Hậu quả của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường gặp
Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh lên đến 1% dân số thế giới nhưng không phải ai cũng hiểu rõ hậu quả của chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Vì không ý thức được những ảnh hưởng của bệnh lý này nên bệnh nhân có xu hướng tự ngưng điều trị khi triệu chứng thuyên giảm và thiếu sự chủ động trong việc ngăn ngừa tái phát.
Tìm hiểu hậu quả của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực hay rối loạn cảm xúc lưỡng cực, bệnh hưng – trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc khá phổ biến. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự dao động lên xuống bất thường của khí sắc với biểu hiện chính là trầm cảm (khí sắc giảm thấp) và hưng cảm (khí sắc tăng cao). Biểu hiện của bệnh khá đa dạng và xuất hiện không theo bất cứ quy luật nào.
Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực thường có tâm trạng thay đổi thất thường, khi thì buồn bã, bi quan khi thì vui vẻ và lạc quan một cách thái quá. Những người xung quanh dễ dàng nhận thấy sự bất thường ở người bệnh nhưng bản thân bệnh nhân gần như không cảm thấy được điều bất thường. Mặc dù tỷ lệ người mắc bệnh chiếm đến 1% dân số thế giới nhưng các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này.
Rối loạn lưỡng cực là bệnh mãn tính, tiến triển dai dẳng và dễ tái phát. Đa phần người mắc chứng bệnh này đều phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa tái phát và giảm thiểu mức độ nặng của bệnh. Dù chưa thể điều trị dứt điểm nhưng các phương pháp đang được áp dụng có thể kiểm soát triệu chứng và quản lý bệnh hiệu quả.
Trên thực tế, rất nhiều người vẫn chưa ý thức được hậu quả của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Hiểu biết hạn chế dẫn đến tình trạng tự động ngưng thuốc khi triệu chứng thuyên giảm và thiếu sự chủ động trong việc ngăn ngừa bệnh tái phát. Những trường hợp không tuân thủ điều trị sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề sau:
1. Giảm hiệu suất lao động, học tập
Hậu quả đầu tiên của bệnh rối loạn lưỡng cực là giảm hiệu suất lao động và học tập. Trong giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân có khí sắc trầm buồn, chán nản và mất hứng thú với mọi thứ xung quanh. Ngoài ra, trầm cảm còn gây ức chế tư duy dẫn đến việc suy nghĩ chậm chạp, chậm tiếp thu, giảm trí nhớ,… Những tác động này khiến cho người bệnh khó có thể duy trì hiệu suất lao động, học tập và khó khăn để hoàn thành những công việc đơn giản như vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng,…
Trong các cơn hưng cảm, tư duy dồn dập và phân tán khiến người bệnh khó tập trung hoàn toàn cho việc học và công việc. Ngoài ra, bệnh nhân còn có xu hướng đưa ra những ý kiến có tính chất vĩ mô và đặt ra nhiều mục tiêu lớn nhưng đa phần đều không thể thực hiện. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự tín nhiệm của cấp trên và người bệnh sẽ phải đối mặt với những lời bàn tán như kẻ xu nịnh, thiếu trách nhiệm, thích thể hiện,…
Tuy nhiên, một số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có các cơn hưng cảm nhẹ có thể tăng hiệu suất học tập và lao động. Hưng cảm nhẹ giúp tăng khí sắc, tạo động lực, tinh thần luôn phấn chấn, lạc quan, tăng sự linh hoạt, nhạy bén trong lời nói và nâng cao sự sáng tạo. Những yếu tố này giúp người bệnh đạt được thành tích trong công việc cũng như cuộc sống. Do đó, không ít người bệnh muốn kéo dài trạng thái hưng cảm nhẹ.
2. Gia tăng mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ
Ngoài ảnh hưởng đến công việc, rối loạn lưỡng cực cũng gây ra nhiều phiền toái trong các mối quan hệ. Ở giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân giảm và mất đi sự quan tâm với mọi thứ – bao gồm cả bạn bè, người yêu, gia đình,… Ngoài ra, trong giai đoạn này, người bệnh cũng trở nên nhạy cảm và dễ khóc lóc nên sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
Trong trạng thái hưng cảm, sự ngạo mạn, kiêu căng và tự tin thái quá cũng khiến cho người bệnh đánh mất các mối quan hệ trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tâm trạng bất ổn, dễ kích thích cũng khiến bệnh nhân dễ cáu kỉnh, nóng nảy và có các hành vi gây hấn khi xảy ra tranh cãi.
Bệnh nhân trong cơn hưng cảm còn có các hành vi suồng sã, khiêu gợi với mục đích quyến rũ người khác. Những hành vi này khiến cho người bệnh trở thành người thiếu đứng đắn và không đáng tin cậy trong mắt những người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có xu hướng phô trương tình dục, phóng đại năng lực và ngoại hình của bản thân. Những hành vi này khiến người bệnh mất đi các mối quan hệ nếu những người xung quanh không hiểu rõ tình trạng sức khỏe của họ.
3. Đối mặt với hàng loạt vấn đề về tài chính
Một hậu quả khác của bệnh rối loạn lưỡng cực là các vấn đề về tài chính. Người mắc chứng bệnh này rất khó duy trì được hiệu suất lao động dẫn đến thu nhập thấp, không ổn định. Thậm chí một số người còn phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và phải làm các công việc chân tay mặc dù có năng lực, chuyên môn cao.
Các vấn đề tài chính không chỉ bắt nguồn từ việc giảm hiệu suất lao động mà còn do các hành vi liều lĩnh, thiếu suy nghĩ trong cơn hưng cảm như mua sắm không tính toán, đầu tư rủi ro, kinh doanh một cách bừa bãi, thiếu kế hoạch, đua xe, bài bạc,… Thực tế, rất nhiều bệnh nhân đã phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ từ các hành vi ngông cuồng của bản thân.
Ngoài ra, chi phí thăm khám và điều trị cũng khiến bệnh nhân gặp phải các vấn đề tài chính. Đây cũng là lý do người mắc chứng rối loạn lưỡng cực phải được trị liệu tâm lý để hiểu rõ hậu quả từ những hành vi liều lĩnh.
4. Gia tăng các vấn đề sức khỏe thể chất
Bệnh rối loạn lưỡng cực gây ra một loạt các vấn đề thể chất do sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh. Bên cạnh đó, cảm xúc cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan như tim mạch, tuyến giáp, tuyến nội tiết, gan, thận và các cơ quan tiêu hóa.
Người bị rối loạn lưỡng cực thường gặp phải các vấn đề sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn tiêu hóa, đau mỏi vai gáy,… Ngoài ra, triệu chứng của bệnh cũng khiến cho các bệnh mãn tính khởi phát và tiến triển nặng hơn như mề đay mãn tính, hội chứng ruột kích thích, viêm xoang và viêm mũi dị ứng.
Trong cơn trầm cảm, bệnh nhân thường ăn uống quá độ hoặc chán ăn, bỏ ăn, ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ. Tình trạng này dẫn đến suy nhược thần kinh, suy dinh dưỡng và một loạt những vấn đề thể chất khác.
Trong các cơn hưng cảm, người bệnh sẽ phải đối mặt với các bệnh xã hội, truyền nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn hoặc bị chấn thương, thương tật vĩnh viễn do hành vi đua xe. Ngoài ra, giảm nhu cầu ngủ và ăn trong giai đoạn này cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất.
5. Trở thành gánh nặng của gia đình
Rối loạn lưỡng cực không được điều trị sẽ dẫn đến một loạt các hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, nhiều hậu quả người bệnh không thể khắc phục và trở thành gánh nặng của gia đình.
Ở giai đoạn trầm cảm, một số bệnh nhân không thể lao động, sống tách biệt và giam mình trong phòng. Những trường hợp này thường sống phụ thuộc vào gia đình, mất đi động lực và hứng thú trong cuộc sống. Thậm chí một số người bệnh khó có thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày nếu không có sự hỗ trợ của người thân.
Trong giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân vẫn có thể làm việc nhưng hiệu suất không cao. Tuy nhiên, những hành vi liều lĩnh có thể để lại hậu quả nghiêm trọng như phá sản và vướng vào các khoản nợ khổng lồ. Những hậu quả nặng nề này sẽ tạo ra gánh nặng cho chính người bệnh và gia đình.
Các hậu quả trong giai đoạn hưng cảm được xem là yếu tố thúc đẩy trầm cảm tái phát và khiến cho mức độ trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi người bệnh sẽ dễ hình thành những suy nghĩ như bản thân là người vô dụng, kém cỏi khiến cho gia đình lâm vào cảnh nợ nần và túng thiếu. Những suy nghĩ này thúc đẩy người bệnh nghĩ đến cái chết và đôi khi tự kết liễu với suy nghĩ sự ra đi của bản thân sẽ tốt hơn cho những người xung quanh.
6. Tăng tỷ lệ nghiện rượu và chất kích thích
Rối loạn lưỡng cực có thể gia tăng tỷ lệ nghiện rượu bia và chất kích thích. Trong các cơn hưng cảm, khí sắc tăng cao khiến người bệnh gia tăng các hành động bản năng như bài bạc, đua xe, đầu tư rủi ro, quan hệ tình dục bừa bãi và sử dụng các chất kích thích, rượu bia,…
Trong khi đó, ở giai đoạn trầm cảm, người bệnh tìm đến rượu bia và chất kích thích để thoát khỏi sự đau khổ và cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng. Tuy nhiên, sử dụng rượu bia chỉ khiến người bệnh quên đi nỗi đau tạm thời. Bản chất của rượu bia và các chất kích thích là gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Do đó, các thói quen không lành mạnh này có thể khiến cho các triệu chứng của trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Thực tế cho thấy, những trường hợp bị rối loạn cảm xúc nói chung và rối loạn lưỡng cực nói riêng đều có tiên lượng xấu nếu đi kèm với nghiện rượu bia và chất kích thích. Do đó trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được giáo dục về hậu quả của các thói quen này và hướng đến lối sống lành mạnh.
7. Tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần khác
Rối loạn lưỡng cực kéo dài và không được kiểm soát có thể gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn ăn uống và rối loạn hoang tưởng. Những trường hợp mắc đồng thời các bệnh tâm thần đa phần đều có tiên lượng xấu, bệnh hay tái phát và tiến triển dai dẳng gần như suốt đời.
8. Gián tiếp làm giảm tuổi thọ
Rối loạn lưỡng cực gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe và làm nghiêm trọng các bệnh lý sẵn có. Do đó, người mắc chứng bệnh này thường có tuổi thọ thấp hơn do ảnh hưởng của bệnh tật. Ngoài ra, giảm tuổi thọ còn liên quan đến các hành vi liều lĩnh như đua xe và quan hệ tình dục không an toàn.
9. Tự sát – Hậu quả nghiêm trọng của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Tự sát được xem là hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh rối loạn lưỡng cực. Hành vi này thường xảy ra trong các cơn trầm cảm. Khí sắc giảm thấp khiến cho người bệnh buồn bã, bi quan, mất hứng thú và quan tâm với mọi thứ xung quanh. Bên cạnh đó, những suy nghĩ tiêu cực về bản thân cũng khiến người bệnh giảm lòng tự trọng, cho rằng bản thân vô dụng, kém cỏi và đã phạm phải các tội lỗi nặng nề.
Nguy cơ tự sát tăng lên đáng kể nếu nghiện rượu bia, dùng chất kích thích và mắc đồng thời với các rối loạn tâm thần khác. Bên cạnh đó, các hậu quả do hành vi liều lĩnh trong giai đoạn hưng cảm cũng là yếu tố thúc đẩy ý nghĩ và hành vi tự sát.
Lời khuyên cho người bị rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực (bệnh hưng – trầm cảm) là một dạng rối loạn cảm xúc có khuynh hướng mãn tính, tiến triển dai dẳng và dễ tái phát. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị bệnh lý này dứt điểm nhưng về cơ bản có thể cải thiện bệnh và nâng cao sức khỏe. Sau khi kiểm soát các cơn cấp tính, bệnh nhân phải điều trị duy trì suốt đời để hạn chế tỷ lệ tái phát và giảm mức độ nghiêm trọng trong các đợt bệnh bùng phát.
Không ít người bệnh cảm thấy bi quan và tuyệt vọng khi bản thân bị chẩn đoán mắc chứng hưng trầm cảm. Những lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp người bệnh vững vàng tâm lý và tích cực hơn trong việc điều trị:
- Dù chưa thể điều trị dứt điểm nhưng sử dụng thuốc đều đặn và can thiệp liệu pháp tâm lý có thể kiểm soát triệu chứng, giảm thiểu tỷ lệ tái phát và mức độ nghiêm trọng của chứng rối loạn lưỡng cực.
- Bệnh nhân nên chủ động chia sẻ với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp tình trạng sức khỏe của bản thân để được thấu hiểu, đồng cảm. Ngoài ra, những người xung quanh cũng sẽ hỗ trợ ngăn chặn hậu quả từ các hành vi ngông cuồng trong trạng thái hưng cảm.
- Cố gắng duy trì lối sống khoa học và lành mạnh để nâng đỡ thể trạng và giữ cho bản thân tinh thần tốt nhất.
- Không dùng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
- Tái khám thường xuyên để được đánh giá tình trạng sức khỏe và can thiệp thêm các phương pháp điều trị chuyên sâu nếu cần thiết.
- Tham gia vào các hội nhóm và gặp gỡ với những người bị rối loạn lưỡng cực để có thể thoải mái chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ những người khác để quản lý bệnh tốt hơn.
- Học cách giải tỏa stress và những cảm xúc tiêu cực. Bởi căng thẳng chính là yếu tố kích thích hưng cảm và trầm cảm tái phát.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hậu quả của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Hiểu được những ảnh hưởng sâu sắc của bệnh lý này sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn trong việc điều trị và ngăn ngừa tình trạng tái phát. Bên cạnh đó, trang bị kiến thức cũng giúp những người xung quanh hiểu hơn tâm lý của người bệnh, từ đó tránh thái độ kỳ thị và có cách ứng xử phù hợp hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn khí sắc là gì? Biểu hiện và cách điều trị
- Rối loạn cảm xúc có chữa được không? Có tự khỏi không?
- Rối loạn cảm xúc theo mùa: Nguyên nhân và cách chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!