Rối Loạn Cảm Xúc Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em đặc trưng bởi khí sắc nâng cao hoặc giảm thấp một cách bất thường. Ngoài những biểu hiện về mặt cảm xúc, đôi khi trẻ còn có các hành vi chống đối, quá khích gây nhầm lẫn cho quá trình chẩn đoán.
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em là bệnh gì?
Rối loạn cảm xúc thường xảy ra ở người trưởng thành từ 20 – 35 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em cũng có thể gặp phải tình trạng này. Rối loạn cảm xúc là thuật ngữ đề cập đến tình trạng khí sắc (cảm xúc) nâng cao hoặc giảm thấp quá mức vượt qua giới hạn về thời gian và mức độ. Bệnh lý này được chia thành 2 dạng chính là trầm cảm và rối loạn lưỡng cực (bao gồm các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm xen kẽ).
Tương tự như người lớn, trẻ nhỏ cũng sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do rối loạn cảm xúc gây ra. Bên cạnh những ảnh hưởng đối với sức khỏe và cuộc sống, rối loạn cảm xúc còn gây ra sự méo mó trong cách nhìn nhận và tư duy của trẻ. Về lâu dài, trẻ có thể phát triển các dạng nhân cách bất thường.
Trước áp lực của cuộc sống, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng phải đối mặt với căng thẳng và lo âu. Tuy nhiên, đa phần bố mẹ đều không quá quan tâm đến đời sống tinh thần của con. Hậu quả là trẻ phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý và không có cơ hội tiếp cận với các biện pháp chăm sóc sức khỏe kịp thời.
Các dấu hiệu rối loạn cảm xúc ở trẻ em
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em có biểu hiện đa dạng hơn người trưởng thành. Ngoài cảm xúc, trẻ cũng sẽ có những hành vi bất thường khiến cho người lớn nghĩ rằng trẻ đang nổi loạn trong quá trình dậy thì.
Như đã đề cập, rối loạn cảm xúc được chia thành 2 loại chính là trầm cảm (trạng thái khí sắc giảm thấp, đặc trưng bởi tâm trạng buồn rầu, đau khổ, chán nản, mất hứng thú). Và trạng thái trái ngược hoàn toàn là hưng cảm với khí sắc tăng cao, tinh thần lạc quan, vui vẻ, phấn chấn và hứng thú. Tuy nhiên, khí sắc tăng cao quá mức cũng khiến trẻ trở nên kích động và thích gây hấn.
Các triệu chứng nhận biết rối loạn cảm xúc ở trẻ em:
- Trẻ thường có tâm trạng bất ổn và khó kiểm soát.
- Khuôn mặt thể hiện rõ sự buồn bã, đau khổ, bi quan, chán nản,… Những cảm xúc này trở nên sâu sắc hơn theo thời gian khiến trẻ giảm hoặc mất hẳn hứng thú với mọi thứ xung quanh, bao gồm các trò chơi và món ăn mà trẻ từng yêu thích.
- Trẻ có thể khóc lóc nhưng không rõ nguyên nhân.
- Trong giai đoạn giảm khí sắc (trầm cảm), trẻ thường thu mình, sống tách biệt với mọi người, khả năng tập trung kém, suy nghĩ chậm, mất nhiều thời gian để trả lời câu hỏi của mọi người và giọng nói thường nhỏ, thều thào.
- Đôi khi trẻ dễ cáu gắt, tức giận về những sự việc không quá nghiêm trọng.
- Trẻ thường tự ti về bản thân và cho rằng bản thân đã phạm phải các tội lỗi nghiêm trọng.
- Ở giai đoạn trầm cảm, trẻ thường ăn ít hoặc ăn quá nhiều, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi và giảm năng lượng.
- Đối với trẻ bị rối loạn lưỡng cực, ngoài các cơn trầm cảm, trẻ cũng có biểu hiện hưng cảm (khí sắc tăng cao, tâm trạng vui vẻ, lạc quan, phấn chấn,…)
- Trẻ cười nói nhiều và thích các hoạt động thể chất. Tuy nhiên ở giai đoạn này, trẻ rất dễ bị kích thích nên có thể nổi nóng và gây hấn với bạn bè đồng trang lứa.
- Trong các cơn hưng cảm, nhu cầu ăn và ngủ của trẻ giảm đi đáng kể nhưng cơ thể luôn tràn đầy năng lượng và hoạt bát quá mức.
- Trẻ khó kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình, ngay cả khi được bố mẹ nhắc nhở phải giữ im lặng.
- Đối với trẻ lớn hơn, hưng cảm khiến trẻ có những hành vi nông nổi và ngông cuồng như đánh nhau, tham gia bài bạc, chi tiêu quá mức, uống rượu bia, hút thuốc lá,… Một số trẻ tham gia các hoạt động tình dục trước 18 tuổi.
- Rối loạn cảm xúc ở trẻ em có thể thôi thúc các hành vi tự hủy hoại hoặc hình thành ý nghĩ, hành vi tự sát để giải thoát bản thân.
- Trường hợp đi kèm với rối loạn hành vi sẽ có các biểu hiện như thường xuyên nói dối, có những hành vi bạo lực, trấn lột tài sản của bạn bè, chống đối bố mẹ và vi phạm các quy tắc trong trường học.
Các triệu chứng rối loạn cảm xúc ở trẻ em đa dạng và khó nhận biết hơn so với người lớn. Bệnh lý này thường ảnh hưởng đến trẻ trong giai đoạn dậy thì nên dễ bị nhầm lẫn với khủng hoảng tâm lý. Đa phần các gia đình đều thiếu hiểu biết về các rối loạn tâm thần nên phần lớn trẻ đều không được thăm khám và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở trẻ
Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc nói chung và rối loạn cảm xúc ở trẻ em đều chưa thể xác định. Thông qua những nghiên cứu đã thực hiện, các chuyên gia nhận thấy bệnh lý này có liên quan đến di truyền, mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, sang chấn tâm lý và một số yếu tố khác.
Các yếu tố đã được xác định có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rối loạn cảm xúc ở trẻ em:
1. Yếu tố di truyền
Đa phần các rối loạn tâm thần đều có khả năng di truyền, bao gồm cả rối loạn cảm xúc. Ở trẻ mắc chứng bệnh này, các chuyên gia nhận thấy gia đình thường có tiền sử rối loạn cảm xúc theo mùa, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn lo âu.
Mặc dù vẫn chưa xác định được loại gen và cách thức di truyền nhưng đã có nhiều bằng chứng cho thấy, gen di truyền có tham gia vào cơ chế bệnh sinh của rối loạn cảm xúc.
2. Thay đổi hormone đột ngột
Rối loạn cảm xúc thường xảy ra ở trẻ từ 10 – 18 tuổi bởi đây là giai đoạn trẻ có những thay đổi đột ngột về tâm sinh lý. Khi bước vào giai đoạn dậy thì, cơ thể sẽ tăng sản xuất các hormone với mục đích thay đổi thể chất. Tuy nhiên, các hormone này cũng ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của trẻ.
Vào độ tuổi dậy thì, trẻ trở nên nhạy cảm hơn với lời nói, hành động của những người xung quanh và bắt đầu hình thành suy nghĩ riêng thay vì nghe lời bố mẹ hoàn toàn như trước đây. Rối loạn cảm xúc và các rối loạn tâm thần thường khởi phát ở giai đoạn này do tâm lý nhạy cảm hơn bình thường.
Dù không phải là nguyên nhân chủ yếu nhưng sự thay đổi đột ngột của hormone trong giai đoạn dậy thì có vai trò rõ rệt trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn cảm xúc. Ngoài ra, bệnh lý này cũng thường khởi phát vào những thời điểm nội tiết tố có sự thay đổi rõ rệt như khi mang thai, sau khi sinh và tiền mãn kinh.
3. Sang chấn tâm lý và stress
Sang chấn tâm lý và stress là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn cảm xúc ở trẻ em. Bất ổn về cảm xúc, hành vi thường xảy ra sau khi trẻ phải đối mặt với những sự việc có tính chất nghiêm trọng như mất người thân, bố mẹ bị tai nạn nghiêm trọng, gia đình tan vỡ, lạm dụng thể chất, tình cảm,…
Những sự kiện này khiến cho tinh thần của trẻ bị tổn thương dẫn đến tình trạng cảm xúc giảm thấp trong một thời gian dài. Khác với người lớn, trẻ nhỏ chưa có kinh nghiệm và kỹ năng sống nên ngưỡng chịu đựng stress thấp, trẻ dễ bị tổn thương và khó vượt qua các sang chấn tâm lý.
Ngoài sang chấn tâm lý, căng thẳng tích tụ cũng là nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở trẻ em. Các yếu tố gây stress thường là mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, thầy cô, áp lực học tập, không được bố mẹ thấu hiểu và quan tâm. Bên cạnh đó, việc phải đối mặt với áp lực kinh tế từ khi còn nhỏ cũng khiến trẻ có nguy cơ cao bị rối loạn cảm xúc.
4. Các yếu tố khác
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em cũng có thể xảy ra do những yếu tố như:
- Các nghiên cứu cho thấy, đặc điểm tính cách ảnh hưởng đáng kể đến cơ chế bệnh sinh của các rối loạn tâm thần. Đa phần trẻ bị rối loạn cảm xúc đều có tính cách nhút nhát, thiếu tự tin, giao tiếp kém, sống phụ thuộc vào gia đình,…
- Trẻ bị rối loạn cảm xúc cũng có hiện tượng mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh tương tự như người lớn. Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ủng hộ giả thuyết do di truyền và tinh thần bị ức chế trong một thời gian dài.
- Sử dụng rượu bia, chất kích thích quá sớm cũng gây ra những biến đổi bất thường trong não bộ và gia tăng nguy cơ rối loạn cảm xúc ở trẻ em.
- Nghiện game online đã được xác định có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn hành vi. Do đó, rối loạn cảm xúc có thể xảy ra do trẻ nghiện các trò chơi trực tuyến.
Rối loạn cảm xúc ở trẻ có ảnh hưởng gì không?
Trong những năm gần đây, tỷ lệ người bị rối loạn cảm xúc tăng lên đáng kể. Trong đó, khoảng 2% trẻ em và 5% thanh thiếu niên có những biểu hiện của bệnh lý này. Có thể thấy, các triệu chứng của rối loạn cảm xúc gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống bao gồm việc học, các mối quan hệ xã hội,…
Trẻ bị rối loạn cảm xúc rất khó có thể duy trì kết quả học tập tốt, đồng thời dễ xô xát, gây gổ với bạn bè và vi phạm các quy định của nhà trường. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, một số trẻ còn có thể thực hiện những hành vi lệch chuẩn như lừa gạt, trộm cắp và trấn lột tài sản của người khác.
Bên cạnh đó, rối loạn cảm xúc cũng khiến cho tỷ lệ trẻ nghiện rượu bia, sử dụng thuốc lá và chất kích thích tăng lên đáng kể. Những thói quen không lành mạnh này sẽ khiến cho triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất của trẻ.
Một số trẻ không có hành vi kích động nhưng sẽ hình thành tâm lý chán nản, bi quan, tự thu mình và cô lập với mọi người. Để giải thoát bản thân khỏi sự đau khổ và buồn bã sâu sắc, không ít trẻ có các hành vi tự hủy hoại và tệ hơn là lên kế hoạch tự sát. Rối loạn cảm xúc cũng gia tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn tâm thần khác như rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng, loạn thần và các hội chứng nghiện.
Có thể thấy, rối loạn cảm xúc ở trẻ em gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng không kém so với người trưởng thành. Nếu gia đình không có biện pháp can thiệp kịp thời, trẻ dễ hình thành các dạng nhân cách bất thường và méo mó. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tương lai và khiến trẻ gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm, hẹn hò, kết hôn và duy trì cuộc sống lành mạnh.
Chẩn đoán rối loạn cảm xúc ở trẻ
Rối loạn cảm xúc ở trẻ có biểu hiện đa dạng và khó nhận biết hơn so với người trưởng thành. Các triệu chứng của bệnh lý này có thể bị nhầm lẫn với rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn lo âu. Để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng mà trẻ gặp phải và sàng lọc một số yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các hội chứng nghiện và một số bệnh lý thể chất có thể gây ra triệu chứng tương tự. Hiện nay, đa phần các bác sĩ đều sử dụng tiêu chuẩn DSM – 5 để chẩn đoán rối loạn cảm xúc cho người lớn và trẻ em.
Các phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc ở trẻ em
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và cuộc sống. Mặc dù cơ chế bệnh sinh và căn nguyên có nhiều điểm chưa rõ ràng nhưng bệnh lý này vẫn có thể được điều trị dứt điểm nếu thăm khám sớm. Trong một số trường hợp, trẻ có thể phải sống chung với bệnh suốt cuộc đời.
Các phương pháp được áp dụng trong quá trình điều trị rối loạn cảm xúc ở trẻ em:
1. Liệu pháp tâm lý
Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi sẽ được điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý (tâm lý trị liệu). Phương pháp này không sử dụng thuốc và không can thiệp vào cơ thể nên an toàn và không có tác dụng phụ. Liệu pháp tâm lý thường được thực hiện bằng hình thức giao tiếp nhằm tác động đến cảm xúc và tư duy (nhận thức). Qua đó, trẻ sẽ thay đổi dần những cảm xúc tiêu cực và hình thành cách nhìn nhận đúng đắn, khách quan hơn.
Đối với trẻ nhỏ, chuyên gia sẽ lựa chọn hình thức trò chơi liệu pháp và trị liệu nghệ thuật để hiểu rõ tâm lý của trẻ. Bởi với vốn từ hạn chế, trẻ có thể không bộc lộ được những cảm xúc bản thân đang đối mặt. Mục tiêu của liệu pháp tâm lý là giúp trẻ tìm lại sự cân bằng về mặt tinh thần, ổn định cảm xúc, hành vi và có nhận thức đúng đắn hơn về cuộc sống.
Ngày nay, trị liệu tâm lý đang trở thành xu hướng trong điều trị các rối loạn tâm lý vì mang lại nhiều lợi ích. Đối với những trẻ lớn hơn, chuyên gia sẽ giúp trẻ trang bị những kỹ năng cần thiết để biết cách giải tỏa stress, bồi dưỡng nhân cách, rèn luyện tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh và chủ động hơn trong cuộc sống.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ xem xét phương pháp trị liệu phù hợp. Tuy nhiên nhìn chung, các trường hợp rối loạn cảm xúc ở trẻ em đều có đáp ứng tốt với phương pháp này. Nếu cần thiết, trẻ sẽ được chỉ định kết hợp với liệu pháp hóa dược để nâng đỡ tinh thần trong quá trình trị liệu.
2. Liệu pháp hóa dược
Sử dụng thuốc không phải là lựa chọn ưu tiên cho rối loạn cảm xúc ở trẻ em. Bởi trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ nghiêm trọng trong quá trình điều trị. Do đó, phương pháp này thường chỉ được xem xét trong những trường hợp cần thiết – đặc biệt là với trẻ dưới 12 tuổi.
Bác sĩ sẽ xem xét triệu chứng cụ thể của trẻ để chỉ định loại thuốc phù hợp. Ngoài ra, gia đình cũng sẽ được hướng dẫn về tác dụng phụ, liều lượng sử dụng để hỗ trợ con trẻ trong quá trình điều trị.
Một số loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn cảm xúc ở trẻ em:
- Các loại thuốc được dùng trong trạng thái hưng cảm: Thuốc an thần kinh, thuốc chống co giật, thuốc điều chỉnh khí sắc,…
- Các loại thuốc được sử dụng trong trạng thái trầm cảm: Chủ yếu là các loại thuốc chống trầm cảm và có thể dùng kèm với thuốc chống loạn thần, thuốc an thần trong những trường hợp cần thiết.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Rối loạn cảm xúc không chỉ gây ra những bất ổn về tâm trạng, suy nghĩ và hành vi mà còn đi kèm với nhiều triệu chứng thể chất. Do đó, trẻ cần thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ như:
- Có chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo ngủ đủ giấc và đúng giờ.
- Tham gia các hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên để giải tỏa stress, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Đối với trẻ lớn, có thể hướng dẫn trẻ thở dưỡng sinh và ngồi thiền để học cách chế ngự cảm xúc. Ngoài ra, các biện pháp này cũng giúp cải thiện giấc ngủ và giảm một số triệu chứng thể chất như đau mỏi vai gáy, tim đập nhanh, đau đầu,…
- Nên hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho trẻ khi không cần thiết. Nếu trẻ bị rối loạn giấc ngủ, nên cho trẻ sử dụng các loại trà có tác dụng an thần và bổ sung thực phẩm giàu tryptophan như mật ong, hạt sen, thịt gà, trứng gà, các loại đậu,…
Ngoài những biện pháp trên, gia đình cũng cần hỗ trợ con trong quá trình điều trị và động viên để trẻ có thêm động lực. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần giảm áp lực học tập cho các em và tổ chức các chương trình ngoại khóa, vui chơi lành mạnh để giải tỏa căng thẳng và rèn luyện cho các em những kỹ năng cần thiết.
Rối loạn cảm xúc là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh lý này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, cuộc sống của trẻ ở cả hiện tại và tương lai. Do đó, gia đình cần có biện pháp can thiệp kịp thời để giúp trẻ ổn định tâm lý và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường,
Tham khảo thêm:
- Trầm cảm ở tuổi dậy thì: Dấu hiệu nhận biết sớm và chữa trị
- Mâu Thuẫn Trong Cách Ứng Xử Của Học Sinh THCS Với Bạn Cùng Lớp
- Trầm cảm ở học sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!