đều chưa được xác định. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu đã cho thấy bằng chứng rõ ràng về vai trò của những yếu tố sau trong cơ chế bệnh sinh:

nguyên nhân hội chứng hưng cảm
Bất thường về cấu trúc và hoạt động của não bộ được xem là nguyên nhân gây hội chứng hưng cảm
  • Do các yếu tố sinh học: Các yếu tố sinh học như di truyền, bất thường của hệ trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, bất thường ở tuyến giáp và sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh (đặc biệt là dopamin) đã được xác định có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của bệnh hưng cảm.
  • Các yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường không hẳn là nguyên nhân gây bệnh nhưng được xem là yếu tố khởi phát bệnh. Đa phần các trường hợp khởi phát hoặc tái phát bệnh trước đó đều bị stress và phải trải qua những tác động tiêu cực trong cuộc sống. Ngoài ra, những trải nghiệm tiêu cực cũng là yếu tố khởi phát các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn lo âu,…
  • Bất thường về não bộ: Khi nghiên cứu cấu trúc não bộ của bệnh nhân hưng cảm, các bác sĩ nhận thấy có một số vấn đề bất thường như tiểu não tăng hoạt động tương đối, vùng đồi thị mất điều hòa, hạch hạnh nhân và vùng thể vân bụng tăng hoạt động, thiếu hụt tế bào đệm, mật độ tế bào thần kinh,… Sự bất thường về cấu trúc và hoạt động của não bộ được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tăng nồng độ dopamin. Kết quả là sự gia tăng khí sắc cùng với một loạt các triệu chứng bất thường về tư duy và hành động.

Mặc dù các nghiên cứu về căn nguyên và cơ chế bệnh sinh còn nhiều hạn chế nhưng hiện tại, các chuyên gia phần nào hiểu được đặc điểm bệnh. Nhìn chung, cơ chế bệnh sinh của hưng cảm ít phức tạp hơn trầm cảm. Tuy nhiên, các hành vì liều lĩnh và ngông cuồng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn.

Hậu quả của bệnh hưng cảm

Trên lâm sàng, hưng cảm ít được quan tâm hơn so với trầm cảm. Nguyên nhân là do trầm cảm có cơ chế phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Ở giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân không nghĩ đến cái chết và hoàn toàn không có hành vi tự sát. Tuy nhiên, người bệnh sẽ phải đối mặt với hậu quả do các hành vi ngông cuồng và liều lĩnh gây ra.

Các hành vi như mua sắm quá mức, không cân đối chi tiêu, đầu tư rủi ro, đua xe, đánh bài bạc, quan hệ tình dục không an toàn,… sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tài chính và sức khỏe. Rất nhiều bệnh nhân phải gánh chịu các hậu quả không thể khắc phục như mắc các bệnh xã hội do quan hệ tình dục bừa bãi, thương tật vĩnh viễn do đua xe,…

chứng hưng cảm là gì
Bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả do các hành vi ngông cuồng và liều lĩnh trong cơn hưng cảm

Ngoài ra, tình trạng thiếu tập trung khi làm việc cũng khiến cho người bệnh phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Tuy nhiên, những bệnh nhân hưng cảm nhẹ có thể hoàn thành tốt công việc và đạt được một số thành tựu to lớn. Bên cạnh đó, khí sắc tăng cao, không ổn định và dễ kích thích cũng khiến người bệnh dễ cáu kỉnh, nóng nảy và có các hành vi gây hấn với những người xung quanh.

Trạng thái hưng cảm không dẫn đến những hành vi tự hủy hoại hay tự sát. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, hưng cảm có thể gia tăng nguy cơ mắc phải một số rối loạn tâm lý, tâm thần như rối loạn hoang tưởng, hưng cảm loạn thần, rối loạn đa nhân cách và một số rối loạn nhân cách có liên quan.

Hưng cảm là triệu chứng của rối loạn lưỡng cực – một dạng rối loạn cảm xúc mãn tính và tiến triển dai dẳng. Do đó, người có biểu hiện hưng cảm không do nghiện chất hay các tổn thương thực thể bắt buộc phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Chẩn đoán hưng cảm bằng cách nào?

Hưng cảm được chẩn đoán chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng. Bác sĩ có thể sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 hoặc ICD-10 để chẩn đoán bệnh lý này. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn trên, hưng cảm chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tuần và ảnh hưởng đáng kể đến việc học, nghề nghiệp, các mối quan hệ xã hội,…

Trạng thái hưng cảm có thể là hệ quả do sử dụng chất và tổn thương thực thể. Do đó, bệnh nhân sẽ phải thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ một số nguyên nhân có thể xảy ra. Trong trường hợp có biểu hiện loạn thần, quá trình chẩn đoán thường mất nhiều thời gian hơn. Ngoài các xét nghiệm thường quy, bệnh nhân cần thực hiện thêm trắc nghiệm tâm lý, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng,…

Các phương pháp điều trị bệnh hưng cảm hiệu quả

Như đã đề cập, rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn cảm xúc mãn tính và tiến triển dai dẳng. Do đó, các triệu chứng hưng cảm thường dễ tái phát và để lại nhiều biến chứng, hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù chưa thể điều trị dứt điểm nhưng nếu tích cực điều trị, các triệu chứng của hưng cảm có thể được kiểm soát và tỷ lệ tái phát thấp.

Hiện tại, điều trị hưng cảm dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Điều trị nội trú trong trường hợp triệu chứng có mức độ nhẹ. Những trường hợp có biểu hiện nặng và kích động nên được nhập viện, điều trị nội trú để đảm bảo an toàn.
  • Phát hiện và điều trị sớm ngay khi cường độ của các rối loạn khí sắc còn ở mức độ nhẹ.
  • Ưu tiên sử dụng thuốc an thần kinh và thuốc điều chỉnh khí sắc. Bên cạnh đó, cần chọn loại thuốc và điều chỉnh liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe, độ tuổi của người bệnh.
  • Điều trị duy trì lâu dài để ngăn ngừa tái phát kết hợp với phục hồi chức năng tâm lý xã hội.

Về cơ bản, hưng cảm là một phần của rối loạn lưỡng cực bên cạnh trầm cảm. Do đó, bệnh nhân nên tìm hiểu thêm về rối loạn trầm cảm để kiểm soát và quản lý bệnh hiệu quả hơn.

1. Liệu pháp hóa dược

Sử dụng thuốc là phương pháp chính đối với rối loạn lưỡng cực nói chung và hưng cảm nói riêng. Tùy vào giai đoạn bệnh (cấp tính – mãn tính), bác sĩ sẽ xem xét loại thuốc phù hợp. Ngoài ra, loại thuốc được chỉ định còn phụ thuộc vào triệu chứng cụ thể, mức độ đáp ứng và độ tuổi của từng bệnh nhân.

cách điều trị bệnh hưng cảm
Liệu pháp hóa dược được áp dụng ở cả giai đoạn điều trị tấn công và duy trì

Các loại thuốc được dùng trong điều trị hưng cảm cấp tính:

  • Các loại thuốc điều chỉnh khí sắc (Lamotrigin, Oxcarbazepin, Valproat, Divalproex, Topiramate, Gabapentin,…)
  • Thuốc chống loạn thần điển hình (Levomepromazin, Chlorpromazine, Haloperidol,…)
  • Thuốc chống loạn thần không điển hình (Aripiprazole, Clozapine, Quetiapine, Olanzapine, Risperidone,…)
  • Thuốc an thần nhóm benzodiazepin (Bromazepam, Clonazepam, Lorazepam, Diazepam,…)

Trong trường hợp hưng cảm có biểu hiện loạn thần hoặc hưng cảm có biểu hiện nặng, bác sĩ thường chỉ định phối hợp thuốc loạn thần với các loại thuốc chống co giật (Carbamazepin, Valproat,…). Việc kết hợp thuốc mang lại hiệu quả cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị.

Hưng cảm có khả năng tái phát cao. Vì vậy, sau khi các triệu chứng cấp tính được kiểm soát, bệnh nhân cần điều trị duy trì. Trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc đã dùng trong giai đoạn cấp như:

  • Thuốc chống co giật (Carbamazepin, Valproat,…)
  • Thuốc chống loạn thần (Quetiapine, Olanzapine, Risperidon,…)
  • Các loại thuốc hỗ trợ (thuốc tăng tuần hoàn máu, viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất, thuốc cung cấp dinh dưỡng cho tế bào thần kinh,…)
  • Bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc chẹn beta để cải thiện các triệu chứng thể chất do hưng cảm gây ra như nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi,…

Nhìn chung, liệu pháp hóa dược mang lại hiệu quả tốt trong điều trị bệnh hưng cảm. Do phải dùng thuốc dài hạn nên bệnh nhân cần tái khám và phải xét nghiệm theo dõi chức năng gan, thận, điện tim đồ,… thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý các tác dụng ngoại ý.

2. Liệu pháp sốc điện (ECT)

Liệu pháp sốc điện (ECT) thường được áp dụng cho bệnh nhân trầm cảm, hưng cảm nặng hoặc không có đáp ứng với liệu pháp hóa dược. Phương pháp này được xem xét khi bệnh nhân hưng cảm không có đáp ứng với thuốc và kích động dữ dội.

Sốc điện sử dụng dòng điện nhỏ có kiểm soát tác động trực tiếp đến các tế bào thần kinh của não bộ. Tác động từ dòng điện tạo ra các cú rung giật nhỏ nhằm tái thiết lập và cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện các triệu chứng của hưng cảm và trầm cảm.

Liệu pháp sốc điện sẽ bao gồm khoảng 4 – 6 lần trị liệu tùy vào tình trạng cụ thể của từng khách hàng. Sau khi tình trạng đã ổn định, bệnh nhân có thể quay trở lại dùng thuốc. Liệu pháp sốc điện có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu dữ dội, choáng đầu và mất trí nhớ ngắn hạn.

3. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp quan trọng trong quá trình điều trị bệnh hưng cảm. Mục đích của phương pháp này là giúp bệnh nhân ý thức được những hậu quả nghiêm trọng do các hành vi liều lĩnh và ngông cuồng. Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý còn trang bị cho người bệnh những kỹ năng cần thiết để hòa nhập với cộng đồng và hướng đến lối sống lành mạnh.

cách điều trị bệnh hưng cảm
Liệu pháp tâm lý góp phần cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa hưng cảm tái phát

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân hưng cảm:

Liệu pháp tâm lý có thể giảm thiểu những hành vi liều lĩnh và thiếu suy nghĩ trong cơn hưng cảm cấp. Kết hợp phương pháp này cùng với liệu pháp hóa dược còn giúp kéo dài giai đoạn ổn định của bệnh và hạn chế tái phát. Ngoài ra, tâm lý trị liệu còn trang bị cho người bệnh kỹ năng kiểm soát stress bởi stress là yếu tố làm tái phát các rối loạn khí sắc.

Chăm sóc và phòng ngừa hưng cảm tái phát

Hưng cảm có khả năng tái phát cao. Chính vì vậy, bệnh nhân cần có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa hợp lý để giảm gánh nặng do bệnh tật gây ra, giảm tỷ lệ nhập viện và hạn chế sự tái diễn của bệnh. Điều này có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa hưng cảm tái phát:

  • Can thiệp sớm ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường. Đồng thời cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát để kịp thời ngăn chặn, tránh những hậu quả nặng nề về sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
  • Sử dụng thuốc đều đặn, hạn chế tối đa tình trạng quên dùng thuốc và tích cực trị liệu tâm lý để giảm sự tái diễn của bệnh. Ngoài ra, tuân thủ điều trị cũng giúp giảm mức độ nặng nề của các giai đoạn rối loạn khí sắc.
  • Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và tránh xa thuốc lá, rượu bia, chất kích thích,…
  • Tìm kiếm động lực và niềm vui trong cuộc sống để giảm thiểu những hành vi liều lĩnh, thiếu suy nghĩ.
  • Trang bị cho bản thân các biện pháp thư giãn và giảm stress hiệu quả để tránh căng thẳng tích tụ khiến hưng cảm và trầm cảm tái phát.
  • Giữ tinh thần lạc quan trước bệnh tật và học cách chia sẻ, thấu hiểu những người xung quanh.

Hưng cảm là một dạng rối loạn khí sắc khá phổ biến nhưng ít được quan tâm hơn trầm cảm. Nếu nghi ngờ bản thân mắc chứng bệnh này, nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được chẩn đoán và điều trị. Can thiệp điều trị sớm chính là “chìa khóa vàng” giúp quản lý bệnh tốt và giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh tái phát.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *