Tìm Hiểu Phác Đồ Điều Trị Chứng Rối Loạn Cảm Xúc Lưỡng Cực

Phác đồ điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực được xây dựng dựa theo từng dạng bệnh và biểu hiện của các triệu chứng. Trong đó, mục tiêu chính vẫn là cải thiện triệu chứng, phục hồi các chức năng xã hội và giúp cho người bệnh ổn định lại cuộc sống.

phác đồ điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Tìm hiểu phác đồ điều trị chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực giúp người bệnh luôn có được sự chủ động

Tổng quan về chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder) hay còn được gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay rối loạn hưng – trầm cảm. Đây là một dạng rối loạn sắc khí gây ra sự thay đổi cực độ của cảm xúc. Bao gồm sự xuất hiện xen kẽ giữa cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) và cảm xúc giảm thấp (trầm cảm). Tuy nhiên cũng có khi xuất hiện cả 2 cảm xúc này trong cùng một giai đoạn nhưng sẽ có một cực chiếm ưu thế hơn cực còn lại.

Số liệu thống kê cho thấy, chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số trên toàn thế giới. Căn bệnh này thường khởi phát ở tuổi vị thành niên hoặc người trẻ trong giai đoạn 20 – 30 tuổi. Nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực là cân bằng ở cả hai giới.

Dựa theo triệu chứng lâm sàng mà các nhà nghiên cứu chia rối loạn cảm xúc lưỡng cực ra làm nhiều dạng khác nhau. Hiện tại, căn bệnh này được chia thành 3 dạng bao gồm rối loạn cảm xúc lưỡng cực I, II và rối loạn khí sắc chu kỳ. Phác đồ điều trị từng dạng rối loạn lưỡng cực cũng sẽ có điểm khác biệt.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Chứng rối loạn lưỡng cực không được điều trị sớm có thể làm giảm hiệu suất học tập, lao động và tương tác xã hội. Đặc biệt căn bệnh này còn làm tăng nguy cơ tự tử, nhất là trong các cơn trầm cảm.

Đến nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định cụ thể. Hơn nữa việc điều trị cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều không thể điều trị khỏi hoàn toàn, người bệnh cần phải được điều trị củng cố trong suốt cuộc đời.

Phác đồ điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực I

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực I được xác định khi xuất hiện sự hiện diện đầy đủ của một giai đoạn hưng cảm điển hình. Trước hoặc sau các cơn hưng cảm có thể là các cơn trầm cảm hay hưng cảm nhẹ. Trong cơn hưng cảm, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng loạn thần đi kèm.

Điều trị rối loạn lưỡng cực I cần đạt được một số mục đích sau:

  • Cắt cơn rối loạn cảm xúc hiện tại (có thể là hưng cảm, trầm cảm hoặc hỗn hợp)
  • Ngăn chặn tình trạng bệnh tái phát
  • Phục hồi chức năng xã hội cho người bệnh

Các trường hợp phải nhập viện bao gồm:

  • Bệnh nhân có suy nghĩ và hành vi tự sát (cơn trầm cảm hoặc cơn hỗn hợp)
  • Bệnh nhân có hành vi gây nguy hiểm cho những người xung quanh (cơn hưng cảm)
  • Bệnh nhân rối loạn cảm xúc ở mức độ nặng (không có loạn thần hoặc có loạn thần kèm theo)
  • Bệnh nhân chống đối điều trị thì cần cưỡng bức vào bệnh viện để điều trị
  • Các bệnh nhân rối loạn cảm xúc kháng thuốc (cần vào bệnh viện để làm sốc điện)
  • Bệnh nhân gặp phải nhiều tác dụng phụ của thuốc thì cần vào bệnh viện để điều chỉnh các tác dụng phụ này
  • Bệnh nhân có nhiều bệnh nền nặng
điều trị rối loạn lưỡng cực
Trong một số trường hợp, người bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực I cần nhập viện để điều trị

Phác đồ điều trị rối loạn lưỡng cực I thường có phần phức tạp hơn rối loạn lưỡng cực 2. Cụ thể như sau:

1. Điều trị tấn công

Phác đồ điều trị tấn công cho chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực I sẽ được xây dựng dựa theo từng giai đoạn của bệnh.

GIAI ĐOẠN TRẦM CẢM:

Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống trầm cảm đa vòng, chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI). Trường hợp thuốc không đáp ứng thì bác sĩ sẽ yêu cầu sốc điện.

– Thuốc an thần:

Khác với bệnh trầm cảm thông thường, giai đoạn trầm cảm của chứng rối loạn lưỡng cực I đáp ứng rất tốt với các thuốc an thần thế hệ mới. Các thuốc an thần được dùng có thể là:

  • Quetiapine (seroquel): Dùng với liều 300mg/ ngày.
  • Olanzapine: Dùng với liều 10mg/ ngày.

Trường hợp sau 3 tuần điều trị bằng thuốc an thần nhưng triệu chứng trầm cảm không giảm đáng kể (quá 30% số triệu chứng) thì cần kết hợp với thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, trong một số trường hợp sau, bệnh nhân cũng cần kết hợp thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần:

  • Trầm cảm có biểu hiện loạn thần
  • Trầm cảm có suy nghĩ và hành vi tự sát
  • Trầm cảm từ chối việc ăn uống
  • Trầm cảm không tiếp xúc
  • Giai đoạn trầm cảm xuất hiện nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

– Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA):

Hiệu quả của nhóm thuốc này có liên quan chặt chẽ với ức chế thụ cảm thể serotonin và norepinephrine. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng chỉ định tốt hơn SSRI trong các trường hợp trầm cảm đi kèm với nhiều triệu chứng cơ thể. Chẳng hạn như mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, đau bụng, đau khớp,…

Một số thuốc chống trầm cảm 3 vòng hay dùng bao gồm:

  • Amitriptylin (elavil): Liều dùng là khoảng 75 – 200mg/ ngày, liều dưới 75mg thường không có tác dụng chống trầm cảm. Liều trung bình là 100mg/ ngày, chia làm 2 lần (sáng, tối).
  • Clomipramin (anafranil): Dạng viên nén 25mg và 75mg. Liều dùng 50 – 150mg/ ngày, liều trung bình là 75mg/ ngày. Loại thuốc này có thời gian bán hủy dài nên có thể uống 1 – 2 lần/ ngày.
  • Tianeptine (stablon): Có sẵn ở dạng viên nén 12.5mg, uống 3 viên/ ngày (liều tấn công bằng với liều củng cố). Nên uống vào lúc 7h sáng, 3h chiều và 10h đêm.

Hiệu quả của TCA thường xuất hiện sau khoảng 2 – 4 tuần. Trong giai đoạn này, tuyệt đối không thay đổi thuốc chống trầm cảm. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm 3 vòng.

Nguyên nhân không đáp ứng với điều trị có thể là:

  • Chẩn đoán chưa chính xác
  • Liều thuốc quá thấp
  • Lựa chọn thuốc không tốt
  • Người bệnh không hợp tác điều trị

Trong các trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị, bác sĩ cần:

  • Khám lại cho người bệnh
  • Phân tích lại các số liệu (bao gồm cả nồng độ thuốc trong huyết tương)
  • Thay thuốc chống trầm cảm và cân nhắc dùng sốc điện nếu cần

– Thuốc chống trầm cảm đa vòng:

Trong điều trị rối loạn lưỡng cực giai đoạn trầm cảm thì thuốc chống trầm cảm đa vòng có hiệu quả tương đương với TCA. Nhưng nó ít tác dụng phụ và có khả năng dung nạp tốt hơn.

Tác dụng phụ chủ yếu là an dịu, thuận lợi cho người bệnh mất ngủ nhiều. Thuốc ít độc với cơ tim nên có thể sử dụng cho người bệnh cao tuổi, có bệnh tim hay cao huyết áp.

Thuốc chống trầm cảm đa vòng
Mirtazapine là thuốc chống trầm cảm đa vòng có thể được dùng điều trị rối loạn lưỡng cực

Một số loại thuốc chống trầm cảm đa vòng được dùng phổ biến là:

  • Mirtazapine (remeron, tzap, tazimed, noxibel): Có sẵn ở dạng viên nén 15mg và 30mg. Liều dùng 15 – 45mg/ ngày. Trung bình mỗi ngày dùng 30mg.
  • Venlafaxine (effexor, velift): Liều dùng khoảng 50 – 300mg/ ngày. Liều trung bình là 100mg/ ngày. Khởi đầu với 37.5mg/ ngày, uống ngay sau bữa ăn tối. Cứ sau 5 ngày có thể tăng liều thêm 37.5mg cho tới khi đạt liều điều trị.

– Chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI):

Đây là thuốc chống trầm cảm thế hệ mới có tác động chọn lọc trên hệ serotonin. Hầu như SSRI không có tác dụng trên các hệ dẫn truyền thần kinh khác. Do đó thuốc có khả năng dung nạp tốt và rất ít tác dụng phụ.

Một số loại thuốc SSRI có thể được dùng bao gồm:

  • Fluoxetin (prozac, oxeflu, oxedep): Có sẵn ở dạng viên nén hoặc viên nhộng 20mg. Liều dùng 20 – 40mg/ ngày, uống 1 lần duy nhất sau bữa sáng.
  • Fluvoxamine (luvox): Có sẵn dạng viên nén 100mg. Liều dùng 100 – 200mg/ ngày, có thể chia làm 1 – 2 lần uống.
  • Paroxetin (pharmapar, wicky, xalexa): Thuốc có dạng viên nén 20mg và 25mg. Liều dùng 20 – 40mg/ ngày. Uống 1 lần duy nhất vào buổi tối.
  • Sertraline (zoloft, serenata, utralene, zosert): Viên nén 50mg và 100mg. Liều dùng 50 – 200mg/ ngày, liều trung bình là 100mg/ ngày. Có thể dùng 1 liều duy nhất trong ngày.
  • Citalopram (citopam): Liều dùng 60mg/ ngày. Có thể uống 1 lần duy nhất sau bữa tối.

– Sốc điện:

Ở giai đoạn trầm cảm của chứng rối loạn lưỡng cực, bác sĩ có thể cân nhắc áp dụng phương pháp sốc điện cho các trường hợp sau:

  • Trầm cảm có ý định tự sát
  • Trầm cảm từ chối ăn uống
  • Trầm cảm căng trương lực
  • Trầm cảm có loạn thần
  • Trầm cảm kháng thuốc
  • Các trường hợp dị ứng thuốc chống trầm cảm

Có thể thực hiện sốc điện lưỡng cực hoặc đơn cực, cổ điển hay có gây mê tĩnh mạch bằng propofol. Người bệnh thường sẽ phải làm sốc điện từ 8 – 12 lần, thực hiện hằng ngày hoặc cách ngày.

Tuyệt đối không áp dụng sốc điện cho trường hợp trầm cảm có bệnh thực tổn kết hợp. Chẳng hạn như hô hấp, tim mạch, viêm não, tổn thương não do chấn thương,…

GIAI ĐOẠN HƯNG CẢM VÀ HỖN HỢP:

Ở giai đoạn này cần phải dùng kết hợp giữa thuốc an thần và thuốc chỉnh khí sắc. Trong giai đoạn này không sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Đồng thời cần hạn chế áp dụng liệu pháp tâm lý. Trường hợp muốn áp dụng thì bắt buộc phải kết hợp với thuốc chỉnh khí sắc và thuốc an thần. Benzodiazepin cũng có thể hữu ích trong giai đoạn đầu của bệnh.

– Thuốc chỉnh khí sắc:

Nhóm thuốc này được đánh giá là mang lại hiệu quả điều trị tương đối tốt cho cơn hưng cảm và cơn hỗn hợp. Sau khoảng 6 – 8 tuần điều trị thì hiệu quả của thuốc chỉnh khí sắc có thể tương đương với thuốc an thần.

Ngoài ra, thuốc chỉnh khí sắc còn có công dụng điều trị dự phòng. Đặc biệt các loại thuốc này thường không có tác dụng phụ như co cứng cơ cấp, ngoại tháp, loạn động muộn,…

thuốc chỉnh khí sắc Lithium
Thuốc chỉnh khí sắc Lithium mang lại hiệu quả tốt trong điều trị rối loạn lưỡng cực giai đoạn hưng cảm và hỗn hợp

Các thuốc chỉnh khí sắc được dùng phổ biến bao gồm:

  • Lithium: Liều trung bình là 20mg/kg thể trọng/ngày. Bệnh nhân nặng 60kg có thể dùng liều 1200 mg LiHCO3.
  • Valproat (valparin): Liều an toàn trong nghiên cứu là 20 – 30 mg/kg khối lượng cơ thể mỗi ngày. Trong lâm sàng, bệnh nhân có thể dùng 800 – 1200 mg/ ngày (chia đều làm 2 lần sáng và tối).
  • Carbamazepin: Liều dùng 20mg/kg khối lượng cơ thể mỗi ngày. Nên chia đều ra làm 2 lần uống (sáng, tối).
  • Oxcarbazepin: Liều dùng hàng ngày là 900 – 1200mg, chia đều làm 2 lần (sáng, tối).
  • Lamotrigine: Liều trung bình là 200mg/ ngày, nên chia đều làm 2 lần mỗi ngày.
  • Topiramate: Liều trung bình 200mg/ ngày, chia đều làm 2 lần mỗi ngày.

– Thuốc an thần:

Nhóm thuốc này có tác dụng cắt cơn hưng cảm tốt và nhanh chóng hơn thuốc chỉnh khí sắc. Thuốc an thần có thể được sử dụng theo đường tiêm để kiểm soát nhanh tình trạng kích động tâm thần vận động của cơn hưng cảm. Liều lượng và cách dùng tương tự như ở chứng tâm thần phân liệt.

Các thuốc an thần cổ điển được dùng có thể bao gồm:

  • Haloperidol: Dạng ống tiêm 5mg/1ml sử dụng tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm bắp sâu. Dạng viên nén 1mg, 1.5mg và 5mg. Liều dùng 1.5 – 120mg/ ngày. 3 – 5 ngày đầu cần phải sử dụng thuốc tiêm.
  • Aminazin: Dạng viên 25mg. Dạng ống tiêm 25mg/2ml, chỉ được tiêm bắp sâu và không tiêm tĩnh mạch dưới bất cứ hình thức nào. Liều dùng 300 – 500mg/ ngày.
  • Levomepromazin (tisercin): dạng đóng viên 25mg, dạng ống 25mg/1ml chỉ được tiêm bắp. Liều dùng 150 – 300mg/ ngày.

Một số thuốc an thần mới có thể được dùng bao gồm:

  • Olanzapin (zyprexa, zapnex, oleanzrapitab, fonzepin…): Có sẵn ở dạng đóng viên 5mg, 7.5mg và 10mg. Liều dùng thông thường là 5 – 20mg/ ngày, liều trung bình là 10mg/ ngày. Uống vào buổi tối trước giờ đi ngủ.
  • Amisulprid (solian): Thuốc này có sẵn ở dạng viên nén 200mg và 400mg. Liều dùng cho triệu chứng dương tính là 800mg/ ngày. Liều tối đa là 1200mg/ ngày. Nên chia đều làm 2 lần, uống vào sáng và tối.
  • Risperidol (respidon, sizodon): Dạng viên nén 1mg, 2mg và 4mg. Liều dùng thông thường là 4 – 8mg/ ngày. Liều trung bình là 6mg/ ngày. Nên chia đều làm 2 lần (sáng và tối).

– Sốc điện:

Đây là liệu pháp điều trị rất hiệu quả và an toàn cho cơn hỗn hợp và cơn hưng cảm. Với đa số các trường hợp thì chỉ sau 4 – 6 liệu trình sốc điện, cơn hưng cảm và cơn hỗn hợp sẽ được khống chế.

Sốc điện được dùng trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có cơn hưng cảm mạnh, kháng thuốc (đã sử dụng cả 2 loại thuốc an thần khác nhóm nhưng không hiệu quả)
  • Bệnh nhân có hành vi tự sát (cơn hỗn hợp)
  • Bệnh nhân từ chối ăn (cơn hỗn hợp)
  • Bệnh nhân có căng trương lực
  • Bệnh nhân kích động mạnh mẽ, không thể khống chế ngay bằng thuốc an thần
  • Các trường hợp bị dị ứng thuốc
Phương pháp sốc điện chữa rối loạn lưỡng cực
Phương pháp sốc điện chữa rối loạn lưỡng cực thường được cân nhắc khi bệnh nhân bị kháng thuốc điều trị

Cách làm, liều lượng và tác dụng phụ của sốc điện khi điều trị cơn hưng cảm và cơn hỗn hợp giống với điều trị trầm cảm bằng sốc điện. Bác sĩ có thể áp dụng sốc điện có gây mê nhằm hạn chế cơn co giật của người bệnh trong thời gian thực hiện.

2. Điều trị củng cố

Rối loạn lưỡng cực I là bệnh mãn tính và hay tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, căn bệnh này có xu hướng tiến triển suốt đời. Trên thực tế chỉ có khoảng 7% số bệnh nhân có khả năng khỏi bệnh hoàn toàn.

Việc điều trị củng cố cho bệnh rối loạn lưỡng cực I sau khi điều trị tấn công là rất cần thiết. Nó giúp ngăn ngừa nguy cơ bùng phát triệu chứng và đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.

– Điều trị củng cố sau cơn trầm cảm:

  • Tiếp tục dùng thuốc chống trầm cảm trong ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên giảm liều bằng 1/2 hoặc 1/3 liều điều trị tấn công. Kết hợp với dùng thuốc chỉnh khí sắc, liều dùng là 100 – 150mg/kg cơ thể.
  • Sau đó từ từ giảm liều thuốc chống trầm cảm (cứ 1 tuần sẽ giảm 1/4 liều). Tuy nhiên vẫn giữ nguyên liều dùng thuốc chỉnh khí sắc. Trường hợp người bệnh có các triệu chứng trầm cảm quay lại thì lại phải tiếp tục sử dụng thuốc chống trầm cảm.
  • Khi đã ngừng sử dụng thuốc chống trầm cảm thì vẫn điều trị tiếp tục với thuốc chỉnh khí sắc.

– Điều trị củng số sau cơn hưng cảm hoặc pha trộn:

Vẫn tiếp tục sử dụng các thuốc chỉnh khí sắc. Tuy nhiên sẽ giảm liều chỉ bằng 1/2 cho đến 2/3 liều dùng tấn công. Cụ thể như sau:

  • Valproat: Dùng với liều 100 – 150mg/kg khối lượng cơ thể.
  • Carbamazepin: Dùng với liều 100 – 150mg/kg khối lượng cơ thể.
  • Oxcarbazepin: Dùng với liều 100 – 150mg/kg khối lượng cơ thể.

Phác đồ điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực II

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực II được xác định khi có sự hiện diện của ít nhất một giai đoạn trầm cảm chủ yếu kết hợp với ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ. Đồng thời hoàn toàn không xuất hiện giai đoạn hưng cảm đầy đủ.

Trên thực tế, rối loạn lưỡng cực II nghiêng về trầm cảm nhiều hơn nên thường ảnh hưởng chủ yếu tới nữ giới. Phác đồ điều trị cụ thể như sau:

1. Điều trị tấn công

Như đã đề cập, rối loạn lưỡng cực II đặc trưng bởi các cơn trầm cảm chủ yếu kết hợp với cơn hưng cảm nhẹ. Do cơn hưng cảm nhẹ hầu như không gây ảnh hưởng tới lao động và sinh hoạt nên không cần điều trị. Như vậy, điều trị tấn công với rối loạn cảm xúc lưỡng cực II về cơ bản là điều trị cơn trầm cảm.

Chỉ đặt vấn đề điều trị cho người bệnh trong giai đoạn hưng cảm nhẹ khi tình trạng này gây ra nhiều thiệt hại. Chẳng hạn như hưng phấn tình dục nên dễ quan hệ tình dục bừa bãi, tiêu quá nhiều tiền,… Các bệnh nhân này sẽ được điều trị bằng thuốc chỉnh khí sắc hoặc thuốc an thần thế hệ mới.

Phác đồ điều trị tấn công cho chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực II bao gồm:

– Thuốc chống trầm cảm:

Sau khi kết thúc giai đoạn trầm cảm chủ yếu của rối loạn cảm xúc lưỡng cực II thì người bệnh thường bắt đầu ngay 1 cơn hưng cảm nhẹ. Do đó, cần kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và một số thuốc chỉnh khí sắc như lithium, carbamazephine, valproate,… để điều trị.

Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm đa vòng (mirtazapine), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptylin, tianeptine, chomipratin), chất ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI).

Liều dùng và cách dùng cụ thể của từng loại thuốc sẽ tương tự như phác đồ điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực I. Thời gian điều trị tấn công thường là 8 tuần. Sau đó người bệnh sẽ phải tiếp tục thực hiện điều trị củng cố.

thuốc chữa rối loạn lưỡng cực II
Sử dụng thuốc chống trầm cảm là phương pháp điều trị chính cho chứng rối loạn lưỡng cực II

– Sốc điện:

Sốc điện được đánh giá là biện pháp điều trị rất an toàn và hiệu quả đối với cơn trầm cảm của rối loạn cảm xúc lưỡng cực II. Ngày nay, phương pháp này đã có cải tiến dần và vẫn còn được sử dụng rất rộng rãi. Có thể thực hiện sốc điện dưới gây mê tĩnh mạch hoặc sốc điện có tiền mê.

Sốc điện được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có suy nghĩ và hành vi tự sát
  • Bệnh nhân từ chối, không chịu ăn uống
  • Trầm cảm có loạn thần hoặc căng trương lực
  • Các trường hợp trầm cảm bị kháng thuốc
  • Các trường hợp bị dị ứng với thuốc chống trầm cảm

Không thực hiện sốc điện cho các đối tượng sau:

  • Trẻ em dưới 15 tuổi
  • Trầm cảm có bệnh thực tổn kết hợp

Kỹ thuật thực hiện:

  • Có thể làm sốc điện đơn cực hoặc lưỡng cực
  • Sử dụng dòng điện dạng xung có hiệu điện thế 80 – 120V
  • Thời gian 0.5 – 1.5 giây
  • Cường độ dòng điện khoảng 2mA

Số lần thực hiện:

  • Có thể thực hiện khoảng 8 – 12 lần
  • Làm hằng ngày hay cách ngày đều được

Phương pháp sốc điện có thể được sử dụng kết hợp với thuốc chỉnh khí sắc và thuốc chống trầm cảm để chống tái phát. Nên áp dụng sốc điện gây mê tĩnh mạch bằng propofol nhằm hạn chế cơn co giật.

2. Điều trị củng cố

Điều trị củng cố cho chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực II sẽ được bắt đầu ngay sau khi kết thúc giai đoạn điều trị tấn công. Mục đích là giúp chống tái phát và phục hồi chức năng cho người bệnh.

Bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực II cần phải được điều trị củng cố với thuốc chống trầm cảm và thuốc chỉnh khí sắc. Liều dùng của cả 2 loại thuốc này cần bằng 1/2 đến 2/3 liều dùng thuốc ở giai đoạn tấn công.

Một số loại thuốc loại chống trầm cảm mới thì liều dùng thuốc củng cố có thể bằng liều tấn công. Tất cả bệnh nhân đều cần phải điều trị củng cố kéo dài suốt cuộc đời.

Tiên lượng và biến chứng

Rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn khí sắc mãn tính. Căn bệnh này có tính chất tiến triển dai dẳng và rất dễ tái diễn. Số liệu thống kê ghi nhận, có hơn 75% người bệnh tái phát các triệu chứng sau một thời gian điều trị.

Tuy nhiên, so với bệnh tâm thần phân liệt thì chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ dần trở nên ổn định theo thời gian. Hầu hết bệnh nhân tích cực điều trị và chăm sóc sẽ ổn định được cuộc sống. Đồng thời phục hồi được các chức năng xã hội.

Trên thực tế, người bệnh rối loạn lưỡng cực phải đối mặt với tỷ lệ tử vong tương đối cao. Nguyên nhân là do hành vi tự hại, tự sát, các bệnh cơ thể đi kèm cũng như các hành vi ngông cuồng trong giai đoạn hưng cảm.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Phác đồ điều trị chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực có mục đích chính là làm giảm triệu chứng lâm sàng và phục hồi các chức năng xã hội cho người bệnh. Ngoài sự cố gắng của người bệnh thì người thân cũng cần tìm hiểu phác đồ này để hỗ trợ người bệnh được tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *