Điều Trị Rối Loạn Lo Âu Bằng Phương Pháp Tâm Lý Trị Liệu
Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu là phương pháp chính được hướng đến hiện nay vì có thể mang đến nhiều cải thiện tốt đồng thời không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào. Người bệnh nên tìm kiếm các chuyên gia trị liệu uy tín, có khả năng kết nối, đồng cảm và chia sẻ với bản thân để có thể loại bỏ bệnh nhanh chóng nhất.
Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu có hiệu quả không?
Luôn cảm thấy bồn chồn, lo lắng tới mất ngủ, hoảng sợ quá mức với các tình huống bình thường có thể chính là triệu chứng của rối loạn lo âu – một căn bệnh tâm lý đang rất nhiều người gặp phải hiện nay. Hiện chưa rõ cơ chế gây nên những rối loạn tâm lý này nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra bệnh có liên quan đến sự thiếu hụt các yếu tố sinh hóa trong não bộ, các ám ảnh từ quá khứ hoặc bị căng thẳng stress quá mức trong thời gian dài.
Dù liên quan đến bất cứ nguyên nhân nào thì rối loạn lo âu cũng là một căn bệnh tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Người bệnh thường ở trong trạng thái lo âu bồn chồn nên thường ngủ không ngon, dễ gặp các vấn đề về tim mạch, huyết áp, dạ dày. Một số khác không thể tập trung, không thể đến nơi đông người nên hầu hết chỉ ở trong nhà. Nhiều bệnh nhân cảm thấy quá bức bối và mệt mỏi với tình trạng của bản thân nên thường chọn cách tự tử để giải quyết.
Các phương pháp được dùng để điều trị căn bệnh này hiện nay chính là dùng thuốc (thuốc an thần, thuốc giảm lo âu, thuốc chống trầm cảm) và trị liệu tâm lý. Trong đó, điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu là phương pháp đang được hướng đến chủ yếu vì thực sự mang đến nhiều kết quả cải thiện trong tâm trí của người bệnh, có thể hỗ trợ loại bỏ bệnh hoàn toàn mà không gây ra bất cứ tác dụng phụ nguy hiểm nào như khi dùng thuốc.
Tâm lý trị liệu (Psychotherapy) là một liệu pháp tâm lý đã có mặt từ thời Hy Lạp cổ đại và đã được ứng dụng để chữa rối loạn lo âu, trầm cảm ở Châu Âu từ những năm 1853. Ở Việt Nam, phương pháp này mới chỉ phổ biến và phát triển trong một vài năm gần gây nhưng đã được công nhận hiệu quả thực sự trong việc cải thiện các bệnh tâm lý nguy hiểm.
Mục đích của việc điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu trước tiên nhằm chẩn đoán bệnh theo các tiêu chuẩn DSM-5 và ICD-10, qua đó sẽ xác định được chính xác được tình trạng của bệnh nhân để lên phác đồ điều trị. Và vai trò hơn quan trọng nhất của phương pháp này vẫn chính là giúp bệnh nhân hiểu được vấn đề của chính mình, dám đối diện với nỗi sợ, loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực và quay trở về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu hoạt động trên cơ sở cần có sự tương tác giữa người bệnh và nhà trị liệu. Chuyên gia tâm lý không chỉ đóng vai trò là người trị liệu mà còn là một người bạn, một người lắng nghe và thấu hiểu những cảm xúc của người bệnh. Thông qua đó nhà trị liệu sẽ nắm bắt được cảm xúc của người bệnh, hiểu rõ cốt lõi vấn đề và đưa ra những giải pháp thích hợp nhất cho bệnh nhân.
Trong suốt quá trình trị liệu, các chuyên gia tâm lý sẽ dùng lời nói, âm nhạc hoặc hành vi phù hợp để thay đổi những tư tưởng, nhận thức sai lệch của người bệnh về bản thân hay các vấn đề xã hội xung quanh. Song song đó là củng cố về niềm tin, giá trị bản thân, lòng tự trọng, nhân cách, xây dựng lối sống lạc quan, tích cực hơn cho người bệnh. Dần dần những điều tiêu cực hay nỗi sợ vô hình được loại bỏ và cuộc sống người bệnh bình yên trở lại.
Tùy từng tình trạng, dạng lo âu mà chuyên gia tâm lý sẽ áp dụng các liệu pháp khác nhau để loại bỏ được nỗi lo âu vô lý. Ngoài ra phương pháp này còn giúp trau dồi các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, đối diện với căng thẳng hay các biện pháp thư giãn tinh thần. Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu có thể áp dụng cho mọi đối tượng, mọi tình trạng, mọi lứa tuổi và không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào.
Nói chung, điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu đang là phương pháp được đánh giá rất cao hiện nay. Với những trường hợp nhẹ hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này mà không cần đến thuốc. Tuy nhiên với những bệnh nhân lo âu nặng, bác sĩ vẫn sẽ chỉ định dùng song song với các thuốc giảm lo âu, thuốc chống trầm cảm để hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị tốt hơn.
Các phương pháp dùng trong Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Các liệu pháp tâm lý trị liệu dùng để điều trị rối loạn lo âu sẽ dựa trên mức độ lo âu, dạng lo âu, nguyên nhân lo âu của người bệnh sau khi đã trò chuyện hay thực hiện các bài test. Cụ thể
Liệu pháp nhận thức – hành vi
Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) là phương pháp chính được dùng cho bệnh nhân rối loạn lo âu. Với phương pháp này, nhà trị liệu sẽ yêu cầu người bệnh trung thực nói ra những cảm xúc, trải nghiệm, suy nghĩ về chính mình hay các niềm tin của họ. Những cảm xúc này có ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và hành vi của họ nên nhà trị liệu sẽ tìm cách điều chỉnh nó, thay đổi một cách phù hợp.
Thông qua việc lắng nghe những chia sẻ của khách hàng, nhà trị liệu sẽ nắm bắt được những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực và cố gắng tìm cách thay đổi nó theo hướng tiêu cực và đúng đắn hơn. Các nghiên cứu và thống kê thực tế đã chỉ ra việc ứng dụng phương pháp này trong điều trị rối loạn lo âu có thể mang đến hiệu quả tương đương với việc dùng thuốc và cũng mang đến lợi ích lâu dài hơn.
Mục tiêu của phương pháp này là giúp người bệnh có thể hiểu rõ những suy nghĩ, cảm xúc của họ có thể ảnh hưởng đến hành vi như thế nào. Khi người bệnh đã hiểu và chấp nhận, biết cách suy nghĩ lạc quan thì tự động những cảm xúc, hành vi của họ cũng trở nên tích cực và đúng đắn hơn.
Tuy nhiên bất lợi của phương pháp này có thể mất nhiều thời gian và phải đảm bảo người bệnh trung thực trong chia sẻ cảm xúc của bản thân. Mặt khác phương pháp này cũng không chú trọng tới nguyên nhân mà chỉ tập trung vào các cảm xúc hiện tại của người bệnh nên có thể chưa giải quyết được hoàn toàn các vấn đề cho một vài bệnh nhân. Do đó sẽ cần kết hợp song song với một vài liệu pháp khác.
Liệu pháp “tự phơi nhiễm”
Liệu pháp “tự phơi nhiễm” (Exposure Therapy – EP) cũng là một liệu pháp được dùng trong điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu được đánh giá cao. Thông qua việc trò chuyện, nhà trị liệu sẽ nắm bắt được nỗi sợ hãi, lo âu quá mức của người bệnh và dựa vào đó để sắp xếp một không gian, tình huống giúp bản thân người bệnh có thể đối diện với nỗi sợ của mình. Khi đã đối diện với nỗi sợ hãi nhiều lần thay vì chạy trốn thì cảm giác lo sợ cũng tự động giảm xuống.
Nhà trị liệu sẽ chỉ ra những tình huống, chủ thể khiến người bệnh lo sợ qua phương pháp giải mẫn cảm hệ thống (Systematic Desensitization). Các cách phổ biến thường được áp dụng để người bệnh có thể đối diện với nỗi lo âu bao gồm
- Tiếp xúc tưởng tượng: chuyên gia tâm lý sẽ hướng dẫn người bệnh tưởng tượng, suy nghĩ về những tình huống gây lo lắng một cách sinh động và các cảm xúc của người bệnh cũng thường rất chân thực.
- Tiếp xúc “in vivo” ( tiếp xúc từ tận sâu bên trong): nhà trị liệu sẽ yêu cầu bệnh nhân đối diện trực tiếp với các chủ thể, tình huống gây lo âu ở ngay hiện thực.
- Tiếp xúc thực tế ảo: để hình ảnh trực quan và sinh động hơn, nhà trị liệu cũng có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo để giải quyết. Hầu hết phương pháp này thường được áp dụng với các bệnh nhân rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý như người bị tai nạn giao thông nghiêm trọng hay những người từng trong chiến tranh.
Nhà trị liệu sẽ đồng hành cùng bệnh nhân trong suốt thời gian trị liệu để hướng dẫn bệnh nhân vượt qua nỗi sợ hãi, kiểm soát căng thẳng và cũng là để tránh một số nguy hiểm xuất hiện trong trường hợp người bệnh lo âu, kích động quá mức.
Liệu pháp hành vi biện chứng
Liệu pháp hành vi biện chứng (Dialectical Behavior Therapy – DBT) cũng là phương pháp được dùng nhiều trong điều trị các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu. Đặc biệt phương pháp này được đánh giá cao với những bệnh nhân rối loạn ăn uống, rối loạn căng thẳng sau sang chấn hay những người nghiện. Mục đích của phương pháp này là giúp người bệnh chấp nhận bản thân, hướng đến những cảm xúc, hành vi tích cực đồng thời ngăn chặn các hành vi có thể làm hủy hoại bản thân.
Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân học cách bao dung với nỗi lo lắng của chính mình thông qua các biện pháp như chánh niệm, điều hòa cảm xúc, giao tiếp đa cá nhân và chịu đựng đau khổ. Người bệnh được yêu cầu thực hành song song tại nhà với người thân hay bạn bè. Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu với liệu pháp DBT sẽ giúp cải thiện các kỹ năng xã hội, kỹ năng đối phó với căng thẳng, giúp người bệnh yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn.
Liệu pháp phân tâm
Liệu pháp phân tâm hay chính là phân tích tâm lý hoạt động dựa trên lý thuyết cho rằng nguyên nhân mắc các bệnh tâm lý là do xung đột bởi những nhu cầu, mong muốn của bản thân và khả năng thỏa mãn những điều đó. Chuyên gia tâm lý sẽ nắm bắt và phân tích những điều này cho bệnh nhân để giải tỏa những khúc mắc, bình diện ý thức được soi sáng thì bệnh sẽ khỏi.
Với liệu pháp này, nhà trị liệu cần xem xét về các sự kiện thời thơ ấu cho tới khi trưởng thành để đánh giá đặc trưng nhân cách cá nhân, qua đó giúp người bệnh có thể điều chỉnh các hành vi, nhận thức ở hiện tại. Phương pháp điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu này đồng thời cũng giúp người bệnh đối phó với những rủi ro, căng thẳng có thể gặp phải thay vì cố gắng tìm cách né tránh như trước.
Một số liệu pháp khác
Tùy tình trạng của bệnh nhân và các hoạt động của nhà trị liệu, một số phương pháp khác cũng có thể được áp dụng. Bao gồm
- Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm
- Liệu pháp chấp nhận và cam kết
- Liệu pháp nghệ thuật
- Liệu pháp tương tác cá nhân
Các hình thức dùng trong điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Tùy vào mức độ, tình trạng, loại lo âu mà các chuyên gia tâm lý sẽ đưa ra những liệu pháp, hình thức điều trị khác nhau, có thể được thực hiện độc lập hoặc song song. Người bệnh cần đảm bảo trung thực, tin tưởng hoàn toàn và thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà trị liệu để mang đến kết quả tốt nhất.
Cụ thể, các hình thức được dùng trong điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu bao gồm
- Trò chuyện, giải thích hợp lý: Để có sự kết nối giữa nhà trị liệu và bệnh nhân thì bước đầu cả hai cần có những cuộc trò chuyện trực tiếp. Nhà trị liệu sẽ đóng vai trò là người lắng nghe để tìm ra nỗi lo âu và nguyên nhân gây bệnh. Bằng chuyên môn của mình, chuyên gia tâm lý sẽ giúp người bệnh hiểu rõ về tình trạng của mình đồng thời giúp người bệnh điều chỉnh về thái độ hay các mối quan hệ một cách phù hợp hơn.
- Liệu pháp tâm lý cá nhân: Nhà trị liệu sẽ trực tiếp trò chuyện và tiến hành các liệu pháp theo quy tắc 1- 1 trong các không gian phù hợp để hỗ trợ quá trình điều trị.
- Liệu pháp tâm lý nhóm: người bệnh cùng những người bệnh khác có cùng tiêu chuẩn sẽ được phân vào cùng một nhóm để các thành viên có thể trò chuyện, chia sẻ về những vấn đề bản thân đang gặp phải. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tự tin hơn vì không phải mình là người duy nhất khác biệt, có vấn đề. Nhờ đó các bệnh nhân có thể thoải mái trong việc chia sẻ, an ủi hay đồng cảm với nhau. Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu thông qua liệu pháp nhóm cũng giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp, tương tác để hỗ trợ người bệnh sau đó hòa nhập với đời sống cộng đồng ổn định hơn.
- Lao động liệu pháp: nhà trị liệu có thể yêu cầu người bệnh tham gia các hoạt động cần có sự tập trung cao độ, chẳng hạn như may vá, đan lát, làm nến.. Điều này sẽ giúp người bệnh cảm thấy bản thân có ích, trở nên tích cực và vui vẻ hơn.
- Âm nhạc trị liệu: rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích cho âm nhạc với những người đang mắc các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu. Việc hòa mình vào âm nhạc có thể giúp người bệnh cảm thấy tinh thần thư giãn và thoải mái trong việc bộc lộ cảm xúc hơn.
- Tâm kịch: phương pháp này nhằm hướng đến hoàn thiện quá trình phát triển nhân cách cũng như sự cân bằng giữa nhận thức, cảm xúc và hành vi của người bệnh.
- Thở dưỡng sinh – Thư giãn: mục đích của phương pháp này chính là học cách kiểm soát hơi thở để điều hòa cảm xúc, đặc biệt khi đứng trước những tình huống gây căng thẳng. Nếu bạn giữ được nhịp thở đều, ổn định thì trạng thái lo lắng, khó thở, mặt nóng đỏ cũng sẽ nhanh chóng biến mất. Bên cạnh đó cũng kết hợp với các biện pháp thư giãn để giảm lo âu, căng thẳng, đồng thời cải thiện được rất nhiều bệnh mãn tính như đau đầu, các bệnh về dạ dày.. Phương pháp này rất phù hợp với những bệnh nhân rối loạn lo âu bệnh tật.
- Liệu pháp thiền: thông qua thiền bạn sẽ học cách được điều hòa hơi thở, cân bằng tâm trí, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, đưa tâm thức hướng đến sự trầm mặc và thanh tịnh. Phương pháp này thường được khuyến khích luyện tập với tất cả những bệnh nhân gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn cảm xúc.
Một số lưu ý khi điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Không thể phủ nhận hiệu quả của phương pháp điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu. Tuy nhiên thực tế kết quả cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm năng lực của nhà trị liệu và đặc biệt chính là bản thân bệnh nhân. Đây là phương pháp cần có sự tương tác của cả hai nên nếu bệnh nhân không trung thực, không tin tưởng vào chuyên gia tâm lý, vẫn trốn tránh thì nhà trị liệu sẽ không thể nào giúp đỡ bạn được.
Bên cạnh đó, để việc loại bỏ rối loạn lo âu thông qua trị liệu tâm lý đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau đây
- Tìm kiếm nhà trị liệu chuyên nghiệp, có khả năng lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu được cảm xúc của bạn. Việc kết nối giữa nhà trị liệu là rất quan trọng nên nếu sau vài lần nói chuyện mà bạn vẫn không cảm thấy tương tác được thì vẫn có thể xem xét tìm chuyên gia tâm lý khác
- Trung thực, tin tưởng và thực hiện theo đúng hướng dẫn của chuyên gia tâm lý trong suốt quá trình trị liệu
- Thực hiện nghiêm túc các “bài tập về nhà” được nhà trị liệu hướng dẫn
- Viết nhật ký hằng ngày để ghi chép lại các cảm xúc của bản thân, điều này có thể giúp ích rất nhiều cho quá trình trị liệu
- Thẳng thắn chia sẻ các vấn đề với nhà trị liệu để được hỗ trợ kịp thời
- Nên kết hợp cùng các liệu pháp thiền, thư giãn, nghỉ ngơi hằng ngày để cải thiện bệnh nhanh chóng nhất
- Nếu được yêu cầu điều trị song song bằng thuốc, vẫn cần đảm bảo dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không ngưng thuốc giữa chừng khi thấy trị liệu tâm lý đã giúp cải thiện các triệu chứng
Nhìn chung, điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu thực sự mang đến rất nhiều kết quả tốt cho người bệnh nếu nghiêm túc thực hiện.Hành trình loại bỏ lo âu vẫn rất dài nhưng chỉ cần bạn không bỏ cuộc thì vẫn còn rất nhiều cánh tay sẵn sàng đưa ra giúp đỡ, đồng hành cùng bạn bất cứ lúc nào. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích.
Có thể bạn quan tâm:
- 7 Bài tập yoga giúp cải thiện chứng rối loạn lo âu cực hiệu quả
- 6 Thuốc điều trị rối loạn lo âu tốt nhất và lưu ý khi dùng
- Chứng rối loạn lo âu khi mang thai: Nguyên nhân và cách ứng phó
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!