Rối loạn lưỡng cực có chữa được không? Điều cần biết
Rối loạn lưỡng cực có chữa được không? Có di truyền không? là những câu hỏi được nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về căn bệnh này. Bởi đây là bệnh rối loạn khí sắc khá nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Rối loạn lưỡng cực có chữa được không?
Rối loạn lưỡng cực hay còn được gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, bệnh hưng – trầm cảm, rối loạn phổ lưỡng cực. Đây là một dạng bệnh rối loạn cảm xúc mãn tính có liên quan tới các yếu tố nội sinh.
Bệnh rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của các giai đoạn trầm cảm điển hình đan xen với hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ. Giữa các giai đoạn bệnh là giai đoạn thuyên giảm, người bệnh có thể phục hồi chức năng một phần hoặc hoàn toàn.
Khi tìm hiểu về căn bệnh này thì rất nhiều người quan tâm đến vấn đề “rối loạn lưỡng cực có chữa được không?”. Bởi trên thực tế, đây là bệnh tâm lý, tâm thần nghiêm trọng, gây tác động xấu đến cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa còn ảnh hưởng đến cả gia đình và những người xung quanh.
Các chuyên gia nhận định, rối loạn lưỡng cực là bệnh lý rất dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm. Hầu hết người bệnh phải sống chung với bệnh cả đời và cần tiếp tục điều trị củng cố sau khi điều trị tấn công suốt đời.
Bệnh lý này thường kéo dài với các giai đoạn phục hồi một phần hoặc hoàn toàn xen kẽ với các giai đoạn bệnh tiến triển. Thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 7% số người bệnh là có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Mặc dù rất khó để điều trị dứt điểm nhưng về cơ bản, can thiệp điều trị kịp thời và có biện pháp chăm sóc hợp lý thì sẽ làm giảm được triệu chứng. Đồng thời hạn chế ảnh hưởng của bệnh và ngăn ngừa được những biến chứng nặng nề.
Tùy theo từng trường hợp mà tiên lượng của bệnh rối loạn lưỡng cực sẽ có sự khác biệt tương đối rõ rệt. Cụ thể như sau:
- Những người có độ tuổi phát bệnh sớm thường có tiên lượng xấu hơn so với người có độ tuổi phát bệnh muộn.
- Tiên lượng của bệnh có thể xấu đi ở các trường hợp bị rối loạn lưỡng cực có đi kèm với các triệu chứng loạn thần và không đáp ứng với thuốc Lithium.
- Các thể rối loạn lưỡng cực có chu kỳ nhanh (trên 4 pha mỗi năm) cũng sẽ có tiên lượng xấu hơn so với những trường hợp khác.
- Việc thăm khám muộn, chẩn đoán sai hay điều trị không phù hợp cũng có thể khiến cho bệnh tình chuyển biến xấu.
Thống kê cho thấy, có đến hơn 75% bệnh nhân rối loạn lưỡng cực tái phát sau một thời gian điều trị. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân tích cực chăm sóc và điều trị đều có khả năng ổn định được cuộc sống. Đồng thời phục hồi tốt các chức năng xã hội.
Bệnh rối loạn lưỡng cực có di truyền không?
Ngoài quan tâm đến vấn đề “rối loạn lưỡng cực có chữa được không?” thì nhiều người còn thắc mắc “bệnh lý này có di truyền không?”. Bởi cho đến nay nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này vẫn chưa được xác định rõ.
Mặc dù nguyên nhân gây bệnh rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được xác định rõ nhưng thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy có vai trò rất rõ rệt của yếu tố di truyền trong đó. Điều tra dịch tễ phát hiện, đa phần bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực đều sẽ có bố mẹ hoặc anh chị em ruột cũng mắc chứng bệnh này.
Các nhà khoa học cho rằng, có rất nhiều gen tham gia vào quá trình hình thành bệnh rối loạn lưỡng cực. Sự bất thường của các gen sẽ tạo ra khiếm khuyết. Khi có các yếu tố ngoại sinh tác động như thói quen sinh hoạt, giấc ngủ, căng thẳng,… thì gen gây bệnh sẽ kích hoạt. Từ đó dẫn đến sự thay đổi cảm xúc từ trầm cảm tới hưng cảm.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả thuộc Hiệp hội Genomics Psychiatric cho thấy, nhân đơn tế bào đa dạng của các gen CACNA1C và CACNB2 có liên quan tới quá trình cân bằng canxi tại tế bào thần kinh não bộ. Điều này có khả năng làm phát triển 5 chứng bệnh tâm thần, trong đó có rối loạn lưỡng cực.
Số liệu thống kê ghi nhận, nguy cơ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực tăng lên khoảng 10 – 25% nếu có bố hoặc mẹ mắc phải chứng bệnh này. Trong khi đó, nếu cả bố và mẹ cùng mắc bệnh thì tỷ lệ có thể lên tới 50%.
Cũng theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực ở các cặp sinh đôi dao động trong khoảng 40 – 70%. Những điều này càng thể hiện rõ, di truyền có một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh. Tuy nhiên không hẳn là yếu tố chủ đạo bởi nếu bệnh xảy ra hoàn toàn do di truyền thì ở các cặp sinh đôi giống nhau về mã gen tỷ lệ sẽ gần như là tuyệt đối.
Ngoài yếu tố di truyền thì cơ chế bệnh sinh của chứng rối loạn lưỡng cực còn có thể liên quan tới một số nguyên nhân khác. Tuy nhiên, chính vì liên quan đến gen nên quá trình điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Do đó bệnh có xu hướng tiến triển phức tạp và rất dễ tái phát.
Tìm hiểu thêm: Nên Khám Rối Loạn Lưỡng Cực Ở Đâu Tại Hà Nội?
Một số lưu ý khi bị rối loạn lưỡng cực
Như đã phân tích, rối loạn lưỡng cực là bệnh rối loạn khí sắc có xu hướng tiến triển mãn tính và rất dễ tái phát. Hơn nữa, nếu không sớm phát hiện và nghiêm túc điều trị thì bệnh có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống.
Nếu không may mắc phải chứng bệnh này, bạn cần chú ý đến một số vấn đề sau đây:
1. Thăm khám và điều trị
Khi bị rối loạn lưỡng cực, việc thăm khám và điều trị sớm là rất cần thiết. Mục tiêu của quá trình điều trị là kiểm soát triệu chứng, phòng tránh các hậu quả do hưng – trầm cảm gây ra và phục hồi các chức năng xã hội cho người bệnh.
Với những trường hợp bị rối loạn khí sắc chu kỳ thì thường sẽ được điều trị ngoại trú. Trong khi đó, rối loạn lưỡng cực I và II có thể sẽ cần điều trị nội trú trong các đợt cấp tính. Điều này giúp tránh nguy cơ tự sát và các hậu quả nghiêm trọng do các hành vi liều lĩnh gây ra.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào giai đoạn bệnh và những biểu hiện của triệu chứng để xây dựng phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực. Trong đó, sử dụng thuốc, sốc điện, trị liệu ánh sáng kết hợp với tâm lý trị liệu là những phương pháp phổ biến trong phác đồ.
Vấn đề của người bệnh là cần nghiêm ngặt tuân thủ các chỉ định của bác sĩ và luôn cố gắng trong điều trị. Sự hợp tác của người bệnh cùng với việc chẩn đoán và điều trị đúng đắn sẽ giúp bệnh tình sớm được kiểm soát. Từ đó giúp cải thiện triệu chứng, nâng cao sức khỏe và phục hồi chức năng xã hội tốt hơn.
2. Chế độ chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc điều trị y tế thì người bệnh cần đặc biệt chú ý đến chế độ chăm sóc tại nhà. Bởi đây cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị bệnh rối loạn lưỡng cực. Chăm sóc tốt giúp bệnh tình cải thiện nhanh hơn và hạn chế nguy cơ tái phát.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà cho người bệnh rối loạn lưỡng cực bao gồm:
- Chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo của bệnh và lập tức thông báo với bác sĩ khi gặp phải các dấu hiệu này. Phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ giúp kiểm soát nhanh chóng hơn. Đồng thời giảm thiểu các hậu quả đến sức khỏe và tài chính trong các cơn hưng – trầm cảm.
- Sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh liều hay ngưng thuốc khi bác sĩ chưa cho phép. Việc dừng thuốc một cách đột ngột có thể gặp phải hội chứng cai thuốc.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và các chất kích thích. Đối với các thuốc an thần chỉ dùng khi được bác sĩ cho phép. Việc lạm dụng thuốc hay các chất gây nghiện có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ tái phát bệnh. Hơn nữa còn làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng. Đặc biệt là thôi thúc mạnh mẽ suy nghĩ và hành vi tự sát.
- Chủ động chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân với gia đình và bạn bè để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết. Trong công việc, cần thành thật với cấp trên và đồng nghiệp để hạn chế phiền toái không đáng có.
- Xây dựng lối sống lành mạnh là vấn đề đặc biệt quan trọng. Chú ý ăn uống điều độ và cân bằng, ngủ đủ giấc, dành thời gian cho hoạt động thể chất. Ngoài ra nên trang bị cho bản thân các kỹ năng giúp giải tỏa căng thẳng.
Bài viết đã giải đáp rõ thắc mắc “Rối loạn lưỡng cực có chữa được không? Có di truyền không?”. Đồng thời đề cập đến một số vấn đề cần lưu ý khi không may mắc bệnh. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị căn bệnh nghiêm trọng này.
Có thể bạn quan tâm:
- Hậu Quả Của Chứng Rối Loạn Lưỡng Cực
- Top 5 Địa Chỉ Tư Vấn Và Điều Trị Trầm Cảm Tại TPHCM Uy Tín Nhất
- Trầm Cảm Ẩn Là Gì? Nguyên Nhân, Chẩn Đoán Và Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!